Sunday 31 March 2024

Tôi đã đến với Phật giáo Theravada như thế nào? Bình Anson

TÔI ĐÃ ĐẾN VỚI PHẬT GIÁO THERAVADA NHƯ THẾ NÀO?
Binh Anson, Australia

*

“(...) Chánh kiến trong đạo Phật là bước đầu tiên trong Bát Chi Thánh Đạo. Đấy là lý do vì sao chúng ta gọi đạo Phật là Con đường Trí tuệ, không chỉ là học thuyết hay đức tin suông. Chánh kiến là sự nhận thức và quan sát bản thân chúng ta, cuộc sống của chúng ta. Đức Phật đã dạy về những gì hiển nhiên, những gì có sẵn để nhìn thấy được. Dù đấy là điều luôn sẵn thấy, không có nghĩa là chúng ta nhận ra; dù đấy là điều hiển nhiên, không có nghĩa là chúng ta hiểu rõ hay để tâm đến. Có thể chúng ta bỏ qua nó vì nó quá hiển nhiên. Ngài đã chỉ ra những điều chúng ta cần phải lưu tâm. Ngài dạy không gì khác ngoài những điều có thể nhìn thấy và nhận thức được từ bên trong thân xác này, bên trong tâm thức này. Toàn bộ con đường được phát triển bởi chính thân xác lẫn tâm thức này.

“Chúng ta có tất cả những gì chúng ta cần. Tất cả những gì chúng ta phải làm là bắt đầu chú tâm đến mọi thứ quanh mình. Khi đấy, Chánh kiến bắt đầu sinh khởi. Hệ quả của Chánh kiến là làm sinh khởi Chánh Tư duy. Điều này xảy đến với mỗi người trong chúng ta theo những cách khác nhau. Tôi chắc rằng điều này xảy ra với tất cả mọi người, đặc biệt là khi chúng ta kinh nghiệm đau thương hoặc khi có điều gì đó khiến chúng ta dừng lại, suy nghĩ và quan sát.

“Có một câu chuyện rất hay về một người đàn ông mà tôi quen biết ở thành phố Perth. Anh được nuôi dạy như một Phật tử và trên thực tế, anh cũng tự nhận mình là Phật tử, nhưng chỉ là trên bề nổi mà chưa bao giờ quan tâm hay thực hành Phật Pháp. Một lần, anh quyết định cùng vợ đi du lịch vòng quanh nước Úc, cắm trại và lái xe. Khi đi từ Perth đến Adelaide, họ cắm trại qua đêm trên sa mạc. Một đêm nọ, khi cắm trại ở một nơi xa lạ, giữa không gian bao la, anh ấy không thể ngủ được. Vì thế, anh ngồi dậy, bước ra sa mạc trống vắng.

“Anh ta thấy mình hoàn toàn đơn độc. Trong sự trống vắng đấy, anh nhìn lại mình, chính con người này, và anh nhận thức sự trống rỗng của cuộc sống này. Tôi đang làm gì ở đây? Toàn bộ cuộc sống này có ý nghĩa gì? Học hành và tích tụ bằng cấp, tri thức và tiền bạc, rồi thì sao? Tôi muốn gì trong cuộc đời này? Một tia sáng của Chánh kiến lóe lên, một sự dừng lại và suy ngẫm. Sự hiện hữu máy móc theo thói quen dừng lại trong một khoảnh khắc. Tất cả suy nghĩ dừng lại trong khoảnh khắc và một ý niệm hiện ra: nhận thức và trân trọng sự hiện hữu của một con người ngay trong khoảnh khắc hiện tại. Chánh kiến xuất hiện. (...)”

*

Những đoạn văn trên được trích ra từ tập sách “An chỉ và Minh quán” (Calm and Insight) của ngài Ajahn Jagaro, do Hội Phật giáo Tây Úc xuất bản năm 1988. Tôi xin kể tiếp câu chuyện này, xảy ra vào năm 1979:

– Sau chuyến đi bốn tuần lễ cùng vợ vòng quanh nước Úc vào cuối năm 1979, chàng trai trẻ quay về thành phố Perth và tiếp tục chương trình nghiên cứu sinh. Không lâu sau đó, một người bạn của vợ anh cho biết sắp có một vị tu sĩ người Tây phương thuộc truyền thống Phật giáo Theravada Thái Lan đến viếng thăm Perth, và nhà sư – Phra Khantipalo, sẽ có những buổi thuyết giảng về đạo Phật và hướng dẫn hành thiền. Anh ấy đi cùng vợ đến tham dự các buổi thuyết giảng. Không hiểu vì sao, anh cảm thấy rất gần gũi, quen thuộc với những gì vị sư giảng về Phật Pháp. Phật Pháp rất đơn giản nhưng mang tính thực tế và đi thẳng vào lòng người. Phật Pháp trở nên có ý nghĩa đối với anh.

Dường như cuối cùng anh đã tìm thấy các mảnh còn thiếu của bức tranh trò chơi ghép hình đã có trong tâm trí anh kể từ sau chuyến hành trình xuyên sa mạc. Anh quyết định gia nhập hội Phật giáo địa phương, và kể từ đó, tu tập theo đạo Phật trong truyền thống Theravada.

– Binh Anson
Perth, Australia
Tháng 10, 1999

*-----*

How I came to Theravada Buddhism
Binh Anson

…”Right View in Buddhism is the first step of the Eightfold Path. This is why we say it’s a Path of Wisdom, not just doctrine or belief. It’s a noticing and observing of ourselves, our lives. The Buddha taught what is obvious, what is there to be seen. Although it’s there to be seen, it doesn’t mean we see it; it may be obvious but it doesn’t mean we understand or notice it. Maybe we miss it all the time because it is so obvious. The which we need to consider. He taught nothing outside of what can be seen and realised within this body, with this mind. The whole path is to be developed through this body and mind. We have all that we need. All we have to do is to start noticing what is around us. That’s when the spark of Right View begins to arise. The result of Right View is that Right Aspiration or Right Thought arises. This happens to us in various ways. I’m sure it has happened to many people, especially when we have a traumatic experience, or something helps us to stop and think and observe.

“One very nice story is of a man I know here in Perth, Australia. He was brought up as a Buddhist actually, and considered himself one, but never really took an interest or practised anything beyond just the superficial. On one occasion , he decided to go on a trip, with his wife, around Australia, camping and driving. While they were travelling from Perth to Adelaide, they camped out in the desert. One night, camping in the middle of nowhere, just open space, he couldn’t sleep. So, he got up, went out to the emptiness of the desert. He found himself completely alone. In this emptiness, he noticed himself, this human being, and he became very aware of the emptiness in this life. What am I doing? What’s it all about anyway? All this study and accumulation of degrees and knowledge and money, so what? What do I want out of life? A spark of Right View there, a stopping and considering. The mechanical, the habitual existence comes to a stop for a moment. All thought comes to a stop for a moment and this reflection arises: a consideration and appreciation of one’s present existence. Right View arises.”

*

The above paragraphs describing my experience are taken from a booklet by Ajahn Jagaro, “Calm and Insight”, published by the Buddhist Society of Western Australia(1988). I would like to continue telling that story which happened in 1979: After that long four-week journey driving around Australia with my wife, I went back to Perth and resumed my postgraduate research. Not long after, I was informed by one of my wife’s friends that a Western Buddhist monk of the Thai Theravadin tradition was visiting Perth and the monk, Phra Khantipalo, gave a series of talks about Buddhism and Buddhist meditation. I went along with my wife to attend one of these talks. Somehow, I felt very much “at home” with what the monk said about the Buddhadhamma. It was simple, but practical and straight to the heart. It did make sense to me. It seemed that at last, I had found those missing pieces of the jigsaw puzzle that first presented themselvs in my mind since that trip through the desert. I decided to join the Buddhist Society, and have been practicing the Theravadin tradition ever since.

– Binh Anson
Perth, Australia
October 1999
*-----*


  



Thursday 28 March 2024

Ông hàng xóm của tôi

 ÔNG HÀNG XÓM CỦA TÔI: THIÊN SỨ TRƯỚC NHÀ

Sáng nay ra đứng trước nhà tưới cây thì gặp ông Úc ở cùng đường phố khập khễnh bước đi với khung đi bộ. Lâu lắm rồi mới thấy ông đi ra ngoài. Đến chào ông và thăm hỏi, mới biết là ông bây giờ không được khỏe. Ông đang đội một cái nón nỉ, lấy nón ra và chỉ vào đầu không còn một sợi tóc. Ông nói đó là hậu quả của việc hóa trị bệnh ung thư. Tôi an ủi, nói thấy ông vẫn còn khỏe và minh mẫn là một điều mừng lắm rồi. Cố gắng sống an vui từng ngày và tiếp tục điều trị, không bỏ cuộc. Ông gật đầu, mỉm cười đồng ý, rồi chậm rải từng bước một đi về nhà.

Nhìn ông bước đi mà lòng bâng khuâng. Hơn mười năm trước, khi tôi mới dọn về đây, gặp ông dắt chó đi bộ ngang trước nhà sáng chiều hai lần. Lần nào khi thấy tôi ông đều đứng lại, chào hỏi vui vẻ thân thiện. Ngày trước, ông phục vụ trong quân đội Úc, đã từng tham gia đoàn quân gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc và được gửi đến làm việc ở Campuchia. Sau khi nghỉ hưu, ông bà mua nhà ở đây để sống dưỡng già. Ông là người khéo tay, tháo vác, có đầy đủ dụng cụ làm vườn và làm các chuyện lặt vặt trong nhà. Trong những những năm đầu tiên, mỗi khi cần, tôi đều đến gõ cửa nhà ông để mượn vài món đồ.

Vài năm gần đây không thấy ông đi ra ngoài nữa. Thỉnh thoảng thấy bà lái xe với ông ngồi bên cạnh chạy ngang qua nhà. Tôi vẩy tay chào ông bà nhưng không tiện hỏi thăm. Bây giờ mới biết được tình trạng sức khỏe suy giảm của ông. Năm nay ông trên 80, hơn tôi khoảng 10 tuổi. Rồi suy nghĩ: Đây là thêm một vị thiên sứ báo tin cho mình biết về tuổi già, ai rồi cũng phải suy yếu, đủ thứ bệnh tật trong người. Vài năm nữa có thể rồi mình cũng sẽ như thế, không tránh được. 

Đó là hiện tượng sinh-lão-bệnh-tử của đời sống trên thế gian. Quan trọng là mình biết chấp nhận tính vô thường đó, sống tử tế, sống có ý nghĩa và an vui mỗi ngày, biết tu tập và bố thí, chia sẻ, tạo phước duyên cho đời này và đời sau. 

- Nollamara, Tây Úc
26/03/2024

* Photo: Đây chỉ là hình minh họa của Google.  

*-----*



Sunday 24 March 2024

Tưởng niệm người vừa qua đời

 TƯỞNG NIỆM NGƯỜI VỪA QUA ĐỜI 

Hôm nay vợ chồng tôi đi dự buổi Tưởng niệm mẹ của bà bác sĩ gia đình vừa mới qua đời. Bà cụ qua đời ở tuổi 98 tại một nhà dưỡng lão trong thành phố Perth hai tuần lễ trước. Lễ tang được tổ chức đơn giản, nhanh gọn trong nội bộ gia đình. Hôm nay, vợ chồng bà bác sĩ mời thân hữu, bạn bè quen biết đến nhà riêng để dự một buổi lễ tưởng niệm người vừa qua đời.

Khách mời đến tham dự ăn mặc bình thường, đơn giản, áo quần với màu sắc tươi sáng, không phải các màu đen trắng u buồn. Mỗi người mang theo một đĩa thức ăn, bánh trái để chia sẻ ăn với nhau, thưởng thức với cafe, trà, nước ngọt, theo kiểu ăn buffet.

Ông bà bác sĩ và người con trai phát biểu cảm tưởng, giới thiệu sơ lược về cuộc đời của người mẹ, các hoạt động của bà, các kỷ niệm vui của bà với thành viên trong gia đình để tưởng nhớ đến người vừa ra đi. Vài người bạn thân cũng đứng lên, chia sẻ những gì họ biết về bà cụ và những kỷ niệm với bà.

Buổi lễ kết thúc sau 2 giờ đồng hồ. Mọi người ra về với tâm an vui. Tôi rất ấn tượng về lối tổ chức tưởng niệm người qua đời như thế này. Không hình thức lễ mễ, không tụng kinh ê a, không buồn rầu, khóc than ai oán như thường thấy trong các tang lễ khác. An vui, đơn giản, không tốn hao hoang phí mà lại có ý nghĩa. 

Cũng xin ghi nhận thêm là ông bà bác sĩ này là người gốc Do Thái ở Nam Phi (South Africa), theo gia đình đến lập nghiệp và định cư ở nước Úc từ khi còn bé. 

- Bình Anson  
Perth, Western Australia 
24/03/2024.

*-----*



Thursday 14 March 2024

Tâm lý mua vé số

 TÂM LÝ MUA VÉ SỐ

Khi mua vé số, người ta thường chỉ nghĩ đến và nói nhiều đến những người thành công, có vận may trúng được giải độc đắc hay các giải thưởng lớn, mà quên đi sự kiện thực tế là đại đa số những người mua vé số không bao giờ trúng giải hay trúng những giải rất nhỏ.

Khi nói đến tuổi già và bệnh tật, người ta thường chỉ đề cập, trích dẫn vài trường hợp cá biệt của ai đó sống lâu trăm tuổi, khỏe mạnh, không uống một viên thuốc nào. Rồi quảng cáo thêm, đó là nhờ ăn uống theo một chế độ dinh dưỡng nào đó, nhờ dùng một loại linh dược nào đó, nhờ tập luyện một lối thể dục yoga hay một lối tu tập hành thiền nào đó. Người ta cố quên đi cảnh đa số những người già lụm khụm bên giường, mang đủ thứ bệnh, uống đủ loại thuốc - đông y lẫn tây y.

Sinh, già, bệnh, chết là hiện tượng tự nhiên của chúng sinh. Hễ có sinh là phải già. Hễ có già là có bệnh, rồi sẽ chết. Đơn giản chỉ vậy thôi.

Chắc chắn là rồi ai cũng sẽ chết. Nhưng không biết chắc chắn là chết lúc nào, chết cách nào, chết ở đâu. Tùy theo duyên nghiệp của mỗi người.

Bình Anson
Perth, tháng 8-2020

*-----*



Friday 8 March 2024

Giới bổn Tỳ-khưu (Bhikkhu Pātimokkha)

 Sách:

GIỚI BỔN TỲ-KHƯU
BHIKKHU PĀTIMOKKHA

Tải về máy bản PDF:

1) Bản Pāli-Việt (vn287.pdf): 
https://tinyurl.com/bdeh5apc

2) Bản Anh dịch (en305.pdf)
https://tinyurl.com/3ss9pmud

*-----*



Saturday 2 March 2024

Vài kinh nghiệm trong các sinh hoạt trên Facebook

 VÀI KINH NGHIỆM TRONG CÁC SINH HOẠT TRÊN FACEBOOK 
Bình Anson

*

1) Tôi bắt đầu tham gia mạng xã hội Facebook vào cuối năm 2007 nhưng chỉ để tìm hiểu, không có nhiều đóng góp. Từ năm 2013, tôi mới bắt đầu đóng góp, chia sẻ nhiều hơn, sau khi nghỉ hưu và dọn về nhà mới, ở gần chùa Dhammaloka trong vùng Nollamara, Tây Úc, có nhiều thì giờ rảnh rỗi hơn. 

2) Tôi giới hạn các trao đổi trong phạm vi sinh hoạt, tu học trong đạo Phật. Thỉnh thoảng, tôi có thêm vài chia sẻ về sinh hoạt đời sống cá nhân, như là một cư sĩ Phật tử bình thường đã nghỉ hưu, không có chức vụ, không tham gia vào bất cứ tổ chức, phe nhóm nào. Đôi khi nổi hứng, tôi chia sẻ vài cảm nghĩ về một chuyện thời sự nào đó, rồi thôi, không đeo đuổi kéo dài.

Tôi không quan tâm đến các chuyện khác như chuyện chính trị, chuyện thời sự lăng nhăng, chuyện ruồi bu kiến đậu, chuyện tào lao thiên địa, chuyện buôn bán kinh doanh, chuyện tranh đua và khoe khoang thành tích cá nhân, chuyện ăn chơi giải trí, du hý, v.v.

3) Trong phạm vi tu học trong đạo Phật, mặc dù không có ý phân biệt tông phái, tôi dành ưu tiên chú tâm trao đổi, chia sẻ, thảo luận về các đề tài sinh hoạt trong truyền thống Phật giáo Theravāda (Nam tông) và kinh điển Phật giáo Sơ kỳ (kinh điển Pāli và A-hàm).

4) Ban đầu, tôi không giới hạn số người kết bạn với mình. Vào khoảng tháng 5-2016, tôi đọc một bài viết đăng trên kênh truyền thông ABC Úc châu, khảo sát hoạt động của các mạng xã hội và có kết luận rằng mỗi người chúng ta chỉ cần có tối đa 150 bạn là đủ. Đây là một ý kiến hay, nhưng lúc ấy, tôi có khoảng 500 bạn Facebook, nên ngần ngại, không muốn hủy kết bạn quá nhiều. Bèn tự đặt cho mình số bạn tối đa là 300, gấp đôi con số trong bài viết ấy.

5) Từ đó, 300 là tiêu chuẩn của riêng tôi. Thỉnh thoảng, tôi duyệt lại danh sách bạn, lọc bỏ những ai không thường xuyên tương tác, hay có những chia sẻ, những bình luận có nội dung không hợp duyên với mình để giữ con số 300 ấy.

6) Bây giờ, mỗi khi có ai xin kết bạn, trước khi nhận kết bạn, tôi đến đọc trang Facebook của người ấy, xem nội dung có hợp duyên với mình hay không? Thêm một tiêu chuẩn phụ là người ấy phải có ít nhất là 10 người bạn Facebook chung với tôi – ngoại trừ trường hợp người ấy gửi tin nhắn riêng để xin kết bạn với lý do chính đáng. Nhờ đó mà trang Facebook của tôi có nội dung trao đổi tương đối hài hòa, thuần nhất trong giới hạn phạm vi mình đã đặt ra.

7) Phần lớn tôi dùng máy tính ở nhà (máy để bàn và laptop) để chia sẻ và tham gia các thảo luận, trao đổi trong Facebook. Tôi chỉ dùng điện thoại di động (iPhone) để đọc các bình luận và tin nhắn khi đi ra ngoài – ngồi chờ đợi bác sĩ hay ngồi chờ đợi ở các quán café, nhưng không trực tiếp trả lời, trao đổi, đóng góp chia sẻ. Tôi không trả lời tin nhắn của người lạ, cũng không tò mò bấm theo các đường link mà người nào đó đề nghị. Có lẽ nhờ vậy mà cho đến nay, trang Facebook của tôi tương đối an toàn, không bị kẻ gian đến quậy phá.

8) Tôi thấy tài khoản Faceboook có cho phép sử dụng 2 lớp bảo mật nên cũng tương đối khá an toàn. Trong 15 năm qua, tôi chưa từng bị ai đánh cắp tài khoản. Có một lần, hắc-ke (hacker, tin tặc) nào đó cướp lấy tài khoản của một bạn đạo rồi giả danh gửi tin nhắn đến tôi, xin số điện thoại, mật khẩu và vài thông tin cá nhân. Tôi nghi ngờ, hỏi vặn lại vài câu. Thấy trả lời quanh co là biết ngay đó là kẻ gian. Tôi chặn ngay tên đó và báo cáo đến Facebook. 

9) Nhìn lại, tôi thấy nếu biết sử dụng Facebook khôn khéo thì sẽ có nhiều ích lợi cho mình. Qua  Facebook, tôi đã lập được một sự liên lạc tốt đẹp và trao đổi thông tin tu học với chư Tăng Ni và các bạn Phật tử người Việt ở Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới (Thái Lan, Myanmar, Sri Lanka, Ấn Độ, Pháp, Thụy Sĩ, Đức, Đan Mạch, Na Uy, Anh quốc, Canada, Hoa Kỳ). Qua Facebook, tôi biết được thông tin sinh hoạt của nhiều đạo tràng, các khóa giáo lý, các khóa tu thiền, hình ảnh các chuyến hành hương Phật tích, hình ảnh các chùa, các lễ hội Phật giáo, các công tác cứu trợ từ thiện, v.v. 

Qua Facebook, tôi thành lập được một nhóm ấn tống kinh sách, giúp dò soát và chỉnh sửa bản thảo các sách Phật giáo do tôi biên dịch, xúc tiến xin giấy phép in ấn ở Việt Nam, rồi gửi sách quảng bá khắp nơi. Thêm vào đó, bạn bè trên Facebook đã giúp tôi tổ chức được các buổi gặp gỡ thân mật với bạn đạo ở cả ba miền Nam, Trung, Bắc trong những lần tôi về thăm viếng Việt Nam để giới thiệu các cuốn sách đó.

10) Cũng xin ghi thêm ở đây là ngoài Facebook – và Messenger, tôi không có kinh nghiệm và không có ý định tham gia mạng xã hội nào khác. Đối với tôi, chỉ một mạng xã hội thôi là đủ.

Bình Anson
Perth, Tây Úc
01/03/2024

*-----*