Friday 26 June 2015

Học, Hỏi, Hiểu, Hành (Gs Trần Văn Khê)

HỌC, HỎI, HIỂU, HÀNH
Gs Trần Văn Khê
(viết cho Đại học Bình Dương, 2011)

Trích một bài viết của Gs Khê, về cách học tập trong âm nhạc, nhưng đồng thời chứa đựng các lời khuyên quý giá cho việc học và hành trong mọi lĩnh vực (-- Bình Anson).

Nguồn: FB “GS Trần Văn Khê”

(...)

I. Về cách HỌC

Có dịp tiếp xúc với các em sinh viên, tôi thấy các em chỉ biết nhiều đến cách “cộng học”. Nhưng khi hỏi đến cách "tự học" thì các em bảo rằng cứ tìm những quyển sách cùng một đề tài để đọc hoặc tìm trên mạng internet các tài liệu liên quan rồi ghi chép, in ra những gì cần thiết phục vụ cho chuyện học của mình… Khi đi vào chi tiết, tôi hỏi các em ghi chép những điều quan trọng trong quyển sách đã đọc bằng cách nào, có biết cách làm phiếu để cho mình nhớ lại đại cương về quyển sách đã đọc hay không, những thư viện nào có lưu trữ hay những tiệm sách nào có thể mua được… thì các em có phần bối rối. Vì những lẽ trên, để giúp cho các em sinh viên trong việc học như thế nào cho khoa học, hợp lý, tốn ít thời gian mà thu được nhiều hiệu quả, chúng tôi đặt ra hai câu hỏi cho phương pháp HỌC này: Học với ai? Và học cách nào?

1. Học với ai?

Lẽ tất nhiên theo cách “cộng học” là sẽ học với thầy, với bạn và những người xung quanh. Đó là những người có mặt và gần gũi với mình.

Khi phải tầm sư học đạo, tức là những người ở xa mình, mình chỉ gặp trên tài liệu, sách vở mà chưa từng gặp mặt hoặc khi phải vào thư viện, lên internet tìm sách cùng một đề tài với bộ môn mình muốn học thì ngoài vấn đề biết cách hỏi còn phải biết cách ghi lại những điều đã đọc được. Nhưng ghi lại bằng cách nào cho thật hiệu quả mà không tốn thời gian? Do đó phải biết cách đọc sách và cách làm phiếu.

2. Học cách nào?

2.1. Khi học một vấn đề phải biết tận dụng những kỹ năng ghi nhớ bằng các giác quan cho thật hiệu quả:

- Phải tự tay mình ghi tên đề tài và những chi tiết cần phải nhớ về đề tài đó. Như vậy là bàn tay ta đã bắt đầu nhớ giúp ta (memoire tactile).

- Khi ghi bằng tay, mắt ta nhìn thấy những chữ hiện lên trên giấy thì thị giác đã bắt đầu giúp ta nhớ (memoire visuelle).

- Miệng ta đọc lớn lên các chi tiết để lỗ tai ta ghi nhận những điều đã nghe, thị giác lại góp phần vào việc nhớ (memoire auditive). Đồng thời miệng nói cũng góp thêm một phần nữa.

2.2. Khi học về một niên đại nên cố gắng tìm 3 sự kiện xảy ra cùng niên đại đó để nhớ một lượt, đó là cách chúng tôi “học một nhớ ba”.

Thí dụ: Đa số học sinh khi học lịch sử nước ngoài đều biết năm 1789 là năm cách mạng tư sản Pháp thành công. Nhưng nếu chúng ta nhớ thêm rằng năm đó Nguyễn Huệ đánh thắng quân Thanh tại Đống Đa và ngay sau khi thắng trận đã gởi một phái đoàn hữu nghị đến vua Càn Long thì số 1789 giúp ta nhớ được cùng lúc 3 sự kiện.

Hoặc có thể nhớ thêm những sự kiện xảy ra ở các năm gần với niên đại đó nếu ta có một trí nhớ tốt: Thí dụ (theo kinh nghiệm bản thân từng trải qua): Những sinh viên học nhạc nước ngoài nếu chỉ nhớ rằng 1770 là năm sanh của nhạc sĩ Beethoven thì không bằng đồng thời nhớ luôn tại miền Nam Ấn Độ 3 năm trước, 1767, có một nhạc sĩ lớn đã đặt ra 1000 bài hát Kritis mà dân Ấn Độ miền Nam còn hát đến giờ. Đó là nhạc sĩ Tiagaradja. Và cũng 13 năm trước, 1757, có một nhạc sĩ Nhựt Bổn đã lập ra 1 trường phái mới trong truyền thống đàn Koto, gọi là Yamada Ryu (phái móng tròn – Sơn Điền lưu phái 山田流).

2.3. Phải biết giản dị hóa những điều phức tạp

Thí dụ: Muốn nhớ các triều đại trong lịch sử Trung Quốc từ đời Đường đến nay, nếu phải nhớ kỹ thì chúng ta phải để ý rằng từ đời Đường về sau có 5 triều đại lớn: Đường – Tống – Nguyên – Minh – Thanh, trung bình mỗi triều đại sống được 3 thế kỷ. Chỉ có triều Nguyên trị vì trong hơn 80 năm (tức là 1 thế kỷ). Chúng ta chỉ có thể nhớ một cách dễ dàng như sau đây:

- Đường (trải qua 3 thế kỷ: thứ 7, thứ 8 và thứ 9)
- Tống (thế kỷ 10 – 11 – 12)
- Nguyên (thế kỷ 13)
- Minh (thế kỷ 14 – 15 – 16)
- Thanh (thế kỷ 17 – 18 – 19)
- Cộng hòa Trung Hoa (từ thế kỷ 20)

Mặc dầu chưa thật chính xác nhưng trong 90% trường hợp thì chúng ta không sai khi đặt một nhân vật nào trong một triều đại nào để tìm hiểu, nghiên cứu.

2.4. Áp dụng hai phương pháp của sử học và dân tộc nhạc học cho mỗi đề tài học.

2.4.1. Sau khi miêu tả đề tài một cách toàn diện, tức là từ cụ thể tới trừu tượng thì phải bắt đầu đi dài trong thời gian theo “phương pháp của sử học”.

Thí dụ cụ thể: Muốn học về cây đờn Tranh Việt Nam thì phải biết miêu tả một cách rành mạch về hình dáng, kích thước và các bộ phận của cây đờn. Phải biết ghi ảnh bề mặt, bề trái, bề dày của đờn, đồng thời biết luôn về chất liệu dùng để làm ra cây đờn đó. Tiếp theo mới bắt đầu đi dài trong lịch sử, cố gắng tìm coi cây đờn đó xuất hiện tại đất nước Việt Nam từ lúc nào, do người Việt sáng tạo hay du nhập từ nước nào đi tới? Và cố đi tận cùng để tìm ra được nguồn gốc chánh của cây đờn Tranh Việt Nam là từ cây Guzheng (Cổ tranh) Trung Quốc truyền sang, xem xét sự biến chuyển của cây đờn Tranh từ lúc được du nhập đến giờ, có sự biến chuyển về chất liệu sử dụng làm dây đàn: dây tơ đã được đổi thành dây cước, rồi sau là dây thép; về những giai đoạn đờn Tranh từ 16 dây biến thành ra 17, 19, 21, 22… dây; về kích thước của cây đàn, trục, nhạn đi theo như thế

Chúng ta được biết rằng, cây đờn Tranh của chúng ta gốc từ cây Guzheng (Cổ Tranh) của Trung Quốc truyền sang nước Việt Nam sớm nhứt là từ thế kỷ thứ 13 dưới thời nhà Trần, vì trong sách “An Nam chí lược” của Lê Tắc có ghi tên cây đờn Tranh lần đầu tiên dùng trong dàn tiểu nhạc và trong dân gian.

Sau đó chúng ta lại xem xét sự biến chuyển của đờn Tranh trong nước Việt Nam từ lúc nhạc sư Vĩnh Bảo bắt đầu cải tiến đờn Tranh, cho đến các nhạc sĩ thế hệ sau lần lượt nối tiếp theo công việc này như nghệ sĩ Phương Bảo sáng chế cây đờn Tranh hình thức cũng khác mà cách lên dây cũng khác, theo thang âm thất cung để mở rộng khả năng biểu diễn phong phú hơn. Tuy có nhiều biến chuyển như vậy nhưng đến nay cây đờn Tranh vẫn còn được thông dụng theo hình thức xưa, có cải biên chút ít.

2.4.2. Đi rộng trong không gian theo “phương pháp đối chiếu" trong dân tộc nhạc.

Tiếp theo với thí dụ về cây đờn Tranh, trong khi tìm hiểu thì chúng ta lại biết được rằng tại Triều Tiên, dưới đời vua Kasil, khi nhìn thấy đờn Guzheng của Trung Quốc với những âm thanh trầm bổng, đức vua đã sai người đóng một cây đàn tương tợ như thế nhưng hình dáng con nhạn làm cho cao hơn, đặt tên là Gayageum và ra lệnh cho nhạc sĩ Ujuk sáng tác ra 10 bài được coi như là những bài tổ của đờn Tranh Triều Tiên. Việc đó xảy ra vào khoảng năm 551 (tức là thế kỷ thứ 6).

Tại Nhựt Bổn, dưới đời Hoàng Đế Temmu (khoảng năm 672 – tức là thế kỷ tứ 7), có một truyền thuyết kể về nguồn gốc của cây đờn Koto: một người mạng phụ khi đi nghỉ mát ở miền Nam Nhựt Bổn, trong lúc đang dạo chơi thì bỗng nghe một tiếng đờn vang ra từ trong núi. Hiếu kỳ, bà bèn đi lần đến tìm thì thấy có một đạo sĩ Trung Quốc ngồi đờn bên một cây đờn lạ mà người Nhựt ghi chép lại dưới cái tên Sono Koto. Khi thấy người mạng phụ, đạo sĩ nói: “Ta biết hôm nay sẽ có người đến đây để ta trao lại tất cả những truyền thống của cây đờn này. Nhà ngươi có sẵn sàng học đờn này chăng?”. Người mạng phụ cúi đầu lạy tạ đồng ý và mỗi ngày đều đến học đàn với vị đạo sĩ kỳ dị. Sau một thời gian, đạo sĩ nói: “Hôm nay thầy đã truyền hết nghề cho con rồi. Con nên về lập một trường phái để truyền nghề. Con chỉ nhớ một điều rằng không nên truyền nghề cho một người nhạc sĩ mù từ phía Bắc đi xuống vì người đó sẽ làm phương hại đến truyền thống"...

Nhờ tìm hiểu rộng trong không gian như vậy mà chúng ta không chỉ biết đờn Tranh là một nhạc cụ truyền thống của Việt Nam mà còn thấy cả những nhạc khí cùng chung một họ với nó, biết cách lên dây, cách diễn tấu khác nhau, hình thức khác nhau đồng thời còn có thể tìm ra điểm chung nhứt của những loại đờn cùng họ này là có cùng một cách đờn khảy dây bằng ba ngón tay mặt và nhấn dây bằng bàn tay trái.

2.5. Cách đọc sách và cách làm phiếu

Như đã nói ở trên, tôi muốn điểm sơ qua vài nét trong 2 cách làm này khi chúng ta tìm hiểu về một vấn đề gì và cần có phương tiện để thực hiện việc học đó một cách hiệu quả hơn, thông qua việc ghi chép trong lúc đọc sách và làm phiếu.

2.5.1. Đọc sách như thế nào?

Có 2 cách đọc sách:

- Cách thứ nhứt: nếu đọc để tìm vấn đề muốn biết thì chỉ đọc sơ và chú ý vào vấn đề mình muốn tìm hiểu và những đoạn, những câu nào muốn ghi chép lại. Trước hết mỗi người nên có một quyển sổ tay để thuận tiện cho việc ghi chép, trong đó sẽ ghi lại những câu mình đã đọc sách mà muốn giữ lại và tốt nhứt là phải biết cách làm phiếu.

- Cách thứ hai: nếu muốn tìm hiểu tác giả và một học thuyết của tác giả đó thì phải đọc quyển sách thật kỹ lưỡng từ đầu chí cuối.

2.5.2. Làm phiếu như thế nào?

Ở đây chúng ta không cần đi vào chi tiết quá nhiều vì mỗi vấn đề lại có những cách làm phiếu khác nhau, cách thức sắp xếp, tìm kiếm, ghi chép khác nhau… Chúng tôi chỉ ghi lại đây những điều cần phải nhớ:

a. Cách làm phiếu về một quyển sách: trước hết phải đề họ của tác giả bằng chữ hoa, tên tác giả để chữ thường (theo quy luật quốc tế), trong đó tên quyển sách viết nghiêng. Tiếp theo ghi nơi xuất bản, địa chỉ xuất bản, cơ quan xuất bản, năm xuất bản, số trang của quyển sách bằng chữ đứng.

b. Nếu làm phiếu cho một bài viết trong một tạp chí thì tên bài phải viết chữ đứng, tên tạp chí phải viết chữ nghiêng. Phải ghi rõ số trang của bài viết từ trang mấy đến trang mấy để lúc muốn tìm lại hoặc người khác muốn kiểm tra khỏi phải mất thời gian đọc cả tạp chí. Đó là những quy luật mà trên cả thế giới đều áp dụng. Chúng ta nên tuân thủ để khi viết bài gởi ra quốc tế, độc giả sẽ không bỡ ngỡ.

II. Về cách HỎI

Khi tầm sư học đạo, tức là phải tìm thầy để hỏi mà học thì chúng ta có nhiều phương pháp hỏi, nhưng chúng tôi khuyên các bạn nên lưu ý những điều sau đây:

1/ Khi mở cửa nhà người thầy, được thầy tiếp mới chỉ là giai đoạn đầu, không nên hỏi liền việc của mình muốn hỏi.

2/ Sau khi mở cửa nhà, việc quan trọng nhứt là phải mở “cửa lòng” của người mình muốn hỏi tức là trong câu chuyện phải làm thế nào cho người đó thấy vui vẻ, hứng thú, mình nên khéo léo gợi ra những câu chuyện, những điều mà người đó ưa thích. Khi đã có hứng thú và tỉnh cảm rồi, thì việc trao đổi về vấn đề mình muốn tìm hiểu sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Muốn như thế thì chúng ta cần nên nhớ một cách làm mà tôi cho rằng rất hiệu nghiệm: “cho trước khi nhận”.

Một thí dụ cụ thể trong kinh nghiệm bản thân của riêng tôi:

Khi tôi muốn tìm hiểu nhạc truyền thống của Ba Tư, tôi được giới thiệu đến gặp nhạc sư Hormozi. Sau khi chào hỏi, nhạc sư hỏi tôi: “Tôi nghe nói giáo sư muốn tìm tôi để hỏi về nhạc truyền thống của Ba Tư phải không?”. Tôi trả lời: “Dạ thưa phải. Nhưng trước khi làm rộn thầy, xin thầy cho phép tôi giới thiệu đôi nét về âm nhạc Việt Nam truyền thống để thầy nghe chơi”. Ông rất vui và tò mò nhìn cây đờn Tranh rồi ngồi nghe tôi giới thiệu một đoạn hơi Bắc chuyển qua hơi Nam. Khi tôi chuyển qua tới hơi Sa Mạc thì ông chăm chú nghe rất kỹ rồi bỗng dưng chận tay tôi lại mà nói rằng: “Hơi này nghe rất thú vị và gợi tình thương nhớ, giống như là điệu Segâh của Ba Tư”. Tôi nhân dịp đó mà bắt đầu hỏi câu đầu tiên: “Thưa thầy, điệu Segâh là thế nào?”. Thầy Hormozi lấy cây đờn Setar 4 dây đờn cho tôi một khúc và nói rằng đặc điểm của Segâh là quãng này, thì ra đó là một quãng ba trung bình giữa thứ và trưởng, và đó cũng là quãng thường dùng để diễn tả tình thương nhớ mà chỉ trong hơi Sa Mạc của Việt Nam mới có.

Sau đó ông say sưa nói thêm về điệu thức Mahour: “Giáo sư thấy không, trong này đâu có cái quãng 3 đó vì mahour diễn tả sự vui tươi”. Nói xong ông quay lại tôi đề nghị: “Tôi muốn giáo sư ghi âm lại cho tôi một đoạn Sa Mạc để tôi tiếp tục về nghe thêm”. Tôi sẵn sàng làm công việc đó. Vì thế nên đến khi tôi xin ghi âm lại điệu Segâh, tức thì ông sẵn sàng đờn rất lâu, rất nhiều để cho tôi ghi âm và có thời gian thấm được điệu thức một cách sâu sắc nhứt.

Tiếp theo ông lại cao hứng giới thiệu cho tôi hết điệu này qua điệu kia một cách say sưa mà không biết mệt. Đến 12 giờ khuya là hết giờ hẹn thì tôi cảm ơn thầy đã cho tôi một buổi tìm hiểu thú vị và xin thầy cho một cái hẹn lần sau để tôi tiếp tục đến trò chuyện về âm nhạc Ba Tư. Ông níu tôi lại và nói: “Giáo sư đâu có về được. Giờ này là giờ mà âm nhạc mới tuôn ra. Chúng ta uống thêm một bình trà nữa để tôi đờn thêm cho giáo sư nghe”. Mãi đến 2 giờ sáng tôi mới “được phép” ra về, nhưng đã đem theo trên hành trình về nhà một kết quả khả quan hơn cả những gì tôi mong đợi, với những cuộn băng ghi âm nhạc sư đờn, giảng giải về nhạc Ba Tư rất hào hứng, lý thú mà không phải lúc nào cũng có được.

3/ Không nên đặt những câu hỏi trực tiếp như những câu trực tiếp muốn biết về ngày sanh, hỏi trực tiếp tuổi tác… như một người cảnh sát lấy khẩu cung, như vậy sẽ thể hiện mình không tế nhị và thiếu phép lịch sự. Như vậy “cửa lòng’ của người thầy sẽ khép kín và chúng ta khó có cơ hội tìm được những gì mình muốn.

III. Về cách HIỂU

Khi học không phải chỉ học được câu trả lời của một người thầy mà vội cho đó là chân lý. Phải nên tìm thêm trong sách vở, tài liệu hoặc internet nhiều câu trả lời, nhiều nghiên cứu và phản ứng khác nhau về vấn đề đó để so sánh. Tốt hơn nữa nên gặp một người thầy hay người bạn mình tin cậy nhứt để bàn về các câu trả lời. Nhờ sự soi sáng của thầy, bạn mà chúng ta đôi khi có thể thấy rõ hơn vấn đề. Khi có người để thảo luận thì từ việc thảo luận sẽ nảy ra ánh sáng cho những gì mình cần tìm hiểu.

IV. Về cách HÀNH

Học thì lẽ đương nhiên là phải đem cái mình học được ra thực hành một cách có hiệu quả, nếu không những thứ mình thu thập được sẽ dần mai một đi và không giúp ích gì cho bản thân hay nhân quần xã hội. Và hơn hết, như tôn chỉ mà trường Bình Dương đã nói đến: thực hành có hiệu quả mới tạo ra được sản phẩm vật chất hay tinh thần có chất lượng, đảm bảo nhu cầu bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội, mới có điều kiện bảo vệ thiên nhiên và nhứt là phụng sự xã hội, quê hương một cách đắc lực nhứt.

Hành như thế nào cho đúng? Có phải cứ hành một cách bài bản như những gì mình đã học, đã biết thôi là đúng hay không? Hành, trước tiên phải thực hiện được những gì mình đã học, đã nghiên cứu đúng với chuyên môn của mình, sau đó mỗi ngày mỗi tìm tòi, học hỏi, nâng cao thêm những hiểu biết của bản thân, rèn luyện tay nghề của mình theo sự tiến bộ của thời đại. Hơn nữa khi hành phải chú ý không sa đà vào những chuyện “hành” không ích lợi, bền vững, không đem lại cái lợi thực tế, niềm vui, tình thương trong cuộc sống đến cho con người cũng như thiên nhiên. Việc “hành” nên được sóng đôi cùng lý trí, đạo đức để chẳng những đem lại cuộc sống tiện nghi, ấm no mà còn đem lại yên lành, hạnh phúc thực sự cho tất cả. Đó mới là mục đích cao cả cuối cùng của việc đi từ “Học”.

