Như Cánh Vạc Bay
Quỳnh Giao
Trịnh Công
Sơn viết nhạc từ tuổi đôi mươi cho tới những năm gần đây, cho nên đã cho chúng
ta một số lượng tác phẩm rất lớn. Như ở một triết gia đích thực, ở nơi ông nỗi
ám ảnh lớn về đời người đã đưa đến ba loại đề tài lớn, là tình yêu, quê hương
và thân phận con người, trong đó chiến tranh và đói khổ là sự ngột ngạt bao
trùm lên tất cả. Khi chiến tranh đã chấm dứt, và vận nước đã đổi thay, ông
thiên về các đề tài mang nhiều triết tính về cuộc đời, nhưng thủy chung vẫn là
người viết nhạc tình độc đáo nhất. Nhạc sĩ Văn Cao gọi Trịnh Công Sơn là ca
nhân về tình yêu có lẽ là trong ý đó. Từ góc độ của người hát và yêu nhạc, khi
nhìn lại Trịnh Công Sơn viết cho tình yêu, Quỳnh Giao muốn được nói lên một sự
kiện, đó là từ Trịnh Công Sơn trở đi, các tình khúc đã đổi khác rất nhiều, và nền
tân nhạc phải cảm tạ ông về sự khai phá đó.
Nói về tình
khúc Trịnh Công Sơn, ta hãy thử nhắm mắt lại để nhìn quanh mà xem. Gió mưa, nắng
cát; sông biển, núi non, sa mạc, công viên; lá vàng, sỏi đá; rong rêu, lộc nõn;
phố vắng, tháp cổ; mây bay, tóc rối; thân xác, cây già, v.v. ngần ấy hình tượng
tản mát đều lấp lánh siêu thực trong các tình khúc của ông. Trịnh Công Sơn là một
phù thủy về ngôn ngữ, và căn bản văn hóa Pháp mà ông hấp thụ từ khi còn trẻ có
thể phần nào, dù chỉ phần nào thôi, giải thích khả năng dùng chữ đầy ấn tượng lạ
kỳ của ông. Phần nào thôi, vì khả năng rất tự nhiên đó, có lẽ ông phải có từ tiền
kiếp, nhất là trong lối sử dụng hình dung từ bóng bẩy và hình ảnh bất ngờ mà có
sức biểu cảm lớn, như trong hội họa. Ông là một nhà thơ, trước khi là một nhạc
sĩ. Ta hãy nghe Ru ta ngậm ngùi chẳng
hạn, để bàng hoàng nhớ lại là 30 năm trước ông dùng chữ như thế nào.
Khi tình đã vội quên, tim lăn trên đường mòn
Trên giọt máu cuồng điên, con chim đứng lặng
câm
Khi về trong mùa Đông, tay rong rêu muộn
màng
Thôi chờ những rạng đông.
Ngoài giá trị
của lời ca, điều giải thích vì sao nhạc Trịnh Công Sơn chinh phục người nghe có
lẽ là nét nhạc đơn giản, có giá trị ở giai điệu hơn hòa thanh. Nhạc ông dễ nghe
dễ cảm lại không đòi hỏi hòa âm cầu kỳ, nên chỉ với một cây đàn, người ta cũng
đã diễn tả được cái hồn của nhạc, cái tứ của thơ, chứ không cần tới dàn nhạc lớn
được phối khí công phu. Trong ý nghĩa đó, nhạc Trịnh Công Sơn là những khúc
rong ca nằm ở một cực đối nghịch với nhạc Dương Thiệu Tước bác học. Nhưng hai
người lại giống nhau, và có lẽ hợp nhau, ở trình độ văn hóa rất sâu và khả năng
dùng chữ rất tài.
Trước khi
phân tích về lời ca của Trịnh Công Sơn, tôi làm ngược những người viết về ông:
tôi phân tích phần nhạc rất độc đáo của Trịnh Công Sơn.
Những tình
khúc thuở ban đầu như Ướt mi, Biển nhớ,
và ngay cả Diễm xưa, Trịnh Công Sơn
đã có nhạc thuật rất chỉnh. Giống như Văn Cao hay Phạm Duy trong những ca khúc
đầu đời, Trịnh Công Sơn cũng dùng từng câu nhạc rất “balance" như cấu trúc
của một câu thơ, mà không bị “monotone". Tôi xin thí dụ:
Hồn cầm phong hương hình dáng xuân tàn
Ngày dần buông trôi sầu vắng cung đàn
Từ ngày ra đi chờ vắng tin người
Từ người ra đi là hết mơ rồi
Cung Thương là tiếng đàn
Cung Nam là tiếng người.
-- (Cung đàn xưa của Văn Cao)
Bốn câu đầu
như một bài thơ tứ tuyệt, mỗi chuỗi nhạc có tám chữ. Đến câu thứ tư nhạc chuyển
sang năm chữ, êm đềm, bay bổng...
Đêm năm xưa khi cung đàn lên tơ
Hoa lá quên giờ tàn, mây trắng bay tìm đàn
Hồn người thổn thức trong phòng loan.
Đêm năm xưa khi cung đàn gây mơ
Âu yếm nâng tà quạt hôn gió đưa về thuyền
Tưởng người trên sóng ru thần tiên.
-- (Khối tình Trương Chi của Phạm Duy).
Đoản khúc
trên được chia ra làm hai câu. Câu thứ nhất là một chuỗi tám chữ, câu thứ hai
có mười chữ và câu thứ ba bẩy chữ. Rồi cứ như thế Phạm Duy kể cho chúng ta nghe
chuyện thần tiên bằng những câu nhạc cân đối, đều đặn như một chuỗi ngọc trai.
Ngoài hiên mưa rơi rơi
Lòng ai như chơi vơi
Người ơi nước mắt hoen mi rồi
Đừng khóc trong đêm mưa
Đừng than trong câu ca
Buồn ơi trong đêm thâu...
-- (Ướt mi của Trịnh Công Sơn)
Những câu nhạc
như bài thơ năm chữ và thỉnh thoảng chêm câu bảy chữ khi kết thúc đoạn nhạc,
nghe như tiếng mưa rơi rỉ rả đêm khuya...
Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Dường dài hun hút cho mắt thêm sâu...
-- (Diễm xưa của Trịnh Công Sơn)
Cả đoạn nhạc
đầu là chuỗi thơ tám chữ, nhịp nhàng, cân đối. Đếm ra thì thấy đến câu chuyển
nhạc (modulation) Trịnh Công Sơn mới đổi cấu trúc của nhạc. Nghĩa là anh đã
dùng tám câu nhạc đầu hoàn toàn tám nốt, không chuyển đổi. Vậy mà ta không thấy
bị nhàm, ngấy khi hát tám câu đầu của bài Diễm
xưa.
Những ca
khúc rộn ràng của anh, dù không có nghĩa rộn ràng về phần lời, mà vì tiết điệu
của bài hát như những bài Ở trọ, Hoa xuân
ca, và những Ca khúc da vàng của
anh, lại có nét nhạc cung đình ở Huế, vì anh dùng nhiều ngũ cung và những phách
"lỗi" nhịp đặc biệt của điệu "tứ đại cảnh" và "bình
bán" này.
Những ca
khúc mang âm hưởng "negro spirituel”, dân ca của người da đen của anh mới
là tuyệt. Hãy nghe lại Xin mặt trời ngủ yên, Hãy khóc đi em, Hạ trắng... để thấy
Trịnh Công Sơn như một Duke Ellington của xóm da đen, với tiếng Saxo thật nức nở,
và giọng ca loại khàn đục của Carol Kim một thời mới nghe hết lại cái rã rượi một
cách "lười biếng" của loại nhạc da đen này... Riêng bài hát của Trịnh
Công Sơn mà tôi yêu thích nhất chính là bài Lời
mẹ ru, tôi nghe từ thuở mới đến tuổi dậy thì, chưa có con để biết ru con.
Nét nhạc như tiếng kinh cầu, và lời ca tôi coi như trác tuyệt nhất của Trịnh
Công Sơn đưa tôi vào thế giới ảo huyền, tôn kính. Những giọng ca trong vắt như
của Kim Tước và Hà Thanh thật là thích hợp. Ngày ấy, tuy đã bắt đầu hát ban
"người lớn" rồi, nhưng các trưởng ban liệt tôi vào loại "nhi đồng",
chỉ hát tango, và valse chứ chưa hát những bài tình cảm như Lời mẹ ru làm tôi uất ức lắm!
Đôi khi tôi
nghĩ là Trịnh Công Sơn phần nào bị "oan". Bị “oan" bởi vì lời ca
quá đặc biệt của anh khiến người thưởng ngoạn "quên" đi phần nhạc
cũng rất là độc đáo của anh. Nếu ta cứ ngẫm nghĩ lại mà xem: Một người tự học
nhạc lấy, không qua một trường đào tạo nào cả. Trong gia đình cũng không hề có
người đi trước để có sự di truyền, hay học hỏi. Trịnh Công Sơn đã đơn thương độc
mã đi vào lĩnh vực âm nhạc, như một người "học nhạc từ kiếp trước", với
những tác phẩm phải nói là có giá trị, và có chỗ đứng ngang hàng với những người
viết nhạc được học hành hẳn hoi, không kể là còn xuất thân từ những gia đình
dòng dõi, khuê các, được học cả cổ nhạc lẫn nhạc Tây phương.
Nhà văn Nguyễn
Mộng Giác có lần thắc mắc hỏi tôi nghĩ gì về nhạc của Trịnh Công Sơn. Theo anh,
thì nhạc của họ Trịnh dù đơn giản, nhưng nghe vẫn có chất "trí thức"
trong đó, không giống như những ca khúc phổ thông, dễ nghe dễ hát phần nhiều
nghe ngây ngô và bình dân lắm.
Tôi đồng ý với
anh Giác, nhưng cũng không giải thích nổi điều này. Đương nhiên là lời ca của
anh là của người có học, có chiều sâu của sự suy nghĩ. Nhưng giải thích sao đây
phần nhạc cũng rất "mélodieuse", phong phú và uyển chuyển của anh,
tuy anh không giỏi gì về nhạc thuật cả! Tôi chỉ dám kết luận anh là một người
có "gout”, có khiếu thẩm âm, thẩm mỹ mà thôi.
Đến đây tôi
xin chuyển đoạn, để nói tới phần chính yếu mang lại sự thành công của Trịnh
Công Sơn.
Nói về sự
nghiệp âm nhạc, khi nói về nhạc tình, người ta có thể lý luận dài dòng về tình
yêu của Trịnh Công Sơn. Ông viết tình ca cho người, có thể là cho người yêu,
nhưng ông không ngưng ở điểm tới của tình yêu, mà đi tới, đi tiếp. Và bay mãi,
một mình, như cánh vạc trong đêm. Thực ra, ông có trái tim quá lớn để có hạnh
phúc. Trái tim đó đã nở thành cả trăm tình khúc cho đời, mà trong một bài viết,
chúng ta chỉ có thể giới thiệu được một phần nhỏ, rất nhỏ, qua một số trích đoạn.
Vào cuối thập
niên 50, đầu thập niên 60, khi chúng ta còn sướt mướt với dòng nhạc lãng mạn gọi
là tiền chiến, thì Trịnh Công Sơn đã gây kinh ngạc cho mọi người, với một số ca
khúc thật lạ. Lạ từ nhan đề tới hình ảnh tân kỳ mang nét siêu thực trong lời
ca. Ướt mi, Diễm xưa, Tuổi đá buồn, Lời
buồn thánh, Ru ta ngậm ngùi, v.v. quả là mới lạ, khi ta đã quen nghe Kiếp hoa, Nỗi lòng, Khúc nhạc tương tư,
hay Lá thư, Tan tác, Tạ từ... Rồi mưa bay trên tầng tháp cổ, mắt xanh xao, hồn
xanh buốt... là hình tượng mới và màu sắc lạ, đã gây sự chú ý cho người
nghe. Và nét nhạc chậm buồn như lời kinh thảm sầu khiến các tình khúc của ông
liền chinh phục người nghe.
Sang thập
niên sau, Như cánh vạc bay và một loạt
các tình khúc khác tiếp tục làm chúng ta say mê, với hình ảnh diễm ảo của tóc em từng sợi nhỏ, rớt xuống đời làm sóng
lênh đênh... ta nghe từng giọt lệ, rớt xuống thành hồ nước long lanh... Trịnh
Công Sơn viết nhạc tình với nét bút họa sĩ trong một bức tranh cổ, và ông khéo
dùng kỹ thuật cổ hoạ, ông đảo ngược ngôi vị chủ khách để vẽ ra những thăng hoa
hay tàn phá của tình yêu, khi chủ đích là hát cho người tình.
Cũng trong lối
viết tình ca, Trịnh Công Sơn có thể là đứa bé thơ ấu nói về mối tình trăm tuổi,
hoặc cụ già thực hư về hoan lạc cuộc đời trẻ dại. Bài Nguyệt ca đã diễn tả được nét vui tươi mơn mởn của tình yêu, đưa ta
về quê hương thanh xuân, và toàn bài duy nhất có một chữ tình thì lại là tình cờ.
Nghệ thuật
dùng chữ bóng bẩy, với những tính từ nay mang nghĩa mới sắc mới đã tạo ra phong
cách Trịnh Công Sơn. Người nghe cứ tưởng rằng mình được mời vào ngôi vườn cũ,
thế rồi cảnh trí đổi thay, bao nhiêu hình tượng hay ý niệm của ước lệ cổ điển bỗng
đảo tung và ngôi vườn xưa chợt mở ra khung trời lạ. Sự biến gây choáng váng đó
là gì, nếu không do tình yêu? Đóa hoa vô
thường, ca khúc công phu nhất và dài hơn 11 phút của ông với sáu chuyển đoạn
thần diệu, có thể là điển hình cho nghệ thuật Trịnh Công Sơn khi ông viết về
tình yêu như nỗi chết bất tận giữa cõi vĩnh hằng của kiếp sống.
Lâu lắm sau
1975, Trịnh Công Sơn đã viết trở lại về những thể tài đích thực của riêng ông,
như Lời thiên thu gọi, như con diều bay
mà linh hồn lạnh lẽo... Bản thân ông rong chơi trên mé bờ tuyệt vọng mà
tình ca của ông vẫn nuột nà đằm thắm, và Trịnh Công Sơn vẫn có thính giả của
ông, ở mọi lứa tuổi. Như Môi hồng đào 16
tuổi và Hoa vàng mấy độ đã nối lại
dòng tình đứt đoạn của một đời quá thăng trầm, như Quỳnh hương nhí nhảnh đùa vui với nhân thế, và Ở trọ đã làm tuổi thơ đời nay đi từ dân ca vào âu ca, an nhiên tựa
hơi thở.
* * *
NHƯ CÁNH VẠC BAY (Trịnh Công Sơn)
Nắng có [Am]
hồng bằng đôi môi em
Mưa có [G]
buồn bằng đôi mắt em
Tóc [Em] em
từng sợi nhỏ
Rớt xuống
[E7] đời làm sóng lênh [Am] đênh.
Gió sẽ [Am]
mừng vì tóc em bay
Cho mây [G]
hờn ngủ trên trên vai
Vai [Em] em
gầy guộc nhỏ
Như cánh
[E7] vạc về chốn xa [Am] xôi.
... ĐK:
... Nắng có [A] còn hờn ghen môi em
... Mưa có [Bm] còn buồn trong mắt trong
... Từ [A] lúc đưa em về
... Là [E7] biết xa nghìn [Am] trùng.
Suối đón
[Am] từng bàn chân em qua
Lá hát [G] từ
bàn tay thơm tho
Lá [Em] khô
vì đợi chờ
Cũng như
[E7] đời người mãi âm [Am] u.
Nơi em [Am]
về ngày vui không em
Nơi em [G] về
trời xanh không em
Ta [Em] nghe
từng giọt lệ
Rớt xuống
[E7] thành hồ nước long [Am] lanh
*
No comments:
Post a Comment