Tuesday, 7 July 2009

Nguồn gốc tiếng Việt

Tĩnh Túc
thanh.nguyen@student.uni-ulm.de
(22-08-2007)
http://au.blog.360.yahoo.com/

*
Tiếng nói là nhịp cầu cảm thông để trao đổi tư tưởng trong sinh hoạt xã hội giữa con người cùng dòng giống xứ sở. Có con người là có ngôn ngữ. Ngôn ngữ văn tự có ảnh hưởng rất lớn và quan hệ mật thiết đến sự hưng vong của giống nòi. Dân tộc có một trình độ văn hóa cao, càng văn minh thì họ lại càng chú trọng đến ngôn ngữ văn tự.

Dân tộc ta, ngót năm ngàn năm lịch sử, có cùng chung một gốc, cùng chung một tiếng nói. Từ Bắc chí Nam, ngoại trừ một số dân thiểu số còn dùng thổ âm và một số địa phương dùng phương ngữ hay phát âm có đôi chút sai biệt, chúng ta đều nói, nghe và hiểu một thứ tiếng, đó là tiếng Việt Nam.

Vậy tiếng Việt có tự bao giờ? Tiếng Việt bắt nguồn từ đâu?

Tiếng Việt có phải tự ngàn xưa đã là một tiếng nói thật sự thuần Việt hay là một kết quả của sự hỗn hợp trại lẫn của nhiều tiếng nói khác nhau ?!

Trước khi tìm về cội nguồn tiếng Việt, việc phải làm đầu tiên là ta phải đi ngược dòng thời gian để tìm ra gốc tích của tổ tiên Việt Nam. Qua đó, ta mới có thể truy nguyên được tiếng nói của dân tộc. Vì thời gian lịch sử xa xăm mù mịt, vấn đề nguồn gốc Việt Nam, cũng như nguồn gốc tiếng Việt thật khó mà khẳng định một cách chính xác. Kê cứu theo sử ký, truyền thuyết, giả thuyết và nhất là những ý kiến, lập luận, ức thuyết của các học giả, sử gia Việt, Pháp, Tàu thì vấn đề này càng rẽ ra trăm mối, bất nhất và mâu thuẫn. Tuy nhiên, tôi cũng ghi chép lại những điều đã đọc để các bạn rộng đường thảo luận và kính xin các bậc thức giả sửa sai hoặc góp ý giùm cho.

Nguồn gốc dân tộc Việt

Tiếng Việt vào thời đại sơ cổ:

Kể từ trời mở viêm bang
Sơ đầu có họ Hồng Bàng mới ra
Cháu đời Viêm Ðế thứ ba
Nối dòng Hỏa Ðức gọi là Ðế minh
Quan phong khi giá Nam hành
Hay đâu Mai Lĩnh duyên sinh Lam Kiều
Vụ Tiên vừa nở đào yêu
Xe Loan nối gót, tơ điều kết duyên
Dòng thần sánh với người tiên
Tinh anh nhóm lại, thánh hiền nối ra
Phong làm quân trưởng nước ta
Tên là Lộc Tục, hiệu là Kinh Dương
Hóa Cơ dựng mối luân thường
Ðộng Ðình sớm kết với nàng Thần Long
Bến hoa ứng vẻ lưu hồng
Sinh con là hiệu Lạc Long trị vì (1)

Theo truyền thuyết (tục truyền) thì khai mở họ Hồng Bàng (2879 - 258 tr. CN) là Lộc Tục, con trai vua Ðế Minh. Sau Ðế Minh nhường ngôi lại cho con trưởng là Ðế Nghi làm vua phương Bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, lấy quốc hiệu là Xích Quỷ. Bờ cõi nước Xích Quỷ phía bắc giáp Ðộng Ðình Hồ (Hồ Nam), phía nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía đông giáp bể Ðông hải. Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào khoảng năm Nhâm tuất (2879 tr. CN) và lấy con gái Ðộng Ðình Quân là Long Nữ đẻ ra Lạc Long Quân Sùng Lãm.

Lạc Long Quân lấy con gái vua Ðế Lai tên Âu Cơ, sanh được 100 con trai. Chia 50 đứa con theo mẹ lên núi, 50 đứa con theo cha xuống bể Nam Hải. Lạc Long Quân phong cho con trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương, tức Quốc tổ của dân tộc Việt Nam ngày nay. (2)

Tuy nhiên, theo sách Ðại Việt Sử Lược do Tiền Hi Tộ đời nhà Thanh hiệu đính, có ghi một đoạn rất quan trọng như sau:

"Ðến đời Trang Vương nhà Chu, năm 696-682 tr. CN, ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật, áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu nước là Văn Lang... Truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương."(3)

Như vậy là Hùng Vương đã xuất hiện ở thế kỷ thứ 7 tr. CN. Từ đó cho tới năm 257 tr. CN thì nước Văn Lang bị Thục An Dương Vương thôn tính. Tính ra họ Hùng trị vì được 439 năm, nếu đem ra 18 đời, thì mỗi đời trung bình từ 25 tới 30 năm. Như thế có phần xác thực hơn là nói họ Hồng Bàng và họ Hùng cai trị cả mấy nghìn năm như truyền thuyết ghi chép.

Thế nhưng trong truyện số 10 của Lĩnh Nam Chích Quái nói về chim Bạch trĩ, lại thấy ghi rằng: về đời vua Thành Vương nhà Chu, Hùng Vương sai bề tôi tự xưng là họ Việt Thường đem chim trĩ sang cống hiến. Vì ngôn ngữ bất đồng, Chu công phải dùng ba lần thông ngôn mới hiểu nhau được. Căn cứ vào sử ký của Tư Mã Thiên, bộ sử xa xưa nhất của Trung Hoa có ghi chép như sau:

"Năm Tân Mão thứ 6 (nhằm năm 1110 tr. CN) đời Thành Vương nhà Chu, phía nam bộ Giao Chỉ có họ Việt Thường, qua ba lần sứ dịch, dâng chim trĩ trắng."(4)

Nếu đúng như vậy thì họ Hùng Vương đã trị vì ít nhất là trên 800 năm. Không đúng theo sử ký của Tiền Hi Tộ, trong Tứ Khố Toàn Thư của nhà Thanh. Lại càng không đúng với Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim hoặc của truyền thuyết.

Ðó là chiếu theo sử ký và tục truyền để tìm ngọn ngành tổ tiên dân Việt, mà chúng ta cũng đã thấy nhiều điều không trùng khớp hoặc bất đồng kiến với nhau. Nhưng cũng nhờ qua tài liệu quan trọng nêu trên, ta có thể chắc rằng dân tộc Việt bấy giờ có một ngôn ngữ riêng biệt. Chính vì thế mà vua Chu đã phải ba lần kiếm tìm người thông ngôn mới có thể hiểu nhau được.

Về gốc tích của dân Việt, theo sự ghi chép của ông Trần Trọng Kim, dựa vào lập luận của các nhà nghiên cứu nước Pháp, viết rằng:

"Theo ý kiến của những nhà kê cứu của nước Pháp, thì người Việt Nam và người Thái đều ở miền núi Tây Tạng xuống. Người Việt theo sông Hồng Hà lần xuống đông nam, lập ra nước Việt Nam ta bây giờ. Còn người Thái thì theo sông Mê kông, lập ra nước Tiêm La (Thái Lan) và các nước Lào."

Lại có nhiều người Tàu và người Việt cho rằng, nguyên khi xưa đất nước Tàu có giống dân Tam Miêu ở, sau đó giống Hán tộc ở phía Tây bắc đến đánh đuổi, chiếm giữ vùng sông Hoành hà lập ra nước Tàu, rồi lấn dần xuống phương nam. Người Tam miêu phải lẩn tránh vào rừng núi hoặc đào tị xuống miền Việt Nam ta bây giờ. (5) Tuy nhiên, ngay chính ông Trần Trọng Kim cũng không tin vào giả thuyết này.

Trong quyển Văn Phạm Việt Nam của Bùi Ðức Tịnh (tr. 171 - 188) khi viết về lịch sử tiếng Việt, ngay câu đầu tiên ông Bùi Ðức Tịnh tán thành thuyết của các học giả cho rằng Việt ngữ là một thứ tiếng thuộc về dòng Thái. Vì dòng tiếng Thái có hai đặc điểm: giọng trầm bổng như tiếng Trung Hoa, vừa có ngữ pháp đặt xuôi của loại tiếng Ấn độ - Mã Lai. Nhà bác học Schmidt cho rằng dòng tiếng Thái thuộc về tông-chi rộng-rãi bao trùm các ngôn ngữ của những thị tộc Ðông Nam Á và Ðại dương châu thời sơ cổ, và đề nghị đặt tên cho tông chi ngôn ngữ này là ''tông chi Úc - Á''. Nhưng thuyết của ông không được chứng minh một cách đầy đủ. Bác sĩ Rivet, trong đại hội các nhà tiền sử học họp tại Hà Nội vào năm 1932 cũng có đưa ra một ức thuyết: Từ miền nam châu Á hoặc từ Nam dương quần đảo, vào một thời đại tối cổ, đã có những đoàn di dân tản mác đi theo hình rẻ quạt, vượt trùng dương đến ở những đảo rải rác trên Thái bình dương và Ðại tây dương ... Người ta thường gọi chung họ là các giống Ðại dương nhân (Océaniens). Ðó là những người Ne'gritos, Me'lane'sien (Australien), Indone'sien và Mông cổ. Theo các nhà nhân chủng học, có lẽ trước tiên, tại bán đảo Ðông dương có hai giống người Me'lane'sien và Indone'sien. Do đó, có thể ức đoán rằng vào thời sơ cổ, đã có những thị tộc người Indone'sien ở vùng trung châu Bắc Việt và miền bắc Trung Việt. Một mặt khác, trước đời nhà Chu (khoảng 1050 đến 771 tr. CN) khắp vùng lưu vực sông Dương Tử, từ miền Vạn Huyện tỉnh Tứ Xuyên cho đến dọc miền biển cũng đã có chi nhánh của chủng tộc Indone'sien, mà sử gia Tàu gọi họ là giống Man di. Những phần tử Việt tộc này đã di cư lần xuống miền Nam theo đường sông hoặc đường biển.

Theo Ðào Duy Anh, có lẽ nhóm Việt tộc ở miền bờ biển Phước Kiến, hằng năm dùng thuyền gỗ hoặc mảng tre giăng buồm, nhân gió bấc vượt biển đến các miền duyên hải phương nam, đại khái vùng Hải nam, vùng trung châu sông Nhị và sông Mã phía Bắc Việt ngày nay. Ðến mùa gió Nồm, họ lại vượt biển trở về nguyên quán. Thế là ngay từ những ngày rất xưa, đã có sự tiếp xúc người Indonesian ở dọc theo bờ biển nước Bắc Việt với những người Indonesian, chi nhánh Việt tộc, ở vùng Phước Kiến. Khi nước Việt bị nước Sở diệt (333 tr. CN) làn sóng Việt tộc tràn xuống miền nam càng nhiều. Nhóm Việt tộc vùng Phước Kiến di cư vào miền bắc Việt nam, là nơi đã quen biết trước. Họ đem theo cái thị tộc cũ là Lạc, và một nền văn hóa tuy có chỗ tương đồng với thổ dân trước nhưng đã chịu ít nhiều ảnh hưởng của giống Mongolic ở phương Bắc. Sở dĩ có tên Lạc Việt ấy là vì trong các cuộc vượt biển hàng năm, nhóm Việt tộc vùng Phước Kiến đi và về đồng thời với một giống hậu điểu thuộc loại ngỗng trời gọi là chim Lạc. Có lẽ họ đã nhận giống chim ấy là vật tổ .(6)

Theo nhà sử học người Pháp, ông Léonard Aurousseau, căn cứ vào tài liệu sử sách Trung Hoa, thì dân tộc Việt Nam chính là một trong các dân Bách Việt gốc ở tỉnh Chiết Giang (Trung Hoa) vào khoảng thế kỷ thứ 5 tr. CN, rồi lần xuống phía nam, hợp với dân bản xứ, nhờ vào điều kiện địa dư thuận tiện, đã chống lại sự xâm lăng của Tần Thủy Hoàng. Dưới đời Triệu Ðà, nhờ chế độ cai trị dễ dãi mà Triệu Ðà khôn khéo biệt lập, tự củng cố địa vị ở phía nam xứ Trung Hoa, tránh được ảnh hưởng của người Tàu .(7)

Nhưng lập luận này đã không đứng vững khi ông Phạm Quỳnh xét về phương diện ngôn ngữ đã chất vấn trong bài '' Xét về cội rễ tiếng Việt Nam'' như sau: (8)

"Bọn dân Việt hồi đó, rợ Bách Việt là thủy tổ cho dân Việt Nam đó, nói tiếng gì? Nếu là tiếng Trung Hoa thì không hiểu làm sao mà biến mất hẳn đi mà xuất hiện ra một thứ tiếng khác hẳn tiếng Trung Hoa. Nếu không phải là tiếng Trung Hoa, thì các rợ Bách Việt ấy tất phải có một hay nhiều thứ tiếng thổ âm riêng. Như vậy thì sao trong suốt các rợ Bách Việt ấy duy có người Việt Nam, tuy sau này còn phụ thuộc Trung Hoa đến ngàn năm nữa mà vẫn giữ được tiếng nguyên âm, còn thời các rợ khác ở Nam Phương nước Tàu bỏ mất hết đi để nói tiếng Trung Hoa cả? Nếu ta thừa nhận cái thuyết của ông Léonard Aurousseau, thì cái vấn đề tiếng nói tưởng cũng khó giải quyết vậy".

Theo ông Lê Ngọc Trụ (9) thì dân tộc Việt Nam đã có từ lâu đời sinh sống tại đồng bằng Bắc Việt. Còn nhóm người Việt (Câu Tiễn) miền Chiết Giang, sau thời loạn Xuân Thu bị nhà Sở thôn tính (333 tr. CN) đã di cư xuống miền nam theo đất liền đến chung sống với các dân tộc khác như Việt-Ðông-Hải vùng Ô Châu, Mân-Việt vùng Phúc Châu, Nam-Việt vùng Quảng Ðông, Âu-Lạc-Việt vùng phía nam tỉnh Quảng Tây và Bắc Việt Nam, một lớp vào tới cả Thanh Hoá (Cửu Chân). Nhưng họ chỉ là nhóm người thiểu số và bị đồng hóa, chứ họ chẳng phải là gốc tích tổ tiên Việt Nam như ông Léonard Aurousseau đã nêu ra. Ngoài ra, ông Lê Ngọc Trụ còn cho rằng(10), tổ tiên dân tộc Việt đã cư trú ở những vùng triền núi từ sông Ðà (Hắc giang) tới Quảng Bình, sống chung hoà với dân tộc Mường. Cho nên đến ngày nay, tiếng nói ở những vùng này có nhiều chỗ tương tợ tiếng Mường. Dân Mường là dân miền núi, cho nên họ rút lần rải rác vào sâu dãy Hoành Sơn, do đó họ không bị ảnh hưởng văn hoá của các đại cường quốc Ấn Tàu, và chính vì thế họ vẫn giữ được các cổ tục và tiếng nói của họ cũng không bị thay đổi nhiều. Nên khi so sánh hai thứ tiếng Mường Việt, ông cho rằng tiếng Việt và tiếng Mường có lẽ từ một nguồn gốc mà ra. Thí dụ:

Mường Thạch Bi Hà Tĩnh Hà Nội
ka Ga Gà
kảy Gái Gái
kốk kộk Gốc
kảw Gạw Gạo

Tiến sĩ Hương Giang Thái Văn Kiểm cũng có cùng quan điểm lập luận như giáo sư Lê Ngọc Trụ và cho rằng, dân Bách Việt phát xuất từ miền Duyên hải miền nam Trung Hoa và giống dân Lạc Việt sinh sống lâu đời tại đồng bằng miền Bắc Việt Nam hoàn toàn không cùng chủng tộc. Sau nhiều cuộc xung đột, hai giống tộc này đã chịu hòa đồng chung sống với nhau như một đại tộc. Về sau, người Mường, cũng là sắc dân Lạc, đã chạy vào ẩn núp trong núi rừng, cao nguyên, để tránh sự xâm lăng đô hộ của người Tàu. Nhờ đó, họ vẫn giữ nguyên được ngôn ngữ, phong tục tập quán và kỹ thuật đúc trống đồng mà trước thời kỳ Bắc thuộc đã được đúc tại miền duyên hải Bắc việt và lưu vực sông Mã (nền văn hoá thạch khí Hòa Bình và Bắc Sơn với nền văn hoá đồng đen Ðông Sơn). Do đó các nhà nhân chủng học cho rằng: '' người Mường là Tiền-Việt'' (proto Vietnamiens)(11) , vì trong ngôn ngữ, tục lệ có nhiều điểm tương đồng với người Lạc. Ông có tìm được bản văn Mường-Việt nói về sự tích của sông Pờ (sông Bờ, tức sông Hồng ngày nay) trong quyển Cours de Langue Annamite của A. Cheon, do nhà in F-h Schneider, xuất bản tại Hà Nội năm 1899-1901 (nguyên văn):

"Khây khước măng pâu pô. Khi trước nghe người ta nói rằng cỏ mống ông, thên hốp là rằng có một ông tên gọi là ông Tùng, mà cở hai bợ chồng; ông Ðồng, mà cở hai bợ chồng nã rú ra tế nã lấp cải nó rủ nhau để nó lập cái ksông Pơ. Nã tan lẽ ksông sông Bờ. Nó toan lấy sông Pờ pao tất Thạch Bi. Bơ nã Bờ vào đất Thạch Bi. Vợ nó mê, ti lê ksú tê, nã lấp mới đi lấy đá, để nó lấp ksông. Lòng klởi skinh tha sông. Lòng trời sinh ra mốch ông hốp là ông Sách; một ông gọi là ông Sắt; me thuỗng mê thếch pât bởi mói xuống mới thách vật với ông Tùng. Nã me pao lò, nã ông Ðồng. Nó mới vào lò; nó tỏ ming nã pât ông Tùng đỏ mình nó mới vật ông Ðồng. Ông Tùng mê chẩi hết mìng, ông Ðồng mới cháy hết mình, mê chết. Cho đên cải ksông mới chết. Cho đến cái sông dỉ chăng lấp ản, mê dênh cải cấy chẳng lấp được, mới nên cái Thác pờ dỉ. Thác bờ ấy."

Ðọc đoạn văn trên, ta thấy tiếng Việt được chuyển dịch xen kẽ lẫn vào bản văn tiếng Mường, rất tối nghĩa. Cho nên tôi mạo muội viết ra hai bản Mường và Việt rõ ràng để quí vị dễ đọc và so sánh:


Bản văn tiếng Mường:

"Khây khước măng pâu pô, cỏ mống ông thên hốp ông Ðồng, mà cở hai bợ chồng nã rú ra tế nã lấp cải ksông Pơ. Nã tan lẽ ksông Pờ pao tất Thạch Bi. Bơ nã mê, ti lê ksú tê nã lấp ksông. Lòng klởi skinh tha mốch ông hốp là ông Sách me thuỗng mê thếch pât bởi ông Ðồng. Nã me pao lò, nã tỏ ming nã pât ông Ðồng. Ông Ðồng mê chẩi hết mìng, mê chết. Cho đên cải ksông dỉ chăng lấp ản, mê dênh cải cấy cái Thác pờ dỉ."


Bản văn dịch sang tiếng Việt:

"Khi trước nghe người ta nói rằng, có một ông tên gọi là ông Tùng, mà cả hai vợ chồng nó rủ nhau để nó lấp cái sông Bờ. Nó toan lấy sông Bờ vào đất Thạch Bi. Vợ nó mới đi lấy đá, để nó lấp sông. Lòng trời sinh ra một ông gọi là ông Sắt mới xuống mới thách vật với ông Tùng. Nó mới vào lò, nó đỏ mình nó vật ông Tùng. Ông Tùng mới cháy hết mình, mới chết. Cho nên cái sông ấy chẳng lấp được, mới nên cái Thác bờ ấy."


Khi nhắc đến nguồn gốc của Việt ngữ, ông Phạm Thế Ngũ cũng có nêu giả thuyết là người Việt có cùng tông tổ với người Mường, vì các nhà khảo cổ, khi xét về phong tục, lịch sử cũng như ngôn ngữ của người Việt, đã thấy có rất nhiều điểm giống với người Mường. Hiện nay, trong tiếng Việt có rất nhiều tiếng tương tự với tiếng Mường, và có thể xem đó là hình thức tối cổ của tiếng Việt tương đương, thí dụ:(12)

một Hai ba trời đất núi sông trâu gà tằm ăn lá dâu

móc Hai pa tlòy tất nủy không tlu kà thảm ăn lá tô


Thứ tiếng cổ ấy, về sau, trong ngôn ngữ người Việt, thâu nhận thêm những yếu tố vay mượn của các chủng tộc lân cận mà trở thành tiếng Việt. Và ông kết luận rằng: "dân tộc Việt Nam là kết quả tạp chủng và lai lẫn với các dân tộc đã sinh sống trên bán đảo Ðông dương, và tiếng Việt là kết quả trại lẫn của nhiều thứ tiếng của các dân tộc ấy." (13)

Trong quyển Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam(14), ông Bình Nguyên Lộc đã có một số nhận định và chứng minh khoa học cụ thể về vấn đề nan giải nêu trên.

Theo ông, viết thượng cổ sử khác xa với viết sử. Vì viết sử chỉ cần sử liệu, còn viết thượng cổ sử thì cần phải chứng minh bằng khoa học, do đó muốn tìm tòi về các chủng tộc ta phải vận dụng kiến thức khoa học chính xác của ngành Chủng Tộc Học (Anthropologie physique). Riêng về nguồn gốc của một chủng tộc thì khoa học chỉ nhìn nhận 3 chứng tích sau:

Khoa Chủng Tộc Học

Khoa KhảoTiền Sử

Khoa Ngôn Ngữ Tỷ Hiệu (Études comparatives des Langues)

Theo ông trên thế giới ngày nay không còn chủng tộc nào là thuần chủng. Ngay cả trên cao nguyên của nước ta có người Thượng mà ta cứ ngỡ là thuần chủng, nhưng thực sự họ đã lai giống đến nhiều lần rồi. Về vấn đề nguồn gốc dân Việt, ngôn ngữ Việt, từ lâu đã có những nhà bác học Pháp thuộc viện Bác Cổ Viễn Ðông, các sử gia, ngữ học gia, giáo sư Việt Pháp khổ công tìm tòi nghiên cứu, nhưng vẫn chưa tìm được một giải đáp thoả đáng. Và họ đã đưa ra một số ức thuyết khá hỗn loạn:

Ông Kari Himy cho rằng tiếng ta có bà con với tiếng Môn

Ông H. Maspe'so bỏ Việt Ngữ vào chung với Thái ngữ

Ông E. Souvignet cho rằng tiếng Việt có liên hệ với Mã Lai

Bs. Reynand nhấn mạnh về ngữ vựng Miên Việt giống nhau quá nhiều

Gs. Lê Ngọc Trụ và Sử gia Nguyễn Phương khẳng định tiếng ta là tiếng Tàu

Sg. Phạm Văn Sơn kết luận Việt ngữ + Việt chủng là một chủng tộc, một ngôn ngữ riêng biệt

Từ năm 1920 nhờ những cuộc phát kiến ngẫu nhiên của dân chúng vùng Ðông Sơn tỉnh Thanh Hóa đã khai quật được một số cổ vật đồng pha kế tiếp nhau ở cách lưu vực sông Nhật Lệ, sông Gianh, sông Cả, sông Mã, sông Ðà, sông Nhị, sông Lệ. Nghiên cứu sơ khởi cổ mộ Ðông Sơn, người ta tìm thấy người chết có đồ tùy táng, trong đó có trống bằng đồng thau khá rực rỡ. Ước tính theo số tuổi cổ vật, mộ này ắt đã được chôn trước thời Hai Bà Trưng (40- 43) đến 32 năm. Nhưng qua đó vẫn chưa xác định được người dưới mồ là người bản xứ, vì rất có thể họ là dân tộc khác sang nước ta rồi sau khi chết được mai táng tại đó. Mãi về sau, khi khai quật được nhà bằng gỗ và tre đã hoá thạch, các nhà nghiên cứu khảo cổ đưa ra được một kết luận quan trọng. Nhà ấy có lối kiến trúc giống như hình nhà khắc trên trống đồng trong cổ mộ. Bấy giờ mới chắc chắn được là người có trống chôn theo là người bản xứ. Hợp kim của trống khai quật được phân chất và kết quả đưa ra đó là hợp kim đặc biệt, khác hẳn với hợp kim của Tàu, Ấn Ðộ hay của Tây phương thời đó. Các nhà bác học gọi người trong mộ táng được khai quật thuộc chủng tộc Indone'sien. Indone'sien, thuật ngữ của ngành Chủng Tộc học có nghĩa là Cổ Mã Lai, chứ không thuần nghĩa thông thường được chú giải trong các tự điển ngôn ngữ hiện nay là người dân của xứ Nam Dương quần đảo. Mặc dù các dân tộc Nam Dương, Mã Lai Á đều từ gốc chủng tộc Cổ Mã Lai mà ra nhưng đã không còn thuần giống.

Chủng Cổ Mã Lai phát tích từ Tây Tạng, hay nói rõ hơn là tại chân cao nguyên Tây Tạng, vùng đất quanh chân núi Himalaya (Hi-Malaya có nghĩa là núi của người Malaya) [Thật ra, đây là tiếng Sanskrit, Hima: tuyết, Alaya: trú xứ, Himalaya: tuyết trụ -- Bình Anson, 07/2009].

Từ 6000 năm trở về xưa hơn, dân Cổ Mã Lai từ quanh cao nguyên Tây Tạng xuống chiếm đất Ấn Ðộ, đẩy lui thổ dân kém cỏi nơi đó lên vùng đồi núi và hợp chủng với chủng tộc Melane'sien đã có mặt từ lâu trên đất Ấn (Chủng Melane'sien chẳng những là thổ trước trên đất Ấn mà còn tìm thấy di tích ở khắp đất Trung Hoa và Ðông Nam Á). Nền văn minh của họ tồn tại được một ngàn năm thì bị dân Aryen xâm lăng đánh đuổi. Vì vậy, một mặt giống dân Indone'sien di cư về hướng Nam, đến bán đảo Mã Lai Á, sang Nam Dương quần đảo, rồi từ đó sang Madagascar đến tận Phi Luật Tân. Mặt khác họ di dân sang Ðông Ấn, rồi từ Ðông Ấn họ đi sang Hoa Nam (Trung Hoa), hoặc đi bằng đường biển sang Ðông Pháp (danh từ cổ chỉ các nước Cổ Việt Nam, Ai-Lao, Cao Miên).

Vào khoảng 2500 năm sau, dân từ các vùng đất quanh núi Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya) dưới sự thống lãnh của Xy Vưu tới Hoa Bắc (Trung Hoa). Nhóm dân này được gọi là Cửu Lê gồm 9 nhóm, làm bá chủ Hoa Bắc không được bao lâu thì bị người Tàu từ Tây Bắc dưới quyền của Hiên Viên xâm nhập. Dân Cửu Lê thua và bị đánh đuổi, chia làm hai: chi Âu và chi Lạc. Toàn thể chi Âu vượt Hoàng Hà để nam thiên, còn chi Lạc thì lại chia hai, một số cũng vượt Hoàng Hà, số kia theo đường biển sang Ðại Hàn, Nhựt Bổn, Ðài Loan và Ðông Nam Á. Rời đồng bằng Hoa Bắc thì dân chi Âu chiếm địa bàn núi rừng ở Hoa Nam , còn dân chi Lạc thì chiếm địa bàn sông ngòi ở Hoa Nam và ở các vùng đất mới. Nơi đây, họ đã gặp các dân thổ trước nhưng đồng chủng cho nên đã sống chung hòa không gây chiến tranh lấn đất. Người Tàu dùng danh từ Việt để chỉ bất kỳ thổ dân nào từ sông Dương Tử đổ xuống, tức nhiều nhóm dân gốc Cổ Mã Lai nhưng khác chi. Theo sử Tàu thì có ba nhóm Lạc: Lạc bộ Trãi bị gọi là rợ Ðông Di, có địa bàn ở sông Bộc, tỉnh Sơn Ðông lên đến Hà Bắc; Lạc bộ Chuy bị gọi là rợ Khuyển Nhung, có địa bàn vùng sông Lạc (Thiểm Tây Ba Thục, ngày nay con sông Lạc này được đổi viết thành bộ Thủy); và Lạc bộ Mã, bị gọi là rợ Nam Man chỉ dân Việt ở Hoa Nam. Về phía Nam, đất Ngũ Lĩnh là địa bàn của các quốc gia Bách Việt trong đó có Ðông Âu, Mân Việt và Tây Âu nhưng không có Cổ Việt. Mặc dù về mặt chủng học tộc, ta thuộc về Bách Việt nhưng không phải là dân của ba nước kể trên. Trong ba nước này, Tây Âu là một quốc gia cường mạnh nhất, gồm ba quận Nam Hải (Quãng Ðông), Quế Lâm (Quãng Tây) và Tượng Quận (phần đất giữa Quãng Tây và Vân Nam). Theo bức dư đồ ngôn ngữ Ethnolinguistico Groups of Mainland Southeast Asia do Human Relations Area Files Yale University xuất bản thì Tây Âu là địa bàn của người Thái, một dân tộc thuộc chủng Mã Lai mà người Tàu xưa gọi là dân Âu. Thái là một danh tự xưng của họ khi bị Hoa tộc lấn đất dữ dội. Nhà Tần tiêu diệt cả ba quốc gia Bách Việt này và họ lại phải nam thiên xuống thượng du Bắc Việt và Thái Lan ngày nay. Thái có nghĩa là '' tự do, thoái khỏí'. Trước đó họ xưng là Ngu hoặc Ngê-U. Tiếng Quan thoại phiên âm danh tự đó cũng là Ngê-U. Duy chỉ các nhà nho đọc sai ra là Âu, chứ người Mường họ vẫn đọc đúng là Ngu. Người Thái ở miền thượng du Bắc Việt ngày nay đã khác hẳn với người Thái Lan, vì ngưởi Thái Lan đến bờ biển lập quốc cả hàng trăm năm và theo văn hóa của Ấn Ðộ và Phật giáo. Còn người Thái thượng du Bắc Việt còn giữ nguyên văn minh cổ thời của họ. Theo như trên thì truyền thuyết Âu Cơ và Lạc Long Quân rất tương đồng với bối cảnh lịch sử của dân Cửu Lê, khi bị Hiên Viên xâm lăng thì phải chia hai, chi Âu chiếm địa bàn núi rừng (Âu Cơ là Tiên đem con lên núi) và chi Lạc chiếm địa bàn sông ngòi, ven biển (Lạc Long Quân đem con xuống biển). Cả ba Lạc này đều có mặt tại Cổ Việt Nam nên ngôn ngữ của ta mới hỗn hợp tiếng Mã Lai nhiều đợt. Ðịa bàn phương đông của chủng dân Cổ Mã Lai bị dân Tàu lấn đất, họ đành phải nam thiên. Tới vùng đất mới, họ lại bị Tàu xâm lăng lần nữa, chẳng hạn như ở Cổ Việt bị nhà Hán chinh phục. Lần bị chiếm đất này, họ không còn đất lánh thân, nên một số ở lại chịu văn hóa Tàu, còn một số khác rút lên rừng núi, rồi vì khí hậu và phong thổ không ưu đãi, thiếu thốn phương tiện canh tân nên nhóm người này bị thái hóa. Do đó người Thượng trên cao nguyên vẫn còn giữ nhiều phong tục văn hóa của chủng Cổ Mã Lai hơn dân ta, kẻ ở lại đồng bằng đã khác xa, nhất là khi bị ảnh hưởng văn hóa mới và hợp chủng với dân xâm lược.

Sau đây là những dấu vết Mã Lai còn sót lại trong xã hội Việt Nam ngày nay:

1. Trống Ðồng:

Dân ta vẫn duy trì phong tục của Lạc Việt, như tả nhậm, xâm mình, nhuộm răng, búi tóc, chít khăn, tục thờ thần Âm Dương Vật và cả tục thờ Thần Trống Ðồng.

Sau thời gian dài nghiên cứu về thời đại đồng thau xưa ở Bắc phần Việt nam các nhà khảo cổ cho thấy rằng người Việt Nam thời xưa đã đạt được một trình độ luyện kim và chế tác kim loại khá cao để đúc được nhiều loại trống đồng. Do số lượng trống đồng tìm thấy được tại miền Bắc Việt Nam quá nhiều và đủ loại cho nên các nhà khảo cổ đã nghĩ rằng Việt nam phải là quê hương của trống đồng. Tuy rằng cũng có tìm được một vài trống đồng rải rác tại vài nước Ðông Nam Á hoặc vùng Nam Trung Hoa giáp ranh giới Việt Nam nhưng số lượng ít ỏi và kém mỹ thuật, nhất là các tầm vật này nằm trên những lộ trình xuyên biên giới Việt-Hoa, nên đã làm các nhà khảo cổ nghĩ rằng đó có thể là những trống thâu lượm từ Việt Nam đem về.

Trong sách Ðại Nam Nhất Thống Chí (15) ghi: "Núi Ðồng Cổ: có tên nữa là núi Khả Lao ở cách huyện Yên Ðịnh 16 dặm về phía tây .... Phía tả núi có đền thần, trong đền có một cái trống bằng đồng, nặng chừng 100 cân, đường kính phỏng 2 thước một tấc, chiều cao phỏng 1 thước 5 tấc, một mặt trống rỗng, một mặt có chín vòng tròn, ở giữa mặt trống có rốn tròn, chung quanh lưng trống là hình hồi văn chữ 'vạn', bên cạnh có văn chữ như hình văn tự khoa đẩu. Tương truyền cái trống này chế từ đời Hùng Vương. "

Trong tác phẩm Kiến văn Tiểu Lục, Lê Quí Ðôn đã viết như sau: "Nước nhà, vua Thái Tông nhà Lý dựng miếu thờ Thần Ðồng Cổ Sơn ở đằng sau chùa Thành Thọ. Hằng năm cứ đến ngày mồng bốn tháng tư lập một đàn ở trước miếu này, rồi dàn binh lính, đọc lời thề để quần thần cùng thề... ".

Nhiều thư tịch Trung Hoa xưa cũng có nói đến trống đồng có nguồn gốc ở Việt Nam như: (16)

Sách Bách Việt Nguyên Lưu Dư Văn Hóa, Lã Hương Lân ghi: "Thời cổ, văn hoá Việt rất đáng được lưu ý là sự chế tạo trống đồng và cách sử dụng. Trống đồng Lạc Việt rất nổi tiếng nên thường được gọi là Lạc Việt đồng cổ.

Sách Hậu Hán Thư quyển 54 thời Hậu Hán có ghi ở mục Mã Viện:

"Mã Viện thích cưỡi ngựa. Lúc sang đánh Giao Chỉ, ra lệnh tịch thâu trống đồng để đúc ngựa kiểu."

Sách Chu Phiên Chí, Triệu Như Quát cũng có kể về Mã Viện như trên.

Sách Lĩnh Ngoại Ðai Ðáp, Chu Khứ Phi, một học giả đời Tống, có thừa nhận rằng trống đồng không thuộc về văn hóa Hán.

Trong các sách Quảng Châu Ký, Tán Thư Trấn Thủ, Thủy Kinh Chú, Linh Biểu Lục Di đều có ghi: "Man, Di là chủ nhân của trống đồng Lạc Việt."
Ông V. Goloubew đã kể lại trong tập kỷ yếu B.E.F.E.O vol XXXIII, năm 1933 như sau: "Làng An-Nê, huyện An Ðịnh, tỉnh Thanh Hóa, là một vùng hoàn toàn Việt Nam, và gần đó không có dân Mường. Trong đền thờ trên đường Phủ Quãng, gần bến đò An Ðịnh đưa sang sông Mã, có trống đồng cùng loại với trống đồng Hoà Bình để ở Bảo tàng viện Hà Nội. Mặt trống rộng 0,85 và cao 0,58th. Trống này chỉ để thờ chứ không được đánh, bằng vào lớp bụi dày trên mặt trống..."

Ông R. Mercier thì đối chiếu cách chế tạo trống đồng của dân Ðông Sơn với cách chế tạo đồng đồng của dân Việt Nam ngày nay ở Thanh Hóa, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hà Ðông, Nam Ðịnh và thấy cả hai dân tộc đều dùng kỹ thuật và dụng cụ thô sơ y như nhau. Ông nghiên cứu chiếc trống lớn nhất ở bảo tàng viện L. Finot. Ðó là một cái trống đúc nguyên khối, không có ráp mối. Bên hông trống đếm được cả thảy 280 vết đen hình vuông, một phân tây mỗi cạnh. Nhờ đó ông khám phá được kỹ thuật đúc trống thợ Ðông Sơn xa xưa. Họ làm hai cái khuôn, một lớn một nhỏ, cái nhỏ nằm trong cái lớn, hai cái cách nhau khoảng 1/2 một phân tây, khoảng trống ấy được chêm bằng các khúc gỗ. Khi đổ đồng pha vào khoảng trống ấy, gỗ chêm bị cháy và để lại dấu vết bên hông trống. Ông Mercier nói rằng chỉ có dân Việt Nam các tỉnh cao nguyên mới đúc bằng kỹ thuật và dụng cụ thô sơ như thế mà thôi.

Về vấn đề vật tổ biểu tượng của dân Việt là chim Lạc (theo ông Ðào Duy Anh đưa ra) thì ông Bình Nguyên Lộc không đồng ý, vì chữ Lạc được viết với dạng bộ Trãi, bộ Chuy và bộ Mã chứ không hề viết theo dạng bộ Ðiểu, chỉ loài chim. Theo ông thì vật tổ biểu tượng của dân ta ngàn xưa là cây cau, nai, mặt trời, giao long bằng cứ vào những hình chạm khắc trong các đền đài chùa chiền, trên các cổ vật Ðông Sơn, phong tục, cổ tích vv... Danh hiệu Văn Lang cũng từ đó mà ra, có nghĩa là một loại cau có sọc trắng, chứ không thuần nghĩa là người con trai xâm mình.


2. Kiến trúc:

Ngôi nhà cổ Việt độc nhất, do ông Pajot nhân viên của viện Viễn Ðông Bác Cổ tìm được tại bờ sông Mã năm 1927, nhưng mãi đến 17 tháng Giêng 1938, nhà khảo cổ V. Goboulew mới báo cáo trong một buổi thuyết trình. Có sự chậm trễ đó cũng bởi vì ông gặp khó khăn trong việc định tuổi cho các vật liệu dùng làm căn nhà. Và căn nhà đó được định cùng tuổi với ngôi mộ cổ đã khai quật.

Ðó là một nhà sàn có cột cái cao 4,50 thước, sàn cao 1 thước. Mái nhà dài xuống tới sàn, và vì thế mà cửa phải trổ ra ở góc hồi. Sàn bằng tre sặt, một loại tre giống tầm vong ở miền Nam. Sườn nhà không có trính ( loại sườn nhà mà miền Nam gọi là nọc ngựa, miền Trung gọi là nhà chữ Ðinh). Hình dáng ngôi nhà này giống nhà khắc trên trống đồng có mái cong quớt lên và đó là lối kiến trúc của tất cả các nhóm dân Cổ Mã Lai và Kim Mã Lai.

Ngày nay nông dân ở nhiều đảo Nam Dương vẫn còn cất nhà như vậy, và người Chàm, cũng gốc Mã Lai, giữ lối kiến trúc đó cả đến trong những xây cất bằng gạch. Loại nhà đó người Chàm gọi là nhà Thang-giơ. Danh từ Thang-giơ do tiếng Mã Lai Nam Dương Tanga mà ra, có nghĩa là cái thang. Dân Việt gọi đó là nhà sàn.

3. Tín ngưỡng

Có rất nhiều nhóm Mã Lai thờ mặt trời hoặc ông trời. Ngay cả Mã Lai Nhật Bản cũng thờ nữ thần Thái Dương. Tất cả đều ăn khớp với hình trên mặt trống đồng. Tục thờ dương vật và âm vật của chủng Mã Lai vẫn còn tồn tại ở vài làng Bắc Việt (báo Ngày Nay, tác phẩm của Toan Ánh và Lê Quang Nghiêm). Tôn giáo ấy chẳng những được thấy ở Bắc Việt mà còn có cả ở Trung Việt. Ngay cả bên Nhật ngày nay vẫn còn giữ tín ngưỡng này.

4. Ðối chiếu chỉ số sọ

Dựa theo chỉ số sọ rút từ quyển “État actuel de la crânologie indochinoise” của các bác sĩ P. Huard, F. Saurin, Nguyễn Xuân Nguyên, Nguyễn Văn Ðức - Hà Nội 1938 - thì các dân tộc gốc Mã Lai đều có chỉ số sọ trên 80, như Mã Lai, Thái, BắcViệt, Cao Miên và Ðại Hàn, ngoại trừ Nhật Bản, Mường và người Thục. Chỉ số sọ của người Tàu thì luôn luôn dưới 80.

Người Nhật có chỉ số sọ thấp nhất trong các nhóm Mã Lai Bách Việt chỉ vì họ bị lai giống với Tàu quá nhiều.

Người Mường mặc dù họ là Cổ Mã Lai như tất cả các phụ nữ và bần dân lại thuộc chủng Melanésien, chỉ trừ các đàn ông cấp lãnh đạo, do đó chỉ số sọ trung bình của họ không giống chỉ số sọ trung bình của người Bắc Việt Nam.

Người Thục có chỉ số sọ rất giống chỉ số sọ Trung Hoa, mặc dù họ thuộc chủng Thái. Cũng chỉ vì họ đã lai giống với Tàu trên cả hai ngàn năm rồi.

Chỉ số sọ của người Việt miền Nam thấp hơn chỉ số sọ của người Việt miền Bắc, chứng tỏ rằng người Việt miền Nam lai Tàu nhiều hơn người Việt miền Bắc.

5. Ngôn ngữ tỷ hiệu

Theo ông Bình Nguyên Lộc thì một số danh từ Mã Lai trong ngôn ngữ Việt không phải là vay mượn hiển nhiên của các dân tộc khác như Chàm, Miên, Mường, Thái mà do từ gốc Cổ Mã Lai mà ra. Ông thẳng thừng bài bác lập luận cho là tiếng Việt là tiếng Tàu của sử gia Nguyễn Phương. Trong quyển Việt Nam Thời Khai Sinh, trang 230, sử gia Nguyễn Phương viết: "Hầu như có thể nói được rằng tiếng Việt Nam ngày nay, sau 10 thế kỷ độc lập, vẫn còn chính là tiếng Tàu, nhưng chỉ đọc lên một cách hơi khác với cách đọc của những tiếng địa phương ở Trung Quốc. Cố nhiên, trong Việt ngữ, đôi khi có xen vào đôi số những tiếng không phải gốc Tàu, như tiếng Mọi, tiếng Chàm, những hiện tượng đó không nói lên gì khác ngoài sự người Việt Nam trên đường bành trướng, đã có gặp người Mọi người Chàm, cũng một cách như họ đã gặp người Pháp trong thế kỷ qua và họ đã thâu nhận một số tiếng Pháp trong kho ngôn ngữ của họ".

Nhưng theo ông Bình Nguyên Lộc thì nếu đã phải vay mượn của Tàu thì tựu chung ta chỉ vay mượn những tiếng chỉ những ý niệm phức tạp, những dụng cụ lạ, vật dụng lạ. Như danh từ nước là một danh từ tối quan trọng để chỉ chất mà ta dùng hàng ngày để sống đã được sử dụng để gọi từ ngàn xưa, vậy thì sao ta không dùng chữ thủy của Tàu.

Vả lại với thiên kiến của một nước luôn tự hào là văn minh và xem cái gì của họ đều hơn của Man di cả, nhất là vấn đề ngôn ngữ, thì tất nhiên những danh từ như Lá, Trăng, Ngựa, Chòi, Túp, Cơm, Trâu, Cá, Bông, Chim, Vua, Cây dừa vv... ta phải nhất nhất dùng chữ Tàu, không nên vay mượn chữ của Mọi làm chi. Do đó chỉ có một cách trả lời là nó xảy ra thời thượng cổ, lúc hai dân tộc còn là một, tức ta với họ đồng chủng với nhau.

Ðiều này ông đã chứng minh khi đối chiếu các danh từ Việt với các dân tộc chủng Cổ Mã Lai, nếu ta không giống Chàm thì cũng giống Khơ Me, không giống Khơ Me thì cũng Thái, không giống Thái thì cũng giống người Thượng. Tóm lại danh từ Việt thế nào cũng giống danh từ của nhóm dân cùng chủng Cổ Mã Lai nào đó.

Sau đây là một số bản đối chiếu ngôn ngữ rút ra từ quyển NGMLCDTVN của ông:

Việt Nam: Cá
Sơ Ðăng: Ka
Mạ: Ká
Chàm: Kán
Mã Lai: Aka

Việt Nam: Cột
Sơ Ðăng: Kơt
Bà Na: Kơt
Chàm: Kat
Mã Lai: Ikat

Việt Nam: Mắt
Sơ Ðăng: Mat
Mạ: Maht
Chàm: Kán
Mã Lai: Mata

Việt Nam: Mặt trăng
Bà Na: Mạt tlăng
Mạ: Maht kăn
Chàm: Blaăng
Mã Lai: Bulăng

Việt Nam: Sông
Chàm: Krong
Mường: Không
Bà Na: Krông
Mã Lai: Sôngai

Việt Nam: Trái (blái)
Mường: Blái
Bà Na: Plây
Sơ Ðăng: Plây
Thai: Pho la

Việt Nam: Cháu
Bà Na: Sào
Mạ: Sáu
Mường: Cau
Mã Lai: Chu

Việt Nam: Chim
Sơ Ðăng: Chim
Mường: Chim
Bà Na: Sêm
Khả Lá Vàng: Tiêm

Việt Nam: Con (cái)
Mường: Kon
Bà Na: Koon
Sơ Ðăng: Kooon
Cao Miên: Kôn

Việt Nam: Con (vật)
Bà Na: Ko
Mạ: Ko
Cao Miên: Ko
Mường: Ko

Việt Nam: Ngày
Cao Miên: Thngay
Mường: Ngai
Sơ Ðăng: Haai
Môn: Tngay

Việt Nam: Con ruồi
Mạ: Ko Rhai
Bà Na: Ko Rooi
Mường: Ko Ruuêi
Cao Miên: Ko Ruy

Ngoài ra, ông cũng khám phá ra khá nhiều điều lý thú trong ngôn ngữ như:

Người Mường có danh từ Khai để chỉ con chó, đồng thời lại có nghĩa là con cọp. Theo cố đạo L. Cadière thì tiếng Việt xưa cũng gọi con chó là Khai, hình thức cổ sơ của danh từ con Cầy. Danh từ Bố Cái Ðại Vương, Cái là danh từ Mã Lai, có nghĩa là ông cha hùng mạnh, ông cha thủ lãnh. Hiện nay Mã Lai vẫn còn có danh từ Ibu Láki, đúng nghĩa Bố Cái, vì Ibu=bố, Láki=Cái, Ibu Láki có nghĩa là nhà lãnh đạo.

Danh từ La'ki của Mã Lai biến thành Lìcáy của Chàm và Cái của Việt. Danh từ riêng của miền Nam "người lại cái", có nghĩa là bán nam bán nữ, chắc chắn là do danh từ Chàm mà ra, đó là "Càmay lagi lìcáy" dịch ra là "đàn bà lại còn đàn ông". Ta nuốt mất chữ Càmay lagi, chỉ còn Lìcáy biến thành Lại Cái. Hiện nay người miền Nam vẫn thường nói sai là "đàn ông lại cái", chỉ vì họ không rõ căn nguyên và lại hiểu sai chữ Cái là Ðàn bà. Ngay cả danh từ Thợ Cái, Sông Cái, hoặc trong lúc chơi bài bị bắt làm Cái cũng đồng nghĩa nêu trên.

Người Việt miền Nam thường dùng chữ Tía để chỉ người cha. Ðó là danh từ Tia của dân Thất Mân, Mã Lai đợt II. Các đảo Mã Lai đều nói là Tưa, có nghĩa là cha vợ, chứ không phải là Cha như người Việt miền Nam đã dùng sai.

6. Ðồng bào Mường

Gọi là đồng bào, bởi vì theo ông Bình Nguyên Lộc rằng khoa học đã nhìn nhận rằng dân tộc Mường là Indonesien (Cổ Mã Lai) từ hơn thế kỷ nay, và ông đã chứng minh là dân ta cũng là gốc Mã Lai thì họ và ta là đồng bào rồi vậy.

Ðể viết về dân Mường, ông đã chọn tài liệu chủ lực cho sự nghiên cứu của ông, một cuốn sách mà ông thấy là đầy đủ nhất về dân tộc này, đó là quyển Les Mường, Géographie humaine et Sociologie của cô Jeanne Cuisinier do Viện Dân Tộc Học, Bảo Tàng Viện về Con Người xuất bản tại Paris năm 1946.

Như trong phần đo chỉ số của các giống tộc ở trên, người Mường không thuộc chủng Mã Lai mà lại thuộc chủng Thái, trong khi họ có ngôn ngữ rất gần với ta. Cô J. Cuisinier cho biết rằng quí tộc Mường, gia đình và họ hàng của các quan Lang, các thổ đạo, các hương chức hội tề thì xinh đẹp như người Việt. Còn bần dân và tất cả phụ nữ, kể cả phụ nữ thuộc hàng quí phái cũng bé choắt và xấu xí.

Ông Bình Nguyên Lộc giải thích rằng người Mường là quí tộc Lạc Việt từ Hoa Nam nam thiên cho nên không mang đàn bà theo kịp, họ đến đây hợp chủng với dân Melanésiens da đen xấu xí và lãnh đạo dân Melanésien cho đến ngày nay. Vào thời thượng cổ, khi mà một cuộc di cư lớn lao xảy ra thì đa số phụ nữ bị bỏ rơi, hoặc yếu sức chết dọc đường. Cho nên khi đến địa bàn định cư, đàn ông goá vợ hay thanh niên thì lấy dân thổ trước làm vợ. Chính vì thế mà phụ nữ của họ mới không đồng chủng với họ.

Xét về ngôn ngữ thì văn phạm của hai dân tộc Mường và Việt giống hệt nhau:

Tiếng Việt: Ba hồn bảy vía con đùa (con trai), con gái, đâu đi về cùng bố, cùng mẹ, ăn cơm, ăn cá
Tiếng Mường: Pa hồn pải piái on tứa, on kai, no tỉ vên kung pô, kung mè, ăn kơm ăn ka

Tiếng Việt: Bố ơi chết bỏ ta làm sao vậy, thân mình ăn đâu ở đâu bố ơi
Tiếng Mường: Pô ơi keát bô ta la no pò, thân hò ăn no ở no pô ơi!

Tiếng Việt: Ăn ra khói nói ra lửa
Tiếng Mường: Ăn za khuê nói za lửa

Tiếng Việt: Ðể cho quỉ xa ma sợ
Tiếng Mường: Tê co kwi sa ma đượi

Tiếng Việt: Vía lúa ơi, về đụn về nhà mà ở
Tiếng Mường: Piái ló ơi, vên tun vên nhà ma ở!

Tiếng Việt: Cơm như vàng ròng
Tiếng Mường: Kơm như yang rong

Danh từ Vua, thì họ nói là Bua. Trời, thì họ nói là Blời. Các cố đạo ngày xưa tại Việt Nam cũng viết là Bua, Blời, không phải vì các ông không biết âm Tr, mà bởi vì thuở đó ta cũng giống dân Mường đều không có âm Tr. Trái cây họ đọc là Tlai kây, Trái ngang họ nói là Plái ngang, Trâu họ kêu là Tlu vv...

Ngoài ra, trên mặt các trống đồng khai quật có khắc bộ hình một số người cầm gậy thọc xuống một vật mà đa số các nhà bác học Âu Châu cho rằng đó là động tác giã gạo. Nhưng nhà khảo cổ Lê Văn Lan đã lên xứ Mường và đã thấy người Mường ngày nay vẫn còn đánh trống như vậy, tức dùng gậy thọc xuống mặt trống.

Cô J. cuisinier còn viết rằng cô đã thấy toàn thể người Mường nhuộm răng đen, một số xâm mình, toàn thể ăn trầu, họ có đồng bóng và có sử dụng trống đồng loại lớn. Loại trống này chỉ có các quan Lang mới có và số tia của ngôi sao trên mặt trống càng nhiều thì tỏ rõ thế lực của ông quan Lang ấy, thông thường chỉ có 7,8 tia mà thôi.

Nói tóm lại, những giả thuyết, những lý luận mà các nhà ngữ học, bác học, sử học, nhân chủng học ngoại quốc cũng như người Việt nêu trên đã cho ta nhiều điều lý thú về nguồn gốc dân tộc cũng như nguồn gốc tiếng Việt. Qua đó, quí vị có thể tự suy ra kết luận hay ít nhiều cũng tạo hứng khởi trong việc tìm về nguồn cội văn hóa nước ta.

Tĩnh Túc
thanh.nguyen@student.uni-ulm.de
(22-08-2007)
http://au.blog.360.yahoo.com


Chú thích:
(1) Việt Nam Quốc Sử Diễn Ca, Lê Ngô Cát và Phạm Ðình Toái, tr.48
(2) Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim, tr. 11-12, Anh hùng nước tôi, MTQGTNGPVN, tr. 43
(3) Việt Nam Tinh Hoa, Thái văn Kiểm, tr. 36
(4) Việt Nam Tinh Hoa, Thái văn Kiểm, tr. 146 - 147
(5) Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim, tr. 5
(6) Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, Ðào Duy Anh, 1950.
(7) Tầm Nguyên Tự Ðiển, Lê Ngọc Trụ, tr. 11
(8) Nam Phong, số 110, tháng 10 năm 1926
(9) Tầm Nguyên Tự Ðiển VN, tr. 12
(10) Chánh tả Việt Ngữ, tr. 19
(11) Việt Nam Tinh Hoa, tr. 100-101, tr. 155-158
(12) Mượn của A. Chéon trong Note linguistique sur les Muong, BEFFEO, T5, tr, 338-339
(13) Tầm Nguyên Tự Ðiển, Lê Ngọc Trụ, tr. 13
(14) Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam - Xuân Thu xuất bản
(15) Ðại Nam Nhất Thống Chí - Quốc Sứ Quán Triều Nguyễn, quyển 2, tr. 255, 288
(16) Mượn của Phan Hưng nhơn, Diễn Ðàn Phụ Nữ 183 - 1999, trong bài "Nhìn lại nền văn hoá Ðông Sơn để nhó lại nguồn gốc của Trống Ðồng".

No comments: