Friday 26 June 2009

Timeless Dhamma

Taken form Ven Dhammika's blog (http://sdhammika.blogspot.com/ , 25 June 2009):

"Don’t practice Tibetan Buddhism, or Thai Buddhism, or Japanese Buddhism [*]. Practice the Buddhism that is not culturally specific, the Dhamma that is timeless, that transcends culture and that is applicable everywhere and always."

-------

[*] As a Buddhist of Vietnamese origin, I would like to add "Vietnamese Buddhism" here:

"Don’t practice Tibetan Buddhism, or Thai Buddhism, or Japanese Buddhism, or Vietnamese Buddhism... Practice the Buddhism that is not culturally specific, the Dhamma that is timeless, that transcends culture and that is applicable everywhere and always."

Wednesday 24 June 2009

Suy nghĩ về dịch thuật

Nguồn: http://vietnamnet.vn, 18/01/2006

Suy nghĩ về dịch thuật
Cao Xuân Hạo

(VietNamNet) - Xét về lý tưởng, sự thay đổi duy nhất mà người dịch có quyền thực hiện là ngôn ngữ, là thứ tiếng mà nguyên bản dùng để biểu đạt những ý nghĩa mà mình muốn biểu đạt, nhiệm vụ của anh ta chính là dùng một thứ tiếng khác để truyền đạt tất cả những cái gì đã được truyển đạt bằng thứ tiếng kia.
*

Năm 2004 có mấy cuộc hôi nghị về dịch thuật tâp hợp những chuyên gia có uy tín trong ngành này, phần lớn đều lấy ba tiêu chuẩn TÍN, ĐẠT, NHà làm căn cứ để thảo luận, trao đổi. Hình như phần lớn đều chỉ băn khoăn về chữ NHà - một nỗi băn khoăn mà chúng tôi nghĩ là hoàn toàn chính đáng, vì chữ NHà hình như chỉ thích hợp với một văn phong nhất định, và khó lòng có thể nói rằng “phàm là một bản dịch thì nhất thiết phải có cái văn phong được gọi là “NHÔ. Nếu nguyên bản không “nhã”, mà lại gồ ghề thô lỗ, thì bản dịch “nhã” chắc chắn là sẽ không thực hiện được chữ “tín”, và sẽ nảy sinh một mâu thuẫn đối kháng ngay trong nội bộ của tiêu chuẩn được đề ra.

Nhưng như thế vẫn chưa hết. Ngay cả chữ ĐẠT cũng có một nội dung rất khó hiểu, khiến ta phải tìm xem những người lấy chữ ĐẠT làm tiêu chuẩn, họ hiểu chữ TÍN như thế nào. Nếu bản dịch hoàn toàn trung thành với nguyên bản (TÍN), nhưng lại rất dở, trong khi nguyên bản là một kiệt tác của văn học thế giới, thì lẽ nào có thể nói rằng đó là một bản dịch trung thành? Người đọc bình thường chắc hẳn phải nẩy ra cái ý nghi ngờ rằng người đặt ra tiêu chuẩn quan niệm chữ TÍN theo cái nghĩa là“sát từng chữ”. Nhưng bất cứ người nào đã học qua một ngoại ngữ, dù chỉ trong buổi học đầu tiên, cũng đã thấy ngay rằng dịch sát từng chữ là cách tốt nhất để dịch sai hoàn toàn [i].

Dĩ nhiên mỗi người có thể có một hay nhiều bí quyết riêng để dịch cho đúng và cho hay theo thẩm năng của họ... Và quan trọng hơn nữa là mỗi người có thể tự cho mình những cái quyền riêng trong cách hiểu, đánh giá và xử lý một văn bản mà mình chọn. Chúng tôi có biết một dịch giả nổi tiếng, có mấy mươi bản dịch được xuất bản nhiều lần, đánh giá một nhà văn như Lev Tolstoy là “chưa biết viết văn” và tự ban cho mình cái quyền bỏ từng đoạn dài mấy chục trang của tác giả, đồng thời tự cho mình cái quyền không hiểu tác giả muốn nói gì trong hàng trăm trang khác!

Trong bài này chúng tôi muốn tự bó hẹp trong phạm vi phiên dịch (translation) hiểu theo nghĩa hẹp, gạt ra ngoài mọi công trình sáng tạo, dù vĩ đại đến đâu. Vì vậy trước hết chúng tôi cố tìm một cách định nghĩa có cơ may được nhiều người thừa nhận nhất. Đó là cách định nghĩa của M. Fyodorov (1950): “Dịch là chuyển đạt một văn bản từ một ngôn ngữ này (nguồn) sang một ngôn ngữ khác (đích) một cách trung thành trong chừng mực có thể, cả về nội dung lẫn về hình thức.” Vậy, xét về lý tưởng, sự thay đổi duy nhất mà người dịch có quyền thực hiện là ngôn ngữ, là thứ tiếng mà nguyên bản dùng để biểu đạt những ý nghĩa mà mình muốn biểu đạt, và nhiệm vụ của anh ta chính là dùng một thứ tiếng khác để truyền đạt tất cả những cái gì đã được truyển đạt bằng thứ tiếng kia.

Vậy “những cái đã được truyền đạt” mà người dịch có bổn phận truyền đạt lại một cách trung thành ấy (chữ TÍN, và chỉ một chữ TÍN mà thôi!), là những cái gì? Và người dịch phải có những cách thức nào, phải thực hiện những thao tác nào để làm tròn cái bổn phận ấy? Dĩ nhiên, trả lời câu hỏi này không đơn giản chút nào, vì ngôn ngữ là một thực thể hết sức đa diện, khó lòng có thể phân tích thành một số khía cạnh hữu hạn. Sau đây chúng tôi chỉ mong kể ra những bình diện cơ bản nhất của một văn bản thông thường có thể làm đối tương cho công việc phiên dịch.

1. Thể loại
Một văn bản, dù muốn dù không, cũng phải thuộc một thể loại nhất định, và “tính thể loại” chính là cái mà người dịch phải truyền đạt trước tiên. Tôi đã từng đọc một chồng bản dịch chuyện cổ tích trong đó người dịch truyền đạt những nguyên bản dài từ 2 đến 12 trang thành những thiên tiểu thuyết dài từ 200 đến 500 trang, và rất tự hào vì đã chuyển được những chuyện cổ tích sơ sài buồn tẻ thành những pho tiểu thuyết ly kỳ hấp dẫn đầy những chi tiết tinh vi và những đoạn đối thoại sắc sảo cho thấy một vốn hiểu biết sâu rộng về tâm lý người đời, mà vẫn giữ được y nguyên cốt chuyện của nguyên bản. Dịch giả từ biệt tôi với một nỗi tuyệt vọng khôn xiết không phải đối với mấy ngàn trang tiểu thuyết của mình, mà đối với sự kém cỏi của tôi, người đã không đủ sức hiểu cái giá trị tuyệt vời của cái công trình mà ông đã bỏ ra bấy nhiêu công sức để thực hiện. Ba mươi năm sau, khi chúng tôi gặp lại, vẫn chưa có một nhà xuất bản nào đủ sáng suốt để công bố bộ sách của ông. Ai cũng trả lời ấp úng một câu vô nghĩa: “Hay thì hay tuyệt, nhưng... nó thế nào ấy, không thích hợp lắm”. Tôi trộm nghĩ: cái không thích hợp ở đây chính là tính thể loại.

2. Chuyển thể
Tôi không hề phản đối việc chuyển thể - như đưa lên sân khấu (kịch nói, kịch thơ, tuồng, chèo, cải lương) hay màn ảnh, chuyển tiểu thuyết văn xuôi thành trường ca có vần điệu, chuyển truyện ngắn thành ngụ ngôn, chuyển chuyện cổ tích thành vè hay thành vũ kịch v.v., v.v. Có những tác phẩm được chuyển thể thành công, có tác phẩm được chuyển thể không thành công bằng. Tất cả đều lệ thuộc vào tài năng và công sức của người thực hiện việc chuyển thể. Dù sao thì nhìn chung, qua việc chuyển thể khó lòng tránh khỏi tình trạng mất mát một cái gì đó trong nguyên tác, tuy không phải không có những trường hợp lệ ngoại quý giá, trong đó kết quả của chuyển thể vượt hẳn nguyên tác về giá trị nghệ thuật. Những thí dụ về trường hợp này, có lẽ bất kỳ bạn đọc nào cũng có thể tìm ra một cách dễ dàng. Xin nhắc lại một lần nữa là chúng tôi đang nói đến dịch thuật hiểu theo nghĩa hẹp, cho nên không dám có tham vọng mở rộng phạm vi luận bàn sang những ngành lân cận.

3. Phóng tác
Rất gần gũi với chuyển thể công việc phóng tác, khi một người cầm bút thấy cần sử đổi nguyên tác ít nhiều để cho tác phẩm thích hợp hơn với một đối tương nhất định, thường hẹp hơn cái đối tương mà tác giả hướng tới. Thường thường đó là đối tượng thiếu nhi. Làm việc này thường là một người lấy làm tiếc rằng một tác phẩm hay nào đó có phần không thích hợp với một công chúng lẽ ra có thể hiểu và thưởng thức nó nếu có ai căn cứ vào những đặc thù của lớp người mình đang muốn phục vụ mà cải biên lại chút ít, sao cho nó khớp với công chúng của mình. Nguyện vọng này hoàn toàn chính đáng, có thể thực hiện được và hơn nữa cũng rất cần thiết đối với những người còn phải chờ đợi một sự trưởng thành về trí tuệ mới có thể tiếp cận được một tác phẩm. Cũng xin nói rõ rằng công việc này chỉ có thể làm được với những tác phẩm văn học mà thôi, chứ đối với những tác phẩm nghệ thuật khác thì không ai nẩy ra cái ý phóng tác một bức tranh, một vở kịch câm hay một vũ kịch để cho nó thích hợp hơn với bất kỳ đối tượng nào. Vì một lẽ giản đơn: việc đó không thể nào làm được.

Còn như một loại tác phẩm quan trọng đối với mọi dân tộc như những bái hát ru con (thường là trích mượn từ những bài ca dao) thì công chúng chủ yếu của nó lại chính là “những người chưa đủ trưởng thành về trí tuệ”, nhưng lại không thể phóng tác được, phải hát đúng từng chữ khi ru con, với niềm hy vọng là nó sẽ được ghi lại trong ký ức thành những kỷ niệm không bao giờ phai mờ để sau này nhớ lại, con người trưởng thành sẽ coi nó như một truyền thống vĩnh hằng thiêng liêng nhất, quý giá nhất của dân tộc [ii].

Sau khi đã nói rõ nội dung của những công việc có phần gần gũi với dịch thuật, khi bạn đọc đã có thể có được một khái niệm tương đối rõ ràng về những ranh giới khu biệt giữa dịch thuật với những công việc ấy, chúng tôi xin trình bày công việc dịch thuật như một quá trình gồm có mấy công đoạn tách biệt. Đó là một cách trình bày có tính ước định, chẳng qua để cụ thể hoá những chi tiết nhiều khi khó xác định của cái công việc không lấy gì làm đơn giản này.

4. Những công đoạn của việc dịch thuật
Các tác giả của những giáo trình được đem giảng tại các khoa và bộ môn ngôn ngữ học mà chương trình có bao gồm nội dung Dịch thuật thường trình bày công việc của ngành khoa học này dưới dạng một quá trình có bốn công đoạn sau đây:

(1) Phân tích nguyên bản trong ngôn ngữ nguồn (Source Language) để “hiểu” thật rõ tác giả “muốn nói” gì.

(2) Xoá cách ngôn từ hoá của nguyên bản (Deverbalisation of the text)

(3) Phân tích những đặc trưng trong nội dung và hình thức của nguyên bản (qua một siêu ngôn ngữ ước định)

(4) Tái ngôn từ hoá bằng ngôn ngữ đích để có được một văn bản tương đương với nguyên bản (Reverbalisation in the Target Language so that the text obtained would be equivalent to that written in the Source Language).

Dĩ nhiên, cách phân ra thành công đoạn như trên không nhất thiết phải là một quá trình gồm những giai đoạn lần lượt kế tiếp nhau theo trật tự thời gian. Mỗi người dịch có thể làm việc theo một phương thức khác nhau, kê cả những phương thức hoàn toàn mặc ẩn (implicite), thậm chí vô thức (unconscious). Nhưng, cũng như khi nói về quá trình thụ đắc (acquisition) vốn tri thức của người bản ngữ về tiếng mẹ đẻ của mình, muốn dạy cách phiên dịch không thể có cách gì ngoài cách hiển ngôn hoá (explicitating), nghĩa là nói ra thành lời một cách tỏ tường để người học nhận thức được từng chi tiết, từng giai đoạn của quá trình thụ đắc vốn tri thức cần thiết. Ta hãy xét kỹ từng công đoạn trong quá trình làm việc của người phiên dịch có tri thức hiển ngôn về quá trình này.

(1), (2) Hiểu và phi ngôn từ hoá nguyên bản (xóa hết những từ ngữ của nguyên bản)

Câu hỏi tất nhiên phải nảy sinh trong tâm trí người đọc trước hết là: tại sao lại phải xóa những từ ngữ của nguyên bản, và sau khi làm như vậy, thì trong trí nhớ của người phiên dịch phỏng còn sót lại được những gì?

Người có kinh nghiệm và kỹ năng dịch thuật sẽ đáp [iii]:

- Không ai có thể nhớ hết từ ngữ trong một lời phát biểu ở hội nghị, nếu dịch miệng. Người dịch chỉ nhớ cái nghĩa của lời phát biểu. Người dịch viết có kinh nghiệm cũng biết rằng khi hiểu một câu văn, người dịch phải quên cách biểu đạt câu ấy bằng những từ ngữ gì. Sự quên lãng này sẽ càng ngày càng trở nên tự nhiên, thậm chí tự phát. Trong tâm trí người nghe (người đọc), những từ ngữ của nguyên bản lập tức bị quên đi để nhường chỗ cái ý mà tác giả muốn truyền đạt. Có thế người nghe (người đọc) mới hiểu được cái ý ấy.

- Vậy cái ý ấy cụ thể là cái gì, khi đã quên hết cách diễn đạt nó bằng những từ ngữ vốn làm thành cái bệ đỡ vật chất của nó?

- Cái ý ấy thường được giữ lại trong ý thức của người nghe (hay người đọc) dười dạng những hình ảnh về những gì đã được thuật lại bằng lời. Những hình ảnh này có thể tĩnh (tư thế, dáng vẻ) hay động (động tác hay sự thay đổi tư thế, hình dáng). Ngoài ra, những hình ảnh này lại phải được đặt trên bối cảnh của những hình ảnh đã có trong văn cảnh trước đó, rồi lại được cắt nghĩa bằng những tri thức phổ thông (ngoài ngôn ngữ học) của người nghe hay người đọc.

Những người nghe dịch miệng trong hội nghị thường kinh ngạc trước cái trí nhớ “kỳ dị” của người phiên dịch chính là vì cứ tưởng anh ta nhớ hết các từ ngữ, trong khi thật ra anh ta chỉ nhớ cái nghĩa, cái ý mà người kia muốn nói ra thôi. Người dịch viết cũng không hề làm khác, nếu anh ta đã thực sự hiểu tác giả muốn nói gì. Ở đây chỉ cần lưu ý một chút nữa để thấy cần phân biệt mấy chữ muốn nói gì với những câu hỏi về nguyên do (tại sao mà nói thế?) về động cơ (nói thế để làm gì?).

Nói tóm lại, phi ngôn từ hoá nguyên bản không hề gây trở ngại cho người dịch mà chính là tạo một điều kiện không thể thiếu để họ có thể dùng nội quan (introspection) soi sáng tâm trí mình để thoát ra ngoài những từ ngữ có thể gây nên những tạp âm (noise - hiểu theo nghĩa của lý thuyết thông tin) có hại cho hoạt động “hiểu” (comprehension) của tâm trí nếu người nghe không quên ngay đi để chỉ tập trung vào việc hiểu cho đúng tác giả muốn nói gì, muốn mình hình dung được những hình ảnh nào.

(3) Công việc tìm hiểu cái nghĩa, cái ý mà tác giả muốn nói sẽ được nhận thức một cách minh xác hơn nữa khi ta phân tích một cách hiển ngôn, bằng siêu ngôn ngữ của ngôn ngữ học và của ngữ dụng học (nhất là trong những hành động ngôn từ (speech acts) của tác giả và của các nhân vật, trong đó có những câu được gọi là câu ngôn hành - performative sentences)

Những bình diện của lời nói và của văn bản đều được quan tâm phân tích đến mức chi ly, để không bỏ sót bất kỳ một chi tiết nào.

Tuy nhiên không nên nghĩ rằng hiểu một văn bản là một quá trình làm việc công phu đòi hỏi một thời gian dài. Công việc kiểm tra và phê bình, đánh giá mới đòi hỏi như vậy, còn việc người nghe (hay người dịch) hiểu cái nghĩa mà tác giả muốn truyền đạt bất chấp những lỗ hổng, những sự tỉnh lược, những chỗ không nói hết trong ngôn từ thường chỉ cần một khoảnh khắc, một nháy mắt cũng có thể được bù đắp ngay trong ý thức của người nghe (hay người dịch).

Sau đây là những nội dung ý nghĩa chứa đựng trong nguyên bản không bao giờ được truyền đạt bằng ngôn từ mà người nghe hay người dịch vẫn phục hồi được và hiểu ngay lập tức khi tiếp xúc với văn bản:

1. Tiền giả định (presupposition). Khi gặp một người quen hỏi thăm mình bằng câu “Anh đã khoẻ chưa?”, người nghe (hay người dịch) biết ngay rằng người ấy có nghe ai đó nói rằng trước đó mình có bị bệnh. Nếu cái tiển giả định ấy đúng, anh ta có thể trả lời là ”Khoẻ rồi” hay “Chưa khoẻ”. Nhưng nếu cái tiền giả định ấy sai (tức trước đó anh ta không hề đau ốm gì), thì dù có trả lời thế nào cũng không ổn, vì cũng vô hình trung thừa nhận một tiền giả định hoàn toàn sai.

2. Hàm nghĩa từ vựng (lexical implication). Khi một nhân vật trong nguyên bản nói “Nó sắp cưới vợ mới”, người nghe (và người dịch) biết ngay rằng nó là một người đàn ông trưởng thành từng có một đời vợ, mặc dầu trong câu không có một từ nào nói rõ giới tính của nó (nó dĩ nhiên có thể là một đứa con gái) và tình trạng hôn nhân trước đó của nó. Tuy vậy người nghe (và người dịch) suy diễn được ngay những điều này từ những từ khác có mặt trong câu như cưới vợ và mới.

3. Hàm ngôn hội thoại (conversational implicature). Ta thấy có một hàm ngôn hội thoại khi người nghe (hay người dịch) có thể căn cứ vào một ý trong cuộc hội thoại mà suy ra một ý khác không nói ra nhưng vẫn có mặt trong ý thức người nghe (hay người dịch). Chẳng hạn khi nghe ai nói “Hôm nay nó không say”, người nghe hiểu ngay là có những hôm khác nó say.

Nói chung, ta thấy rằng một nguyên bản bất kỳ không nhất thiết phải nói hết nội dung của nó ra bằng từ ngữ, vì có những ý có thể được người nghe suy ra một cách dễ dàng ngay từ sự vắng mặt của những từ ngữ ấy.

Về những Đơn vị Ý nghĩa
Khi nghe một lời phát biểu ở hội nghị cũng như khi đọc một câu văn cần dịch, người nghe hay người đọc đang muốn dịch câu ấy thường bất giác chia câu ấy ra thành từng “cụm từ “ để lần lượt hiểu cho được những gì vừa nghe hay vừa đọc xong. Những “cụm từ” này không trùng với những đơn vị cấu trúc mà nhà ngôn ngữ học dùng những thủ pháp phân tích nghiêm ngặt để tách ra khỏi ngữ lưu (những ngữ đoạn, những từ đơn, những từ ghép, những thành ngữ, v.v.). Lederer gọi đó là những Đơn vị Ý nghĩa (Unités de sens).

Người nghe hay người dịch lần lượt hiểu và quên ngay những từ ngữ vừa nghe hay vừa đọc được không phải theo một kỹ năng khoa học, có cơ sở lý luận, mà theo bản năng, trong quá trình nghe hay đọc, hễ hiểu ra được khúc nào là ghi nhận ý nghĩa (và quên ngay từ ngữ) của khúc ấy.

Những đơn vị ý nghĩa này nối tiếp theo nhau (và có những chỗ chồng chéo lên nhau) trong tâm trí người nghe để cuối cùng làm thành cái ý nghĩa chung của câu văn và đoạn văn, rồi hội nhập vào những đơn vị rộng lớn hơn nữa,, những ý nghĩa mạch lạc hơn, và biến thành những kỷ niệm, những tri thức phi ngôn từ hoá trong tâm trí người nghe hay người dịch.

Kích thước của những đơn vị ý nghĩa có thể ở mỗi người một khác. Có người phải chờ cho hết một đoạn dài mới tổng kết được ý nghĩa của nó; có người chỉ cần nghe một hai chữ đầu đã hiểu cả đoạn.

(4) Tái ngôn từ hóa
Công đoạn cuối cùng của việc dịch thuật, - và cũng chính là mục đích tột cùng của nó - là việc tái ngôn từ hoá những gì người đọc đã hiểu được khi đọc nguyên bản, tức những ý và nghĩa mà tác giả muốn truyển đạt bằng cách sử dụng ngôn ngữ đích - thứ tiếng mà người dịch chọn làm phương tiện biểu đạt cho bản dịch của mình.

Như đã nói trên kia, một bản dịch xứng đáng với danh từ này phải có giá trị tương đương (equivalent) với nguyên bản về mọi phương diện, nội dung cũng như hình thức. Vậy muốn bản dịch có giá trị tương đương này, người dịch phải làm những gì?

Tính tương đương của một bản dịch so với nguyên bản có thể phân tích thành hai dình diện: bình diện nhận thức (équivalence cognitive) và bình diện xúc cảm (équivalence affective).

1. Tính tương đương về nhận thức
Tính tương đương trên bình diện nhận thức là kết quả của việc sử dụng những yếu tố phụ trợ về khái niệm mà người dịch đưa vào bản dịch để bổ sung cho ngữ nghĩa của nguyên bản. Việc bổ sung này là cho bản dịch khác với nguyên bản về hình thức. Mức độ khác nhau giữa nguyên bản và bản dịch tùy thuộc vào sự khác nhau về loại hình giữa ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích.

Cái khoảng cách này càng nhỏ thì càng có nhiều sự tương ứng (correspondences) về hình thức biểu đạt. Vì vậy giữa hai thứ tiếng cùng loại hình như tiếng Hán và tiếng Việt, đều là ngôn ngữ đơn lập (isolating) và phân tích tính (analytic) đến triệt để, đều không dùng đến hình thái học [iv], chỉ còn khác nhau ở trật tự từ ngữ trong ngữ danh từ (phụ trước chính sau), trong khi ngữ vị từ thì vẫn theo trật tự chính trước phụ sau, có thể tìm thấy khá nhiểu sự tương ứng về ngữ pháp và từ vựng trong cách biểu đạt. Huống chi trong tiếng Việt có đến từ 70% đến 80% từ ngữ gốc Hán, trong đó có những ngữ đoạn có cấu trúc chặt và thường có chức năng định danh, gọi là “từ Hán-Việt” [v] .

Còn giữa tiếng Việt và các thứ tiếng châu Âu, vốn thuộc loại hình khuất chiết hay biến hình (inflectional) và tính tổng hợp (synthetic) rất cao, cái khoảng cách ấy rất lớn, cho nên ít khi có thể tìm thấy những sự tương ứng, nhất là những sự tương ứng một đối một, giữa hai bên. Trong việc dịch thuật từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia, công đoạn phi ngôn từ hoá lại càng quan trọng và cần thiết. Khi đã hiểu được cái ý nghĩa mà tác giả muốn truyền đạt, thà xoá hết những từ ngữ của nguỵên bản tiếng Âu châu còn hơn mải loay hoay với những từ ngữ ấy mà sao lãng việc tìm cho ra cách biểu đạt cho thật đúng và thật hay những ý nghĩ và hình tượng mà tác giả muốn truyền đạt.

Tôi còn nhớ mãi một câu văn trong sách “kinh điển” do một nhà xuất bản lớn của Thủ đô ấn hành vào những năm 50 của thế kỷ vừa qua:

Cứ cái đà này, những con người rồi sẽ đến nước phải gặm cỏ nội như những con cừu cái.

Trong nguyên bản tiếng Pháp (xuất xứ của bản dịch vừa dẫn), ta thấy:

De ce train-là, les hommes en viendront à brouter l’herbe des prés comme les brebis.

Tôi hoàn toàn thông cảm với dịch giả trong sự nỗ lực dịch thật sát nguyên bản sách kinh điển, vốn được coi là một thứ thần văn mà nếu dịch sai dù chỉ một chữ hay một cái dấu chấm câu cũng có thể đề lại cho hậu thế nhũng hậu quả khôn lường. Nếu dịch giả không dịch như thế, thì ban biên tập chắc chắn sẽ sử lại cho đúng như thế.

Nhưng đứng trên quan điểm của nghề dịch thuật, không thể không nói ra những nhận xét sau đây:
(a). dịch giả dịch sát những từ ngữ, chứ không truyền đạt cái ý mà tác giả muốn nói;

(b). dịch giả không biết tiếng Việt chuẩn khác tiếng Pháp như thế nào. Chẳng hạn, les hommes không tương ứng với những con người, mà với con người hay người ta; khi nói về động vật, tiếng Việt không có nhu cầu phải nói rõ số và giống như tiếng Pháp, cho nên viết ăn cỏ như cừu là đủ và đúng. Vả lại chẳng lẽ chỉ có cừu cái mời ăn cỏ, còn cừu đực thì không?

Dù câu dẫn trên đây có là một câu thần chú, trong đó mỗi chữ đều linh thiêng và có giá trị sinh tử đối với người khấn nguyện, thì cách dịch như thế vẫn là sai vì dùng ngôn ngữ đích không đúng chuẩn và do đó không tương đương với nguyên bản, ít nhất là về phương diện ngữ pháp và phong cách, vì có quá nhiều nét thừa dư (redundancies) nếu lấy nguyên bản tiếng Pháp làm chuẩn để so sánh.

Giáo sư Phật học Minh Chi nhiêu lần than phiền rằng những bản dịch kinh Phật đọc lên không ai hiểu được chút gì, nhưng ông đã đề nghị dịch lại mấy lần mà Giáo hội không chịu, vì Kinh Phật “chỉ cần tụng niệm chứ không cần hiểu”.

2. Tính tương đương về xúc cảm
Không thể có một lý thuyết chung để xác định mức độ tương đương về tính xúc cảm giữa một bản dịch với nguyên bản, vì trên bình diện này sự khác nhau giữa các ngôn ngữ có thể nói là muôn hình vạn trạng. Mỗi ngôn ngữ có một cách riêng để kết hợp hai bình diện nhận thức và xúc cảm trong những thủ pháp thường gọi là tu từ học, hay phong cách học, hay hùng biện (rhetorics). Bình diện xúc cảm cũng có mặt trong cách dùng những thành ngữ, những tục ngữ, những lối nói mà truyền thống lâu đời của văn học dân gian đã nhuộm những màu sắc xúc cảm không mấy khi có thể phân tích và xác định bằng những thuật ngữ khoa học.

Tính tương đương về hai bình diện xúc cảm và nhận thức thường quyện vào nhau một cách hết sức nhuần nhuyễn trên khắc các cấp độ khác nhau của hệ tôn ti giữa các đơn vị ngôn ngữ.

Sau đây là cách trình bày của Werner Koller (1992) về những chuẩn tắc của tính tương đương trong dịch thuật:

* bản dịch phải chuyển đạt đủ những thông tin của nguyên bản về hiện thực ở bên ngoài ngôn ngữ (denotative Äquivalence)

* nó phải tôn trọng phong cách của nguyên bản: âm vực của ngôn ngữ, biệt ngữ xã hội và địa phương của nguyên bản (konnotative Äquivalence)

* nó phải phù hợp với thể loại chuẩn của nguyên bản (textnormative Äquivalence)

* nó phải được thích nghi với vốn tri thức của độc giả để cho độc giả hiểu được. Đó là một sự tương đương về dụng pháp (pragmatische Äquivalence)

* cuối cùng, bản dịch phải tạo ra được một hiệu quả thẩm mỹ tương đương với nguyên bản (formal-ästhetische Äquivalence).

Ta có thể tin chắc rằng những chuẩn tắc trên đây của W. Koller đề phải được tính đến, một cách có ý thức hay chỉ trong mẫn cảm trực giác, khi đánh giá một bản dịch. Tất nhiên, những chuẩn tắc này không phải là một phương pháp dịch thuật có thể dùng để soạn sách giáo khoa đào tạo những người phiên dịch. Nhưng nó có thể cho phép người ta kiểm nghiệm lại xem thử một bản dịch nào đấy có thiếu sót điểm nào trong việc đi tìm sự tương đồng hay không.
Ngay trong cách trình bày những chuấn tắc của mình về tính tương đồng của bản dịch so với nguyên bản, W. Koller không tránh khỏi việc so sánh giữa từ ngữ của bản dịch với từ ngữ của nguyên bản. Điều này có phần mâu thuẫn với nguyên lý chung của ngành dịch thuật: dịch không phải là thay thế những từ ngữ của nguyên bản bằng những từ ngữ của một thứ tiếng khác, mà hiểu lấy ý nghĩa của nguyên tác bằng cách xoá sạch từ ngữ của nó đi để tạo nên một ý nghĩa tương đương bằng những từ ngữ của một thứ tiếng khác.

Nhưng kiểm tra và đánh giá một bản dịch lại là một công việc khác.
*

Những dòng trên đây của chúng tôi không có tham vọng gì hơn là phác thảo một vài nguyên lý cơ bản của công việc dịch thuât xét về lý thuyết, chủ yếu dựa trên một cuốn sách tương đối mới (so với thuyết TÍN-ĐẠT-NHÃ của hai thế kỷ trước). Chúng tôi biết rằng bài này chưa đáp ứng được bao nhiêu những nhu cầu lý thuyết và thực tiễn của các bạn đồng nghiệp. Tôi chỉ mong sao những người có chú ý đến dịch thuật và có trách nhiệm trong ngành xuất bản quan tâm ít nhiều đến việc cho dịch và xuất bản một vài công trình có thể giúp cho những người làm việc trong ngành này có tài liệu để trau dồi tri thức về nghề nghiệp.

Cao Xuân Hạo (dịch giả, nhà ngôn ngữ học)

Chú thích:
[i] Trong số những chuyên gia nổi tiếng về phiên dịch có PGS. Phan Ngọc đã hàng trăm lần căn dặn các môn đệ rằng “muốn đổi gì thì đổi, chứ trât tự từ ngữ thì nhất thiết phải giữ y nguyên”.
[ii] Một điều đáng tiếc là những bài ca dao thường dùng khi ru con rất ít được học trong các giáo trình tiếng Việt, vì nó rất khác tiếng Tây, và do đó “chẳng có giá trị gì về ngữ pháp”.(ngay sách giáo khoa dạy tiếng cũng rât ít khi dẫn ca dao, vì câu ca dao tường cải chính một cách hùng hồn những quy tắc ngữ pháp tiếng Tây mà sách giáo khoa đem dạy cho người Việt).
[iii] Những tài liệu chủ yếu mà chúng tôi sử dụng trong bài này gồm có những đầu đề sau đây: Lederer M. La traduction aujourd’hui. Le modèle interprétatif. Hachette 1994; Seleskovich D. Traduire, de l’expérience au concept. Études de Linguistique Appliquée 24. Didier 1986. Sperber D. & Wilson D. Relevance, Communication and Cognition. Blackwell 1986. Sartre J. P. Qu’est-que la littérature. Gallimard 1985. Steiner G. After Babel.Aspects of Language and Translation. Oxford U.P. 1978; Delisle J. L’analyse du discours comme méthode de traduction. P.U.Ottawa 1984; Koller, W.Einführung in die Übersetzungwissenschaft. Heidelberg. 1992.
[iv] Đây là nói đến tiếng Hán”cổ điển” (thời Đường–Tống), vì tiếng Hán hiện đại đã có những yếu tố khá rõ của loại hình chắp dính (agglutinating languages) với sự xuất hiện hàng loạt của những phụ tố (affixes), do quá trình ngữ pháp hoá (grammaticalisation) của những “thực từ” vốn mang nghĩa từ vựng (lexical meaning) như danh từ (nouns) và vị từ (verbs), nay đã mất nghĩa từ vựng (“hư hoá”) mà chuyển thành những công cụ ngữ pháp (những phụ tố như tử, nhi, nhĩ, tố, đích, v,v,).
[v] Danh ngữ này, thường được coi như một vế đối lập với “từ thuần Việt”, đã gây nên nhiều sự ngộ nhận không đáng có.. Có nhiều người tưởng rằng “từ Hán-Việt” là những từ ngữ được ”vay mượn” từ nước ngoàiï rồi đem du nhập vào tiếng Việt, cũng giống như những từ ngữ tiếng Pháp, tiếng Anh hay Quảng Đông, Phúc Kiến, Nhật Bản, Hàn Quốc, đổng thời tưởng rằng từ ”thuần Việt” là những từ gốc Việt có từ thời khai thiên lập địa. Thật ra từ “thuần Việt” hầu hết là những từ gốc Thái, gốc Mường hay gốc Môn-Khmer. Trong khi đó thì từ Hán-Việt là một trong những cội nguồn quan trọng và cổ xưa nhất của tiếng Việt, nằm trong lớp hạ tằng của tiếng “thuần Việt”,chứ tuyệt nhiên không phải là những từ mới vay mượn từ tiếng nước ngoài.

-ooOoo-

Cần xác định một thái độ đối với thực trạng dịch thuật

Nguồn: http://vietnamnet.vn, 06/01/2006

Cần xác định một thái độ đối với thực trạng dịch thuật
Dịch giả Đoàn Tử Huyến

(VietNamNet) - Cần phải làm sao để dư luận xã hội - mà trước hết là báo chí, rồi các cơ quan ngôn luận chuyên ngành văn nghệ, các cá nhân và tổ chức học thuật có thẩm quyền và uy tín - đủ sức bắt những kẻ muốn hoặc có thể làm ra những sản phẩm khuyết tật phải xấu hổ (chắc là họ vẫn còn có năng lực xấu hổ?) và phải trả giá - cả tinh thần lẫn vật chất.

Cái ao dịch thuật văn học Việt Nam lâu lâu nghe tõm một hòn đá ai đó ném vào, vài đợt sóng dội lên chao đảo, người đi qua ngó lại thấy thấp thoáng ở đó cũng có cây đẹp vật lạ, nhưng nhiều rác rến... Rồi im chìm. Việc như vậy hình như một năm một hai lần hay vài ba năm một lần, chẳng thấy ai ghi nhớ.

Năm ngoái, nhân Hội nghị những người làm công việc dịch thuật toàn quốc lần thứ nhất tại Phú Yên cũng xôm rộn lên được dăm bữa nửa tháng, rồi phong cảnh lại về "số mo"! Không tạo nổi một vệt dài dư luận chứ chưa nói đến những thay đổi, chuyển biến gì. Vừa rồi, đến hơn một năm sau, có anh chàng bức xúc trẻ tuổi Trần Tiễn Cao Đăng vần tảng đá "Thảm họa dịch thuật" choang ủm một cái... Hình như cũng có vài kẻ bị té ướt áo, và cũng có cái gì đó hoặc con gì đó thu cổ rụt đầu. Nhưng rồi lại im chìm, đến nay...

Tại sao lại như vậy?

Theo tôi, một phần không nhỏ là tại vì thái độ của chúng ta đối với vấn đề. Thái độ của từng người chúng ta, từ người trong cuộc làm nghề, người quản lí, đến người đọc, người tiêu dùng; thái độ của cả xã hội, của các cơ quan hữu trách, đối với công việc dịch thuật, đối với nghề dịch, đối với cả nền dịch thuật Việt Nam.
Vậy thì, thực trạng nền dịch thuật Việt Nam hiện nay như thế nào?

Tôi biết rằng mấy nhiệm kì vừa rồi, hễ Hội đồng văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức được cái hội nghị chuyên môn nào đó là "người ta" chỉ đua nhau than thở, kể khổ kể tội "cả ngày không hết", đến mức phải kêu lên với nhau rằng "biết rồi, khổ lắm!.." Những chuyện đó không cần tốn giấy mực nữa, ai cần tìm hiểu xin lật chồng báo cũ, mọi điều đã nói bây giờ vẫn nguyên, thậm chí còn tồi tệ hơn.
Nguyên nhân của thực trạng đó, tôi tạm “khái quát” gồm có bốn: 1) Trình độ kém cỏi, thậm chí là dốt nát (của người dịch, người biên tập); 2) lòng tham (của các nhà kinh doanh); 3) thói ẩu tả (của tất cả những người trên); và 4) thái độ vô trách nhiệm, bàng quan của tất cả mọi người, mà trước hết của những người chịu trách nhiệm xuất bản, các cá nhân và tổ chức hữu quan, kể cả các cơ quan học thuật và ngôn luận truyền thông.

Ở đây tôi muốn nói về nguyên nhân và trách nhiệm từ phía những người làm nghề đối với thực trạng đó.

Chắc không ai phản đối nếu nói sách dịch kém là do người dịch kém. Tuy nhiên theo tôi phải nói rõ rằng, người dịch kém mới là nguyên nhân đầu tiên trong một dãy những nguyên nhân. Người dịch kém chỉ có thể làm ra một bản dịch kém nhưng chưa được “xã hội hóa” (tôi học đòi chữ đang thấy dùng nhan nhản trên báo chí, không hiểu có đúng không?) chứ chưa đủ làm ra một cuốn sách kém với tư cách là một sản phẩm hàng hóa có giá trị sử dụng để phán xét. Muốn một cuốn sách ra đời, kể cả tốt kể cả kém, theo luật pháp hiện hành ở Việt Nam, nhất thiết phải qua một nhà xuất bản. Vậy trách nhiệm chính trong việc “đỡ đẻ”, “khai sinh” cho những cuốn sách dịch kém thuộc về các cơ quan xã hội, nhà nước, mà trực tiếp và quyết định nhất là nhà xuất bản. Nhưng về việc này xin để dịp khác, bây giờ tôi đang nói về người dịch.

Hiện nay phải nói là rất phổ biến loại người dịch kém và dịch giả ẩu. Người dịch kém là người không biết mình dịch kém, hoặc tệ hơn nữa, biết mình kém mà vẫn dịch. Trong số họ, với những ai phải dịch vì sinh kế thì có lẽ còn ít nhiều thông cảm được(?) (nhưng tôi cho rằng hiện nay hiếm có loại người dịch như vậy, vì ít ai đi kiếm tiền bằng cái nghề rẻ mạt mà vất vả này!), còn chủ yếu thì là những kẻ kiếm danh, trực tiếp hoặc gián tiếp.

Có thể đó là mấy cán bộ nghiên cứu, giảng dạy ở các trường, viện nóng lòng có thêm đầu sách, công trình (để thêm trọng lượng cho việc bảo vệ, phong chức danh); có thể đó là những người đã về hưu, hoặc rỗi rãi, biết chút ít ngoại ngữ những năm xưa xửa được học, chính qui hoặc không chính qui, nay dùng kiếm thêm cái danh, cái thẻ Hội viên nhà văn - dịch giả. Cũng oai đấy chứ! Tất nhiên đó là khát vọng vô cùng chính đáng, nhưng ở đây cái tội, và cũng là cái khổ, là: họ dịch kém quá! (Xin nói rõ là tôi không phản đối những người kể trên dịch sách, họ đang là - tình trạng kiêm nhiệm không chuyên nghiệp này không hiểu nên vui hay nên buồn? - lực lượng dịch chính hiện nay, nhiều người trong số họ là bạn bè, cộng tác viên chí cốt của Trung Tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây chúng tôi. Ai cũng có thể dịch, nhưng cái quan trọng là phải dịch tốt, có trách nhiệm trước hết với sản phẩm và tên tuổi của mình).

Lại những vị có học hàm học vị cao, chức quyền hẳn hoi (cỡ trưởng phó vụ viện, tiến sĩ, giáo sư...), họ vẫn dịch (mà có khi kiếm được tiền dự án, tài trợ nữa), nhưng họ (“họ” là tôi nói khái quát, thật ra cái - vụ - cụ - thể sau đây chỉ có một người thôi, xin đừng bắt bẻ!), “họ” dịch tên tác phẩm khắp cả thế giới đọc Доктор Живаго (Doctor Zhivago) của nhà văn, nhà thơ Nga đoạt giải Nobel Boris Pasternak thành "Tiến sĩ Zhivago"! (Phải chăng do “họ” nghĩ vì người trước đây dịch tác phẩm này thành "Vĩnh biệt tình em" là quá sai, hay Bác sĩ Zhivago cũng chưa đúng, nên dịch lại như thế cho đúng?) Đây mới là "tuyệt tác", chứ cái vụ “Tống Giang gặp mưa" mà ông Lê Bầu hay kể đã ăn thua gì (*)!

Nhưng thật ra mà xét, tôi nghĩ loại dịch giả này không phải là vấn đề lớn lắm, vì “nhận diện” họ không khó và cũng dễ loại trừ họ. Chỉ cần người biên tập hoặc đọc duyệt, hoặc ai đó có liên quan đến việc ra sách, như đầu nậu chẳng hạn, cẩn thận một chút, có trách nhiệm một chút, và bớt nể sợ một chút (ở đây nhiều lúc cũng có cả yếu tố nể sợ đấy, thế mới lạ!)...

Loại dịch giả ẩu mới là vấn nạn! Như tôi quan sát trên thực tế, họ lại thường là những người được tiếng giỏi giang, cả giọng. Họ làm việc nhanh, năng nổ, tính lại xuề xòa dễ dãi, được lòng người. Trong đời biên tập mấy chục năm tôi cũng đã được tiếp xúc và chứng kiến cách làm việc của họ không ít. Giao việc gì họ cũng nhận, nhận là làm xong ngay. Bản dịch đọc trôi chảy, thậm chí có cá tính nữa là khác. Nhưng nếu đem đối chiếu thì... ôi thôi! Họ bất chấp chi tiết, bất chấp cấu trúc, văn phong nguyên tác, cứ làm sao bản tiếng việt có vẻ suôn sẻ là được. Họ sẵn sàng lược từ, bỏ đoạn (khó hiểu, không tra cứu được), bớt ý, bịa nghĩa. Thậm chí có người hứng chí còn thêm thắt, viết lại cả đoạn văn! Nếu phát hiện ra, cự họ, thì họ dễ dãi cười xòa, sẵn sàng nhờ mình chữa hộ. Sao cũng được, miễn là nhanh, miễn có sách ra! Với những người giỏi giang này, giá làm sao để họ không ẩu thì chắc là...sẽ tuyệt vời!

Hiện nay không ít những người dịch ẩu như vậy khá nổi danh, thành đạt, được báo chí ca ngợi, nào là…nào là…(thôi không nói cụ thể quá, kẻo đụng chạm!), được vào Hội Nhà văn, thậm chí được, hoặc thiếu chút nữa thì được giải/tặng thưởng này nọ. Sở dĩ khó “nhận biết”, đối phó với họ là vì, ngoài sự năng nổ, chạy chọt của họ và sự bao che của những người cùng phe đảng, nếu người đọc không tinh tường, không đọc kĩ bản dịch, đối chiếu “bắt quả tang” thì cũng không dễ phát hiện ra cái ẩu, cái sai của loại “siêu dịch giả” này. Đã từng có cuốn sách được những người am hiểu và có thẩm quyền khen, được báo chí ca ngợi, nhưng khi đem so với nguyên bản thì mới thấy sai nhiều, mặc dù...đọc tiếng Việt thấy hay!

Tình trạng như vậy cứ kéo dài, tại đâu?

‎Điều trước tiên tôi rất muốn nhấn mạnh, là chúng ta cần xác định ngay thái độ cần thiết đối với thực trạng nền dịch thuật Việt Nam hiện nay.

Qua dư luận xung quanh bản dịch cuốn Mật mã Da Vinci, và cụ thể được thể hiện trong cuộc tọa đàm do Hội đồng Văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ngày 18 tháng 11 vừa rồi, có thể thấy nổi lên hai thái độ. Một là của anh chàng "ngựa non háu đá", như có người gọi Trần Tiễn Cao Đăng, tỏ ra búc xúc, phẫn nộ trước lối làm ăn cẩu thả, kém cỏi, tắc trách của một số cá nhân và Nhà xuất bản liên quan, kêu gọi "phải chấm dứt ngay, bằng bất cứ giá nào", tình trạng nguy hại đó. Lên tiếng ủng hộ có Đoàn Tử Huyến, Phạm Xuân Nguyên...

Thái độ thứ hai (đại diện có Thái Bá Tân, người được Hội đồng Văn học dịch uỷ quyền giám định bản dịch Mật mã Da Vinci, và tiếp đó là Vũ Thế Khôi, Lê Bầu... toàn những "chiến tướng" của nghề dịch) là tương đối bình thản; họ cũng thừa nhận rằng có nhiều sai sót, rằng không phải là không đáng phê phán, nhưng theo họ, "có gì đâu mà phải đao to búa lớn", "còn khối cái thảm họa hơn ấy chứ!" Họ cũng dẫn ra vô số những lỗi ngớ ngẩn ở trong các bản dịch đã in thành sách khiến mọi người cười thoải mái.

Và họ lấy đó làm trò vui! Thậm chí có người còn tỏ ra thương cả người dịch lẫn nhà xuất bản làm ra cuốn sách đó, họ bảo phê bình kiểu như vậy là hủy diệt, là “khai tử” người ta rồi còn gì! Người trong nghề phải thông cảm, thương nhau chứ! Ông Bùi Việt Bắc, nhà kinh doanh kiêm Giám đốc Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin, thì phân bua và thở than rằng "đau quá, bị đánh "hội đồng đau quá". Một năm nhà xuất bản phải làm những 700 đầu sách, nên không thể nào kiểm tra hết được, sai sót là không tránh khỏi. Chao ôi, thương thế!.. Chắc những người yêu sách, yêu văn chương chữ nghĩa nghe vậy đành thông cảm thôi, dù có mua và ăn phải trái đắng kiểu Mật mã Da Vinci hay 100 năm giải Nobel (**) (cũng do nhà Văn hoá - Thông tin sản xuất ra năm ngoái rồi bị thu hồi vì chất lượng quá...!) cũng ngậm - bồ - hòn mà - thông - cảm!

Tôi thấy, những người trung thực, có lương tâm nghề nghiệp, quý trọng nền văn học nước nhà, và nói không sợ "đao to búa lớn", những người quan tâm đến tương lai văn học, văn hóa dân tộc, phải xác định và tỏ rõ thái độ của mình trước những việc làm sai trái, tệ hại trong lĩnh vực dịch và xuất bản sách dịch, tìm ra nguyên do, quy kết trách nhiệm một cách cụ thể, tạo áp lực đối với xã hội và nhà nước, đối với các cá nhân và cơ quan hữu trách, để ngăn chặn, tiến tới chấm dứt, những việc làm đáng xấu hổ trong một xã hội kỷ cương.

Chính vì thái độ "Dĩ hoà vi quí" vốn đặc trưng cho lối nghĩ, lối ứng xử của chúng ta (trong đó có tôi) từ trước đến nay mà các cuốn sách dịch tồi tệ vẫn tồn tại và xuất hiện dày đặc như một sự tất yếu. Tôi cho là cần thiết vào lúc này (và tôi hoàn toàn ủng hộ) một thái độ như của anh Trần Tiễn Cao Đăng. "Ngựa non háu đá", nhưng mà đá hay, đá đích đáng thì rất rất tốt chứ sao!

Lớp dịch giả trên và ngang tuổi chúng tôi nay nhiều người đã đến tuổi lười, tuổi yếu, may ra còn mấy anh chị đáng tin cậy xông pha như Trần Đình Hiến, Lê Bầu, Phạm Tú Châu, Trịnh Lữ.., phần lớn thì đã “rửa tay gác kiếm” hoặc “lực bất tòng tâm”. Còn riêng ở thế hệ trẻ hơn thì chưa nhìn thấy một đội ngũ đủ cơ số để yên tâm và phấn khởi. Tuyệt đại đa số những người học và giỏi ngoại ngữ bây giờ quan tâm đến các công việc thương mại mang lại lợi nhuận kinh tế cao, không thích dịch sách văn học; mà có thích thì cũng nằm ngoài sự lựa chọn của họ, trừ trường hợp có tài trợ đủ để trả nhuận bút thỏa mãn họ.

Cho nên có được những người dịch mới (tôi không dám nói "trẻ" vì có người kể tên sau đây hình như cũng đã gần tuổi "tri thiên mệnh"), say mê và có trình độ như Ngô Tự Lập, Lí Lan, Cao Việt Dũng, Trần Tiễn Cao Đăng... (tôi rất muốn kể thêm, chưa đủ số trên đầu ngón một bàn tay, nhưng khó quá!) là rất nên mừng và ủng hộ. Và thật đáng trân trọng thái độ bất bình, thậm chí là phẫn nộ của các bạn trẻ trước cách làm việc rõ ràng là không thể chấp nhận và bào chữa được của những người làm ra những cuốn sách như Mật mã Da Vinci, Cha thánh (***) hay 100 năm giải Nobel và nhiều nhiều những phế phẩm cùng loại. Và tôi cho đây còn là một thái độ dũng cảm. Vì trong một chừng mực nào đấy thì đó là một hành động “hứng đạn”, là tiếng kêu báo động cho mọi người nhưng đồng thời cũng là lời ràng buộc chính mình – không được làm sai, làm ẩu! - và biến mìng thành mục tiêu. Hiện nay thật khó tìm ra những người trẻ, có lòng say mê và có tâm với nghề dịch thuật nước nhà như vậy, nên ủng hộ họ, ủng hộ những suy nghĩ, việc làm mạnh mẽ đó của họ là một trách nhiệm của những người đi trước.
Thế mà đáng buồn là một tiếng nói nhiệt tình như thế lại bị nhiều bậc đàn anh đáng kính tại Hội Nhà văn Việt Nam dội nước lạnh trong cuộc Hội thảo kể trên (Cao Đăng chưa phải là hội viên Hội Nhà văn!), bị coi là quá khích, là “không hiểu nổi”, vv…Thái độ nói thẳng ra là bảo thủ như vậy khiến nhiều người dịch trẻ nghiêm túc nhụt chí nản lòng. Mặt khác, chính sự dễ dãi, thậm chí là thờ ơ như vậy đã bao dung cho những cuốn sách dịch kém, những người dịch kém có đất tồn tại, thậm chí lên ngôi, dẫn chất lượng nền dịch thuật nước nhà rơi vào mặt bằng lổn nhổn tồi tệ.

Cũng có thể cho rằng gọi bản dịch Mật mã Da Vinci là "thảm hoạ" thì hơi quá. Nhưng theo tôi, đấy chỉ là cách nói, còn thực chất sự việc không hề thay đổi. Và có quá như vậy mới gây ra sự chú ý của dư luận, nếu không, biết đâu đến nay dịch phẩm "quái vật" ấy vẫn ngang nhiên tung hoành? - theo dự kiến ban đầu, nhà xuất bản sẽ phát hành cuốn sách này 20.000 bản! Mặt khác, cũng không phải lo những lời phê phán đó "khai tử", "huỷ diệt" ai.

Nếu quả chị Đỗ Thu Hà, người dịch cuốn sách này là giỏi, có bản lĩnh, và có trách nhiệm cá nhân (theo tôi, là thứ trách nhiệm tối cao trong sáng tạo nghệ thuật), nhưng phải chịu "đòn oan", thì chị Hà có thể tự mình sữa chữa sai lầm, làm lại cuốn sách, chứng minh với bạn đọc thực chất sự việc và trình độ của mình. Còn nếu người dịch không thể, hoặc không muốn làm chuyện đó, thì theo tôi, dù không có bài phê phán phũ phàng này, sớm muộn gì rồi cũng được "khai tử" trong lòng đọc giả. Tôi muốn nói thêm, nếu dịch giả Đỗ Thu Hà vì một lí do nào đó chưa làm ngay được việc như tôi vừa nói, với cuốn Mật mã Da Vinci, thì chị vẫn có thể chứng tỏ mình qua những cuốn sách khác, miễn là vẫn có lòng với dịch thuật. Tôi, với tư cách Trung Tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, sẵn sàng hỗ trợ việc xuất bản những bản dịch tốt của chị, nếu chị thấy cần thiết.

* * *

Việc đánh giá thực trạng dịch thuật văn học nước ta không khó và có lẽ không phải là không thống nhất. Tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng, cái thực trạng không lấy gì làm mát mặt đó không hề phủ nhận hoặc làm giảm nhỏ giá trị to lớn và đích thực mà nền văn học dịch Việt Nam đã, đang và sẽ đóng góp cho sự phát triển văn học, và văn hoá, văn minh dân tộc. Chỉ có điều, nếu cái thực trạng đó sáng sủa hơn, chất lượng và kỉ cương được quan tâm và nâng cao hơn, một cách thích đáng, đúng mức, thì những đóng góp của văn học dịch sẽ càng vĩ đại hơn nhiều.

Tôi nghĩ, việc xác định thái độ như tôi nói ở trên cũng không phải là khó. Cái khó hơn nhiều là làm sao "thực thi" được cái thái độ đó. Làm sao để mỗi người dịch thực sự tự mình "mang nặng đẻ đau", có thái độ trân trọng và trách nhiệm đối với đứa con tinh thần của mình và đối với xã hội. Làm sao để những người trong cùng nghề dịch thuật hiện nay không dễ dàng này có thái độ quan tâm, nghiêm khắc và trân trọng đối với nhau, với sản phẩm của nhau.

Làm sao để dư luận xã hội - mà trước hết là báo chí, rồi các cơ quan ngôn luận chuyên ngành văn nghệ, các cá nhân và tổ chức học thuật có thẩm quyền và uy tín - đủ sức bắt những kẻ muốn hoặc có thể làm ra những sản phẩm khuyết tật phải xấu hổ (chắc là họ vẫn còn có năng lực xấu hổ?) và phải trả giá - cả tinh thần lẫn vật chất. Đấy là tôi chỉ nói những điều mà các cá nhân nhỏ bé của chúng ta, mỗi người VỚI TƯ CÁCH CÔNG DÂN, đều có thể làm. Tôi chưa dám mơ đến những điều mà chỉ ông to NHÀ NƯỚC mới làm được, nếu muốn, là đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ những người dịch chuyên nghiệp tài giỏi; là tài trợ việc mua bản quyền, trả thù lao xứng đáng cho việc dịch và xuất bản những tác phẩm văn học sáng giá của nhân loại và cần thiết cho việc đọc, việc học của người dân Việt Nam thế kỉ XXI; là qui hoạch đội ngũ lãnh đạo và biên tập viên các nhà xuất bản đủ điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ đích thực của mình; là trừng phạt những cá nhân và tổ chức làm điều xằng bậy, bất kể đó là ai.


Đoàn Tử Huyến (dịch giả)

Chú thích:
(*) Một ví dụ về dịch ẩu mà dịch giả Lê Bầu thường đưa ra là tên một nhân vật trong tác phẩm Thủy Hử, “Tống Giang Cập Thời Vũ”, lẽ ra phải dịch là “Ông Tống Giang Mưa Thuận” hay “Tống Giang Mưa Kịp ThờI” mới đúng, thì lại được dịch là “Ông Tống Giang gặp mưa”. – VNN.
(**) Xin xem bài “Trăm lỗi sai trong 100 năm giải Nobel”,Tuổi trẻ,15/2/2004. – ĐTH.
(***) Năm 2003, nxb Văn hoá - Thông tin phát hành cuốn "Cha Thánh" do Giang Hà "biên dịch", thực chất đây là sự ăn cắp bản dịch tiểu thuyết "Bố già" của Mario Puzo. Chưa nói đây có thể còn có vấn đề bản quyền nữa. – ĐTH.


-ooOoo-

Dịch thuật cần gì?

Nguồn: http://vietnamnet.vn, 10/01/2006

Dịch thuật cần gì?
Dịch giả Lê Bầu


(VietNamNet) - Có một điều kiện rất quan trọng, nằm ngoài chuyện ngôn ngữ, đòi hỏi người làm công việc dịch thuật phải có, đó là tinh thần thái độ, cùng tư cách, đạo đức của một người đứng đắn, tử tế, có trách nhiệm trong công việc của mình.

Đã có nhiều bạn bè, kể cả bạn bè hành nghề văn chương, cũng như bạn bè hành nghề khoa học, thậm chí có cả một số phóng viên, nhà báo, hỏi tôi:

- Muốn có được một tác phẩm văn chương dịch, đúng và hay, thì người cầm bút dịch thuật, cần phải có những gì?

Tôi nói đùa, nhưng không hẳn đã là nói đùa:

- Cần phải học, và cần phải có những cuốn tự điển, từ điển, tử tế...

Còn như phải trả lời cho ‘thật đứng đắn’, nghiêm túc thì tôi nói:

- Trước hết là phải đến trường, đến lớp, hoặc ‘tầm sư học đạo’, cần cù học tập, nghiêm chỉnh học tập, để có lấy cái vốn thật cơ bản, rồi sau đó trau dồi thêm bằng sách báo, và đặc biệt là từ điển...để đủ sức mà ‘vật lộn’ với các con chữ của người ta. Không có một thứ ngoại ngữ nào được gọi là ‘dễ’ trên thế giới này, ngay cả những ngoại ngữ được gọi là ‘dễ học’, cũng không ‘dễ học’. Đến ngay tiếng Việt Nam, đối với người Việt Nam, là rất ‘dễ học’, - chứ sao nữa? -, nhưng người Việt Nam học được nó, cũng là ‘rất khó’...huống hồ là ‘tiếng của người ta’?

Bởi thế, tôi nghĩ rằng: Muốn có được một tác phẩm dịch đúng và hay, thì trước hết phải học tiếng của người ta, không học được tới mức ‘rất thông thạo’, thì cũng phải ở mức gọi là thông thạo. Tôi đã thấy có những người, học không đến nơi đến chốn, chỉ có được dăm ba chữ ‘lôm côm’, mà các cụ nhà Nho xưa gọi là ‘hay chữ lỏng’, cũng nhảy đại vào ‘chiến trường dịch thuật’, mà ‘múa bút làm càn’, rồi đến khi gặp phải những chỗ học ‘chưa tới’, những chỗ ‘không thông’, khó dịch, thì nhắm mắt bỏ qua, hoặc dịch liều, dịch bậy, bằng cái sự ‘ang áng’, sai đến cả trăm phần trăm của mình, rồi tự ‘vỗ yên’ mình bằng một sự lừa dối:

- Ôi dào, ai biết đấy là đâu, chỉ có những thằng điên, khi đọc sách, mới lọ mọ đi tìm bản gốc, mà so sánh, bới móc...vả lại, trong hàng vạn độc giả, chắc gì đã có người có bản gốc, hơn nữa, người đọc sách bây giờ, thường ‘đọc ào đi’, ‘cho xong chuyện’!

Đấy là những người dịch thuật còn có một chút lương tâm, bởi họ còn biết ‘nghĩ tới’ cái sai sót ‘đáng khả nghi’ của mình, nhưng rất tiếc là họ vẫn cứ ‘làm ẩu’, dễ dàng cho qua, mà không chịu tìm hiểu, tra cứu cho ra cái đúng! Nhưng cũng còn có nhiều người tệ hại hơn, ’luôn luôn cho mình là đúng’ như những vị lãnh tụ kém cỏi, chủ quan, tự hiểu lầm mình, ‘dịch đại đi’, ’dịch phứa đi’, bất cần phải trái, đúng sai, chỉ cần giao bản thảo cho nhà xuất bản thật nhanh... rồi...sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi. Họ cần lợi lộc hơn là cần danh dự, nghệ thuật. Với các ‘nhà dịch thuật’ vừa ngu dốt, vừa vô trách nhiệm này, có ghép họ vào tội hình sự: ‘Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng’, cũng chẳng có gì gọi là quá đáng.

Tôi đã từng được một cán bộ phụ trách văn nghệ hỏi :

- Bản dịch của ông A thế nào ?

Tôi nói thẳng theo kiểu bỗ bã:

- Ông ấy dịch sai ‘bỏ mẹ’ đi...

- Nhưng tôi thấy ông ấy là người rất cẩn thận.

Một lần nữa, tôi lại nói thẳng:

- Cẩn thận không có nghĩa là kiến thức!

Vâng! Tôi công nhận, sự cẩn thận có thể nâng cao chất lượng bản dịch, có thể tránh được nhiều sai sót, lầm lẫn, nhưng rõ ràng không thể thay thế cho một kiến thức nông cạn.

Nói tới sự cần thiết về sự thông thạo tiếng của người ta, tôi muốn nói thêm một điều: Nếu người dịch thuật ‘thông thạo thêm được’ phong tục tập quán của nước ấy, bằng cách tra cứu, tìm hiểu, hoặc thực mục sở thị ‘tại trận’, thì sẽ rất bổ ích cho bản thân người dịch cũng như làm chú thích, giải thích cho độc giả, mỗi khi gặp phải những phong tục tập quán lạ mà ở nước ta không có, thí dụ chuyện về ‘chiếc giường’, đại khái trong bản gốc, tác giả viết: Cả vợ chồng bố, vợ chồng các con lớn, cùng các con nhỏ... đều ngủ chung trên chiếc giường ấy.

Sao mà kỳ thế? ‘Kỳ’ là bởi vì người Việt Nam ta không có khái niệm, tập tục: Tất cả mọi người trong gia đình ngủ chung trên một ‘chiếc giường’, mà ‘mỗi cặp’ phải ngủ trên những chiếc giường riêng, nhưng chuyện ‘ngủ chung’ này, trước đây, là có thật trong những gia đình nông dân ở vùng giá lạnh của Trung Quốc. Vả lại, dịch ra tiếng Việt là ‘giường’ chẳng qua chỉ là chuyển tải cái ý ‘nơi ngủ’ cho gọn, cho dễ hiểu mà thôi, thực ra phải dịch là ‘giường bục’, ‘giương bệ’. hay ‘giường sàn’, bởi lẽ, nó chỉ là một cái bục, hoặc một cái bệ được đắp bằng đất, hoặc xây bằng gạch, nhiều khi chạy hết chiều dọc, hoặc chiều ngang trong nhà, ở giữa để rỗng, bắt cho khói cùng nhiệt dư của nhà bếp chạy qua đó trước khi toả ra bên ngoài để làm cho ‘giường’ nóng lên, ngủ cho ấm... Nếu biết vậy, người dịch làm một cái chú thích, độc giả sẽ đỡ ngỡ ngàng, không nghi ngờ người dịch, dịch sai, dịch lầm nữa.

Lại như, trong số nhà cổ của Trung Quốc có một loại nhà, có tên là ‘nhà tứ diện’, hay ‘nhà bốn mặt’, một kiểu nhà hầu như Việt Nam ta không có, mà nếu có, nó cũng khác hẳn kiểu nhà của Trung Quốc, cho nên nếu ta cứ ‘trần trần’ mà dịch là ‘nhà bốn mặt’ e rằng độc giả sẽ phải hỏi: ‘Cái bốn mặt’ ấy nó ra thế nào ? Nếu người dịch biết, mà làm một chú thích nho nhỏ, người đọc sẽ hình dung ra kiểu nhà đó ngay lập tức: Đó là bốn ngôi nhà được xây quanh bốn bề một khu đất, đầu hồi sát nhau, nhìn ra một sân chung, nằm chính giữa dùng để sinh hoạt chung cho người sống trong cả bốn ngôi nhà. Kiểu nhà này rất tiện cho những đại gia đình ‘tam tứ đại đồng đường’ ngày xưa, mỗi gia đình sống riêng trong mỗi ngôi nhà, nhưng lại không bị chia cắt, vì có một sân chung cho ‘sinh hoạt tập thể’, cho nên vẫn rất gần gặn, thấy nhau hàng ngày, tiếp xúc với nhau hàng ngày...

Tất nhiên, sự thông thạo phong tục tập quán của người ta, không phải là điều kiện bắt buộc người dịch thuật phải có như sự thông thạo về ngôn ngữ, nhưng như đã nói, nếu có được, nó sẽ rất bổ ích cho việc dịch thuật.

Bên cạnh đó, theo tôi, còn có một điều kiện rất quan trọng, nằm ngoài chuyện ngôn ngữ, đòi hỏi người cầm bút làm công việc dịch thuật phải có, đó là tinh thần thái độ, cùng tư cách, đạo đức của một người đứng đắn, tử tế, có trách nhiệm trong công việc của mình.

Tôi đã từng được nghe nhiều biên tập viên của nhiều nhà xuất bản phàn nàn về cung cách làm ăn của một số ‘dịch giả’, thậm chí bản thân tôi cũng biết được rằng, có những nhà ‘dịch thật’, đã dịch được nhiều sách hay, và cũng có được tiếng tăm nhất định, cũng như sự tín nhiệm của một số nhà xuất bản ...nhưng rồi chẳng hiểu vì ‘cơn cớ gì’, người ấy ‘biến chất’ đi, trở thành ‘suy thoái’, chạy theo tiền mà làm ẩu. Cụ thể là thế này:

Bằng vào ‘uy tín’ của mình, người đó ký hợp đồng dịch với một nhà xuất bản, đem sách về, xé thành nhiều tập mỏng, đem thuê sinh viên đang học tại trường, hoặc đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm, với giá rẻ, để ăn chặn, bóc lột sinh viên đang rất cần tiền để duy trì cuộc sống. Thôi thì trong cơ chế thị trường, chuyện cá lớn nuốt cá bé, cũng cứ coi như tạm chấp nhận được đi... Nhưng chất lượng bản dịch cuốn tiểu thuyết ấy ra sao, đó là vấn đề đáng nói. Trước hết, trong số sinh viên đi dịch thuê ấy, có người giỏi, người kém, hoặc tất cả đang còn ở dạng ‘ thoát nạn mù ngoại ngữ’, cho nên khi gặp phải những chỗ chưa học tới, khó dịch, thì họ cũng ‘bỏ thẳng cánh’, ‘không thèm dịch’, coi như bỏ sót hoặc bỏ quên, rồi đem nộp cho ông ‘đầu nậu’, lấy ‘tiền tươi’ rẻ mạt, và cũng không thèm báo cho ông ta biết chỗ mình đã bỏ qua không dịch, với một lý do rất ‘khoái trí’ trong đầu: ‘Tiền nào của ấy’... rất chi là sòng phẳng... Thế rồi cái nhà ông ‘đầu nậu’ kia, cũng cùng một giuộc, một phường làm ẩu, không thèm kiểm tra, đối chiếu gì hết, cứ đem từng tập đã thuê dịch ‘rẻ tiền’ ấy, ập lại, coi như một bản thảo đã được dịch hoàn chỉnh, nộp ngay cho nhà xuất bản, để làm sao lấy được tiền càng nhanh càng tốt... Sự bỏ trống, theo kiểu ‘không thành kế’ này, cũng đã từng thu được ‘thắng lợi’ như Khổng Minh Gia Cát Lượng, nhưng phần nhiều đã bị những biên tập viên sắc sảo, có kiến thức, ưa phân tích lô gích, phát hiện... Bản thảo bị trả về dịch... bổ sung...làm lại, rồi cũng từ đấy, nhà xuất bản ‘gút bai’ luôn ông ‘dịch giả’ này...Thế là tiếng tăm, uy tín, của ông ta đã tạo dựng được, đành đem đổ xuống sông, xuống biển, táng vào hàm cá mập... trắng!

Nói đi cũng cần phải nói lại, tôi lại nói giả dụ như: Những tập bản thảo ‘rời rạc’ thuê dịch rẻ tiền kia, đã được những sinh viên giỏi, có tài năng, có trách nhiệm, tuy biết bị bóc lột, trả giá rẻ mạt, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng bản dịch, đến mức ‘không sai một chữ’ - điều này, thật khó đạt được, bởi không một nhà dịch thuật nào dám cả gan tuyên bố mình dịch không sai một chữ, thế nào cũng có sai sót, sai không nhiều thì ít, đó là cái chắc! - Nhưng dù được tới mức như vậy đi chăng nữa, thì ở đây ta lại phải nói tới chuyện ‘ văn phong‘.

Trong văn học nghệ thuật, những người cầm bút, mỗi người đều có văn phong riêng của mình, nếu văn phong của ai cũng như ai, thì làm gì còn cái gọi là ‘cá nhân chủ nghĩa’ nữa? Mà trong văn chương nghệ thuật lại đòi hỏi, mỗi tác giả, phải có cái ‘cá nhân chủ nghĩa’ của mình, cũng như trong số mười mấy chú lính chì của Anđecsen đều giống hệt như nhau, duy chỉ có chú lính chẳng may bị thiếu mất một chút chì khi đổ khuôn, làm chú bị cụt mất một chân, và chính cái đặc điểm ‘cụt chân’ này, mới khiến chú có ‘sự tích’, ‘hành trạng’ riêng của mình, nghĩa là mới thành chuyện, nên chuyện...Với cả chục cái văn phong - giả dụ như tập tiểu thuyết đó có chục người dịch chung - đem ập vào với nhau, thì tập tiểu thuyết của người ta sẽ mang một thứ văn phong ‘hổ lốn’, như thế là ‘phản’ sách của người ta, chứ đâu còn phải là ‘dịch’ sách của người ta nữa? Cho nên, nhân đây, tôi xin nói thêm một điều rằng: Tôi phản đối việc hai ba bốn người dịch chung một cuốn tiểu thuyết, dù đó toàn là những người dịch giỏi giang, vì văn phong không thể nào ‘thống nhất’ được.

Dịch thuật, tôi nghĩ, còn đòi hỏi ở người dịch một sự cẩn thận, chu đáo, cẩn thận chu đáo đến tỷ mỷ... Như trên tôi đã nói, ‘Cẩn thận không phải là kiến thức’, nhưng sự cẩn thận, chu đáo, có thể bổ sung cho cái khiếm khuyết về kiến thức của mình rất nhiều. Bởi chỉ do thiếu kiến thức, có người đã dịch chữ ‘Tử viết’, mà xưa nay, người ta đã vẫn dịch đúng là: ‘Không Tử nói rằng’ thành: ‘Đữa trẻ nói rằng’, vì người đó mới chỉ học được, ‘viết ‘ là ‘nói’, ‘tử’ là ‘đứa trẻ’, nên dịch thế. Lại như dịch tên một nhân vật trong truyện Thuỷ Hử, xưa nay vẫn dịch là ‘Tống Giang, Cập Thời Vũ’, thành ‘Ông Tống Giang gặp mưa’, chữ ‘cập thời vũ’ mà dịch là ‘gặp mưa’ là sai hoàn toàn, nếu muốn dịch cái tên gọi đó theo nghĩa đen trong tiếng Việt, như kiểu ‘Hắc Tiểu Tử’ (truyện của Mạc Ngôn) thành ‘Thằng Cu Đen’, thì phải dịch là ‘Ông Tống Giang Mưa thuận’ hay “Mưa Kịp Thời’ mới là đúng.

Về sự cẩn thận, chu đáo, tôi xin đưa một thí dụ rất nhỏ sau đây:

Có một lần, trong khi ngồi dịch, tôi vớ phải tên một con côn trùng, mà theo như tác giả nói, thì nó sống ở nơi ẩm thấp trong nhà. Tôi tra mấy cuốn từ điển thường dùng, đều không thấy ghi chữ ấy, nên không tìm được ‘tên thật’ của nó. Tôi gọi điện thoại hỏi mấy anh bạn làm giáo sư, rất giỏi cả bạch thoại lẫn Hán văn, nhưng họ đều không biết đó là con gì. Tôi lại đi hỏi một anh bạn, chữ nghĩa Trung Quốc cũng vào hạng rất khá, lại sống ở Trung Quốc rất lâu, và anh đã trả lời tôi ‘ngay tắp lự’:

- Nó là con sâu đo anh ạ!

Tôi ‘khả nghi’ cái nghĩa ấy, bởi tôi ‘lý luận cùn’ rằng: Sâu đo nó đâu sống ở nơi ẩm thấp trong nhà - như trong bản gốc tác giả đã viết - mà nó phải sống ở ngoài vườn, trên lá trên cây kia chứ! Tôi ‘cẩn thận’ kiểm tra ngược lại bằng cách tra từ ‘con sâu đo’ tiếng Việt sang tiếng Trung Quốc, và tôi đã tìm ra ba chữ ‘tiểu kiều trùng’ - con côn trùng di chuyển bằng cách (co mình lại) bắc cầu - Thế là tên con côn trùng tôi cần tìm vẫn còn nguyên là ‘một bí mật’, một ‘thách thức’.Tôi lại phải đành mầy mò, ‘tự lực cánh sinh’, đi tìm ở những cuốn từ điển khác mà trong nhà tôi không có...Cuối cùng, đúng là ‘Hoàng Thiên bất phụ hữu tâm nhân’, tôi đã lôi được tên cái ‘con phải gió’ ấy ra, nó là ‘ con cuốn chiếu’. Thực ra, tên cái con côn trùng ‘dớ dẩn’ đó, tôi cứ dịch đại thành ‘ con rết’, ‘con bọ mát’ gì đó, miễn là có tên một con côn trùng cũng ‘ chẳng ai biết đó là đâu’, mà vạch vòi, trách tôi là dịch sai. Nhưng tôi cứ nghĩ, cẩn thận, chu đáo, dịch cho đúng, thì vẫn hơn...Bởi tôi đã gặp bản dịch chỉ vì không cẩn thận chu đáo một ‘tý tỳ tỵ’ thôi, mà đã dịch sai đến hai chỗ, trong một câu vỏn vẹn có 7 chữ: Bẩy chữ đó trong bài tuỳ bút có tên ‘ Nụ cừơi thường trực’, (‘Khai khẩu thường tiếu’ - Tên bài tôi dịch không giống với tên của người dịch trước), của Giả Bình Ao là: ’Đại học tốt nghiệp, tam thập giới..’ mà người dịch đã dịch thành: ‘Tốt nghiệp đại học khoá mười ba...’ Cái sai quá đơn giản đầu tiên là ‘tam thập’ đáng lẽ phải dịch là ‘ba mươi’ lại dịch thành ‘mười ba’... Còn chữ ‘giới’, thì quả là có ‘rắc rối’ hơn một chút, bởi vì hiện nay trên báo chí Trung Quốc, người ta dùng chữ ‘giới’ đúng là để chỉ chữ ‘khoá’ thật, ví dụ như ‘Đại hội khoá 10’. ‘Quốc Hội khoá 9’ vân vân, nhưng người dịch không biết rằng chữ ‘giới’ còn có một nghĩa cổ, được người ta dùng như chữ ‘niên’, chữ ‘tuế’, nghĩa là ‘tuổi’, cho nên khi dịch mấy chữ này, còn cần phải căn cứ thêm vào mấy chữ tiếp đó, mà dịch thành: ‘Tốt nghiệp đại học, tuổi đã 30, còn ế vợ, nên phải nhờ bè bạn mối lái...’ mới đúng, chứ còn dịch là: ‘Tốt nghiệp đại học khoá 13, còn ế vợ...’ là sai bét. (Dịch văn của ông Giả Bình Ao, cần phải nhớ một đặc điểm của ông nhà văn này là, thỉnh thoảng ông lại đá cổ văn vào trong văn chương của mình, nếu không, sẽ ‘hiểu lầm’ ông ấy ngay lập tức).

Sự cẩn thận, chu đáo của biên tập viên trong nhà xuất bản, trong toà báo, cũng là điều vô cùng cần thiết, bởi như đã nói ở trên, chính do sự cẩn thận, chu đáo mà biên tập viên đã phát hiện ra cái bản dịch lôm côm, với nhiều chỗ ‘nộp quyển trắng’, vì khó, không dịch nổi, và thứ ‘văn phong hỗn loạn’ do nhiều người dịch kia. Nhưng ngược lại, do sự thiếu cẩn thận chu đáo, mà báo Tiền Phong (Số chủ nhật, 42, năm 2005) đã để có một sai sót nhỏ, đáng tiếc:

Một cuốn tiểu thuyết của một tác giả người Trung Quốc với cái tên nguyên văn bằng chữ Hán là ‘Lang đồ đằng’, nhưng khi được giới thiệu bằng hai bài báo của hai tác giả, in trong cùng một số báo này đã khiến người đọc tưởng nó là hai cuốn tiểu thuyết khác nhau, do hai tác giả Trung Quốc viết:

Một cuốn mang tên: Lang Đồ Đằng (Sùng bái Sói) của Khương Tuất.

Một cuốn mang tên: Tô-tem Sói của Khương Nhung.

Cách giới thiệu thế này, theo tôi, có hai thiếu sót. Thiếu sót thứ nhất là: Trong cùng một tờ báo, đặc biệt là trong cùng một số báo, thì biên tập nên ‘quy về’ một tên cho có sự thống nhất trên báo của mình, bởi vì chữ ‘Lang đồ đằng’ dịch là ‘Tô tem Sói’ hay ‘Sùng bái Sói’ đều đúng cả, nhưng chỉ nên dùng một tên trên tờ báo của mình. Đáng lý ra, tên tác giả là Khương Tuất hay Khương Nhung người biên tập càng cần phải hỏi ‘cho ra nhẽ’, để thống nhất lại .Bởi vì trong chữ Hán có nhiều chữ có hai âm mà âm nào cũng đúng, ví dụ như Mao Thuẫn hay Mâu Thuẫn, vẫn như nhau, hay sông Châu, sông Chu cũng vẫn là một... Song trong trường hợp này, tuy tôi chưa được chính mắt nhìn thấy tên tác giả bằng chữ Hán, nhưng tôi dám khẳng định một trong hai người đã dịch sai, bởi vì trong chữ Hán có ba chữ có thể nói là viết gần như nhau, nhưng vẫn có cái khác nhau ở một nét nhỏ trên cùng một vị trí của mỗi con chữ. Nếu không cẩn thận nhận mặt chữ, chỉ đọc lướt đi, rồi dịch thì rất dễ sai, chữ nọ dịch thành chữ kia ngay lập tức. Đó là ba chữ: Tuất, (ngọ, mùi, tuất), Nhung, (binh nhung), và Thú, (đồn thú), cho nên rất có thể có người dịch tên tác giả là Khương Thú có khi mà lại đúng cũng nên, biết đâu đấy? Nhưng sai một ly đi một dặm là vậy.

Nói đến ‘thông thạo’ chữ nghĩa của người ta, lại không thể không nói đến ‘thông thạo tiếng mẹ đẻ’ của mình, - nói chung là hai ‘cái sự thông thạo’ đó phải ngang nhau -, để mình có thể tuỳ ý, chọn lựa, sàng lọc, moi móc được trong tiếng Việt mình ra những chữ những nghĩa thật ‘môn đăng hộ đối’, không chê vào đâu được, mà làm ‘sính lễ’, làm ‘của hồi môn’ xứng đáng với tác giả. Ta không thể chấp nhận những người dịch không chịu tìm tòi trong tiếng Việt ra những chữ tương xứng, thậm chí là rất hay để dịch, mà lại lười biếng, ‘ăn không’, ‘bê nguyên đai nguyên kiện’, tiếng của người ta, âm của người ta vào, ‘làm nghèo’ tiếng của nước mình đi, thí dụ như trước đây ta đã thấy nhan nhản những tiếng ‘A ka’, ‘lách cách’, (hoàng tử, công chúa), trong phim truyền hình, trong thể thao tiếng võ thuật (vũ thuật) có sẵn (như côn, quyền, đao. kiếm...) lại bỏ đi không dùng, mà đi bê chữ u xu hay ủ xu chỉ là âm Trung Quốc của hai chữ võ thuật vào thay thế. Hay như gần đây, trên báo chí thấy xuất hiện một từ Trung Quốc mới: ‘linglei’. Nhiều người đã hỏi tôi ‘linhlây’ là gì ? Trời đất ạ, nguyên nghĩa của nó là loại khác, kiểu khác,mà Việt Nam có một từ ‘tuyệt vời’ để dịch từ này là ‘khác người’, hoặc ‘khác đời’, sao không dịch, mà lại cứ đi tỏ vẻ ‘thông thái’, ‘nhân danh cái mới’ làm khổ người đọc? Tôi cũng phản đối cái lối dịch, mà khi đọc lên, cứ như nghe người Tầu nói tiếng ta, đại khái như một câu thế này: “... Chúng tôi đã điều nghiên, phối kết hợp, thanh kiẻm tra, bám chặt mọi di biến động của đối tượng hêrôin, để phá án phi vụ này...”

Thông thạo tiếng Việt, để khỏi nói như ông đại biểu Quốc Hội, phát biểu giữa nghị trường: ‘Danh có chính thì ngôn mới...luận’, như có tờ báo đã đưa tin...

Nói tóm lại, người dịch thuật văn chương, ngoài việc cần phải thông thạo cả tiếng nước mình lẫn tiếng nước người, còn cần phải có một tư cách đứng đắn, và lòng say mê nghề nghiêp. Chính lòng say mê nghề nghiệp sẽ đem lại cho mình tinh thần trách nhiệm và lối làm việc cẩn thận, chu đáo, rồi ‘hậu quả’ của điều này sẽ nâng cao được sự ‘giỏi giang’ cả hai thứ tiếng, làm phong phú thêm kiến thức của mình...

Lê Bầu (dịch giả)

-ooOoo-

Hãi hùng sách dịch

Nguồn: Báo Người Lao Động, http://www.nld.com.vn, tháng 11-2005
Hãi hùng sách dịch
Phương Quyên

Bài 1: Tôi đi dịch sách
Thời gian gần đây, người đọc Việt Nam đang phải chịu đựng cái gọi là “thảm họa dịch thuật” khi tiếp xúc các tác phẩm nước ngoài chuyển ngữ kém chất lượng. Dư luận đã mạnh dạn vạch trần những lỗi dịch thuật sơ đẳng trong một số tác phẩm được người đọc chờ đợi.

Người dịch tiếng Anh chưa rành tiếng Anh
Một bộ phận tôn giáo được dịch thành Tổng giáo mục; Tình dục trước hôn nhân lại dịch thành Giới tính nguyên thủy; Biểu hiện trên nét mặt có thể thay cho Việc lộ diện hay Thời đó giống với Ngày nay... là một trong những lỗi dịch sai điển hình nhất của Mật Mã Da Vinci - một tác phẩm văn học thuộc hàng bán chạy nhất thế giới hiện nay. Một người bạn tôi cho biết, bản dịch đó do một giảng viên chuyên ngành ngoại ngữ mà còn như thế, huống gì những cuốn sách do “tập thể sinh viên” dịch. Và anh bảo tôi cứ đi chung với em anh ta vài ngày tôi sẽ có câu trả lời.

Cậu em bạn tôi là sinh viên năm thứ ba khoa ngữ văn Anh một trường ĐH. Tôi theo anh ta tham dự giờ học ngoại ngữ chuyên ngành. Cuối giờ học, giáo viên hỏi lớp có ai muốn dịch sách để test (kiểm tra) trình độ của mình và kiếm tiền không? Cả lớp nhanh nhảu đồng ý. Giáo viên giao cho chúng tôi một tập tài liệu Anh ngữ dày 300 trang sách. Tranh thủ lúc anh bạn lớp trưởng ghi danh người đăng ký dịch, tôi liếc sơ nội dung tập tài liệu. Thì ra, bộ tài liệu không đồng nhất với nhau về nội dung và có số trang cách quãng. Từ trang 153 đến 160 đề cập đến các ứng dụng công nghệ viễn thông, trang 229 đến 246 trình bày các mạng thương mại của các quốc gia, từ trang 263 đến 289 lại có nội dung lịch sử chính trị, tuyển cử các nước châu Mỹ... Tôi thắc mắc và hỏi 2 cô sinh viên cùng bàn. Hai cô bé cười, khuyên tôi đừng bận tâm vì những lần nhận dịch tài liệu trước nay vẫn vậy. Tôi hỏi, thế làm sao biết được đây là cuốn sách nào và toàn bộ cuốn sách tập trung vào vấn đề gì? Hai cô bé trả lời: “Biết để làm gì? Biết phần nào mình nhận thôi chứ! Mà chưa chắc mình hiểu hết phần mình nhận dịch” .

“Berlin là nước nào” (?!)
Khuôn viên sảnh trường ĐH lúc này trở thành nơi họp nhóm lý tưởng cho những đôi dịch sách như chúng tôi. Chọn được một bàn trống, chúng tôi bắt đầu chú tâm vào trang sách photocopy đặc chữ. Nội dung chính phần dịch của chúng tôi là các ứng dụng Internet từ năm 2000 của các nước phát triển. Để dịch sát nghĩa, ngoài từ vựng, người dịch còn cần đến các kiến thức chuyên ngành. Đa số các từ mới đều là những thuật ngữ “bí hiểm” thuộc chuyên ngành công nghệ thông tin. Việc đầu tiên của chúng tôi là tra từ điển, có bao nhiêu từ dịch ra bấy nhiêu. Quyển từ điển Anh Việt “siêu dày” của Viện Ngôn ngữ học biên soạn không làm chúng tôi thỏa mãn. Gặp những từ ghép, không có trong từ điển, chúng tôi phải đoán theo cảm tính như Telemedicine (từ ghép giữa Tele -hệ thống thông tin, tư vấn trực tuyến và medicine- y học); Touch-screen (màn hình và tiếp xúc trực tiếp bằng tay). Gặp phải những câu đề mục kiểu chơi chữ như Let Them Eat Cybercake (nguyên văn: Hãy để họ ăn bánh thông tin); Virtual city hall (nguyên văn: Thành phố tòa thị chính ảo); Infrastructure, environment, and attitude (nguyên văn: Cơ sở hạ tầng, môi trường và thái độ)... thật không làm sao đoán được nghĩa chính xác của chúng. Còn những từ hoàn toàn mới như Portal, hay các cụm từ Smart community, Value-added services... không có trong từ điển, chúng tôi đành phải ghi từ nguyên mẫu, đặt trong ngoặc kép. Bên cạnh tôi, nhóm 3 sinh viên chung lớp cũng đang tranh cãi khá gay gắt về một câu nào đó. Chẳng ai nhường ai, cuối cùng, họ chọn giải pháp tổng hợp cả 3 ý kiến đó lại thành câu dịch hoàn chỉnh. Một anh bạn khác chạy đến chỗ chúng tôi, hỏi bằng một giọng khá nghiêm trọng: “Berlin là nước nào; Hague là tỉnh hay thành phố?!”. Vừa trả lời xong thì một cô bé, cũng học cùng lớp, phàn nàn: “Anh xem thằng Y.A có dốt không, con bọ máy tính và virus máy tính nó dám bảo là khác nhau. Đó chẳng qua chỉ là cách chơi chữ thôi phải không anh (Bug con bọ- nghĩa lóng: lỗi kỹ thuật trong phần mềm)? Ghét quá, em cho nó muốn dịch ra sao thì dịch”. Anh bạn nhận phần dịch nhiều nhất vò đầu, than khó, dịch không xuể nên đã chia bớt cho một cậu năm 2 dịch phụ. Không biết, cậu ta sẽ làm ăn ra sao nữa.

Vất vả 3 ngày tra từ, dịch nghĩa và... cãi nhau, chúng tôi cũng hoàn thành 14 trang sách và đem nộp dù biết chắc rằng nội dung trang dịch chưa hoàn chỉnh.

-ooOoo-

Bài 2: Phải giáo sư, tiến sĩ đâu mà đòi chính xác!

Anh bạn lớp trưởng của tôi tập hợp tất cả bản dịch lại và kiêm nhiệm luôn công việc liên kết những tài liệu rời đó lại thành một bản hoàn chỉnh và “tút” lại cho bản dịch rõ nghĩa, liền mạch. Xem các bản dịch khác mới biết bài dịch của chúng tôi so với mặt bằng chung là tươm tất nhất. Điểm sơ qua 2 trang đầu, chúng tôi đã thấy nhiều lỗi rất phổ thông.

Không dịch được là cho qua
Điển hình là cách dùng từ không chính xác. “The Torah” (kinh thánh Do Thái) được dịch thành Kinh thánh Hồi giáo. “Social security” được dịch là “Bộ an ninh xã hội” dù đây là “bảo hiểm xã hội”… Những lỗi như thế này rất phổ biến trong các trang bản dịch mà chúng tôi nhận từ những sinh viên. Có những từ khó, không dịch được, các bạn bỏ hẳn dù đó là từ chính trong câu. Câu văn dịch trở nên cụt và tối nghĩa. Thấy tôi thở dài, anh bạn tôi cười: “Sinh viên mà, đâu phải giáo sư, tiến sĩ mà đòi bản dịch phải chính xác! ”.

Nộp lại bản dịch cho giáo viên, chúng tôi được khen là bản dịch “sạch” và nộp bài đúng tiến độ. Cũng chẳng cần xem xét thêm, thầy nhờ chúng tôi mang đến giao cho một người khác (?!).

Rời trường ĐH, tôi cùng bạn cũ đến nhà sách Xuân Thu, kiếm ít sách ngoại ngữ. Một phụ nữ trung niên xuất hiện. Cô ta giới thiệu tên Th.H, đang làm cho một công ty dịch thuật và liên kết với các nhà xuất bản. Chẳng cần biết khả năng của bạn tôi thế nào, cô ta đề nghị bạn tôi dịch giúp những tác phẩm bày trên kệ sách vì đang cần gấp bản dịch để kịp xuất bản những đầu sách đó.

Chỉ cần suôn sẻ là được
Đang chưa có việc làm, cô bạn tôi cũng nhận dịch, kiếm thêm thu nhập. Người phụ nữ quay sang hỏi tôi có dịch không? Thấy tôi bảo mình học ngữ văn, không biết tiếng Hoa, cô lại đề nghị tôi chỉnh lý giúp những bản dịch. Theo lời cô ta là chỉ cần “cho suôn sẻ và văn vẻ một tí”. Muốn biết những bản dịch của cô ta ra sao nên tôi nhận lời. Hôm sau, tôi nhận được một tập dày những bài dịch. Nhiệm vụ của tôi là chỉnh lại những lỗi về câu từ, ngữ pháp và liên kết các phần lại để thành một cuốn sách hoàn chỉnh. Ấn tượng đầu tiên của tôi là một bản dịch hổ lốn từ Việt- Hán. Dù đã một lần dịch sách thuê nhưng tôi vẫn không khỏi bất ngờ trước những lỗi dịch nghiêm trọng đến thế. Tên các yếu nhân, địa danh lẫn lộn đến buồn cười. Khổng Tử tên thật là Trọng Ni, tự là Khâu. Không biết người dịch thế nào lại thành Khổng Tử tên thật là Trọng Khâu. Trương Lương thành Trương Thực, Vương Mãn ra Vương Bôn. Buồn cười nhất là “đem râu ông nọ cắm cằm bà kia” trong tên những nhân vật nổi tiếng của phương Tây. Montesquieu (nhà tư tưởng) trong bản gốc được phiên âm tiếng Hán thành Mạnh Đức Tư Cưu, người dịch phán luôn là Đôn-ki-hô-tê (nhân vật trong tiểu thuyết Tây Ban Nha). Chắc là do không biết những nhân vật này nên người dịch đoán âm bừa và cho ra kết quả ngộ nghĩnh như thế. Dịch sách Trung Quốc nhưng dường như người dịch hoàn toàn mù tịt về văn hóa, văn học Trung Quốc. “Lưu Bị tiến cử Gia Cát Lượng cho Tư Mã Đức Thao và Từ Thứ”; (đúng là Lưu Bị mời Từ Thứ làm quân sư, ông ta từ chối và tiến cử Gia Cát Lượng cho Lưu Bị), “Khổng Tử đã từng chỉnh lý những sách cổ gồm Thi, Thư, Lễ, Dị. Ngoài ra còn có sách sử Xuân Thu” (chính xác ngũ kinh phải là Thi, Thư, Lễ, Nhạc và Xuân Thu. Xuân Thu là một kinh trong ngũ kinh. Nếu thêm kinh Dịch là lục kinh. Kinh Dịch không phải do Khổng Tử chỉnh lý mà những nhà nho đời sau thêm vào), là kiểu câu sai phổ biến trong hơn 500 trang bản dịch. Mắc những lỗi như vậy, chắc chắn người dịch phải là người thiếu kiến thức trầm trọng.

Làm sách phải “thoáng”
Đến gặp người phụ nữ tự xưng là nhân viên liên kết xuất bản, tôi trả lại bản thảo và thú thật bản dịch rất tệ, không thể nào chỉnh lý được và khuyên nên cho dịch lại. Cô ta sầm mặt, bảo tôi khờ, câu nệ quá mức. Và khuyên ngược lại tôi làm sách phải “thoáng” một chút vì hai ngôn ngữ phải có sự khác biệt (?!). Tôi biết, mình không thể “thoáng” để nhận 200.000 đồng tiền công cho việc chỉnh lý bản dịch khủng khiếp này. Quay sang cô bạn tôi, cô ta bảo xấp bản thảo của bạn tôi dịch bỏ nhiều câu - đoạn quá, phải đánh máy lại và trừ bớt tiền công. Một trang A4 dịch hoàn chỉnh, đánh máy bằng co chữ 11, bạn tôi được trả 10.000 đồng. Tôi hiểu, với cách tính công đếm chữ trả tiền như thế, sự ra đời của những bản dịch kém đến vậy là điều tất nhiên.
Ai cũng có thể dịch sách. Làm sách dịch theo kiểu gia công, “thoáng” và đếm chữ trả tiền. Đó là tất cả những gì tôi nhận được sau một thời gian tiếp xúc với nghề dịch sách thuê. Những đầu sách kém chất lượng mà báo chí lên án chỉ là một trong những điển hình bị mổ xẻ. Nếu tiến hành một cuộc “đại phẫu thuật” cho các đầu sách dịch hiện nay, chắc chắn còn rất nhiều đầu sách kém chất lượng bị lột trần. Chỉ xót xa cho người đọc, phải bỏ tiền để mua lấy những bán thành phẩm của kiểu làm sách tay ngang, vô trách nhiệm.

-ooOoo-

Bài 3: “Thảm họa dịch thuật” có mặt khắp nơi

Dịch giả Ngân Xuyên (Phạm Xuân Nguyên) cho rằng: Thị trường sách dịch hiện nay rơi vào khủng hoảng và đã báo động từ rất lâu. Số lượng sách dịch trên thị trường có thể phong phú về số lượng, cập nhật thời sự rất nhanh, nhưng số lượng thì chưa đi đôi với chất lượng, nhất là đối với những tác phẩm văn học lớn, tác phẩm best seller.

Đội ngũ dịch thuật không chuyên nghiệp
Rất nhiều cuốn sách dịch sai be bét, không hiểu thuật ngữ chuyên ngành, thậm chí còn bị coi là “thảm họa dịch thuật” như Mật mã Da Vinci. Nhưng Mật mã Da Vinci ít ra còn suôn sẻ về mặt tiếng Việt, cuốn Chiến tranh và hòa bình (tái bản) dịch ẩu hơn nhiều và chi chít lỗi đánh máy. Cuốn Mỹ học của Hegel (dịch giả Phan Ngọc) bị dịch giả Hoàng Hưng “tố” là “sai gần hết”. Còn Bonjour Tristesse (Buồn ơi chào nhé) rất nổi tiếng của Francois Sagan thì lại được dịch thành Nỗi buồn muôn năm... Nhưng bản dịch sai sót còn là bản dịch dễ chữa, theo dịch giả Vũ Thế Khôi, bản dịch thật sự thảm họa là những bản dịch mờ mờ nhạt nhạt, chẳng tìm thấy bóng dáng nhà văn đang có mặt nhan nhản khắp nơi. Và đó là hậu quả của một nền dịch thuật thiếu chuyên nghiệp kéo dài hàng chục năm nay với một đội ngũ dịch giả mày mò tự học, thay vì được đào tạo bài bản trường lớp.

Dịch giả thứ thiệt chưa được coi trọng
Đi tìm nguyên nhân cho thực trạng đáng buồn này, dịch giả Đoàn Tử Huyến cho rằng có tới 4 nguyên nhân dẫn đến tình trạng loạn sách dịch. Đầu tiên, đó là sự kém cỏi của người dịch. Thứ hai, là sự tham lam của cả dịch giả, NXB lẫn đầu nậu, tìm mọi cách để có lợi nhuận cao. Thứ ba, là sự cẩu thả và cuối cùng là thái độ thờ ơ của những người có trách nhiệm. Dịch giả Ngân Xuyên lại cho rằng chúng ta đang đứng trước mâu thuẫn, người biết ngoại ngữ thì nhiều nhưng dịch giả thì ít. Không phải cứ biết ngoại ngữ là có thể dịch được, mà chúng ta thì lại chưa có một trường dạy dịch, chưa có lý thuyết dịch. Dịch văn học rất khó, không ít người giỏi ngoại ngữ, ham mê dịch, nhưng vì không xác định được đối tượng dịch của mình là ai nên bản dịch rất nhạt nhẽo. Đó là chưa kể đến người dịch sách không được coi trọng, nói theo cách của dịch giả Phạm Tú Châu, họ không được hưởng thù lao xứng đáng cho công sức bỏ ra cho một cuốn sách. Dịch giả Ngân Xuyên tính toán, một trang sách dịch thông thường được trả 40.000 đồng, nhưng dịch một trang dự án thì được tới 5 USD, lại chẳng mất thời gian suy nghĩ về phong cách, giọng điệu của nhà văn, quá nhàn.

Biên tập sách dịch: Hầu hết không biết ngoại ngữ
Một lý do nữa cũng được nhiều dịch giả nêu lên, đó là sự lúng túng của các nhà xuất bản (NXB) khi tham gia Công ước Berne. Muốn dịch nhanh, có sách ra thị trường sớm, thu lợi nhuận cao nhưng các NXB lại không biết cách tổ chức thế nào để vừa bảo đảm chất lượng, vừa bảo đảm tốc độ bản dịch mà Mật mã Da Vinci là một ví dụ. Dịch giả Ngân Xuyên cũng dẫn ra một nguyên nhân nữa, đó là sự buông lơi 2 khâu chính là biên tập và phê bình. Cùng với sự xuống cấp của phê bình và biên tập nói chung, việc biên tập, phê bình sách dịch còn “thảm” hơn nữa. Biên tập viên Cao Giang của NXB Thanh Niên, cho biết hầu hết các biên tập viên mảng văn học của các NXB hiện nay đều không biết ngoại ngữ, trình độ không theo kịp thời cuộc. Và vì thế, tệ làm sách cẩu thả càng có đất để hoành hành, bất chấp dư luận lên tiếng.

Cải thiện tình hình, bằng cách nào?
Dịch giả Thúy Toàn, Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng cũng như sáng tác văn học, việc dịch sách là công việc của các cá nhân, của trình độ và lòng tự trọng nghề nghiệp của dịch giả. Cũng đồng tình với quan điểm này, dịch giả Ngân Xuyên cho rằng chẳng ai muốn “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, các dịch giả luôn luôn muốn giữ uy tín cho mình, nhưng để có được những cuốn sách hay, các NXB phải tập hợp đội ngũ các dịch giả tin cậy. Mỗi NXB cần nắm vững đội ngũ người dịch chí cốt của mình, tùy theo từng ngôn ngữ và thể loại sách khác nhau, đặt hàng để họ dịch những cuốn sách có giá trị và trả thù lao xứng đáng.

Một giải pháp nữa cũng rất quan trọng, đó là nâng cao trình độ của người biên tập.

-ooOoo-

Thursday 18 June 2009

Trái tim của Hòa thượng Thích Quảng Đức

http://www.thanhnien.com.vn, 16/06/2009

... Đó là Bồ tát Thích Quảng Đức, tự thiêu tại Sài Gòn (ở vị trí ngã tư đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM hiện nay) ngày 11.6.1963, để phản đối và cảnh tỉnh chế độ Ngô Đình Diệm đang đàn áp, bắt bớ, đánh đập, thủ tiêu và bắn giết tăng ni Phật tử miền Nam. Rất nhiều phóng viên trong và ngoài nước như ký giả David Halberstam của tờ New York Times tường thuật: “...lửa phủ khắp người, thân ngài Thích Quảng Đức từ từ thâu nhỏ lại, đầu cháy nám, cả người chìm trong lửa đỏ. Sau lưng tôi vọng lên tiếng khóc, tôi cũng quá xúc động không khóc nên lời được khi nhìn thấy thân hình của ngài chìm trong biển lửa nhưng ngài không một tiếng rên la, trầm tĩnh bất động, khác hẳn với những phật tử đang òa khóc ngày càng lớn tiếng chung quanh”. Một tường thuật khác của mục sư Donald Harrington (Mỹ): “…khi chiếc áo cà sa của ngài đã tẩm đầy xăng, tất cả tăng ni sợ hãi lùi lại kính cẩn và chăm chú nhìn ngài. Ngài vẫn yên lặng và bình thản niệm Phật, rồi bật một que diêm để ngọn lửa phừng phực bốc lên phủ kín thân ngài. Ngài vẫn ngồi thẳng nhiều phút trong lửa đỏ cho đến khi lửa tàn và nằm xuống bất động”.

Bấy giờ nhiều linh mục như Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Quang Oánh, lên tiếng đồng tình với ngọn lửa đấu tranh Thích Quảng Đức. Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình đã từ chối không để ông Ngô Đình Thục dùng nhà thờ Đức Bà ở trung tâm Sài Gòn để “cải chính” về sự việc. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tổ chức lễ cầu siêu Bồ tát Thích Quảng Đức trong hai ngày 12 và 13.6.1963. Tại miền Bắc, hơn 80.000 người tập trung ở thủ đô Hà Nội mít tinh và diễu hành ủng hộ phật tử Sài Gòn, kéo đến chùa Quán Sứ cầu siêu cho ngài. Ở nước ngoài, làn sóng phản đối chế độ Sài Gòn dâng cao ở nhiều quốc gia, ảnh chụp Bồ tát Thích Quảng Đức ngồi trong lửa đỏ đặt suốt cả tháng trên bàn làm việc của tổng thống Mỹ. Khi nhục thân của ngài đưa đi làm lễ trà tỳ tại lò thiêu An dưỡng địa Phú Lâm để lấy tro thờ, tất cả mọi người đều kinh ngạc thấy trái tim của ngài không bị cháy. Sự kiện này không những gây chấn động trong phật tử Việt Nam mà còn đặc biệt thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu khoa học trên thế giới suốt gần nửa thế kỷ qua. Người ta tự hỏi tại sao dưới sức nóng của hàng nghìn độ mà trái tim của ngài không cháy?

Hòa thượng Thích Thông Bửu, trụ trì chùa Quán Thế Âm - TP.HCM, trong hội thảo chuyên đề về Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức năm 2005 đã kể lại:

- “Sau một ngày lửa nung cả ngàn độ, mà trái tim vẫn không cháy, nên phải quyết định đưa vào nung thêm lần nữa. Lúc bấy giờ ngoài trời đã gần tối mà lực lượng cảnh sát của Ngô triều càng đông thêm. Có tiếng xầm xì rằng nhà cầm quyền muốn dùng bạo lực để cướp trái tim, vì thế bộ phận phụ trách trả tỳ liền ngưng đốt và đem trái tim ra. Trái tim vẫn còn nguyên trong khi xương thịt đã cháy thành tro trắng. Tin lan truyền từ lò thiêu: “Trái tim bất diệt” khiến Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu hoảng sợ. Khi trái tim được tôn trí tại chùa Xá Lợi thì toàn bộ gia quyến họ Ngô họp khẩn và lệnh cho Bác sĩ Trần Kim Tuyến, trùm mật vụ của chế độ, đến chùa Xá Lợi để khám nghiệm quả tim và xem thực hư thế nào. Bằng những chất hóa học và phương tiện khoa học hiện đại thời ấy, bác sĩ giám đốc kiêm tình báo của Ngô triều đã sử dụng hết khả năng để đốt cháy quả tim, nhưng cuối cùng ông thở dài và đành chắp tay vái lạy rồi rút lui. Về đến dinh ông trình bày: “Chúng ta nên hòa với Phật giáo là hơn, vì họ có quả tim bất diệt”. Bà Ngô Đình Nhu phản đối và họp với chồng tổ chức chiến dịch “Nước lũ”, bố ráp hết các chùa chiền vùng Sài Gòn - Gia Định để bắt thêm tăng ni đem về nhốt tại vùng Rạch Cát, quận 8. Khi biết được tin này, Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo âm thầm đưa quả tim vào tủ sắt và gửi trong trụ sở của chi nhánh Ngân hàng Thụy Điển tại Việt Nam. Do vậy mật vụ và lực lượng cảnh sát đặc biệt trong chiến dịch “Nước lũ” do nhà Ngô tung ra suốt mấy ngày đêm cũng chỉ thu về một quả tim giả làm bằng… thạch cao hong khói!”.

Đến nay, quả tim bất tử của Bồ tát Thích Quảng Đức, một báu vật quốc gia, một trân châu xá lợi của phật tử Việt Nam, vẫn còn đó và đang được lưu giữ nơi nào? Bạn có thể tìm đọc câu trả lời chính xác trong mục này trên số báo ra ngày mai. (còn tiếp).

http://www.thanhnien.com.vn, 17/06/2009

... Cố Hòa thượng Thích Thông Bửu (tịch năm 2007 - là một trong những đệ tử thân cận của ngài) đã kể cách đây bốn năm (2005):

- Bồ tát ngã xuống mà tay vẫn còn bắt ấn tam muội và khi ngọn lửa trà tỳ với sức nóng 4.000 độ đã tắt, trái tim của ngài vẫn không cháy, kết lại thành một khối rắn chắc như ngọc, được đưa vào giữ trong tủ sắt của chi nhánh Ngân hàng Thụy Điển tại Sài Gòn. Đến sau ngày 30.4.1975, vào một dịp thích hợp, tủ sắt đã được mở ra và thấy quả tim bất diệt của ngài vẫn nằm trong một cái hộp được niêm phong cẩn thận bởi những sợi dây dẹp bằng đồng và được khằn theo đường hình chữ thập. Bên trên hộp ghi rõ lệnh niêm phong của đức Tăng thống Giáo hội Phật giáo nước ta, với dòng chữ: “Nghiêm cấm không ai được mở khi chưa có lệnh”.

Cũng theo hòa thượng Thích Thông Bửu, sau này khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, đã bàn bạc hết sức nghiêm túc về biện pháp bảo vệ quả tim sao cho tốt nhất và đã đi đến quyết định gửi vào Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bảo quản. Thủ tục ký kết việc gửi và nhận tiến hành lúc 11 giờ trưa ngày 26.4.1991, với văn bản số 03/BB-TG.

Theo tài liệu phổ biến trước đông đảo đại biểu dự hội thảo về Bồ tát Thích Quảng Đức do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam mở tại TP.HCM năm 2005, thì những vị có trọng trách trong việc gửi và nhận quả tim bất diệt ấy gồm:

Về bên gửi, có 3 vị đại diện cao nhất là: 1. Hòa thượng Thích Thiện Hào, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 2. Hòa thượng Thích Từ Nhơn, Phó trưởng ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 3. Hòa thượng Thích Giác Toàn, Ủy viên kiểm soát Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Về bên nhận, có 6 vị đại diện: 1. Ông Trịnh Thanh Tùng, Vụ phó Vụ Phát hành kho quỹ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 2. Ông Bùi Văn Hàn, đại diện Bộ Nội vụ. 3. Bà Trần Thị Kim Liên, kế toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 4. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Vụ phó Vụ Tôn giáo trung ương. 5. Ông Đỗ Quốc Dân, Phó ban Tôn giáo TP.HCM. 6. Ông Phạm Văn Hùng, đại diện Bảo tàng Cách mạng TP.HCM.

Như vậy, từ năm 1991 đến nay, quả tim Bồ tát Thích Quảng Đức vẫn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lưu giữ. Đó là bảo vật quốc gia, là một dạng xá lợi độc đáo của Việt Nam.

* * *