Tuesday 18 May 2010

Niệm Phật (2) - AN 11.12-13, EA

Tăng Chi, Phẩm 11 Pháp (AN 11.12-13)

Cư sĩ Mahànàma bạch với Đức Phật:

-- "Bạch Thế Tôn, giữa các người an trú với những an trú khác nhau, chúng con nên an trú với an trú nào? "

Ngài giảng:

-- "Hãy nhập cuộc, này Mahànàma với lòng tin, không phải với không lòng tin. Hãy nhập cuộc với tinh cần tinh tấn, không với biếng nhác. Hãy nhập cuộc với trú niệm, không với thất niệm. Hãy nhập cuộc với định, không với không định. Hãy nhập cuộc với trí tuệ, không với liệt tuệ".

Sau khi an trú trong năm pháp này, này Mahànàma, hãy tu tập thêm sáu pháp nữa.

Ở đây, này Mahànàma, Ông hãy tùy niệm Như Lai: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn".

Này Mahànàma, trong khi Thánh đệ tử tùy niệm Như Lai, trong khi ấy, tâm không bị tham ám ảnh, tâm không bị sân ám ảnh, tâm không bị si ám ảnh, trong khi ấy, tâm được chánh trực nhờ duyên Như Lai. Vị Thánh đệ tử, này Mahànàma, với tâm chánh trực, có được nghĩa tín thọ, có được pháp tín thọ, có được hân hoan liên hệ đến pháp. Khi có hân hoan, hỷ sanh; khi có hỷ, thân được khinh an; khi thân khinh an, cảm giác được lạc thọ; khi có lạc thọ, tâm được định tĩnh.

Này Mahànàma, như vậy gọi là bậc Thánh đệ tử sống đạt được bình đẳng với chúng sanh không bình đẳng, sống đạt được vô sân với chúng sanh có sân, nhập được pháp lưu, tu tập Phật tùy niệm.

... Tùy niệm Phật này, này Mahànàma, Ông cần phải tu tập khi đi, Ông cần phải tu tập khi đứng, Ông cần phải tu tập khi ngồi, Ông cần phải tu tập khi nằm, Ông cần phải tu tập khi chú tâm vào các công việc, Ông cần phải tu tập khi Ông sống tại trú xứ đầy những con nít".

(Tương tự cho các pháp niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên).


* * *
Tăng nhất A-hàm, chương Một Pháp, phẩm Thập niệm & Quảng Diễn (EA 2.1-10, 3.1-10):

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy tu hành một pháp. Hãy quảng bá một pháp. Đã tu hành một pháp rồi, liền có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Đó là niệm Phật.”

Phật bảo các Tỳ-kheo: “Thế nào là tu hành niệm Phật, liền có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn rằng: “Gốc rễ của Pháp do Thế Tôn nói. Nguyện xin Thế Tôn vì các Tỳ-kheo nói diệu nghĩa này. Các Tỳ-kheo sau khi nghe từ Như Lai rồi sẽ thọ trì.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: “Hãy lắng nghe, lắng nghe, và suy nghĩ kỹ. Ta sẽ phân biệt rộng rãi cho các ngươi.”

Các Tỳ-kheo bạch rằng: “Kính vâng, bạch Thế Tôn.”

Sau khi các Tỳ-kheo thọ giáo rồi, Thế Tôn bảo rằng: “Tỳ-kheo chánh thân, chánh ý, ngồi bắt tréo chân, buộc niệm ở trước, chuyên tinh niệm Phật, không có niệm tưởng nào khác. Quán hình của Như Lai, mắt không hề rời. trong khi mắt không rời, niệm tưởng công đức Như Lai.

“Thể của Như Lai được thành tựu từ kim cương, đầy đủ mười lực, bốn vô sở úy, dõng mãnh giữa đại chúng. Gương mặt của Như Lai đoan chánh vô song, nhìn không chán mắt. Giới đức thành tựu giống như kim cương không thể phá hoại, trong sạch không tỳ vết cũng như lưu ly. Tam-muội của Như Lai chưa từng sút giảm, đã tĩnh chỉ, vĩnh viễn tịch tĩnh, không có niệm khác. Các thứ tình kiêu mạn, ngang bướng đã vắng im, ý tham dục, tưởng sân hận, tâm ngu hoặc, mạn kết do dự, tất đều tận trừ. Huệ thân của Như Lai, trí không bờ đáy, không bị chướng ngại. Thân Như Lai, được thành tựu từ giải thoát, các cõi đã hết, không còn sinh phần để nói ‘Ta sẽ đọa nơi sinh tử.’ Thân Như Lai được vượt qua thành trì của tri kiến, biết căn cơ người khác đáng được độ hay không đáng được độ, chết đây sinh kia, xoay vần qua lại trong ngằn mé sinh tử, có người giải thoát, người không giải thoát; Như Lai thảy đều biết tất cả.

“Đó là tu hành niệm Phật, liền có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Cho nên, này các Tỳ-kheo, luôn phải tư duy không rời niệm Phật, liền sẽ được những thứ công đức thiện này. Như vậy, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”

Niệm Pháp:

“Phàm Chánh pháp là ở nơi dục mà đạt đến vô dục, lìa các kết phược và các bệnh của triền cái. Pháp này giống như mùi các loại hương, không có tỳ vết của niệm loạn tưởng .

Niệm Tăng:
"Thánh chúng của Như Lai thành tựu từ nghiệp lành, chất trực, thuận nghĩa, không có nghiệp tà, trên dưới hòa mục, pháp pháp thành tựu. Thánh chúng của Như Lai thành tựu giới, thành tựu tam-muội, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu tri kiến giải thoát. Thánh chúng ấy gồm có bốn đôi, tám hạng. Đó là Thánh chúng của Như Lai, xứng đáng được tùy thuận cung kính, thừa sự, lễ bái. Sở dĩ vậy là vì đó là ruộng phước của thế gian. Ở trong Chúng này đều cùng là pháp khí, cũng vì tự độ lại độ người khác đến đạo ba thừa. Nghiệp như vậy gọi là Thánh chúng.

Niệm Giới:
“Phàm cấm giới, giống như bình cát tường, mọi sở nguyện liền đạt được. Mọi pháp đạo phẩm đều do giới mà thành tựu.

Niệm Thí:

Những gì tôi bố thí hôm nay, là tối thượng trong các sự thí, vĩnh viễn không có tâm hối hận, không mong đền đáp để mong được thiện lợi. Nếu người nào mắng tôi, tôi quyết không mắng trả. Dù người hại tôi, dùng tay đánh, dao gậy đập, gạch đá ném, tôi cũng sẽ khởi lòng từ, không nổi sân hận. Những gì tôi bố thí, ý muốn cho sẽ không dứt tuyệt.

Niệm Thiên:

“Thân, miệng, ý trong sạch, không tạo hành vi ô uế; thực hành giới thành tựu thân. Thân phóng ánh sáng tỏa khắp mọi nơi, thành tựu thân trời kia. Quả báo lành thành tựu thân trời kia. Các hành đầy đủ mới thành thân trời.

Niệm Tịch tĩnh:
Tịch tĩnh là tâm ý tưởng lắng đọng, chí tánh an nhàn, mà không nóng nảy; tâm hằng chuyên nhất, thích nơi vắng vẻ, thường tìm phương tiện nhập định tam-muội, thường niệm tưởng không ham tranh thắng, dành chỗ trước trên.

Niệm Hơi thở:
Nói an-ban, tức là khi hơi thở dài, hãy quán biết hơi thở ta hiện đang dài; nếu hơi thở lại ngắn, hãy quán biết hơi thở ta hiện đang ngắn; nếu hơi thở rất lạnh, hãy quán biết hơi thở ta hiện đang lạnh; nếu hơi thở lại nóng, hãy quán biết hơi thở ta hiện đang nóng. Quán khắp thân thể từ đầu đến chân, tất cả đều nên quán biết. Nếu hơi thở lại có dài ngắn, cũng hãy quán hơi thở có dài ngắn. Dụng tâm đặt nơi toàn thân, biết hơi thở dài ngắn, tất cả đều biết rõ, cho đến khi hơi thở ra vào được phân biệt rõ ràng. Nếu tâm đặt nơi thân, biết hơi thở dài ngắn, cũng lại biết rõ, đếm hơi thở dài ngắn cũng phân biệt rõ ràng.

Niệm Thân:
Niệm thân là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, mật, gan, phổi, tim, lá lách, thận, ruột già, ruột non, bạch chức, bàng quang, phẩn, tiểu, dạ dày, thương đãng, dịch vị, nước mắt, đờm dãi, mủ, máu, mỡ, nước miếng, đầu lâu, não. Cái nào là thân? Đó là đại chủng đất? Đó là đại chủng nước? Đó là đại chủng lửa? Đó là đại chủng gió? Được tạo ra bởi giống của cha, giống của mẹ chăng? Nó từ đâu đến? Do ai tạo ra? Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm, chết ở đây sẽ sinh về nơi nào?

Niệm Chết:
Chết là mất ở đây, sinh bên kia; qua lại các đường, sinh mạng trôi đi không dừng, các căn tan hoại, như khúc gỗ mục nát; mạng căn đoạn tuyệt, giòng họ chia lìa, không hình không tiếng, cũng không tướng mạo.

*


No comments: