Thursday, 31 July 2014

Ðường Chiều Lá Rụng - Quỳnh Giao

Ðường Chiều Lá Rụng
Quỳnh Giao (2013)

(Viết và đọc trong buổi lễ tưởng niệm Phạm Duy)

Một buổi chiều cuối năm, chúng tôi cùng hát với nhau dù chỉ được một phần cả Ngàn Lời Ca của Phạm Duy. Trong có 24 tiếng để anh chị em tổ chức một buổi sinh hoạt impromtu mà trang nghiêm, Quỳnh Giao nhận lời hát Kỷ Niệm và Ðường Chiều Lá Rụng.

“Kỷ Niệm” là ca khúc vừa sáng tác xong là Phạm Duy đưa cho con bé (Quỳnh Giao) hát trên đài phát thanh. Hơn hai chục năm sau đó, khi mình còn ở miền Ðông và thực hiện lấy băng nhạc Hát Cho Kỷ Niệm theo lối thủ công nghệ, ông cẩn thận gửi lời giới thiệu qua một cassette. Ðấy là kỷ niệm khó phai, nghe lại là nhạt nhòa nước mắt.

Còn “Ðường Chiều Lá Rụng” là một dấu ấn khác của Phạm Duy, được ông viết khi còn trẻ, vào năm 1965, căn cứ theo tập nhạc “Hát vào Ðời” xuất bản năm 1969. Nhưng trong cuốn “Ngàn Lời Ca,” thì ông viết từ năm 1958, sau khi đi du học bên Pháp về. Ðiều này có lẽ cũng đúng, vì ông đã dùng những điều học được áp dụng cho ca khúc. Ðây là bài hát có nhạc thuật cao nhất của ông, với nét ngũ cung u uẩn và những chuyển đoạn liên tục, vừa khó hát, khó nghe và khó hòa âm.
 
Năm đó, khi vừa ráo mực, ông đưa tác phẩm cho nhạc sĩ Vũ Thành. Là trưởng phòng văn nghệ của đài Phát Thanh Sài Gòn và trưởng ban nhạc đại hòa tấu và hợp xướng Phương Hoa, Vũ Thành cũng cộng tác với đài Tiếng Nói Tự Do của Hoa Kỳ, chuyên phát các chương trình ra miền Bắc. Nổi tiếng khó tính, Vũ Thành lưỡng lự khi soạn hòa âm, vì Ðường Chiều Lá Rụng không dễ viết.

Nguyên tác của Phạm Duy là nhịp ý dìu dặt thiết tha trên ton Si thứ với nhiều quãng năm giảm (quinte diminué) làm nhiều ca sĩ trẹo lưỡi. Hát đúng giọng thì phải xuống nốt Fa thăng thấp (dưới hàng kẻ ba dòng) và lên nốt Fa thăng cao nhất (dòng kẻ thứ năm). Vũ Thành sửa lại, dùng nhịp 4/4 theo lối chậm rãi kể lể của một bản Slow và viết nhiều nốt liên ba (triolet) trong toàn bài, rồi còn hạ một cung, tức là ton La thứ. Viết xong, Vũ Thành quyết định thu thanh cho chương trình của đài Tiếng Nói Tự Do để phát ra Bắc, và vì thế trong Nam mình không được nghe.

Ông chọn Thái Thanh để trình bày tác phẩm bất hủ này. Ðấy là một chọn lựa tuyệt vời.

Thường ngày Thái Thanh vẫn nổi tiếng là cường điệu. Bà làm cho ca khúc thổn thức rũ rượi hơn và nồng nàn hơn nguyên bản. Nhưng với Ðường Chiều Lá Rụng qua hòa âm Vũ Thành thì mọi lối quằn quại điệu nghệ bỗng nhiên biến mất. Bài hát quá khó, khiến bà phải cẩn trọng từng chữ, hát sai và không theo dàn nhạc thì Vũ Thành “quạt” ngay, chẳng nể nang ai cả!

Thái Thanh hát nghiêm chỉnh, lại có cả dàn phụ họa của Anh Ngọc, Nhật Bằng, Phượng Bằng, Kim Tước, Mai Hương và Quỳnh Giao nữa, nên ca khúc là một tuyệt chiêu.

*

Như có lần người viết đã kể, khi di tản năm 1975, tài sản duy nhất được Vũ Thành đem theo là một số băng ghi âm các ca khúc quý giá ông làm cho đài Tiếng Nói Tự Do. Trong đó có Ðường Chiều Lá Rụng.

Tại hải ngoại, khi thực hiện đĩa nhạc thứ hai với tên Tiếng Chuông Chiều Thu, Quỳnh Giao chọn Ðường Chiều Lá Rụng vì yêu mến tác phẩm trứ danh này. Nhưng đưa cho Duy Cường nghe tape nhạc Vũ Thành thì bị lắc đầu: “Em không bao giờ làm giống ai và chẳng bị ảnh hưởng của ai hết!” Ðúng quá chứ! Rồi Duy Cường cũng loay hoay mãi không viết được. Anh không chịu đổi qua nhịp Slow như Vũ Thành, dù nhịp này dễ hát hơn nhiều.

Cuối cùng Duy Cường hòa âm theo kiểu ad lib, là tự do, chẳng có nhịp gì hết.

Cái khó là xưa nay ca sĩ hát ad lib thì nhạc sĩ đệm theo, chứ bao giờ lại có sự ngược là nhạc sĩ đàn ad lib và ca sĩ phải hát theo! Cường nói: “Chỉ có chị mới hát theo dàn nhạc được, và vì chị nên em mới thử nghiệm điều này.”

Hôm thu âm tại phòng thu Tomlinson, Phạm Duy đến nghe. Cô cháu hát thử câu đầu “chiều rơi trên đường vắng có ta rơi giữa chiều” bằng hai cách. Cách thứ nhất gần giống lối diễn tả của Thái Thanh, là láy vào chữ “vắng” và chữ “rơi.” Cách thứ hai là chỉ láy vào chữ “ta” mà thôi. Và hát rất đều giọng, nghiêm trang. Phạm Duy chọn cách thứ hai. Viết lại như vậy để chúng ta hiểu ý người sáng tác.

Cho tới giờ dường như số người hát Ðường Chiều Lá Rụng chỉ đếm trên đầu ngón tay của một bàn tay. Riêng Phạm Duy thì nhắc đến ba người là Thái Thanh, Kim Tước và Quỳnh Giao. Mà người nghe chắc cũng ít. Nhạc đã thế, lời ca lại chẳng nhắm vào cảm quan mà đầy não tính...

Quỳnh Giao đã viết nhiều nên không dám nói thêm về các lời từ của Phạm Duy khi ông đưa tình yêu lên tận cõi chết. Ðường Chiều Lá Rụng là một tiêu biểu rực rỡ và rã rời nhất với hình ảnh đầy chất siêu thực. Nhưng giờ đây, khi ông đã ra đi, mà mình hát lại với nước mắt lưng tròng thì ca khúc lại tái sinh như một bức họa.

Ông chuyển cung như dùng màu sắc để đổi ánh sáng và có nhiều câu báo hiệu lối viết sẽ thấy ở Trịnh Công Sơn về sau.

Một kỷ niệm cuối là khi ghi âm bài này với hòa âm của Duy Cường, Quỳnh Giao đã ỷ vào chỗ thân tình mà xin sửa một chữ ở câu cuối! Phạm Duy nghe lại, gật gù và cho phép!

Chiều tan trên đường tối, có ta như rã rời
Hồn ta như gò mối, đang chờ phút đầu thai.


Quỳnh Giao xin phép hát là “Hồn ta như gò mối, im chờ phút đầu thai...”

Lá đã rụng, ông đã im. Chúng ta đang chờ ông trở lại.

* * *



Wednesday, 30 July 2014

Thái Thanh - Tiếng Hát Lên Trời

Thái Thanh - Tiếng Hát Lên Trời
Thụy Khuê
(tháng 11-1990)

Trong những phút giây thiếu vắng trống trải nhất hay những nhớ nhung tha thiết nhất của cuộc đời, mọi hiện diện hữu hình đều vô nghĩa; ta chờ đợi một đổi trao, khát khao một giao cảm thì bỗng đâu, một hiện diện vô hình lóe lên tựa nguồn sáng, tựa tri âm: sự hiện diện của tiếng hát.

Nếu thơ là một ngôn ngữ riêng trong ngôn ngữ chung, theo Valéry, hay thi ca là tiếng nói của nội tâm không giống một thứ tiếng nói nào của con người, theo Croce, thì âm nhạc hẳn là tiếng nói của những trạng thái tâm hồn và nhạc công hay ca sĩ là nguồn chuyển tiếp, truyền đạt những rung động từ hồn nhạc sĩ đến tâm người nghe.

Thị giác giúp chúng ta đọc một bài văn, nghiền ngẫm một bài thơ, nhưng chẳng mấy ai có thể thưởng thức một bản nhạc bằng thị quan của riêng mình mà phải nhờ đến người trình diễn, đến ca công, ca kỹ. Ngàn xưa nếu người kỹ nữ bến Tầm Dương chẳng gieo "tiếng buông xé lụa lựa vào bốn dây" chắc gì ngàn sau còn lưu dấu vết Tỳ Bà Hành?

Sự biểu đạt tác phẩm nghệ thuật hay sự truyền thông cảm xúc từ nhạc bản đến thính giả, nơi một vài nghệ sĩ kỳ tài, không chỉ ngưng ở mực độ trình diễn mà còn đi xa hơn nữa, cao hơn nữa, tới một tầm mức nào đó, ca nhân đã sáng tạo, đã đi vào lãnh vực nghệ thuật: nghệ thuật vô hình của sự truyền cảm, nghệ thuật huyền diệu sai khiến con người tìm nhau trong bom lửa, tìm nhau trong mưa bão, nghệ thuật dị kỳ tái tạo bối cảnh quê hương đã nghìn trùng xa cách, nghệ thuật mời gọi những tâm hồn đơn lạc xích lại gần nhau dìu nhau đưa nhau vào ngàn thu, nghệ thuật không tưởng đừng cho không gian đụng thời gian khi ca nương cất tiếng hát, tiếng hát của bầu trời, giao hưởng niềm đau và hạnh phúc: Thái Thanh.

Người ta nói nhiều đến sự nhạy cảm của phụ nữ, đến một thứ giác quan nào đó ngoại tầm nam giới. Những người đàn bà phi thường như Callas, Piaf, Thái Thanh,... đã tận dụng đến cùng cảm quan bén nhạy của mình để sai khiến, xao động, chuyển hóa ngôn ngữ, âm thanh của bài hát thành nội cảm cầm ca, cấu tạo nên một vũ trụ thứ hai, đắm đuối, cuồng say, trong lòng người:
Trời trong em, đồi choáng váng
Rồi run lên cùng gió bốn miền

Tiếng hát Thái Thanh đến với chúng ta bằng rung động trực giác rồi tan loãng trong suy tư, xoáy vào những hố sâu, những đỉnh cao, vào tiềm lực của sự sống. Trong nghệ thuật hội họa, Van Gogh dùng sắc độ chói rạng để diễn tả những cuồng nhiệt, những trận bão trong tâm hồn. Trong nghệ thuật trình diễn, Thái Thanh vận dụng tiết tấu âm thanh, tạo nên sức cuốn hút mãnh liệt giữa con người, tình yêu và vũ trụ:
Ngày đó có bơ vơ lạc về trời
Tìm trên mây xa khơi có áo dài khăn cưới
Ngày đó có kêu lên gọi hồn người
Trùng Dương ơi! Có xót xa cũng hoài mà thôi!

Vẽ lên hình ảnh người nữ ca sĩ dưới ánh đèn sân khấu, Hoàng Trúc Ly đã có câu thơ thật hay:
Vì em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh

Câu này, trái với vài truyền thuyết, không nhắm vào một danh ca nào nhất định, chỉ gợi lên không khí các phòng trà ca nhạc Sàigòn khoảng 1960. Nhưng tiếng hát lên trời là một hình ảnh có lẽ hợp với giọng ca Thái Thanh nhất, giữa những tiếng hát thời qua và thời nay. Thái Thanh là một danh hiệu, nhưng như có ý nghĩa tiền định: bầu-trời-xanh-tiếng-hát. Hay tiếng hát xanh thắm màu trời. Tiếng hát long lanh đáy nước trong thơ Nguyễn Du, lơ lửng trời xanh ngắt trong vòm thu Yên Ðổ, tiếng hát sâu chót vót dưới đáy Tràng Giang Huy Cận, hay đẫm sương trăng, ngừng lưng trời trong không gian Xuân Diệu, tiếng hát cao như thông vút, buồn như liễu đến từ cõi thiên thai nào đó trong mộng tưởng Thế Lữ.

Ngày nay, những khi tìm lại giọng ca huyền ảo của Thái Thanh trong tiện nghi, ấm cúng, ít ai còn nhớ đến định mệnh gian truân của một tiếng hát, những bước gập ghềnh khúc khuỷu, chênh vênh, trôi nổi, theo vận nước lênh đênh. Tiếng nhạc Phạm Duy gắn bó với tiếng hát Thái Thanh thành tiếng của định mệnh, chứng nhân của nửa thế kỷ tang thương, chia lìa trên đất nước. Tiếng Thái Thanh là tiếng nước tôi, là tiếng nước ta, là tiếng chúng ta, là tiếng tình yêu, là tiếng hy vọng, là tiếng chia ly, oan khổ...

Tiếng hát Thái Thanh vang vọng những đớn đau riêng của phận đàn bà, mà người xưa đã nhiều lần nhắc đến bằng những công thức: hồng nhan đa truân, tài mệnh tương đố, tạo vật đố hồng nhan. Giọng hát Thái Thanh dịu dàng đằm thắm nhưng vẫn có chất gì đắm đuối và khốc liệt. Thái Thanh tình tự những khát vọng và những đau thương của hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, những thế hệ đàn bà bị dập vùi trong cuộc chiến kéo dài hằng nửa thế kỷ, kèm theo những giằng co tranh chấp, những băng hoại của một xã hội bất an. Nạn nhân âm thầm, vô danh là những người tình, những người vợ, những người mẹ đã có dịp nức nở với tiếng hát Thái Thanh: từ o nghèo thở dài một đêm thanh vắng đến nàng gánh lúa cho anh đi diệt thù, đến lúc anh trở về bại tướng cụt chân, đến nhiều, rất nhiều bà mẹ Việt Nam, từ Cai Kinh ngang tàng đến Gio Linh Ðồng Tháp suốt đời cuốc đất trồng khoai... Tiếng hát Thái Thanh là tiếng vọng khuya khoắt của những cơn bão lịch sử.

Và Thái Thanh đã sống lăn lóc giữa cơn lốc đó. Từ tuổi mười lăm, mười bảy, cô Băng Thanh -tên thật Thái Thanh- đã mang ba-lô theo kháng chiến chống Pháp: Hà Nội, khu III, khu IV, chợ Sim, chợ Ðại, chợ Neo, Trung Ðoàn 9. Về thành, cô đã góp công, tích cực và hiệu lực vào việc củng cố, phát triển nền tân nhạc phôi thai với ban hợp ca Thăng Long, sau đó là kiếp ca nhi phòng trà những nơi gọi là "Sài Thành hoa lệ", những đêm màu hồng, chiều màu tím.

Trong mười năm sa mạc, Bầu trời xanh không hát, chim gìn giữ tiếng, tiếng chim Thanh như lời Phạm Duy trong một tổ khúc. Sang Hoa Kỳ, Thái Thanh hát lại, vẫn đắm say, vừa kiêu sa vừa gần gũi, đam mê và điêu luyện.

Thái Thanh tạo cho mỗi tác phẩm một sinh mệnh mới: Bài hát được "Thái Thanh hóa", như đã đạt được "đỉnh cao" của cuộc đời, từ đó khó tìm thấy ai đưa nó vượt lên cao hơn nữa. Bởi Thái Thanh, ngoài giọng hát điêu luyện phong phú mở rộng trên nhiều cung bậc, còn có nghệ thuật làm nổi bật lời ca trong nhạc khúc và tạo ra một khí hậu, một tâm cảnh chung quanh bài hát. Nghe Thái Thanh hát là thưởng thức một khúc nhạc, một bài thơ, trong một thế giới nghệ thuật trọn vẹn. Giọng hát xoắn sâu, xoáy mạnh vào tâm tư người nghe, khi lâng lâng, khi tẻ buốt, sai khiến tâm tư vươn lên, hay lắng xuống. Giọng hát Thái Thanh tha thướt và tha thiết buộc người nghe phải sống cao hơn, sâu hơn, sống nhiều hơn. Tiếng hát Thái Thanh có lúc gợi cảm, khơi tình, hổn hển như lời của nước mây như lời thơ Hàn Mặc Tử.

Khi tiếng hát cất lên, dường như mọi hữu thể làm bằng sỏi đá, sắt thép, thân xác và nước mắt phút chốc tan biến, trở nên vô hình, vô thể, hóa thân trong tiếng hát, khi trầm mặc, khi vút cao; Thái Thanh, phù thủy của âm thanh là một thứ Ðào Nương trong truyền thuyết có ma lực hú về những âm tình u khuất.

Trong những cassette giới thiệu nhạc của mình, Phạm Duy một đôi lần có lưu ý Thái Thanh thỉnh thoảng hát sai. Dĩ nhiên một tác giả có quyền đòi hỏi người khác phải trung thành với văn bản của mình; riêng trong nghề ca xướng, nghệ nhân vẫn có thông lệ đổi vài chữ cho hợp với hoàn cảnh, nhất là ở Việt Nam, nền văn nghệ trình diễn vốn dựa trên truyền thống truyền khẩu lâu đời.

Ví dụ như bài Cho Nhau, Phạm Duy viết:
Cho nhau ngòi bút cùn trơ...
Cho nhau, cho những câu thơ tàn mùa
Cho nốt đêm mơ về già

Thái Thanh hát:
Cho nhau ngòi bút còn lưa
...
Cho nối đêm mơ về già

Lưa là một chữ cổ, có nghĩa là còn sót lại, nhưng mang một âm thanh u hoài, luyến lưu, tiếc nuối. Ca dao Bình Trị Thiên có câu:
Trăm năm dù lỗi hẹn hò
Cây đa bến Cộ con đò vắng đưa
Cây đa bến Cộ còn lưa
Con đò đã thác năm xưa tê rồi.

Chính Phạm Duy cũng có lần sử dụng chữ lưa trong bài Mộng Du: Ta theo đường mộng còn lưa... Dĩ nhiên ngòi bút cùn trơ chính xác hơn, nhưng không thi vị bằng ngòi bút còn lưa.

Cho nốt đêm mơ về già, như Phạm Duy đã viết, là cho phứt đi, cho đi cho xong. Thái Thanh thay chữ nốt bằng chữ nối, tình tứ và thủy chung hơn: những giấc mơ về già chỉ là tiếp nối những giấc mơ tuổi xuân mà anh không tặng được em vì gặp em quá muộn; cho nhau chỉ còn trái đắng cuối mùa, nhựa sống trong thân cây chỉ còn dâng được cho em dư vị chua chát và cay đắng.

Phạm Duy viết:
Cho nhau thù oán hờn ghen...
Cho nhau cho cõi âm ty một miền

Thái Thanh hát:
Cho nhau cho nỗi âm ty một miền

Chữ nỗi vô tình buông ra mà hay hơn chữ cõi, vì cõi chỉ là một miền, một không gian, một ý niệm hiện hữu, có vẻ bao la nhưng thực ra hữu hạn. Chữ nỗi vô hình, nhỏ bé nhưng vô hạn, đi sâu vào tâm linh con người: với tuổi già nỗi chết nằm trong cuộc sống. Cho em nỗi chết là cho tất cả những niềm hoang mang, khắc khoải, đau thương còn lại, nghĩa là chút tình yêu còn lưa trong từng nhịp đập yếu ớt của trái tim đã cạn dần cạn mòn hết những mùa xuân.

Nói như thế, không có nghĩa là khuyến khích ca nhân đổi lời tác giả. Chính Thái Thanh nhiều khi hát sai, ví dụ như trong Về Miền Trung: Tan thân thiếu phụ, nát đầu hài nhi mà đổi ra thành Thương thân thiếu phụ, khóc đầu hài nhi là hỏng, nhưng người nghe dễ nhận ra và điều chỉnh. Nhiều chỗ sai, người nghe không để ý.

Ví dụ câu này có thể xem như là một trong những câu hay nhất của Phạm Duy và tân nhạc Việt Nam:
Về miền Trung còn chờ mong núi về đồng xanh
Một chiều nao đốt lửa rực đô thành

Thái Thanh hát một chiều mai đốt lửa... là đánh vỡ một viên ngọc quý. Chữ nao mơ hồ, phiếm định, chỉ là giấc mơ ánh sáng, màu sắc của nghệ sĩ -- mà Nguyễn Tuân gọi là cơn hỏa mộng -- nó chỉ là hình ảnh nghệ thuật, chứ Phạm Duy mong chi ngày đốt kinh thành Huế? Có lẽ ông còn giữ trong ký ức câu thơ của Chính Hữu [*] trong Ngày Về mà ông rất thích: Bỏ kinh thành rừng rực cháy sau lưng.

Thơ không thể dịch được, nghĩa là không thể chuyển thơ từ ngôn ngữ nước này sang ngôn ngữ nước khác mà không làm mất hồn thơ, làm mất chất thơ, nhưng có thể chuyển thơ sang hình thức nghệ thuật khác như chuyển thơ sang nhạc hay phổ nhạc những bài thơ hoặc ngược lại, đặt lời thơ cho bản nhạc.

Chúng ta có nhiều nghệ sĩ sáng tác những nhạc khúc tuyệt vời với ngôn ngữ thi ca, nhưng chúng ta có ít ca sĩ thấm được hồn thơ trong nhạc bản. Ðạt tới tuyệt đỉnh trong ngành trình diễn, Thái Thanh nắm vững cả bốn vùng nghệ thuật: nghệ thuật truyền cảm, nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật thi ca và nghệ thuật phát âm tiếng Việt, giữ địa vị độc tôn trong tân nhạc Việt Nam gần nửa thế kỷ: Thái Thanh chẳng cần làm thơ cũng đã là thi sĩ.

Giữa những phôi pha của cuộc đời, tàn phai của năm tháng, giọng hát Thái Thanh vang vọng trong bầu trời thơ diễm tuyệt, ở đó đau thương và hạnh phúc quyện lẫn với nhau, người ta cho nhau cả bốn trùng dương và mặc tàn phai, mặc tháng năm, tiếng hát vẫn bay bổng ở chốn trần gian hoặc ở vô hình.

Thụy Khuê
Paris, tháng 11-1990

Chú thích:
[*] Những lời ca trích trong bài này của nhạc sĩ Phạm Duy, nói đến tâm trạng chiến sĩ Trung Ðoàn Thủ Ðô khi rời Hà Nội đầu năm 1947.

* * *


Quỳnh Giao, Tiếng Ca Mở Nẻo Lam Kiều

Quỳnh Giao, Tiếng Ca Mở Nẻo Lam Kiều
Hồ Trường An (1999)

Tôi biết tiếng hát Quỳnh Giao từ khi tôi vào trường Cao Tiểu Vĩnh Long (Collège de Vinh-Long) vào năm 1950. Lúc đó cô chỉ là một cô ngọc nữ xinh tươi với cái tên là Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang, lấy cái tên Đoan Trang của mình làm nghệ danh. Cô hát chung với ông anh Bửu Minh của mình (lấy nghệ danh là Anh Minh). Cả hai là con chung của nữ danh ca mt và hoàng thân Nguyễn Phúc Ưng Quả. Ông Ưng Quả là thầy dạy của Thái tử Bảo Long, một bậc trí thức nổi bật trong hoàng tộc thuở đó, đã từng viết nhiều tờ báo tiếng Pháp do người Pháp chủ trương.

Quỳnh Giao là hậu duệ của ngài Tuy Lý Vương Miên Trinh. Vương cùng ông anh khác mẹ là ngài Tùng Thiện Vương nổi tiếng về thi ca. Dòng dõi của vương, về bên nữ có vài bà tôn nữ giỏi thơ văn như Công Tằng Tôn Nữ Tri Túc (bút hiệu là Cỏ May, Cỏ Tháng Giêng), Công Tằng Tôn Nữ Tri Thức (bút hiệu là Hoàng Du Thụy), Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang (bút hiệu là Thanh Nhung). Riêng Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang khi đến tuổi cài trâm lại lấy nghệ danh là Quỳnh Giao. Và khi ra hải ngoại, cô bắt đầu cầm bút viết phê bình văn chương, viết những bài tưởng niệm các nhạc sĩ vừa qua đời hay vinh danh các nhạc sĩ còn tại thế.

Tôi đã say mê cô ngọc nữ Đoan Trang cùng cậu kim đồng Anh Minh song ca bài “Dưới Nắng Hồng” của Đoan Trang. Eo ơi, cả hai mới sáu bảy tuổi chứ mấy, khi hát mà còn ngân nga rựa ràng nào khác cặp song ca Bích Chiêu & Tuấn Ngọc vốn là hai chị em ruột (chị gái và em trai). Và khi Đoan Trang lớn lên để trở thành cô xuân kiều xinh tươi thì tôi quên hẳn cô vì lúc đó cô theo đuổi việc sách đèn và học môn dương cầm tại trường Quốc Gia Âm Nhạc. Đến khi cô trở thành thiếu nữ đoan trang thuỳ mị với nghệ danh Quỳnh Giao thì tôi được nghe cô hát trên đài Sài Gòn và đài Quân Đội, khi thì song ca với Mai Hương, khi thì tam ca với Mai Hương và Như Thủy (em gái Nhật Trường), và sau hết tam ca với Mai Hương và Phương Nga, Làm sao tôi quên được Mai Hương, Quỳnh Giao và Như Thủy tam ca bản “Hồ Lãng Bạc” của xuân Tùng; ở điệp khúc cả ba ca thật xôn xao như sóng lớp lớp bủa vào mạn thuyền nghe đã hết sức!

Vào năm 1971, tôi mới được diện kiến Quỳnh Giao tại đài Sài Gòn. Cô có dắt cháu Dương Ngọc Bảo Cơ (con gái duy nhất của cô) theo. Cô bé bước đi lẫm chẫm xinh xắn như một quả tim. Còn Quỳnh Giao thì giữ dáng dấp một cô thiếu nữ 16. Chiếc áo dài của cô bằng lụa tằm hơi dầy nhưng mềm mại ửng màu nguyệt bạch, cách tô chuốc son phấn quá phơn phớt, quá gượng nhẹ của cô làm tôi tưởng chừng đó là một nữ sinh viên hơn là một ca sĩ. Tuy nhiên ở chỗ giáp nhau ở cổ áo, cô có cài chiếc trâm nhỏ hình tròn cỡ cút áo có nạm chuỗi hột lấp lánh. Trong cuộc phỏng vấn cô, tôi tán gẫu với cô nhiều hơn là đặt câu hỏi. Tuy nhiên khi bài phỏng vấn đăng trên tuần san Minh Tinh, cô rất hài lòng. Và cô mời tôi đến tư thất cô cho biết. Thuở đó cặp uyên ương Dương Ngọc Hoán & Quỳnh Giao ở chung với dì cô là bà quả phụ Đỗ Thế Phiệt (giáo sư trường Quốc Gia Âm Nhạc). Tuy là sống dưới mái nhà với bà Đỗ, nhưng cả hai có giang sơn biệt lập với chỗ ở của bà. Cho nên những khi tôi đến viếng cô thì không bao giờ tôi gặp bà.

Trước ngày 30/4/75 vài hôm, gia đình Quỳnh Giao di tản qua đảo Guam rồi định cư trên tiểu bang Virginia. Còn tôi, phải đợi đến hai năm sau mới định cư trên đất Pháp. Bên kia Đại Tây Dương, Quỳnh Giao dạy tư gia môn dương cầm. Trên đất Pháp, tôi làm báo, viết báo. Và mãi tới năm 1983, tôi bắt đầu viết văn trở lại. Tới năm 1986, nhờ nhà thơ nữ Vi Khuê cũng ở Virginia mà Quỳnh Giao và tôi nối lại giao du. Vào năm 1989, tôi qua bên Washington D.C. ra mắt quyển “Giai Thoại Hồng”, có ở chơi nhà vợ chồng cô một ngày một đêm. Thuở đó cô còn chung sống với anh Dương Ngọc Hoán ở thành phố Annandale. Rồi đó, chín năm sau, tức là vào năm 1999, tôi trở qua Washington D.C. ra mắt quyển “Theo Chân Những Tiếng Hát” thì cô không còn ở Annandale nữa; cô đã ly dị anh Hoán từ lâu, hình như vào năm 1990 thì phải và đã thiên cư qua bên California, rồi cùng với người bạn lòng của cô trở lại Washington D.C. Cả hai hiện cư ngụ ở thành phố Fairfax.

Vào một sáng giữa thu lành lạnh, nhưng nắng đẹp tuyệt vời như bạc lỏng, Quỳnh Giao lái xe đến nhà bạn của tôi tức là Tiến sĩ Phạm Văn Hải (khi viết văn ký bút hiệu Hải Vân Phạm Văn Hải) ở trong vùng thơ mộng nhất của thành phố Falls Church để đưa tôi đi ăn trưa tại tiệm mì Kim Sơn. Chúng tôi có nhiều chuyện để kể cho nhau nghe, chuyện ca giới lẫn chuyện văn giới, chuyện những văn nghệ sĩ còn kẹt ở quê nhà cho nên chẳng ai ăn hết tô mì. Sau đó cô đưa tôi về tư thất cô nằm trong khu tráng lệ của thành phố Fairfax. Nhà cô sạch bóng, cách chưng dọn thật trang nhã. Tại phòng khách có treo tấm ảnh phóng đại của cô chụp chung với người bạn lòng của cô. Đó là anh Nguyễn Xuân Nghĩa, một chính khách và cũng là một học giả.

Cách xa nhau 9 năm, trong khoảng thời gian ấy, chúng tôi thư từ qua lại chỉ có vài lần. Nhưng khi thực hiện được dĩa nhạc nào, Quỳnh Giao cũng nhớ gửi tặng tôi. Gặp lại cô ở Virginia, tôi thấy cô đẹp dễ sợ. Trước đó, nhan sắc cô chỉ dễ coi mà thôi. Cô trội hơn các ca sĩ khác ở vẻ cao sang thanh thoát của một tôn nữ, ở kiến thức văn chương nghệ thuật theo truyền thống “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Nhưng bước vào tuổi ngũ tuần, cô hiện thân là một trung niên mỹ phụ. Thần thái cô sáng rực lên. Gương mặt với cặp má hơi thỏn của cô thuở nào thì giờ đây lại đầy đặn thêm ra. Cặp lưỡng quyền tuy thế vẫn không mất, vẫn còn rõ nét để tạo cho cô một vẻ duyên dáng nồng mặn. Bởi vì không có lưỡng quyền rõ nét, khuôn mặt người đàn bà sẽ trơ trẻn và phèn phẹt như tảng bánh đúc thế nào ấy! Cặp mắt cô được tô viền đen, sáng rờn rợn, sáng uy nghiêm.

Trong lúc chuyện vãn về ca nhạc, Quỳnh Giao không dùng những danh từ chuyên biệt dành cho âm nhạc, mà dùng những ngôn từ rất là “bà già trầu” đã được tôi nạm lác đác trong quyển “Theo Chân Những Tiếng Hát” của tôi. Không hiểu có phải cô muốn làm đẹp lòng tôi mà nói những tiếng quê mùa? Hoặc là cô thấy ngôn ngữ chuyên biệt dành cho âm nhạc trở thành những pho cẩm thạch vô hồn khi bàn chuyện với một tác giả ưa viết truyện miệt vườn như tôi? Hay là trong lúc nói chuyện với người bạn cố tri, cô thấy ngôn ngữ “bà già trầu miền Nam” lại gợi cảm hơn?

Hồi còn ở quê nhà, trên Tivi tôi chưa thấy ai hát bản “Xuân Và Tuổi Trẻ” của La Hối (do Thế Lữ phổ lời) tươi vui rạng rỡ như Quỳnh Giao, dù khi diễn tả bài này cô không nhún nhẩy, không phô trương mắt liếc miệng cười. Hát mà lẳng nhức lẳng nhối, điệu đà, ỏn ẻn như mấy cô vợ bé nũng nịu với chồng là không có cô. Ở ngay tiếng hát cô, khán thính giả đã thấy mùa xuân tươi sáng và tuổi trẻ hạnh phúc ở trong đó rồi. Còn bản “Giòng Sông Xanh” của Johann Strauss (do Phạm Duy phổ lời Việt) nữa chi. Cô hát sao mà nhẹ nhàng, thênh thang, trơn ngọt, ngân bằng nguyên âm (vocaliser) thật sướng tai! Từng chuỗi ngân dài như dải lụa rập rờn trong gió tuôn ra không chút nắn nót.

Thuở đó, Quỳnh Giao hơi gầy, hơi kiều nhược, nhưng giọng cô lại khá mạnh. Mỗi sáng cô uống một cốc nước cam vắt pha mật ong để cho trơn cổ mát họng trước khi tự luyện giọng bằng cách vocaliser từ thấp lên cao, từ cao xuống thấp những vần a, e, ê, i, o, ô, ơ, u, ư… Đó là lối luyện chân truyền của các ca sĩ Tây Phương.

Quỳnh Giao hát thật là điêu luyện, ai cũng biết. Quỳnh Giao tốt nghiệp môn dương cầm trường Quốc Gia Âm Nhạc, có ngón đàn tươi và sành điệu, chắc chẳng ai quên. Nhưng mấy ai biết được sự thủy chung và ý tình thắm thiết của cô đối với ca hát? Ca hát là tôn giáo của cô, là mục đích mà cô đeo đuổi hơn ba phần tư cuộc đời, dù khách sành điệu của cô quá ít, dù kẻ biết được cái chân giá trị của giọng hát cô chẳng được bao người đi nữa.

Ở ngoài đời, Quỳnh Giao có cung cách thật cao sang, cho nên cô giữ gìn tiếng hát cô quý phái theo. Cô đưa tình cảm vào giọng hát có chừng mực. Người chưa sành điệu khó cảm thông nổi giọng hát của cô vì đối với họ nó hơi làn lạt, chưa đủ ngọt say sưa như mật ong, mà cũng không đắng đậm như mật gấu. Tuy nhiên cô không hát quá chân phương như Mộc Lan hay như Anh Ngọc. Tình cảm trong giọng hát của cô phơn phớt và dịu nhẹ. Cô cũng dùng nét láy thật mềm để trang sức cho giọng hát mình thêm nét gợi cảm, để nữ tính cô được bộc lộ một phần nào. Hình như cho tới bây giờ, Quỳnh Giao vẫn giữ giọng thiếu nữ non mềm và tươi mươn mướt, một giọng trong ngần và trắng lóa như pha lê. Từ khi ra hải ngoại, khi hát ở những chỗ hơi trầm, tiếng cô hơi khào khào một chút, thật gợi cảm như giọng thiếu phụ. Tuy nhiên, rồi đâu cũng vào đó, tiếng hát cô cũng trở về cái giọng thánh thiện và trinh khiết gợi nên hình ảnh thiên thần cánh trắng.

Giọng Quỳnh Giao thuộc loại kim (soprano). Khi hát ở những chỗ ngang ngang thì nó quá dịu mềm làm cho chúng ta nghĩ tới hình ảnh các cô khuê nữ kiều nhược. Khi lên cao, giọng cô tuy không xé lụa như giọng Ánh Tuyết, tuy không lảnh lót chuông ngân như giọng Thùy Nhiên năm nào, nhưng vẫn chắc, vẫn dẻo, vẫn thoải mái và thống khoái. Cô lại còn ưa chuyền hơi, từ tiếng chót câu đầu cô ngân nga thật dài rồi bắt qua tiếng đầu của câu sau với một làn hơi óng ả vóc nhung tơ và dồi như nước sông mùa lũ, nghe mà cảm thấy đã cái lỗ tai biết dường nào!

Từ năm 1986 cho tới bây giờ, ngoài hai băng nhạc “Hát Cho Kỷ Niệm 1” và “Hát Cho Kỷ Niệm 2”, Quỳnh Giao thực hiện cho riêng mình những dĩa nhạc “Khúc Nguyệt Quỳnh”, “Tiếng Chuông Chiều Thu”, “Chiều Về Trên Sông”, “Ngàn Thu Áo Tím”, “Hành Trình Phạm Duy”. Lại còn dĩa nhạc “Tìm Nhau Bốn Mùa” mà cô hát chung với Kim Tước và Mai Hương nữa chi!

Quỳnh Giao thường hát những bài chọn lọc, có phẩm chất cao. Cô không chiều theo thị hiếu của khán thính giả tạp nhạp. Cô nhắm vào khách sành điệu ít oi, dù nghìn người chỉ có một người đi nữa. Cô hát những bản có nhiều chỗ lên cao để cô có thể biểu diễn giọng kim cao vút và sáng nguy nga, sáng lồng lộng của mình như “Chiều Về Trên Sông” của Phạm Duy, “Tiếng Dương Cầm” và “Mưa Trên Phím Ngà” của Văn Phụng, “Hẹn Một Ngày Về” của Lê Hữu Mục, “Tiếng Thời Gian” của Lâm Tuyền, “Hoài Cảm” và “Thu Vàng” của Cung Tiến. Bản “Sao Đêm” của Lê Trọng Nguyễn và bản “Đường Chiều Lá Rụng” của Phạm Duy tuy không có chỗ lên quá cao nhưng vẫn là hai bản khó hát, các ca sĩ có kỹ thuật non kém sẽ hát tuột giọng, đâm hơi, lạc giọng… Nhưng vốn có kỹ thuật thâm hậu, Quỳnh Giao hát rất đúng giọng, không sai một bán cung, rất điệu nghệ, càng nghe càng khoái.

Càng lớn tuổi, cô càng luyện giọng siêng chăm hơn nên làn hơi cô thêm mạnh, chuỗi ngân càng đẹp tuyệt vời. Rõ ràng là đây là rượu bồ đào càng để lâu càng nồng ngát say sưa.

Tiếng hát cao vút không gợn đục bởi tình cảm sướt mướt của Quỳnh Giao một khi cất lên như đưa tâm hồn khán thính giả đến tận nẻo Lam Kiều in trên mây xanh nổi chập chùng mây trắng để họ bước vào cõi tiên.

Hồ Trường An
(Chân Dung Những Tiếng Hát)

* * *

Tuesday, 29 July 2014

Quỳnh Giao viết về Thái Thanh


Thái Thanh, Lời Ru của Mẹ
Quỳnh Giao
(15-08-2006)

Cách đây đã hơn ba chục năm, khi viết về Thái Thanh với lời xưng tụng "Tiếng Hát Vượt Thời Gian", Mai Thảo không ngờ rằng chính lời phán xét ấy đã vượt thời gian. Thái Thanh hát từ đầu thập niên 1950 và sau thập niên 1970, tiếng hát ấy vẫn vang vọng thêm hai thập niên nữa. Và còn mãi mãi trong tâm tư chúng ta.

Cách đây rất lâu, trong dịp đi du lịch tại một xứ xa lạ và vào một nhà hàng Tàu (vì tên là Golden Lotus, Kin Lian) Quỳnh Giao bỗng thấy bồi hồi. Trong nhà hàng trang trí đỏ loét kiểu dáng Trung Hoa cho người ngoại quốc, âm thanh lại chất chứa hồn Việt.

Tiếng hát Thái Thanh, giữa một vùng xa lạ.

Thời ấy ở tại vùng ấy, người ta chưa đủ tân tiến để hành hạ thực khách với loại ca khúc có giai điệu Hồng Kông, được gào lên bằng tiếng Việt theo kiểu Blues ở Bình Thạnh. Cho nên chủ nhà hàng, một phụ nữ Việt xa xứ từ trước thời thuyền nhân, chỉ có được một chút kỷ niệm gắn bó với cố hương vừa bị đẩy xa, là mấy băng nhạc Thái Thanh.

Lúc ấy, Quỳnh Giao đã nghĩ đến Thái Thanh như tiếng hát vượt cả thời gian lẫn không gian và chuyên chở cái tâm hồn Việt Nam trong một giai đoạn bi thương nhất.

Trong nửa sau của thế kỷ 20, tiếng hát Thái Thanh đã là di sản không thể mất của rất nhiều người Việt. Nó nổi trôi theo mệnh nước, thấm vào tâm tư chúng ta để thành tiếng hát tiêu biểu nhất từ thời phôi thai của tân nhạc cải cách, trải qua thời chiến tranh cho đến thời lưu vong và tàn tạ. Nếu chúng ta có thể thấy hạnh phúc và hãnh diện với tân nhạc Việt Nam thì thời kỳ nhiễu nhương nhất của lịch sử, từ những năm 1950 đến 1970, là thời kỳ đẹp nhất và trong giai đoạn ấy, Thái Thanh là một tiếng hát không thể quên được.

Mỗi người lại thưởng thức nghệ thuật Thái Thanh theo một cách, tùy theo tâm tư và hoàn cảnh.

Riêng với Quỳnh Giao, vốn rất dè dặt khi viết về tiếng hát của các đồng nghiệp, nếu Anh Ngọc là "giọng hát trượng phu" thì Thái Thanh là "lời ru của mẹ".

Thật ra, ngày còn bé, Quỳnh Giao chưa biết thích tiếng hát của bà. Dường như trẻ thơ không thích cách diễn tả thê thiết, đau đớn như thế. Lúc đó, những giọng hát trong trẻo, kỹ thuật cao, một đòi hỏi không thể thiếu trong các đài phát thanh, hát những bài ca ngợi tình người và tình đời với những màu xanh, màu hồng mới là hay. Như Kim Tước với "Mộng đẹp ngày xanh", Mai Hương với "Em tôi" hay Mộc Lan với "Nhớ nhung", hoặc Châu Hà với "Thương tình ca" là loại tiếng hát thổi lên những giấc mơ đẹp, bình an và thiết tha tình yêu thái hòa.

Phải đến khi ra hải ngoại, sau một cuộc đổi đời của cả xã hội, Quỳnh Giao mới đủ trưởng thành để thích giọng hát Thái Thanh và thích nhất ở những ca khúc bà hát về quê hương, về tình nhân loại, về nhân thế. Thái Thanh trong loạt "đạo ca" do Phạm Duy phổ thơ Phạm Thiên Thư là lúc tiếng hát tròn đẹp về tình mẹ và về triết lý của cuộc đời. Thái Thanh trong những ca khúc về chiến tranh mới diễn tả hết nỗi bi thương của con người trong thời chinh chiến. "Kỷ vật cho em" hay "Khi tôi về" là loại tiêu biểu.

Nhưng nghe Thái Thanh, Quỳnh Giao luôn nghĩ đến vai trò lớn nhất mà cũng là vai trò trọn vẹn nhất của bà: vai trò của người mẹ.

Ở giọng hát của Thái Thanh, tình yêu còn quá nhẹ. Bà ngợi ca tình yêu mà như hát cho người chứ không phải cho mình. Trong thập niên 1960, khi nhạc tình của Việt Nam lên tới những đỉnh cao không còn thấy nữa, nhờ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn hay Phạm Ðình Chương, thì Thái Thanh của "Ngày ấy chúng mình" đã hát cho mọi cặp tình nhân trên đời. Nhưng, Lệ Thu hay Khánh Ly vẫn có mặt và tỏ tình thay cho rất nhiều người.

Trước đấy, khi dân ca được Phạm Duy cải biên để từ thôn quê chinh phục thành phố và thúc giục mọi người cùng hát "Em bé quê", "Vợ chồng quê" để thương xót quê nghèo, Thái Thanh đã sớm góp tiếng và có mặt. Nhưng, Thái Thanh có dáng dấp và phong cách tinh tế và hiện đại hơn vậy, nên cũng trường cửu hơn vậy, khi người ta không còn nhớ gì về dân ca thời kháng chiến.

Chỉ ở những bài về tình mẹ, Thái Thanh mới thực sự hát cho chính mình và cho đời sau.

Quỳnh Giao cảm thấy như thế khi nghe bà hát "Bà mẹ Gio Linh", hay "Lời ru, bú mớm, nâng niu" của Phạm Duy. Cũng thế, Phạm Duy nhắc đến người mẹ rất nhiều trong các ca khúc của ông, và hồi ký về tuổi thơ của ông chỉ có mẹ hiền, mà thiếu vắng hình ảnh của người cha. Chúng ta lại hiểu thêm vì sao giọng hát của Thái Thanh lại gắn liền với ca khúc Phạm Duy.

Người Pháp có câu" văn là người". Quỳnh Giao cũng nghĩ như thế, giọng hát là người.

Thái Thanh có tiếng hát đẹp, như trường hợp của Kim Tước hay Ánh Tuyết, Mộc Lan, Châu Hà. Nhưng Thái Thanh lại khác hẳn mọi người ở khả năng phát âm rất rõ lời. Thái Thanh có sự bén nhạy thiên phú để hát mạch lạc từng câu từng chữ, với âm sắc hoàn toàn Việt Nam. Cái "hồn Việt" chúng ta nói đến trong tiếng hát của bà được bắt gặp trước tiên ở cách hát cho rõ lời. Cũng vì vậy, đòi Thái Thanh hát nhạc ngoại quốc là chưa bắt được cái "thần" của bà.

Thái Thanh là người hoàn toàn Việt Nam từ cốt tủy. Và hát hay nhất các ca khúc về mẹ.

"Bà mẹ Gio Linh" của Phạm Duy không thể nào sống mãi trong chúng ta, dù chiến tranh đã tàn, nếu không có cách diễn tả của Thái Thanh, "Giọt mưa trên lá" cũng thế. "Tình ca" cũng vậy. Ngay trong tiếng nức nở về tình yêu và chinh chiến, từ "Buồn tàn thu" xa xưa đến "Kỷ vật cho em" hay "Bài hương ca vô tận" về sau, Thái Thanh vẫn làm chúng ta rùng mình không vì nỗi lòng thiếu nữ mà là tâm tư của thiếu phụ. Rồi bỗng thương xót đàn con thơ.

Ai cũng có thể hát nhạc tình dù chẳng cần quặn quại trên sân khấu, và ai cũng có thể hát về quê hương hay chiến tranh, nhưng chỉ có Thái Thanh mới khiến chúng ta bùi ngùi về người mẹ.

Trước khi trở thành mẹ hiền, hay mẹ già, biết bao phụ nữ thời ấy đã là người tình, đã có những rung động e ấp của tuổi thanh xuân. Nhưng tất cả đều bị dồn nén, xóa nhòa, để chỉ rưng rưng còn lại là lòng mẹ.

Thái Thanh diễn tả được nỗi niềm ấy khiến người nghe thấy ra một bất công lớn với phụ nữ, đối với chính người mẹ của mình.

Quỳnh Giao

* * *


Monday, 21 July 2014

Tôi đã trở thành người tu học theo đạo Phật như thế nào

Tôi đã trở thành người tu học theo Đạo Phật như thế nào
Bình Anson

“(...) Chánh kiến trong đạo Phật là bước đầu tiên trong Bát Chánh Đạo. Đấy là lý do vì sao chúng ta gọi đạo Phật là Con đường Trí tuệ, không chỉ là học thuyết hay đức tin suông. Chánh kiến là sự nhận thức và quan sát bản thân chúng ta, cuộc sống của chúng ta. Phật đã dạy về những gì hiển nhiên, những gì có sẵn để nhìn thấy được. Dù đấy là điều luôn sẵn thấy, không có nghĩa là chúng ta nhận ra; dù đấy là điều hiển nhiên, không có nghĩa là chúng ta hiểu rõ hay để tâm đến. Có thể chúng ta bỏ qua nó vì nó quá hiển nhiên. Đức Phật đã chỉ ra những điều chúng ta cần phải lưu tâm. Đức Phật dạy không gì khác ngoài những điều có thể nhìn thấy và nhận thức được từ bên trong thân xác này, bên trong tâm thức này. Toàn bộ con đường được phát triển bởi chính thân xác lẫn tâm thức này.

“Chúng ta có tất cả những gì chúng ta cần. Tất cả những gì chúng ta phải làm là bắt đầu chú tâm đến mọi thứ quanh mình. Khi đấy, tia sáng Chánh kiến băt đầu xuất hiện. Hệ quả của Chánh kiến là làm sinh khởi Chánh Tư duy. Điều này xảy đến với mỗi người trong chúng ta theo những cách khác nhau. Tôi chắc rằng điều này xảy ra với tất cả mọi người, đặc biệt là khi chúng ta kinh nghiệm đau thương hoặc khi có điều gì đó khiến chúng ta dừng lại, suy nghĩ và quan sát.

“Có một câu chuyện rất hay về một người đàn ông mà tôi quen biết ở thành phố Perth. Anh được nuôi dạy như một Phật tử và trên thực tế, anh cũng tự nhận mình là Phật tử, nhưng chỉ là trên bề nổi mà chưa bao giờ quan tâm hay thực hành Phật pháp. Một lần, anh quyết định cùng vợ đi du lịch vòng quanh nước Úc, cắm trại và lái xe. Khi đi từ Perth đến Adelaide, họ cắm trại qua đêm trên sa mạc. Một đêm nọ, khi cắm trại ở một nơi xa lạ, giữa không gian bao la, anh ấy không thể ngủ được. Vì thế, anh ngồi dậy, bước ra sa mạc trống vắng. Anh ta thấy mình hoàn toàn đơn độc. Trong sự trống vắng đấy, anh nhìn lại mình, chính con người này, và anh nhận thức sự trống rỗng của cuộc sống này. Tôi đang làm gì ở đây? Toàn bộ cuộc sống này có ý nghĩa gì? Học hành và tích tụ bằng cấp, tri thức và tiền bạc, rồi thì sao? Tôi muốn gì trong cuộc đời này? Một tia sáng của Chánh kiến lóe lên, một sự dừng lại và suy ngẫm. Sự hiện hữu máy móc theo thói quen dừng lại trong một khoảnh khắc. Tất cả suy nghĩ dừng lại trong khoảnh khắc và một ý niệm hiện ra: nhận thức và trân trọng sự hiện hữu của một con người ngay trong khoảnh khắc hiện tại. Chánh kiến xuất hiện. (...)”

*

Những đoạn trên được trích ra từ tập sách “An chỉ và Minh quán” của Sư Ajahn Jagaro (1988), do Hội Phật giáo Tây Úc xuất bản. Tôi xin kể tiếp câu chuyện này, xảy ra vào năm 1979:

– Sau chuyến đi 4 tuần vòng quanh nước Úc cùng vợ, chàng trai trẻ quay về thành phố Perth và tiếp tục chương trình nghiên cứu sinh. Không lâu sau đó, một người bạn của vợ anh cho biết sắp có một vị tu sĩ Phật giáo người Tây phương thuộc truyền thống Phật giáo Nam tông Thái Lan đến thăm Perth, và nhà sư – Phra Khantipalo, sẽ có những buổi thuyết giảng về đạo Phật và thiền Phật giáo. Anh ấy đi cùng vợ đến tham dự một trong những buổi thuyết giảng ấy. Không hiểu vì sao, anh cảm thấy rất gần gũi, quen thuộc với những gì vị sư giảng về Phật pháp. Phật pháp rất đơn giản nhưng mang tính thực tế và đi thẳng vào lòng người. Phật pháp trở nên có ý nghĩa đối với anh. Dường như cuối cùng anh đã tìm thấy các mảnh còn thiếu của bức tranh trò chơi ghép hình đã có trong tâm trí anh kể từ sau chuyến hành trình xuyên sa mạc. Anh quyết định gia nhập hội Phật giáo địa phương, và kể từ đó, tu tập theo đạo Phật trong truyền thống Nam tông.

Binh Anson,
Perth, Tây Úc, tháng 10-1999
(Võ Ngọc Diệp dịch Việt, Bình Anson hiệu đính – 07-2014)

-ooOoo-

How I became a practicing Buddhist
Binh Anson

"(...) Right View in Buddhism is the first step of the Eightfold Path. This is why we say it's a Path of Wisdom, not just doctrine or belief. It's a noticing and observing of ourselves, our lives. The Buddha taught what is obvious, what is there to be seen. Although it's there to be seen, it doesn't mean we see it; it may be obvious but it doesn't mean we understand or notice it. Maybe we miss it all the time because it is so obvious. The Buddha pointed things out which we need to consider. He taught nothing outside of what can be seen and realised within this body, with this mind. The whole path is to be developed through this body and mind.

"We have all that we need. All we have to do is to start noticing what is around us. That's when the spark of Right View begins to arise. The result of Right View is that Right Aspiration or Right Thought arises. This happens to us in various ways. I'm sure it has happened to everyone here, especially when we have a traumatic experience, or something helps us to stop and think and observe.

"One very nice story is of a man I know here in Perth. He was brought up as a Buddhist actually, and considered himself one, but never really took an interest or practised anything beyond just the superficial. On one occasion, he decided to go on a trip, with his wife, around Australia, camping and driving. While they were travelling from Perth to Adelaide, they camped out in the desert. One night, camping in the middle of nowhere, just open space, he couldn't sleep. So, he got up, went out to the emptiness of the desert. He found himself completely alone. In this emptiness, he noticed himself, this human being, and he became very aware of the emptiness in this life. What am I doing? What's it all about anyway? All this study and accumulation of degrees and knowledge and money, so what? What do I want out of life? A spark of Right View there, a stopping and considering. The mechanical, the habitual existence comes to a stop for a moment. All thought comes to a stop for a moment and this reflection arises: a consideration and appreciation of one's present existence. Right View arises.(...)"

*

The above paragraphs are taken from a booklet by Ajahn Jagaro (1988), "Calm and Insight", published by the Buddhist Society of Western Australia. I would like to continue telling that story which happened in 1979:

– After that long four-week journey driving around Australia with his wife, the young man went back to Perth and resumed his postgraduate research study. Not long after, he was informed by one of his wife's friends that a Western Buddhist monk of the Thai Theravadin tradition was visiting Perth, and the monk, Phra Khantipalo, gave a series of talks about Buddhism and Buddhist meditation. He went along with his wife to attend one of these talks. Somehow, he felt very much "at home" with what the monk said about the Buddhadhamma (the Buddha's Teaching). It was simple, but practical and straight to the heart. It did make sense to him. It seemed that at last, he found those missing pieces of the jigsaw puzzle he had in his mind since that trip through the desert. He decided to join the local Buddhist Society, and has been practicing the Theravadin Buddhist tradition ever since.

Binh Anson,
Perth, Western Australia, 
October 1999

* * *