Wednesday, 24 June 2015

Phỏng vấn nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm

Phỏng vấn nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm
Nguyễn Vi Túy
(Tuần báo Văn Nghệ, Úc châu, 26-07-2008)

*

Lời giới thiệu: Hoàng Thanh Tâm là tên thật. Anh sinh ngày 14/04/1960 tại Sài Gòn. Thân phụ là ông Hoàng Cao Tăng, cố Giám đốc đài phát thanh Pháp Á. Thân phụ anh là người đã đóng góp nhiều công sức cho việc gìn giữ và phát huy nền âm nhạc Việt Nam, trong thời gian tại chức. Điển hình qua những buổi tuyển lựa ca sĩ trên đài phát thanh để “lancer” những tài năng mới, và tạo điều kiện dễ dàng để giúp đỡ cho nhiều nghệ sĩ trình diễn cũng như quảng bá rộng rãi những sáng tác của họ đến với quần chúng, như Nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Đình Chương và ban hợp ca Thăng Long.v.v.''

Hoàng Thanh Tâm tốt nghiệp trung học phổ thông năm 1978 tại trường Petrus Ký, vượt biên năm 1979, định cư ở Bỉ năm 1979, học ở Đại học Bruxelles ngành L’informatique (computing studies) trong 3 năm, và sang định cư tại Canberra, Úc châu năm 1982 cho đến 1988, dời về Sydney và sinh sống cho đến bây giờ.


*

Hỏi: Lý do gì khiến anh đã vắng bóng tại Sydney một thời gian khá dài, nếu tôi không lầm thì đã hơn 4 năm qua, anh không ở Úc Châu?

– Đơn giản là vì tôi muốn thay đổi chút không khí, tìm một điều gì mới lạ cho những ngày còn lại của cuộc đời của mình, sau sự thất bại về hôn nhân, để thay cho cuộc sống đơn điệu ở Úc, và để tìm lại những gì đã đánh mất tại quê hương của mình sau biến cố 1975.

Nhưng cuối cùng tôi lại phải chứng kiến thêm nhiều nỗi mất mát ở ngay trên quê hương của mình, và nỗi mất mát to lớn nhất, là sự mất mát ở ngay trong chính bản thân của những con người đang phải sống trong một xã hội đầy mưu toan và bất trắc. Những giá trị căn bản về luân lý, đạo đức, nhân nghĩa... đã bị soi mòn đến tận cùng gốc rễ, dưới cơn đại hồng thủy của chủ nghĩa kim tiền, và sự lệch lạc, vô cảm của giới trẻ trước những thờ ơ và lối giáo dục mang tính giáo điều của những thế hệ đi trước.

Những suy nghĩ và nhận thức đó đã làm cho tôi trở thành một người xa lạ và cô đơn ngay trên chính quê hương của mình, nên tôi lại quyết định cùng gia đình mới trở về với quê hương thứ hai, nơi chốn không sinh ra tôi, nhưng đã cưu mang tôi, và đã dạy cho tôi những căn bản về lòng yêu thương và giá trị nhân bản của con người.

Hỏi: Anh bắt đầu sự nghiệp sáng tác khi nào và trong hoàn cảnh nào? Nhạc phẩm nào là tác phẩm đầu tay của anh?

– Nếu cho rằng sáng tác nhạc là sự sáng tạo được thể hiện bằng những cao độ của những nốt nhạc và lời, để hát lên cho người khác nghe và chia sẻ được cảm xúc của mình, thì có thể nói rằng tôi đã bắt đầu sáng tác từ năm 1973 ở Việt Nam, lúc tôi mới 13 tuổi, qua thi phẩm “Cô hái mơ” của cố thi sĩ Nguyễn Bính mà tôi phổ nhạc. Nhưng nếu nói đúng theo nghĩa “viết nhạc”, nghĩa là thể hiện những nốt nhạc và lời trên trang giấy, thì nhạc phẩm “Trả lại thoáng mây bay” viết tại Bruxelles năm 1980, do ca sĩ Lệ Thu thâu âm lần đầu tiên trong album “Thu hát cho người” năm 1982 mới chính là nhạc phẩm đầu tay của tôi.

Tôi đã bắt đầu bước vào con đường âm nhạc một cách rất ngẫu nhiên và tình cờ. Bởi vì khi viết xong nhạc phẩm đầu tay của mình cùng một số bài hát khác, tôi không bao giờ có ý nghĩ mình sẽ trở thành một nhạc sĩ sáng tác, mà đó chỉ là một phương tiện để tôi giải tỏa những ẩn ức, cô đơn và nỗi nhớ thương khi phải đột ngột thay đổi hoàn cảnh và môi trường sống. Nhất là khi phải rời xa quê hương, xa những người thân yêu, trong đó có những mối tình đầu học trò với nhiều kỷ niệm hoa mộng... Nhưng khi tôi đưa cho ca sĩ Lệ Thu nhạc phẩm đầu tay “Trả lại thoáng mây bay” và nghe chị hát nhạc phẩm này xong, thì tôi cảm thấy tự tin và thêm hứng khởi sáng tác để bước vào sân chơi âm nhạc, và tôi đã tự bay sang Mỹ để thực hiện album đầu tay của mình gồm những nhạc phẩm đã viết trong suốt thời gian ở Bỉ cũng như khi sang Úc, mang chủ đề “Lời tình buồn” do trung tâm Giáng Ngọc phát hành tại Hoa Kỳ năm 1986.

Hỏi: Cho đến nay anh đã viết được bao nhiêu nhạc phẩm trong toàn bộ sáng tác của mình và đã phát hành những album CD nào với những ca khúc mà anh đã sáng tác?

– Trong 3 năm ở Bỉ, tôi đã viết nhiều ca khúc, nói lên những cảm xúc rất riêng tư của mình, những nhớ thương và trăn trở trước những mất mát lớn lao trong cuộc đời như: “Trả lại thoáng mây bay”, “Dáng xưa”, “Lời cho người tình xa”, “Đêm tha hương”, “Đêm Hoàng Lan”.v.v.

Qua Úc năm 1982, thì 6 năm đầu ở Canberra, khi vướng thêm nhiều hệ lụy của những mối tình ngang trái ở môi trường mới rất nên thơ, là khoảng thời gian cao điểm để tôi có nhiều hứng khởi viết thêm nhiều tình khúc cũng như phổ nhạc nhiều bài thơ tiền chiến và cận đại, đó cũng là thời gian nhạc phẩm “Tháng sáu trời mưa”, “Lời tình buồn”, “Ngập Ngừng” (Em cứ hẹn), “Giấc thu”, “Dạ khúc cuối”, “Trong tay Thánh Nữ có đời tôi”. v.v.. ra đời.

Tính cho đến hôm nay, tôi đã viết được hơn 60 ca khúc, đa số là những bản tình ca viết lên từ chính tâm sự của mình, không kể một số ca khúc nói về nỗi buồn thân phận của những người phải rời bỏ quê hương... Tôi luôn luôn mang một nỗi ám ảnh về “một cõi đi về” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và điều này thể hiện rất rõ nét trong những nhạc phẩm của tôi như: “Như Mây Lênh Đênh”, “Lời Cho Người Tình Xa”, “Một Cõi Tình Xa”, “Xuân Mơ”, “Hãy Cho Nhau Tình Yêu”, “Hồn Khói Thuốc”. v.v.

Tôi đã thực hiện 6 Album CD với những tình khúc của mình bên Mỹ trong khoảng thời gian từ năm 1986 đến 1994, và đã được những trung tâm băng nhạc như: Giáng Ngọc, Diễm Xưa, Làng Văn, Người Đẹp Bình Dương phát hành tại Hoa Kỳ, không kể một số trung tâm khác như Thúy Nga Paris, Asia, Vân Sơn, Mây Prod v.v..., đã chọn một số những nhạc phẩm rải rác trong 6 Album của tôi, để cho ca sĩ độc quyền của họ trình bày lại trong những sản phẩm CD, Video và DVD karaoke...

