Sunday 28 May 2017

Bài hát Thí Dụ của Trịnh Công Sơn và thí dụ tu tập

Hôm qua tình cờ nghe bài hát Thí Dụ (sau nầy đổi tên là “Rơi Lệ Ru Người”) của Trịnh Công Sơn do Khánh Lý hát. Lâu lắm rồi mới nghe lại, sao mà thấy thấm quá! Bèn nổi hứng lấy cây đàn guitar đã đóng bụi ở góc phòng ra đệm hát nghêu ngao cho vui. 

Tìm được bài hát có nốt nhạc và hợp âm có sẵn trên mạng, nhưng không hát được vì tông cao quá. Nghe thử các ca sĩ hát. Cô Khánh Ly và Diệu Phương hát giọng thấp (tông D), các cô ca sĩ trẻ hát với giọng cao, cao nhất là Nguyên Thảo (tông F#). Mình già rồi, không còn hơi sức để hát theo các cô trẻ. Nghe Khánh Ly hát vài lần, đối chiếu với nốt nhạc, in lời trên một tờ giấy rồi ghi chú bằng bút chì, sửa đi sửa lại theo cách nghe của mình và cách bấm hợp âm, cách khảy đàn của riêng mình. Tập tới, tập lui thêm vài lần nữa là tạm nghe được, hát theo được và uyển chuyển theo cách hát, cảm xúc của mình. Bắt đầu với giọng trầm của Khánh Ly, gắn Capo vào cây đàn, tăng lên 2 nấc nữa, từ hợp âm D trưởng (Ré major) nâng lên E trưởng (Mi major) là vừa với giọng của mình. Thế là vui!

Từ đó suy ngẫm về chuyện tu tập. Mình phải biết tùy duyên, phải biết khéo léo uyển chuyển linh động. Dựa vào một số nguyên tắc và hiểu biết căn bản, quan sát, ghi nhận, học tập phương cách tu tập của người khác, rồi thử áp dụng cho mình, thay đổi, chỉnh sửa cho hợp với hoàn cảnh, căn duyên của mình. Không ai giống ai. Phải tự mình tìm tòi, tu tập, thắp đuốc mà đi.





Thí Dụ - Trịnh Công Sơn (1975)
1) Thí dụ bây giờ tôi phải đi
Tôi phải đi
Tay chia ly cùng đời sống này
Có chiều hôm đưa chân tôi
Về biên giới mới
Nghe ra
Quanh tôi đêm dài
Có còn ai trong yên vui về yêu dấu
Ngồi rơi lệ ru người từ đây
2) Thí dụ bây giờ em phải đi
Em phải đi
Đôi tay em dù ưu ái đời
Em phải đi
Đôi môi ngon dù chưa chín tới
Quanh em trăm năm khép lại
Có còn ai mang hoa tươi
Về yêu dấu
Ngồi quên đời xoá hết cuộc vui
.. Có còn, Có còn em
.. Im lìm trong chiều hôm
.. Nước mắt rơi cho tình nhân
.. Nếu còn, Nếu còn em
.. Xin được, xin nằm yên
.. Đất đá hân hoan một miền
3) Nếu thật
Hôm nào em bỏ đi
Em bỏ đi
Sau lưng em còn con phố dài
Những hàng cây loan tin nhau
Rồi im tiếng nói
Quanh đây hoang vu tiếng cười
Có ngày xưa em theo tôi
Cùng ra quán ngồi
Bên đời xe ngựa ngược xuôi
4) Nếu thật
Hôm nào tôi phải đi
Tôi phải đi
Ôi bao nhiêu điều chưa nói cùng
Với bình minh
Hay đêm khuya
Và từng trưa nắng
Bao nhiêu sen xanh, sen hồng
Với dòng sông hay anh em
Và những phố phường
Chắc lòng rất khó bình an
.. Có còn, Có còn em
.. Im lìm trong chiều hôm
.. Nước mắt rơi cho tình nhân
.. Nếu còn, Nếu còn em
.. Xin được, xin nằm yên
.. Đất đá hân hoan một miền
Nghe nhạc:
1) Khánh Ly hát:
2) Diệu Phương hát:


* * *

Thursday 25 May 2017

Chỉ cần giúp MỘT người thôi

Nhiều năm trước, có lần ngài Ajahn Brahm nói, đại ý là khi biết được Đạo Phật và quyết định xuất gia, ngài nguyện trong lòng là cố gắng làm sao giúp MỘT người nào đó thấy được lợi lạc của giáo pháp và tu tập là ngài mãn nguyện rồi. Cho đến nay, ngài nói có lẽ ngài đã giúp được hơn một người, và như thế xem như ngài rất mãn nguyện.

Tôi tâm đắc với ý tưởng đó. Tôi hoàn toàn không bao giờ có ý nguyện làm thầy, làm bồ-tát hay anh hùng để cứu nhân độ thế, giáo hóa chúng sinh. Tôi chỉ cần giúp MỘT người bạn nào đó thấy được giáo pháp của Đức Phật là tôi hoan hỷ, mãn nguyện lắm rồi.

Dĩ nhiên đây chỉ là ý kiến của một cá nhân. Có thể người khác có ý nguyện khác. Không sao cả. Không đúng mà cũng chẳng sai. Mỗi người có phương cách sống và tu tập theo duyên nghiệp, hoàn cảnh và tâm tư riêng của mình.

*

Monday 22 May 2017

Trăm nghe không bằng một thấy - Thân hành niệm

TRĂM NGHE KHÔNG BẰNG MỘT THẤY - THÂN HÀNH NIỆM

Sáng nay trong Paltalk, tôi chia sẻ vài hiểu biết, kinh nghiệm cá nhân về pháp “quán thân bất tịnh” (asubha bhavana), mà theo tôi, có lẽ nên hiểu là “quán thân bất mỹ” (không đẹp đẻ, không hấp dẫn - unattractive). Trong đó, tôi đề nghị một phương pháp đơn giản nhưng rất hiệu nghiệm – đã từng được tôi và một số bạn đạo áp dụng: Dành ra một ngày nào đó đi chợ, đến gian hàng bán thịt heo (lợn), mua một miếng thịt sườn, một miếng thịt ba-rọi (da, mỡ, thịt), một trái tim, một trái cật, một miếng gan, một miếng phổi, bao tử (dạ dày), ruột.

Đem về nhà, rửa tay cho sạch, cầm từng miếng lên, ngắm nghía hình dạng, sờ mó để biết độ cứng mềm, có thể đưa lên lên mũi để ngửi … Đừng vội vàng nghĩ đến việc chế biến, nấu nướng. Hãy tập trung vào việc nhìn, sờ, ngửi, quan sát từng miếng. Làm chậm rãi thong thả, ghi nhận, suy ngẫm về bản chất của chúng. Cơ thể của mình hay của người khác cũng chỉ có thế thôi. Không dơ mà cũng chẳng sạch. Không có gì thơ mộng, thơm tho, hấp dẫn. Thực tế nó là như thế.

Chỉ nghe kể lại, đọc mô tả, bàn luận, xem hình ảnh và video, suy tư, … thì cũng tốt, nhưng theo tôi vẫn chưa đủ. Nhìn tận mắt, sờ tận tay, ngửi tận mũi thì sẽ hiểu rõ hơn, có ấn tượng sâu đậm hơn trong tâm thức mình. Trăm nghe không bằng một thấy.

Sau đó đem đi luộc chấm mắm tôm, mắm nêm, hay nấu cháo lòng, hoặc đem khìa làm phá lấu để ăn. Cảm tưởng lúc ăn sẽ khác đi, không còn nhiều dính mắc vào đó như lúc trước. Quan trọng hơn nữa, cái nhìn về cơ thể của mình và của người khác cũng sẽ có phần thay đổi, thực tế và khách quan hơn.

-----------------
GHI THÊM:

Sau khi đăng bài nầy, tôi nhận được vài phản hồi. Tôi cảm thấy một số bạn có lẽ đã hiểu lầm về mục đích của việc thực tập nầy. Ở đây, mục đích không phải để chúng ta gờm nhớm, ghê tởm thức ăn hay thân thể – đó là pháp quán tử thi – mà là để chúng ta có một cái nhìn khách quan, trung thực về cấu tạo của thân thể của mình và của người khác, giúp chúng ta vượt qua nỗi ám ảnh, bận tâm về ái dục.

Theo đoạn kinh sau đây, trong bài kinh Thân Hành Niệm (Kāyagatāsati, MN 119), Đức Phật dạy chúng ta phải quán sát cơ thể như là một bao vải chứa các loại ngũ cốc khác nhau – gồm các loại đậu và các loại gạo. Đổ các loại ngũ cốc đó ra khỏi bao vải, rồi khách quan quán sát từng loại hạt. Từ đó, không còn bị ám ảnh bởi các lôi cuốn của ái dục nữa. Nhờ thế, tâm được định tĩnh, dễ an định, tập trung.

Trích Kinh Thân Hành Niệm – Mindfulness of the Body 
(Kāyagatāsati Sutta, MN 119)

– Lại nữa, này các tỳ-khưu, vị tỳ-khưu quán sát thân này, dưới từ bàn chân trở lên trên cho đến đỉnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt: “Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu”. Cũng như một bao đồ, hai đầu trống đựng đầy các loại hột như gạo, lúa, đậu xanh, đậu lớn, mè, gạo đã xay rồi. Một người có mắt, đổ các hột ấy ra và quán sát: “Ðây là hột gạo, đây là hột lúa, đây là đậu xanh, đây là đậu lớn, đây là mè, đây là hột lúa đã xay rồi”. Cũng vậy, vị tỳ-khưu quán sát thân này dưới từ bàn chân trở lên trên cho đến đỉnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt: “Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu”.

Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm và tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, là cách vị tỳ-khưu tu tập thân hành niệm.

*


Wednesday 17 May 2017

Cao lương mỹ vị

Vài ý tưởng cho những ai có tâm hồn ăn uống (như tôi)

Đang hiệu đính lại đoạn viết về "THÂN HÀNH NIỆM" trong cuốn Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi-magga, Path of Purification), bản dịch Việt của Ni sư Trí Hải. Đọc đến đoạn nầy thì giật mình, rồi bâng khuâng, suy tư. Một ngàn năm trăm năm trước, ngài Luận sư Buddhaghosa đã thấy rõ và mô tả tỉ mỉ những gì chúng ta thường cho là các món cao lương mỹ vị sau khi nuốt vào bụng rồi thì cũng như nhau.

--------------------

Trích đoạn:

(...)
120. (Những thứ nuốt nào bụng) Ðây là những gì đã được ăn, uống, nhai, nếm và đang có mặt ở trong dạ dày. Về màu sắc, nó có màu của thức ăn đã được nuốt vào. Về hình dáng, nó có dáng một túi vải buộc lơi lỏng chứa cơm bên trong. Về phương hướng nó nằm hướng trên. Về trú xứ, nó ở trong dạ dày.

121. Cái được gọi dạ dày là một phần của màng ruột, nó giống như một tấm vải ướt dài được vặn hết nước ở hai đầu, ở giữa căng phồng lên với không khí bên trong. Bên ngoài dạ dày láng lẩy, nhưng bên trong, nó giống cái bong bóng vải bị dơ vì gói cặn bả thịt, hoặc là giống bên trong của một cái vỏ trái mít thối. Ðó là nơi những dòi trùng sống lúc nhúc như rừng: ba mươi hai gia đình những sán lãi như lãi kim, lãi đũa v.v. Khi nào không có ăn uống gì vào, chúng nhảy lên kêu gào và vồ lấy thịt ở quả tim, còn khi có thức ăn uống được nuốt vào, thì chúng chờ đợi với những cái mồm ngóc lên, tranh nhau giật lấy hai ba miếng nuốt xuống đầu tiên.

Dạ dày vừa là nhà bảo sinh, vừa là nhà xí; vừa là bệnh viện, vừa là nghĩa trang của những con trùng này. Hệt như vào thời hạn hán, bỗng có một trận mưa, thì những gì được nước cuốn vào cống rãnh ở cổng của một khu làng hạ tiện, nghĩa là đủ thứ dơ dáy như nước tiểu, phân, những mảnh da, xương gân, cũng như đờm, dãi máu v.v. Những thứ ấy trộn lẫn với nhau cùng với bùn và nước đã được tụ ở đây, rồi hai ba ngày sau những quyến thuộc sâu bọ xuất hiện, những thứ ấy lên men, được hâm nóng bởi sức nóng mặt trời, nên sủi bọt lên trên, đen ngòm hôi hám và ghê tởm đến nổi người ta không thể nào tới gần, hay nhìn vào đó, huống chi là ngửi và nếm.

Cũng vậy, dạ dày là nơi mà đủ thứ thức ăn uống lọt vào sau khi được nghiền bởi cái chày răng, được đảo qua đảo lại bằng cái bàn tay của lưỡi, được làm dính vào nhau bằng đờm và nước miếng, lúc đó nó đã mất hết màu sắc hương vị, để khoát lấy bộ mặt của đống hồ thợ dệt, và của đồ chó mữa, để rồi được nhúng trong mật, đàm, phong đã tụ ở đấy, và nó lên men do năng lực của sức nóng trong dạ dày, sôi sục theo bầy sán dòi, sủi bọt ở trên mặt cho đến khi nó biến thành một thứ phân uế, hoàn toàn thối tha nôn mửa, chỉ cần nghe nói tới cũng đủ làm người ta hết muốn ăn uống, chứ đừng nói gì đến nhìn nó bằng con mắt tuệ.

Và khi đồ ăn uống rơi vào dạ dày, chúng được chia thành năm phần: sán lãi, vi trùng một phần, lửa bao tử đốt cháy hết một phần, một phần biến thành nước tiểu, một phần nữa thành phân, phần cuối cùng mới biến thành dưỡng chất, bồi bổ máu thịt, v.v.

122. Về ranh giới, nó (những thứ nuốt nào bụng) được giới hạn bằng cái bọc chứa và bởi những gì thuộc dạ dày.
(...)