Saturday 25 October 2014

Quỳnh Giao viết về Trịnh Công Sơn



Như Cánh Vạc Bay


Quỳnh Giao


Trịnh Công Sơn viết nhạc từ tuổi đôi mươi cho tới những năm gần đây, cho nên đã cho chúng ta một số lượng tác phẩm rất lớn. Như ở một triết gia đích thực, ở nơi ông nỗi ám ảnh lớn về đời người đã đưa đến ba loại đề tài lớn, là tình yêu, quê hương và thân phận con người, trong đó chiến tranh và đói khổ là sự ngột ngạt bao trùm lên tất cả. Khi chiến tranh đã chấm dứt, và vận nước đã đổi thay, ông thiên về các đề tài mang nhiều triết tính về cuộc đời, nhưng thủy chung vẫn là người viết nhạc tình độc đáo nhất. Nhạc sĩ Văn Cao gọi Trịnh Công Sơn là ca nhân về tình yêu có lẽ là trong ý đó. Từ góc độ của người hát và yêu nhạc, khi nhìn lại Trịnh Công Sơn viết cho tình yêu, Quỳnh Giao muốn được nói lên một sự kiện, đó là từ Trịnh Công Sơn trở đi, các tình khúc đã đổi khác rất nhiều, và nền tân nhạc phải cảm tạ ông về sự khai phá đó.

Nói về tình khúc Trịnh Công Sơn, ta hãy thử nhắm mắt lại để nhìn quanh mà xem. Gió mưa, nắng cát; sông biển, núi non, sa mạc, công viên; lá vàng, sỏi đá; rong rêu, lộc nõn; phố vắng, tháp cổ; mây bay, tóc rối; thân xác, cây già, v.v. ngần ấy hình tượng tản mát đều lấp lánh siêu thực trong các tình khúc của ông. Trịnh Công Sơn là một phù thủy về ngôn ngữ, và căn bản văn hóa Pháp mà ông hấp thụ từ khi còn trẻ có thể phần nào, dù chỉ phần nào thôi, giải thích khả năng dùng chữ đầy ấn tượng lạ kỳ của ông. Phần nào thôi, vì khả năng rất tự nhiên đó, có lẽ ông phải có từ tiền kiếp, nhất là trong lối sử dụng hình dung từ bóng bẩy và hình ảnh bất ngờ mà có sức biểu cảm lớn, như trong hội họa. Ông là một nhà thơ, trước khi là một nhạc sĩ. Ta hãy nghe Ru ta ngậm ngùi chẳng hạn, để bàng hoàng nhớ lại là 30 năm trước ông dùng chữ như thế nào.

Khi tình đã vội quên, tim lăn trên đường mòn
Trên giọt máu cuồng điên, con chim đứng lặng câm
Khi về trong mùa Đông, tay rong rêu muộn màng
Thôi chờ những rạng đông.

Ngoài giá trị của lời ca, điều giải thích vì sao nhạc Trịnh Công Sơn chinh phục người nghe có lẽ là nét nhạc đơn giản, có giá trị ở giai điệu hơn hòa thanh. Nhạc ông dễ nghe dễ cảm lại không đòi hỏi hòa âm cầu kỳ, nên chỉ với một cây đàn, người ta cũng đã diễn tả được cái hồn của nhạc, cái tứ của thơ, chứ không cần tới dàn nhạc lớn được phối khí công phu. Trong ý nghĩa đó, nhạc Trịnh Công Sơn là những khúc rong ca nằm ở một cực đối nghịch với nhạc Dương Thiệu Tước bác học. Nhưng hai người lại giống nhau, và có lẽ hợp nhau, ở trình độ văn hóa rất sâu và khả năng dùng chữ rất tài.

Trước khi phân tích về lời ca của Trịnh Công Sơn, tôi làm ngược những người viết về ông: tôi phân tích phần nhạc rất độc đáo của Trịnh Công Sơn.

Những tình khúc thuở ban đầu như Ướt mi, Biển nhớ, và ngay cả Diễm xưa, Trịnh Công Sơn đã có nhạc thuật rất chỉnh. Giống như Văn Cao hay Phạm Duy trong những ca khúc đầu đời, Trịnh Công Sơn cũng dùng từng câu nhạc rất “balance" như cấu trúc của một câu thơ, mà không bị “monotone". Tôi xin thí dụ:

Hồn cầm phong hương hình dáng xuân tàn
Ngày dần buông trôi sầu vắng cung đàn
Từ ngày ra đi chờ vắng tin người
Từ người ra đi là hết mơ rồi
Cung Thương là tiếng đàn
Cung Nam là tiếng người.
-- (Cung đàn xưa của Văn Cao)

Bốn câu đầu như một bài thơ tứ tuyệt, mỗi chuỗi nhạc có tám chữ. Đến câu thứ tư nhạc chuyển sang năm chữ, êm đềm, bay bổng...

Đêm năm xưa khi cung đàn lên tơ
Hoa lá quên giờ tàn, mây trắng bay tìm đàn
Hồn người thổn thức trong phòng loan.
Đêm năm xưa khi cung đàn gây mơ
Âu yếm nâng tà quạt hôn gió đưa về thuyền
Tưởng người trên sóng ru thần tiên.
-- (Khối tình Trương Chi của Phạm Duy).

Đoản khúc trên được chia ra làm hai câu. Câu thứ nhất là một chuỗi tám chữ, câu thứ hai có mười chữ và câu thứ ba bẩy chữ. Rồi cứ như thế Phạm Duy kể cho chúng ta nghe chuyện thần tiên bằng những câu nhạc cân đối, đều đặn như một chuỗi ngọc trai.

Ngoài hiên mưa rơi rơi
Lòng ai như chơi vơi
Người ơi nước mắt hoen mi rồi
Đừng khóc trong đêm mưa
Đừng than trong câu ca
Buồn ơi trong đêm thâu...
-- (Ướt mi của Trịnh Công Sơn)

Những câu nhạc như bài thơ năm chữ và thỉnh thoảng chêm câu bảy chữ khi kết thúc đoạn nhạc, nghe như tiếng mưa rơi rỉ rả đêm khuya...

Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Dường dài hun hút cho mắt thêm sâu...
-- (Diễm xưa của Trịnh Công Sơn)

Cả đoạn nhạc đầu là chuỗi thơ tám chữ, nhịp nhàng, cân đối. Đếm ra thì thấy đến câu chuyển nhạc (modulation) Trịnh Công Sơn mới đổi cấu trúc của nhạc. Nghĩa là anh đã dùng tám câu nhạc đầu hoàn toàn tám nốt, không chuyển đổi. Vậy mà ta không thấy bị nhàm, ngấy khi hát tám câu đầu của bài Diễm xưa.

Những ca khúc rộn ràng của anh, dù không có nghĩa rộn ràng về phần lời, mà vì tiết điệu của bài hát như những bài Ở trọ, Hoa xuân ca, và những Ca khúc da vàng của anh, lại có nét nhạc cung đình ở Huế, vì anh dùng nhiều ngũ cung và những phách "lỗi" nhịp đặc biệt của điệu "tứ đại cảnh" và "bình bán" này.

Những ca khúc mang âm hưởng "negro spirituel”, dân ca của người da đen của anh mới là tuyệt. Hãy nghe lại Xin mặt trời ngủ yên, Hãy khóc đi em, Hạ trắng... để thấy Trịnh Công Sơn như một Duke Ellington của xóm da đen, với tiếng Saxo thật nức nở, và giọng ca loại khàn đục của Carol Kim một thời mới nghe hết lại cái rã rượi một cách "lười biếng" của loại nhạc da đen này... Riêng bài hát của Trịnh Công Sơn mà tôi yêu thích nhất chính là bài Lời mẹ ru, tôi nghe từ thuở mới đến tuổi dậy thì, chưa có con để biết ru con. Nét nhạc như tiếng kinh cầu, và lời ca tôi coi như trác tuyệt nhất của Trịnh Công Sơn đưa tôi vào thế giới ảo huyền, tôn kính. Những giọng ca trong vắt như của Kim Tước và Hà Thanh thật là thích hợp. Ngày ấy, tuy đã bắt đầu hát ban "người lớn" rồi, nhưng các trưởng ban liệt tôi vào loại "nhi đồng", chỉ hát tango, và valse chứ chưa hát những bài tình cảm như Lời mẹ ru làm tôi uất ức lắm!

Đôi khi tôi nghĩ là Trịnh Công Sơn phần nào bị "oan". Bị “oan" bởi vì lời ca quá đặc biệt của anh khiến người thưởng ngoạn "quên" đi phần nhạc cũng rất là độc đáo của anh. Nếu ta cứ ngẫm nghĩ lại mà xem: Một người tự học nhạc lấy, không qua một trường đào tạo nào cả. Trong gia đình cũng không hề có người đi trước để có sự di truyền, hay học hỏi. Trịnh Công Sơn đã đơn thương độc mã đi vào lĩnh vực âm nhạc, như một người "học nhạc từ kiếp trước", với những tác phẩm phải nói là có giá trị, và có chỗ đứng ngang hàng với những người viết nhạc được học hành hẳn hoi, không kể là còn xuất thân từ những gia đình dòng dõi, khuê các, được học cả cổ nhạc lẫn nhạc Tây phương.

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác có lần thắc mắc hỏi tôi nghĩ gì về nhạc của Trịnh Công Sơn. Theo anh, thì nhạc của họ Trịnh dù đơn giản, nhưng nghe vẫn có chất "trí thức" trong đó, không giống như những ca khúc phổ thông, dễ nghe dễ hát phần nhiều nghe ngây ngô và bình dân lắm.

Tôi đồng ý với anh Giác, nhưng cũng không giải thích nổi điều này. Đương nhiên là lời ca của anh là của người có học, có chiều sâu của sự suy nghĩ. Nhưng giải thích sao đây phần nhạc cũng rất "mélodieuse", phong phú và uyển chuyển của anh, tuy anh không giỏi gì về nhạc thuật cả! Tôi chỉ dám kết luận anh là một người có "gout”, có khiếu thẩm âm, thẩm mỹ mà thôi.

Đến đây tôi xin chuyển đoạn, để nói tới phần chính yếu mang lại sự thành công của Trịnh Công Sơn.

Nói về sự nghiệp âm nhạc, khi nói về nhạc tình, người ta có thể lý luận dài dòng về tình yêu của Trịnh Công Sơn. Ông viết tình ca cho người, có thể là cho người yêu, nhưng ông không ngưng ở điểm tới của tình yêu, mà đi tới, đi tiếp. Và bay mãi, một mình, như cánh vạc trong đêm. Thực ra, ông có trái tim quá lớn để có hạnh phúc. Trái tim đó đã nở thành cả trăm tình khúc cho đời, mà trong một bài viết, chúng ta chỉ có thể giới thiệu được một phần nhỏ, rất nhỏ, qua một số trích đoạn.

Vào cuối thập niên 50, đầu thập niên 60, khi chúng ta còn sướt mướt với dòng nhạc lãng mạn gọi là tiền chiến, thì Trịnh Công Sơn đã gây kinh ngạc cho mọi người, với một số ca khúc thật lạ. Lạ từ nhan đề tới hình ảnh tân kỳ mang nét siêu thực trong lời ca. Ướt mi, Diễm xưa, Tuổi đá buồn, Lời buồn thánh, Ru ta ngậm ngùi, v.v. quả là mới lạ, khi ta đã quen nghe Kiếp hoa, Nỗi lòng, Khúc nhạc tương tư, hay Lá thư, Tan tác, Tạ từ... Rồi mưa bay trên tầng tháp cổ, mắt xanh xao, hồn xanh buốt... là hình tượng mới và màu sắc lạ, đã gây sự chú ý cho người nghe. Và nét nhạc chậm buồn như lời kinh thảm sầu khiến các tình khúc của ông liền chinh phục người nghe.

Sang thập niên sau, Như cánh vạc bay và một loạt các tình khúc khác tiếp tục làm chúng ta say mê, với hình ảnh diễm ảo của tóc em từng sợi nhỏ, rớt xuống đời làm sóng lênh đênh... ta nghe từng giọt lệ, rớt xuống thành hồ nước long lanh... Trịnh Công Sơn viết nhạc tình với nét bút họa sĩ trong một bức tranh cổ, và ông khéo dùng kỹ thuật cổ hoạ, ông đảo ngược ngôi vị chủ khách để vẽ ra những thăng hoa hay tàn phá của tình yêu, khi chủ đích là hát cho người tình.

Cũng trong lối viết tình ca, Trịnh Công Sơn có thể là đứa bé thơ ấu nói về mối tình trăm tuổi, hoặc cụ già thực hư về hoan lạc cuộc đời trẻ dại. Bài Nguyệt ca đã diễn tả được nét vui tươi mơn mởn của tình yêu, đưa ta về quê hương thanh xuân, và toàn bài duy nhất có một chữ tình thì lại là tình cờ.

Nghệ thuật dùng chữ bóng bẩy, với những tính từ nay mang nghĩa mới sắc mới đã tạo ra phong cách Trịnh Công Sơn. Người nghe cứ tưởng rằng mình được mời vào ngôi vườn cũ, thế rồi cảnh trí đổi thay, bao nhiêu hình tượng hay ý niệm của ước lệ cổ điển bỗng đảo tung và ngôi vườn xưa chợt mở ra khung trời lạ. Sự biến gây choáng váng đó là gì, nếu không do tình yêu? Đóa hoa vô thường, ca khúc công phu nhất và dài hơn 11 phút của ông với sáu chuyển đoạn thần diệu, có thể là điển hình cho nghệ thuật Trịnh Công Sơn khi ông viết về tình yêu như nỗi chết bất tận giữa cõi vĩnh hằng của kiếp sống.

Lâu lắm sau 1975, Trịnh Công Sơn đã viết trở lại về những thể tài đích thực của riêng ông, như Lời thiên thu gọi, như con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo... Bản thân ông rong chơi trên mé bờ tuyệt vọng mà tình ca của ông vẫn nuột nà đằm thắm, và Trịnh Công Sơn vẫn có thính giả của ông, ở mọi lứa tuổi. Như Môi hồng đào 16 tuổiHoa vàng mấy độ đã nối lại dòng tình đứt đoạn của một đời quá thăng trầm, như Quỳnh hương nhí nhảnh đùa vui với nhân thế, và Ở trọ đã làm tuổi thơ đời nay đi từ dân ca vào âu ca, an nhiên tựa hơi thở.

 * * *

NHƯ CÁNH VẠC BAY (Trịnh Công Sơn)

Nắng có [Am] hồng bằng đôi môi em
Mưa có [G] buồn bằng đôi mắt em
Tóc [Em] em từng sợi nhỏ
Rớt xuống [E7] đời làm sóng lênh [Am] đênh.

Gió sẽ [Am] mừng vì tóc em bay
Cho mây [G] hờn ngủ trên trên vai
Vai [Em] em gầy guộc nhỏ
Như cánh [E7] vạc về chốn xa [Am] xôi.

... ĐK:
... Nắng có [A] còn hờn ghen môi em
... Mưa có [Bm] còn buồn trong mắt trong
... Từ [A] lúc đưa em về
... Là [E7] biết xa nghìn [Am] trùng.

Suối đón [Am] từng bàn chân em qua
Lá hát [G] từ bàn tay thơm tho
Lá [Em] khô vì đợi chờ
Cũng như [E7] đời người mãi âm [Am] u.

Nơi em [Am] về ngày vui không em
Nơi em [G] về trời xanh không em
Ta [Em] nghe từng giọt lệ
Rớt xuống [E7] thành hồ nước long [Am] lanh

*  



Friday 12 September 2014

Về Hưu



Về Hưu
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức


“Tôi nghỉ hưu trong việc làm chứ không về hưu trong cuộc sống.” (VÔ DANH)

Việt Nam Tự Điển định nghĩa hưu trí là hồi hưu hay về hưu, thôi việc khi đúng hạn hay đúng tuổi theo quy chế và mỗi tháng hay mỗi ba tháng được lãnh một phần lương để dưỡng già.

Tự điển American Heritage định nghĩa hưu trí (Retire) là rời khỏi nghề nghiệp hay đời sống công cộng để sống nhàn rỗi (leisure) với lợi tức, tiền tiết kiệm hay tiền hưu của mình.

Định nghĩa gọn, ngắn nhưng có nhiều điều cần được giải thích rõ ràng hơn, trước khi quyết định rời bỏ công việc. Vì nghỉ việc, về hưu là điều mà người công, tư chức nào cũng phải nghĩ đến ít nhất một lần trong cuộc đời.

Cảm nghĩ về sự nghỉ hưu

Có ý kiến cho rằng nghỉ hưu là cần thiết và là phần thưởng sau nhiều năm làm việc khó nhọc.

Có người cho rằng đây là một cuộc nghỉ hè bất tận và không gián đoạn. Ta tự do quyết định và kiểm soát cách sử dụng thời giờ trong ngày. Ngủ dậy giờ nào cũng được. Không còn sáng thứ hai đầu tuần uể oải chẳng muốn đi làm.

Sáng ra, uống ly cà phê, vào giường nằm đọc tờ báo từ trang nhất tới trang cuối. La cà ở các trung tâm thương mại vào lúc vắng người. Đi du lịch, thăm viếng bạn bè gần xa. Làm những việc mà trước đây muốn làm nhưng không có thời giờ.

Đồng thời cũng để vui hưởng cuộc đời khi còn sức khỏe, kẻo mai mốt chống gậy run rẩy đi chơi hoặc phải nhờ vợ con xốc nách dìu đi thăm danh lam thắng cảnh thì cũng chẳng vui gì.

Cũng có ý kiến dè dặt, cho rằng “điên à, về hưu thì chỉ chết sớm”.

Với những vị này, thời gian nghỉ hưu sẽ kéo dài vô vị và tẻ nhạt. Trước đây, đến sở đều đặn mỗi ngày, dù trong lòng vui hay buồn, thời gian nó qua mau. Bây giờ dư ra mỗi tuần hơn 60 giờ, làm gì cho hết. Không nhẽ hết rửa xe rồi lại lau nhà. Coi chừng kẻo lại mắc chứng buồn phiền, đau ốm.

Thống kê cho hay số người không làm việc, không có sinh hoạt gì, tự tử bốn lần cao hơn ở các nhóm khác, vì trầm cảm, căng thẳng thần kinh do quá nhàn rỗi gây ra.

Nghỉ hưu mà không có sinh hoạt, chương trình thì nào có khác gì người thất nghiệp, và đã được xếp loại vào một trong chín nguyên nhân gây căng thẳng tâm thần trong đời sống. Nhất là đối với người đã giữ chức vụ cao, quan trọng thì khi về hưu cảm thấy như mình rơi vào khoảng không: mất uy quyền, địa vị trong xã hội, không còn là một thành phần của guồng máy lãnh đạo, bị lãng quên. Nếu không có một chương trình sống thì những người này dễ rơi vào tình trạng rối loạn tình cảm, rất trầm trọng ngay trong năm vừa mới về hưu và là môi trường màu mỡ cho bệnh tật tới thăm.

Ý kiến khác lại cho rằng về hưu là một quan niệm không thực tế, hoang tưởng, ít người thực hiện được. Một trong những lý do chính là khi hoàn toàn nghỉ việc ở tuổi 65, khoảng 80% dân hưu sẽ bị thiếu hụt về tài chính. Trung bình, ta cần 70-80% lợi tức lúc đi làm để đủ chi dùng khi về hưu và sống thêm 15 hay 20 năm nữa.

Họ cũng cho là công thức: thanh thiếu niên đi học để có kiến thức, trung niên đi làm, lập gia đình, nuôi con; già về hưu hưởng nhàn, cần được xét lại. Nó không giúp cho kinh tế quốc gia, là nguy cơ làm ngắn tuổi thọ, và làm thất thoát tài năng kinh nghiệm.

Khi một người tiếp tục đi làm thì sẽ có thêm tiền đóng vào quỹ hưu bổng, thay vì rút ra; sẽ tăng lợi tức ở tổng số người cao tuổi; số người nhận an sinh xã hội và hưu bổng sẽ giảm đi.

Về mặt tâm lý, người cao tuổi đi làm cảm thấy hãnh diện là còn hữu dụng cho xã hội. Về tuổi thọ, thì dân vùng Capcase được tiếng là thọ lâu, họ không hoàn toàn nghỉ việc, trừ khi bị bất lực thể chất.

Thống kê cho biết, người có nghề chuyên môn ít về hưu nhất, tiếp đến lớp lao động trí thức, thợ có tay nghề, rồi lớp lao động chân tay, không nghề chuyên môn.

Những năm gần đây, khuynh hướng của nhiều người là về hưu đợt một, đợt hai rồi vĩnh viễn.

Sẽ có người nghỉ từ việc căn bản đã đeo đuổi gần suốt cuộc đời, để chuyển sang một công việc khác: việc trước đây muốn làm mà không có thì giờ, việc mới học do tiến bộ của kỹ thuật, khoa học. Họ có thể làm bán thời gian, làm việc tại nhà, làm theo giờ uyển chuyển, làm theo lối khế ước lãnh tiền theo dịch vụ, làm chung dịch vụ với người khác.

Cũng có người nghỉ phép định kỳ ở công việc chính để đi du lịch, học hỏi kiến thức mới, dung hòa được giữa làm việc và giải trí, nhàn rỗi.

Những sửa soạn trước khi về hưu

Khi đã quyết định về hưu thì phải sửa soạn cho chu đáo, nếu không hưu sẽ trở thành một nếp sống với nhiều căng thẳng vì ta sẽ chuyển từ giai đoạn năng động, có trật tự, đầy đủ vật chất, sang thời kỳ ngược lại: Nhiều thời gian nhàn rỗi, lợi tức giảm, liên lạc ít, trách nhiệm trong xã hội xuống dưới mức trung bình.

Theo ý kiến chung, có 4 vấn đề ta cần cân nhắc kỹ càng: Ổn định tài chính, duy trì sức khỏe, đặt mục tiêu cuộc sống và sắp xếp nơi ở.

Xin lần lượt tìm hiểu từng tiết mục qua kinh nghiệm của các nhà chuyên môn.

a- Ổn định tài chính.

Đây là điểm then chốt vì tài chính có thăng bằng thì mọi sắp xếp khác mới hanh thông. Phải có một kế hoạch cho nhu cầu vật chất của giai đoạn về già, không cần cao lắm, nhưng khi thiếu, nó sẽ là một thảm họa cho đời sống tâm thần, thể xác, đồng thời sẽ gây ra nhiều xáo trộn trong gia đình.

b- Duy trì sức khỏe.

Ngoại trừ khi mới sinh ra, ta trông cậy ở cha mẹ trong vấn đề duy trì sức khỏe và đời sống, dịch vụ này là việc ta phải tự thực hiện trong suốt cuộc đời, nhất là khi về già.

Hãy đừng để cho mình trở nên một gánh nặng cho người thân yêu vì sự đau ốm của mình.

Không phung phí sức khỏe, ăn uống cân bằng dinh dưỡng, tập luyện cơ thể, giữ vững triết lý sống, tránh những thói quen gây hại, quan tâm đến vấn đề y tế.

c- Mục tiêu đời sống.

Khi về hưu, ta sẽ có 60 giờ trống mỗi tuần, nên cần thiết lập một chương trình với mục đích, ý nghĩa cho khoảng trống đó.

Có những mục giải trí, những việc làm tình nguyện, những sinh hoạt cộng đồng.

Có những khóa học ngắn hạn với nhiều chương trình hợp với tuổi già.

Tiêu dùng thời gian trống đó một cách hợp lý, không phí phạm. Thích nghi với thì giờ của người bạn đời. Vui hưởng tuổi già với con cháu.

d- Sắp xếp nơi ở.

Khi tính đến việc về hưu là vợ chồng đã phải suy nghĩ coi xem ở lại căn nhà hiện tại hoặc dọn đi nơi khác, mà dọn thì dọn đi đâu?

Khi xưa, tam tứ đại đồng đường, con cháu không cùng nhà cũng cùng tỉnh, vui buồn có nhau.

Nay vì công việc, sinh kế, con cái mỗi đứa một nơi, thế là bố mẹ chỉ lăm le là khi về hưu, ta sẽ dọn về ở gần chúng nó. Tình cảm người mình đối với gia đình, ruột thịt sao mà sâu đậm.

Nhưng trước khi dừng lại ở quyết định này, ta cũng nên nghĩ là liệu sống chung có thích hợp với lối sống của vợ chồng mình không; mình giúp chúng baby sitting bầy cháu nhưng cách mình nuôi có trái ngược với cách mà chúng được học qua sách vở, nhà trường?

Hơn nữa, các con còn trẻ, ngộ nhỡ vài năm nữa, vì công ăn việc làm, chúng di chuyển đi nới khác, thì mình sẽ ra sao?

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

*

Tuesday 12 August 2014

Quỳnh Giao viết về Anh Ngọc, Sĩ Phú, và các nam ca sĩ khác


Những tiếng nhung mềm năm xưa
Quỳnh Giao


Ngay trước Tết, Quỳnh Giao gặp lại một nghệ sĩ khi ông cùng phu nhân thăm California trong vài ngày. Từ đó, mấy ngày Xuân lại thấy váng vất những tiếng hát năm xưa.

Thời xưa, giới nghệ sĩ ưa gọi ba người bạn chí thiết là "Three Caballeros," cùng có dáng cao dong dỏng và bàn tay ít khi rời ly rượu. Hai người đã ra đi là Hoài Bắc Phạm Ðình Chương và Mai Thảo. Người còn lại là Anh Ngọc. Ông có tiếng hát mà Quỳnh Giao vẫn gọi là trượng phu trong nhiều bài tạp ghi trước đây.

Sự thưởng ngoạn một giọng hát tùy thuộc vào nhiều yếu tố.

Trước hết là loại nhạc mà người nghe lựa chọn. Với opéra thì giới thưởng ngoạn ưa giọng càng mạnh càng quý, làn hơi càng dài càng đẹp. Mà khi trình bày cả một vở opéra, ca sĩ phải có giọng mạnh thì mới qua cầu được. Nhưng cũng có trường hợp mà giọng hát "mảnh mai" vẫn hấp dẫn, nếu có yếu tố nổi bật khác. José Carreras là một thí dụ.

Trong ba người gọi là "The Three Tenors," giọng ông không mạnh bằng hai đối thủ và bạn thân là Luciano Pavarotti và Placindo Domingo. Nhưng bù lại, giọng hát tình cảm và nhất là phong thái trầm tĩnh lịch sự lại là yếu tố khiến nhiều người yêu thích.

Maria Callas nổi tiếng là giọng hát của thế kỷ không nhờ hát mạnh. Giọng của bà hơi mỏng nhưng cách diễn tả điêu luyện và truyền cảm làm âm sắc giọng hát trở nên độc nhất vô nhị trong thế giới của nhạc opéra. Ðã nghe là người ta phải nhớ.

Ðó là nói về opéra. Chứ trong loại nhạc phổ thông mà mình thường nghe và Tây gọi là "les chansons de charmes" có nét trữ tình êm dịu thì sao? Ðấy là sự thưởng ngoạn tự do. Ai muốn thích ai cũng được, không có tiêu chuẩn nào đặt ra cả.

Quỳnh Giao sở dĩ gọi giọng hát của danh ca Anh Ngọc là trượng phu vì chất sang sảng, chắc nịch, đầy nam tính. Khi hợp ca, giọng Anh Ngọc bao trùm lên các giọng khác. Cùng trường phái Anh Ngọc, Pháp có Gilbert Bécaud và Mỹ có Niel Diamond. Giọng của họ mạnh, âm sắc rõ, cứng cỏi.

Cùng thời Anh Ngọc, có giọng Vũ Huyến nhẹ và thanh hơn.

Có dạo cả hai thường song ca trên các sân khấu phụ diễn tân nhạc trước giờ chiếu phim. Vì giọng yếu hơn, Vũ Huyến thường giữ bè cho Anh Ngọc. Vũ Huyến thành công với loại nhạc tình cảm nhẹ nhàng, đôi khi có chút truyện kể như bài "Cô Hàng Nước," hay hài hước như trong bài "Cái Áo The Thâm Tàn."

Bào đệ của Anh Ngọc là ca sĩ Ngọc Long thì hát không điêu luyện bằng anh, nhưng giọng êm và tình cảm của ông rất hợp với ca khúc loại Ðoàn Chuẩn và Từ Linh.

Cùng trường phái Anh Ngọc, ngày nay có Tuấn Ngọc, Quang Tuấn, giọng hát mang một sắc thái góc cạnh, người Mỹ thường dùng chữ "rough," là đầy nam tính.

Nhưng không hẳn là giọng nam phải luôn phải sắc cạnh thì mới hay và được ưa thích. Có những giọng nam thuộc trường phái êm dịu nhẹ nhàng cũng được nhiều người mến mộ, nếu chọn đúng bài hát và người nghe.

Ðiển hình là giọng Tino Rossi ẻo lả như con gái được cả một thế hệ 40-50 coi là thần tượng. Các bậc sinh thành ra thế hệ của người viết bài thời ấy ư ử bài J'attendrais... và ca ngợi chất giọng êm như nhung của Tino Rossi vô cùng tận. Vài chục năm sau, khi loại nhạc hương xa Hoa Kỳ lan đến Việt Nam thì các nhà đều đón giờ phát thanh chương trình nhạc ngoại quốc để nghe giọng ngọt như mía lùi của Bing Crosby, hay giọng mơn trớn đầy... nữ tính của Johnny Mathis.

Tại Việt Nam, vào cuối thập niên 50, các giọng Duy Trác, Ngọc Giao, Ðỗ Tuấn êm ái ru hồn sinh viên học sinh, nhất là những người vừa di cư từ Bắc vào Nam. Ðến cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 thì giọng êm nhẹ như Sĩ Phú, Jo Marcel, Anh Khoa,... chiếm nhiều cảm tình của giới yêu nhạc. Ðặc biệt nhất là giọng ca Sĩ Phú.

Sĩ Phú thành công ngày từ buổi đầu xuất hiện trên màn ảnh vô tuyến truyền hình Việt Nam. Với vóc dáng cao trong bộ quân phục, ông được khán thính giả truyền hình, nhất là phái nữ, lập tức coi là thần tượng.

Lạ một điều là giọng hát Sĩ Phú tương phản với vóc dáng của ông. Giọng Sĩ Phú nhẹ lắm, hát gần như thủ thỉ. Cái lối thủ thỉ ấy thật tuyệt khi hát những bài có nội dung kể chuyện, nhất là kể chuyện tình. Các ca khúc "Cô Láng Giềng" của Hoàng Quý, "Cô Hàng Cà Phê" của Canh Thân, được ông kể bằng giọng nhỏ nhẹ, nghe như vừa đủ bên tai một câu chuyện thật ra chẳng có gì đặc sắc, mà sao lại rất quyến rũ.

Dường như vừa kể chuyện, Sĩ Phú vừa dùng câu chuyện thổ lộ tâm tình của mình. Lập tức người nghe thấy ra mình là nhân vật của truyện, cũng được khối người trồng cây si trước nhà! Và đâm ra ngẩn ngơ cảm động.

Và khi Sĩ Phú hát "Người Yêu Tôi Khóc" của Trần Thiện Thanh, thì dù tác giả có hát lên câu chuyện thật của mình cũng không "thấm" hơn được. Cái chất giọng nhẹ nhàng, êm ấm ấy như hát thay cho những tình nhân của đời thường. Họ thấy được cái mong manh của cuộc tình, và hạnh phúc chỉ thoáng như bóng mây. Ca khúc "Còn Chút Gì Ðể Nhớ" do Phạm Duy phổ nhạc được Sĩ Phú trình bày rất đạt.

Không như phần lớn ca sĩ khi hát bài này thường trổ giọng để khoe làn hơi dài của mình, Sĩ Phú chỉ hát đủ mạnh chứ không cường điệu. Vừa đủ để nhớ, và để thương. Giọng hát mang tâm sự tiếc nuối, tình cảm có mà như e ấp, như cuộc tình chỉ mới chớm nở thôi... Phải là chất giọng nhẹ nhàng, thủ thỉ mới diễn tả được như thế, và thính giả cảm nhận được nhờ lối hát ấy.

Ðầu Xuân, gặp lại chú Anh Ngọc, người viết nhớ về những tiếng hát năm xưa với sự bồi hồi.

-ooOoo-