Những album CD đã phát hành gồm:

* Lời Tình Buồn (tình khúc Hoàng Thanh Tâm) GN15 do TT Giáng Ngọc phát hành năm 1986
* Khúc Nhạc Sầu Cho Em (tình ca Hoàng Thanh Tâm 2) GN68 tt Giáng Ngọc phát hành năm 1987
* Tháng Sáu Trời Mưa (tình ca Hoàng Thanh Tâm 3) DX15 do tt Diễm Xưa phát hành năm 1988
* Tay Ngọc (tình ca Hoàng Thanh Tâm 4) do Trung tâm Giáng Ngọc phát hành năm 1993
* Dáng Xưa (tình ca Hoàng Thanh Tâm 5) do Trung tâm Làng Văn phát hành năm 1993
* Tóc buồn (tình ca Hoàng Thanh Tâm 6) do Trung tâm Làng Văn phát hành năm 1994
* Đêm Hoàng Lan (Best of Hoàng Thanh Tâm) Diễm Xưa đặc biệt do Trung tâm Diễm Xưa phát hành năm 1988

Hỏi: Có nhiều khán thính giả đã đánh giá anh là một trong những nhạc sĩ rất thành công trong lãnh vực phổ thơ, điển hình là nhạc phẩm “Tháng sáu trời mưa” đã đem tên tuổi của anh đến với mọi tầng lớp khán thính giả ở khắp mọi nơi. Anh có ý kiến gì về nhận định này, cũng như động lực nào đã khiến anh làm những cuộc phối ngẫu giữa thơ và nhạc?

– Vâng thưa anh Vi Túy, phải thành thật mà nói, khi tôi phổ nhạc bài thơ: “Tháng Sáu Trời Mưa” của thi sĩ Nguyên Sa tại Canberra năm 1987, tôi cũng không ngờ nhạc phẩm này được quần chúng yêu thích và đón nhận một cách nồng nhiệt đến như vậy! Vì nếu so sánh với nhạc phẩm đầu tay “Trả Lại Thoáng Mây Bay” mà tôi đã viết trước đó 7 năm, thì số lượng ca sĩ thâu âm bài này còn nhiều hơn cả bài “Tháng Sáu Trời Mưa”. Nhưng khi nhắc đến Hoàng Thanh Tâm thì mọi người đều nhắc đến bài “Tháng Sáu Trời Mưa”. Có lẽ là đúng như ca sĩ Lệ Thu đã đọc trong một cuốn băng nhạc của chị: “Mỗi tác phẩm đều có một định mệnh riêng, cái định mệnh rực rỡ của sự vinh quang, hay cái định mệnh khốc liệt của sự lãng quên...”

Tôi rất thích phổ nhạc những bài thơ mình yêu thích, vì đối với tôi, phổ nhạc một bài thơ sao cho “thoát” và đưa được những vần chữ bằng trắc có sẵn vào trong nhạc, sao cho bản nhạc không bị gượng ép, và người nghe nếu không biết bài thơ, sẽ nghĩ rằng lời và nhạc do cùng một người viết, là một thử thách lớn! Điều này không chỉ đòi hỏi ở kỹ thuật, mà cần phải có một năng khiếu trời cho, mới có thể lựa chọn những nốt nhạc hay cung bật làm cho người nghe thích thú và khoái cảm được! Tôi rất may mắn đã đem được những bài thơ mình yêu thích vào trong âm nhạc, và đa số những thi phẩm tôi phổ nhạc đều được khán thính giả cũng như những ca sĩ yêu thích như: “Tháng Sáu Trời Mưa”, “Ngập Ngừng” (Em cứ hẹn), “Cô Hái Mơ”, “Đêm Hoàng Lan”, “Đây Thôn Vỹ Dạ”, “Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi”, “Xuân Khúc” v.v. Và tôi chỉ phổ nhạc những bài thơ nào mà tôi “cảm” được, chớ không viết nhạc theo đơn đặt hàng, hay vì nể tình một người nào cả!

Hỏi: Những ca sĩ nào đã hát nhạc của anh?

Rất khó mà liệt kê được hết những ca sĩ đã trình bày những sáng tác của tôi, bởi vì ngoài những ca sĩ tôi đã mời để hát trong những album CD do tôi thực hiện, còn rất nhiều những ca sĩ khác cũng đã hát những tình khúc của Hoàng Thanh Tâm, qua những album thực hiện cho riêng giọng ca của họ, hoặc trên sân khấu. Có thể liệt kê điển hình một số ca sĩ đã trình bày những ca khúc của tôi là: Khánh Ly, Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Ý Lan, Khánh Hà, Mai Hương, Duy Quang, Elvis Phương, Tuấn Anh, Ngọc Lan, Thanh Hà, Vũ Khanh, Don Hồ, Hương Lan, Thái Châu v.v. Và một số ca sĩ của thế hệ sau như: Trần Thái Hòa, Diễm Liên, Tâm Đoan, Hoài Nam, Phi Nhung, Mạnh Quỳnh v.v.

Và những ca sĩ ở trong nước như: Đàm Vĩnh Hưng, Xuân Phú, Thanh Long Bass, Thụy Vũ, Quang Hà, Khánh Duy, Hồng Ân...

Vào cuối tháng Sáu vừa qua (28 và 29/6/2008), phòng trà ATB của ca sĩ Ánh Tuyết cũng đã tổ chức 2 đêm nhạc của tôi với chủ đề “Tháng Sáu Trời Mưa”, và đã gặt hái được nhiều thành công qua những giọng ca tên tuổi ở Việt Nam như: Ánh Tuyết, Quỳnh Lan, Thùy Dương, Thanh Long Bass, Xuân Trường, Minh Thảo, Nghệ sĩ Hồng Vân (Ban Tam ca Đông Phương xưa) v.v. Quý độc giả của tuần báo Văn Nghệ có thể vào trang youtube ở http://youtube.com/lelan2008 hoặc website chính thức của tôi ở địa chỉ http://hoangthanhtam.blogspot.com.au/ để nghe lại toàn bộ chương trình video thâu live trong đêm 28/06/2008 tại phòng trà ATB.

Hỏi: Những sáng tác nào của anh đã được các ca sĩ trình bày mà anh cảm thấy đắc ý nhất?

– Có một số bài hát của tôi, được cái duyên may mắn (riêng bản thân tôi thì không!) (cười) là được rất nhiều, nếu không nói là hầu hết những ca sĩ ở hải ngoại và trong nước đều yêu thích để chọn thâu âm cũng như trình diễn. Những nhạc phẩm được hát nhiều nhất, có thể kể đến như: “Tháng Sáu trời mưa”, “Trả lại thoáng mây bay”, “Ngập ngừng” (Em cứ hẹn), “Lời tình buồn”... đã được nhiều ca sĩ khác nhau trình bày, và mỗi ca sĩ đều có những lối diễn đạt và nét độc đáo riêng của họ khi thể hiện bài hát, và tôi đều trân trọng với tất cả những ca sĩ đã yêu thương dòng nhạc của mình, cho nên rất khó cho tôi khi phải trả lời giọng ca nào tôi ưng ý nhất. Tuy nhiên một số khán thính giả và những bạn bè thân thiết của tôi thì cho rằng họ ưng ý nhất với Thái Hiền và Khánh Hà qua nhạc phẩm “Tháng Sáu trời mưa”, Lệ Thu và Quỳnh Lan với “Trả lại thoáng mây bay”, Khánh Ly và Thanh Hà với “Lời Tình Buồn” và Hương Lan - Tâm Đoan - Thùy Dương với “Ngập ngừng” v.v.

Hỏi: Với một “bề dầy” quá trình sáng tác hơn phần tư thế kỷ như vậy, nhưng rất ít khi thấy anh xuất hiện hay hoạt động văn nghệ ở xứ Úc này, anh có thể cho biết lý do?

– Tôi là một nghệ sĩ sáng tác, chứ không phải là nghệ sĩ trình diễn, nên chuyện ít xuất hiện trước đám đông khán thính giả là lẽ tự nhiên. Hơn nữa tôi là người có một đời sống hơi trầm lặng và khép kín. Tôi chỉ âm thầm sáng tác và phổ biến những nhạc phẩm của mình đến với khán giả thưởng ngoạn, qua những phương tiện truyền thông bằng CD, video, và mới sau này là quảng bá qua phương tiện internet dưới hình thức blog (nhật ký trên mạng), hay trên trang youtube... Và tôi nghĩ như vậy cũng đủ cho tôi đến gần với tất cả những khán thính giả đã yêu mến mình, cũng như đã bày tỏ được những cảm xúc của mình qua âm nhạc, để chia sẻ với những khán thính giả đồng cảm.

Hỏi: Anh quan niệm thế nào về tình yêu? Nhất là từ một người đã từng gặp đổ vỡ như anh?

– Tôi nghĩ đây là một câu hỏi hóc búa nhất của anh Vi Túy từ nãy giờ, tôi xin được phép không lạm bàn về quan niệm tình yêu, vì mỗi người trong chúng ta đều có những suy nghĩ, cách hành xử, cũng như hoàn cảnh khác nhau, nên đây là một câu hỏi rất khó để trả lời một cách khách quan. Tuy nhiên theo ý kiến chủ quan của tôi, thì để duy trì một quan hệ tình cảm tốt đẹp hay một hôn nhân hạnh phúc, thì cả 2 nhân vật chính trong cuộc, cần phải có một tình yêu đích thực, phải biết “cho” mà không “đòi hỏi” phải nhận lại. Và trong tình yêu cần phải biết hy sinh, chịu đựng và chấp nhận, cũng như phải biết vun sới, gìn giữ và quý trọng hạnh phúc mình đang có, nếu đã xác định đó là niềm hạnh phúc đích thật của mình. Tôi đã không làm tròn được những điều đó, nên đã đưa đến sự đổ vỡ trong hôn nhân, và tôi nghĩ rằng từ những kinh nghiệm đau thương đó, tôi sẽ rút tỉa ra được nhiều bài học quý giá, để có thể hoàn thiện mình trong tương lai.

Hỏi: Anh có còn tiếp tục sáng tác trong thời gian gần đây?

– Với quá trình sáng tác nhạc đã hơn phần tư thế kỷ, và qua hơn 60 nhạc phẩm đã viết, tôi nghĩ rằng việc viết nhạc đã trở thành một nghiệp dĩ đối với tôi, và đã gắn liền với cuộc đời của tôi, nên tôi biết mình sẽ còn tiếp tục nghiệp dĩ này mãi cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Trong thời gian qua, tôi cũng có sáng tác thêm một số ca khúc mới, và dự định khi thuận tiện, sẽ phổ biến những nhạc phẩm này trong album mới nhất của mình.

Hỏi: Cảm ơn NS Hoàng Thanh Tâm đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn đặc biệt này. Xin chúc anh nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui và hạnh phúc trong những tháng ngày mới trở lại với Úc châu. Và đặc biệt chúc anh có thật nhiều hứng khởi, để có thêm những nhạc phẩm mới sẽ ra đời...

– Nhân dịp này tôi cũng xin kính chúc Tuần báo Văn Nghệ luôn nhận được sự yêu mến của quý độc giả bốn phương.


Nguyễn Vi Túy thực hiện (tháng 07-2008)


* * *

No comments: