Monday 18 May 2015

Làm thế nào để biết một vị thánh nhân?

Thỉnh thoảng, tôi thấy vài đạo hữu ca tụng một vị nào đó hiện vẫn còn sống là một thánh nhân (Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, A-la-hán, bậc Giác ngộ, v.v.), tôi phân vân, không biết đạo hữu ấy có thật sự gần gũi, tìm hiểu rõ ràng vị “thánh nhân” đó trong một thời gian dài hay không? Hay chỉ dựa vào nhận xét cảm tính chủ quan qua vài buổi gặp gỡ, qua vài khóa thiền ngắn ngày, qua những tin đồn đoán, qua vài cuốn sách, hoặc qua vài bài pháp thoại trên Internet?

Trong bài kinh Jatila (Phật tự thuyết, Udana, 6.2), Đức Phật đã giảng cho vua Ba-tư-nặc (Pasenadi) xứ Kiều-tất-la (Kosala) làm thế nào để nhận biết một bậc giác ngộ, có lẽ các tiêu chuẩn đó cũng còn giá trị cho chúng ta trong thời đại hôm nay:

1) Chúng ta là phàm nhân cư sĩ, sống tại gia, bận rộn chuyện gia đình, chuyện cơm áo gạo tiền, tâm trí phân tán bởi những chuyện xã hội, không thật sự chuyên tâm tu học, không thật sự thông hiểu đời sống của những người xuất gia tầm đạo. Cho nên, rất khó cho chúng ta đánh giá sự tu học và kết quả hành trì của những vị đó.

2) Cần phải gần gũi, bỏ nhiều thời gian để quan sát tìm hiểu. Không phải vì lời đồn đoán, vài hình ảnh, thông tin trên Internet hay qua vài cuốn phim video trên Youtube, hoặc vài cuốn sách giảng, hay vài buổi thuyết pháp, hướng dẫn hành thiền.

3) Cần phải gần gũi và nhận xét về đời sống đạo đức, sống theo giới luật của vị ấy, nhất là phải biết quán sát, ghi nhận những gì xảy ra đằng sau hậu trường.

4) Cần phải gần gũi để nhận xét phản ứng người ấy trước tám ngọn gió đời (vinh-nhục, được-mất, khen-chê, khổ-vui) và cách ứng xử của người ấy đối với những người khác.

5) Cần phải đàm luận, trao đổi ý kiến với vị ấy, và nhận xét với đầu óc sáng suốt khách quan, không phải vì cảm tính, thiên kiến, hay bị chóa mắt bởi hiện tượng “hào quang”.

Riêng đối với tôi, dù rằng có những cơ hội tiếp xúc với vài vị cao tăng hay những thiện tri thức, tôi vẫn chưa dám khẳng định là mình đã biết được một thánh nhân. Xin nhấn mạnh chữ “chưa” ở đây. Vì có thể mình đã gặp, nhưng vì mình vẫn còn là một phàm phu, còn vô minh, ngu muội, nên có lẽ tôi chưa nhận ra được.

Và tôi cũng tự hỏi: – Có thật sự cần thiết để gặp một vị thánh nhân không? Gặp để làm gì? Cuối cùng rồi, mỗi người phải tự nỗ lực, tự thắp đuốc mà đi.

* * *

KINH JATILA (Phật tự thuyết, Udana, 6.2)
(Hòa thượng Thích Minh Châu dịch)

Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc, xứ Kiều-tất-la) hỏi Đức Phật về bảy vị Ni-kiền-tử lõa thể bện tóc:

– Bạch Thế Tôn, có phải những Tôn giả ấy là những vị A-la-hán trên đời này, hay là những vị đang đi trên con đường hướng đến đạo quả A-la-hán?

Đức Phật trả lời:

– Thưa Ðại vương, khi Ðại vương còn là cư sĩ trong khi còn sống với gia đình, thọ hưởng dục lạc, bị vợ con trói buộc, quen dùng các loại chiên đàn ở xứ Kàsi, trang sức với vòng hoa, hương thơm, dầu sáp, thọ hưởng vàng và bạc, thời Ðại vương thật khó biết được các vị ấy là bậc A-la-hán hay là bậc đang đi con đường hướng đến đạo quả A-la-hán.

Thưa Ðại vương, chính phải cộng trú mới biết được giới đức của một người, và như vậy, phải trong một thời gian dài, không thể ít ngày được; phải có tác ý, không phải không có tác ý; phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ.

Thưa Ðại vương, chính phải có giao tiếp mới biết được sự thanh tịnh của một người, và như vậy, phải trong một thời gian dài, không thể ít ngày được; phải có tác ý, không phải không có tác ý; phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ.

Thưa Ðại vương, chính trong thời gian bất hạnh mới biết được sự trung kiên của một người, và như vậy, phải trong một thời gian dài, không thể ít ngày được; phải có tác ý, không phải không tác ý; phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ.

Thưa Ðại vương, chính phải đàm luận mới biết được trí tuệ của một người, và như vậy, phải trong một thời gian dài, không thể ít ngày được; phải có tác ý, không phải không tác ý; phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ.

* * *

Trích đoạn, bản Việt dịch của Tỳ-khưu Indacanda, kinh “Đạo sĩ tóc bện” (Phật Tự Thuyết, 6.2)
http://www.tamtangpaliviet.net/VHoc/28/Kh_05.htm#06  :

“Thưa đại vương, điều này quả là khó biết được đối với đại vương là người tại gia, có sự thọ hưởng ngũ dục, đang sống chung đụng với con cái, đang thưởng thức trầm hương của xứ Kāsī, đang đeo tràng hoa, dầu thơm, và son phấn, đang chấp nhận vàng bạc: ‘Những người này là các vị A-la-hán hay những người này đang thực hành đạo lộ A-la-hán.’

Thưa đại vương, do cộng trú, giới có thể được nhận biết. Và điều ấy là với thời gian dài không phải ngắn hạn, bởi người chú ý không phải bởi người không chú ý, bởi người có trí tuệ không phải bởi người có tuệ tồi.

Thưa đại vương, do giao tiếp, sự liêm khiết có thể được nhận biết. Và điều ấy là với thời gian dài, bởi người chú ý không phải bởi người không chú ý, bởi người có trí tuệ không phải bởi người có tuệ tồi.

Thưa đại vương, khi có những nỗi bất hạnh, sự vững chãi có thể được nhận biết. Và điều ấy là với thời gian dài, bởi người chú ý không phải bởi người không chú ý, bởi người có trí tuệ không phải bởi người có tuệ tồi.

Thưa đại vương, do đàm luận, trí tuệ có thể được nhận biết. Và điều ấy là với thời gian dài, bởi người chú ý không phải bởi người không chú ý, bởi người có trí tuệ không phải bởi người có tuệ tồi.”

* * *

JATILA SUTTA (Ud 6.2)
(translated by Bhikkhu Thanissaro)

King Pasenadi Kosala said to the Blessed One (about the seven Jain naked,coiled-hair ascetics):

– "Of those in the world who are arahants or on the path to arahantship, are these among them?"

– "Your majesty, as a layman enjoying sensuality; living crowded with wives and children; using Kasi fabrics and sandalwood; wearing garlands, scents, and creams; handling gold and silver, it is hard for you to know whether these are arahants or on the path to arahantship.

"It is through living together that a person's virtue may be known, and then only after a long period, not a short period; by one who is attentive, not by one who is inattentive; by one who is discerning, not by one who is not discerning.

"It is through dealing with a person that his purity may be known, and then only after a long period, not a short period; by one who is attentive, not by one who is inattentive; by one who is discerning, not by one who is not discerning.

"It is through adversity that a person's endurance may be known, and then only after a long period, not a short period; by one who is attentive, not by one who is inattentive; by one who is discerning, not by one who is not discerning.

"It is through discussion that a person's discernment may be known, and then only after a long period, not a short period; by one who is attentive, not by one who is inattentive; by one who is discerning, not by one who is not discerning."

* * *