Sunday 7 April 2013

Viện Bảo Tàng Phật Giáo

VIỆN BẢO TÀNG PG

Các thảo luận về nguồn gốc kinh điển sẽ ôn hòa, xây dựng, thân ái hơn nếu chúng ta thử đóng vai nhà khảo cổ, hay khách tham quan, xem xét, tìm hiểu các cổ vật lưu trữ tại các Viện Bảo Tàng (VBT, tiếng Anh là Museum).

Nhìn chung, hiện nay có 3 viện bảo tàng PG: VBT Nam phương (cổ vật Sri Lanka, Thái Lan, Miến Điện), VBT Đông phương (cổ vật Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản), VBT Bắc phương (cổ vật Tây Tạng). Tạm đặt tên như thế để dễ phân biệt. Tạm xem các cổ vật này tương tự như kinh điển chúng ta thừa hưởng ngày nay, từ 3 nguồn gốc đó. Tất cả đều là di sản chung cho nhân loại, không dành riêng cho cộng đồng Phật tử hay một tông môn, tông phái PG nào.

Cổ vật Nam phương được các nhà khảo cổ Âu Mỹ biết đầu tiên, đã được khảo sát nhiều, và sắp xếp tương đối thứ tự rõ ràng (nhưng thật ra còn nhiều cổ vật vẫn chưa được khảo cứu).

VBT Đông phương phong phú và đa dạng hơn, thu thập nhiều cổ vật qua nhiều thời kỳ (nhất là trong khoảng 1000 năm, từ thế kỷ I đến X, Tây lịch), một số đã được khai thác, và hiện nay vẫn tiếp tục có những công trình nghiên cứu.

VBT Bắc phương cũng có nhiều cổ vật quý, nhưng tiếc thay, vì hoàn cảnh chính trị trong hơn 50 năm qua, không được phổ biến và nghiên cứu rộng rãi. Cũng có một số công trình nghiên cứu, nhưng chưa hoàn tất.

Xem xét các cổ vật này giúp chúng ta tìm hiểu lịch sử phát triển PG, qua nhiều thời kỳ, qua nhiều thay đổi do nhiều yếu tố khác nhau. Ôn cố tri tân. Tìm hiểu để nhớ ơn tiền nhân, để trân quý các di sản, và quan trọng nhất, biết lọc lựa, rút tỉa kinh nghiệm, để áp dụng cho cuộc sống hôm nay cho riêng mình.

Thêm vào đó, chúng ta cũng nên cố gắng gìn giữ và bảo vệ tất cả các cổ vật đó, để dành cho con cháu chúng ta trong thế hệ mai sau. Không nên bác bỏ, phá hủy bất cứ cổ vật nào hiện đang lưu trử tại các viện bảo tàng PG.


* * *

Tuesday 2 April 2013

Các sai lầm cơ bản khi thuyết trình



Các sai lầm cơ bản khi thuyết trình

Quách Tuấn Khanh
(http://QuachTuanKhanh.net)

 

1. Thiếu mục đích, hay mục đích không rõ ràng
Bao giờ bài trình bày của bạn cũng phải nhắm đến một mục đích cụ thể. Thiếu mục đích, bạn sẽ không định hướng được bài trình bày của mình. Bạn sẽ không biết rõ mình cần nói cho người nghe biết những gì, muốn dẫn dắt họ đến đâu. Nếu không nắm rõ về thông điệp mình sẽ trình bày, về những ý tưởng, thông tin, dữ kiện bạn muốn trình bày, thì đừng mong người nghe sẽ nắm bắt được những gì bạn nói, vì đến dự buổi thuyết trình của bạn, họ sẽ bị “dội bom” thông tin, không biết đường nào để thoát ra.
  
2. Không đặt mình vào vị trí khán giả
Mỗi đối tượng người nghe đều có một khả năng đón nhận, mong muốn khác nhau. Bạn phải tìm cách biến đổi và thích ứng sao đó cho thích hợp. Nếu cứ giả định rằng người nghe đã biết những điều bạn biết hay là họ quan tâm như cách bạn quan tâm sẽ là một sai lầm tai hại. Bạn cần gây sự chú ý từ ban đầu, càng ấn tượng càng tốt và gợi sự hấp dẫn trong suốt bài thuyết trình của mình.

3. Không thể hiện sự tôn trọng khán giả
Nếu bạn ghét hoặc thiếu tôn trọng người nghe của mình bởi vì sự thiếu hiểu biết chuyên môn, họ sẽ ghét lại bạn. Và trong trường hợp bạn khiến cho khán giả của mình cảm thấy họ như là những kẻ thua cuộc, thất bại hoặc không đáng để bạn tôn trọng, thì bạn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực, tạo nên rào cản giữa bạn và người nghe. Kết cục thì bạn sẽ đánh mất khán giả của mình mãi mãi.

4. Không truyền được cảm hứng suy nghĩ và hành động mới
Sẽ là thiếu sót khi đưa ra các thông tin mà không truyền cảm hứng cho mọi người hướng theo cách hành động hay suy nghĩ mới. Những lời nói và thông điệp của bạn sẽ không lưu giữ được trong đầu của những thính giả nếu bạn không thúc đẩy người nghe làm một việc gì đó khác biệt với những gì mà bạn vừa chia sẻ và truyền đạt. Hãy suy nghĩ về cách làm thế nào mà bạn có thể kết nối và gắn bó với người nghe sau khi kết thúc buổi thuyết trình, và giúp họ có được suy nghĩ và cư xử khác biệt, sử dụng kiến thức bạn đưa lại để giúp cuộc sống của họ tốt đẹp hơn. Nếu bạn không làm được điều này, bạn đã mất chiếc chìa khóa thành công quan trọng – truyền cảm hứng cho những hành động tích cực.

5. Không đưa ra được thông điệp cuối cùng ấn tượng
Hiện nay, với hàng triệu chương trình hội nghị, hội thảo luôn sẵn có cho chúng ta – cả trực tiếp và trên mạng – bài thuyết trình của bạn sẽ không tạo được sự nổi bật nếu thiếu một thông điệp rõ ràng – một điều gì đó bền vững, có ý nghĩa và ảnh hưởng. Nếu bạn chỉ đơn giản đưa ra một thông điệp khô khan, nhưng không chạm tới được vấn đề cốt lõi, bạn sẽ thất bại.

6. Thiếu chuẩn bị
Nếu bạn đang đứng trước đám đông để thuyết trình mà trước đó lại thiếu chuẩn bị cho kỹ lưỡng, khán giả sẽ lập tức nhận ra điều đó. Thiếu chuẩn bị, thì dù có giỏi xoay xở hay lợi khẩu đến đâu, bạn cũng không tài nào làm cho người nghe nhận thấy sự liền mạch, tuần tự hợp lý của các ý tưởng hay thông điệp bạn muốn trình bày.

7. Trễ giờ
Đến nghe bạn nói, không phải người ta có dư giả thì giờ, bởi hầu như ai cũng bận rộn, cũng có thời khóa biểu riêng. Nếu buổi thuyết trình của bạn bắt đầu hay kết thúc trễ, bạn phải bảo đảm rằng việc này là sự cố ngoài ý muốn chứ không phải do bạn gây ra. Bạn cần để ý đến chuyện bắt đầu buổi nói đúng giờ, và biết cách cắt bỏ hay tóm tắt lại bài thuyết trình cho kịp với thời gian kết thúc, tránh cảnh bắt đầu muộn và kết thúc trễ.

8. Thể hiện hình ảnh bản thân không thích hợp
Đây là một thứ sai lầm chí tử, có khả năng làm hủy hoại tức khắc hình ảnh tốt đẹp của bạn trong lòng khán giả. Hình ảnh bản thân bạn thể hiện trước hết qua cách ăn mặc. Bạn không thể xuất hiện với kiểu ăn mặc quá chưng diện khi đứng trước đối tượng người nghe là dân trí thức, chẳng hạn giáo viên. Bạn cũng không nên ăn mặc quá sang trọng cầu kỳ nếu đứng nói chuyện trước đối tượng người nghe là lớp nông dân...

9. Sử dụng thiếu hiệu quả các công cụ hỗ trợ phần nhìn
Nếu bạn tỏ ra vụng về, sử dụng lóng ngóng các phương tiện hình ảnh để phục vụ phần nhìn nhằm minh họa nội dung, bạn sẽ đánh mất sự chuyên nghiệp và đáng tin trong mắt người nghe. Các công cụ hình ảnh minh họa phải được vận dụng linh hoạt và vừa phải để bổ trợ và làm tăng sức thuyết phục cho các ý tưởng trình bày; vì các công cụ này, dùng thiếu cũng không được mà lạm dụng quá cũng không xong.
 
10. Đưa quá nhiều nội dung vào bài thuyết trình
Không phải cứ cái gì nhiều hơn cũng tốt hơn. Đưa quá nhiều nội dung, ý tưởng, dữ kiện, số liệu vào bài thuyết trình, bạn sẽ gây ra cảnh quá tải cho người nghe. Người nghe không thể nào trong một lúc mà có thể “tiêu hóa” được một khối lượng thông tin không lồ bạn trao cho họ.

11. Dùng óc hài hước sai chỗ
Thường thì sai lầm này cũng gắn liền với sai lầm thứ ba ở trên (không hiểu khán giản). Các thứ quy ước liên quan đến óc hài hước đã thay đổi. Bạn đừng bao giờ nói ra những câu đùa lạc điệu, kẻo đôi khi người nghe tưởng rằng bạn đang công kích họ. Bạn cần lựa chọn những câu chuyện vui phù hợp, vô hại không động chạm đến ai, và phải hết sức cẩn trọng với những câu đùa trong lúc thuyết trình.

12. Giọng nói đơn điệu, gây buồn ngủ
Người nghe sẽ trở nên chán nản, thậm chí buồn ngủ, nếu từ đầu đến cuối buổi nói chuyện, bạn dùng một cung giọng đều đều, không thay đổi hay nhấn nhá. Nhiều bài thuyết trình chứa đựng những thông tin hữu ích, giá trị cũng như những ý tưởng hay ho, đột phá, nhưng rốt cuộc chúng không đi nổi vào lòng người nghe chỉ vì diễn giả không biết cách thể hiện chúng qua giọng nói của mình.

13. Không thắt được mối dây liên hệ với người nghe
Người có tài năng, ảnh hưởng lớn không có nghĩa là “tự động” có kỹ năng giao cảm và giao tiếp tốt. Tôi nhận thấy nhiều người thất bại trong việc thu hút người nghe về mặt cảm xúc và thiếu sự chân thành – họ không có mối liên hệ hay là thể hiện rằng họ thực sự quan tâm chút nào tới người nghe. Họ để người nghe chìm trong đống dữ liệu, thực trạng và con số, không hề có sự giao tiếp với người nghe. Họ thể hiện theo cách “không đáng mến” chút nào.

14. Thiếu đi vào trọng tâm
Lời nói nào cũng phải có chủ đích. Nội dung hay ý tưởng thuyết trình nào cũng cần phải có trọng tâm. Bằng không, bạn sẽ chỉ biết nói tràn giang đại hải, không phục vụ cho một ý tưởng trọng tâm nào, và người nghe sẽ bối rối không biết bạn đang dẫn họ đi đâu. Cho nên, nói ra ý tưởng nào, bạn cần phải có một mục đích, một trọng tâm để nhắm.

15. Triển khai chi tiết ngay từ đầu
Bạn cần thận trọng đừng vội đi vào các vấn đề chi tiết ngay từ lúc mới bắt đầu buổi thuyết trình. Làm thế, bạn sẽ khiến người nghe bối rối. Người ta cần thấy một bố cục nội dung có trình tự lớp lang, đi theo từng bước cụ thể, có mở đầu, thân bài và kết luận.

16. Chỉ biết tập trung vào mình
Không thiếu diễn giả khi lên sân khấu thì cứ nhắm mắt mà diễn, mà nói, làm như thể chẳng có ai khác ngoài mình, để rồi cuối cùng phải thắc mắc tự hỏi vì sao người nghe không có thái độ hưởng ứng, không có hành động đúng theo những gì mình mong muốn từ đầu. Bạn cứ việc say mê chủ đề mình đang nói, cứ việc đắm mình vào nó, nhưng cũng đừng quên những người nghe đang ngồi phía dưới.

17. Ví dụ minh họa yếu ớt
Một số diễn giả chỉ biết nói ra những gì mang tính lý thuyết mà không tìm cách minh họa chúng với các dữ kiện hay bằng chứng thực tế. Họ giả thiết nghĩ rằng người nghe sẽ đón nhận những gì họ nói bằng niềm tin mà không cần đến những minh họa thực tế. Nói ra ý tưởng nào, bạn phải lập tức cho thí dụ, tìm cách minh họa với những hình ảnh, số liệu hay dữ kiện, những câu chuyện có thực, những lời chứng nhận… để củng cố lập luận của mình và để thuyết phục người nghe.

  
* * *