Friday 14 May 2010

Duy ngã độc tôn

1) Trích Tuần báo Giác Ngộ, 22-05-2006

HỎI: Tìm hiểu về "tuyên ngôn" Phật đản sanh, chúng tôi thấy đồng nhất nơi hai câu đầu: "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Tuy nhiên, còn hai câu sau của bài kệ này thì mỗi người dẫn một khác, đơn cử như: "Ngã tùng kim nhật, sanh phần dĩ tận" hay "Vô lượng sanh tử, ư kim tận hỷ". Xin cho biết câu nào thực sự chính xác nhất.

ĐÁP: Nói về bài kệ Đản sanh, tức “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn, vô lượng sanh tử, ư kim tận hỷ" có khá nhiều chi tiết cần phải bàn, vì các tư liệu ghi chép lại không đồng nhất. Ngày nay, tuyên bố "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”, mặc nhiên được xem là Phật ngôn phổ biến, thông dụng nhất. Thực tế cho thấy, khi nói về "tuyên ngôn" Phật đản sanh hay trên các lễ đài Phật đản đều dùng "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”.

Thế nhưng, tra cứu Kinh tạng, chúng tôi thấy hầu hết trong các kinh điển Hán tạng rất ít (hoặc không) dùng "duy ngã độc tôn” mà chủ yếu là "duy ngã vi tôn". Đơn cử như: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn" (Đại Chính, Trường A Hàm I); "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn" (Đại Chính, Kinh Tu Hành Bản Khởi, q1); "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn" ( Đại Chính, Kinh Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi, q1); "Thiên thượng thiên hạ, tôn vô quá ngã giả" (Đại Chính, Kinh Dị Xuất Bồ Tát Bản Khởi) v.v…

Cũng trong Đại Chính, “Duy ngã độc tôn” lại được tìm thấy trong sử truyện như Phật Tổ Thống Kỷ (q34), Đại Đường Tây Vực Ký (q6) và Phật Tổ Lịch Đại Thông Tải (q22)… Ngay cả Phật Quang đại từ điển, mục "Duy ngã độc tôn” cho rằng được dẫn trong kinh Trường A Hàm, nhưng thực tế kinh này chủ yếu nói "duy ngã vi tôn". Đành rằng "duy ngã độc tôn" và "duy ngã vi tôn" về ý nghĩa không mấy khác nhau, song cụm từ "duy ngã độc tôn" mà chúng ta dùng phổ biến hiện nay có thể ảnh hưởng từ tinh thần của sử truyện như đã dẫn.

Hai câu kệ đầu đã có đôi chút khác biệt, hai câu kệ kế tiếp lại càng dị biệt hơn khi đối chiếu giữa các kinh văn. Theo Đại Chính, “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn, tam giới giai khổ, hà giả hà lạc" (Kinh Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi, q1); "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn, yếu độ chúng sanh, sanh lão bệnh tử" (Trường A Hàm I); "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn, tam giới giai khổ, ngô đương an chi” (Kinh Tu Hành Bản Khởi, q1); "Thiên thượng thiên hạ, vi thiên nhân tôn, đoạn sanh tử khổ, tam giới vô thượng…” (Kinh Phổ Diệu); "Ngã ư nhất thiết nhân thiên chi trung tối tôn tối thắng. Vô lượng sanh tử, ư kim tận hỷ" (Kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả, q1); "Thế gian chi trung, ngã vi tối thượng, ngã tùng kim nhật, sanh phần dĩ tận" (Kinh Phật Bản Hạnh Tập, q8) v.v và v.v…

Như vậy, hai câu cuối của bài kệ Đản sanh có vô vàn sự khác biệt về văn tự, nội dung và ý nghĩa. Sự phong phú này (như đã dẫn) nhằm tôn vinh, ca ngợi sự hy hữu, thù thắng của sự kiện Phật đản sanh. Do đó, khi trích dẫn bài kệ Đản sanh, theo chúng tôi, tùy theo mỗi kinh văn mà chúng ta có một bài kệ khác nhau, bài kệ nào cũng đúng cả (nếu trích dẫn chính xác). Ngoài ra không có một bài kệ nào thuộc loại "chính xác nhất" như các bạn đã nêu.


-ooOoo-

2) Trích Trường A-hàm, Kinh Đại bổn, kinh số 1:

Này các Tỳ-kheo, Bồ-tát Tỳ-bà-thi, khi sanh, liền đi bảy bước, ngó khắp bốn phương, rồi đa tay lên nói rằng:

Trên trời dưới đất,
duy Ta là tôn quý,
Ta sẽ cứu độ chúng sanh khỏi sinh, già, bệnh, chết.
Ầy là pháp thường của chư Phật.

3) Trích Trường bộ, Kinh Đại bổn (Mahapadana Sutta), kinh số 14:

Này các Tỳ-kheo, vị Bồ-tát khi sanh ra, Ngài đứng vững, thăng bằng trên hai chân, mặt hướng phía Bắc, bước đi bảy bước, một lọng trắng được che trên. Ngài nhìn khắp cả mọi phương, lớn tiếng như con ngưu vương, thốt ra lời như sau:

"Ta là bậc tối thượng ở trên đời.
Ta là bậc tối tôn ở trên đời.
Ta là bậc cao nhất ở trên đời.
Nay là đời sống cuối cùng,
không còn phải tái sanh ở đời này nữa".

4) Trích: Bản tin Chùa Khánh Anh, Pháp Quốc
 http://www.khanhanh.fr/bantin/bt0206/bt2611.htm

"Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn" là câu kệ nổi tiếng được Đức Phật tuyên bố khi Ngài đản sanh. Ra đời, Ngài bước đi bảy bước, ngoảnh mặt nhìn sáu phương, bước cuối cùng dừng lại, tay chỉ lên trời tay chỉ xuống đất nói rằng "Trên trời, dưới trời chỉ mình Ta là tôn quý nhất".

Lời tuyên bố này, được ghi chép lại trong rất nhiều kinh điển thuộc Hán tạng. Theo kinh Trường A Hàm I, "Thiên thượng thiên hạ duy ngã vi tôn. Yếu độ chúng sanh, sanh lão bệnh tử" (Trên trời dưới trời chỉ mình Ta là tôn quý. Việc cần yếu của ta là độ chúng sanh thoát ly sanh già bệnh chết - Kinh Đại Bổn Duyên).

Kinh Tu Hành Bản Khởi ghi "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn. Tam giới vi khổ, ngô đương an chí" (Trên trời dưới trời chỉ có Ta là tôn quý nhất. Ba cõi đều khổ, Ta sẽ làm cho chúng sanh an lạc - Đại Chính Tân Tu (ĐCTT, qu.3, tr 463C).

Kinh Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi chép "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn. Tam giới giai khổ, hà khả lạc giả?" (Trên trời dưới trời chỉ có Ta là tôn quý nhất. Ba cõi đều khổ, ai là người có thể đem lại sự an lạc ? - ĐCTT, qu.3, tr 473C).

Kinh Phổ Diệu nói "Thiên thượng thiên hạ vi thiên nhân tôn" (Trên trời dưới trời Ta là bậc tôn quý của trời và người - ĐCTT, qu.3, tr 494A).

Kinh Dị Xuất Bồ Tát Bản Khởi thuật "Thiên thượng thiên hạ, tôn vô quá ngã giả" (Trên trời dưới trời bậc tôn quý nhất không ai bằng Ta - ĐCTT, qu.3,tr 618A).

Kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả ghi "Ngã ư nhất thiết thiên nhân chi trung tối tôn tối thắng. Vô lượng sanh tử ư kim tận hỷ" (Ta, đối với tất cả hàng trời người là bậc tối tôn tối thắng. Vô lượng sanh tử từ nay chấm dứt - ĐCTT, qu.3, tr 625A).

Kinh Phật Bản Hạnh Tập ghi "Thế gian chi trung, ngã vi tối thượng. Ngã tùng kim nhật, sanh phần dĩ tận" (Ở trong thế gian, Ta là bậc cao nhất. Từ nay, việc sanh tử của Ta đã đoạn tận - ĐCTT, qu.3, tr 687B).

Ngoài ra, còn nhiều kinh sử khác như : Phật Sở Hành Tán (ĐCTT, qu.4,tr 1B), Đại Đường Tây Vực Ký (q.6), Hữu Bộ Tỳ Nại Da Tạp Sự (q.20) .v..v... đều có thuật lại sự kiện Đản sanh. Tuy có khác biệt đôi chút về phần cuối kệ tụng, song đa phần vẫn thống nhất ở phần đầu kệ : "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn".

*



No comments: