Nhân theo dõi và chia sẻ về hành thiền trong một room Phật giáo trên Paltalk, tôi mới chợt nhận ra rằng mình chỉ là một “slow learner” – một người học trò với đầu óc chậm lụt, học hoài mà vẫn chưa thuộc.
Nhìn lại, mình đã từng được dạy ngồi thiền, ngay từ thuở trung học – đầu tiên với ngài Hòa thượng Thích Tâm Giác, võ đường Quang Trung (Đa Kao, Sài Gòn). Cho đến bây giờ đã hai thứ tóc trên đầu mà vẫn loanh quanh với 4 bước đầu tiên trong 16 bước như Đức Phật dạy trong bài kinh Quán niệm Hơi thở (Anapanasati Sutta, Trung bộ 118):
– Thở vô dài, vị ấy biết: "Tôi thở vô dài". Hay thở ra dài, vị ấy biết: "Tôi thở ra dài". Hay thở vô ngắn, vị ấy biết: "Tôi thở vô ngắn". Hay thở ra ngắn, vị ấy biết: "Tôi thở ra ngắn". "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
Và cũng xin lưu ý chữ BIẾT và TẬP dùng ở đây.
Bây giờ người ta thích bàn luận, chia sẻ về các tiến bộ và kinh nghiệm trong hành thiền, như phát tuệ minh sát, tuệ sinh diệt, 16 loại tuệ, thiền tướng nimitta, bốn tầng thiền-na (jhana), các loại thần thông, v.v. Tranh luận sôi nổi về thiền chỉ và thiền quán, đề cao pháp thiền của mình là con đường duy nhất, chê bai pháp thiền của người kia là ngoại đạo, không đưa đến giác ngộ giải thoát, v.v. Có người chỉ tu ở nhà, nghiên cứu kinh sách, Youtube, Facebook, rồi tự thực hành; vài ba tháng là có kết quả tốt, rồi đi chỉ dạy người khác. Rồi lại nghe nói có người tham gia khóa thiền nào đó ở Myanmar và được vị thiền sư xác nhận thiền sinh nào đó đắc được quả Dự Lưu. Sao mà dễ dàng quá! Nghe mà ham!
Thôi thì mình nên trở về với thực tại, bằng lòng với căn cơ thấp kém của mình – “phước mỏng, nghiệp dày” như ngài Hòa thượng Thích Thanh Từ thường nhắc nhở. Cứ thong thả, đều đặn, từ từ bước đi. Thà chậm mà chắc, như ông bà mình đã từng nói.
*
No comments:
Post a Comment