Wednesday 23 January 2019

Hình tượng Đức Phật - Kỷ niệm

Trong hơn 40 năm qua, gia đình chúng tôi được quý Tăng Ni và bạn đạo thương mến, tặng cho nhiều tượng Phật với những hình dạng và kích thước khác nhau. Một số chúng tôi giữ để tôn thờ tại phòng thờ phượng và hành thiền chung cho gia đình, một số chúng tôi tặng lại cho các bạn Phật tử khác. Tôi cũng giữ lại bốn hình tượng như trong ảnh nầy, tôn trí trên kệ trong phòng riêng để tri ân và để nhắc nhở mình phải cố gắng tiếp tục tu học.

Tấm hình đen trắng có lẽ quen thuộc với các bạn Phật tử bốn phương. Hình do bác Phạm Kim Khánh chụp một tượng mẫu để tôn tạo tượng Phật ở Thích-ca Phật Đài, Vũng Tàu, trong thập niên 1960. Hình nầy được chùa Đức Viên ở Đức in lại và gửi cho các Phật tử ở hải ngoại trong cuối thập niên 1970. Một anh bạn ở Perth tặng cho tôi để thờ trong những ngày đầu tiên khi chúng tôi đến định cư tại đây. Tôi trân quý kỷ niệm đó và gìn giữ cho đến ngày nay, đã hơn 40 năm.

Tượng Đức Phật với thủ ấn xúc địa hay chiến thắng ma vương là do một vị cao tăng ở chùa Cẩm Thạch (Wat Benchamabophitr), Bangkok, tặng trong chuyến chúng tôi đi viếng thăm các chùa ở Thái Lan vào đầu thập niên 1980.

Tấm ảnh bên phải là hình tượng Phật tại chánh điện Trung tâm Phật giáo Dhammāloka, Tây Úc. Ảnh và khung ảnh là quà sinh nhật của Hòa thượng Giác Toàn (hệ phái Khất Sĩ) tặng cho tôi khi ngài Hòa thượng sang Perth dưỡng bệnh trong ba tháng. Nhân dịp sinh nhật, chúng tôi thỉnh ngài và bạn đạo đến nhà dùng cơm trưa, và Hòa thượng đã nhờ một chị Phật tử chụp và gắn vào khung ảnh để làm quà cho tôi.

Tượng Phật nhỏ với bánh xe Pháp là của Hòa thượng trụ trì chùa Sri Devram Maha Viharaya, Pannipitiya, Sri Lanka, tặng khi tôi đến thăm ngài và viếng chùa vào năm 2006.

Tôi rất quý các kỷ vật nầy, từ những vị tôn túc của các hệ phái Nam tông, Bắc tông, Khất sĩ ở các quốc độ khác nhau – Đức, Úc, Thái Lan, Sri Lanka, Việt Nam. Qua một góc nhìn, đối với riêng tôi, đây là biểu tượng của sự hòa hợp trong đạo Phật.

* * *

Friday 11 January 2019

Lúc nào, giúp ai, phải làm gì?

Lúc nào, giúp ai, phải làm gì?

Hôm nay, nhân đọc vài câu trích dẫn của một bạn đạo trên Facebook về việc giúp đỡ người khác, tôi chợt nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn “Ba câu hỏi của nhà vua” của văn hào Lev Tolstoy. Lần đầu tiên tôi biết được câu chuyện nầy là đọc trong tập sách “Phép lạ của sự tỉnh thức” của Thầy Nhất Hạnh hơn 40 năm trước. Xin trích ra chia sẻ ở đây.

Tóm tắt.
Hỏi:
1) Làm sao để biết được khi nào là thời gian thuận lợi nhất cho mỗi công việc?
2) Làm sao để biết được ai là người quan trọng nhất mà ta phải chú trọng?
3) Làm sao để biết được công việc nào là công việc cần thiết nhất mà ta phải thực hiện?

Trả lời:
1) Thời gian quan trọng nhất là bây giờ. Thời điểm hiện tại là thời điểm duy nhất mà ta có thể làm chủ được.
2) Người quan trọng nhất là người đang sống bên ta.
3) Công việc quan trọng nhất là công việc làm cho người sống bên ta hạnh phúc.

* * *

BA CÂU TRẢ LỜI MẦU NHIỆM
Thích Nhất Hạnh, “Phép lạ của sự tỉnh thức” (1975)

… Để kết thúc thư này, tôi xin kể tặng Thiều và các bạn một câu chuyện mà văn hào Lev Tolstoy đã kể và tôi tin là Thiều và các bạn trong trường sẽ thích lắm. Đó là câu chuyện “Ba câu hỏi khó của nhà vua”.

Nhà vua ấy Tolstoy không biết tên. Một hôm vua nghĩ rằng: “Giá mà vua trả lời được ba câu hỏi thì vua sẽ không bao giờ bị thất bại trong bất cứ công việc nào. Ba câu hỏi ấy là:

1/ Làm sao để biết được thời gian nào là thời gian thuận lợi nhất cho mỗi công việc?
2/ Làm sao để biết được nhân vật nào là nhân vật quan trọng nhất mà ta phải chú trọng?
3/ Làm sao để biết được công việc nào là công việc cần thiết nhất mà ta phải thực hiện?”

Nghĩ thế vua liền ban chiếu ra khắp trong bàn dân thiên hạ, hứa rằng sẽ ban thưởng trọng hậu cho kẻ nào trả lời được ba câu hỏi đó. Các bậc hiền thần đọc chiếu liền tìm đến kinh đô. Nhưng mỗi người lại dâng lên vua một câu trả lời khác nhau.

Về câu hỏi thứ nhất, có người trả lời rằng: Muốn biết thời gian nào là thời gian thuận lợi nhất cho mỗi công việc thì phải làm thời biểu cho đàng hoàng. Có ngày, giờ, năm, tháng và phải thi hành cho thật đúng thời biểu ấy, như vậy mới mong công việc làm đúng lúc. Kẻ khác thì lại nói không thể nào dự tính trước được những gì phải làm và thời gian để làm những việc ấy. Rằng ta không nên ham vui mà nên chú ý đến mọi sự khi chúng xảy tới để có làm bất cứ gì xét ra cần thiết. Có kẻ lại nói rằng dù vua có chú ý tình hình mấy đi chăng nữa thì một mình vua cũng không đủ để định đoạt thời gian làm việc một cách sáng suốt. Do đó nhà vua phải thành lập một hội đồng nhân sĩ và hành động theo lời khuyến cáo của họ. Lại có kẻ nói rằng có những công việc cần phải quyết định tức khắc không thể nào có thì giờ tham khảo xem đã đến lúc phải làm hay chưa đến lúc phải làm. Mà muốn lấy thời điểm cho đúng thì phải biết trước những gì sẽ xảy ra, do đó nhà vua phải cần đến những nhà cố vấn tiên tri và bốc phệ.

Về câu hỏi thứ hai cũng có nhiều tấu trình không giống nhau. Có người nói những nhân vật vua cần chú ý nhất là những đại thần và những người trong triều đình. Có người nói là mấy ông giám mục thượng tọa là quan hệ hơn hết. Có người nói là mấy ông tướng lĩnh trong quân đội là quan trọng hơn hết.

Về câu hỏi thứ ba các nhà thức giả cũng trả lời khác nhau. Có người nói khoa học là quan trọng nhất. Có người nói chỉnh trang quân đội là quan trọng nhất, v.v.

Vì các câu trả lời khác nhau cho nên nhà vua không đồng ý với vị nào cả và chẳng ban thưởng cho ai hết. Sau nhiều đêm suy nghĩ vua quyết định chất vấn một ông đạo tu trên núi. Ông đạo này nổi tiếng là người có giác ngộ. Vua muốn tìm lén trên núi gặp ông đạo và hỏi ba câu hỏi kia vì vị đạo sĩ này chưa bao giờ chịu xuống núi và nơi ông ta ở chỉ có những người dân nghèo. Chẳng bao giờ ông chịu tiếp những người quyền quý. Nhà vua cải trang làm thường dân, khi đi đến chân núi vua dặn vệ sĩ đứng chờ ở dưới và một mình vua trong y phục một thường dân trèo lên am của ông đạo.

Nhà vua gặp ông đạo đang cuốc đất trước am. Khi trông thấy người lạ ông đạo gật đầu chào rồi tiếp tục cuốc đất. Ông đạo cuốc đất một cách nặng nhọc bởi ông đạo đã già yếu. Mỗi khi cuốc lên được một tảng đất hoặc lật ngược được tảng đất ra thì ông lại thở hổn hển. Nhà vua tới gần ông đạo và nói: “Tôi tới đây để xin ông đạo trả lời giúp ba câu hỏi: Làm thế nào để biết đúng thì giờ hành động, đừng để cơ hội qua rồi sau phải hối tiếc? Ai là những người quan trọng nhất mà ta phải chú ý tới nhiều hơn cả, và công việc nào quan trọng nhất cần thực hiện trước?”.

Ông đạo lắng nghe nhà vua, nhưng không trả lời. Ông chỉ vỗ vai nhà vua và cuối cùng tiếp tục cuốc đất. Nhà vua nói: “Ông đạo mệt lắm rồi, thôi đưa cuốc cho tôi, tôi cuốc một lát”. Vị đạo sĩ cám ơn, trao cuốc cho vua rồi ngồi xuống đất nghỉ mệt.

Cuốc xong được hai vòng đất thì nhà vua ngừng tay và lập lại câu hỏi. Ông đạo vẫn không trả lời, chỉ đứng dậy và đưa tay ra đòi cuốc, miệng nói: “Bây giờ bác phải nghỉ, đến phiên tôi cuốc”, nhưng nhà vua thay vì trao cuốc lại tiếp tục cúi xuống cuốc đất.

Một giờ rồi hai giờ đồng hồ đi qua, rồi mặt trời bắt đầu khuất sau đỉnh núi. Nhà vua ngừng tay, buông cuốc và nói với ông đạo: “Tôi tới để xin ông đạo trả lời cho mấy câu hỏi, nếu ông đạo không trả lời cho tôi câu nào hết thì xin cho tôi biết để tôi còn về nhà.”

Chợt lúc đó, ông đạo nghe tiếng chân người chạy đâu đây bèn nói với nhà vua: “Bác thử xem có ai chạy lên kìa”, nhà vua ngó ra thì thấy một người có râu dài đang chạy lúp xúp sau mấy bụi cây, hai tay ôm bụng máu chảy ướt đẫm cả hai tay, ông ta cố chạy tới chỗ nhà vua và ngất xỉu giữa đất, nằm im bất dộng, miệng rên rỉ. Vua và ông đạo cởi áo người đó ra thì thấy có một vết đâm sâu nơi bụng. Vua rửa chỗ bị thương thật sạch và xé áo của mình ra băng bó vết thương. Nhưng máu thấm ướt cả áo. Vua giặt áo và đem băng lại vết thương. Cứ như thế cho đến khi máu ngưng chảy. Lúc bấy giờ người bị thương mới tỉnh dậy và đòi uống nước.

Vua chạy đi múc nước suối cho ông ta uống, khi đó mặt trời đã khuất núi và bắt đầu lạnh. Nhờ sự tiếp tay của ông đạo, nhà vua khiêng người bị nạn vào trong am và đặt nằm trên giường của ông đạo. Ông ta nhắm mắt nằm im. Nhà vua cũng mệt quá vì leo núi và cuốc đất cho nên ngồi dựa vào cánh cửa mà ngủ thiếp đi. Vua ngủ ngon cho đến nỗi khi nhà vua thức dậy thì trời đã sáng và phải một lúc lâu sau vua mới nhớ được là mình đang ở đâu và đang làm gì. Vua nhìn về phía giường thì thấy người bị thương cũng đang nhìn mình chòng chọc, hai mắt sáng trưng.

Người đó thấy vua tỉnh giấc rồi và đang nhìn mình thì cất giọng rất yếu: “Xin bệ hạ tha tội cho thần!”, vua đáp: “Ông có làm gì nên tội đâu mà phải tha?”, “Bệ hạ không biết hạ thần nhưng hạ thần biết bệ hạ. Hạ thần là người thù của bệ hạ. Hạ thần đã thề sẽ giết bệ hạ cho bằng được, bởi vì ngày xưa trong chinh chiến bệ hạ đã giết mấy người anh và còn tịch thu gia sản của hạ thần nữa. Hạ thần biết rằng bệ hạ sẽ lên núi này một mình để gặp ông đạo sĩ nên đã mai phục quyết tâm giết bệ hạ trên con đường xuống núi. Nhưng đến tối mà bệ hạ vẫn chưa trở xuống, nên hạ thần đã rời chỗ mai phục mà đi lên núi tìm bệ hạ. Hạ thần lại gặp bọn vệ sĩ. Bọn này nhận mặt được hạ thần cho nên đã xúm lại đâm hạ thần. Hạ thần trốn được, chạy lên đây, nhưng nếu không có bệ hạ thì chắc hạ thần đã chết vì máu ra nhiều quá. Hạ thần quyết tâm hành thích bệ hạ mà bệ hạ lại cứu sống được hạ thần, hạ thần hối hận quá. Giờ đây nếu hạ thần còn sống được thì hạ thần nguyện làm tôi mọi cho bệ hạ suốt đời và hạ thần cũng sẽ bắt các con hạ thần làm như vậy. Xin bệ hạ tha tội cho thần”.

Thấy mình hòa giải được với kẻ thù một cách dễ dàng, nhà vua rất vui mừng. Vua không những hứa tha tội cho người kia mà còn hứa sẽ trả lại gia sản cho ông ta và gởi ngay thầy thuốc cùng quân hầu tới săn sóc cho ông ta lành bệnh.

Sau khi cho vệ sĩ khiêng người bị thương về, nhà vua trở lên tìm ông đạo để chào. Trước khi ra về vua còn lập lại lần cuối ba câu hỏi của vua. Ông đạo đang quỳ gối xuống đất mà gieo những hạt đậu trên những luống đất đã cuốc sẵn hôm qua. Vị đạo sĩ đứng dậy nhìn vua đáp: “Nhưng ba câu hỏi của vua đã được trả lời rồi mà!”. Vua nói: “Trả lời bao giờ, đâu nào?”. Vị đạo sĩ đáp:

“Hôm qua nếu vua không thương hại bần đạo già nua mà ra tay cuốc dùm mấy luống đất này thì khi ra về vua đã bị kẻ kia mai phục hành thích mất rồi và nhà vua sẽ tiếc là đã không ở lại cùng ta. Vì vậy thời gian quan trọng nhất là thời gian vua đang cuốc đất, nhân vật quan trọng nhất là bần đạo đây và công việc quan trọng nhất la công việc giúp bần đạo. Rồi sau đó khi người bị thương nọ chạy lên, thời gian quan trọng nhất là thời gian vua chăm sóc cho ông ta, bởi vì nếu vua không băng vết thương cho ông ta thì ông ta sẽ chết và vua không có dịp hoà giải với ông ấy. Cũng vì thế mà ông ta là nhân vật quan trọng nhất và công việc vua làm để băng bó vết thương là quan trọng nhất. Xin vua hãy nhớ kỹ điều này nhé: Chỉ có một thời gian quan trọng mà thôi, đó là thời gian hiện tại, là giờ phút hiện tại, giờ phút hiện tại quan trọng bởi vì đó là thời gian duy nhất trong đó ta có thể làm chủ được ta. Và nhân vật quan trọng nhất là kẻ đang cụ thể sống với ta, đang đứng trước mặt ta, bởi vì ai biết được mình sẽ đương đầu làm việc với những kẻ nào trong tương lai. Công việc quan trọng nhất là công việc làm cho người đang cụ thể sống bên ta, đang đứng trước mặt ta được hạnh phúc. Bởi vì đó là ý nghĩa chính của đời sống.”

Thiều ơi! Câu chuyện của Lev Tolstoy giống như là một câu chuyện trong kinh Phật và không thua gì một cuốn kinh Phật. Chúng ta nói phụng sự xã hội, phụng sự dân tộc, phụng sự nhân loại… phụng sự những ai và ai ở đâu xa lạ, nhưng nhiều khi ta quên mất rằng chính ta phải sống cho những người thân của ta trước tiên. Nếu Thiều không phụng sự cho Mười và bé Hải Triều Âm sung sướng thì Thiều có thể làm cho ai sung sướng? Nếu các bạn trong đoàn Thanh niên Phụng sự Xã hội không thương được nhau, không giúp đỡ được nhau thì chúng ta giúp đỡ được cho ai? Chúng ta làm việc cho con người hay chúng ta làm việc cho uy tín của một tổ chức?

Danh từ “phụng sự” to tát quá! Phụng sự xã hội. Danh từ “xã hội” to tát quá! Ta hãy trở về với cộng đồng bé nhỏ của ta trước đã. Gia đình ta, đồng sự của ta, bè bạn của ta, đoàn thể của ta… Ta phải sống vì họ. Nếu không sống vì họ được, ta có thể sống vì ai nữa?

Tolstoy là một vị bồ-tát trong câu chuyện trên. Nhà văn hào này thấy được ý nghĩa của cuộc sống và phương thức sống. Làm thế nào để ta sống giờ phút hiện tại, sống ngang với người mà ta chung đụng hàng ngày, làm ngay điều có thể giúp cho họ bớt khổ đau, thêm hạnh phúc. Làm thế nào? Câu trả lời là phải thực tập chánh niệm. Nguyên tắc của Tolstoy nêu ra đó xem là dễ, nhưng muốn thực nghiệm chúng ta phải nhờ những phương pháp quán niệm cụ thể mà ta tìm thấy nơi Đạo Phật.

Thiều ơi! Tôi viết những trang này để cho các bạn sử dụng, có những kẻ viết về những điều mà họ thực sự không biết rõ. Tôi chỉ viết những điều mà tôi đã và đang thực nghiệm. Tôi mong những điều tôi viết có thể giúp em và các bạn một phần nào.

–Thích Nhất Hạnh (1975).

*

Nhạc Việt: Tiếng hát MỸ THỂ (1940-2000), Những buổi chiều vàng.

Nhạc Việt: Tiếng hát MỸ THỂ (1940-2000)
Những buổi chiều vàng.

Đây là một trong những albums khó tìm. Mời tải về nghe để nhớ lại một trong các giọng ca miền Nam trước 1975.

* Tải về dạng nén ZIP, giải nén sẽ được các files audio, dạng MP3 - 320 kbps:

nviet65.zip (140 MB) – Tiếng hát Mỹ Thể, Những buổi chiều vàng
https://mega.nz/#!e05X3CYC!exl53HXN4I-7SUPn71sU3pUNktJCAiImg2o9Runu3sk

Tiểu sử:

Mỹ Thể (1940-2000) tên thật là Công Huyền Tôn Nữ Mỹ Thể. Sinh quán tại Huế (quê nội), thân mẫu của bà có quê Phan Thiết. Ông nội bà là cụ Ưng Đồng, một trong tứ trụ triều đình Huế. Mỹ Thể vào Sài Gòn năm 1958 để theo học các trường Việt Nam Học Đường và Gia Long. Những năm từ 1968 đến 1970 tên tuổi Mỹ Thể bắt đầu nổi bật tại các vũ trường lớn ở Sài Gòn như Queen Bee, Maxim's, Palace và Đêm Màu Hồng.

Mỹ Thể cộng tác với các chương trình ca nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết, bà kết hôn với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Sáng, em ruột của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết. Năm 1980, Mỹ Thể được sum họp với gia đình ở thành phố Lancaster, tiểu bang Pennsylvania. Năm 1989, Mỹ Thể lập gia đình lần thứ hai với Philippe, một người Việt Nam mang quốc tịch Pháp, du học tại Paris từ năm 1956.

Bà giã từ cuộc đời vào ngày 08 tháng 10 năm 2000 tại Paris vì căn bệnh ung thư.

* Nguồn: duongtr46, http://www.hdvietnam.com/threads/my-the-nhung-buoi-chieu-vang-wav.1384947/

*