Cây đàn bỏ quên
Hơn 30 năm trước, sau khi xong chương trình Tiến sĩ, tôi vào làm việc cho Water Authority (Công ty Cấp Thoát Nước) của tiểu bang Tây Úc. Một ngày nọ, tại phòng ăn nhân viên, trên bảng thông báo có gắn 1 tờ giấy nhỏ, rao bán các đàn guitar cũ. Tò mò, tôi đến gặp người rao bán, hỏi thăm. Anh ấy là một kỹ sư nhưng có tài đánh đàn. Cuối tuần mở lớp dạy đàn tại nhà cho các em học sinh. Không hiểu lý do gì, anh ấy muốn bán một số cây đàn dành cho học viên. Thấy giá cũng rẻ, mà đàn lại có hiệu Yahama, với dây nylon, nên mua chơi một cái. Đó là cây đàn đầu tiên tại xứ Úc.
Tôi dùng cây đàn đó để ca hát các bản nhạc tiếng Anh với 2 cô con gái khi chúng còn nhỏ, thường là sau giờ ăn tối, cho vui, cho ấm cúng gia đình. Nhưng khi mấy cháu lớn lên, lại thích học organ và violon. Cây đàn bỏ đó, tại góc phòng, đóng bụi bậm. Mấy năm sau, có thằng cháu nhỏ, con người em, muốn học guitar, tôi đem cho nó học. Khoảng 4 năm trước, đến nhà nó chơi, lại thấy cây đàn bỏ ở một góc phòng khách. Hỏi ra, bây giờ ba má nó mua cho nó cây guitar khác, và không còn dùng cây đàn của tôi nữa.
Thế là tôi đem cây đàn cũ về. Cũng là dịp may. Vì đúng lúc nghỉ hưu, đời sống thong thả, thảnh thơi, lại có hứng quay về âm nhạc ca hát giải trí. Cây đàn trước bỏ quên, nhưng bây giờ không còn quên nó nữa.
Mà cũng lạ, khi cầm đàn ca hát trở lại, lúc đầu còn lúng túng ngượng nghịu. Sau vài tuần lễ là quen trở lại, và từ từ, những bài hát xưa – từ hơn 40 năm trước – trở lại trong tâm trí mình, nghe qua vài lần là hát được, đàn được. Vì thế, tôi nghiệm ra một điều: những gì mình quen thuộc, hình ảnh, bài học, kinh nghiệm, ... vẫn còn lưu giữ đâu đó trong bộ não của mình, không mất đi. Chỉ cần biết đúng cách, đúng lúc, là có thể đem chúng ra trở lại.
*
Có người tò mò hỏi tôi học đàn ở đâu, lúc nào. Năm tôi 14, 15 tuổi gì đó, khi thấy mấy ông anh họ đàn hay quá, tôi muốn học mà các anh đó khó tính, dạy khó khăn quá. Tôi bèn để dành tiền Tết lì xì kiếm được, đóng tiền học 3 tháng với nhạc sĩ Quốc Tuấn trên đường Trần Quốc Toản (bây giờ là đường 3 Tháng 2), gần ngã ba Nguyễn Tri Phương. Thầy dạy cách bấm hợp âm căn bản và các điệu nhạc căn bản như Slow, Slow Rock, Bolero, Habanera, Valse, Boston, Tango, Twist, ... Sau đó xin được một cây guitar cũ và học thêm với bạn bè.
Qua lớp nhạc lý hằng tuần tại trường Trung học Petrus Ký, tôi đọc được các nốt nhạc và có thêm một số kiến thức nhạc lý căn bản. Nhờ đi sinh hoạt cộng đồng nên được tập thêm cách đệm đàn, vừa đàn vừa hát. Khả năng đánh đàn của tôi rất giới hạn, chỉ biết đàn hát nghêu ngao một mình để giải khuây mà thôi.
* Ghi thêm (17/07/2019):
Bỏ nó vào góc phòng gần 2 năm qua, không đụng đến nữa. Không còn cảm thấy hứng thú ca hát nghêu ngao nữa. Đời là vô thường, nhất là tâm chúng sinh. Thôi thì cho nó vào bọc, bỏ vào trong 1 góc tủ để dành tặng cho người hữu duyên. Các tập giấy rời ghi chú hợp âm guitar cho các bản nhạc mình thích hát thì cho vào thùng rác, không còn luyến tiếc nữa.
No comments:
Post a Comment