Saturday 29 October 2022

Nhầm lẫn giữa cây SALA và cây ĐẦU LÂN (Hàm Rồng)

 Sala (Ta-la, Tha-la) có nhiều tên gọi: Sāla, Sal, Shorea robusta, là một loại cây tìm thấy ở Ấn Độ, miền nam dãy núi Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya), về sau được trồng nhiều nơi ở Nam Á và Đông Nam Á, và ngày nay là một loại cây được trồng để cung cấp gỗ cứng (hard wood). Sala (Shorea robusta) là một loại cây thuộc chi họ Shorea, là một trong 16 chi họ của họ thực vật Dipterocarpaceae. Ở Việt Nam, chúng ta thường thấy loại cây Chò Nâu (Dipterocarpus retusus), cây Dầu Rái (Dipterocarpus alatus) và cây Sao Đen (Hopea odorata) đều thuộc họ thực vật Dipterocarpaceae nầy.

Trong kinh điển Phật giáo, Đức Phật đản sinh ở gốc cây Sala, trong vườn Lumbini (Lâm-tì-ni), và nhập diệt giữa hai cây Sala tại Kusinara (Kushinagar, Câu-thi-na). Vì thế, ngày nay, ngoài cây bồ-đề (Bodhi tree, Bo tree, Ficus religiosa), cây Sala được trồng tại khuôn viên của các chùa, và được giới Phật tử quý trọng.

Tuy nhiên, ngày nay, người ta thường nhầm lẫn cây Sala với cây Ngọc Kỳ Lân, Đầu Lân hay Hàm Rồng (Cannonball tree, Couroupita guianensis), tiếng Trung là Pháo Đạn Thụ (炮弹树 - Cây Đạn Pháo). Cây Sala là loại cây nguyên sinh ở Ấn Độ; còn cây Đầu Lân là cây nguyên sinh ở Nam Mỹ và ngày nay được đem trồng khắp nơi.

Sự nhầm lẫn nầy bắt nguồn từ thế kỷ 17 khi người Bồ Đào Nha đem giống cây Đầu Lân từ Nam Mỹ trồng tại nhiều nơi và nhiều chùa ở đảo Tích Lan (Sri Lanka). Từ đó, nhiều người Sri Lanka lầm tưởng cây nầy là cây Sala trong kinh điển, và mang phổ biến trồng tại các chùa khác trong vùng Đông Nam Á. Gần đây, một số chùa tại Việt Nam cũng đem về trồng vì lầm tưởng là cây Sala. Giống cây Đầu Lân nầy trở nên phổ thông vì dễ trồng, lớn nhanh, thích hợp với khí hậu ẩm ướt miền nhiệt đới, và trổ hoa có màu sắc hình thù đẹp mắt.

Dưới đây là các hình ảnh của cây và hoa Sala, và cây Đầu Lân.

1) Sala 







      
2) Đầu Lân (Hàm Rồng)





Friday 28 October 2022

Nhạc Việt: Tiếng hát Mộng Thủy - Đừng Xa Nhau (2019)

Đây là một giọng hát hải ngoại tôi yêu thích. Giọng hát nhẹ nhàng, trong trẻo, rõ ràng, nhưng tự nhiên, không uốn éo, sửa giọng như các ca sĩ được huấn luyện trong các lò thanh nhạc chuyên nghiệp.

Tải về dạng nén ZIP, giải nén sẽ được các files audio, dạng MP3 - 320 kbps:
nviet71.zip (126 MB) – Tiếng hát Mộng Thủy, Đừng Xa Nhau (2019)

=> https://tinyurl.com/434smvf3

Tiếng hát Mộng Thuỷ - CD Đừng xa nhau (2019)

01) Trong nỗi nhớ muộn màng - Ngô Thụy Miên
02) Tuổi đá buồn - Trịnh Công Sơn
03) Đừng xa nhau - Phạm Duy
04) Thú đau thương - Phạm Duy & Lưu Trọng Lư
05) Mắt biếc - Cung Tiến
06) Nếu một mai em sẽ qua đời - Phạm Duy
07) Tình khúc mùa đông - Thanh Trang
08) Rồi em đã xa tôi - Phạm Anh Dũng
09) Suối mơ - Văn Cao & Phạm Duy
10) Buồn đêm mưa - Phạm Đình Chương & Huy Cận
11) Tình thu - Phạm Duy

*-----*



Sunday 2 October 2022

TỈNH THỨC TRƯỚC CÁI CHẾT (2). Hòa thượng Gunaratana (2017)

 TỈNH THỨC TRƯỚC CÁI CHẾT (2)
Hòa thượng Gunaratana (2017)
Bình Anson trích dịch (2020)

Khi tôi chết, tôi không muốn có những nghi lễ phô trương. Tôi đã viết di chúc dặn dò nếu tôi chết trong vòng năm mươi dặm của Trung tâm Thiền quán Bhavana (West Virginia, Hoa Kỳ), những người trong đạo tràng nên thu xếp hỏa táng thân xác tôi và sau đó, tùy ý xử lý tro cốt. Tôi không quan tâm. Nếu tôi chết ở nơi khác, họ có thể thu xếp thực hiện bất cứ cách nào họ muốn.

Sự thật là ngay bây giờ, tôi không thể kiểm soát được thân thể này khi vẫn còn sống, huống hồ gì sau khi chết? Cho nên tôi không có một ước muốn đặc biệt nào về cách thức và thời điểm về cái chết của tôi. Tôi sẽ ra đi như khi tôi đến với cuộc đời này, không có kế hoạch hay lời mời nào.

Tôi mong rằng những thành viên trong đạo tràng này sẽ không quá đau buồn về cái chết của tôi. Con người chúng ta gắn bó với nhau, và sự gắn bó này làm chúng ta đau buồn khi người mình yêu thương qua đời. Nhưng sự gắn bó, bám víu đó không phải là một thực tại. Đó chỉ là một ý nghĩ đơn thuần.

Chúng ta thật sự có thể bám víu vào bất cứ điều gì hay bất cứ người nào không? Không thể được. Bởi vì chúng ta – và những người ấy, những thứ ấy – luôn luôn thay đổi. Chúng ta không thể kiểm soát được. Dù vậy, bất chấp sự thật này, chúng ta phát sinh ý tưởng muốn bám chặt vào đó. Điều này xảy ra vì chúng ta không thấy được “anicca” – bản chất vô thường. Nếu chúng ta bắt đầu thấy sự vô thường, chúng ta có thể rèn luyện tâm ý của mình để có ý tưởng khác đi, ý tưởng từ bỏ và buông xả. 

Khi nhìn lại đời mình, tôi thấy tất cả như là một giấc mơ. Hàng ngàn người tôi đã từng quen biết bây giờ đã qua đời, những người cùng làng nơi tôi sinh ra, cùng nơi tôi xuất gia, cùng nơi tôi tu học. Hàng ngàn người ở Sri Lanka, Ấn Độ, Malaysia, Hoa Kỳ, châu Âu, Nam Mỹ, khắp nơi trên thế giới, họ đều qua đời, không để lại dấu vết gì, ngoại trừ trong trí nhớ của tôi. Giống như những giấc mơ khi tôi ngủ. Khi tôi thức dậy, tôi có thể nhớ lại các giấc mơ đó, nhưng tôi biết chúng không có thật. Rất nhiều người tôi đã từng gặp, nơi chốn tôi đã đi qua, các bài thuyết giảng tôi đã trình bày, những gì tôi đã thấy: Tất cả đều đã trôi qua, biến mất. Như giấc mộng. 

Bây giờ, trong tuổi già, tôi hiểu về sự vô thường rõ ràng hơn. Khi tôi thức dậy vào nửa đêm, tôi tập trung tâm ý vào các sự thay đổi tôi đang trải nghiệm ngay lúc đó. Có thể đó là một cảm giác ngứa ran trên cơ thể, đau nhức hay đau nhói nơi thân, cảm giác trong tâm trí khi vừa thức giấc và nhận thức về hơi thở đang đi ra, đi vào buồng phổi.  Ngay lúc đó, tôi cảm thấy hoan hỷ vì tôi thấy được mọi sự việc thay đổi rất nhanh, và tôi biết điều này giúp tôi hiểu thêm rõ hơn về sự vô thường.

Có khi một cảm thọ lóe lên như một tia sáng nhỏ, trong đó có kèm theo tưởng, hành và thức. Bắt đầu là xúc, khi căn và trần đến với nhau. Ngay lúc đó có sự nhận biết, rồi khởi sinh thọ và tưởng. Những điều này xảy ra rất nhanh, ta không thể tách rời chúng được. Chúng ta dùng từ ngữ để tách rời chúng, nhưng sự trải nghiệm chính nó thì không thể. Tâm trí không thể phân biệt được. Do đó, không có lý do gì chúng ta phải sợ chết hay thương tiếc về cái chết. Chuỗi thay đổi xảy ra liên tục, và kết thúc của chuỗi đó được gọi là chết.

Ngay cả một đứa bé cũng có thể hiểu được điều đó. Ta bảo nó: “Hãy nhìn vào cái hoa này. Hãy ngắm nhìn nó từ sáng đến tối.” Vào buổi sáng, các cánh hoa còn tươi đẹp. Đến chiều tối thì khô héo. Chuyện gì xảy ra? Sự tươi sáng đó, màu sắc đó, vẻ đẹp đó đã bị thay đổi bởi thực tế của vô thường. Hoa đó đã thay đổi, cũng như mọi thứ khác trên đời.

Thật là ngộ nghĩnh trong thời đại công nghệ cao này của lịch sử loài người, chúng ta vẫn còn giữ được một cỗ máy lỗi thời để chỉ cho ta thấy sự vô thường: Đó là cái đồng hồ! Tiếng kêu tích tắc không ngừng không những chỉ cho thấy thời gian trôi qua, mà còn cho thấy sự thật về vô thường. Ta học được bài học quan trọng từ cái đồng hồ: Mỗi thời khắc hiện tại là khác biệt với thời khắc trước đó, và cũng khác biệt với thời khắc tiếp theo, và thời khắc sau đó.

Bất cứ khi nào ta nhắm mắt hành thiền, ta không trải nghiệm gì khác ngoài sự thay đổi. Cho dù đó là một ý nghĩ, một cảm giác, một ý tưởng, một hồi tưởng, hay cơn đau nhức trên thân – tất cả đều đến rồi đi, đến rồi đi, liên tục như thế. Trong khoảnh khắc tiếp theo, nếu tất cả đều ngưng lại, thì đó gọi là chết. Không có gì lạ lùng, không có gì mà không quen thuộc. Đây chỉ là sự thật của vô thường. Và chúng ta phải làm quen với sự thật này. 

Nếu được như thế, cuối cùng rồi là chấm dứt sự sợ hãi của chúng ta về cái chết. Chỉ khi đó, đau khổ của chúng ta mới chấm dứt.

– Hòa thượng Gunaratana,
“Hành trình đến tỉnh thức” (2017)
Bình Anson trích dịch (2020).

*