Saturday 18 November 2017

Khóa Phật học từ xa (Buddhist Distance Education)

Khóa Phật học từ xa (Buddhist Distance Education)
Học viện PGVN, Sài Gòn

Hôm qua tôi xem một video trên Youtube trong đó thầy Nhật Từ có giới thiệu đến các cư sĩ Phật tử về chương trình các khóa Phật học từ xa (Distance Learning, Distance Education) của Học viện Phật giáo Việt Nam, Sài Gòn. Tò mò, tôi tìm đến trang web http://vbu.edu.vn/elearning/ để xem chương trình học.

Tôi hoan hỷ và xin tán thán công đức của quý vị giảng sư và ban tổ chức chương trình nầy. Rất đầy đủ, có thể so sánh tương đương với khoa Phật học của các đại học khác trên thế giới.

Tôi biết có vài bạn cư sĩ Phật tử của tôi đã hoàn tất hay đang theo học chương trình nầy và tôi thật sự ngưỡng mộ các bạn ấy. Tôi xin giới thiệu đến các bạn khác, tùy hoàn cảnh và nếu thu xếp được, cũng nên tìm hiểu và tác ý đăng ký theo học.

---------------
Chương trình (Khóa III, 2013-2017)

HỌC KỲ 1
Khái luận về Phật học
Lịch sử Phật giáo Ấn Độ
Tiếng Việt thực hành
Triết học Ấn Độ
Phương pháp nghiên cứu
Hán cổ (1)
Thuật ngữ Phật pháp tiếng Anh (1)
Kinh Trung bộ (1)

HỌC KỲ 2
Luật học Phật giáo đại cương
Thiền học đại cương
Lịch sử triết học phương Tây
Lịch sử Việt Nam
Trường A Hàm
Hán cổ (2)
Thuật ngữ Phật pháp tiếng Anh (2)
Kinh Trung bộ (2)

HỌC KỲ 3
Kinh Trung bộ (3)
Văn học Phật giáo
Lịch sử Phật giáo Việt Nam
Tâm lý học
Triết học Mác-Lênin
Hán cổ (3)
Thanh tịnh đạo luận
Thuật ngữ Phật pháp tiếng Anh (3)

HỌC KỲ 4
Kinh Pháp Hoa
Tín ngưỡng tôn giáo
Lịch sử văn học Việt Nam
Triết học Phật giáo
Tiểu bộ kinh
Quản trị hành chánh
Thuật ngữ Phật pháp tiếng Anh (4)
Hán cổ (4)

HỌC KỲ 5
Kinh Kim Cang
Đạo đức học Phật giáo
Thắng pháp tập yếu luận
Câu xá luận
Hán cổ (5)

HỌC KỲ 6
Triết học Tôn giáo
Triết học Chính trị-Xã hội Phật giáo
Đại thừa khởi tín luận
Logic học Phật giáo
Hán cổ (6)

HỌC KỲ 7
Kinh Lăng Già
Dị bộ tông luân luận
Thành duy thức luận
Nhận thức luận Phật giáo
Hán cổ (7)

HỌC KỲ 8
Trung quán luận
Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa
Kinh Trường bộ
Tư tưởng Phật giáo Việt Nam
Hán cổ (8)

*

Thursday 9 November 2017

Mission accomplished (Sứ mệnh đã hoàn thành)

Sách: NHỮNG LỜI PHẬT DẠY, Bhikkhu Bodhi, Bình Anson dịch

Một cuốn đã hứa cho bạn đạo tại Perth, còn lại một cuốn cuối cùng dành cho người hữu duyên. Nghe nói chùa Giác Ngộ, Q. 10 Sài Gòn, cũng đã phát hết sách.

Như thế, tổng cộng số sách đã in ấn tống (không bán) trong 2 năm qua trong nước (bởi các nhóm Phật tử hùn phước ấn tống, Pháp viện Minh Đăng Quang, Chùa Giác Ngộ) và hải ngoại (Chùa Pháp Luân, Texas, USA) là 25.000 cuốn.

Thêm vào đó, tôi đã có những buổi trình bày giới thiệu sách tại Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội, có 3 đợt chia sẻ trong diễn đàn PG Nam tông của PalTalk vào sáng Thứ Hai mỗi tuần, và gửi vào chia sẻ các biểu đồ, dàn bài trong trang Facebook cá nhân.

Sách cũng được phổ biến trong dạng e-book (PDF) tại các trang web Phật giáo. Ngoài ra, Trung tâm Diệu Pháp Âm (chùa Khuông Việt, Q. Tân Bình, Sài Gòn) đã tổ chức thu âm, phổ biến dạng sách nói.

Tôi đã nhiều lần khuyến khích mọi người cố gắng đọc cuốn sách cho xong trong 3 tháng. Không biết kết quả thế nào, tùy duyên, tùy nỗ lực tu học, tùy hoàn cảnh của mỗi cá nhân. Mỗi người phải tự mình thắp đuốc mà đi. Không ai tu giùm cho mình, mà mình cũng không nên có ảo tưởng tu cho người khác.

Xem như đã hoàn tất, kết thúc một giai đoạn. Bây giờ gác sang một bên, chuyển qua công việc khác.

*

Xin hồi hướng phần phước báu tạo được đến chư Thiên, cha mẹ ông bà, thân bằng quyến thuộc, quý chư tôn đức Tăng Ni đã khuyến khích hỗ trợ, quý vị thí chủ và các bạn cộng sự viên trong công tác ấn tống sách, bạn bè gần xa, và mọi loài chúng sinh trong cõi Ta-bà.

Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
_()_ _()_ _()_

Bình Anson
Perth, Western Australia
09/11/2017

* Xem thông tin về cuốn sách Những Lời Phật Dạy:

*

Wednesday 8 November 2017

Rắc rối nhưng lợi ích

RẮC RỐI NHƯNG LỢI ÍCH
(nhất là cho các bạn đang học tiếng Anh)
 
Không phải lúc nào tôi cũng chọn sự giản dị mà chê bai, xa lánh những vấn đề phức tạp, rắc rối. Chẳng hạn như biểu đồ kèm theo, do ông Stephen Karakashev thiết kế vào năm 2013 trong diễn đàn Phật giáo Dhamma Wheel (dhammawheel.com), tóm tắt các điểm cốt lõi trong giáo lý nhà Phật và sự tương quan. Tuy thấy rắc rối nhưng nếu ta bình tâm quan sát, theo dõi, sẽ thấy rất thú vị và thu thập được nhiều điều lợi lạc.
 
Một ích lợi quan trọng khác là giúp cho học viên các khóa Phật học tiếng Anh thu thập thêm từ vựng và thuật ngữ. Ngay cả cho những ai đọc được tiếng Anh, đây cũng là một dịp tốt để ôn lại và bổ sung thêm cho vốn liếng từ ngữ Phật học của mình.

Có thể tải về bản gốc tại:
https://upload.wikimedia.org/wikipedia/en/b/b3/Dhamma_Chart_in_English.gif 
(1,800 x 1,500 pixels)

*

Thursday 2 November 2017

Mạng ảo, người thật

Trưa nay, bưu điện mang đến một hộp quà của một bạn đạo ở Mỹ gửi tặng. Bạn ấy vừa thực hiện một chuyến hành hương Đông Nam Á (Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ), và khi trở về Mỹ gửi quà đến mình. Tôi rất cảm động và hoan hỷ khi nhận được món quà nầy, đầy đủ hương vị quê hương: trà hoa cúc, càfê, bánh đậu xanh, mứt dừa, thanh long sấy khô. Bạn ấy còn chu đáo gửi kèm phin lọc cafê để tôi thưởng thức cho đúng điệu Sài Gòn. Ngoài ra còn có một túi càfê sữa 3-in-1 quốc tế. Gọi là “quốc tế” vì sản xuất tại Malaysia, bán ở Miến Điện, bạn ấy mua đem về Mỹ, rồi gửi sang Úc!

Tôi chưa từng gặp mặt và trực tiếp nói chuyện với người bạn ấy. Qua Facebook, chúng tôi chỉ trao đổi vài kinh nghiệm tu học, vài thông tin hành hương viếng các cảnh chùa, vài thông tin về các vị cao tăng thiền sư. Thế nhưng, có lẽ chúng tôi có được một sự đồng cảm nào đó giữa những người con Phật.

Tôi sinh hoạt trong các môi trường Internet trong hơn 20 năm qua, qua các diễn đàn Phật giáo, qua đóng góp trên các trang web Phật giáo, qua Paltalk và gần đây là qua trang Facebook cá nhân. Nhờ vậy, tôi có được những người bạn thân tình như thế mà cho đến nay vẫn chưa đủ duyên để gặp nhau trò chuyện dưới đất.

Nhưng đó không phải là điều tối cần thiết. Nếu đủ duyên thì sẽ có dịp gặp nhau. Chưa đủ duyên thì liên lạc, trao đổi qua các mạng ảo. Điều quan trọng là vẫn giữ được tình bạn đạo để giúp nhau, khích tấn, trao đổi kinh nghiệm, sự hiểu biết để mỗi người chúng ta tự bước đi, tiến dần đến bờ sông giải thoát.

*

Wednesday 1 November 2017

Sách: Satipaṭṭhāna - Con Đường Thẳng Tới Chứng Ngộ

SATIPAṬṬHĀNA - CON ĐƯỜNG THẲNG TỚI CHỨNG NGỘ
& Nghiên Cứu Đối Chiếu với các bộ A Hàm
Nguyễn Văn Ngân dịch (2017)

Nguyên tác:
The Direct Path to Realization &
A Comparative Study of the Majjhima Nikaya
Bhikkhu Anālayo (2004)

Tải bản PDF về để đọc trên máy vi tính:
=> http://budsas.net/sach/vn43.pdf (dung lượng: 5.50 MB)

*