Friday 1 August 2014

Quỳnh Giao viết về Hà Thanh

Hà Thanh, họa mi xứ Huế
Quỳnh Giao

*

Không hiểu vì sao từ khi có tân nhạc, đa số ca sĩ ưa phát âm theo giọng Bắc. Người viết đoán là vì giọng Bắc nhẹ nhàng lên bổng xuống trầm với năm dấu rõ ràng.

Phần lớn ca sĩ nổi tiếng của chúng ta là người miền Bắc. Từ Thái Thanh, Mộc Lan, Kim Tước, Châu Hà, Thúy Nga, Mai Hương, Anh Ngọc, Duy Trác, Sĩ Phú, đến Khánh Ly, Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Duy Quang…

Nhưng mình vẫn không quên tiếng hát của miền Nam.

Quỳnh Giao rời Huế vào Sài Gòn khi mới lên bảy. Lần đầu theo Mẹ đi xem hát thấy nghệ sĩ Trần Văn Trạch diễn bài “Tai nạn téléphone” mà cười sái hàm. Tài nghệ sáng tác và trình diễn hài hước làm ông được tôn là quái kiệt, chứ thật ra, Trần Văn Trạch là danh ca tân nhạc. Mấy bài ông trình bày rặt giọng Nam như “Dạ Khúc” của Nguyễn Mỹ Ca hay “Chiều Mưa Biên Giới” của Nguyễn Văn Ðông thì ít ai bằng. Ngoài Trần Văn Trạch, nam ca sĩ Trọng Nghĩa (thập niên 50), nữ ca sĩ Ngọc Hà hay Túy Phượng đều phát âm giọng Nam, nghe dễ thương và truyền cảm.

Mình không quên là cũng có ca sĩ người Nam khi hát thì phát âm giọng Bắc, như Hoàng Oanh, Phương Dung, Bạch Yến, Tuyết Hằng, như Elvis Phương, Trung Chỉnh…

Ngoài hai miền Nam Bắc, thành phần ca sĩ người Trung cũng rất đông.

Trong địa hạt cải lương, điều thích thú cho người viết là khi biết danh ca Ngọc Giầu là “đồng hương.” Không chỉ là người Huế mà còn thuộc hoàng phái với tên thật là Tôn Nữ Ngọc Giầu. Vậy mà bà hát vọng cổ mùi tận mạng nên ít ai ngờ bà là thuộc diện “Huế mình” như người ở cố đô vẫn nói với nhau.

Làng tân nhạc từ phôi thai đã có người miền Trung như Minh Trang, Châu Kỳ, Tôn Thất Niệm, Hương Thủy, Thanh Nhạn. Ðợt trẻ hơn thì có Thanh Thúy, Duy Khánh (người Quảng Trị), Nhật Trường (người Phan Thiết), cặp Lê Uyên Phương (người Huế sống ở Ðà Lạt), Hồng Vân trong ban tam ca Ðông Phương, sau này còn Phương Nga, Anh Dũng, Trần Thái Hòa… Con số rất đông mà người viết không ghi hết được.

Hà Thanh hát nhạc Trịnh Công Sơn ngay từ đầu, tại Huế.

Vậy mà chỉ có một người được xứ Huế coi như chim họa mi của mình. Ðó là Hà Thanh. Nổi tiếng như Thanh Thúy cũng không được Huế dành lấy cho riêng mình.

Trong ba miền, người Huế quả là nặng tính địa phương hơn cả. Các trường học trung học của ba miền đều có hội hè hàng năm, như Chu Văn An, Petrus Ký, Trưng Vương, Gia Long, Nguyễn Bá Tòng, Quốc Học, Ðồng Khánh, v.v… Chỉ Huế là có “Ngày Nhớ Huế” hay “Ngày Hoàng Tộc.”

Hai miền kia không có “Ngày Sài Gòn” hay là “Ngày Nhớ Hà Nội”…

Mà Hà Thanh có được Huế cưng quý như vậy cũng có lý! Trước hết là giọng ca thiên phú, trong trẻo cao vút. Ðây là một trong vài giọng soprano hiếm có của Việt Nam. Hà Thanh hát dễ dàng như hơi thở. Khi lên cao, giọng lồng lộng, thoải mái cho ta cảm tưởng chiếc diều phơi phới trên nền trời xanh ngắt.

Vì sao lại sánh với cánh diều? Chính vì chất giọng trong trẻo nhẹ nhàng làm mình liên tưởng đến trời xanh và nắng ấm.

Vì trình độ thưởng ngoạn, nhiều người cứ khen làn hơi rất mạnh. Không thiếu gì ca sĩ thời nay hay khoe làn hơi “mạnh” vì thấy hát trổ giọng lại càng được vỗ tay và huýt sáo vang lừng! Trong nghệ thuật thì khác, hát nhẹ và êm mà vẫn rõ lời mới là điều khó. Khi hát nhẹ, ca sĩ phải “kìm” làn hơi để phả từ từ, nhẹ nhàng mà vẫn đều đặn. Khó nhất là lúc ngân cho câu nhạc nhỏ dần, đến khi chỉ bằng sợi tơ mong manh mà không đứt, không tắt…

Hà Thanh hát như vậy, từng được các nhạc sĩ sáng tác trân quý và yêu cầu chị hát những tác phẩm tim óc của họ.

Nguyễn Văn Ðông để mắt xanh đến Hà Thanh ngay lần đầu được nghe chị từ Huế vào Sài Gòn thăm người em gái, đến phòng thu của hãng đĩa hát thử. Quả là nhạc của ông đã được giọng hát Hà Thanh chắp cánh bay cao. Trịnh Công Sơn khi còn ở Huế đã đưa những ca khúc chưa ráo mực đến nhờ chị hát, và Hà Thanh đưa “Nắng Thủy Tinh”, “Lời Mẹ Ru” hay “Nhìn Những Mùa Thu Ði” vang vọng đất Thần Kinh. Dương Thiệu Tước cũng thích và Hoàng Trọng cũng mến Hà Thanh, Tuấn Khanh thì “mê” giọng hát này nhất.

Nhưng thính giả ở Huế quá ít, phải đợi khi vào Sài Gòn thì Hà Thanh mới có đất dụng võ…

Ngoài cái nết, người viết rất ái mộ giọng của Hà Thanh, nên hơi tiếc là tiếng hát tuyệt vời này bị hãm trong cõi Huế như họa mi ở trong lồng. Ít người biết là khi ở Huế, Hà Thanh hát “Dòng Sông Xanh” còn tuyệt hơn Thái Thanh. Ca khúc được trình bày với “ton” nguyên thủy viết cho giọng soprano là Ré Trưởng. Lên nốt cao nhất là nốt La ngoài dòng kẻ.

Trong nghệ thuật hát nhạc cổ điển, nốt “high C” (nốt Do trên hai dòng kẻ) được coi là cao nhất, khó nhất. Pavarotti có lần than là trong một vở opéra, ông phải hát nốt high C đến năm lần mệt nghỉ. Nốt La chỉ thấp hơn High C hai bậc mà thôi.

Vì thính giả chỉ thích những bài đậm sắc địa phương, tiếng hát Hà Thanh không có cơ hội bay xa hơn, vươn rộng hơn nữa…

(Tạp ghi Quỳnh Giao)

* * *
Ca sĩ Hà Thanh (1937-2014)

No comments: