Thursday, 10 March 2022

Nhất dạ hiền giả

 KINH NHẤT DẠ HIỀN GIẢ
(Bhaddekaratta Sutta, MN 131)

(Lược trích)

Đức Thế Tôn dạy:

Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến.
Chỉ có pháp hiện tại,
Tuệ quán chính ở đây,
Không động, không rung chuyển.

Biết vậy, nên tu tập,
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai?
Không ai điều đình được,
Với đại quân thần chết.

Trú như vậy nhiệt tâm,
Ðêm ngày không mệt mỏi,
Xứng gọi Nhất Dạ Hiền,
Bậc an tịnh, trầm lặng.

Này các tỳ-khưu, thế nào là truy tìm quá khứ? Vị ấy nghĩ: “Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là thọ của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là tưởng của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là hành của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy, “Như vậy, là thức của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các tỳ-khưu, là truy tìm quá khứ.

Thế nào là không truy tìm quá khứ? Vị ấy nghĩ: “Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là thọ của tôi trong quá khứ”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là tưởng của tôi... Như vậy là hành của tôi... Như vậy là thức của tôi trong quá khứ”; và không truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các tỳ-khưu, là không truy tìm quá khứ.

Thế nào là ước vọng trong tương lai? Vị ấy nghĩ: “Như vậy sẽ là sắc của tôi trong tương lai”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy sẽ là thọ của tôi trong tương lai”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy sẽ là tưởng của tôi... sẽ là hành của tôi... sẽ là thức của tôi trong tương lai”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các tỳ-khưu, là ước vọng trong tương lai.

Thế nào là không ước vọng trong tương lai? Vị ấy nghĩ: “Như vậy sẽ là sắc của tôi trong tương lai”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy sẽ là thọ của tôi trong tương lai”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy sẽ là tưởng... sẽ là hành... sẽ là thức của tôi trong tương lai”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các tỳ-khưu, là không ước vọng trong tương lai.

Thế nào là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này các tỳ-khưu, có kẻ vô văn phàm phu không đi đến các bậc thánh, không thuần thục pháp của các bậc thánh, không tu tập pháp của các bậc thánh; không đi đến các bậc chân nhân, không thuần thục pháp của các bậc chân nhân, không tu tập pháp của các bậc chân nhân; quán sắc là tự ngã, hay quán tự ngã là có sắc, hay quán sắc là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong sắc; hay vị ấy quán thọ là tự ngã, hay quán tự ngã là có thọ, hay quán thọ là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong thọ; hay vị ấy quán tưởng là tự ngã, hay quán tự ngã là có tưởng, hay vị ấy quán tưởng là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong tưởng; hay vị ấy quán hành là tự ngã, hay vị ấy quán tự ngã là có hành, hay vị ấy quán hành là trong tự ngã, hay vị ấy quán tự ngã là trong hành; hay vị ấy quán thức là tự ngã, hay quán tự ngã là có thức, hay quán thức là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong thức. Như vậy, này các tỳ-khưu, là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại.

Thế nào là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này các tỳ-khưu, có vị Ða văn Thánh đệ tử đi đến các bậc thánh, thuần thục pháp của các bậc thánh, tu tập pháp của các bậc thánh, đi đến các bậc chân nhân, thuần thục pháp của các bậc chân nhân, tu tập pháp của các bậc chân nhân. Vị này không quán sắc là tự ngã, không quán tự ngã là có sắc, không quán sắc là trong tự ngã, không quán tự ngã trong sắc; không quán thọ... không quán tưởng... không quán hành... không quán thức là tự ngã, không quán tự ngã là có thức, không quán thức trong tự ngã, không quán tự ngã trong thức. Như vậy, này các tỳ-khưu, là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại.

Do đó Ta nói:

Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến.
Chỉ có pháp hiện tại,
Tuệ quán chính ở đây,
Không động, không rung chuyển

Biết vậy, nên tu tập,
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai?
Không ai điều đình được,
Với đại quân thần chết.

Trú như vậy nhiệt tâm,
Ðêm ngày không mệt mỏi,
Xứng gọi Nhất Dạ Hiền,
Bậc an tịnh, trầm lặng.

(Bình Anson lược trích, 10-03-2022)

*----------*













Wednesday, 9 March 2022

Thế nào là sống một mình (độc trú)?

 THƯỢNG TỌA
(Tạp A-hàm, kinh số 1071)

Tôi nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở tại tịnh xá Cấp cô độc, vườn Kỳ-đà, gần thành Xá-vệ. Bấy giờ có tỳ-khưu tên là Thượng Tọa, chỉ thích sống một mình tại một nơi, thường hay ca ngợi người sống một mình, đi khất thực một mình, thọ trai xong trở về một mình và ngồi hành thiền một mình.

Bấy giờ có một số tỳ-khưu đi đến gặp Phật, cúi đầu đảnh lễ, rồi lui ngồi một bên, bạch với Ngài:

“Bạch Thế Tôn, có tôn giả tên là Thượng Tọa chỉ thích sống một mình tại một nơi, thường hay ca ngợi người sống một mình, đi khất thực một mình, thọ trai xong trở về một mình và ngồi hành thiền một mình.”

Đức Thế Tôn bảo một vị tỳ-khưu:

“Ông hãy đến chỗ tỳ-khưu Thượng Tọa và nói rằng Ta gọi ông ta.”

Vị tỳ-khưu ấy vâng lời Phật dạy, đến nói lời như trên với tỳ-khưu Thượng Tọa. Tỳ-khưu Thượng Tọa liền đi đến gặp Phật, cúi đầu đảnh lễ, rồi lui ngồi một bên. Thế Tôn hỏi tỳ-khưu Thượng Tọa:

“Có phải ông chỉ thích sống một mình tại một nơi, thường hay ca ngợi người sống một mình, đi khất thực một mình, thọ trai xong trở về một mình và ngồi hành thiền một mình chăng?”

Tỳ-khưu Thượng Tọa đáp:

“Bạch Thế Tôn, thật như vậy.”

Phật hỏi tỳ-khưu Thượng Tọa:

“Ông sống một mình như thế nào?”

Tỳ-khưu Thượng Tọa đáp:

“Con sống một mình tại một nơi, thường hay ca ngợi người sống một mình, đi khất thực một mình, thọ trai xong trở về một mình và ngồi hành thiền một mình. Chỉ thế thôi.”

Phật dạy:

“Ông đúng là người thích sống một mình, Ta không nói là chẳng phải sống một mình. Nhưng có lối sống một mình cao thượng hơn. Vì sao gọi là lối sống một mình cao thượng? Đó là tỳ-khưu quán chiếu để thấy rằng quá khứ đã không còn, tương lai thì chưa tới, an nhiên sống trong hiện tại mà không bị vướng mắc vào các tham dục. Đó là vị tu sĩ với tâm không còn do dự, bỏ hết mọi lo âu, xa lìa mọi tham dục, đoạn tận các kết sử. Đây mới là thật sự sống một mình, không có lối sống nào cao thượng hơn nữa.”

Rồi đức Thế Tôn nói lên bài kệ:

Quán chiếu vào cuộc đời,  
thấy rõ được vạn pháp, 
không chấp vào pháp nào, 
lìa xa mọi ái nhiễm.
Sống an lạc như thế, 
tức là sống một mình.

Phật giảng xong, tôn giả Thượng Tọa hoan hỷ đón nhận lời Phật dạy, cung kính đảnh lễ cáo từ.

*----------*

VỊ TỲ-KHƯU TÊN THERA
(Theranāmaka Sutta, SN 21.10)

Một thời, Thế Tôn trú ở Trúc Lâm gần thành Vương Xá, tại nơi nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ có một tỳ-khưu tên là Thera (Trưởng Lão, Thượng Tọa) sống độc trú và tán thán hạnh sống độc trú. Vị ấy đi vào làng khất thực một mình, đi về một mình, ngồi vắng lặng một mình, và đi kinh hành một mình.

Rồi có nhiều vị tỳ-khưu đi đến gặp Thế Tôn. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, ngồi xuống một bên, rồi  bạch Thế Tôn:

“Bạch Thế Tôn, có vị tỳ-khưu tên là Thera sống độc trú và tán thán hạnh sống độc trú.

Thế Tôn bảo một tỳ-khưu:

“Này tỳ-khưu, hãy đến gặp ông ấy và nói Ta gọi ông ấy.”

“Thưa vâng, bạch Thế Tôn”, vị tỳ-khưu vâng đáp rồi đi đến gặp tỳ-khưu Thera và nói:

“Này hiền giả Thera, bậc Ðạo Sư gọi hiền giả.”

“Thưa vâng, hiền giả.” Tôn giả Thera vâng đáp tỳ-khưu ấy và đi đến gặp Thế Tôn. Sau khi đến, vị ấy đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Thế Tôn hỏi tôn giả Thera:

“Có thật chăng, này Thera, ông sống độc trú và tán thán hạnh độc trú?

“Vâng, đúng như thế, bạch Thế Tôn.”

“Như thế nào, này Thera, ông sống độc trú và tán thán hạnh sống độc trú?”

“Bạch Thế Tôn, con đi vào làng khất thực một mình, con đi về một mình, con ngồi vắng lặng một mình, rồi con đi kinh hành một mình. Đó là cách con sống độc trú và tán thán hạnh sống độc trú.”

“Ðó là sống độc trú, này Thera, Ta không nói không phải vậy. Tuy nhiên, có một cách làm viên mãn sống độc trú đầy đủ với các chi tiết. Hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói.”

“Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”

“Này Thera, thế nào là độc trú được làm viên mãn với đầy đủ các chi tiết? Ở đây, cái gì thuộc quá khứ thì đoạn tận; cái gì thuộc tương lai thì từ bỏ; ngã ái và dục ái trong hiện tại được nhiếp phục. Như vậy, này Thera, là độc trú được làm viên mãn với các chi tiết.”

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Xong rồi, Thiện Thệ, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

Ai chiến thắng tất cả,
Ai hiểu biết tất cả,
Ai là bậc thiện trí,
Mọi pháp không ô nhiễm.
Ai từ bỏ tất cả,
Ái tận, được giải thoát,
Ta nói chính người ấy,
Thật là vị độc trú.

*----------*