Thursday 22 June 2017

Thiền đường mới của tôi

THIỀN ĐƯỜNG MỚI CỦA TÔI

Ngày vui qua mau. Sau một ngày đưa bà xã đi lang thang dạo chơi thành phố, tôi đi gặp bà bác sĩ gia đình để xem và trao đổi về các kết quả thử máu, nước tiểu. Đây là một thiền đường mới của riêng tôi. Nếu bạn nào còn nhớ những gì tôi chia sẻ lúc trước, tôi có viết là mỗi khi tôi đến gặp nha sĩ để khám và chữa răng, tôi cho rằng đó là dịp tôi đi tập thiền, thiền quán về các cảm thọ đau răng.

Bây giờ tôi biết thêm một thiền đường mới, không cần phải lặn lội đến tìm một nơi xa xôi nào đó ở Đông Nam Á mà nó ở chính ngay tại địa phương của mình. Mặc dù có lấy giờ hẹn, nhưng khi đến đó lúc nào cũng phải đợi từ 15 đến 30 phút, vì lúc nào cũng đông bệnh nhân. Thay vì ngồi xem báo, xem ti vi hay lướt mạng với điện thoại, tôi tìm một góc khuất tại phòng tiếp tân, ngồi thong thả, hai tay để trên đùi, khép mắt, nhẹ nhàng theo dõi hơi thở. Mặc kệ các tiếng động, âm thanh chung quanh. Chỉ ghi nhận, không phản ứng, phán xét. Như thế là thời gian chờ đợi trôi qua rất nhanh, không cảm thấy bực bội, bồn chồn, lo lắng.

Rồi cũng tới phiên mình. Bà bác sĩ rất chu đáo. Cứ mỗi sáu tháng là cho thư ký điện thoại gọi đến nhắc nhở. Mỗi năm là gửi giấy đến để mình đi thử máu, nước tiểu, khám tổng quát. Kết quả cũng tạm ổn cho điều kiện cơ thể của tuổi già. Tuy nhiên, các bộ phận chính đều có vấn đề – tim, gan, bao tử, tụy tạng. Cần phải cẩn thận hơn trong ăn uống, đi đứng, cần phải năng động tập thể dục, v.v., và phải đi gặp các bác sĩ chuyên khoa khác để khám tim, khám bàn chân và khám mắt.

Đây là một dịp để nhắc nhở mình quán soi về các nguy hại của thân thể, là một trong 10 pháp quán tưởng Đức Phật dạy trong kinh Girimānanda: cơ thể mình lúc nào cũng có những mầm mống bệnh tật, đau khổ. Phải luôn ghi nhớ như thế. Phải biết ghi nhận về các cảm thọ đau đớn và nhất là ghi nhận về sự vô thường, mong manh của cuộc sống.

Từ đó, mình nhìn lại và định hướng cuộc sống của mình. Quỹ thời gian không còn nhiều nữa. Cần phải đặt thứ tự ưu tiên những gì cần phải làm cho cuộc đời mình. Điều gì quan trọng cần phải thực hiện ngay bây giờ, đừng đợi đến ngày mai sẽ quá trễ. Đừng để các cám dỗ vui chơi, ăn nhậu, trang điểm, tiền bạc, tự ái vặt, địa vị, chức vụ, chuyện thời sự bốn phương, v.v. lôi cuốn rồi quên đi các thực tại hiện tiền đó.

*

Friday 16 June 2017

It’s NOW or NEVER (Bây giờ hoặc không bao giờ)

Sáng nay chợt nhớ bài hát bất hủ nầy của danh ca Mỹ Elvis Presley, hát từ năm 1960, mà đến bây giờ nghe vẫn thấy hay. Bài hát nói về mối tình trai gái, nhưng tên tựa đề của bài hát lại là một trong những châm ngôn cho cuộc sống của tôi – It’s NOW or NEVER (Bây giờ hoặc không bao giờ).

Thấy việc gì tốt, có ích lợi cho việc tu học của mình là bắt tay làm ngay, đừng chần chừ, khất hẹn, dùng lý do nầy, lý do kia để trì hoãn. Tôi thường nói là mặc dù trong Phật giáo, người ta hay nói phân chia tông phái – Đại thừa, Tiểu thừa, Kim cương thừa, v.v. – nhưng thật ra, chúng ta đều cùng chung tông phái “Đổ Thừa”. Lúc nào cũng đổ thừa chuyện này chuyện kia, viện cớ nầy nọ, đủ mọi lý lẽ để rồi không thực hiện những việc đáng làm – mặc dù việc đó rất đơn giản, không có gì khó khăn.

Mỗi khi thấy ai đó bấm nút “Share” các chia sẻ của tôi trong Facebook rồi xin phép lưu lại để dành đọc sau, hoặc gửi thư xin sách để dành trưng bày trong tủ sách của mình hay chỉ để tặng người khác còn mình thì viện cớ là bây giờ rất bận rộn, không có thì giờ, để dành đọc sau, là tôi nghĩ đến tựa đề của bài hát nầy – It’s Now or Never. Hoặc có những bạn thích tu thiền, nhưng chỉ tìm hiểu, bàn luận trên Net, viện đủ lý do để trì hoãn, không quyết tâm thu xếp để tham dự một khóa thiền nào. Hoặc thích tìm hiểu lịch sử Phật giáo mà chưa đủ quyết tâm thu xếp đi hành hương để nhìn tận mắt các di tích lịch sử. Hoặc muốn học tụng một câu Pali đơn giản, tải tập tin âm thanh và kinh tụng về máy nhưng rồi để đó, để dành nghe và học sau. Hoặc muốn học kinh điển nhưng lại chần chừ, không sẵn sàng tham gia các khóa học giáo lý tổ chức tại chùa. Hay nhiều vấn đề khác nữa trong tu tập mà xét cho cùng, “đổ thừa” là điểm căn bản chung để trì hoãn.

Hôm nay là ngày Thứ Sáu, ngày cuối trong tuần cho những ai còn đi cày kiếm cơm, mời nghe bài hát dễ thương đó của Elvis Presley:
=> https://www.youtube.com/watch?v=qmjdxxAnsB4 

* Ghi thêm: Đây là bản tiếng Anh, bản gốc tiếng Ý có tựa đề là "O Sole Mio", sau nầy có dịch sang lời Việt là "Mặt Trời Của Tôi".

*

Monday 12 June 2017

Ba con thú cưng (Pets)

Hôm nay trên đường đi đến hồ bơi, nhìn vài người Úc dắt chó đi dạo, tôi thấy vui vui. Trong khi thả lỏng thân thể bồng bềnh trên mặt hồ bơi, tôi lại nghĩ đến cảnh đó.

Người Úc thích nuôi chó hoặc mèo để làm bạn trong nhà. Ở Việt Nam, tôi còn thấy người ta thích nuôi chim, nuôi cá, nuôi chuột bạch, v.v. Ngày trước, tôi có nuôi một con mèo đen, nhưng nó đã chết lâu rồi, và từ đó, tôi không còn nuôi thú vật nào khác. Tôi có kể chuyện con mèo nầy trong trang FB hồi năm ngoái.

Tôi ngẫm nghĩ mình đâu cần phải nuôi thêm con thú cưng nào khác. Phàm phu tục tử như mình lúc nào cũng có sẵn 3 con thú cưng lẫn quẫn trong tâm mà mình hầu như không để ý đến. Miệng mình nói là không thích chúng, muốn xua đuổi chúng, nhưng thật ra, lúc nào mình cũng cho chúng ăn, nuôi dưỡng chúng. Đó là con Rắn, con Gà trống hay con chim Công, và con Heo.

Chắc quý vị đã từng nhìn thấy hình vẽ Bánh Xe Luân Hồi (Wheel of Life) của Phật giáo Tây Tạng (khi nào có dịp, tôi sẽ trình bày chi tiết hơn). Ở ngay tại trục của bánh xe là hình 3 con thú: con Rắn tượng trưng cho Sân, con Gà trống hay con chim Công tượng trưng cho Tham, và con Heo tượng trưng cho Si. Đó là quan niệm của người Tây Tạng, theo lời giải thích của ngài Ringu Tulku Rinpoche [*]. Mình nuôi dưỡng 3 con thú cưng nầy, nên mình cứ phải lẫn quẫn trong vòng sinh tử luân hồi.

Dân gian có câu: “Bỏ thì thương, vương thì tội”. Người Phật tử nào cũng biết mối nguy hại khi nuôi dưỡng ba con thú cưng đó, nhưng có thật sự bỏ được chúng hay không là cả một vấn đề khó khăn và phức tạp, không phải chuyện dễ dàng, bàn luận lý thuyết suông.

[*] xem thêm: http://www.rigpawiki.org/index.php?title=Wheel_of_Life#Centre_of_the_Wheel:_The_Three_Poisons 

*