Saturday 28 November 2020

LỢI ÍCH CỦA TÂM TỪ (Mettā, Loving-kindness)

 TÂM TỪ (AN 11.15)

Này các tỳ-khưu, tâm Từ đưa đến giải thoát được thực hành, được tu tập, được làm cho sung mãn, được tác thành cỗ xe, được tác thành căn cứ địa, được tiếp tục an trú, được tích tập, được khéo khởi sự, thì sẽ có được mười một lợi ích. Thế nào là mười một?

(1) Ngủ an lạc, (2) thức dậy an lạc, (3) ngủ không ác mộng, (4) được loài người ái mộ, (5) được phi nhân ái mộ, (6) chư thiên bảo hộ, (7) không bị lửa, thuốc độc, gươm đao xúc chạm, (8) tâm được định mau chóng, (9) sắc mặt trong sáng, (10) mệnh chung không hôn ám, (11) nếu chưa thể nhập thượng pháp (A-la-hán quả) thì được sinh lên cõi trời Phạm thiên.

Này các tỳ-khưu, tâm Từ đưa đến giải thoát được thực hành, được tu tập, được làm cho sung mãn, được tác thành cỗ xe, được tác thành căn cứ địa, được tiếp tục an trú, được tích tập, được khéo khởi sự, thì sẽ có được mười một lợi ích nầy.

*---*---*

CÁC LỢI ÍCH CỦA TÂM TỪ
Hòa thượng Narada giảng giải

Có nhiều quả phúc do tâm Từ đem lại, như Đức Phật đã dạy trong bài kinh Tâm Từ (AN 11.15):

1. Người có tâm Từ luôn luôn ngủ được an vui. Ngủ với tâm trạng thư thái, không giận hờn, không lo âu sợ sệt, tự nhiên giấc ngủ sẽ đến dễ dàng. Mỗi người đều có thể kinh nghiệm. Người có tâm Từ nhắm mắt là ngủ, và ngủ ngon lành.

2. Khi ngủ với tâm an lành, tự nhiên lúc tỉnh giấc, thức dậy với tâm an lành, với gương mặt vui vẻ.

3. Người có tâm Từ không có chiêm bao mộng mị, không thấy những điều xấu xa, ghê tợn. Dù có nằm mộng cũng thấy điều lành.

4. Người có tâm Từ đối với kẻ khác, tất nhiên sẽ gặt hái những tình cảm ưu ái của mọi người. Khi nhìn vào gương, nếu mặt ta vui vẻ hiền lành, phản ánh của nó sẽ hiền lành vui vẻ. Trái lại, nếu mặt ta cau có quạu quọ, phản ánh của nó ắt cũng cau có quạu quọ. Cùng thế ấy, thế gian bên ngoài là phản ánh của những hành vi, tư tưởng thiện hay ác của con người.

5. Người có tâm Từ chắc chắn là bạn thân của nhân loại mà cũng là bạn thân của tất cả chúng sanh. Loài cầm thú cũng lấy làm vui thích được sống gần những bậc hiền nhân đạo đức. Các vị tu sĩ sống đơn độc một mình ở chốn rừng sâu, giữa đám sài lang hổ bao, chỉ nhờ có tâm Từ để tự bảo vệ. Đức Phật có lần nói rằng:

"Như Lai sống trên một ngọn núi, giữa đám sư tử, cọp, beo, nai hươu, các thứ, giữa rừng rậm cỏ hoang. Không một con vật nào sợ Như Lai mà Như Lai cũng không sợ con vật nào. Chính nhờ oai lực của tâm Từ nâng đỡ, bảo vệ và giúp Như Lai sống yên ổn."

6. Khi thực hành đúng mức, tâm Từ có khả năng đổi dữ ra lành. Thuốc độc không hại được người có tâm Từ, ngoại trừ trường hợp người ấy phải trả một nghiệp xấu đã tạo trong quá khứ. Tâm Từ giúp hành giả thêm sức khỏe và ngăn ngừa những ảnh hưởng xấu xa từ bên ngoài. Tư tưởng độc ác đầu độc con người. Tư tưởng trong sạch giúp con người trở nên lành mạnh.

Kinh sách có chép lại chuyện bà Suppiya, một tín nữ giàu lòng bi mẫn và có tâm đạo nhiệt thành. Bà Suppiya mang một vết thương nặng trên vế. Hôm nọ, Đức Phật đi bát đến trước nhà, được chồng bà cho biết rằng bà đang lâm bệnh không thể ra đảnh lễ Ngài. Đức Phật bảo cứ đưa bà ra. Bà cố gắng đi lần ra cửa. Vừa thấy mặt Đức Phật, vết thương bà bỗng dưng lành lại, bà trở nên khỏe mạnh như thường. Chính lòng thành kính trong sạch của bà khi được diện kiến Đức Phật, hợp với năng lực của tâm Từ mà Đức Phật rải đến, đã cứu bà khỏi bệnh.

Một đoạn kinh khác thuật rằng khi Đức Phật trở về quê nhà lần đầu tiên, con Ngài là Rahula (La-hầu-la), lúc ấy vừa lên bảy, đến gần Ngài và bạch:

"Bạch đức Sa Môn, chỉ cái bóng của Ngài cũng đủ làm con mát mẽ lạ thường."

Tâm Từ của Đức Phật bao trùm lấy cậu bé Rahula và có một năng lực hấp dẫn mạnh mẽ làm cho cậu vô cùng cảm kích.

7. Người có tâm Từ luôn luôn được chư thiên hộ trì.

8. Tâm Từ được an trụ dễ dàng, vì không bị những tư tưởng trái ngược khuấy động. Với tâm thanh bình an lạc, người có tâm Từ sẽ sống ở cõi trời, và cõi trời ấy chính ta tạo ta. Chí đến những ai lân cận tiếp xúc với người có tâm Từ cũng chứng nghiệm được phước lành ấy.

Người có tâm Từ gương mặt tươi sáng vì gương mặt là phản ánh của nội tâm. Lúc giận, máu trong cơ thể chạy mau gấp đôi ba lần lúc bình thường, trở nên nóng, dồn lên làm đỏ mặt tía tai. Tâm Từ trái lại làm loại cho tinh thần vui vẻ, thân có cảm giác thoải mái an lành, máu được thanh lọc trong sạch và gương mặt hiền từ dễ mến. Kinh sách chép rằng sau khi Ngài Bồ Tát thành tựu Đạo Quả Phật, trong lúc ngồi tham thiền, suy luận về pháp Nhân Quả Tương Quan (Patthana), tâm hoàn toàn an trụ và máu trong cơ thể tuyệt đối thanh tịnh. Lúc ấy, từ bên trong pháp thân Ngài phát tủa ra những ánh hào quang xanh, vàng, đỏ, trắng, màu cam và màu chói sáng, bao phủ lấy Ngài.

10. Người có tâm Từ đến lúc lìa đời cũng được an vui, vì trong lòng không chứa chấp tư tưởng sân hận. Sau khi tắt thở, gương mặt tươi tỉnh ấy là phản ánh của sự ra đi vui vẻ an toàn.

11. Chết an vui, người có tâm Từ sẽ tái sinh vào cảnh giới nhàn lạc. Nếu đã đắc thiền-na (jhana), người ấy sẽ tái sinh vào cảnh giới của Phạm thiên.

* * *

Theo Hoà thượng Narada trong quyển Ðức Phật và Phật Pháp, bản Việt dịch của Phạm Kim Khánh, thì Phạn ngữ Mettā dịch là "Tâm Từ", và Mettā Sutta dịch là "Kinh Từ Bi". Mettā là cái gì làm cho lòng ta êm dịu, là tâm trạng của một người bạn tốt, là lòng ước mong chân thành cho tất cả chúng sinh đều được sống an lành vui vẻ."

"So sánh tâm Từ với tình mẫu tử trong kinh Từ Bi, Ðức Phật không đề cập đến lòng trìu mến thương yêu (passionate love) ít nhiều vị kỷ của người mẹ. Ðức Phật chỉ nhằm vào sự mong mỏi chân thành của bà mẹ hiền muốn cho đứa con duy nhất của mình được sống an lành. Trìu mến thương yêu đem lại phiền não. Tâm từ chỉ tạo an lành hạnh phúc.

"Ðây là một điểm tế nhị mà ta không nên hiểu lầm. Cha mẹ thương yêu, trìu mến con, con thương yêu cha mẹ, chồng thương yêu vợ, vợ thương yêu chồng. Tình luyến ái giữa những người thân yêu là lẽ thường, là một sự kiện tự nhiên. Thế gian không thể tồn tại được nếu không có tình thương. Nhưng tình thương luôn luôn ích kỷ, hẹp hòi, không so sánh được với tâm Từ là tình thương đồng đều đối với tất cả chúng sinh trong vũ trụ bao la. Do đó tâm Từ không đồng nghĩa với tình thương yêu ích kỷ.

"Tâm Từ (Mettā) không phải sự yêu thương xác thịt, cũng không phải lòng luyến ái đối với người nào. Tình dục và luyến ái là nguồn gốc của bao điều phiền não.

"Tâm Từ cũng không phải là tình thương riêng biệt đối với người láng giềng, bởi vì người có tâm từ không phân biệt người thân kẻ sơ.

"Tâm Từ không phải chỉ là tình huynh đệ rộng rãi giữa người và người, mà phải bao trùm tất cả chúng sinh, không trừ bỏ một sinh vật nhỏ bé nào, bởi vì loài cầm thú, các người bạn xấu số của chúng ta, cũng cần nhiều đến sự giúp đỡ và tình thương của chúng ta.

"Tâm Từ cũng không phải là tình đồng chí, không phải tình đồng chủng, không phải tình đồng hương, cũng không phải tình đồng đạo.

"Tâm Từ êm dịu vượt hẳn lên trên các thứ tình hẹp hòi ấy. Phạm vi hoạt động của tâm Từ không bờ bến, không biên cương, không hạn định. Tâm Từ không có bất luận một loại kỳ thị nào. Nhờ tâm Từ mà ta có thể xem tất cả chúng sinh là bạn hữu, và khắp nơi trên thế gian như chỗ chôn nhau cắt rún.

"Tựa hồ như ánh sáng mặt trời bao trùm vạn vật, tâm Từ cao thượng rải khắp đồng đều phước lành thâm diệu cho mọi người, thân cũng như sơ, bạn cũng như thù, không phân biệt giầu nghèo, sang hèn, nam nữ, hư hèn hay đạo đức, người hay thú.

"Người thực hiện tâm Từ đến mức cùng tột sẽ thấy mình đồng hóa với tất cả chúng sinh, không còn sự khác biệt giữa mình và người. Cái gọi là "ta" lần lần mở rộng lan tràn cùng khắp càn khôn vạn vật. Mọi sự chia rẽ đều tiêu tan, biến mất như đám sương mờ trong nắng sáng. Vạn vật trở thành một, đồng thể, đồng nhất.

*---*---*

Tăng Nhất A-hàm
Chương Mười Pháp, Phẩm Phóng Ngưu
Hòa thượng Thích Đức Thắng dịch, Hòa thượng Tuệ Sỹ hiệu chính và chú thích

KINH SỐ 10 (EĀ 49.10)

Tôi nghe như vầy. Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà. Bấy giờ Thế Tôn nói với các tỳ-khưu:

“Nếu chúng sinh nào tu hành từ tâm giải thoát, quảng bố ý nghĩa ấy, diễn nói cho người khác nghe, sẽ thu hoạch được mười một quả báo. Những gì là mười một? Nằm ngủ yên, tỉnh giấc yên, không thấy ác mộng, chư thiên hộ vệ, mọi người yêu mến, không bị độc, không bị binh đao, không bị nước, lửa, giặc cướp; thảy đều không bị xâm hại; sau khi thân hoại mạng chung sinh lên trời Phạm thiên. Đó gọi là tỳ-khưu tu hành từ tâm sẽ có được mười một phước này.”

Rồi Thế Tôn nói bài kệ:

Nếu ai hành Từ tâm,
Cũng không hành phóng dật;
Các kết dần dần đoạn,
Rồi thấy được dấy đạo.

Do hành từ tâm này,
Sẽ sinh lên Phạm thiên;
Nhanh chóng được diệt độ,
Cuối cùng đến Vô vi.

Tâm không sát, không hại,
Cũng không ý hơn thua;
Hành Từ đến tất cả,
Không hề tâm oán hận.

“Cho nên, tỳ-khưu, hãy tìm cầu phương tiện hành nơi từ tâm, quảng bố nghĩa ấy. Như vậy, tỳ-khưu, hãy học điều này.”

Bấy giờ các tỳ-khưu nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

Ghi chú: So với bản Pāli, bản nầy thiếu những lợi ích: được phi nhân ái mộ, tâm được định mau chóng, sắc mặt trong sáng, mệnh chung không hôn ám. Để cho đủ 11 lợi ích, có lẽ người dịch kinh phân chia lợi ích “không bị độc, không bị binh đao, không bị nước, lửa, giặc cướp; thảy đều không bị xâm hại” thành các lợi ích riêng rẽ. -- (Bình Anson, 11/05/2018)

*---*---*

KINH TÂM TỪ (Mettā Sutta, Sn 1.8)
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch

Người hằng mong thanh tịnh:
Nên thể hiện pháp lành,
Có khả năng, chất phác,
Hiền hòa, không kiêu mạn.

Sống dễ dàng, tri túc,
Thanh đạm không rộn ràng,
Lục căn luôn trong sáng,
Trí tuệ càng hiển minh

Chuyên cần, không quyến niệm,
Không làm điều ác nhỏ,
Mà bậc trí hiền chê,
Nguyện thái bình an lạc,
Nguyện tất cả sinh linh,
Tràn đầy muôn hạnh phúc.

Chúng sinh dù yếu mạnh,
Lớn nhỏ hoặc trung bình,
Thấp cao không đồng đẳng,
Hết thảy chúng hữu tình,
Lòng từ không phân biệt,
Hữu hình hoặc vô hình.
Đã sinh hoặc chưa sinh,
Gần xa không kể xiết.
Nguyện tất cả sinh linh,
Tràn đầy muôn hạnh phúc.

Đừng lừa đảo lẫn nhau,
Chớ bất mãn điều gì,
Đừng mong ai đau khổ,
Vì tâm niệm sân si,
Hoặc vì nuôi oán tưởng.

Hãy mở rộng tình thương,
Hy sinh như từ mẫu,
Suốt đời lo che chở,
Đứa con một của mình,

Hãy phát tâm vô lượng,
Đến tất cả sinh linh.
Tâm Từ gieo cùng khắp,
Cả thế gian khổ ải,
Trên dưới và quanh mình,
Không hẹp hòi oan trái,
Không hờn giận căm thù.

Khi đi, đứng, ngồi, nằm,
Bao giờ còn thức tỉnh,
Giữ niệm từ bi nầy,
Thân tâm thường thanh tịnh,
Phạm hạnh chính là đây.

Ai xả ly kiến thủ,
Có giới hạnh nghiêm trì,
Đạt Chánh trí viên mãn,
Không ái nhiễm dục trần,
Thoát ly đường sinh tử.

*---*---*



Tuesday 24 November 2020

Bhikkhu ANĀLAYO (1962-)

Hơn 15 năm trước, trong một diễn đàn Phật giáo quốc tế trên Internet có người giới thiệu một cuốn sách về Satipaṭṭhāna (lập niệm, niệm xứ) của một vị sư người Đức. Nhiều thành viên của diễn đàn, trong số đó có vài vị sư Âu Mỹ, khen ngợi về nội dung cuốn sách, phân tích chi tiết bài kinh Niệm xứ (kinh số 10, Trung bộ ) và áp dụng vào pháp hành thiền. Tò mò, tôi đặt mua cuốn sách qua mạng và đọc thử. Từ đó, cuốn sách nầy là một trong những cuốn sách tôi tham khảo thường xuyên. Cho đến bây giờ, thành thật mà nói, tôi cũng chưa dám chắc là tôi hoàn toàn thẩm thấu những gì trình bày trong cuốn sách đó.

Cuốn sách là một phiên bản luận án tiến sĩ của Bhikkhu Anālayo tại Đại học Peradeniya, Sri Lanka, với tựa đề “Satipaṭṭhāna, the Direct Path to Realization” (Niệm xứ, con đường trực tiếp đưa đến thực chứng), đầu tiên xuất bản năm 2003 và được tái bản nhiều lần tại Anh quốc, Đài Loan và Thái Lan. Cuốn sách cũng đã được dịch sang 10 thứ tiếng, và đã được cư sĩ Nguyễn Văn Ngân dịch sang tiếng Việt, tựa đề “Satipaṭṭhāna -Con Đường Thẳng Tới Chứng Ngộ” , xuất bản ấn tống tại Sài Gòn vào cuối năm 2018.

Tôi học được rất nhiều sau khi đọc cuốn sách đó và theo dõi các bài tham luận của Sư đăng trên các tập san Phật giáo cùng các mục từ chuyên môn mà Sư đã đóng góp cho các bộ từ điển bách khoa Phật giáo. Tôi cũng theo dõi các bài pháp thoại của sư và loạt bài giảng về kinh Trung bộ phổ biến trên Youtube và trong trang web khoa Phật học của Đại học Hamburg, Đức quốc. Mặc dù chưa từng tiếp xúc trực tiếp, tôi rất tri ân Sư về những bài giảng đó, phân tích tỉ mỉ có logic, với phần ghi chú và tài liệu tham khảo rõ ràng trong tinh thần học thuật nghiêm túc.

Sau khi học xong chương trình tiến sĩ ở Sri Lanka, Sư trở về Đức dạy học và tiếp tục công trình nghiên cứu. Sư tự học tiếng Hán và bắt đầu nghiên cứu, dịch và giới thiệu bộ kinh A-hàm của Hán tạng. Từ đó, ngoài các bản dịch Trung A-hàm và Tạp A-hàm, Sư viết nhiều bài tham luận, so sánh đối chiếu một số bài kinh trong A-hàm và Nikāya. Tôi rất ấn tượng khi đọc một bài tham luận của Sư với tựa đề “Trung A-hàm trong Hán tạng và Trung bộ trong Nikāya – Đi theo vết chân của Thích Minh Châu” (The Chinese Madhyama-āgama and the Pāli Majjhima-nikāya - In the Footsteps of Thich Minh Chau). Điều nầy nói lên tính khiêm nhượng của Sư là chỉ tiếp tục và khai triển dựa theo công trình tiên phong của ngài Hòa thượng Thích Minh Châu.

Ngoài việc dạy học và nghiên cứu – Sư đã cho xuất bản 18 cuốn sách và hằng trăm bài tham luận, Sư còn là một thiền sư. Sư bắt đầu tu thiền từ khi còn là một cư sĩ trẻ, theo trường phái Vipassana của ngài thiền sư U Ba Khin, Miến Điện. Hiện nay, mỗi năm Sư được thỉnh mời đến nhiều nơi ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á để hướng dẫn các khóa tu thiền.

Tôi cảm thấy gần gũi với những gì Sư viết và giảng. Có tính học thuật nghiêm túc nhưng đồng thời cũng có các hướng dẫn thực tế áp dụng vào công phu hành thiền. Các ý tưởng trình bày đều có tính khoa học và khách quan, không thiên vị một tông môn, tông phái nào – Nam tông, Bắc tông hay Mật tông, mặc dù Sư là một tu sĩ Theravāda. Thêm vào đó, Sư là một trong những vị tỳ-khưu nhiệt tình ủng hộ việc tái lập dòng Tỳ-khưu-ni Theravāda với những bài tham luận phân tích sâu sắc, có tính thuyết phục.

Tôi thường tâm sự với các bạn đạo rằng Sư là một trong những vị tu sĩ Phật giáo đặc biệt, hiếm có trong thế kỷ 21 của chúng ta. Một vị tu sĩ giỏi pháp học lẫn pháp hành – một nhà học giả mà cũng là một vị thiền sư, một vị tu sĩ giỏi ngôn ngữ hiện đại (Anh, Đức) lẫn ngôn ngữ cổ xưa (Pāli, Sanskrit, Hán cổ), một vị tu sĩ có tầm nhìn rộng và khách quan về giá trị của các nguồn kinh điển và các truyền thống Phật giáo.

Có thể xem thêm danh sách các tác phẩm và các bài tham luận của Sư, đồng thời, có thể tải về một số tài liệu nầy, tại trang web:

https://www.buddhismuskunde.uni-hamburg.de/en/personen/analayo.htm

* Ghi thêm đôi dòng tiểu sử:

Tỳ-khưu Anālayo sinh năm 1962 tại Đức quốc và xuất gia tại Sri Lanka năm 1995. Sư hoàn tất chương trình Tiến sĩ tại Đại học Peradeniya, Sri Lanka, năm 2000. Luận án được xuất bản tại Anh quốc năm 2003. Trở về Đức, Sư tiếp tục chương trình nghiên cứu hậu tiến sĩ tại Đại học Marburg, trong đó, Sư nghiên cứu so sánh đôi chiếu các bài kinh Pāli trong Trung bộ với các kinh tương đương trong A-hàm Hán tạng, Sanskrit và tiếng Tây Tạng. Sư là giáo sư Phật học tại Đại học Hamburg và là thành viên của Trung tâm Phật học Numata. Sư cũng là nhà nghiên cứu tại trường Cao đẵng Phật học Dharma Drum (Phật Cổ), Đài Loan. Hiện nay, Sư là giảng sư tại Trung tâm Phật học Barre, Massachusetts, Hoa Kỳ. Ngoài các hoạt động nghiên cứu Phật học, Sư thường xuyên hướng dẫn các khóa thiền.

Pháp danh ANĀLAYO dịch sang tiếng Hán là 無著 (Vô Trước - không vướng mắc, không chấp trước), tiếng Sanskrit là ASAṄGA, cũng là tên của một vị Luận sư Đại thừa nổi tiếng của Ấn Độ trong khoảng thế kỷ IV.

* * *