*
Nhạc Sĩ Du Ca Nguyễn Đức Quang đã từ trần lúc 4 giờ sáng Chủ Nhật ngày 27 tháng 3 năm 2011, nhằm ngày 23 tháng 2 năm Tân Mão, tại Bệnh viện Fountain Valley Regional Hospital, California. Hưởng thọ 68 tuổi.Tên thật là Nguyễn đức Quang, sinh năm 1944 tại Sơn Tây. Theo gia đình vào Nam năm 1954. Sinh sống tại Ðà Lạt từ năm 1958. Tốt nghiệp đại học Ðà Lạt phân khoa Chính Trị Kinh Doanh khóa 1.
Bắt đầu sáng tác nhạc năm 1961. Ca khúc đầu tay dành cho Hướng đạo với tên Gươm Thiêng Hào Kiệt.
Sau biến chuyển chính trị lớn ở miền Nam năm 63, bắt đầu cảm hứng về nhạc Thanh niên và những vấn đề đất nước. Năm 1964, chuyển qua hẳn những ca khúc có chủ đề Tuổi trẻ, Quê hương, Dân tộc.xây dựng những đề tài mới cho tập Trầm Ca, hát nhạc tranh đấu xã hội và nhạc sinh hoạt thanh niên và thành lập Phong Trào Du Ca Việt Nam năm 1966 .
Năm 1979 cùng gia đình đến định cư tại Little Saigon, California Hoa Kỳ, hoạt động liên tục trong nghành truyền thông tại hải ngoại.
Những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang trong số hàng trăm tác phẩm để lại, phải kể đến những bài “Việt Nam quê hương ngạo nghễ,” “Bên kia sông,”, “Chiều qua Tuy Hòa,” “Về với mẹ cha,” "Dưới ánh mặt trời", "Chuyện quê ta", "Hy vọng đã vươn lên", "Về miền gian nan", “Xin chọn nơi này làm quê hương”, "Lìa nhau", "Bên kia sông", "Anh em tôi", "Đường Việt Nam", "Người anh Vĩnh Bình"; "Không phải là lúc"…
Các bản nhạc của anh được lưu tại trang web Du Ca: http://www.ducavn.com
*
Nghe bài hát "Anh em tôi", do Nguyễn Đức Quang hát với cây đàn guitar: Nghe bài hát "Bên kia sông", do Nguyễn Đức Quang hát:
* * *
Nguyễn Đức Quang: Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ
Đỗ Quý Toàn
Đỗ Quý Toàn
*
“Đường Việt Nam ôi vô cùng vô tận!” Đó là câu đầu một bài hát thời rất trẻ. Nguyễn Đức Quang kể đã đặt bài ca Đường Việt Nam trong lúc đang đi, trên con đường từ Đà Lạt xuống Sài Gòn. Đi một mình, vừa ngắm cảnh núi đồi, làng mạc, vừa hát lên từng câu, sửa, chọn từng tiếng, cho đến khi hoàn thành ca khúc, trên chiếc xe đạp cũ, chiếc xe đi học không phải loại xe leo núi. Vừa đi vừa hát, gọi đúng tên là du ca. “Đi dựng lấy huy hoàng! Giống da vàng này là vua đấu tranh!” Bài hát kết thúc như vậy.
Với tốc độ đạp xe của một thanh niên 16, 17 tuổi, chuyến đi chắc phải kéo dài 15 hay 20 tiếng đồng hồ. Đến khi hát những câu sau cùng này, chắc chàng nhạc sĩ đã thở hào hển, đẫm mồ hôi. Nhưng vẫn nhất định đi dựng lấy thiên đường. Vẫn tự nhận giống dân mình là vua đấu tranh!
Câu chuyện này là tiêu biểu cho nguồn cảm hứng và lối sáng tác của Nguyễn Đức Quang. Cảm hứng đến trong khi Quang đang sống. Sống thật, sống khỏe mạnh. Sống hết mình và sống cùng với núi sông đất nước, sống giữa bè bạn, quê hương, đồng bào. Sống và sáng tác, đối với Nguyễn Đức Quang, tuy hai mà một.
Năm 1964 Nguyễn Đức Quang hát bài “Tôi trót sinh ra làm thân nhược tiểu…” Một người bạn tôi nghe rồi phê bình: Tại sao lại nói “trót sinh ra”? Phải hãnh diện được sinh ra làm người Việt Nam chứ? Nhưng Nguyễn Đức Quang không phải là một nhạc sĩ “lên gân.” Không tự kiểm duyệt. Không sáng tác theo một lập trường, quan điểm, hay chủ trương giai đoạn nào cả. Không ai được chọn nơi mình sinh ra. Người nghệ sĩ ý thức thân phận một người Việt Nam, một thanh niên lớn lên trong một quốc gia đã bị các cường quốc bắt tay nhau đem cắt đôi, để phân chia ảnh hưởng. Và ý thức số phận đồng bào mình đang giết nhau, quê hương bị chiến tranh đang tàn phá. Ý thức như vậy, nhưng không để thở than, trách móc. Vì cuối cùng, mỗi người sinh ra ở nước Việt Nam đều hãnh diện “xin chọn nơi này làm quê hương.” Một lựa chọn có ý thức. Rồi ngẩng đầu lên hát “Việt Nam Quê hương ngạo nghễ!” Bây giờ các thanh niên người Việt ở khắp nơi vẫn còn vỗ tay mà hát: “Ta như nước dâng, dâng chẳng có bao giờ tàn! Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang!”
Thế hệ thanh niên lớn lên ở các thành phố trong miền Nam Việt Nam trong thập niên 1960 đều chia sẻ tâm trạng “thân nhược tiểu” này. Một dân tộc vừa giành được độc lập đã bị cắt đôi, kẹp giữa hai khối tư bản và cộng sản. Và đang được hai khối đó đưa cho khí giới giết lẫn nhau, nhân danh những chủ nghĩa, những thiên đường! Trong khung cảnh đó có hai phản ứng khác nhau.
Nhiều người chỉ thở than, tuyệt vọng, hoặc tìm lãng quên. Nguyễn Đức Quang có một tâm hồn tích cực, vẫn tìm thấy con đường sống lạc quan, yêu đời. Một phần có thể vì từ thuở nhỏ Quang đã thuộc điều luật thứ 8: “Hướng đạo sinh gặp nỗi khó khăn vẫn vui tươi!” Nhưng không phải chỉ có thế. Toàn thể con người Nguyễn Đức Quang ngập đầy sức sống; không còn chỗ nào cho những tình cảm tiêu cực chen vào.
Sống trong cảnh “Xương sống ta đã oằn xuống” Nguyễn Đức Quang không chịu thua, không buông xuôi, không ủ rũ tìm nguồn vui trong mơ mộng siêu hình. Vì bản chất Quang rất mạnh. Tâm hồn Quang tràn đầy nam tính, nam tính chiếm hết chỗ rồi, không còn chỗ chứa những trạng thái u sầu, ủy mị nữa. Ngay cả khi viết một điệu hát buồn, như khi nhớ đến những “đàn bé em biến đâu rồi, này bé sao không đùa chơi”, thì Nguyễn Đức Quang vẫn mở đầu bài ca bằng ánh sang tin tưởng: “Trời sáng tươi đã lên rồi! Trời sáng tươi trong lòng tôi!” Bởi vì “Cặp mắt sâu sau đêm dài, tìm quanh đây một ngày vui!”.
Một điều may mắn là con người với bản chất tích cực như Quang lại gặp được một môi trường đúng với bản chất tích cực lạc quan để phát triển dòng nhạc của mình.
Đúng khi Quang bước vào tuổi 20 thì xã hội miền Nam đang thay đổi. Từ năm 1964, một phong trào thanh niên nổi lên ở các thành phố, họ rủ nhau đi làm công tác giúp đồng bào. Đặc biệt là những đồng bào ở nông thôn và những nạn nhân chiến tranh. Giúp ích, một khẩu hiệu của Hướng Đạo, không phải là một hiện tượng mới. Ngay trong những năm 1950, mỗi lần có đám cháy lớn ở Sài Gòn là người ta thấy từng đoàn hướng đạo mặc đồng phục đến tiếp tay các anh “lính cứu hỏa” và giúp đỡ các nạn nhân. Sau đó, các đoàn hướng đạo và học sinh đi xây dựng lại nhà cho các nạn nhân; vật liệu và dụng cụ do bộ Xã hội cung cấp. Những “công tác xã hội” tự nguyện đó là hình thức cộng tác giữa nhà nước và xã hội công dân, gồm các tổ chức tư hoàn toàn tự nguyện.
Kể từ năm 1964, một phong trào thanh niên bột phát. Người ta thành lập các hội đoàn, đặc biệt là trong giới trẻ, và đặc biệt với mục đích giúp ích. Bắt đầu từ những tổ chức thanh niên trong tôn giáo; rồi tới các hội tự nguyện của học sinh, giáo chức và sinh viên. Rồi những thanh niên thuộc nhiều hội gặp gỡ nhau lập ra từng chương trình chung, như “Liên hội công tác nông thôn.” Khi bão năm Thìn đánh vào miền Trung vào cuối năm 1964, các hội cùng nhau tổ chức chương trình “Cứu Lụt,” đưa học sinh, sinh viên ra các tỉnh từ Bình Định ra Quảng Nam. Chính quyền lúc đó là cụ Phan Khắc Sửu, bộ Xã hội do Bác sĩ Phan Quang Đán cầm đầu, họ tiếp các sinh viên, nghe trình bầy dự án, rồi tận tâm giúp đỡ mà không đặt một điều kiện nào cả. Không cần bộ máy chính quyền thúc đẩy hay “hướng dẫn,” các thanh niên đi tìm cơ hội phục vụ đồng bào.
Những sinh hoạt thanh niên này cần những điệu ca tập thể mới. Nguyễn Đức Quang đã trở thành tiếng hát của phong trào này. “Người thanh niên Việt Nam quay về với xóm làng, tiếng reo vui rộn trong lòng!... Cùng đi biến ruộng hoang ra lúa thơm! … Ta đắp bồi cho mẹ cha”.
Rồi tới Chương trình hè 65, một tổ chức quy mô trên tất cả 40 tỉnh toàn quốc. Với hàng chục hội đoàn tham dự, huynh trưởng phần lớn là các giáo sư, họ huy động hàng chục ngàn học sinh đi giúp ích. Tất cả mọi người tham dự đều tự nguyện, không ai được thù lao, không ai bị ép buộc. Hoàn toàn đứng ngoài chính quyền, không thuộc một khuynh hướng chiến tranh hay tôn giáo nào (nhưng vẫn bị chính quyền ngầm theo dõi).
Chưa bao giờ có một phong trào thanh niên tự nguyện, vô vị lợi, phi chính phủ hoạt động với quy mô lớn như vậy; và khi kết thúc chương trình thì giải tán. Sang năm 1996, bộ giáo dục đã tiếp tục nuôi dưỡng phong trào này với Chương trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường (viết tắt CPS). Ngoài việc huấn luyện tính khí và phương pháp tổ chức công việc, một mục tiêu chính của các sinh hoạt thanh niên này, là huấn luyện lối sống dân chủ tự do cho thanh thiếu niên. Đó chính là một phương pháp xây dựng nền tảng cho một xã hội công dân, mà bất cứ quốc gia tự do dân chủ nào cũng cần phát triển.
Chính khi dấn thân trong môi trường những công tác thanh niên tự nguyện đó, Nguyễn Đức Quang đã có cảm hứng viết những bài ca tập thể mà chúng ta đang hát hôm nay. Khi Quang hát “những nhát cuốc …” thì thật sự Quang đã đi cuốc đất hay sống giữa đám bạn bè đang cuốc đất. Trong khi đổ mồ hôi tại trại công tác tên là “Công trường Cam Lộ” kéo dài mấy tháng ở Quảng Trị Nguyễn Đức Quang đã hát “Đường về công trường là đường vào quê hương”. Trong khung cảnh tự do phục vụ đó, người thanh niên yêu đời, tự yêu mình, và yêu đồng bào. Họ ngẩng đầu lên hát Việt Nam quê hương ngạo nghễ!
Khi các bạn thanh niên sau này hát lại những ca khúc của Nguyễn Đức Quang, xin các bạn hãy nhớ những thế hệ đàn anh trong thời gian 1965 đã hát những bài hát đó trong khi đi xây dựng quê hương bằng bàn tay của mình. Hoàn toàn tự nguyện. Hoàn toàn tự do. Không vì lợi, không vì danh, không nhắm đến quyền hành chính trị. Những bài ca của Nguyễn Đức Quang là tiếng nói của thế hệ thanh niên đó. Ước chi, đó cũng là tiếng nói của các thế hệ thanh niên Việt Nam bây giờ và mai sau. Chúng ta sẽ cùng nhau hát mãi: Việt Nam quê hương ngạo nghễ!
Đỗ Quý Toàn
(Nguồn: Diễn Đàn Thế Kỷ, http://www.diendantheky.net/)
(Nguồn: Diễn Đàn Thế Kỷ, http://www.diendantheky.net/)
* * *
Ca khúc Nguyễn Đức Quang
Phạm Phú Minh
Phạm Phú Minh
Mùa hè năm 1965 đã có một cuộc vận động rất lớn để gây nên một phong trào hoạt động thanh niên tại miền Nam Việt Nam, đó là Chương trình Công Tác Hè 1965 dành cho thanh niên, sinh viên, học sinh. Chương trình quy tụ nhiều huynh trưởng thuộc các hội đoàn thanh niên thời đó như Hướng Đạo, Thanh Sinh Công, Gia Đình Phật Tử... và rất nhiều giáo chức trẻ, và được tổ chức tại khắp các tỉnh của VNCH, với sinh hoạt chính là tổ chức các trại công tác, trại hội luận cùng nhiều loại sinh hoạt khác.
Chương trình phải lo soạn nhiều tài liệu hướng dẫn để cung cấp cho các ban điều hành địa phương, trong đó có việc thực hiện một tập bài hát thích hợp với sinh hoạt thanh niên. Khi ngồi xuống cùng làm việc đó, anh em mới nhận ra rằng nhạc dành cho tuổi trẻ của thời đó rất nghèo nàn, cả tập nhạc chỉ có bài “Việt Nam! Việt Nam!” của Phạm Duy là mới sáng tác, có mang hơi thở của thời đại, còn lại là những nhạc phẩm vẫn được hát đi hát lại trong các hội đoàn mấy chục năm qua: Đêm Trong Rừng, Trên Sông Bạch Đằng, Bóng Cờ Lau, Tiếng Chim Gọi Đàn, Nước Non Lam Sơn, Nắng Tươi của Hoàng Quý; Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Lên Đàng, Reo Vang Bình Minh, Hội Nghị Diên Hồng của Lưu Hữu Phước; Anh Hùng Xưa và một số các bài hát nghi thức và bài hát vui của sinh hoạt Hướng Đạo. Chỉ có thế.
Bây giờ nhìn lại mới thấy từ sau 1954 trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa phong trào sáng tác ca khúc khá phong phú nhưng lại vắng bóng hẳn loại nhạc dành cho hoạt động thanh niên. Thời ấy việc sáng tác âm nhạc thường nghiêng về các chủ đề: nhớ thương đất Bắc, ca ngợi cuộc sống yên lành của miền Nam, và nhạc tình. Tôi không rõ trong một đoàn thể của chính quyền là Thanh niên và Thanh nữ Cộng Hòa, người ta có dùng bài hát trong sinh hoạt hay không, và nếu có thì hát loại bài gì, nhưng trong Hướng Đạo và các hội đoàn khác thì vẫn dùng các ca khúc từ trước 1945. Đó là những bài hát ca ngợi lịch sử Việt Nam nhằm khơi lại lòng yêu nước của lớp trẻ đang sống dưới ách đô hộ của người Pháp, ca ngợi những tình cảm trong sáng đối với quê hương, với thiên nhiên để vực dậy tinh thần mạnh mẽ và lý tưởng của thanh niên. Đó là những ca khúc có giá trị, nhưng sức tác động của nó đối với tinh thần người trẻ tuổi trong các sinh hoạt của họ thì càng lâu về sau càng yếu dần. Những ca khúc đó rất mới mẻ và gây phấn khởi trong thời của nó là khoảng đầu thập niên 1940.
Nhưng Việt Nam giữa thập niên 1960 thì đã khác lắm rồi: hoàn cảnh lịch sử, xã hội đã thay đổi hoàn toàn, các vấn đề của thời đại dĩ nhiên cũng khác, đó là chưa nói ảnh hưởng của văn hóa, trong đó có các giai điệu của âm nhạc, cũng có nhiều nét mới. Dùng những bài hát cũ hơn hai mươi năm trước cho các sinh hoạt ngày nay thì rõ ràng không ít thì nhiều cũng lỗi thời, vì không đáp ứng với trạng thái tinh thần cùng nhu cầu của lớp trẻ ngày hôm nay nữa. Nhưng không có bài mới thì đành phải dùng bài cũ vậy. Chương trình Công tác hè 1965 khởi đi với những giai điệu cũ kỹ như vậy.
Nhưng cũng chính qua những trại công tác mùa hè năm ấy, một hiện tượng âm nhạc mới đã xuất hiện. Một thanh niên gầy gò ở tuổi hai mươi, mang đàn ghi ta vào ca hát ở các sinh hoạt trại. Giọng hát của anh cao và thanh với tiếng ngân dài khỏe mạnh, anh hát các ca khúc ngắn vui tươi và mới mẻ, thu hút ngay sự chú ý và tham gia của trại sinh. Người ấy đang là sinh viên khóa 1 của trường Chính Trị Kinh Doanh viện Đại học Đà Lạt, tên anh ta là Nguyễn Đức Quang. Anh đã xuất hiện giữa lúc trại công tác thanh niên đang ào ạt được tổ chức tại miền Nam, như một làn gió, một cơn sóng mới mẻ tràn ngập khắp nước. Trong không khí ấy, chính người này, Nguyễn Đức Quang, đã tạo lập nên một nền ca nhạc hoàn toàn mới mẻ để làm hành trang cho một phong trào thanh niên vừa thành hình. Phong trào Du Ca ra đời.
Từ đó, trong vòng một thập niên, Nguyễn Đức Quang và bạn hữu đã liên tục cho ra đời những ca khúc mới. Trong các sinh hoạt của mình, người thanh niên không còn hát những câu như “Nước non Lam Sơn, nước non Lam Sơn, bóng cờ bay phấp phới...” mà là:
Từ Nam Quan Cà Mau
Từ non cao rừng sâu
Gặp nhau do non nước xây cầu
Người thanh niên Việt Nam
Quay về với xóm làng
Tiếng reo vui rộn trong lòng...
Xã hội chung quanh bộn bề công việc, những người trẻ tuổi đang cố gắng góp phần giải quyết với bàn tay làm việc và đầu óc tính toán của mình, đâu còn tâm dạ nào mà ngồi ca hát về những toán quân khởi nghĩa của Lê Lợi từ bao thế kỷ trước! Đối với tiền nhân thì lịch sử hãy còn đấy, chúng con xin nghiêng mình trân trọng, nhưng chúng con cần hát về những vấn đề, về những tâm tình của chúng con hôm nay. Tiếng hát sẽ giúp người thanh niên khẳng định chính mình. Nhìn quanh: chiến tranh mỗi lúc mỗi tàn khốc, ruộng đồng đang tan nát, người dân quê hoảng hốt chạy loạn, cần giúp đỡ về y tế, về thực phẩm, cần xây dựng gấp trại tị nạn để đón mọi người... Từ trại Công trường Thanh niên Giới tuyến, tại Cam Lộ, Quảng Trị, Nguyễn Đức Quang đã viết:
Đường về công trường là đường về quê hương...
1. Này những miếng đất như bấp bênh dưới cơn mưa tràn
Hoặc đã nứt vỡ và khô cứng đến tê bàn chân
Là những miếng đất đã bao năm chan hòa nước mắt
Là quê hương tôi, là quê hương tôi
2. Này những khốn khó ta có nhau lúc vui hay buồn
Mồ hôi rơi tuôn tựa như nước tưới lên mầm ươm
Tình như cây non đã vươn lên trong niềm yêu mến
Là quê hương tôi, là quê hương tôi
3. Tình thân anh em đã đắp nên biết bao công trường
Vì ta thương nhau là thương hết đám dân khổ đau
Tìm đâu yên vui trên quê tôi dẫu chiều, mai, tối
Là quê hương tôi, là quê hương tôi.
Nếu Trịnh Công Sơn đã viết Kinh Việt Nam mô tả sự tàn phá của chiến tranh và niềm mơ ước hòa bình với những lời lẽ xúc động nhưng xa xôi mơ hồ, thì bản Tìm Về Công Trường trên đây và nhiều bài khác nữa của Nguyễn Đức Quang tôi nghĩ cũng là những bài Kinh Việt Nam nhưng dành cho giờ tĩnh tâm của những người trẻ tuổi suốt ngày làm việc cực nhọc mong làm vơi bớt nỗi khốn khổ của đồng bào mình. Một bài kinh để hành động chứ không để tụng niệm. Những người biết xông vào làm việc giúp kẻ khác và coi đó là lý tưởng thì cần những món ăn tinh thần nuôi dưỡng lòng thương yêu và hướng dẫn hành động, chứ không cần những lời ru ngủ trong quán cà phê đèn mờ. Người thanh niên đứng trên “miếng đất đã bao năm chan hòa nước mắt”, đã đổ mồ hôi của mình “tựa như nước tưới lên mầm ươm”, đã tập “thương yêu nhau” và “thương hết đám dân khổ đau”, và ở cuối mỗi tiểu đoạn của bài hát lại lặp lại tám chữ với giọng điệu trầm trầm thật thiết tha trìu mến: “Là quê hương tôi, là quê hương tôi”. Đó là lời kinh xác định lòng quyết tâm cho những mong muốn đơn sơ: góp bàn tay cứu giúp quê hương hoạn nạn. Mọi chuyện lớn lao đều phải bắt đầu từ việc làm tốt đẹp nhỏ bé nhưng cụ thể: đó là hành trình đúng nhất cho một thanh niên.
Nhờ đi sát với thực tế cuộc sống, chàng nhạc sĩ Du Ca của chúng ta đã có dịp nhìn thấy những mặt thật của xã hội, từ đó nảy ra những sáng tác về nhận thức, lên án những hiện tượng tiêu cực, và đề nghị thái độ của người trẻ tuổi. Nhận thức về thân phận và về quê hương, Nguyễn Đức Quang đã viết những bản Nỗi Buồn Nhược Tiểu, Anh Em Tôi, Cho Đồng Bào Tôi, Bầu Trời Quê Hương Ta v.v... Và chúng ta sẽ gặp một Nguyễn Đức Quang phẫn nộ với Bọn Lái Buôn Ở Khắp Nơi, Ruồi Và Kênh Kênh... Có buồn, có giận về những thực tại xấu xa trước mắt, nhưng thái độ của Quang vẫn là luôn luôn tích cực: Không Phải là Lúc, Đoàn Ta Ra Đi, Đuốc Hồng Tuổi Trẻ, Người Yêu Tôi Bệnh... Nhận thức không phải để nản chí, ngồi một chỗ mà than vãn, không, Nguyễn Đức Quang lúc nào cũng đứng thẳng và kêu gọi mọi người.
Hơi nhạc đi luôn một hơi dài, như vội vàng, như thúc bách nói ra cho hết các triệu chứng tích lũy quá nhiều. Chẩn bệnh cho con bệnh xã hội chúng ta bằng những câu như thế thì quả là một thầy thuốc giỏi, tinh tường. Và thầy cũng biên toa cho thuốc luôn:
Làm việc đi không lo khen chê
Làm việc đi hãy say và mê
Cứ bắt tay gan lì chúng ta giải quyết.
Mình chậm chân đi sau người ta
Còn ngồi đây nghĩ lo viển vông
Thắc mắc ngại ngùng đến lúc nao mới làm xong.
Thật ra đó là những lời vừa tâm tình vừa khích lệ với những người đồng đội của mình được viết năm Quang mới 22 tuổi. Cái tuổi chưa gia đình vợ con, coi tập thể quanh mình như anh em một nhà:
Đoàn chúng tôi băng rừng sâu suối xanh qua nương đồi
Một sớm mai sương bình minh hãy còn vương trên cây
Ra đi hăng hái tiếng chim lừng đó đây
Đoàn chúng tôi đem tình thương đến gieo cho muôn người...
Nhạc sĩ coi sự dấn thân ra đi ấy như là ngọn đuốc hồng của tuổi trẻ:
Một người đi một bước
Ngàn người cùng đi muôn bước
Đi làm đuốc soi quê hương ta đập tan bóng tối.
Ngày này qua đêm khác
Người này người sau liên tiếp
Vươn mình lên đánh nhau với quân khổ đau.
Hơn bốn mươi năm đã trôi qua từ ngày chàng tuổi trẻ Nguyễn Đức Quang viết ra những ca khúc ấy. Bây giờ Quang đã đi hết con đường trần của mình, nhìn lại chúng ta thấy trong suốt cuộc chiến Việt Nam không một nhạc sĩ nào có một thái độ tích cực, nhất quán với tuổi trẻ như Quang. Các ca khúc của anh đã nâng tinh thần cho cả một thế hệ thanh niên, cho họ thấy trong thảm cảnh của đất nước mình phải có thái độ như thế nào. Anh cho họ sự tự hào về dân tộc và đất nước (dẫu cho khó thương), anh hun đúc lòng yêu nước không bằng những câu khẩu hiệu sáo mòn mà với một tình cảm chứa chan hoặc ngọn lửa hừng hực nóng. Anh truyền cho thế hệ tuổi trẻ của anh rằng Việt Nam là một quê hương ngạo nghễ, dân tộc Việt dù cay đắng thế nào vẫn có thể bứt tung xiềng xích và cười dưới ánh mặt trời. Lời truyền đạt ấy đã ngấm vào nhiều thế hệ trong lòng dân tộc Việt Nam. Năm 2007 thanh niên Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng Hoàng Sa và Trường Sa đã hát vang Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ tại Sài Gòn, dù họ không biết rõ tác giả của bài này là ai.
Năm 21 tuổi, anh đi xe đạp suốt 300 cây số từ Đà Lạt đến Sài Gòn để nhìn thấy con đường Việt Nam dài vô cùng vô tận trong không gian và thời gian, con đường lắm đoạn gập gềnh nhưng mà sẽ:
Đường của ta đưa ta về thanh bình
Đường an lành đường thảnh thơi những ngày vui
Đường Việt Nam mời những bước chân rời
Sát nhau lại vì đường vẫn còn dài...
Đó là tiên tri và cũng là ao ước của người nghệ sĩ, đặt vào lòng tất cả người Việt Nam không những trong thời của anh, mà còn mãi mãi về sau.
Phạm Phú Minh
(Nguồn: Diễn Đàn Thế Kỷ, http://www.diendantheky.net/ )
* * *
No comments:
Post a Comment