Tuesday 19 July 2022

Sau khi tôi chết

 Sau khi tôi chết.

Tôi đã từng nói với bà xã và các con rằng trong đời tôi, từ khi trưởng thành, tự lập cho đến bây giờ, tôi đã làm tròn nhiệm vụ của một người con, người chồng, người cha trong gia đình. Trong khả năng nhỏ bé, tôi đã tận lực đóng góp vào xã hội mà tôi đã và đang sống (Việt Nam, Thái Lan, Úc). Sau hơn mười năm nghỉ hưu như là một cư sĩ Phật tử tầm thường, tôi không còn tha thiết gì đến công danh, sự nghiệp, tiền bạc, tài sản hay bất cứ điều gì khác trong kiếp sống này. Tôi hầu như dành trọn thì giờ và công sức để tìm hiểu và tu tập theo lời Phật dạy, và thường xuyên quán niệm về cái chết. Cho nên, tôi không sợ sệt, không trốn tránh cái chết. Tôi tin rằng mình đã chọn đúng đường. Với lòng tín thành sâu đậm nơi Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), tôi tin rằng khi chết đi, mình sẽ nhanh chóng tái sinh vào một cảnh giới nào đó với những điều kiện thích hợp để tiếp tục con đường này cho đến đích cuối cùng.

Cho nên, sau khi tôi chết, những gì còn lại chỉ là một túi da bọc thịt xương, không có gì là quan trọng, đáng quan tâm. Gia đình tôi có thể liên lạc và làm việc với dịch vụ tống táng, chọn lựa loại quan tài rẻ tiền nhất để đem đi hỏa thiêu trong thời hạn ngắn nhất, tùy theo điều kiện của địa phương. Nếu phải nhập gia tùy tục thì có thể tổ chức theo nghi thức tang lễ tối giản của người Úc, không cần phải quan tâm đến các nghi thức rườm rà của người Việt hay người Thái. Cũng không cần thiết phải thỉnh mời chư Tăng hay ai đó đến tụng kinh cầu siêu. Tổ chức tang lễ theo nguyên tắc chính là "Nhanh, Gọn, Rẻ" (Quick, Simple, Cheap).

Sau khi hỏa thiêu, có thể đem tro xương đến chôn ở tường rào quanh Tu viện Bodhinyana, Tây Úc – theo như phong tục của người Thái, hoặc rải tro xương vào khu rừng cạnh Tu viện. Nếu thấy bất tiện, có thể rải tro xương xuống biển hay rải vào khu rừng nào đó cũng được, tùy duyên. Sau đó, không cần phải cúng thất hay cúng giỗ mỗi năm. Thỉnh thoảng, nếu có tưởng nhớ đến tôi thì đem chút ít tịnh tài đóng góp vào các hoạt động từ thiện xã hội hay cơ sở Phật giáo. Như thế là quá đủ. Không cần phải làm thêm gì khác.

Bình Anson
Perth, Tây Úc
19/07/2022

*






Tuesday 12 July 2022

Kỷ niệm với Sư Thiện Minh (1969-2018)

Tập sách đầu tay của tôi

Năm 2004, tôi đề nghị huynh Thiện Nhựt ở Montreal, Canada, dịch sang tiếng Việt tập sách "A Basic Method of Meditation" của ngài Ajahn Brahm và tôi giúp hiệu đính lại để đưa vào trang web BuddhaSasana với tựa đề "Căn bản pháp hành thiền". Sư Thiện Minh rất thích bản Việt dịch nầy và đề nghị cho ấn tống để phổ biến tại Việt Nam. Sư bố trí mọi công việc, từ dàn trang, làm bìa, cho đến xin giấy phép xuất bản, đặt nhà in, v.v. với sự trợ giúp của Sư Minh Tấn, em trai của Sư. Tôi chỉ gửi tiền hùn phước để trang trả các chi phí in ấn.

Tập sách mỏng đó được nhiều người đón nhận và đã phân phối đi mọi nơi, kể cả bên Úc. Tiếc rằng hiện nay ngay cả chính tôi cũng không có được bản in nào.

Xem như đây là tập sách đầu tiên của tôi được phổ biến trong dạng sách in tại Việt Nam. Lúc nào tôi cũng nhớ và biết ơn sự nhiệt tình hỗ trợ của Sư trong các công tác Phật sự.

* Ghi thêm: Tập sách đã được hiệu đính và bổ sung các bài viết khác về hành thiền. Tái bản ấn tống vào tháng 11, năm 2018. Phiên bản online (pdf):

=> https://tinyurl.com/2dj4x66w

*



Friday 8 July 2022

Chỉ là một hạt cát

Nhận được một hình từ một trang Facebook nào đó, chụp tấm bảng: “NO MATTER HOW GOOD YOU ARE, YOU CAN ALWAYS BE REPLACED” – Cho dù bạn tài giỏi đến đâu đi nữa, bạn vẫn có thể được thay thế. Rồi tôi nhớ đến một câu châm ngôn tôi nghe một bạn đồng nghiệp nói ra khi còn làm việc, mà tôi luôn ghi nhớ trong lòng: “NO ONE IS INDISPENSABLE” – Không ai là người không thể thay thế. Có nghĩa là đừng cho mình là một nhân vật quan trọng không thể thay thế trong bất cứ hoàn cảnh nào, từ đời sống trong gia đình cho đến sinh hoạt trong nhóm bạn bè, trong công ăn việc làm, trong một tổ chức, trong một giáo hội, v.v. – nói chung là trong bất kỳ một tập thể xã hội nào.

Một câu tương đương trong dân gian là: “Có mợ thì chợ cũng đông, không mợ thì chợ cũng không vắng người”.

Ngay cả trong Internet và các mạng xã hội cũng thế. Viết ra để chia sẻ cho vui thôi. Đừng cho rằng các đóng góp, các ý tưởng của mình là quan trọng. Một ngày nào đó, hết hứng thú thì đóng cửa, dẹp tiệm. Rồi cũng còn cả triệu trang web, trang blog, trang Facebook khác với nhiều ý tưởng bổ ích, thú vị, rất đáng học hỏi. Đúng sai, phải trái, khen chê rồi cũng thế thôi. Chỉ vài động tác nhấn nút bàn phím là xóa tất cả, không còn để lại gì nữa.

Chẳng có gì là quan trọng, và phải luôn luôn ghi nhớ mình chỉ là một hạt cát nhỏ bé trong bãi sa mạc rộng mênh mông của vũ trụ nầy.

*



Wednesday 6 July 2022

Kỷ niệm của tôi với ngài Hòa thượng THÍCH MINH CHÂU (1918-2012)

 Kỷ niệm của tôi với ngài Hòa thượng THÍCH MINH CHÂU (1918-2012)

Khi còn học trung học, tôi thường đi bộ cùng với má tôi và em gái đến chùa Xá Lợi (Q.3, Sài Gòn) vì nhà chúng tôi ở gần đó. Chùa có hai tầng: tầng trên là chánh điện, tầng dưới là giảng đường. Một đêm rằm nọ, chúng tôi đến chùa, đứng ngoài nhìn vào, tôi thấy có một buổi giảng cho người lớn, diễn giả là một vị tu sĩ quấn y vàng. Không biết là ai, nhưng trong lòng tôi có một niềm kính trọng và hoan hỷ. Đó là hình ảnh đầu tiên của tôi về ngài Hòa thượng Thích Minh Châu.

Về sau, khi vào học đại học, dù khác trường, thỉnh thoảng tôi đến Đại học Vạn Hạnh -- gần cầu Trương Minh Giảng (nay đổi tên là Lê Văn Sĩ) -- để gặp các bạn học cũ, tôi lại thấy vị tu sĩ áo vàng đó, và bạn tôi cho biết đó là ngài Hòa thượng Thích Minh Châu, Viện trưởng Đại học Vạn Hạnh.

Mãi đến khi sang Úc, tôi có cơ duyên gần gủi các bạn Phật tử và Tăng Ni trong truyền thống Theravada, tôi bắt đầu tu học và tìm hiểu kinh điển trong truyền thống nầy. Từ đó, tôi mới biết Hòa thượng là dịch giả các bộ kinh Nikāya sang tiếng Việt.

Đến năm 1992, lần đầu tiên trở về VN sau nhiều năm xa cách, tôi nhờ em gái tôi đưa đến Thiền viện Vạn Hạnh, đường Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận. Hôm đó, Hòa thượng đi vắng, nhưng tôi thỉnh được Trường Bộ và Trung Bộ vừa in ra, bìa cứng, đóng hộp, tôi vẫn còn giữ cho đến bây giờ. Trong những năm tiếp theo, bằng cách nầy hay cách khác, tôi tiếp tục thỉnh Tương Ưng Bộ, Tăng Chi Bộ và Tiểu Bộ. Xem như đầy đủ các bộ Nikāya do Hòa thượng dịch. Từ đó đến nay, tôi thường xuyên tham khảo các bản dịch đó.

Từ năm 2001, tôi về VN mỗi năm, viếng thăm các chùa Nam tông, và nhờ đó, thỉnh được bản Trường Bộ và Trung Bộ in trước năm 1975, song ngữ Pali-Việt với nhiều chú thích rất giá trị. Trong các chuyến đi nầy, tôi đều đến quầy sách ở Thiền viện Vạn Hạnh, và các tiệm sách PG khác ở Sài Gòn, tìm mua các sách của Hòa thượng: Phật pháp, Đường về xứ Phật, Những ngày và những lời dạy cuối cùng của Đức Phật, Đại thừa và sự liên hệ với Tiểu thừa (dịch), Sách dạy Pali, Chữ Hiếu trong đạo Phật, Hành thiền, Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, Chánh pháp và hạnh phúc, Đức Phật của chúng ta ... và những cuốn song ngữ Anh Việt: Thắng pháp tập yếu luận (Abhidhammattha-sangaha, dịch từ bản tiếng Anh của Hòa thượng Narada), Hsuan T'sang - The Pilgrim and Scholar (Huyền Trang, nhà chiêm bái và học giả), Fa-Hsien - The Unassuming Pilgrim (Pháp Hiển, nhà chiêm bái khiêm tốn), Milinda-panha and Nagasena-bhikhu sutra - A comparative study (Nghiên cứu đối chiếu Kinh Milinda vấn đạo chữ Pali và Kinh Na-tiên Tỷ kheo chữ Hán), The Chinese Madhyam-agama and The Pali Majjhima Nikaya (So sánh kinh Trung A-hàm chữ Hán & kinh Trung bộ chữ Pali - Luận án tiến sĩ).

Năm 2004 tôi đến thăm Hòa thượng, lúc đó đã yếu, ngồi xe lăn, ở tầng trên cùng của Thiền viện Vạn Hạnh. Tôi cúng dường đĩa CD Phật Học, và báo đến ngài rằng toàn bộ bản dịch Nikāya của ngài đã được đưa vào Internet và đĩa CD để phổ biến khắp nơi. Có lẽ ngài nghe hiểu, nên tôi thấy ngài mỉm cười. Đó là lần cuối cùng tôi gặp ngài.

Ngài Hòa thượng cũng được nhiều người trong cộng đồng Phật giáo thế giới biết đến. Một lần nọ, tôi nhận được một email từ ngài Bhikkhu Bodhi -- tăng sĩ người Mỹ, học giả Phật học nổi tiếng và là dịch giả Trung bộ, Tăng chi bộ và Tương ưng bộ sang tiếng Anh. Bhikkhu Bodhi cho biết được tin Hòa thượng Minh Châu lâm bệnh nặng, ngài nhờ tôi chuyển thư của ngài đến vấn an sức khỏe Hòa thượng. Bhikkhu Bodhi còn cho biết khi ngài còn là một sa-di Bắc tông tại Mỹ, ngài có gặp Hòa thượng Minh Châu, và Hòa thượng khuyên ngài nên sang Sri Lanka, học và nghiên cứu kinh điển Pāli. Theo lời khuyên ấy, Bhikkhu Bodhi sang Sri Lanka, thọ giới trong truyền thống Theravada, và tu học, làm việc tại đó trong 30 năm. Vì thế, ngài lúc nào cũng nhớ và ghi ân về lời khuyên của Hòa thượng.

Quyển luận án tiến sĩ của ngài Hòa thượng được in thành sách, tái bản nhiều lần, được nhiều học giả dùng làm tài liệu tham khảo, và ngài Hòa thượng được xem như là người tiên phong, giới thiệu giá trị bộ A-hàm của Hán tạng đến giới học giả phương Tây. Gần đây, Bhikkhu Anālayo, tăng sĩ Đức, là một học giả có nhiều nghiên cứu so sánh các kinh điển nguyên thủy trong Pāli tạng và Hán tạng, đã viết một bài tham luận có tựa đề “The Chinese Madhyam-āgama and The Pāli Majjhima Nikāya - In the Footsteps of Thich Minh Chau” (Trung A-hàm chữ Hán & Trung Bộ chữ Pali - Đi theo bước chân của Thích Minh Châu).

-------------

Ghi thêm:

Ngài HT Minh Châu có liên hệ họ hàng với Thi hào Nguyễn Du, tóm tắt như sau:

1) Ông Đinh Văn Phác (1790 - 1833), đỗ Tiến sĩ đời vua Minh Mạng, có vợ là bà Nguyễn Thị Tiềm, là con gái Thi hào NGUYỄN DU.

2) Cháu nội của ông Đinh Văn Phác là ông Đinh Văn Chất (1847 -1887), đỗ Tiến sĩ đời vua Tự Đức.

4) Con của ông Đinh Văn Chất là ông Đinh Văn Chấp (1882 - 1953), đỗ Tiến sĩ (Hoàng Giáp) đời vua Duy Tân.

5) Con của ông Đinh Văn Chấp là ông ĐINH VĂN NAM tức Trưởng lão Hòa thượng THÍCH MINH CHÂU (1918 - 2012) đỗ Tiến sĩ Phật học tại Ấn Độ.

*


Tuesday 5 July 2022

Ba sách Phật giáo căn bản

 Ba sách Phật giáo căn bản.

Hôm nay đi bơi. Khi thả nổi thân thể thư giãn trên mặt hồ, bỗng nhiên nghĩ đến các sách căn bản để tu học. Không phải có ý khoe khoang, nhưng thành thật mà nói, tôi nghĩ chỉ cần đọc đi đọc lại và suy ngẫm về ba cuốn sách này là tạm đủ hành trang lên đường. 

Những ai tò mò -- hoặc các nhà học giả, nghiên cứu sinh, thích tìm hiểu, nghiên cứu sâu rộng về những lĩnh vực khác trong đạo Phật thì có thể tìm đọc, tham khảo thêm các tài liệu sách vở kinh điển khác.

Có thể tải các bản PDF về máy để đọc:

1) Phật Pháp Vấn Đáp (2019):
https://tinyurl.com/4n9jz56j 
https://mega.nz/file/yo41karJ#IvnIfRzvhvq8vJqqzS7yqd9Pb9Vw8TcD46H0BdshHgA

2) Căn Bản Hành Thiền (2018):
https://tinyurl.com/2dj4x66w 
https://mega.nz/file/KxgHWYiA#8wVKEuTvZlw8CUc2o8aFjBX96g2nux7ISq6Uvo--c4c

3) Những Lời Phật Dạy (2016, 2023):
https://tinyurl.com/ju2p7k4p
https://mega.nz/file/fsoFELAD#7jZsv20MWDgiAEojglqfWFu7fRu3RJRiga43GAwFbtI

*