Saturday 29 June 2024

Trở về với cát bụi

 TRỞ VỀ VỚI CÁT BỤI

Tại Úc, khi một người qua đời, sau tang lễ, sẽ được chôn cất tại các nghĩa trang do chính phủ tiểu bang quản lý, hoặc hỏa thiêu. Nếu chôn cất, tại Tây Úc, phải trả tiền thuê đất trong thời hạn 25 năm, và chỉ có thể gia hạn thêm 25 năm nữa. Nếu hỏa thiêu, hộp tro cốt có thể được chôn tại đất nghĩa trang, thường là tại một khu vườn có trồng hoa hồng, vẫn phải trả tiền thuê đất – nhưng rẻ hơn, và thời hạn cũng vẫn là 25 + 25 năm. Khuynh hướng ngày nay, 80% các đám tang tại Tây Úc là hỏa thiêu.

Sau khi hỏa thiêu, ngoài việc chôn tại vườn hoa nghĩa trang, có khi thân nhân đem hộp tro cốt về nhà, chôn ở sân vườn, hoặc đem tro cốt rải xuống sông, biển. Đối với một số Phật tử khác, có thể đem hộp tro cốt cất gửi ở chùa Việt hoặc đem về Việt Nam. Các chùa Việt ở đây đều có một phòng riêng để lưu các hộp tro cốt và hình ảnh người quá cố.

Riêng ở Tu viện Bodhinyana, bang Tây Úc, Phật tử có thể xin phép ngài Ajahn Brahm, đem tro cốt của người thân chôn ở dưới các gốc cây rải rác chung quanh hồ nước của Tu viện với khung cảnh thiên nhiên. Hoặc theo phong tục của Thái Lan, chôn vào vách tường rào quanh Tu viện. Hoàn toàn miễn phí, không phải trả tiền thuê đất và cũng không ấn định thời hạn như các nghĩa trang của chính phủ. 

Cũng có trường hợp gia đình đem tro cốt rải vào khu đất rừng hay rải xuống con suối chảy ngang đó. Tôi đã viết di chúc dặn dò thân nhân sau khi tôi chết, hỏa thiêu, rồi đem tro cốt rải vào khu đất rừng của Tu viện. Cát bụi trở về với cát bụi.

*




Tuesday 4 June 2024

Các pháp hành đầu-đà phổ thông trong thời hiện đại

CÁC PHÁP HÀNH ĐẦU-ĐÀ PHỔ THÔNG TRONG THỜI HIỆN ĐẠI
Bình Anson

*

Theo Tiểu phẩm, tạng Luật (Parivāra, Vinayapiṭaka), Đức Phật giảng cho ngài Trường lão Upāli về mười ba pháp đầu-đà (dhutanga) như sau (Pvr 17.6 - Upālipañcaka):

(1) Hành pháp ngụ ở rừng,
(2) hành pháp đi khất thực,
(3) hành pháp ngụ ở gốc cây,
(4) hành pháp chỉ mặc y paṃsukūla (phấn tảo),
(5) hành pháp ngụ ở mộ địa,
(6) hành pháp ngụ ngoài trời,
(7) hành pháp mặc ba y,
(8) hành pháp đi khất thực theo từng nhà,
(9) hành pháp giữ oai nghi ngồi,
(10) hành pháp ngụ chỗ ở theo chỉ định,
(11) hành pháp một chỗ ngồi (khi thọ thực, nhất tọa thực),
(12) hành pháp không ăn vật thực dâng sau, và
(13) hành pháp thọ thực trong bình bát.

Ngài cũng giải thích có 5 hạng người thực hành mỗi pháp đầu-đà:

(1) Hạng người có bản tánh ngu khờ, có bản tánh si mê;
(2) hạng người có ước muốn xấu xa, bị thúc giục bởi ước muốn;
(3) hạng người do điên khùng, do mất trí;
(4) hạng người thực hành vì nghĩ rằng: ‘Như thế sẽ được chư Phật và chư Thinh Văn của đức Phật khen ngợi’; và
(5) hạng người thực hành vì ham muốn ít, vì tự biết đủ, vì sự từ khước, vì sự tách ly, vì lợi ích của pháp hành ấy.

Hạng người thứ (5) là hạng người được Đức Phật tán thán.

Trong thời hiện đại, các pháp hành đầu-đà này có vài thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh văn hóa, xã hội của mỗi quốc độ. Trong nhiều năm qua, tôi có phước duyên được gần gũi, quan sát, và tìm hiểu sinh hoạt của chư Tăng Ni trong truyền thống Theravada và xin chia sẻ ở đây.

Ở Thái Lan, pháp hành đầu-đà được gọi là Tudong (tu-đông, thudong), phiên âm từ tiếng Pali “Dhutanga”. Chư Tăng Thái có những pháp hành đầu-đà khác nhau tùy theo ý nguyện của mỗi cá nhân. Có những vị sư phát nguyện giữ hạnh đầu-đà sống trong rừng, không có trú xứ nhất định (hạnh đầu-đà số 1). Các vị ấy thường đi du hành trong rừng núi, từ làng này đến làng kia. Ban đêm ngủ ở bìa làng, ban ngày đến từng nhà trong làng khất thực. Có vị lập một liêu cốc nhỏ bằng tre lá trong rừng, nhưng cách làng khoảng 1 hay 2 km để đi bộ đến khất thực mỗi ngày. Lưu tại đó một thời gian, rồi đi sang khu rừng khác.

Có vị lập nguyện sống trong các hang động trên núi, mỗi ngày đi bộ xuống làng để khất thực rồi trở về hang núi để tu thiền. Hạnh đầu-đà sống trong các hang núi cũng thường thấy ở Sri Lanka.

Tùy theo điều kiện khí hậu, các sư trong vùng nhiệt đới có thể lập nguyện mặc ba y (hạnh đầu-đà số 7) như tôi đã từng biết ở vài tu viện miền đông bắc Thái Lan. Nhưng hạnh đầu-đà này rất khó áp dụng ở những quốc gia có mùa đông với tuyết rơi băng giá.

Tôi chỉ nghe nói nhưng chưa từng thấy vị sư nào chỉ mặc y paṃsukūla (phấn tảo, hạnh đầu-đà số 4). Nhiều năm trước, ở Tu viện Bodhinyana Tây Úc có một vị sư phương Tây phát nguyện không thay y mới. Tấm y rách đến đâu thì sư tự dùng kim chỉ để vá đến đó. Vá bằng đôi tay của sư, không dùng máy may. Sư dùng những tấm y cũ của các sư khác đã bỏ đi, cắt thành những mảnh vải để chắp vá y của sư. Dần dần, tấm y của của sư có nhiều mảnh chắp vá trên đó, trông rất ngộ nghĩnh. Tuy nhiên, chúng đều cùng có chung một màu vàng đất.

Pháp hành đi khất thực từng nhà (đầu-đà số 2 và số 8) rất phổ thông ở vùng thôn quê ở các quốc gia Đông Nam Á trong truyền thống Theravada (Thái Lan, Miến Điện, Lào).

Pháp đầu-đà chỉ ăn trong bình bát (đầu-đà số 13) cũng phổ thông khắp nơi, ngay cả tại một số tu viện ở phương Tây (Anh, Mỹ, Úc …). Tại Tây Úc, chư Tăng Ni tại Tu viện Bodhinyana và Ni viện Dhammasara đều tuân giữ hạnh đầu-đà này, chỉ ăn thức ăn để trong bình bát, không dùng chén đĩa bên ngoài. Sau khi đã bỏ đủ thức ăn vào bình bát, chư Tăng Ni chỉ ăn trong đó, không nhận thức ăn dâng thêm sau (đầu-đà số 12). Có những vị sư ở Thái Lan lập nguyện chỉ ăn mỗi ngày đúng một bữa, khoảng 9 giờ sáng, không ăn điểm tâm sáng (đầu-đà số 11).

Trong mùa an cư, chư Tăng Ni Tây Úc thường lập nguyện hành đầu-đà giữ oai nghi ngồi, không nằm, trong suốt 10 ngày hay 2 tuần lễ (đầu-đà số 9). Các vị chỉ đi, đứng và ngồi. Nếu có mệt hay buồn ngủ thì ngồi nghỉ, không nằm.

Một số Phật tử Nam tông ở Việt Nam và Thái Lan cũng nguyện giữ hạnh đầu-đà này trong các ngày trai giới hay trong các dịp lễ lớn. Phật tử đến chùa hành lễ, tụng kinh, nghe pháp, hành thiền suốt đêm, không nằm ngủ.

Có một hạnh đầu-đà khác thường được áp dụng ở Tây Úc là nhập thất tịnh tu. Trong mùa an cư, chư Tăng Ni luân phiên giữ hạnh đầu-đà này. Mỗi người phát nguyện nhập thất độc cư để tịnh tu khoảng 2 tuần lễ, hoàn toàn biệt lập, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Mỗi ngày, có vị sư bạn đem bình bát có thức ăn đến gần tịnh thất, đặt xuống ở gốc cây. Sư trong tịnh thất đi ra, nhận bình bát để ăn, lau rửa sạch sẻ rồi đặt lại ở gốc cây đó, để hôm sau có người đến lấy để bỏ thức ăn vào đó.

Khoảng 25 năm trước, ngài Ajahn Brahm cũng nhập thất tịnh tu như thế trong 6 tháng.

Trên đây là một số hạnh đầu-đà của chư Tăng Ni trong truyền thống Theravada mà tôi có hiểu biết và đã từng chứng kiến, ghi nhận. Xin chia sẻ ở đây.

- Bình Anson, Tây Úc
21/05/2024

* Ghi chú:

Luận sư Buddhaghosa trong cuốn Thanh tịnh đạo, Chương II, liệt kê 13 pháp hành đầu-đà, nhưng có thứ tự không giống như liệt kê trong Tiểu phẩm, tạng Luật, như sau:

1. Hạnh phấn tảo y (4)
2. Hạnh ba y (7)
3. Hạnh khất thực (2)
4. Hạnh khất thực từng nhà (8)
5. Hạnh nhất toạ thực (11)
6. Hạnh ăn bằng bát (13)
7. Hạnh không để dành đồ ăn (không nhận đồ ăn sau khi đã ăn xong) (12)
8. Hạnh ở rừng (1)
9. Hạnh ở gốc cây (3)
10. Hạnh ở giữa trời (6)
11. Hạnh ở nghĩa địa (5)
12. Hạnh nghỉ chỗ nào cũng xong (10)
13. Hạnh ngồi (không nằm) (9)

Số trong dấu ngoặc đơn (x) là số thứ tự tương ứng trong danh sách 13 pháp đầu-đà của tạng Luật.

* Tham khảo:

1) Tiểu phẩm II, tạng Luật - Parivāra, Vinayapiṭaka. Bhikkhu Indacanda dịch Việt.
https://tamtangpaliviet.net/VHoc/09/09_04.html#11.06

2) Thanh tịnh đạo (Visuddhi Magga), Ni trưởng Trí Hải dịch. Chương II - Hạnh Đầu-đà (Khổ hạnh).

3) Bhikkhu Khantipalo (1965, 1986). With Robes and Bowl: Glimpses of the Thudong Bhikkhu Life
(Với y và bát: Sơ lược về đời sống tỳ-khưu theo hạnh đầu-đà).

4) Kamala Tiyavanich (1997). Forest Recollections: Wandering Monks in Twentieth-Century Thailand
(Các kỷ niệm trong rừng: Du tăng ở Thái Lan trong thế kỷ 20).

*-----*




Sunday 2 June 2024

Tam Tạng Thánh Điển Phật Giáo Việt Nam

TAM TẠNG THÁNH ĐIỂN PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành

Đề nghị các bạn tìm thỉnh mua 18 cuốn này (như trong ảnh kèm theo), do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (Thiền viện Vạn Hạnh, Q. Phú Nhuận, Sài Gòn) ấn hành trong năm 2020-2022. 

Đồng thời, tải về máy tính các tập tin dạng PDF để tham khảo.

I. TAM TẠNG THƯỢNG TỌA BỘ (Pāli tạng)

- Tập 01: Kinh Trường bộ [vn222-01.pdf], 668 trang, 70.2 MB
https://tinyurl.com/bdhztbu7

- Tập 02: Kinh Trung bộ [vn222-02.pdf], 1246 trang, 117.5 MB
https://tinyurl.com/5pb9yan8

- Tập 03: Kinh Tương ưng bộ [vn222-03.pdf], 1432 trang, 127.4 MB
https://tinyurl.com/ycyvnmne

- Tập 04: Kinh Tăng chi bộ [vn222-04.pdf], 1424 trang, 171.2 MB
https://tinyurl.com/ycyn3tej

- Tập 05: Kinh Tiểu bộ I [vn222-05.pdf], 1348 trang, 94.6 MB
https://tinyurl.com/56jm45em

- Tập 06: Kinh Tiểu bộ II [vn222-06.pdf], 1264 trang, 111.6 MB
https://tinyurl.com/y2xdry9c

- Tập 07: Kinh Tiểu bộ III [vn222-07.pdf], 1484 trang, 118.7 MB
https://tinyurl.com/bddxsk7f

- Tập 08: Kinh Tiểu bộ IV [vn222-08.pdf], 1218 trang, 125.3 MB
https://tinyurl.com/yc5cc6mn

- Tập 09: Kinh Tiểu bộ V [vn222-09.pdf], 1268 trang, 115.0 MB
https://tinyurl.com/29b3racx

- Tập 10: Luật tạng - Phân tích giới bổn [vn222-10.pdf], 914 trang, 84.6 MB
https://tinyurl.com/3fpk4h4u

- Tập 11: Luật tạng - Hợp phần, Tập yếu [vn222-11.pdf], 1502 trang, 140.4 MB
https://tinyurl.com/76f7fv4m

II. TAM TẠNG PHẬT GIÁO BỘ PHÁI (Hán tạng)

- Tập 17a: Kinh Trường A-hàm (CĐPH Huệ Nghiêm dịch), [vn222-17a.pdf], 50.8 MB
https://tinyurl.com/3n4xxvcn

- Tập 17b: Kinh Trường A-Hàm (Trung Tâm DT Trí Tịnh dịch), [vn222-17b.pdf], 54.3 MB
https://tinyurl.com/bddkxyde

- Tập 18: Kinh Trung A-Hàm (CĐPH Hải Đức dịch), [vn222-18.pdf], 117.8 MB
https://tinyurl.com/2p92k7an

- Tập 19: Kinh Trung A-Hàm (Trung Tâm DT Trí Tịnh), [vn222-19.pdf], 143.5 MB
https://tinyurl.com/2p9sk9z5

- Tập 20: Kinh Tạp A-Hàm (HT Thiện Siêu, HT Thanh Từ dịch), [vn222-20.pdf], 161.0 MB
https://tinyurl.com/22hbczks

- Tập 21: Kinh Tạp A-Hàm (Trung Tâm DT Trí Tịnh dịch), [vn222-21.pdf], 211.6 MB
https://tinyurl.com/3uhw4s2d

- Tập 22: Kinh Tăng Nhất A-Hàm (HT Thiện Siêu, HT Thanh Từ dịch), [vn222-22.pdf], 82.3 MB
https://tinyurl.com/5cd6xwtj

- Tập 23: Kinh Tăng Nhất A-Hàm (Trung Tâm DT Trí Tịnh), [vn222-23.pdf], 105.3 MB
https://tinyurl.com/2sdtuy26

*-----*


Ghi thêm:

Đề nghị liên hệ trực tiếp để thỉnh mua. Bìa sách phải có hình dạng thiết kế, các tựa đề in trên bìa sách có nội dung tương tự như hình kèm theo.

Phòng Phát Hành Sách
VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 750, Nguyễn Kiệm, Quận Phú Nhuận, Sài Gòn
Điện thoại: (08) 38448893 – 39974447 - Email: vncphvn@gmail.com 



Hạnh đầu-đà của Trưởng lão Mahākassapa (Đại Ca-diếp)

HẠNH ĐẦU ĐÀ CỦA TRƯỞNG LÃO MAHĀKASSAPA (ĐẠI CA-DIẾP)
Bình Anson

1) Đức Phật khen Trưởng lão Mahākassapa:
– Trong các đệ tử tỳ-khưu khéo thuyết về hạnh đầu đà, tối thắng là Mahākassapa (AN 1.190).

2) Trưởng lão Mahākassapa trình bày với Đức Phật về nếp sống của mình:
– Bạch Thế Tôn, con là người đã lâu ngày sống ở rừng núi và tán thán hạnh ở rừng núi; con là người đi khất thực và tán thán hạnh khất thực; con là người mặc y phấn tảo và tán thán hạnh mặc y phấn tảo; con là người chỉ dùng ba y và tán thán hạnh chỉ dùng ba y; con là người thiểu dục và tán thán hạnh thiểu dục; con là người biết đủ và tán thán hạnh biết đủ; con là người sống độc cư và tán thán hạnh độc cư; con là người sống không dính mắc chuyện thế tục và tán thán hạnh không dính mắc chuyện thế tục; con là người tinh tấn và tán thán hạnh tinh tấn (SN 16.5).

3) Trưởng lão Mahākassapa trả lời Trưởng lão Sāriputta (Xá-lợi-phất) về các vị tỳ-khưu có khả năng làm sáng chói khu rừng Gosiṅga (MN 32):
– Ở đây, này hiền giả Sāriputta, vị tỳ-khưu tự mình sống ở rừng núi và tán thán hạnh ở rừng núi, tự mình đi khất thực, và tán thán hạnh khất thực, tự mình mặc y phấn tảo và tán thán hạnh mặc y phấn tảo, tự mình chỉ dùng ba y và tán thán hạnh chỉ dùng ba y, tự mình sống thiểu dục và tán thán hạnh thiểu dục, tự mình sống biết đủ và tán thán hạnh biết đủ, tự mình sống độc cư và tán thán hạnh sống độc cư, tự mình sống không dính mắc chuyện thế tục và tán thán hạnh không dính mắc chuyện thế tục, tự mình tinh tấn và tán thán hạnh tinh tinh tấn, tự mình thành tựu giới hạnh và tán thán sự thành tựu giới hạnh, tự mình thành tựu thiền định và tán thán sự thành tựu thiền định, tự mình thành tựu trí tuệ và tán thán sự thành tựu trí tuệ, tự mình thành tựu giải thoát và tán thán sự thành tựu giải thoát, tự mình thành tựu tri kiến của giải thoát và tán thán sự thành tựu tri kiến của giải thoát. Này hiền giả Sāriputta, hạng tỳ-khưu như vậy có thể làm sáng chói khu rừng Gosiṅga.

4) Theo Tiểu phẩm, tạng Luật (Parivāra, Vinayapiṭaka), Đức Phật giảng cho ngài Trường lão Upāli về mười ba pháp đầu đà như sau (Pvr 17.6 - Upālipañcaka):

(1) Hành pháp ngụ ở rừng,
(2) hành pháp đi khất thực,
(3) hành pháp ngụ ở gốc cây,
(4) hành pháp chỉ mặc y paṃsukūla (phấn tảo),
(5) hành pháp ngụ ở mộ địa,
(6) hành pháp ngụ ngoài trời,
(7) hành pháp mặc ba y,
(8) hành pháp đi khất thực theo từng nhà,
(9) hành pháp giữ oai nghi ngồi,
(10) hành pháp ngụ chỗ ở theo chỉ định,
(11) hành pháp một chỗ ngồi (khi thọ thực, nhất tọa thực),
(12) hành pháp không ăn vật thực dâng sau, và
(13) hành pháp thọ thực trong bình bát.

5) Tôi không tìm thấy thông tin nào trong Chánh Tạng Pāli (tạng Kinh, tạng Luật, tạng A-tỳ-đàm) ghi rằng ngài Trưởng lão Mahākassapa thực hành cả 13 pháp đầu đà nêu trên.

Thêm vào đó, tôi cũng không thấy việc đi bộ du hành từ nơi nầy đến nơi khác được ghi trong 13 pháp đầu đà hay trong các đoạn kinh về nếp sống đầu đà của ngài Mahākassapa.

– Bình Anson
Perth, Western Australia
01/06/2024

*-----*