Wednesday, 16 September 2015

Có thể học được tới 30 ngoại ngữ không?

Có thể học được tới 30 ngoại ngữ không?
David Robson
15 tháng 9 2015, http://www.bbc.com

Một số người có thể nói được nhiều thứ tiếng tới mức khó tin. Làm thế nào mà họ đạt được điều đó? Chúng ta có thể học hỏi từ họ những gì? David Robson tìm hiểu.

Ngồi ngoài ban công chan hoà nắng ở Berlin, Tim Keeley và Daniel Krasa thi nhau 'bắn'. Đầu tiên là tiếng Đức, rồi đến tiếng Hindu, Nepal, Ba Lan, Croatia, tiếng Trung và tiếng Thái – họ nói lẫn lộn thứ tiếng này vào thứ tiếng khác. Tính ra, họ cùng nói tổng cộng khoảng 20 ngôn ngữ khác nhau.

Phía trong nhà là những nhóm nhỏ ngồi nói chuyện tưng bừng. Họ tụ tập khoảng ba người một, chơi trò phản xạ nhanh, dịch cùng lúc sang hai thứ tiếng khác. Tôi ong hết cả đầu, nhưng họ trông cứ tỉnh như không.

"Với chúng tôi, chuyện này bình thường mà," một cô gái nói với tôi.

Học một ngoại ngữ đã đủ mệt, thế mà tôi lại có mặt tại Hội nghị đa ngôn ngữ được tổ chức ở Berlin, nơi gặp mặt của khoảng 350 người có khả năng nói nhiều thứ tiếng, trong đó có cả thứ ngôn ngữ hiếm, chỉ dùng ở đảo Man, Klingon và Saami, thứ ngôn ngữ của những người chăn nuôi tuần lộc trên bán đảo Scandinavia.

Những người “siêu ngôn ngữ” như Keeley và Krasa nói được ít nhất là 10 thứ tiếng.

Một trong những nhà ngôn ngữ học giỏi nhất mà tôi gặp ở đây là Richard Simcott, người đứng đầu nhóm đến từ công ty eModeration; riêng ông nói được khoảng 30 thứ tiếng.

Với vốn liếng tiếng Ý nghèo nàn và chỉ biết chút ít tiếng Đan Mạch, tôi thấy mình hơi lạc lõng.

Nhưng người ta thường nói, học thầy không tầy học bạn, cho nên khi ở đây, tôi cố tìm cách moi bí kíp từ họ.

'Học ngoại ngữ có lợi cho não'

Với hầu hết mọi người, học một ngôn ngữ mới là việc khó. Chúng ta có nhiều bộ nhớ khác nhau, và để làm chủ một ngôn ngữ ta sẽ cần sử dụng tất cả các bộ nhớ này. Chẳng hạn như bộ nhớ theo trình tự thì ghi nhớ thứ tự hoạt động của các cơ để phát âm được chuẩn xác, còn bộ nhớ theo mô tả thì ghi nhớ các sự kiện, dữ kiện.

Để nói lưu loát được như người bản địa, chúng ta cần có vốn từ ít nhất là 10.000 từ, và phải nói sao cho đúng ngữ pháp nữa.

Chưa hết, để không bị nói lắp bắp thì các câu nói, từ ngữ phải được bật ra ngay tức thì, tức là chúng đã phải có sẵn trong cả bộ nhớ “có chủ ý” lẫn bộ nhớ “vô thức” của chúng ta.

Học ngoại ngữ được cho là cách luyện não tốt nhất. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc làm chủ được nhiều thứ tiếng khác nhau có thể giúp ta nâng cao trí nhớ, tập trung tốt hơn, và điều này giúp làm chậm quá trình mất trí nhớ.

Nghiên cứu của Ellen Bialystok từ Đại học York, Canada cho thấy những người nói được hai thứ tiếng sẽ đẩy lùi được bệnh mất trí nhớ khoảng năm năm. Với những người biết ba ngôn ngữ thì thời gian này là 6,4 năm, trong khi những người thông thạo từ bốn thứ tiếng trở lên được cho là có thêm tới chín năm minh mẫn.

Học ngoại ngữ không bị ảnh hưởng bởi tuổi tác

Học một ngôn ngữ mới khi đã có tuổi thực ra dễ hơn bạn tưởng.

Cho tới tận gần đây, nhiều nhà thần kinh học vẫn cho rằng hầu hết chúng ta đều quá lớn tuổi để đạt được khả năng nói lưu loát như người bản ngữ khi học một thứ tiếng mới, và chỉ có một khoảng thời gian ngắn thời thơ ấu là lúc ta học dễ nhất.

Tuy nhiên, nghiên cứu của Bialystok cho thấy điều này có lẽ đã bị nói quá, với kết luận cho rằng khả năng học ngoại ngữ suy giảm không đáng kể khi ta đã qua tuổi ấu thơ.

Chắc chắn là nhiều người giỏi ngoại ngữ tôi gặp ở Berlin đã làm chủ những thứ tiếng mới khi không còn bé.

Chẳng hạn như Keeley lớn lên ở Florida, nơi ông có nhiều bạn học nói tiếng Tây Ban Nha. Khi còn bé, ông từng nghe các đài phát bằng tiếng nước ngoài mặc dù không hiểu từ nào. "Thì cũng như âm nhạc với tôi vậy thôi," ông nói. Việc học tiếng chỉ diễn ra sau này, từ khi ông bắt đầu đi lại nhiều nơi trên thế giới - đầu tiên là Colombia, nơi ông học tiếng Pháp, tiếng Đức và Bồ Đào Nha tại trường đại học. Sau đó ông chuyển sang Thụy Sĩ và Đông Âu trước khi đến Nhật Bản. Nay ông nói lưu loát ít nhất 20 ngôn ngữ, gần như tất cả đều là học khi đã trưởng thành.

"Thuyết thời kỳ quan trọng là chuyện nhảm nhí," ông nói.

Động lực dẫn đến thành công

Thế nhưng làm thế nào để học được nhiều ngoại ngữ? Số đông chúng ta có học được như vậy không?

Thực sự, những người thông thạo nhiều ngoại ngữ đa phần là nhờ vào việc có động lực phải học.

Với những người như Keeley, vốn di chuyển từ hết nước này đến nước khác, thì việc học tiếng cũng giống như việc xuống nước phải cố quẫy đạp học bơi nếu như không muốn chết chìm vậy.

Tuy vậy, dù rất quyết tâm nhưng nhiều người trong chúng ta rất chật vật nếu muốn nói trôi chảy một ngôn ngữ mới.

Keeley cho rằng vấn đề không phải chỉ do khả năng học của mỗi người.

Theo ông, việc học một thứ tiếng mới chính là việc tự làm mới mình, và những nhà ngôn ngữ học giỏi nhất chính là những người có khả năng tiếp nhận những nét tính cách mới. “Bạn cần biến hoá như chú tắc kè hoa vậy,” ông nói.

Lâu nay, các nhà tâm lý học từ ngữ mà chúng ta sử dùng gắn bó chặt chẽ với tính cách con người. Người ta nói rằng tiếng Pháp nghe lãng mạn hơn, hoặc tiếng Ý làm bạn đam mê hơn, nhưng mỗi ngôn ngữ đều gắn với các chuẩn mực văn hóa, tạo ảnh hưởng đến cách ứng xử - chẳng hạn như bạn ưa cách nói rõ ràng, thẳng thắn hay thích suy ngẫm thận trọng, trầm tĩnh.

Dễ thích nghi thì cũng dễ học ngoại ngữ

Một số nghiên cứu cho thấy những người sử dụng đa ngôn ngữ thường có cách ứng xử khác nhau, tùy theo thứ tiếng họ đang nói.

Việc kháng cự lại quá trình tự làm mới mình sẽ khiến bạn khó học tốt được một ngôn ngữ mới, theo Keeley, người hiện là giáo sư ngành quản lý đa văn hóa tại Đại học Kyushu Sangyo, Nhật Bản.

Gần đây, ông đã tiến hành khảo sát trên những người Trung Quốc học tiếng Nhật với những lựa chọn như "Tôi thấy dễ dàng đặt mình vào hoàn cảnh người khác và tưởng tượng xem họ cảm thấy thế nào" hoặc "Tôi có thể gây ấn tượng tới người khác", và liệu những người đó có thể thay đổi ý kiến cho phù hợp với những người xung quanh hay không.

Đúng như ông dự đoán, với những người có đa số câu trả lời là "Có" thì việc học ngoại ngữ dễ dàng hơn nhiều.

Vì sao vậy? Thường khi đồng cảm với ai đó thì bạn sẽ có xu hướng bắt chước họ - một quá trình học ngoại ngữ mà không phải cố gắng gì.

Thế nhưng cái tính cách bạn vừa 'hoá thân' vào cùng những ký ức liên quan lại cũng giúp bạn không lẫn lộn giữa thứ ngôn ngữ mới đó với tiếng mẹ đẻ, bằng cách tạo ra các rào cản thần kinh giữa các ngôn ngữ.

"Trong não bộ hẳn phải có những ngăn riêng cho từng loại ngôn ngữ khác nhau cùng với văn hoá và các trải nghiệm có liên quan, khiến mỗi ngôn ngữ sẽ có chỗ đứng riêng, không bị lẫn lộn với nhau," Keeley nói.

"Không chỉ là thời gian bạn dành cho việc học và thực hành ngoại ngữ. Chất lượng học - hành cũng rất quan trọng."

Có lẽ đó là lý do vì sao Keeley có thể chuyển đổi rất dễ dàng giữa hơn 20 ngôn ngữ khác nhau.
Một số 'mẹo' thú vị khi học ngoại ngữ

Trong những người siêu ngôn ngữ, Michael Levi Harris là người thể hiện tốt nhất các phương pháp này.

Là một diễn viên được đào tạo bài bản, Harris đồng thời giỏi 10 ngoại ngữ, và hiểu được 12 thứ tiếng khác.

Đôi khi, niềm đam mê khiến ông rơi vào tình huống dở khóc dở cười.

Có lần đọc được mẩu quảng cáo trực tuyến về buổi gặp gỡ mà ông nghĩ là của những người đến từ đảo Malta. Tới đó, ông ngã ngửa người ra khi bước vào một căn phòng đầy các bà trung niên dắt theo những chú chó Maltese, loài chó xù lông trắng.

Khi tôi gặp ông trong một quán cà phê gần trường nghệ thuật Guildhall School of Music and Drama tại London, ông nói chuyện thoải mái với âm điệu của giới thượng lưu Anh tuy ông là người New York chính gốc. Khi đó, ông thay đổi cử chỉ, điệu bộ hoàn toàn, như thể biến thành một người khác.

"Tôi không cố ý thay đổi tính cách hoặc phong cách thể hiện gì đâu. Nó diễn ra một cách tự nhiên, nhưng tôi biết mình bỗng dưng khác đi."

Harris cho rằng ai cũng có thể học cách thích nghi văn hoá như thế - và ông đưa ra một số lời khuyên ban đầu, vốn được đúc kết từ kinh nghiệm diễn xuất của mình. Theo ông thì điều quan trọng là bạn nên thử bắt chước thay vì cứ chú tâm tới việc đánh vần các từ. “Ai cũng có thể nghe rồi nhắc lại theo những gì mình nghe được,” ông nói.

Theo ông thì điều quan trọng là bạn nên thử bắt chước thay vì cứ chú tâm tới việc đánh vần các từ. “Ai cũng có thể nghe rồi nhắc lại theo những gì mình nghe được,” ông nói.

Bạn có thể thấy mình hơi thái quá, giống như diễn viên thường hơi gồng mình một chút khi bắt đầu vai diễn - nhưng đó là phần quan trọng của quá trình thực hành, ông nói.

"Khi bắt đầu diễn, bạn sẽ nói vống lên, sau đó đạo diễn nói OK, bây giờ sẽ nói nhẹ nhàng hơn. Khi học ngoại ngữ, bạn cũng nên làm tương tự."

Ông cũng khuyên là nên tìm hiểu kỹ vào những thứ như sự biểu cảm trên khuôn mặt, bởi đó là những yếu tố quan trọng trong việc tạo nên âm điệu khi phát âm. Chẳng hạn, khi nói chuyện mà hơi bĩu môi sẽ làm bạn nói gần giống tiếng Pháp hơn.

Cuối cùng, ông cho rằng bạn nên cố gắng vượt qua những ngại ngùng khi phát âm những âm lạ, chẳng hạn cách phát âm từ cổ họng trong tiếng Ả Rập.

Nghe có vẻ hơi buồn cười, nhưng đó là điểm mấu chốt giúp bạn vượt qua rào cản tự nhiên.

"Giống như khi các diễn viên nhập vai vậy. Họ phải nói thế nào đó để khán giả tin rằng đó đúng là những lời nói của nhân vật mà họ đang thể hiện. Khi bạn làm chủ từ ngữ thì bạn sẽ nói một cách tự tin hơn, mà như vậy thì mọi người sẽ thấy cuốn hút hơn."

Tuy nhiên, hầu hết đồng ý rằng bạn không nên quá tham vọng, đặc biệt là khi bắt đầu.

"Nếu có một yếu tố duy nhất khiến ta không học học ngoại ngữ một cách hiệu quả được thì đó chính là việc chúng ta cứ cảm thấy cần phải nói giống như người bản ngữ - một tiêu chuẩn không thể đạt được nhưng lại làm ta bị ám ảnh," Pavlenko từ Đại học Temple nói.

"Với tôi thì điều quan trọng là phải làm sao để có thể diễn đạt được vấn đề một cách đơn giản - tức là tìm ra cách hay hơn để thể hiện mình.”

Ngoài những gợi ý trên, bạn cũng cần thực hành thường xuyên, từng chút một, có lẽ khoảng 15 phút mỗi lần, bốn lần một ngày.

"Tôi nghĩ rằng thực hành trong lúc tập thể thao là cách hay," theo Alex Rawlings, người đã tổ chức một loạt các hội thảo có nhiều thứ tiếng cùng với Richard Simcott để hướng dẫn các kỹ thuật phát triển ngôn ngữ.

Thậm chí nếu bạn quá bận rộn hay mệt mỏi, không học một cách nghiêm túc được thì chỉ cần thực hành nói chuyện hoặc nghe nhạc pop nước ngoài cũng được, Simcott nói.

Người ta dễ cho rằng những người sống tại Anh, Úc và Mỹ thì chẳng cần phải nỗ lực học ngoại ngữ.

Thực sự là trước khi gặp những người siêu ngoại ngữ, tôi từng tự hỏi liệu họ có được tưởng thưởng gì cho những nỗ lực học ngoại ngữ không; tôi đã nghĩ rằng có lẽ nó chỉ có ích ở chỗ giúp họ có thứ mà khoe khoang.

Thế nhưng tất cả những người siêu ngôn ngữ mà tôi gặp đều rất phấn khích về những gì họ có được hoàn toàn nhờ vào niềm đam mê học ngoại ngữ, trong đó bao gồm cả việc kết bạn và vượt qua được các rào cản văn hoá.

Harris kể về cuộc sống ở Dubai: "Là người Do Thái sống ở Trung Đông, tôi phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhưng hoá ra một trong những người bạn thân nhất của tôi lại là người Lebanon," anh nói.

"Khi tôi chuyển đi, cậu ấy nói 'trong lần đầu gặp nhau tôi không hề nghĩ rằng tôi có thể kết bạn với anh, thế mà bây giờ, lúc anh ra đi thì tôi cảm thấy rất đau lòng'. Đó là một trong những điều quý giá nhất đối với tôi."

Judith Meyer, người tổ chức cuộc họp tại Berlin, nói với tôi là cô nhìn thấy người Ukraina chuyện trò với người Nga, người Israel với người Palestine tại buổi gặp mặt. "Học một ngôn ngữ khác thực sự mở ra cả một thế giới mới."

* * *


No comments: