Sunday 20 December 2020

THƯƠNG YÊU LÀ THÔNG CẢM. Tỳ-khưu Visuddhicara (1993)

 THƯƠNG YÊU LÀ THÔNG CẢM
Tỳ-khưu Visuddhicara (1993)
Bình Anson trích dịch (2005)

*

Khi chúng ta nhận thức được trên thế gian này, nhân loại và các loài chúng sinh khác đều chịu quá nhiều đau khổ, việc tối thiểu mà ta có thể làm được khi còn sống là góp phần vào việc làm giảm bớt nỗi khổ đau ở chung quanh ta.

Có nhiều người phục vụ nhân loại bằng nhiều cách tuyệt vời. Họ đã và đang góp phần thiện nguyện cung cấp dịch vụ an sinh xã hội, trợ giúp người bệnh, người tàn tật, người nghèo đói, người già, người sắp chết và những người đang lâm cảnh khó khăn. Tất cả những bậc khai sáng tôn giáo đều dạy các tín đồ phải làm việc từ thiện. Trong Phật giáo, chúng ta không tin vào một đấng Tạo hóa nhưng chúng ta tin vào lòng tốt và giữ giới không sát hại sinh linh. Chúng ta tin vào luật nghiệp báo nhân quả - làm tốt thì được tốt và làm xấu thì bị xấu. Do đó, chúng ta luôn luôn cố gắng tu tập làm điều thiện lành, tránh các điều bất thiện như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu hoặc dùng các chất say. Chúng ta tu tập để đạt tới mức độ mình làm việc thiện là vì đó là việc thiện, chứ không phải vì sợ bị đọa xuống địa ngục hoặc vì muốn được ân thưởng về sau. Chúng ta làm tốt vì ta vui thích làm tốt, và tự nhiên ta có khuynh hướng làm tốt. Nói cách khác, chúng ta không còn biết làm gì hơn là làm thiện, làm tốt. Thiện và ta là một.

Đức Phật dạy hàng đệ tử phải có lòng từ thiện và quan tâm đến người khác. Khi dạy về lòng bố thí, Ngài nói bất cứ một nỗ lực nhỏ nào cũng quý. Ngay cả ném vụn bánh mì xuống nước để cho cá ăn cũng được Đức Phật khen ngợi. Một lần nọ, khi vài Tỳ-khưu không chăm sóc một vị Tỳ-khưu đang bị bệnh kiết lỵ, Đức Phật đã tự tay tắm rửa cho vị Tỳ-khưu đó và khiển trách các vị kia, nói rằng: "Ai chăm sóc người bệnh, người ấy chăm sóc Như Lai" (Mahavagga VIII 26.1-8). Đức Phật khuyến khích các bậc vua chúa nên cai trị xứ sở với lòng từ ái. Ngài khuyên họ nên diệt trừ nạn nghèo đói, vì đó là nguyên nhân sinh ra trộm cướp và các tội ác khác. Vốn là một người yêu chuộng hòa bình, Đức Phật đã từng đứng ra can gián khi hai bộ tộc có ý định gây chiến chỉ vì tranh giành một khúc sông. Đức Phật hỏi: "Cái gì quan trọng hơn - nước sông hay máu người đổ xuống vì chiến tranh?". Hai bộ tộc nhận ra sự phi lý của cuộc tranh chấp và quyết định rút quân, không đánh nhau nữa.

Một trong những vị vua nhân từ nhất, chịu ảnh hưởng giáo pháp của Đức Phật, là vua A Dục, trị vì Ấn độ vào thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, khoảng 200 năm sau khi Đức Phật nhập diệt. Nổi tiếng về lòng nhân đạo, vua A Dục còn có lòng rộng rãi từ tâm đến cả loài thú. Ngài gửi các y sĩ đến chữa bệnh cho cả người lẫn thú. Ngài xây nhà nghỉ cho khách lữ hành, và dưỡng đường cho người nghèo và người bệnh. Mặc dù là một Phật tử thuần thành, vua A Dục cũng cho phép dân chúng được tin theo bất cứ đạo giáo nào và hỗ trợ sự sinh hoạt của mọi giáo phái. Vua A Dục xem vai trò của mình là một người lãnh đạo nhân từ, lúc nào cũng mong người dân được thịnh vượng và hạnh phúc.

Chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta theo lời Phật dạy, ta sẽ có những hành động tương tự như vua A Dục để làm giảm thiểu sự đau khổ, mở rộng hòa bình và hạnh phúc. Chính Đức Phật là một tấm gương tốt đẹp nhất để chúng ta noi theo, vì Ngài đã dành trọn cuộc đời của mình để dạy cho mọi người thấy được con đường thoát khổ. Ngài không những chỉ muốn làm giảm khổ mà Ngài còn chỉ dạy con đường đưa đến diệt khổ một cách rốt ráo. Sau khi chứng ngộ, Ngài dùng trọn 45 năm còn lại của đời mình để dạy chúng ta cách thức diệt khổ. Ngài dạy con đường tỉnh giác.

Đức Phật nhận ra rằng chỉ bằng cách tu tập thật rốt ráo thì người ta mới có thể diệt khổ. Mặc dù việc săn sóc người đau ốm, chữa lành bệnh tật, cung cấp thực phẩm và giúp đỡ vật chất cho người bần hàn là một phần của việc cứu khổ, nhưng đó chỉ là chữa những triệu chứng. Đức Phật muốn tìm một sự chữa trị dứt hoàn toàn cơn bệnh khổ. Do đó, Ngài suy nghiệm toàn bộ vấn đề sinh và tử. Để giải quyết vấn đề ở tận gốc rễ của nó, Ngài thấy chúng ta cần phải hay đổi tâm thức một cách rốt ráo. Sự đau khổ chủ yếu là do nơi tâm. Khi một người bị đau đớn về thể xác, người đó thường phản ứng bằng sự buồn rầu, sợ hãi và chán nản. Nhưng Đức Phật nói nếu là một người biết hành thiền thì người đó có thể chịu đuợc cơn đau thể xác mà không bị đau về tinh thần. "Thân có đau, nhưng đừng để tâm đau theo", Ngài dạy như thế. Nói cách khác, người ấy không phản ứng với cơn đau bằng sự buồn rầu, lo âu, chán nản, oán ghét, sân hận, v.v. Ngược lại, người ấy phản ứng với một tâm an định và bình thản. Người ấy vẫn vui vẻ và còn có thể an ủi khuyến khích những người khác nữa.

Vấn đề chủ yếu là do ở Tâm. Nếu chúng ta loại trừ được tham, sân, si ra khỏi tâm thức mình, chúng ta có thể hoàn toàn chế ngự và tiêu diệt được sự khổ não về tinh thần, như băn khoăn và lo lắng, sầu não và than van. Ta phải thừa nhận rằng đau đớn thể chất là điều không thể tránh khỏi khi ta còn hiện hữu với cái thân xác này. Tất cả chúng ta đều biết sự thật là không ai có thể thoát khỏi già lão, bệnh hoạn, tử vong. Nhưng Đức Phật nói một khi tâm chúng ta được thanh tịnh, không còn mọi bợn nhơ của tham, sân, si, thì cơn đau thể xác không còn làm ta sợ hãi nữa. Không gì lay chuyển ta được nữa. Không gì làm ta tức bực được nữa, dù đó là cơn đau đớn kịch liệt của những loại bệnh nan y. Tâm ta có thể vẫn giữ điềm nhiên. Vì vậy, có lần ngài Anuruddha (A-nậu-lâu-đà), một vị đại đệ tử của Đức Phật, được hỏi là làm sao ngài có thể giữ sự an nhiên khi bị bệnh nặng, ngài trả lời rằng đó là vì ngài đã làm chủ được tâm của mình qua việc hành thiền giác niệm do Đức Phật dạy.

Ngoài ra, Đức Phật cũng dạy là nếu người nào đã đạt đến mức độ diệt được tham, sân, si, thì sẽ không còn phải tái sinh nữa. Khi người ấy chết, đó là kiếp cuối của bậc thánh A-la-hán. Người ấy đã đạt đến trạng thái Niết Bàn an lạc, vô sinh. Vì không còn tái sinh, người ấy không còn phải trải qua cảnh lão, bệnh, tử. Đức Phật nói, đó mới là diệt khổ.

GIẢM THIỂU PHIỀN KHỔ

Trên con đường nỗ lực tinh tấn chấm dứt hoàn toàn sự khổ, chúng ta nên giúp cứu khổ bằng mọi cách trong khả năng của mình. Thế gian này không thiếu gì những cảnh khổ ải. Con người gánh chịu khổ não qua nhiều cách khác nhau. Khi đọc tin tức trên báo chí, ta thấy cái khổ ở mọi nơi. Người ta cãi nhau, đánh nhau, giết nhau, cướp bóc, dối trá, lừa đảo, và gây khổ cho nhau bằng đủ mọi cách. Chúng ta làm khổ cho nhau, do sự mê muội của chúng ta. Ngoài ra, còn biết bao thiên tai, tai nạn, rủi ro, đói khát, bệnh tật. Và cảnh lão, bệnh, tử luôn luôn theo sát chúng ta từng bước.

Thực thế, thế gian này tràn đầy khổ ải. Tại sao chúng ta lại đổ thêm khổ ải vào đó? Tại sao chúng ta không chịu dấn thân, giúp làm giảm bớt khổ ải? Ngay cả nếu không làm được nhiều, chúng ta cũng có thể làm được chút ít. Mọi nỗ lực, dù lớn dù nhỏ, đều tốt cả. Như là có người đã nói: "Không có sự sai lầm nào lớn hơn sự sai lầm là mình không chịu làm gì cả bởi vì nghĩ rằng mình chỉ có thể làm được quá ít". Mỗi chúng ta đều có thể làm được một chút ít gì đó, tùy theo hoàn cảnh và khả năng của mình. Trước hết, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách ăn ở, cư xử tử tế hơn. Chúng ta có thể kiểm soát cơn giận của chúng ta. Mỗi khi giận dữ, chúng ta gây khổ não cho chính mình và người khác. Nhưng nếu chúng ta kiểm soát được sự giận dữ và nuôi dưỡng lòng bao dung và nhẫn nại, tình thương và từ tâm, chúng ta trở thành những người tử tế hơn, và điều đó sẽ giúp mang niềm vui và hạnh phúc đến cho người khác.

Nói cách khác, chúng ta bắt đầu bằng cách thanh tịnh tâm, trừ khử mầm mống bất thiện và tiêu cực của tham, sân, si. Dựa vào khả năng kiểm soát được các trạng thái bất thiện này, chúng ta phát triển tình thương và tâm từ. Chúng ta trở nên tử tế hơn trong quan hệ với những người chung quanh. Chúng ta nói chuyện một cách thương yêu và dịu dàng hơn, và tránh những lời cộc cằn lỗ mãng, châm biếm mỉa mai. Chúng ta trở nên quan tâm nhiều hơn về sự an vui của người khác. Nếu chỉ biết lo cho chính quyền lợi của mình thì chúng ta sẽ không thể mở rộng lòng thương yêu. Muốn có tình thương yêu, chúng ta phải biết quan tâm đến người khác, chứ không phải chỉ riêng có bản thân mình. Vì vậy, chúng ta phải tự hỏi, mình có thương yêu đủ chưa? Mình có quan tâm đủ chưa? Nếu chưa, thì chúng ta chưa thể làm gì để giảm bớt sự khổ. Bởi chính từ tình thương yêu thật sự mà chúng ta mới có những hành động cụ thể.

Mỗi người chúng ta đóng góp theo cách riêng của mình, theo bất cứ cách thức nào mà mình biết. Chẳng hạn, chúng ta có thể đóng góp bằng cách chia sẻ kiến thức về Phật Pháp mà mình biết, cho dù sự hiểu biết của mình còn rất hạn chế. Ta có thể khuyến khích mọi người hành thiền và hướng dẫn họ chút ít trên đường tu học. Ta có thể kêu gọi mọi người thương yêu, quan tâm đến nhau hơn, tử tế và kiên nhẫn với nhau hơn, v.v. Dĩ nhiên chúng ta không hoàn toàn, và có những lúc, chúng ta không làm tròn vai trò của mình. Có câu tục ngữ nói rất đúng, rằng: "Nói thì dễ, nhưng làm được lời mình nói thì rất khó". Vì vậy, ta cũng nên là người đầu tiên đứng ra nhìn nhận những nhược điểm của mình và chấp nhận sửa sai. Chúng ta thường có tác ý tốt và không có ý định hại ai. Nhưng do sự sơ hở, kiêu căng, thiếu hiểu biết, thiếu nhẫn nại, thiếu bao dung, v.v., chúng ta có thể làm khổ phiền người khác, cho dù chúng ta có ý định tốt. Nhưng một người có tâm hồn cao thượng sẽ thông cảm và tha thứ cho ta. Khả năng tha thứ là một đức tính tuyệt vời, vì vậy mới có câu: "Lầm lỗi là người, tha thứ là thánh".

Bạn cứ sẵn sàng cống hiến, đóng góp, bố thí, và chỉ có bạn mới biết cách nào mình có thể đóng góp hay nhất, tốt nhất. Mỗi người chúng ta đều có sở trường, tài nghệ và năng khiếu khác nhau. Điều kiện và hoàn cảnh mỗi người một khác, cho nên chúng ta đóng góp theo cách thức riêng của mình, tùy theo điều kiện và căn duyên của mình. Điều quan trọng là ta có cố gắng, ta làm theo khả năng của mình. Bất cứ một đóng góp nhỏ nhặt nào cũng tốt, và sau một thời gian thì ta sẽ nhận ra rằng mình đã làm được khá nhiều việc. Và đó là dịp để ta hoan hỉ. Dĩ nhiên điều đó không có nghĩa là ta nên ngừng nghỉ trên sự hoan hỉ đó. Còn rất nhiều việc phải làm, cho nên ta phải tiếp tục nỗ lực, tiếp tục tinh tấn thêm.

THƯƠNG YÊU LÀ THÔNG CẢM

Muốn chết lành, chúng ta phải sống tốt. Nếu đã sống tốt thì chúng ta có thể chết lành, không hối tiếc. Chúng ta ra đi bình an, hài lòng rằng mình đã làm tất cả những gì mình có thể làm được, rằng trong đời mình đã chia sẻ sự cảm thông và hạnh phúc, rằng mình đã sống theo những nguyên tắc của mình dựa trên tình yêu thương của tâm từ.

Thương yêu là thông cảm. Tình thương yêu không phán xét hay lên án. Tình thương yêu lắng nghe và thông hiểu. Tình thương yêu quan tâm và có thiện cảm. Tình thương yêu chấp nhận và tha thứ. Tình thương yêu không có ranh giới. Tình thương yêu không phân biệt, không nói: Tôi theo Nam tông, anh theo Bắc tông hoặc Mật tông. Tình thương yêu không nói: Tôi theo Phật giáo còn anh theo Thiên chúa giáo, Hồi giáo, hoặc Ấn độ giáo. Hoặc tôi là người Hoa, chị là người Mã lai, ông kia là người Ấn, bà nọ là người Âu. Hoặc tôi là người Đông phương, còn anh là người Tây phương; hoặc tôi là người Mã lai, anh là người Nhật, chị là người Mỹ, người Miến, người Thái, v.v.

Tình thương yêu vượt qua mọi rào cản. Tình thương yêu thấy và cảm nhận được chúng ta đều cùng một giống, đó là nhân loại. Nước mắt chúng ta đều như nhau, chúng đều mặn, và máu chúng ta đều đỏ. Khi đã có tình thương yêu và từ tâm, chúng ta có thể thông cảm với người khác. Chúng ta thấy rằng mình cùng đi trên một con thuyền trong cơn sóng gió biển cả cuộc đời. Chúng ta là bạn khổ đồng hành trong biển trầm luân, cái vòng sinh tử luân hồi trong cõi Ta-bà. Chúng ta là anh chị em lẫn nhau qua nhiều đời, nhiều kiếp.

Một khi chúng ta đã thấy và cảm nhận điều này, mọi rào cản về chủng tộc, tôn giáo, văn hóa, phong tục tập quán, v.v. sẽ sụp đổ. Chúng ta mở rộng cánh tay với trái tim yêu thương thuần tịnh. Chúng ta hiểu và cảm nhận được cái khổ của người khác. Tâm từ bao trùm thân ta. Trong lời nói hoặc hành động của chúng ta, người khác cảm nhận được tình thương yêu và tâm từ này. Nó làm an dịu và chữa lành khổ ải của mọi người. Nó góp phần vào nền hòa bình và sự cảm thông trên thế giới.

CHUYỆN CON BỌ CẠP

Tình thương yêu đi đôi với tâm từ. Khi có được một trái tim thương yêu, tâm từ sẽ nổi lên dễ dàng trong ta. Mỗi lần thấy một người chịu khổ, ta tự cảm thấy mình cần phải làm điều gì đó để giúp giảm sự khổ cho người ấy. Tâm từ tạo ra một đức tính muốn loại trừ hết mọi sự khổ. Chúng ta có thể nhận ra ngay điều đó, khi ta có hành động tức thời để chấm dứt hoặc giảm bớt nỗi khổ của một người nào.

Câu chuyện sau đây sẽ giúp hiểu rõ hơn: Một người nọ thấy con bọ cạp sắp chết đuối trong một vũng nước. Tự nhiên muốn cứu giúp nó, ông ta nhanh nhẹn đưa tay ra vớt con bọ cạp khỏi vũng nước, đặt nó xuống chỗ khô ráo. Con bọ cạp liền chích ông ta. Vì muốn qua đường, nó đi tiếp và lại lọt vào vũng nước. Thấy nó sắp chết đuối, người đàn ông vớt nó lên lần thứ hai và lại bị nó chích nữa. Một người khác bên đường thấy vậy bèn nói: "Tại sao ông dại quá vậy? Bây giờ ông bị chích chẳng những một lần mà đến hai lần! Thật là điên rồ khi phải cứu vớt một con bọ cạp!" Người đàn ông trả lời: "Thưa ông, tôi không thể không làm được. Ông thấy không, bản tính của con bọ cạp là chích. Còn bản tính của tôi là cứu. Tôi không thể làm gì khác hơn là cứu con bọ cạp."

Người đàn ông nọ có lẽ nên dùng trí khôn và lấy một que cây để vớt con bọ cạp. Nhưng có thể ông ta nghĩ rằng mình có thể vớt nó bằng tay với một cách nào đó để khỏi bị chích. Hoặc ông ta có thể nghĩ rằng một con bọ cạp trong cơn hoạn nạn như vậy sẽ không chích mình. Trong bất cứ trường hợp nào, bài học của câu chuyện này là phản ứng tức thời của người đàn ông muốn cứu một sinh mạng khác, dù đó chỉ là một loại côn trùng. Nó cũng cho thấy người này có tâm từ cao quý đến độ cho dù mình chỉ nhận sự vô ơn của người mình giúp, điều đó cũng không sao. Đức tính của ông ta là lòng giúp đỡ, và nếu phải giúp nữa thì ông cũng làm. Ông ta không biết ghi giữ trong lòng một sự cay đắng thù hận nào.

Do đó, lòng từ ái là ngôn ngữ của con tim. Khi có được tình thương yêu và lòng từ ái thúc đẩy, chúng ta sẵn sàng giúp đỡ người khác, bất kể màu da, tôn giáo, quốc tịch. Khi đã có từ tâm thì việc xác định màu da, tín ngưỡng v.v. trở thành thứ yếu, không còn quan trọng nữa.

Nếu cố gắng nuôi dưỡng loại tình thương yêu và từ tâm như vậy, khi đến lúc chết, chúng ta sẽ ra đi một cách bình an, thanh thản. Ngay cả nếu chưa thành công một trăm phần trăm trong nỗ lực thương yêu toàn hảo, chúng ta vẫn có thể vui sướng và hài lòng là mình đã cố gắng hết sức. Và chắc chắn là chúng ta đã thành công trong một mức độ nào đó.

NGŨ GIỚI

Nếu chúng ta đã cố gắng nuôi dưỡng loại tình thương yêu như vậy, thì việc giữ năm giới sẽ không phải là quá khó. Khi giữ trọn vẹn năm giới này - không sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu hoặc dùng các chất say - ta mang hạnh phúc và sự an toàn đến người khác. Bằng cách nào? Là vì không ai phải lo sợ về chúng ta. Họ không phải sợ hãi, e ngại; trái lại, họ cảm thấy rất an toàn và thoải mái khi gần gũi chúng ta. Họ cảm thấy an tâm là chúng ta không làm hại họ, cướp của, hoặc lừa dối họ. Chúng ta không dan díu với vợ hay chồng của họ. Chúng ta không nói dối với họ. Hơn nữa, nếu chúng ta không uống rượu, họ không phải lo lắng về chuyện con cái họ có thể bắt chước thói uống rượu của chúng ta. Họ cảm thấy có thể tin tưởng chúng ta vì chúng ta không uống rượu say sưa. Chúng ta sùng đạo và thực hành con đường thiện lành, ngay thẳng. Chúng ta là những người vô hại. Người nào còn ham muốn thú vui với cảm giác mạnh có thể nghĩ rằng chúng ta có một cuộc đời nhàm chán, và chúng ta là người điên rồ, ngu dại. Nhưng điều đó không quan trọng. Chúng ta vui vẻ chấp nhận con người của mình. Và người nào có sự hiểu biết minh triết sẽ ngợi khen chúng ta.

Vậy thì việc chúng ta giữ năm giới là điều tốt. Hơn nữa, ta còn thực hành lòng bố thí rộng rãi và tử tế. Ta quan tâm và chia sẻ những gì chúng ta có thể cung hiến. Ta cố gắng tăng trưởng sự giác niệm mà Đức Phật đã dạy, tinh tấn sống một cuộc đời trong tỉnh giác. Ta hành thiền để hiểu rõ hơn về bản chất của sự hiện hữu, về những đặc tính vô thường, khổ và vô ngã của đời sống. Cho nên, khi đã làm hết mọi việc đó - trong đạo Phật gọi là bố thí, trì giới, tham thiền, khi đã sống một cuộc đời tốt đẹp, ta còn gì để sợ khi chết? Ta còn gì để ân hận?

*

Chính vì vậy, muốn có một cái chết tốt thì phải có một cuộc sống tốt. Và khi đã sống đẹp, ta có thể chết đẹp. Ta ra đi bình an, hài lòng rằng mình đã làm tất cả những gì mình có thể làm được. Chúng ta có thể còn phạm vài lỗi lầm trong cuộc sống. Nhưng có mấy ai sống mà không phạm lỗi lầm? Là phàm nhân chưa giác ngộ, ta có thể đã làm một số việc sai quấy. Điều đó dễ hiểu, vì không ai hoàn toàn cả. Nhưng điều quan trọng là một khi nhận ra những sai lầm đó, ta bắt đầu vun trồng tình thương yêu và từ tâm, bắt đầu gìn giữ giới hạnh và thanh lọc tâm thức của mình. Ta vui sướng vì mình còn có đủ thì giờ và cơ duyên để chuyển sang con đường đúng đắn của Chánh Pháp, đưa đến giải thoát tối hậu. Như người ta thường nói: "Thà trễ còn hơn không". Chúng ta có thể đến nơi đó có phần chậm trễ hơn nhiều người khác, nhưng ít ra, ta vẫn có thể tiến đến đó được.

- LOVING AND DYING, Bhikkhu Visuddhicara (1993)
Bình Anson trích dịch (2005)

*----------*





Saturday 19 December 2020

LỜI DẶN DÒ CỦA MỘT NHÀ SƯ. Tỳ-khưu Visuddhacara

 LỜI DẶN DÒ CỦA MỘT NHÀ SƯ.
Tỳ-khưu Visuddhacara
Hòa thượng Thích Tâm Quang dịch 
(Bình Anson hiệu đính)

*

Ðối với tang lễ của chính tôi, tôi đã đưa ra ý nghĩ thích hợp về cách tôi muốn thân xác tôi được xử lý ra sao, sau khi tôi chết. Thân thể này thực sự không gì khác hơn là một cái xác sau khi chết. Nó sẽ trở về với đất cát. Cho nên tôi muốn làm được một hành động thiện lành cuối cùng – có nghĩa là hiến xác cho bệnh viện. Các bác sĩ có thể lấy giác mạc ở mắt tôi và trao tặng phẩm tuyệt vời này cho một người mù. Hãy tưởng tượng đến sự vui mừng như thế nào khi người mù có thể nhìn lại được, và tặng phẩm sẽ quí giá, có ý nghĩa với người ấy. Và tôi sẽ vui mừng khi biết đã gửi cho người ấy tặng phẩm về thị lực. Tặng phẩm này không có sự hy sinh nào về phần tôi cả, vì thân xác không còn sử dụng được gì cho tôi sau khi chết. Cho nên, tôi muốn làm được một hành động thiện lành cuối cùng này trước khi thân xác tan rã.

Nếu có thể, các bác sĩ lấy tim, thận, phổi, gan và bất cứ cơ quan nào có thể dùng được sau cái chết của tôi, để đem ghép cho người khác. Và sử dụng bất cứ những gì còn lại có thể đem lợi ích cho các sinh viên y khoa trong việc nghiên cứu, thực tập của họ. Họ có thể thực hành mổ xẻ xác tôi. Cuối cùng, họ có thể tùy nghi xử lý những gì còn lại của thân xác tôi như họ muốn. Rồi có thể phần còn lại đem làm phân bón cho đất để cây cối lớn lên, cho bóng mát và hoa đẹp. Bằng cách này, không ai cần phải lo lắng cho tôi về cái gọi là tổ chức tang lễ thích hợp. Mỗi người đều có thể để lại xác cho bệnh viện để tùy nghi xử lý những gì mà các chuyên gia y tế nghĩ là thích hợp. Việc này sẽ làm cho mọi người cảm thấy dễ dàng hơn. Nói cho đúng, nó sẽ làm cho tâm mọi người nhẹ nhõm. Không ai bị phiền toái gì về cái chết của tôi.

Và nếu có người muốn có một tang lễ thích hợp cho tôi để bày tỏ lòng tôn kính cuối cùng đến tôi, tôi sẽ nói với họ: “Xin đừng bận tâm về việc đó.” Tôi không quan tâm đến tang lễ. Nếu bạn thật lòng tưởng nhớ đến tôi, xin bạn hãy làm những điều thiện lành. Hãy làm bất cứ điều thiện lành nào bạn thích và làm được để tưởng nhớ đến tôi. Hãy sống một cuộc đời hiền thiện. Hãy quan tâm và chia sẻ. Hãy tha thứ và thương yêu. Hãy rộng lượng và mở rộng trái tim. Hãy tử tế và lịch sự. Ðó là tất cả những gì tôi yêu cầu. Ðiều đó sẽ làm cho tôi rất hạnh phúc – biết rằng tôi đã có thể truyền tải những thông điệp tốt và đã có tác động tốt.

- Trích CHẾT TRONG AN BÌNH (LOVING AND DYING)
Tỳ-khưu Visuddhacara
Hòa thượng Thích Tâm Quang dịch
(Bình Anson hiệu đính)

*--------------*



Sách: CHẾT TRONG AN BÌNH (LOVING AND DYING)

CHẾT TRONG AN BÌNH (LOVING AND DYING)
Tỳ-khưu Visuddhacara, Malaysia, 1993
Hòa thượng Thích Tâm Quang dịch, California, USA, 2004
(Bình Anson hiệu đính, 2020)

Tải về bản mềm, dạng PDF:

=> https://budsas.net/sach/vn127.pdf (tiếng Việt)
=> https://budsas.net/sach/vn127_eng.pdf (nguyên tác tiếng Anh)

* MỤC LỤC

Lời người dịch
Lời tựa

XIN CHÀO TỬ THẦN

HAI QUYẾT TÂM
.. Nói chuyện đó bằng cả hoa lá

ĐỐI PHÓ VỚI BỆNH TẬT
.. Chúng ta có thể hành thiền

NGỢI KHEN BÀ KUAI CHAN

CHÚNG TA PHẢI LÀM TRÒN BỔN PHẬN
.. Làm nhẹ bớt khổ đau

THƯƠNG YÊU LÀ HIỂU BIẾT
.. Con người và con bọ cạp
.. Năm giới

CHÚNG TA LÀ CỨU TINH CỦA CHÍNH MÌNH
.. Tái sinh ngay tức khắc
.. Chia sẻ công đức ảnh hưởng ra sao
.. Tang lễ Phật giáo là một tang lễ đơn giản
.. Chúng ta có thể học hỏi từ người khác
.. Không triệt bỏ phiền não
.. Về phần tôi

PHẢI CHẾT THANH THẢN
.. Những giọt nước mắt sung sướng
.. Làm cho bầu không khí thanh tịnh
.. Chập tư tưởng cuối cùng

SUY NGẪM VỀ CÁI CHẾT
.. Khi bốn trái núi đổ xuống
.. Ý thức cấp bách
.. Suy ngẫm dẫn đến hiểu biết và chấp nhận
.. Than vãn khóc than không tác động tro cốt
.. Cái chết không xa lạ gì với chúng ta
.. Cái chết nhất thời
.. Vấn đề đáng suy nghĩ

MỘT THẾ GIỚI KHÁC THƯỜNG

MỘT NỤ CƯỜI NGỌT NGÀO NHẤT

* Tải về bản PDF:

=> https://budsas.net/sach/vn127.pdf (tiếng Việt)
=> https://budsas.net/sach/vn127_eng.pdf (nguyên tác tiếng Anh)

*----------*



Friday 18 December 2020

Bà Kuai Chan, Một tấm gương đầy cảm hứng.

BÀ KUAI CHAN, MỘT TẤM GƯƠNG ĐẦY CẢM HỨNG
Tỳ-khưu Visuddhacara
Hòa thượng Thích Tâm Quang dịch
(Bình Anson hiệu đính)

*

Tôi muốn nói với bạn về một hành giả tu thiền can đảm, đã chết an bình vì bệnh ung thư với từ “Niết Bàn” trên môi. Tên bà là Kuai Chan và bà ra đi vào ngày 18 tháng 12, năm 1992 tại nhà riêng ở Kuala Lumpur, Malaysia. Lúc ấy bà được bốn mươi ba tuổi. Chồng bà, Billy, kể cho tôi nghe bà đã đương đầu với đau bệnh như thế nào. Nhận thấy câu chuyện có nhiều ý nghĩa, nhất là đối những hành giả tu thiền, tôi xin phép ông được kể lại trong tập sách này, và tôi cám ơn ông đã đồng ý. 

Bà Kuai Chan được chẩn bệnh lần đầu tiên với bệnh ung thư vú vào tháng 4 năm 1989. Lúc ấy, bà đã tu tập hành thiền Minh sát vào khoảng độ một năm. Bà bình tĩnh chấp nhận kết quả chẩn bệnh. Billy nói: “Vợ tôi chấp nhận bệnh, xem đó là nghiệp của bà. Bà không đổ lỗi cho ai hay bất cứ điều gì. Bà cũng không cay đắng hay rơi vào tình trạng ngã lòng. Bà hết sức vững vàng và giữ bình thản cho đến lúc chết.” Kuai Chan đã trải qua phẫu thuật để loại bỏ phần vú bị ung thư. Ba tháng sau bà lại phải giải phẫu lẫn thứ hai khi người ta thấy những tế bào ung thư vẫn còn ở trong vùng đó. Tiếp theo, bà được xạ trị và hóa trị, với rất ít phản ứng phụ. Trong suốt thời kỳ chữa bệnh ung thu vú và trong sáu tháng cuối đời khi được chẩn đoán là có thêm bệnh ung thư phổi trong giai đoạn cuối, bà đã từ chối không dùng một thứ thuốc giảm đau nào. Billy nói: “Bà không muốn thứ thuốc giảm đau nào.  Cả đến khi cơn đau lên đến cực độ, bà vẫn từ chối không dùng thuốc giảm đau, ngay cả đến một viên Panadol. Bà là một người kiên quyết, rất mạnh mẽ và đáng khâm phục.”

Bà quyết định không dùng thuốc giảm đau vì bà muốn giữ tâm bà càng trong sáng và tỉnh táo càng tốt. Bà là hành giả tu thiền, và tất cả những hành giả tu thiền trân quý chánh niệm. Họ không muốn một thứ thuốc nào làm cho tâm họ trì độn và làm suy yếu công phu hành thiền của họ. Cho nên nếu có thể chịu đựng được cơn đau, họ sẽ không dùng thuốc giảm đau. Kuai Chan đã sửa soạn đối đầu với cái đau nên bà đã từ chối dùng thuốc giảm đau. 

Bà chỉ chấp nhận xạ trị, hóa trị cho ung thư vú của bà vì phương pháp này có khă năng dẫn đến chữa lành bệnh. Nhưng về sau, bà bị thêm chứng ung thư phổi và được cho biết đã ở giai đoạn cuối, bà đã từ chối chữa bằng xạ trị, hóa trị mà bệnh viện đề nghị làm cho bà đỡ phải nghẹt thở. Và khi bác sĩ đề nghị thuốc giảm đau, như morphine, bà cũng từ chối. 

Billy cho biết khi trong đợt ung thư vú đầu tiên, Kuai Chan có một chút khó khăn với cơn đau sau khi giải phẫu. Là hành giả tu thiền, bà đã có thể nhận thấy cơn đau rất rõ ràng và cơn đau sẽ biến đi. Nhưng ung thư phổi là một sự thử thách thực sự với bà. Cơn đau luôn lên đến cực điểm nhưng bà vẫn từ chối không dùng thuốc. Có nhiều lúc bà bị ngất xỉu và ngã sóng soài trên sàn nhà khi cơn đau đột phát. Nhưng bà vẫn bình tĩnh. Bà cũng bị ho dữ dội dai dẳng nhiều ngày đêm. Billy ở bên cạnh bà và khi thấy bà không ngủ được ban đêm, ông cố giúp làm bà dịu cơn đau bằng cách xoa dầu, chà sát và những cách chữa trị truyền thống. Billy đưa bà đến các thầy thuốc Tàu và mua nhiều loại thuốc bắc và sắc thuốc cho bà uống. 

Billy nói chính niềm tin tưởng và hành thiền đã khiến bà có thể đối đầu khổ đau với một mức độ thanh thản và tự tại phi thường. Cả hai vợ chồng đều đã tu tập hành thiền với thiền sư Sujiva tại một đạo tràng ở Ðài Bắc năm 1988. Sau đó Kuai Chan tiếp tục tham gia thường xuyên các khóa tu thiền tại thiền đường Santisukharama của thiền sư ở Kota Tinggi, Johor.

Khi được chẩn đoán bị ung thư phổi sau đợt ho vào tháng 7 năm 1992, bác sĩ cho biết bà chỉ sống được một tháng nữa. Chỉ cho Kuai Chan và Billy thấy hình chụp tia X, bác sĩ nói rằng ung thư đã lan tràn khắp cả phổi. Ông cũng rất ngạc nhiên thấy Kuai Chai vẫn đi được và trông rất khỏe mạnh, mặc dù tình trạng ung thư tàn phá phổi của bà. Nhưng bác sĩ không biết là Kuai Chan có một tâm trí sắt thép. Bà sống thêm được sáu tháng nữa. Ðối với bà, đó không phải là một cuộc chiến để sống mà là để chết có phẩm cách. Lúc bà và Billy gặp tôi tại Trung tâm Trí tuệ ở Petaling Jaya khi tôi đến viếng thăm nơi đây vào tháng 7, họ hỏi tôi rằng họ có thể làm gì. Tôi bảo họ: “Ðiều một hành giả có thể làm là tiếp tục hành thiền! Nếu tôi là bà, tôi sẽ hành thiền cho đến lúc cuối cùng.” Hai vợ chồng cảm thấy được khích lệ và Kuai Chan kiên quyết dành những ngày còn lại hành thiền tại nhà. Billy nói ông hỗ trợ bà tận tình. 

Nhưng bà không biết trước là cơn đau có thể ghê gớm đến thế. Bà nói bà chưa từng thấy cơn đau nào như vậy. Nhất là ở phần dưới lưng, nóng như đốt và đau như cắt. Bà đã dồn tất cả sức mạnh tinh thần để ghi nhận cơn đau đớn nhưng có khi vẫn không thành công. Đau đớn quá nặng nề. Có những lúc bà nằm đó bất lực không nhận biết được cái đau đớn nữa. Bà hoàn toàn cam chịu. Nhưng bà vẫn không uống thuốc giảm đau. Bà tham khảo với thiền sư của bà. Thiền sư Sujiva khuyên bà trải lòng từ bi thân ái và tu thiền sổ tức, hít thở để giảm thiểu cơn đau khi bà chịu không nổi nữa. Việc làm này khiến cho bà dễ chịu. Từ sự dễ chịu này bà có thể tiếp tục hành thiền Minh sát. Một hôm sau ba tuần chiến đấu với cơn đau dai dẳng, bà có một kinh nghiệm độc đáo. Bà nói với Billy trong khi nhận thấy cái đau như cắt, bà quan sát thấy nó càng ngày càng nhỏ đi cho đến khi nó biến hẳn. Bà nói bà cảm thấy như tất cả giác quan đều bị cắt bỏ, như thể không có danh-sắc, vào lúc đó tâm và thân đã cùng nhau tan biến với cơn đau. Bà nói với Billy bà cảm thấy giống như bà trải nghiệm Niết Bàn, và bà cảm thấy cực kỳ sung sướng. Sau kinh nghiệm này, bà không còn đới diện với loại đau đớn cực độ như thế nữa. 

Mười ngày trước khi lâm chung, Billy đem bà vào một bệnh viện tư nhân vì bà cảm thấy khó thở. Bác sĩ đặt ống dưỡng khí cho bà. Hình chụp tia X cho thấy những tế bào ung thư đã lan rộng hơn nữa, làm gia tăng chứng khó thở. Chữa bằng xạ trị, hóa trị được đề nghị không phải là có thể chữa lành bệnh mà chỉ để giảm nhẹ bệnh trạng. Nhưng Kuai Chan không muốn tâm mất sáng suốt nên bà đã từ chối. Sau năm ngày, bà đòi Billy đem bà về nhà vì bà cảm thấy không có lý do nào nữa để bà phải ở lại bệnh viện. Billy lắp đặt bình dưỡng khí tại nhà, mang bà về và để bà thở qua ống dưỡng khí hầu làm giảm bớt khó khăn về hít thở của bà. Năm ngày sau, từ 13 tháng 12 đến lúc bà chết ngày 18 tháng 12, bà dường như ở trong tình trạng thiêm thiếp ngủ, thỉnh thoảng mới tỉnh dậy. Hai ngày trước khi chết, bà vẫn còn nhớ ngày sinh nhật thứ 17 của đứa con gái vào ngày 17 tháng 12. Bà nhắc Billy luộc hai quả trứng cho đứa con gái và cho con gái một bao tiền lì xì màu đỏ. Billy đã làm theo lời bà. 

Vào ngày 18 tháng 12, bà tỉnh dậy lúc 9 giờ sáng với một nụ cười. Bà hỏi: “Có phải em đã ngủ không?” Billy trả lời: “Phải. Đã năm ngày rồi, em biết không?” Bà ngạc nhiên. Bà dường như rất sung sướng và mỉm cười. Bà nói bà không cần uống thuốc bắc nữa. Bà lại nhớ lại ngày sinh nhật của đứa con gái và mặc dù Billy đã nói cho bà biết là ông đã đưa bao lì xì đỏ cho đứa con gái như bà đã dặn, bà lại nói lần nữa với Billy: “Hãy cho cho con gái thêm một bao lì xì nữa, nhân danh tôi.” 

Vào khoảng 2 giờ chiều hôm đó, Billy cho biết Kuai Chan muốn nói cái gì với ông ta nhưng quá yếu không nói nổi. Billy nhắc bà hãy duy trì tâm trạng xả ly, đừng lo lắng gì về chồng và các con, và hãy tự do ra đi một cách an bình. Ông nói, trước đây họ đã thảo luận nhiều lần về việc này, rằng nếu bà có thể lành bệnh thì tốt, và nếu không thể chữa được, thì cũng phải chịu. Bà có thể ra đi một cách thanh nhã, hiểu biết luật về nghiệp, rằng tất cả chúng ta một ngày nào đó sẽ phải chia lìa. 

Vào lúc 3 giờ chiều, khi đứa con trai 15 tuổi đi học về và báo với mẹ: “Mẹ ơi, con đã về”, bà nghe hiểu nhưng không nói được. Bà gật đầu để ra dấu bà biết. 

Vào khoảng 3:30 giờ chiều, Billy cho biết Kuai Chan tận dụng sức lực nói rõ ràng bằng tiếng Quảng Ðông “Woh Yap Niphoon (Ngộ nhập Niết Bàn),” có nghĩa là “Tôi đã vào Niết Bàn,” câu này có ý nói nói là bà tin rằng bà đã thực chứng hay chứng nghiệm Niết Bàn. Và bà chỉ vào bụng. Ðó là lời cuối cùng của bà, bà ra đi một cách rất êm ả vào khoảng 45 phút sau. Billy nói Kuai Chan, trong lúc hành thiền, thường quan sát sự chuyển động lên xuống của bụng xảy ra mỗi lần hít vào hay thở ra. Bà thấy sự lên xuống của cái bụng là một đối tượng tốt để đặt tâm vào, và bà thường khuyến khích các hành giả tu thiền nên bám vào đối tượng ấy. Bất chấp hiện tượng nào của thân hay tâm khi ta áp dụng chánh niệm và tập trung vào, cuối cùng ta có thể thấy sự sinh diệt của hiện tượng và đi đến hiểu biết tính chất vô thường, cái bất toại nguyện và vô ngã của chúng. Thấy và biết như thế khởi sinh khi hành giả bắt đầu nhập vào dòng thánh giải thoát, cảm nghiệm Niết Bàn. Sự hiểu biết có thể tiến tới đỉnh cao trong việc đạt Niết Bàn, trạng thái chấm dứt khổ đau. Những ô nhiễm của tham, sân và si sẽ bị hoàn toàn bị loại bỏ khi chứng nghiệm Niết Bàn đạt được ở trình độ của bậc thánh A La Hán.

Billy nói khi giờ phút cuối cùng sắp đến, mặt của Kuai Chan rạng rỡ, khi bà nói, mắt của bà long lanh và sáng. Vào khoảng 4:15 giờ chiều, Billy thấy bà tắt thở. “Bà trông rất bình thản, thanh thoát. Bà đã ra đi một cách rất an lạc,” Billy nói. 

Vào khoảng 4 giờ chiều hôm ấy, một người bạn đạo của Kuai Chan là bà Lily, cư ngụ ở cách xa 25 kílômét, đột nhiên có ý nghĩ trải tâm từ thân ái đến Kuai Chan. Lily ngồi xuống và hành thiền, gửi đi tất cả những ý tưởng về lòng từ thân ái đến Kuai Chan. Bà ta nói bà thấy Kuai Chan rất thanh thản trong một ảo ảnh trong suốt như pha lê. Khi bà ngừng hành thiền, bà ta nhìn đồng hồ lúc đó là 4 giờ 15, cùng lúc Kuai Chan ra đi. 

Chết theo cách Kuai Chan đã chết, rõ ràng là một cái chết đẹp đẽ. Không có cách ra đi nào tốt hơn – với tâm bà tập trung về Niết Bàn. Không ai có thể nói được về sự trải nghiệm độc đáo của bà. Chỉ có mình bà biết thôi. Nhưng có một điều chắc chắn là tâm bà vững vàng vào lúc cuối cùng, hướng về Niết Bàn. Tôi nghĩ rằng có thể bà đã đạt được Niết Bàn. Nếu bà đã không đạt được thế trong đời này, tôi nghĩ rằng bằng tâm vững chắc và cương quyết của bà, bà đã tái sinh vào cõi lành – cõi người hay cõi trời, và sẽ đạt được mục tiêu hằng ấp ủ trong kiếp sống mới. 

Là một Phật tử, bà đã căn dặn Billy tổ chức cho bà một tang lễ đơn giản, không có những nghi lễ và nghi thức không cần thiết. Theo ý muốn của bà, Billy đã thu xếp việc hỏa táng vào ngay ngày hôm sau. Vài vị sư, các hành giả tu thiền và bạn đạo cùng đến tụng kinh. Tang lễ rất giản dị theo lời bà yêu cầu. Sau lễ hỏa táng, Billy thu thập tro cốt và đem rắc tại cây bồ đề tại thiền đường của sư phụ của họ tại Johor. 

Hồi tưởng lại cuộc sống với nhau, Billy nói Kuai Chan là một người vợ tốt nhất mà ông đã có được. Ông nói: “Chúng tôi lấy nhau đã 22 năm và bà đã sát cánh với tôi qua thăng trầm, qua nhiều thử thách và cực khổ. Bà có một tâm tính vui tươi và hoạt bát. Bà bao giờ cũng thương yêu và ân cần. Ngay cả lúc bà ốm, bà vẫn tuyệt vời. Bà không bao giờ phàn nàn. Bà không ngã lòng. Không có giận hờn hay cay đắng nơi bà. Bà vẫn bình tĩnh và vững vàng. Bà vẫn có thể mỉm cười và cười lớn. Bà chấp nhận tất cả khổ đau với thái độ trang nhã. Bà nói thân bà bệnh nhưng tâm bà không bệnh. Tâm bà vẫn sung sức và khỏe mạnh. Sự quan ngại của bà không phải cho chính bà mà cho người khác. Bà nói nếu bà có thể sống thêm 10 năm nữa, bà sẽ thực hành Phật Pháp nhiều hơn. Bà rất quan tâm đến tôi và những đứa con. 

“Thực ra bà đã chịu đựng khổ đau tốt hơn tôi. Tôi không thể chịu nổi khi thấy bà quá nhiều đau đớn. Tôi cố gắng cho bà uống thứ thuốc bắc tốt nhất, hy vọng có thể chữa khỏi hay cho bà được nghỉ ngơi. Ðôi khi tôi hỏi tại sao tất cả việc đó lại xảy ra cho bà. Và tôi nghĩ: ‘Hãy để cho bà sống thêm mười năm và cuộc đời tôi ngắn đi mười năm. Xin để cho tôi cho bà mười năm của đời tôi.’ Nhưng lẽ đương nhiên điều đó không phải là do chúng ta quyết định. Chính là ‘nghiệp’ mới có quyền quyết định cuối cùng. 

“Bà thường nói với tôi: ‘Ðó là nghiệp của em, Billy à. Cái đó hoàn toàn đúng. Em không biết em đã làm gì trong quá khứ. Em phải chấp nhận nghiệp của em.’ Ðôi khi bà nói: ‘Em rất hối hận vì đã đem đến cho anh tất cả khó khăn này, Billy, tất cả cái khổ đau này. Billy biết không, em nợ anh rất nhiều trong cuộc đời này.’ Tôi phải nói với bà rằng xin đừng nói thế. Tôi nói bà không nợ gì tôi cả. Chúng ta là vợ chồng phải không? Và bà là người vợ tuyệt vời của tôi. Chúng ta cùng trải qua những lúc thăng trầm, và bây giờ là giờ phút bà cần đến tôi, tôi sẽ ở bên cạnh bà. Chúng ta sẽ một mất một còn cùng nhau, tôi nói với bà, tôi cam đoan với bà. 

“Vào những dịp khác, bà nói với tôi: ‘Này Billy, đây là giáo pháp chân chính, là con đường chân thật, em tin chắc như thế,’ và bà nhắc tôi đừng lơ là thực tập hành thiền, không nên tự mãn mà phải nỗ lực tu tập. Chúng tôi đã mất một thời gian tìm kiếm một giáo pháp mà chúng tôi có thể hiểu được. Và khi chúng tôi biết được đạo Phật và pháp thiền Minh sát vào năm 1988, chúng tôi đã hăng hái tu tập. Sư biết không, chúng tôi thường cùng nhau bàn luận Phật Pháp mỗi đêm bên tách trà. Mối quan hệ của chúng tôi rất tuyệt vời.”

Người anh em họ của Kuai Chan, Sati, có lần hỏi liệu bà có sợ bệnh ung thư không, bà trả lời không, bà không sợ bệnh này. Bà sẵn sàng chịu đựng đau đớn mà không dùng thuốc. Bà quả là một hành giả can đảm, mặc dù phải đối diện với nhiều nghịch cảnh, vẫn kiên trì thực hành Pháp. Bà làm tôi băn khoăn, nếu tôi, một nhà sư mà ở hoàn cảnh như bà, bị ung thư, thì tôi có thể chịu đựng được nhiều như thế không, có can đảm và chịu đựng như thế không? Bà quả là một tấm gương đầy cảm hứng, một vị thầy làm gương cho tất cả chúng ta. Tôi cám ơn Billy đã đưa ra chuyện riêng tư của mình để chia sẻ với chúng ta câu chuyện đầy cảm hứng này, để chúng ta có thêm nhiều khích lệ trong việc tu tập, cương quyết hơn nữa và phấn đấu mạnh hơn nữa. 

Billy yêu cầu tôi ghi nhận lòng biết ơn của ông đối với thiền sư Sujiva và những vị sư khác cùng với các hành giả tu thiền về tất cả những sự giúp đỡ ân cần mà họ đã dành cho ông và Kuai Chan. Những bạn đạo tại Trung tâm Trí tuệ Phật giáo, Petaling Jaya, đã đặc biệt hỗ trợ tinh thần và khuyến khích Kuai Chan trong suốt thời gian bà lâm bệnh. Ông Billy nói: “Tôi không biết làm sao bày tỏ lòng biết ơn của tôi đến tất cả mọi người đã giúp đỡ chúng tôi. Xin vui lòng nói với họ rằng tôi xin cám ơn tất cả. Xin cám ơn quý vị rất nhiều về mọi thứ mà quý vị đã dành cho Kuai Chan." 

- Trích CHẾT TRONG AN BÌNH (LOVING AND DYING), 
Tỳ-khưu Visuddhacara
Hòa thượng Thích Tâm Quang dịch 
(Bình Anson hiệu đính)

*


Thursday 17 December 2020

Sách: CÁC NGHI THỨC THÔNG THƯỜNG TRONG ĐỜI SỐNG. K. Sri Dhammananda (1989), Thích Tâm Quang dịch (1997)

CÁC NGHI THỨC THÔNG THƯỜNG TRONG ĐỜI SỐNG
(The Buddhist Way)
Hòa thượng K. Sri Dhammananda - Malaysia, 1989
Hòa thượng Thích Tâm Quang dịch - California, USA, 1997

Tải bản mềm dạng PDF, Việt Anh:
=> https://budsas.net/sach/vn126.pdf

* MỤC LỤC

Dẫn nhập
Bổn phận cha mẹ
Khóa lễ cầu phước cho các em
Tại sao nương tựa nơi Phật?
Giáo dục và văn hóa người Phật tử
Hôn nhân
Nghi thức tôn giáo
Những điều cấm kỵ
Bùa chú và ma thuật
Hình ảnh, nước thánh, xâu chuỗi
Ốm đau
Chết
Trước tang lễ
Tang lễ
Chôn và hỏa táng
Lưu giữ tro cốt
Thời gian để tang
Nghi thức sau tang lễ
Bố thí cúng dường
Kết luận

*-----*



Sách: CHẾT CÓ THẬT ĐÁNG SỢ KHÔNG? K. Sri Dhammananda (1989), Thích Tâm Quang dịch (1997).

 Sách: CHẾT CÓ THẬT ĐÁNG SỢ KHÔNG?
(Is death really frightening?)

Hòa thượng K. S. Dhammananda - Malaysia, 1989
Hòa thượng Thích Tâm Quang dịch Việt - California, USA, 1997

Tải về bản PDF (Việt-Anh):
=> https://budsas.net/sach/vn125.pdf

MỤC LỤC

Mạng sống mong manh - Cái chết là điều chắc chắn
Sợ chết
Bệnh và chết
Danh thơm còn mãi
Triết lý đạo Phật
Nguyên nhân của khổ đau
Ai cũng phải chết
Năm uẩn
Tái sinh
Nguyên nhân cái chết
Đương đầu với biến cố
Chết không tránh được
Bổn phận và trách nhiệm
Ái dục và vô minh
Suy gẫm về cái chết
Chết là một phần của đời sống
Sống có ý thức
Chết xứng đáng
Chết nhẹ nhàng
Ngày hôm nay tôi chết

*-----*



Wednesday 16 December 2020

Sách: CÂY GIÁC NGỘ. Peter Della Santina (1997) - Thích Tâm Quang dịch Việt (2003)

CÂY GIÁC NGỘ
(The Tree of Enlightenment)
Peter Della Santina (1997) - Thích Tâm Quang dịch Việt (2003)

Tải về bản PDF (Việt-Anh):
=> https://budsas.net/sach/vn124.pdf

* MỤC LỤC

Lời Người Dịch
Lời Tác Giả

PHẦN MỘT: NỀN TẢNG ÐẠO PHẬT
Chương Một: Phật Giáo: Một Nhãn Quan Hiện Ðại
Chương Hai: Bối Cảnh Trước Thời Phật Giáo
Chương Ba: Cuộc Ðời Ðức Phật
Chương Bốn: Tứ Diệu Ðế
Chương Năm: Giới
Chương Sáu: Phát Triển Tinh Thần
Chương Bảy: Trí Tuệ
Chương Tám: Nghiệp
Chương Chín: Tái Sinh
Chương Mười: Lý Nhân Duyên
Chương Mười Một: Tam Tướng Pháp
Chương Mười Hai: Ngũ Uẩn
Chương Mười Ba: Nguyên Tắc Căn Bản Thực Hành

PHẦN HAI: ÐẠI THỪA
Chương Mười Bốn: Nguồn Gốc Truyền Thống Ðại Thừa
Chương Mười Lăm: Diệu Pháp Liên Hoa Kinh
Chương Mười Sáu: Bát Nhã Tâm Kinh
Chương Mười Bẩy: Kinh Lăng Già Tâm Ấn
Chương Mười Tám: Triết Lý về Trung Ðạo
Chương Mười Chín: Triết Lý Duy Tâm
Chương Hai Mươi: Phát Triển Triết Lý Ðại Thừa
Chương Hai Mươi Mốt: Thực Hành Ðại Thừa Phật Giáo

PHẦN BA: KIM CANG THỪA
Chương Hai Mươi Hai: Nguồn Gốc Truyền Thống Kim Cang
Chương Hai Mươi Ba: Nền Tảng Triết Lý và Ðạo Lý
Chương Hai Mươi Bốn: Phương Pháp Học
Chương Hai Mươi Lăm: Thần Thoại và BiểuTượng
Chương Hai Mươi Sáu: Thực Hành Tiên Khởi
Chương Hai Mươi Bẩy: Truyền Tâm Ấn Kim Cang Thừa
Chương Hai Mươi Tám: Thực Hành Kim Cang Thừa Phật Giáo

PHẦN BỐN: VI DIỆU PHÁP
Chương Hai Mươi Chín: Dẫn Nhập Vi Diệu Pháp
Chương Ba Mươi: Triết Lý và Tâm Lý Vi Diệu Pháp
Chương Ba Mươi Mốt: Phương Pháp Học
Chương Ba Mươi Hai: Lý Giải về Thức
Chương Ba Mươi Ba: Cõi Sắc và Vô Sắc
Chương Ba Mươi Bốn: Thức Siêu Trần
Chương Ba Mươi Lăm: Lý Giải về Trạng Thái Tinh Thần
Chương Ba Mươi Sáu: Lý Giải về tiến Trình Tư Tưởng
Chương Ba Mươi Bẩy: Lý Giải về Vật
Chương Ba Mươi Tám: Lý Giải về Ðiều Kiện Hóa
Chương Ba Mươi Chín: Ba Mươi Bẩy Yếu Tố về Giác Ngộ
Chương Bốn Mươi: Vi Diệu Pháp Trong Cuộc Sống

Vài nét về Tác giả, Tiến sĩ Peter Della Santina
Vài nét về Dịch giả, Thượng tọa Thích Tâm Quang (Bình Anson ghi chép)

=> https://budsas.net/sach/vn124.pdf

*--------*



Sách: ĐƯỜNG ĐẾN TỈNH THỨC - Cuộc Đời của Bhante G.

ĐƯỜNG ĐẾN TỈNH THỨC - Cuộc Đời của Bhante G.
Bhante Henepola Gunaratana (2003)
Chơn Quán Trần-ngọc Lợi dịch (2009)

Nguyên tác:
Journey to Mindfulness - The Autobiography of Bhante G.

Tải về bản PDF (Việt-Anh):

=> https://budsas.net/sach/vn123.pdf 

* MỤC LỤC

Lời Người Dịch

Chương 1: Viên Ngọc Nhỏ 
Chương 2: Sống Không Nhà
Chương 3: Bỏ Trốn
Chương 4: Xuất Gia Lần Nữa
Chương 5: Trường Phật Học 
Chương 6: Thọ Đại Giới 
Chương 7: Toa Thuốc Tối Hậu: Thiền Quán
Chương 8: Phấn Đấu Ở Lại Trường
Chương 9:  Sư Truyền Giáo 
Chương 10: Vượt Biển Qua Ấn Độ
Chương 11: Xá Lợi Đức Phật và Đức Đạt Lai Lạt Ma
Chương 12: Giữa Đám Hạ Tiện
Chương 13: Dưới Cội Bồ Đề
Chương 14: Trở Về Nhà
Chương 15: Tang Cha
Chương 16: Mã Lai Á
Chương 17: Lời Mời Qua Phương Tây
Chương 18: Đến Hoa Kỳ
Chương 19: Truyền Giáo Bằng Lao Động 
Chương 20: Tưởng Lầm Là Đàn Bà
Chương 21: “Viên Quan Bhante G.”
Chương 22: Về Thăm Mẹ Lần Cuối 
Chương 23: “Có Phải Ông Là Ông Gunaratana?”
Chương 24: Tự Lập
Chương 25: Xây Tự Viện
Chương 26: Vô Giá 
Chương 27: Trưởng Tăng Đoàn Nayaka

Lời Bạt
Về Tác Giả 
Về Người Dịch

*----- *----- *



Tuesday 15 December 2020

Sách: NỀN TẢNG CỦA ĐẠO PHẬT. Peter D. Santina (1984), Thích Tâm Quang dịch Việt (2010)

NỀN TẢNG CỦA ĐẠO PHẬT
Peter D. Santina (1984) - Thích Tâm Quang dịch Việt (2010).

* Tải bản PDF (Việt-Anh): https://budsas.net/sach/vn122.pdf

LỜI GIỚI THIỆU

Tiến sĩ Peter Della Santina là một Phật tử người Mỹ, tốt nghiệp Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học tại Đại học Delhi, Ấn Độ. Trong hơn 25 năm, ông tích cực hoạt động hoằng pháp, giảng dạy Phật học nhiều nơi, tại các trường đại học trong vùng Nam Á và Đông Nam Á. Ông qua đời ngày 14 tháng Mười năm 2006, trong lúc giảng dạy chương trình Thạc sĩ tại trường Cao đẳng Phật học Quốc tế, Penang, Malaysia.

Tập sách này được biên tập từ các bài thuyết giảng của ông tại chùa Srilankaramaya, Singapore, qua sự thỉnh mời của Hòa thượng Sumana, trụ trì chùa. Các bài thuyết giảng bao gồm những điểm căn bản của đạo Phật, nền tảng chung cho mọi tông phái Phật giáo.

Chúng tôi thành tâm tri ân dịch giả tập sách, Thượng tọa Thích Tâm Quang, trụ trì chùa Tam Bảo, California, Hoa Kỳ. Thầy đã hoan hỷ cho phép chúng tôi xúc tiến công tác xuất bản tập sách do Thầy dịch sang Việt ngữ. Trong nhiều năm qua, Thầy đã khích lệ chúng tôi trong Phật sự, gửi tặng các dịch phẩm quý báu của Thầy, cùng các bản vi tính để chúng tôi phổ biến trên trang web Phật giáo BuddhaSasana.

Xin trân trọng giới thiệu tập sách đến quý độc giả.

Bình Anson,
Perth, Tây Úc, tháng 3-2010 

* Tải bản PDF (Việt-Anh): https://budsas.net/sach/vn122.pdf 

MỤC LỤC

LỜI GIỚI THIỆU 
ÐẠO PHẬT – MỘT NHÃN QUAN HIỆN ÐẠI 

Bài I. THỜI TIỀN PHẬT GIÁO 
Bài II. CUỘC ÐỜI ÐỨC PHẬT 
Bài III. BỐN CHÂN LÝ CAO QUÝ 
Bài IV. BÁT CHÁNH ĐẠO 
Bài V. GIỚI 
Bài VI. ÐỊNH (PHÁT TRIỂN TINH THẦN) 
Bài VII. HUỆ (TRÍ TUỆ) 
Bài VIII. NGHIỆP 
Bài IX. TÁI SINH 
Bài X. LÝ NHÂN DUYÊN 
Bài XI. BA ÐẶC TÍNH PHỔ QUÁT (TAM TƯỚNG PHÁP) 
Bài XII. NĂM UẨN (NGŨ UẨN) 

KẾT LUẬN 

*



Sunday 13 December 2020

Sách: CĂN BẢN PHẬT GIÁO - Tuyển tập mười bài viết. Bình Anson (2020).

CĂN BẢN PHẬT GIÁO - Tuyển tập mười bài viết.
Bình Anson biên soạn (2020). 

Tải về đọc, dạng PDF:
=> https://budsas.net/sach/vn121.pdf

* MỤC LỤC

01. Tóm tắt căn bản Phật giáo
02. Tám pháp thế gian
03. Về hạnh Bố thí
04. Về Chánh ngữ 
05. Rằm tháng Sáu: ngày Chuyển Pháp luân
06. Sơ lược về lý Duyên khởi
07. Về Bát quan trai giới
08. Niệm Ân đức Tam bảo
09. Về pháp tu thiền
10. Vài câu vấn đáp về hành thiền

*



Sách: Tejaniya, Ashin (2006). ĐỪNG COI THƯỜNG PHIỀN NÃO.

 ĐỪNG COI THƯỜNG PHIỀN NÃO
Tejaniya, Ashin (2006)
Tỳ-khưu Tâm Pháp dịch, Tỳ-khưu Giác Hoàng hiệu đính. 
(Don’t Look Down on The Defilements)

Tải về máy để đọc, dạng PDF (Việt-Anh):

=> https://budsas.net/sach/vn120.pdf 

* MỤC LỤC

Lời Cảm Tạ
Phiền Não Là Gì?
Độc Giả Thân Mến
Thiền Chánh Niệm

.. Công Việc của Tâm
.. Thư Giãn
.. Thái Độ Đúng
.. Tỉnh Giác Một Cách Thông Minh
.. Các Oai Nghi, Ăn Uống, Sinh Hoạt Hàng Ngày
.. Phóng Tâm và Tiếng Động
.. Đau Nhức và Các Cảm Giác Khó Chịu
.. Duy Trì Tỉnh Giác
.. Tại Sao?
.. Cốt Yếu của Thiền Tập

Trình Pháp

Lấy Đà Chánh Niệm
Trí Tuệ
Thức Ăn Tâm Linh
Tiếp Tục Hành Trì
Thái Độ Đúng Khi Hành Thiền

*


Friday 11 December 2020

Nhanh, gọn, rẻ - Quick, simple, cheap.

Trưa nay vợ chồng ngồi gặm bánh mì thay cơm, nói chuyện này qua chuyện kia. Rồi bàn đến chuyện của một Việt kiều nổi tiếng vừa mới qua đời ở Việt Nam. Bạn bè, thân nhân người ấy sẽ làm một lễ tang ở Việt Nam rồi đưa quan tài về Mỹ để làm lễ tang chính thức trước khi mai táng. Thật là nhiêu khê và tốn kém!

Vợ chồng tôi quyết định là nếu chết nơi nào thì tổ chức hỏa thiêu ngay tại nơi đó, không cần phải đưa quan tài về Perth làm gì cho tốn kém, tốn công sức, mất thì giờ. Rồi đem tro rải vào rừng hay rải xuống sông, xuống biển ở địa phương đó. Nếu chết ở Perth thì sau khi hỏa thiêu, đem tro cốt chôn trong khuôn viên của Tu viện Bodhinyana. Nguyên tắc chính là "Nhanh, gọn, rẻ - Quick, simple, cheap" khi tổ chức tang lễ. Không cần có những nghi thức tụng niệm, điếu văn, vòng hoa rình rang, rườm rà, rắc rối.

*



Sách: LET THE LIGHT SHINE - Reflections from Theravada Bhikkhunis.

 LET THE LIGHT SHINE - Reflections from Theravada Bhikkhunis.
Adhimutti, Bhikkhuni, Editor (2019)
(Hãy để ánh sáng tỏa rạng - Suy tư của các Tỳ-khưu-ni Theravada)

Sưu tập các bài viết của 21 vị tỳ-khưu-ni Theravada đương thời.

Tải bản PDF:
=> https://budsas.net/sach/en188.pdf 

* Contents

Foreword - Bhikkhu Bodhi
Introduction

1. Making the Most of Each Day - Bhikkhuni Khema Mahatheri
2. The Ideal Place - Bhikkhuni Tathaloka Mahatheri
3. Death and Stream-Entry - Bhikkhuni Sudinna Theri
4. Some Last Advice - Bhikkhuni Sudhamma Theri
5. Determined to Do It - Bhikkhuni Gunasari Theri
6. Reflection on Repulsiveness - Bhikkhuni Satima Theri
7. A Handful of Poems - Bhikkhuni Medhanandi Theri
8. Happiness - Bhikkhuni Vayama Theri
9. Ordaining and Renunciation - Bhikkhuni Nirodha Theri
10. Do Not Judge Yourself - Bhikkhuni Hasapanna Theri
11. Spiritual Warrior - Bhikkhuni Seri Theri
12. Discoveries in Meditation - Amma Thanasanti
13. My Going Forth - Bhikkhuni Adhimutti
14. Liberation of Mind Through Loving-Kindness - Bhikkhuni Suvijjana
15. Living as a Bhikkhunī in Thailand - Bhikkhuni Phalanani
16. Process of Awakening - Bhikkhuni Anandabodhi
17. The Heart Wish - Bhikkhuni Santacitta
18. The Challenge of Change - Bhikkhuni Dhammadhira
19. Going Nature’s Way - Bhikkhuni Dipa
20. The Good Life - Bhikkhuni Santussika
21. Reflections on Bhikkhuni Ordination - Bhikkhuni Jayati

*-----*



Wednesday 9 December 2020

Lời Phật dạy về Chánh Ngữ

 LỜI PHẬT DẠY VỀ CHÁNH NGỮ (Samma-vaca, Right speech)
Tỳ-khưu Thanissaro trích soạn (2005) – Bình Anson dịch Việt (2020)

Nguồn:


Chánh Ngữ là chi thứ ba trong Bát chi Thánh đạo và được xếp vào nhóm Giới của con đường.

* ĐỊNH NGHĨA

Thế nào là chánh ngữ? Không nói dối, không nói đâm thọc, không nói lời gay gắt, không nói lời phù phiếm.

– SN 45.8

* NĂM YẾU TỐ CỦA CHÁNH NGỮ

Này các tỳ-khưu, có năm yếu tố tạo nên lời nói thiện lành, không xấu ác, không bị chê trách, không bị người trí chỉ trích. Thế nào là năm? Nói đúng thời. Nói đúng sự thật. Nói lời nhu hòa. Nói những gì có lợi ích. Nói với tâm từ.

– AN 5.198

* NGUY HẠI CỦA NÓI DỐI

“Này các tỳ-khưu, người  nào vi phạm một pháp, Ta nói rằng đối với người ấy không có việc ác nào người ấy không làm được. Một pháp ấy là gì? Đó là việc cố tình nói dối.”

– Iti 25

* CHỈ NÊN NÓI NHỮNG LỜI KHÔNG GÂY TAI HẠI

Nên nói những lời gì,
Lời ấy không khổ mình,
Lời không làm hại người.
Đó là lời thiện thuyết.

Nên nói lời ái ngữ,
Lời nói khiến hoan hỷ.
Lời nói không ác độc,
Đó là lời ái ngữ.

–Thag 21.1239-1240

* THANH LỌC TÂM QUA NHỮNG LỜI KHÉO THUYẾT.

Có bốn cách mà một người dùng lời nói để thanh lọc tâm. Thế nào là bốn?

Người ấy đoạn tận nói dối, từ bỏ nói dối. Khi người ấy đến chỗ tập hội, hay đến chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa các vương tộc, nếu được gọi làm chứng và được hỏi: “Này ông, hãy nói những gì ông biết.” Nếu không biết, người ấy nói: “Tôi không biết.” Nếu biết, người ấy nói: “Tôi biết.” Nếu không thấy, người ấy nói: “Tôi không thấy.” Nếu thấy, người ấy nói: “Tôi thấy.” Như vậy người ấy không cố ý nói dối vì mình, vì người khác, hoặc vì một vài quyền lợi gì khác. 

Người ấy đoạn tận nói hai lưỡi, từ bỏ nói đâm thọc. Khi nghe điều gì ở chỗ này, người ấy không nói ở chỗ kia để gây chia rẽ với những người này; nghe điều gì ở chỗ kia, người ấy không nói ở chỗ này để gây chia rẽ với những người kia. Như vậy người ấy hòa giải những kẻ chia rẽ, khuyến khích tình đoàn kết, yêu thích sự hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp.

Người ấy đoạn tận lời nói gay gắt, từ bỏ lời nói gay gắt. Người ấy nói lời nhu hòa, êm tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui ý nhiều người. 

Người ấy đoạn tận lời nói phù phiếm. Người ấy nói đúng thời, nói chân thật, nói có lợi ích, nói đúng Pháp, nói đúng Luật. Đúng thời, người ấy nói những lời đáng được ghi nhận, hợp lý, ngắn gọn, lợi ích.

Như vậy là bốn cách mà một người dùng lời nói để thanh lọc tâm.

 AN 10.176

* LIÊN HỆ VỚI CÁC CHI KHÁC CỦA THÁNH ĐẠO

Và như thế nào, chánh kiến đi hàng đầu? Biết rõ tà ngữ là tà ngữ, biết rõ chánh ngữ là chánh ngữ. Thế nào là tà ngữ? Nói dối, nói đâm thọc, nói gay gắt, nói lời phù phiếm. Như vậy là tà ngữ. (…)

Ai tinh tấn đoạn trừ tà ngữ, thành tựu chánh ngữ: Như vậy là chánh tinh tấn của vị ấy. Ai có ý niệm đoạn trừ tà ngữ và an trú trong chánh ngữ: Như vậy là chánh niệm của vị ấy. Như vậy, ba pháp này – chánh kiến, chánh tinh tấn, chánh niệm – chạy theo, chạy vòng theo chánh ngữ.

–MN 117

* TIÊU CHUẨN CHỌN LỰA NHỮNG GÌ NÊN NÓI

[1] Lời nói nào Như Lai biết là không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, thì Như Lai không nói lời ấy. 

[2] Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, thì Như Lai không nói lời ấy. 

[3] Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, thì Như Lai biết đúng thời để nói lời ấy. 

[4] Lời nói nào Như Lai biết là không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa thích, thì Như Lai không nói lời ấy. 

[5] Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa thích, thì Như Lai không nói lời ấy.

[6] Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa thích, ở đây, thì Như Lai biết đúng thời để nói lời nói ấy. Vì sao vậy? Vì Như Lai có lòng thương cảm các loài hữu tình.

MN 58

Hãy nói lên lời nói,
Không làm khổ cho mình,
Không làm hại người khác,
Lời nói ấy khéo nói.

Hãy nói lời khả ái,
Nói lời khiến hoan hỷ,
Không mang theo ác hại,
Khiến người khác ưa thích.

Sn 3.3

* SUY NGẪM VỀ LỜI NÓI – TRƯỚC KHI, TRONG KHI VÀ SAU KHI NÓI.

[Đức Phật dạy Rāhula (La-hầu-la)]

Khi muốn làm một khẩu nghiệp gì, hãy suy ngẫm như sau: “Khẩu nghiệp ta muốn làm có thể đưa đến hại mình, có thể đưa đến hại người khác, hay có thể đưa đến hại cả hai? Có phải khẩu nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ?” Nếu khi suy ngẫm, biết rằng khẩu nghiệp này có thể đưa đến hại mình, có thể đưa đến hại người khác, hay có thể đưa đến hại cả hai, đó là khẩu nghiệp bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ; khẩu nghiệp như thế nhất định không nên làm. Nhưng nếu khi suy ngẫm, biết rằng khẩu nghiệp này không đưa đến hại mình, không đưa đến hại người khác, hay không đưa đến hại cả hai, đó là khẩu nghiệp thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc; khẩu nghiệp như thế nhất định nên làm.

Khi đang làm một khẩu nghiệp gì, hãy suy ngẫm như sau: “Khẩu nghiệp ta đang làm có thể đưa đến hại mình, có thể đưa đến hại người khác, hay có thể đưa đến hại cả hai? Có phải khẩu nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ?” Nếu khi suy ngẫm, biết rằng khẩu nghiệp này có thể đưa đến hại mình, có thể đưa đến hại người khác, hay có thể đưa đến hại cả hai, đó là khẩu nghiệp bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ; khẩu nghiệp như thế nhất định nên từ bỏ. Nhưng nếu khi suy ngẫm, biết rằng khẩu nghiệp này không đưa đến hại mình, không đưa đến hại người khác, hay không đưa đến hại cả hai, đó là khẩu nghiệp thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc; khẩu nghiệp như thế nhất định nên tiếp tục.

Khi làm xong một khẩu nghiệp gì, hãy suy ngẫm như sau: “Khẩu nghiệp ta vừa làm xong có thể đưa đến hại mình, có thể đưa đến hại người khác, hay có thể đưa đến hại cả hai? Có phải khẩu nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ?” Nếu khi suy ngẫm, biết rằng khẩu nghiệp này có thể đưa đến hại mình, có thể đưa đến hại người khác, hay có thể đưa đến hại cả hai, đó là khẩu nghiệp bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ; khẩu nghiệp như thế cần phải được thưa lên, cần phải được tỏ lộ, cần phải được trình bày trước vị đạo sư hay trước các vị phạm hạnh có trí. Sau khi đã thưa lên, tỏ lộ, trình bày, cần phải phòng hộ trong tương lai. Nhưng nếu khi suy ngẫm, biết rằng khẩu nghiệp này không đưa đến hại mình, không đưa đến hại người khác, hay không đưa đến hại cả hai, đó là khẩu nghiệp thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc; nên an trú trong niềm hoan hỷ, tự mình tiếp tục tu học ngày đêm trong các thiện pháp.

–MN 61

* NHỮNG CUỘC ĐỐI THOẠI VỊ TỲ-KHƯU CÓ GIỚI HẠNH CẦN PHẢI TRÁNH

Có một số đạo sĩ, bà-la-môn tuy sống nhờ vật thực do tín đồ cúng dường nhưng vẫn thích nói những chuyện vô ích tầm thường như: chuyện về vua chúa, về ăn trộm, về các quan đại thần, về binh lính, về các hiểm nguy, về chiến tranh, về thức ăn, chuyện về thức uống, về y phục, về chỗ ở, về vòng hoa, về hương liệu,  về họ hàng, về xe cộ, về làng xóm, về thị tứ, về thành phố, về xứ sở, về đàn bà, về đàn ông, về các vị anh hùng, chuyện bên lề đường, chuyện tại chỗ lấy nước, chuyện về những người đã chết lúc trước, các chuyện linh tinh, chuyện tiên đoán về thế giới và biển cả, chuyện về được và mất. Còn vị tỳ-khưu có giới hạnh thì từ bỏ nói những chuyện vô ích, tầm thường đó. 

Có một số đạo sĩ, bà-la-môn tuy sống nhờ vật thực do tín đồ cúng dường, nhưng vẫn thích biện luận, tranh chấp và nói với nhau như: “Ông không biết pháp và luật này, tôi biết pháp và luật này. Làm sao mà ông có thể hiểu biết pháp và luật này? Ông đã hành sai pháp, tôi nói mới thật hành đúng pháp. Lời tôi nói là nhất quán, lời nói của ông không nhất quán. Điều đáng nói trước, ông lại nói sau. Điều đáng nói sau, ông lại nói trước. Những gì ông suy nghĩ bấy lâu nay là sai lầm. Quan điểm của ông đã bị bác bỏ. Ông đã bị đánh bại. Nên sửa đổi quan điểm của ông, hãy cố gắng thoát ra khỏi ngõ bí.” Còn vị tỳ-khưu có giới hạnh thì từ bỏ những cuộc biện luận, tranh chấp đó.

–DN 2

Này các tỳ-khưu, đừng nói những lời tranh luận như: “Ông không biết pháp và luật này, tôi biết pháp và luật này. Làm sao mà ông có thể hiểu biết pháp và luật này? Ông đã hành sai pháp, tôi nói mới thật hành đúng pháp. Lời tôi nói là nhất quán, lời nói của ông không nhất quán. Điều đáng nói trước, ông lại nói sau. Điều đáng nói sau, ông lại nói trước. Những gì ông suy nghĩ bấy lâu nay là sai lầm. Quan điểm của ông đã bị bác bỏ. Ông đã bị đánh bại. Nên sửa đổi quan điểm của ông, hãy cố gắng thoát ra khỏi ngõ bí.” 

Vì sao? Vì những tranh luận ấy không liên hệ đến mục đích, không phải là căn bản cho phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

Này các tỳ-khưu, nếu có đối thoại thì nên nói về Khổ, Khổ tập, Khổ diệt, và Con đường Diệt khổ. Vì sao? Vì các đối thoại đó có liên hệ đến mục đích, là căn bản cho phạm hạnh, đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

–SN 56.9

* MƯỜI ĐỀ TÀI ĐỂ ĐÀM LUẬN

Này các tỳ-khưu, có mười đề tài xứng đáng để đám luận. Mười đề tài ấy là gì? Đề tài về thiểu dục, về tri túc, về viễn ly, về không tụ hội, về tinh tấn, về giới đức, về thiền định, về trí tuệ, về giải thoát, về tri kiến giải thoát. Đó là mười đề tài xứng đáng để đàm luận. Nếu các ông tiếp tục đàm luận về mười đề tài này, các ông sẽ sáng chói hơn cả ánh sáng mạnh mẽ, chói chang của mặt trời và mặt trăng, du sĩ ngoại đạo khác không thể sánh bằng. 

–AN 10.69




Thursday 3 December 2020

Sách: Về quả vị DỰ LƯU - Trích lục kinh điển Pāli

Về quả vị DỰ LƯU - Trích lục kinh điển Pāli
Bình Anson biên soạn (2020).

Mời đến đọc hay tải về máy:
=> https://budsas.net/sach/vn114b.pdf

Tập hợp những bài kinh trích từ bốn bộ Nikaya (Trường, Trung, Tăng chi, Tương ưng) có liên quan trực tiếp đến quả vị giải thoát đầu tiên - quả vị Dự lưu. Các bài kinh này dựa theo bản Việt dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu, tôi hiệu đính lại, dựa theo hai bản Anh dịch của Bhikkhu Bodhi và Bhikkhu Sujato.

MỤC LỤC

Giới thiệu Tương ưng Dự lưu, Tỳ-khưu Bodhi

Phẩm I - Cổng tre, Kinh 55:1-10
Phẩm II – Một ngàn, hay vườn hoàng gia, Kinh 55:11-20
Phẩm III – Sarakāni, Kinh 55:21-30
Phẩm IV – Phước đức tràn đầy, Kinh 55:31-40
Phẩm V – Phước đức tràn đầy có kệ, Kinh 55:41-50
Phẩm VI – Người có trí tuệ, Kinh 55:51- 61
Phẩm VII – Đại trí tuệ, Kinh 55:62-74

Tương ưng Nhân Duyên
Tương ưng Thông đạt
Tương ưng Uẩn
Tương ưng Kiến
Tương ưng Nhập
Tương ưng Căn

Tăng chi bộ
Trung bộ
Trường bộ

*----------*



Sách: Về quả vị DỰ LƯU - Tuyển tập các bài viết

Về quả vị DỰ LƯU - Tuyển tập các bài viết
Bình Anson biên soạn (2020).

Tuyển tập các bài viết ngắn về quả vị Dự lưu, do tôi viết và dịch trong 20 năm qua. Mời đến đọc hay tải về máy:

=> https://budsas.net/sach/vn114a.pdf

MỤC LỤC

01. Về bốn quả Thánh
02. Quả Dự lưu: Tiến trình tu tập
03. Về quả vị Dự lưu
04. Về Thân kiến, Sakkāyadiṭṭhi
05. Về Hoài nghi, Vicikicchā
06. Về Giới cấm thủ, giới lễ nghi thủ - Sīlavata-parāmāsa
07. Bốn quả thánh: Vài thuật ngữ
08. Tóm lược về các hạng người
09. Làm thế nào để giác ngộ?
10. Thiền-na và đệ tử cư sĩ, theo các bài kinh Pāli

*--------------*



Bốn kỳ Đại hội Kết tập Kinh điển Phật giáo

 Hai chương cuối cùng của Tiểu phẩm, tạng Luật, ghi lại hai kỳ kết tập đầu tiên:

1) Đại hội Kết tập I: Năm trăm vị trưởng lão A-la-hán tụ hội tại Rajagaha (Vương Xá) trong mùa an cư sau khi đức Phật nhập diệt. Ngài Maha-Kassapa chủ trì, ngài Ananda trùng tuyên phần Kinh, ngài Upali trùng tuyên phần Luật. Chỉ thấy ghi ngài Ananda tuyên đọc năm bộ kinh. Không thấy đề cập gì đến A-tỳ-đàm (Abhidhamma, Vi diệu pháp).

Để giải thích nguồn gốc của A-tỳ-đàm, các luận sư về sau này cho rằng A-tỳ-đàm lúc ấy được xem như là một phần của Tiểu bộ.

2) Đại hội Kết tập II: Bảy trăm vị trưởng lão tụ hội tại Vesali, 100 năm sau khi đức Phật nhập diệt. Ngài Revata chủ trì, ngài Sabbakami giải thích về Luật. Không thấy đề cập gì đến A-tỳ-đàm (Vi diệu pháp).

*

3) Dựa theo các chú giải và sử liệu của Sri Lanka, Đại hội Kết tập III được ghi là xảy ra trong triều đại vua A-dục của nước Ấn Độ, vào khoảng thế kỷ 3 trước Tây lịch. Kết tập tại Pataliputta (Hoa Thị Thành, ngày nay là Patna). Ngài Moggaliputta Tissa chủ trì, và đưa vào bộ Kathavatthu (Ngữ tông). Không thấy đề cập gì đến các bộ khác của tạng A-tỳ-đàm.

4) Đại hội Kết tập IV được tổ chức tại Alu Vihara (Matale) ở Đảo quốc Sri Lanka vào triều đại vua Vattagamani-Abhaya, thế kỷ 1 trước Tây lịch. Đây là lần đầu tiên kinh điển được viết xuống lá buông. Đầy đủ ba tạng kinh điển (Kinh, Luật, A-tỳ-đàm) được kết tập.

Do đó, nhiều học giả nghiên cứu lịch sử kinh điển Phật giáo nhận định rằng có lẽ các ý tưởng về A-tỳ-đàm bắt đầu xuất hiện trong thời kỳ phân chia bộ phái, dần dần phát triển trong thời gian khoảng 300 năm, và đúc kết lại trước khi có Đại hội Kết tập IV.

* * *



Saturday 28 November 2020

LỢI ÍCH CỦA TÂM TỪ (Mettā, Loving-kindness)

 TÂM TỪ (AN 11.15)

Này các tỳ-khưu, tâm Từ đưa đến giải thoát được thực hành, được tu tập, được làm cho sung mãn, được tác thành cỗ xe, được tác thành căn cứ địa, được tiếp tục an trú, được tích tập, được khéo khởi sự, thì sẽ có được mười một lợi ích. Thế nào là mười một?

(1) Ngủ an lạc, (2) thức dậy an lạc, (3) ngủ không ác mộng, (4) được loài người ái mộ, (5) được phi nhân ái mộ, (6) chư thiên bảo hộ, (7) không bị lửa, thuốc độc, gươm đao xúc chạm, (8) tâm được định mau chóng, (9) sắc mặt trong sáng, (10) mệnh chung không hôn ám, (11) nếu chưa thể nhập thượng pháp (A-la-hán quả) thì được sinh lên cõi trời Phạm thiên.

Này các tỳ-khưu, tâm Từ đưa đến giải thoát được thực hành, được tu tập, được làm cho sung mãn, được tác thành cỗ xe, được tác thành căn cứ địa, được tiếp tục an trú, được tích tập, được khéo khởi sự, thì sẽ có được mười một lợi ích nầy.

*---*---*

CÁC LỢI ÍCH CỦA TÂM TỪ
Hòa thượng Narada giảng giải

Có nhiều quả phúc do tâm Từ đem lại, như Đức Phật đã dạy trong bài kinh Tâm Từ (AN 11.15):

1. Người có tâm Từ luôn luôn ngủ được an vui. Ngủ với tâm trạng thư thái, không giận hờn, không lo âu sợ sệt, tự nhiên giấc ngủ sẽ đến dễ dàng. Mỗi người đều có thể kinh nghiệm. Người có tâm Từ nhắm mắt là ngủ, và ngủ ngon lành.

2. Khi ngủ với tâm an lành, tự nhiên lúc tỉnh giấc, thức dậy với tâm an lành, với gương mặt vui vẻ.

3. Người có tâm Từ không có chiêm bao mộng mị, không thấy những điều xấu xa, ghê tợn. Dù có nằm mộng cũng thấy điều lành.

4. Người có tâm Từ đối với kẻ khác, tất nhiên sẽ gặt hái những tình cảm ưu ái của mọi người. Khi nhìn vào gương, nếu mặt ta vui vẻ hiền lành, phản ánh của nó sẽ hiền lành vui vẻ. Trái lại, nếu mặt ta cau có quạu quọ, phản ánh của nó ắt cũng cau có quạu quọ. Cùng thế ấy, thế gian bên ngoài là phản ánh của những hành vi, tư tưởng thiện hay ác của con người.

5. Người có tâm Từ chắc chắn là bạn thân của nhân loại mà cũng là bạn thân của tất cả chúng sanh. Loài cầm thú cũng lấy làm vui thích được sống gần những bậc hiền nhân đạo đức. Các vị tu sĩ sống đơn độc một mình ở chốn rừng sâu, giữa đám sài lang hổ bao, chỉ nhờ có tâm Từ để tự bảo vệ. Đức Phật có lần nói rằng:

"Như Lai sống trên một ngọn núi, giữa đám sư tử, cọp, beo, nai hươu, các thứ, giữa rừng rậm cỏ hoang. Không một con vật nào sợ Như Lai mà Như Lai cũng không sợ con vật nào. Chính nhờ oai lực của tâm Từ nâng đỡ, bảo vệ và giúp Như Lai sống yên ổn."

6. Khi thực hành đúng mức, tâm Từ có khả năng đổi dữ ra lành. Thuốc độc không hại được người có tâm Từ, ngoại trừ trường hợp người ấy phải trả một nghiệp xấu đã tạo trong quá khứ. Tâm Từ giúp hành giả thêm sức khỏe và ngăn ngừa những ảnh hưởng xấu xa từ bên ngoài. Tư tưởng độc ác đầu độc con người. Tư tưởng trong sạch giúp con người trở nên lành mạnh.

Kinh sách có chép lại chuyện bà Suppiya, một tín nữ giàu lòng bi mẫn và có tâm đạo nhiệt thành. Bà Suppiya mang một vết thương nặng trên vế. Hôm nọ, Đức Phật đi bát đến trước nhà, được chồng bà cho biết rằng bà đang lâm bệnh không thể ra đảnh lễ Ngài. Đức Phật bảo cứ đưa bà ra. Bà cố gắng đi lần ra cửa. Vừa thấy mặt Đức Phật, vết thương bà bỗng dưng lành lại, bà trở nên khỏe mạnh như thường. Chính lòng thành kính trong sạch của bà khi được diện kiến Đức Phật, hợp với năng lực của tâm Từ mà Đức Phật rải đến, đã cứu bà khỏi bệnh.

Một đoạn kinh khác thuật rằng khi Đức Phật trở về quê nhà lần đầu tiên, con Ngài là Rahula (La-hầu-la), lúc ấy vừa lên bảy, đến gần Ngài và bạch:

"Bạch đức Sa Môn, chỉ cái bóng của Ngài cũng đủ làm con mát mẽ lạ thường."

Tâm Từ của Đức Phật bao trùm lấy cậu bé Rahula và có một năng lực hấp dẫn mạnh mẽ làm cho cậu vô cùng cảm kích.

7. Người có tâm Từ luôn luôn được chư thiên hộ trì.

8. Tâm Từ được an trụ dễ dàng, vì không bị những tư tưởng trái ngược khuấy động. Với tâm thanh bình an lạc, người có tâm Từ sẽ sống ở cõi trời, và cõi trời ấy chính ta tạo ta. Chí đến những ai lân cận tiếp xúc với người có tâm Từ cũng chứng nghiệm được phước lành ấy.

Người có tâm Từ gương mặt tươi sáng vì gương mặt là phản ánh của nội tâm. Lúc giận, máu trong cơ thể chạy mau gấp đôi ba lần lúc bình thường, trở nên nóng, dồn lên làm đỏ mặt tía tai. Tâm Từ trái lại làm loại cho tinh thần vui vẻ, thân có cảm giác thoải mái an lành, máu được thanh lọc trong sạch và gương mặt hiền từ dễ mến. Kinh sách chép rằng sau khi Ngài Bồ Tát thành tựu Đạo Quả Phật, trong lúc ngồi tham thiền, suy luận về pháp Nhân Quả Tương Quan (Patthana), tâm hoàn toàn an trụ và máu trong cơ thể tuyệt đối thanh tịnh. Lúc ấy, từ bên trong pháp thân Ngài phát tủa ra những ánh hào quang xanh, vàng, đỏ, trắng, màu cam và màu chói sáng, bao phủ lấy Ngài.

10. Người có tâm Từ đến lúc lìa đời cũng được an vui, vì trong lòng không chứa chấp tư tưởng sân hận. Sau khi tắt thở, gương mặt tươi tỉnh ấy là phản ánh của sự ra đi vui vẻ an toàn.

11. Chết an vui, người có tâm Từ sẽ tái sinh vào cảnh giới nhàn lạc. Nếu đã đắc thiền-na (jhana), người ấy sẽ tái sinh vào cảnh giới của Phạm thiên.

* * *

Theo Hoà thượng Narada trong quyển Ðức Phật và Phật Pháp, bản Việt dịch của Phạm Kim Khánh, thì Phạn ngữ Mettā dịch là "Tâm Từ", và Mettā Sutta dịch là "Kinh Từ Bi". Mettā là cái gì làm cho lòng ta êm dịu, là tâm trạng của một người bạn tốt, là lòng ước mong chân thành cho tất cả chúng sinh đều được sống an lành vui vẻ."

"So sánh tâm Từ với tình mẫu tử trong kinh Từ Bi, Ðức Phật không đề cập đến lòng trìu mến thương yêu (passionate love) ít nhiều vị kỷ của người mẹ. Ðức Phật chỉ nhằm vào sự mong mỏi chân thành của bà mẹ hiền muốn cho đứa con duy nhất của mình được sống an lành. Trìu mến thương yêu đem lại phiền não. Tâm từ chỉ tạo an lành hạnh phúc.

"Ðây là một điểm tế nhị mà ta không nên hiểu lầm. Cha mẹ thương yêu, trìu mến con, con thương yêu cha mẹ, chồng thương yêu vợ, vợ thương yêu chồng. Tình luyến ái giữa những người thân yêu là lẽ thường, là một sự kiện tự nhiên. Thế gian không thể tồn tại được nếu không có tình thương. Nhưng tình thương luôn luôn ích kỷ, hẹp hòi, không so sánh được với tâm Từ là tình thương đồng đều đối với tất cả chúng sinh trong vũ trụ bao la. Do đó tâm Từ không đồng nghĩa với tình thương yêu ích kỷ.

"Tâm Từ (Mettā) không phải sự yêu thương xác thịt, cũng không phải lòng luyến ái đối với người nào. Tình dục và luyến ái là nguồn gốc của bao điều phiền não.

"Tâm Từ cũng không phải là tình thương riêng biệt đối với người láng giềng, bởi vì người có tâm từ không phân biệt người thân kẻ sơ.

"Tâm Từ không phải chỉ là tình huynh đệ rộng rãi giữa người và người, mà phải bao trùm tất cả chúng sinh, không trừ bỏ một sinh vật nhỏ bé nào, bởi vì loài cầm thú, các người bạn xấu số của chúng ta, cũng cần nhiều đến sự giúp đỡ và tình thương của chúng ta.

"Tâm Từ cũng không phải là tình đồng chí, không phải tình đồng chủng, không phải tình đồng hương, cũng không phải tình đồng đạo.

"Tâm Từ êm dịu vượt hẳn lên trên các thứ tình hẹp hòi ấy. Phạm vi hoạt động của tâm Từ không bờ bến, không biên cương, không hạn định. Tâm Từ không có bất luận một loại kỳ thị nào. Nhờ tâm Từ mà ta có thể xem tất cả chúng sinh là bạn hữu, và khắp nơi trên thế gian như chỗ chôn nhau cắt rún.

"Tựa hồ như ánh sáng mặt trời bao trùm vạn vật, tâm Từ cao thượng rải khắp đồng đều phước lành thâm diệu cho mọi người, thân cũng như sơ, bạn cũng như thù, không phân biệt giầu nghèo, sang hèn, nam nữ, hư hèn hay đạo đức, người hay thú.

"Người thực hiện tâm Từ đến mức cùng tột sẽ thấy mình đồng hóa với tất cả chúng sinh, không còn sự khác biệt giữa mình và người. Cái gọi là "ta" lần lần mở rộng lan tràn cùng khắp càn khôn vạn vật. Mọi sự chia rẽ đều tiêu tan, biến mất như đám sương mờ trong nắng sáng. Vạn vật trở thành một, đồng thể, đồng nhất.

*---*---*

Tăng Nhất A-hàm
Chương Mười Pháp, Phẩm Phóng Ngưu
Hòa thượng Thích Đức Thắng dịch, Hòa thượng Tuệ Sỹ hiệu chính và chú thích

KINH SỐ 10 (EĀ 49.10)

Tôi nghe như vầy. Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà. Bấy giờ Thế Tôn nói với các tỳ-khưu:

“Nếu chúng sinh nào tu hành từ tâm giải thoát, quảng bố ý nghĩa ấy, diễn nói cho người khác nghe, sẽ thu hoạch được mười một quả báo. Những gì là mười một? Nằm ngủ yên, tỉnh giấc yên, không thấy ác mộng, chư thiên hộ vệ, mọi người yêu mến, không bị độc, không bị binh đao, không bị nước, lửa, giặc cướp; thảy đều không bị xâm hại; sau khi thân hoại mạng chung sinh lên trời Phạm thiên. Đó gọi là tỳ-khưu tu hành từ tâm sẽ có được mười một phước này.”

Rồi Thế Tôn nói bài kệ:

Nếu ai hành Từ tâm,
Cũng không hành phóng dật;
Các kết dần dần đoạn,
Rồi thấy được dấy đạo.

Do hành từ tâm này,
Sẽ sinh lên Phạm thiên;
Nhanh chóng được diệt độ,
Cuối cùng đến Vô vi.

Tâm không sát, không hại,
Cũng không ý hơn thua;
Hành Từ đến tất cả,
Không hề tâm oán hận.

“Cho nên, tỳ-khưu, hãy tìm cầu phương tiện hành nơi từ tâm, quảng bố nghĩa ấy. Như vậy, tỳ-khưu, hãy học điều này.”

Bấy giờ các tỳ-khưu nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

Ghi chú: So với bản Pāli, bản nầy thiếu những lợi ích: được phi nhân ái mộ, tâm được định mau chóng, sắc mặt trong sáng, mệnh chung không hôn ám. Để cho đủ 11 lợi ích, có lẽ người dịch kinh phân chia lợi ích “không bị độc, không bị binh đao, không bị nước, lửa, giặc cướp; thảy đều không bị xâm hại” thành các lợi ích riêng rẽ. -- (Bình Anson, 11/05/2018)

*---*---*

KINH TÂM TỪ (Mettā Sutta, Sn 1.8)
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch

Người hằng mong thanh tịnh:
Nên thể hiện pháp lành,
Có khả năng, chất phác,
Hiền hòa, không kiêu mạn.

Sống dễ dàng, tri túc,
Thanh đạm không rộn ràng,
Lục căn luôn trong sáng,
Trí tuệ càng hiển minh

Chuyên cần, không quyến niệm,
Không làm điều ác nhỏ,
Mà bậc trí hiền chê,
Nguyện thái bình an lạc,
Nguyện tất cả sinh linh,
Tràn đầy muôn hạnh phúc.

Chúng sinh dù yếu mạnh,
Lớn nhỏ hoặc trung bình,
Thấp cao không đồng đẳng,
Hết thảy chúng hữu tình,
Lòng từ không phân biệt,
Hữu hình hoặc vô hình.
Đã sinh hoặc chưa sinh,
Gần xa không kể xiết.
Nguyện tất cả sinh linh,
Tràn đầy muôn hạnh phúc.

Đừng lừa đảo lẫn nhau,
Chớ bất mãn điều gì,
Đừng mong ai đau khổ,
Vì tâm niệm sân si,
Hoặc vì nuôi oán tưởng.

Hãy mở rộng tình thương,
Hy sinh như từ mẫu,
Suốt đời lo che chở,
Đứa con một của mình,

Hãy phát tâm vô lượng,
Đến tất cả sinh linh.
Tâm Từ gieo cùng khắp,
Cả thế gian khổ ải,
Trên dưới và quanh mình,
Không hẹp hòi oan trái,
Không hờn giận căm thù.

Khi đi, đứng, ngồi, nằm,
Bao giờ còn thức tỉnh,
Giữ niệm từ bi nầy,
Thân tâm thường thanh tịnh,
Phạm hạnh chính là đây.

Ai xả ly kiến thủ,
Có giới hạnh nghiêm trì,
Đạt Chánh trí viên mãn,
Không ái nhiễm dục trần,
Thoát ly đường sinh tử.

*---*---*



Tuesday 24 November 2020

Bhikkhu ANĀLAYO (1962-)

Hơn 15 năm trước, trong một diễn đàn Phật giáo quốc tế trên Internet có người giới thiệu một cuốn sách về Satipaṭṭhāna (lập niệm, niệm xứ) của một vị sư người Đức. Nhiều thành viên của diễn đàn, trong số đó có vài vị sư Âu Mỹ, khen ngợi về nội dung cuốn sách, phân tích chi tiết bài kinh Niệm xứ (kinh số 10, Trung bộ ) và áp dụng vào pháp hành thiền. Tò mò, tôi đặt mua cuốn sách qua mạng và đọc thử. Từ đó, cuốn sách nầy là một trong những cuốn sách tôi tham khảo thường xuyên. Cho đến bây giờ, thành thật mà nói, tôi cũng chưa dám chắc là tôi hoàn toàn thẩm thấu những gì trình bày trong cuốn sách đó.

Cuốn sách là một phiên bản luận án tiến sĩ của Bhikkhu Anālayo tại Đại học Peradeniya, Sri Lanka, với tựa đề “Satipaṭṭhāna, the Direct Path to Realization” (Niệm xứ, con đường trực tiếp đưa đến thực chứng), đầu tiên xuất bản năm 2003 và được tái bản nhiều lần tại Anh quốc, Đài Loan và Thái Lan. Cuốn sách cũng đã được dịch sang 10 thứ tiếng, và đã được cư sĩ Nguyễn Văn Ngân dịch sang tiếng Việt, tựa đề “Satipaṭṭhāna -Con Đường Thẳng Tới Chứng Ngộ” , xuất bản ấn tống tại Sài Gòn vào cuối năm 2018.

Tôi học được rất nhiều sau khi đọc cuốn sách đó và theo dõi các bài tham luận của Sư đăng trên các tập san Phật giáo cùng các mục từ chuyên môn mà Sư đã đóng góp cho các bộ từ điển bách khoa Phật giáo. Tôi cũng theo dõi các bài pháp thoại của sư và loạt bài giảng về kinh Trung bộ phổ biến trên Youtube và trong trang web khoa Phật học của Đại học Hamburg, Đức quốc. Mặc dù chưa từng tiếp xúc trực tiếp, tôi rất tri ân Sư về những bài giảng đó, phân tích tỉ mỉ có logic, với phần ghi chú và tài liệu tham khảo rõ ràng trong tinh thần học thuật nghiêm túc.

Sau khi học xong chương trình tiến sĩ ở Sri Lanka, Sư trở về Đức dạy học và tiếp tục công trình nghiên cứu. Sư tự học tiếng Hán và bắt đầu nghiên cứu, dịch và giới thiệu bộ kinh A-hàm của Hán tạng. Từ đó, ngoài các bản dịch Trung A-hàm và Tạp A-hàm, Sư viết nhiều bài tham luận, so sánh đối chiếu một số bài kinh trong A-hàm và Nikāya. Tôi rất ấn tượng khi đọc một bài tham luận của Sư với tựa đề “Trung A-hàm trong Hán tạng và Trung bộ trong Nikāya – Đi theo vết chân của Thích Minh Châu” (The Chinese Madhyama-āgama and the Pāli Majjhima-nikāya - In the Footsteps of Thich Minh Chau). Điều nầy nói lên tính khiêm nhượng của Sư là chỉ tiếp tục và khai triển dựa theo công trình tiên phong của ngài Hòa thượng Thích Minh Châu.

Ngoài việc dạy học và nghiên cứu – Sư đã cho xuất bản 18 cuốn sách và hằng trăm bài tham luận, Sư còn là một thiền sư. Sư bắt đầu tu thiền từ khi còn là một cư sĩ trẻ, theo trường phái Vipassana của ngài thiền sư U Ba Khin, Miến Điện. Hiện nay, mỗi năm Sư được thỉnh mời đến nhiều nơi ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á để hướng dẫn các khóa tu thiền.

Tôi cảm thấy gần gũi với những gì Sư viết và giảng. Có tính học thuật nghiêm túc nhưng đồng thời cũng có các hướng dẫn thực tế áp dụng vào công phu hành thiền. Các ý tưởng trình bày đều có tính khoa học và khách quan, không thiên vị một tông môn, tông phái nào – Nam tông, Bắc tông hay Mật tông, mặc dù Sư là một tu sĩ Theravāda. Thêm vào đó, Sư là một trong những vị tỳ-khưu nhiệt tình ủng hộ việc tái lập dòng Tỳ-khưu-ni Theravāda với những bài tham luận phân tích sâu sắc, có tính thuyết phục.

Tôi thường tâm sự với các bạn đạo rằng Sư là một trong những vị tu sĩ Phật giáo đặc biệt, hiếm có trong thế kỷ 21 của chúng ta. Một vị tu sĩ giỏi pháp học lẫn pháp hành – một nhà học giả mà cũng là một vị thiền sư, một vị tu sĩ giỏi ngôn ngữ hiện đại (Anh, Đức) lẫn ngôn ngữ cổ xưa (Pāli, Sanskrit, Hán cổ), một vị tu sĩ có tầm nhìn rộng và khách quan về giá trị của các nguồn kinh điển và các truyền thống Phật giáo.

Có thể xem thêm danh sách các tác phẩm và các bài tham luận của Sư, đồng thời, có thể tải về một số tài liệu nầy, tại trang web:

https://www.buddhismuskunde.uni-hamburg.de/en/personen/analayo.htm

* Ghi thêm đôi dòng tiểu sử:

Tỳ-khưu Anālayo sinh năm 1962 tại Đức quốc và xuất gia tại Sri Lanka năm 1995. Sư hoàn tất chương trình Tiến sĩ tại Đại học Peradeniya, Sri Lanka, năm 2000. Luận án được xuất bản tại Anh quốc năm 2003. Trở về Đức, Sư tiếp tục chương trình nghiên cứu hậu tiến sĩ tại Đại học Marburg, trong đó, Sư nghiên cứu so sánh đôi chiếu các bài kinh Pāli trong Trung bộ với các kinh tương đương trong A-hàm Hán tạng, Sanskrit và tiếng Tây Tạng. Sư là giáo sư Phật học tại Đại học Hamburg và là thành viên của Trung tâm Phật học Numata. Sư cũng là nhà nghiên cứu tại trường Cao đẵng Phật học Dharma Drum (Phật Cổ), Đài Loan. Hiện nay, Sư là giảng sư tại Trung tâm Phật học Barre, Massachusetts, Hoa Kỳ. Ngoài các hoạt động nghiên cứu Phật học, Sư thường xuyên hướng dẫn các khóa thiền.

Pháp danh ANĀLAYO dịch sang tiếng Hán là 無著 (Vô Trước - không vướng mắc, không chấp trước), tiếng Sanskrit là ASAṄGA, cũng là tên của một vị Luận sư Đại thừa nổi tiếng của Ấn Độ trong khoảng thế kỷ IV.

* * *




Wednesday 28 October 2020

Abhidhamma: Nhiều tên gọi

 Theo Từ điển Pali trực tuyến, Pāḷi Dictionary, từ "Abhidhamma" có nhiều tên gọi trong tiếng Hán:

A-tỳ-đạt-ma 阿毘達磨, A-tỳ-đàm 阿毘曇, Tỳ-đàm 毘曇 (毗曇), Đối pháp 對法, Thắng pháp 勝法, Siêu thắng đích pháp 超勝的法, Luận 論. Trong đó:

Abhi: siêu thắng 超勝; đối 對
Dhamma: pháp 法

Riêng cá nhân tôi, khi dịch các tài liệu tiếng Anh sang tiếng Việt, mỗi khi dịch từ "Abhidhamma", ngày trước tôi thường dùng từ "Thắng pháp", nhưng về sau nầy, tôi chọn lối phiên âm là "A-tỳ-đàm". Thỉnh thoảng, để thích nghi với khuynh hướng của số đông hiện nay, tôi cũng dùng từ "Vi diệu pháp".

Theo tôi biết (có thể sai sót), từ "Vi diệu pháp" đầu tiên do ngài Hòa thượng Tịnh Sự dùng để dịch từ Abhidhamma và ngày nay trở thành một từ phổ thông trong cộng đồng Phật giáo Nam truyền ở Việt Nam. Từ "Vô tỷ pháp" cũng thấy được dùng trong vài cuốn sách khác. Tôi tìm qua Google từ Hán tương đương 微妙法 (Vi diệu pháp) thì không thấy có tài liệu tiếng Hán nào sử dụng từ này.

Trong các quốc gia Á châu khác, đa số chỉ phiên âm từ Abhidhamma/Abhidharma mà không dịch ra tiếng địa phương. Theo Wikipedia:

Bengali: অভিধর্ম্ম (ôbhidhôrmmô)
Burmese: အဘိဓမ္မာ (əbḭdəmà)
Khmer: អភិធម្ម (aphithorm)
Sinhala: අභිධර්ම (abhidharma)
Tibetan: ཆོས་མངོན་པ་མཛོད།
Thai: อภิธรรม (aphitham)

Chinese: 阿毗達磨 (āpídámó, a-tỳ-đạt-ma)
Japanese: 阿毘達磨 (abidatsuma)
Korean: 아비달마, 阿毗達磨 (abidalma)

* Nguồn:

1) https://en.wikipedia.org/wiki/Abhidharma

2) http://palidictionary.appspot.com/browse/a/abhidhamma

* Ghi thêm:

Quyển luận Abhidhammattha-sangaha của Luận sư Anuruddha (thế kỷ 11 hoặc 12) được Bhikkhu Bodhi biên dịch sang tiếng Anh với tựa đề “A Comprehensive Manual of Abhidhamma”, Bhikkhu Dhammagavesaka dịch sang tiếng Hán với tựa đề “A-tỳ-đạt-ma Khái yếu Tinh giải” 阿毗達摩概要精解. Trước đó, dựa theo bản Anh dịch của Hòa thượng Narada (A Manual of Abhidhamma), Hòa thượng Thích Minh Châu dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Thắng pháp Tập yếu Luận”, bác Phạm Kim Khánh dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Vi diệu pháp Toát yếu”.