Tiếc Thương Một Ngọn Gió
Toại Khanh
Thiền sư S.N Goenka vừa tắt hơi ngày Chủ nhật vừa qua.
Thật khập khiễng khi đem so sánh ông với học giả D.T Suzuki người Nhật của thế kỷ trước. Một người giới thiệu Phật giáo cho Tây phương bằng những tác phẩm vìết lách, những nghiên cứu thâm hậu và những suy tư minh triết trăm năm có một. Một người giới thiệu đạo Phật cho thế giới Âu Mỹ chỉ bằng một lời kêu gọi mọi người ngồi lại trong im lặng để thở trong tỉnh thức. Kết quả của hai công việc dĩ nhiên có điểm khác, nhưng chỗ giống nhau ở họ có lẽ là cùng đánh thức những tâm hồn chán ngũ nhưng không biết làm sao để thức và thức để làm gì.
Một trong những lời nhận xét hay nhất về ông D.T Suzuki là “ông đã đưa nhiều người đến cửa”. Đối với thiền sư cư sĩ S.N Goenka, tôi muốn dành một câu khác: Ông đã sống theo cách mà ông hướng dẫn người khác.
Giữa lúc trí thức Âu Mỹ những thập niên 60-70 buồn chán lữa đạn chiến tranh rồi tìm đến với những thao thức của J.Krishnamurti hay Jean Paul Sartre, Henry Miller, Aldous Huxley… Cư sĩ Goenka đã kiên nhẫn và nhỏ nhẹ mời gọi họ cùng ngồi xuống bên ông với bài tập về phép hít thở đơn giản hơn bất kỳ thứ Yoga dưỡng sinh nào, không cần kỹ thuật rắc rối, lý thuyết rườm rà khó nhớ khó hiểu. Anh chị chỉ việc ngồi xuống cạnh tôi và biết rõ mình đang thở ra vào trong những buồn vui ra sao. Anh chị sống tỉnh táo thì sẽ không còn manh động, không còn những ưu tư không cần thiết và sẽ sớm thấy ra ý nghĩa thật sự của đời sống là gì.
Xin đừng tưởng con đường của Goenka đơn giản rồi cho nó dễ đi. Với một tấm lòng lớn rộng và đời sống minh bạch như vậy, mà ông vẫn cứ phải đánh vật với vô vàn những trở lực để có thể đi trọn hành trình sống chia sẽ của mình. Ông vốn người Miến Điện gốc Ấn, học đạo với sư phụ U Bakhin người Miến, nhưng vì cái tội không chịu khoát áo tu sĩ, không chịu khó làm một học giả tinh thâm Phật học kiểu trường lớp bài bản như giáo sư Mehm Tin Mon, thế là từ buổi đầu ông đã vấp phải sự bất phục của những người cứ quen cho việc dạy thiền phải là đặc quyền của các thiền sư tu sĩ. Ông là cư sĩ một vợ sáu con thì khả năng thoát tục được bao nhiêu mà dạy người ta thoát tục!
Khó khăn là thế, vậy mà ông cứ cần mẫn bước đi trên con đường của mình. Bí quyết duy nhất của ông là không bao giờ dạy thiền chỉ vì muốn làm thầy. Ông chỉ đơn giản xác định sống thiền là điều quan trọng số một, còn việc chia sẽ lý tưởng đó thì hoàn toàn là chuyện tùy duyên. Phật xưa còn phải vậy, nói gì là ông bây giờ. Làm việc không có hy cầu thì làm gì có thất vọng. Không thất vọng thì lúc nào lòng cũng tin yêu nhân gian như mối tình đầu. Chính công thức đơn giản đó đã từng bước nâng ông lên vị trí một bậc thầy tâm linh của thế giới xô bồ tạp loạn hôm nay.
Chuyện về đời ông là chuyện một thiền sư, nhưng cách nghĩ và kiểu sống của ông hoàn toàn có thể là chỗ nhìn ngắm cho bất cứ ai muốn tìm thấy một lý tưởng sống đẹp ở đời. Hôm nay ông đã không còn nữa, tôi nhắc về ông để tôn kính và tiếc thương một nhân cách lớn. Lớn không phải vì con số trên trăm cơ sở thiền định của ông trên khắp thế giới, mà là vì những gì ông đã tác động và để lại trong lòng những người đã tìm đến con đường quán niệm tự thân qua lời dạy đơn giản đến bất thường của ông. Ông đơn giản đến mức hạn chế cả việc thờ lạy tranh tượng đức Phật, tránh nhắc nhiều đến những thuật ngữ Phật học, và nói ra khó tin, ông là thiền sư Phật giáo ít nhắc đến chữ Phật nhất. Ông muốn người ta thấy lời Phật là đạo trời đất không phải của riêng một ai hay một hệ thống tư tưởng, tôn giáo nào hết. Ông không muốn ai đó đến với thiền viện bằng cái mặc cảm ngoại đạo hay vô thần.
Tôi từng có cơ hội đến viếng một trung tâm Vipassanà của ông ở Mont Soleil, Thụy Sĩ. Không khí ở đó đúng là của một chốn thanh tu tuyệt vời cho người sống chánh niệm, nhưng tìm mãi không thấy bất cứ một pho tượng hay bức tranh Phật nào, tôi chợt rùng mình với một cảm giác thật lạ. Phật giáo nguyên thủy vốn không có tranh tượng của đức Phật, hình ảnh về Ngài chỉ được nhìn thấy qua cách sinh hoạt của từng người đệ tử. Phật nói, Phật im lặng, Phật bước đi, Phật tĩnh toạ,… đều trong tỉnh thức và từ mẫn. Ai làm được chừng đó việc là đang phác hoạ chân dung Ngài đấy. Tôi từng đến viếng hơn chục thiền viện tiếng tăm ở Miến Điện và Thái Lan, nhưng chưa bao giờ có được cái cảm giác kỳ lạ đó. Xin làm ơn đừng nghĩ tôi đang so sánh để khen chê, tôi chỉ đang nói đến một cảm nghiệm cá nhân.
Điều đặc biệt nữa phải nhắc đến khi nói về thiền sư S.N Goenka, đó là về chuyện vật chất trong đời ông. Trước khi thật sự chuyên tâm vào việc tu thiền và dạy thiền, ông là một thương gia có hạng. Nói rốt ráo, ông có nhiều thứ để buông bỏ theo nghĩa đen. Ông đi dạy thiền và sự thành công được ghi dấu bằng việc ra đời các thiền viện ở những nơi ông từng đi qua. Nhưng điều thú vị là ông tuyệt không biết gì về món tài chánh được dùng cho việc mua bán hay xây dựng cơ sở. Ông đến với cái ông có trong tay, và ra đi không lấy theo chút gì của người thiên hạ. Mai mốt có duyên thì ông lại ghé về, bất tiện thì xem như chưa từng thấy nhau trong đời. Kẻ lui tới những nơi đó cứ việc đọc sách ông viết hay nghe băng ông giảng rồi tu, chẵng cần phải hao tốn cúng bái gì hết. Bởi có khi ông còn nhiều tiền hơn đệ tử nữa là khác. Tuyệt. Một ông thầy ngon lành thì không bao giờ để đệ tử thấy mình cần gì ở họ, và tệ nhất là dòm ngó cái mà họ đang cầm mỏi tay.
Xin nói rõ, tôi không hề có ý nói rằng muốn làm thầy dạy đạo thi phải nhiều tiền, tôi chỉ muốn nói rằng phải có tâm trạng của người nhiều tiền thì mới nên làm thầy dạy đạo. Nghĩa là chẵng mong đợi gì ở kẻ khác. Người ta không nhờ cậy mình chuyện gì đó thì thôi, mình chẵng có lòng trông đợi chi ở người đang học đạo dưới chân mình. Đó mới đúng là thầy ở nhiều nghĩa.
Ông có vợ và luôn có bà bên cạnh trong nhiều năm dạy thiền khắp thế giới. Có người chỉ trích ông chuyện đó, nhưng người viết bài này lại rất tâm đắc với kiểu sắp đặt này của ông. Bởi một lẽ đơn giản thôi. Ông có đủ mọi thứ để trở thành một thần tượng trong lòng các đệ tử nam nữ, lời ong tiếng ve là điều khó tránh. Nghiêm túc đến lạnh lùng như Krishnamurti mà trong tiểu sử cũng có chỗ bị bôi đen, không phải vì chuyện chi ghê gớm mà chỉ là điều nhạy cảm. Thiền sư Goenka hình như có thấy ra điểm này, ông đã mạo hiểm để được an toàn. Các người có nghi ngờ thì cứ, tệ lắm thì tôi với vợ tôi. Và người bảo vệ thanh danh một người đàn ông trong chuyện ấy không ai tuyệt hơn bà nhà!
Nhớ lại một bài thơ xưa có nội dung đại khái là gió qua bụi trúc không để lại tiếng động và chim nhạn bay qua hồ không để lại bóng mình trên nước, tôi muốn gọi thiền sư S.N Goenka là một ngọn gió. Một cuộc đời chỉ biết trao ra, không nắm giữ thứ gì cho mình, rồi đến ngày đi cũng đơn giản như chưa từng đến. Ông di chúc người nhà không quàn xác quá 3 hôm, kẻ cần nhìn ông lần cuối thì liệu mà về. Có duyên thì kịp, thiếu duyên thì muộn. Vậy thôi.
Tôi đọc bài cáo phó được gửi đi từ Mumbai, Ấn Độ, rồi bất giác nhớ lại Phật giáo Việt Nam ta. Cứ tu lâu thì thành hoà thượng, thành phương trượng rồi thì vị nào cũng an nhiên thu thần thị tịch, chết kiểu nào cũng được thêu dệt bằng những sáo ngữ kinh người như thế. Phần tiểu sử thì bao giờ cũng phải có điệp khúc “thông minh từ bé, sớm có duyên lành với Phật, gia đình nhiều đời thâm tín Tam Bảo…”. Và cuối cùng, hễ là cao tăng thì dứt khoát phải có Xá- lợi. Người lạ thì nói sao cũng được, nhưng nội bộ biết rõ nhau như bàn tay thì bảo sao tin nhau được nữa.
Thiêu xác bằng củi là một phương thức an táng phổ biến ở Ấn Độ xưa giờ. Nghèo thì cho cháy sơ sài rồi thả xuống sông, giàu thì đủ củi cho cháy trọn vẹn, nhưng còn tí xương. Chỉ có thiêu bằng điện thì sạch và gọn nhất, có thể điều chỉnh cho cháy tan mọi thứ. Tôi thấy trong bản tin cáo phó nói ông Goenka sẽ được hoả táng bằng điện, có lẽ ông không muốn để lại Xá-lợi hoặc biết mình không có Xá-lợi nên chọn cách dứt điểm mà hay.
Theo cách nghĩ và cách nói của những Phật tử nửa vời thì một con người tu hành cỡ vậy hẳn là đã được về cõi Phật hay vào chốn Niết Bàn vô tung bất diệt nào đó. Nhưng theo chỗ tôi hiểu trong giáo lý truyền thống thì mỗi người đều có vô số tiền nghiệp bất thiện từ quá khứ, luôn nhiều hơn phần thiện nghiệp, nghĩa là tiền trong nhà băng ít hơn tiền nợ ngoài đời, nên kiếp này có tu bao nhiêu cũng chưa chắc sẽ cầm lấy công đức đó mà đi lên. Ta không thể loại trừ trường hợp một bậc chân tu tắt thở rồi phải đi trả nợ cũ đã vay từ nhiều kiếp trước.
Với riêng thiền sư Goenka, dù có chuyện gì xảy ra, đời này ông đã sống đẹp quá, nếu có phải trả nợ gì đó thì chắc chắn cũng sẽ có một ngày ông là một ông chủ lớn chẵng còn chút nợ nào trong tay nữa. Mong lắm vậy thay. Kính bái !
Schwarzwald, Oct/2/2013
Toại Khanh
No comments:
Post a Comment