*

Đây cũng chỉ là một vài quan điểm của riêng tôi về mô hình “Học – Hỏi – Hiểu – Hành” mà nhà trường đã đưa ra rất thú vị và bổ ích. Tôi xin đóng góp những suy tư của mình để có thể cùng quý thầy cô thảo luận, triển khai thêm về tôn chỉ này, hầu mong giúp cho các em sinh viên trong trường Bình Dương nói riêng và sinh viên đại học nói chung có được những phương pháp thực sự hiệu quả trong học tập để có được một tương lai tươi sáng sau này.

Trân trọng kính chào và chúc quý thầy cô Đại học Bình Dương dồi dào sức khỏe để dẫn dắt các học trò của mình, chúc các em sinh viên học tập ngày càng tiến bộ.

Bình Thạnh, tháng 11 năm 2011
Gs TRẦN VĂN KHÊ

-ooOoo-

Wednesday 24 June 2015

Phỏng vấn nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm

Phỏng vấn nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm
Nguyễn Vi Túy
(Tuần báo Văn Nghệ, Úc châu, 26-07-2008)

*

Lời giới thiệu: Hoàng Thanh Tâm là tên thật. Anh sinh ngày 14/04/1960 tại Sài Gòn. Thân phụ là ông Hoàng Cao Tăng, cố Giám đốc đài phát thanh Pháp Á. Thân phụ anh là người đã đóng góp nhiều công sức cho việc gìn giữ và phát huy nền âm nhạc Việt Nam, trong thời gian tại chức. Điển hình qua những buổi tuyển lựa ca sĩ trên đài phát thanh để “lancer” những tài năng mới, và tạo điều kiện dễ dàng để giúp đỡ cho nhiều nghệ sĩ trình diễn cũng như quảng bá rộng rãi những sáng tác của họ đến với quần chúng, như Nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Đình Chương và ban hợp ca Thăng Long.v.v.''

Hoàng Thanh Tâm tốt nghiệp trung học phổ thông năm 1978 tại trường Petrus Ký, vượt biên năm 1979, định cư ở Bỉ năm 1979, học ở Đại học Bruxelles ngành L’informatique (computing studies) trong 3 năm, và sang định cư tại Canberra, Úc châu năm 1982 cho đến 1988, dời về Sydney và sinh sống cho đến bây giờ.


*

Hỏi: Lý do gì khiến anh đã vắng bóng tại Sydney một thời gian khá dài, nếu tôi không lầm thì đã hơn 4 năm qua, anh không ở Úc Châu?

– Đơn giản là vì tôi muốn thay đổi chút không khí, tìm một điều gì mới lạ cho những ngày còn lại của cuộc đời của mình, sau sự thất bại về hôn nhân, để thay cho cuộc sống đơn điệu ở Úc, và để tìm lại những gì đã đánh mất tại quê hương của mình sau biến cố 1975.

Nhưng cuối cùng tôi lại phải chứng kiến thêm nhiều nỗi mất mát ở ngay trên quê hương của mình, và nỗi mất mát to lớn nhất, là sự mất mát ở ngay trong chính bản thân của những con người đang phải sống trong một xã hội đầy mưu toan và bất trắc. Những giá trị căn bản về luân lý, đạo đức, nhân nghĩa... đã bị soi mòn đến tận cùng gốc rễ, dưới cơn đại hồng thủy của chủ nghĩa kim tiền, và sự lệch lạc, vô cảm của giới trẻ trước những thờ ơ và lối giáo dục mang tính giáo điều của những thế hệ đi trước.

Những suy nghĩ và nhận thức đó đã làm cho tôi trở thành một người xa lạ và cô đơn ngay trên chính quê hương của mình, nên tôi lại quyết định cùng gia đình mới trở về với quê hương thứ hai, nơi chốn không sinh ra tôi, nhưng đã cưu mang tôi, và đã dạy cho tôi những căn bản về lòng yêu thương và giá trị nhân bản của con người.

Hỏi: Anh bắt đầu sự nghiệp sáng tác khi nào và trong hoàn cảnh nào? Nhạc phẩm nào là tác phẩm đầu tay của anh?

– Nếu cho rằng sáng tác nhạc là sự sáng tạo được thể hiện bằng những cao độ của những nốt nhạc và lời, để hát lên cho người khác nghe và chia sẻ được cảm xúc của mình, thì có thể nói rằng tôi đã bắt đầu sáng tác từ năm 1973 ở Việt Nam, lúc tôi mới 13 tuổi, qua thi phẩm “Cô hái mơ” của cố thi sĩ Nguyễn Bính mà tôi phổ nhạc. Nhưng nếu nói đúng theo nghĩa “viết nhạc”, nghĩa là thể hiện những nốt nhạc và lời trên trang giấy, thì nhạc phẩm “Trả lại thoáng mây bay” viết tại Bruxelles năm 1980, do ca sĩ Lệ Thu thâu âm lần đầu tiên trong album “Thu hát cho người” năm 1982 mới chính là nhạc phẩm đầu tay của tôi.

Tôi đã bắt đầu bước vào con đường âm nhạc một cách rất ngẫu nhiên và tình cờ. Bởi vì khi viết xong nhạc phẩm đầu tay của mình cùng một số bài hát khác, tôi không bao giờ có ý nghĩ mình sẽ trở thành một nhạc sĩ sáng tác, mà đó chỉ là một phương tiện để tôi giải tỏa những ẩn ức, cô đơn và nỗi nhớ thương khi phải đột ngột thay đổi hoàn cảnh và môi trường sống. Nhất là khi phải rời xa quê hương, xa những người thân yêu, trong đó có những mối tình đầu học trò với nhiều kỷ niệm hoa mộng... Nhưng khi tôi đưa cho ca sĩ Lệ Thu nhạc phẩm đầu tay “Trả lại thoáng mây bay” và nghe chị hát nhạc phẩm này xong, thì tôi cảm thấy tự tin và thêm hứng khởi sáng tác để bước vào sân chơi âm nhạc, và tôi đã tự bay sang Mỹ để thực hiện album đầu tay của mình gồm những nhạc phẩm đã viết trong suốt thời gian ở Bỉ cũng như khi sang Úc, mang chủ đề “Lời tình buồn” do trung tâm Giáng Ngọc phát hành tại Hoa Kỳ năm 1986.

Hỏi: Cho đến nay anh đã viết được bao nhiêu nhạc phẩm trong toàn bộ sáng tác của mình và đã phát hành những album CD nào với những ca khúc mà anh đã sáng tác?

– Trong 3 năm ở Bỉ, tôi đã viết nhiều ca khúc, nói lên những cảm xúc rất riêng tư của mình, những nhớ thương và trăn trở trước những mất mát lớn lao trong cuộc đời như: “Trả lại thoáng mây bay”, “Dáng xưa”, “Lời cho người tình xa”, “Đêm tha hương”, “Đêm Hoàng Lan”.v.v.

Qua Úc năm 1982, thì 6 năm đầu ở Canberra, khi vướng thêm nhiều hệ lụy của những mối tình ngang trái ở môi trường mới rất nên thơ, là khoảng thời gian cao điểm để tôi có nhiều hứng khởi viết thêm nhiều tình khúc cũng như phổ nhạc nhiều bài thơ tiền chiến và cận đại, đó cũng là thời gian nhạc phẩm “Tháng sáu trời mưa”, “Lời tình buồn”, “Ngập Ngừng” (Em cứ hẹn), “Giấc thu”, “Dạ khúc cuối”, “Trong tay Thánh Nữ có đời tôi”. v.v.. ra đời.

Tính cho đến hôm nay, tôi đã viết được hơn 60 ca khúc, đa số là những bản tình ca viết lên từ chính tâm sự của mình, không kể một số ca khúc nói về nỗi buồn thân phận của những người phải rời bỏ quê hương... Tôi luôn luôn mang một nỗi ám ảnh về “một cõi đi về” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và điều này thể hiện rất rõ nét trong những nhạc phẩm của tôi như: “Như Mây Lênh Đênh”, “Lời Cho Người Tình Xa”, “Một Cõi Tình Xa”, “Xuân Mơ”, “Hãy Cho Nhau Tình Yêu”, “Hồn Khói Thuốc”. v.v.

Tôi đã thực hiện 6 Album CD với những tình khúc của mình bên Mỹ trong khoảng thời gian từ năm 1986 đến 1994, và đã được những trung tâm băng nhạc như: Giáng Ngọc, Diễm Xưa, Làng Văn, Người Đẹp Bình Dương phát hành tại Hoa Kỳ, không kể một số trung tâm khác như Thúy Nga Paris, Asia, Vân Sơn, Mây Prod v.v..., đã chọn một số những nhạc phẩm rải rác trong 6 Album của tôi, để cho ca sĩ độc quyền của họ trình bày lại trong những sản phẩm CD, Video và DVD karaoke...

Những album CD đã phát hành gồm:

* Lời Tình Buồn (tình khúc Hoàng Thanh Tâm) GN15 do TT Giáng Ngọc phát hành năm 1986
* Khúc Nhạc Sầu Cho Em (tình ca Hoàng Thanh Tâm 2) GN68 tt Giáng Ngọc phát hành năm 1987
* Tháng Sáu Trời Mưa (tình ca Hoàng Thanh Tâm 3) DX15 do tt Diễm Xưa phát hành năm 1988
* Tay Ngọc (tình ca Hoàng Thanh Tâm 4) do Trung tâm Giáng Ngọc phát hành năm 1993
* Dáng Xưa (tình ca Hoàng Thanh Tâm 5) do Trung tâm Làng Văn phát hành năm 1993
* Tóc buồn (tình ca Hoàng Thanh Tâm 6) do Trung tâm Làng Văn phát hành năm 1994
* Đêm Hoàng Lan (Best of Hoàng Thanh Tâm) Diễm Xưa đặc biệt do Trung tâm Diễm Xưa phát hành năm 1988

Hỏi: Có nhiều khán thính giả đã đánh giá anh là một trong những nhạc sĩ rất thành công trong lãnh vực phổ thơ, điển hình là nhạc phẩm “Tháng sáu trời mưa” đã đem tên tuổi của anh đến với mọi tầng lớp khán thính giả ở khắp mọi nơi. Anh có ý kiến gì về nhận định này, cũng như động lực nào đã khiến anh làm những cuộc phối ngẫu giữa thơ và nhạc?

– Vâng thưa anh Vi Túy, phải thành thật mà nói, khi tôi phổ nhạc bài thơ: “Tháng Sáu Trời Mưa” của thi sĩ Nguyên Sa tại Canberra năm 1987, tôi cũng không ngờ nhạc phẩm này được quần chúng yêu thích và đón nhận một cách nồng nhiệt đến như vậy! Vì nếu so sánh với nhạc phẩm đầu tay “Trả Lại Thoáng Mây Bay” mà tôi đã viết trước đó 7 năm, thì số lượng ca sĩ thâu âm bài này còn nhiều hơn cả bài “Tháng Sáu Trời Mưa”. Nhưng khi nhắc đến Hoàng Thanh Tâm thì mọi người đều nhắc đến bài “Tháng Sáu Trời Mưa”. Có lẽ là đúng như ca sĩ Lệ Thu đã đọc trong một cuốn băng nhạc của chị: “Mỗi tác phẩm đều có một định mệnh riêng, cái định mệnh rực rỡ của sự vinh quang, hay cái định mệnh khốc liệt của sự lãng quên...”

Tôi rất thích phổ nhạc những bài thơ mình yêu thích, vì đối với tôi, phổ nhạc một bài thơ sao cho “thoát” và đưa được những vần chữ bằng trắc có sẵn vào trong nhạc, sao cho bản nhạc không bị gượng ép, và người nghe nếu không biết bài thơ, sẽ nghĩ rằng lời và nhạc do cùng một người viết, là một thử thách lớn! Điều này không chỉ đòi hỏi ở kỹ thuật, mà cần phải có một năng khiếu trời cho, mới có thể lựa chọn những nốt nhạc hay cung bật làm cho người nghe thích thú và khoái cảm được! Tôi rất may mắn đã đem được những bài thơ mình yêu thích vào trong âm nhạc, và đa số những thi phẩm tôi phổ nhạc đều được khán thính giả cũng như những ca sĩ yêu thích như: “Tháng Sáu Trời Mưa”, “Ngập Ngừng” (Em cứ hẹn), “Cô Hái Mơ”, “Đêm Hoàng Lan”, “Đây Thôn Vỹ Dạ”, “Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi”, “Xuân Khúc” v.v. Và tôi chỉ phổ nhạc những bài thơ nào mà tôi “cảm” được, chớ không viết nhạc theo đơn đặt hàng, hay vì nể tình một người nào cả!

Hỏi: Những ca sĩ nào đã hát nhạc của anh?

Rất khó mà liệt kê được hết những ca sĩ đã trình bày những sáng tác của tôi, bởi vì ngoài những ca sĩ tôi đã mời để hát trong những album CD do tôi thực hiện, còn rất nhiều những ca sĩ khác cũng đã hát những tình khúc của Hoàng Thanh Tâm, qua những album thực hiện cho riêng giọng ca của họ, hoặc trên sân khấu. Có thể liệt kê điển hình một số ca sĩ đã trình bày những ca khúc của tôi là: Khánh Ly, Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Ý Lan, Khánh Hà, Mai Hương, Duy Quang, Elvis Phương, Tuấn Anh, Ngọc Lan, Thanh Hà, Vũ Khanh, Don Hồ, Hương Lan, Thái Châu v.v. Và một số ca sĩ của thế hệ sau như: Trần Thái Hòa, Diễm Liên, Tâm Đoan, Hoài Nam, Phi Nhung, Mạnh Quỳnh v.v.

Và những ca sĩ ở trong nước như: Đàm Vĩnh Hưng, Xuân Phú, Thanh Long Bass, Thụy Vũ, Quang Hà, Khánh Duy, Hồng Ân...

Vào cuối tháng Sáu vừa qua (28 và 29/6/2008), phòng trà ATB của ca sĩ Ánh Tuyết cũng đã tổ chức 2 đêm nhạc của tôi với chủ đề “Tháng Sáu Trời Mưa”, và đã gặt hái được nhiều thành công qua những giọng ca tên tuổi ở Việt Nam như: Ánh Tuyết, Quỳnh Lan, Thùy Dương, Thanh Long Bass, Xuân Trường, Minh Thảo, Nghệ sĩ Hồng Vân (Ban Tam ca Đông Phương xưa) v.v. Quý độc giả của tuần báo Văn Nghệ có thể vào trang youtube ở http://youtube.com/lelan2008 hoặc website chính thức của tôi ở địa chỉ http://hoangthanhtam.blogspot.com.au/ để nghe lại toàn bộ chương trình video thâu live trong đêm 28/06/2008 tại phòng trà ATB.

Hỏi: Những sáng tác nào của anh đã được các ca sĩ trình bày mà anh cảm thấy đắc ý nhất?

– Có một số bài hát của tôi, được cái duyên may mắn (riêng bản thân tôi thì không!) (cười) là được rất nhiều, nếu không nói là hầu hết những ca sĩ ở hải ngoại và trong nước đều yêu thích để chọn thâu âm cũng như trình diễn. Những nhạc phẩm được hát nhiều nhất, có thể kể đến như: “Tháng Sáu trời mưa”, “Trả lại thoáng mây bay”, “Ngập ngừng” (Em cứ hẹn), “Lời tình buồn”... đã được nhiều ca sĩ khác nhau trình bày, và mỗi ca sĩ đều có những lối diễn đạt và nét độc đáo riêng của họ khi thể hiện bài hát, và tôi đều trân trọng với tất cả những ca sĩ đã yêu thương dòng nhạc của mình, cho nên rất khó cho tôi khi phải trả lời giọng ca nào tôi ưng ý nhất. Tuy nhiên một số khán thính giả và những bạn bè thân thiết của tôi thì cho rằng họ ưng ý nhất với Thái Hiền và Khánh Hà qua nhạc phẩm “Tháng Sáu trời mưa”, Lệ Thu và Quỳnh Lan với “Trả lại thoáng mây bay”, Khánh Ly và Thanh Hà với “Lời Tình Buồn” và Hương Lan - Tâm Đoan - Thùy Dương với “Ngập ngừng” v.v.

Hỏi: Với một “bề dầy” quá trình sáng tác hơn phần tư thế kỷ như vậy, nhưng rất ít khi thấy anh xuất hiện hay hoạt động văn nghệ ở xứ Úc này, anh có thể cho biết lý do?

– Tôi là một nghệ sĩ sáng tác, chứ không phải là nghệ sĩ trình diễn, nên chuyện ít xuất hiện trước đám đông khán thính giả là lẽ tự nhiên. Hơn nữa tôi là người có một đời sống hơi trầm lặng và khép kín. Tôi chỉ âm thầm sáng tác và phổ biến những nhạc phẩm của mình đến với khán giả thưởng ngoạn, qua những phương tiện truyền thông bằng CD, video, và mới sau này là quảng bá qua phương tiện internet dưới hình thức blog (nhật ký trên mạng), hay trên trang youtube... Và tôi nghĩ như vậy cũng đủ cho tôi đến gần với tất cả những khán thính giả đã yêu mến mình, cũng như đã bày tỏ được những cảm xúc của mình qua âm nhạc, để chia sẻ với những khán thính giả đồng cảm.

Hỏi: Anh quan niệm thế nào về tình yêu? Nhất là từ một người đã từng gặp đổ vỡ như anh?

– Tôi nghĩ đây là một câu hỏi hóc búa nhất của anh Vi Túy từ nãy giờ, tôi xin được phép không lạm bàn về quan niệm tình yêu, vì mỗi người trong chúng ta đều có những suy nghĩ, cách hành xử, cũng như hoàn cảnh khác nhau, nên đây là một câu hỏi rất khó để trả lời một cách khách quan. Tuy nhiên theo ý kiến chủ quan của tôi, thì để duy trì một quan hệ tình cảm tốt đẹp hay một hôn nhân hạnh phúc, thì cả 2 nhân vật chính trong cuộc, cần phải có một tình yêu đích thực, phải biết “cho” mà không “đòi hỏi” phải nhận lại. Và trong tình yêu cần phải biết hy sinh, chịu đựng và chấp nhận, cũng như phải biết vun sới, gìn giữ và quý trọng hạnh phúc mình đang có, nếu đã xác định đó là niềm hạnh phúc đích thật của mình. Tôi đã không làm tròn được những điều đó, nên đã đưa đến sự đổ vỡ trong hôn nhân, và tôi nghĩ rằng từ những kinh nghiệm đau thương đó, tôi sẽ rút tỉa ra được nhiều bài học quý giá, để có thể hoàn thiện mình trong tương lai.

Hỏi: Anh có còn tiếp tục sáng tác trong thời gian gần đây?

– Với quá trình sáng tác nhạc đã hơn phần tư thế kỷ, và qua hơn 60 nhạc phẩm đã viết, tôi nghĩ rằng việc viết nhạc đã trở thành một nghiệp dĩ đối với tôi, và đã gắn liền với cuộc đời của tôi, nên tôi biết mình sẽ còn tiếp tục nghiệp dĩ này mãi cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Trong thời gian qua, tôi cũng có sáng tác thêm một số ca khúc mới, và dự định khi thuận tiện, sẽ phổ biến những nhạc phẩm này trong album mới nhất của mình.

Hỏi: Cảm ơn NS Hoàng Thanh Tâm đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn đặc biệt này. Xin chúc anh nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui và hạnh phúc trong những tháng ngày mới trở lại với Úc châu. Và đặc biệt chúc anh có thật nhiều hứng khởi, để có thêm những nhạc phẩm mới sẽ ra đời...

– Nhân dịp này tôi cũng xin kính chúc Tuần báo Văn Nghệ luôn nhận được sự yêu mến của quý độc giả bốn phương.


Nguyễn Vi Túy thực hiện (tháng 07-2008)


* * *

Saturday 20 June 2015

Đối trị tâm Sân

Chúng ta phải làm gì khi cơn giận đang phừng phừng nổi lên?
Tỳ khưu Giác Ðẳng
Nguồn: www.phapluan.net

*

Bài giảng trong room “Phật Pháp Buddhadhamma”, Paltalk, ngày 26-01-2011

*

Đối với kinh nghiệm của chúng tôi, đó là chúng ta nên tự hiểu nhược điểm của chính mình:

- Người dễ sân thường là người nặng về lý lẽ sách vở. Quí vị để ý là Chư Tăng, vị nào pháp Học nhiều thì thường hay dễ sân giận, tại vì chúng ta nói điều gì chúng ta cứ nghĩ rằng điều đó 100% là đúng. Mình phải coi chừng nếu mình là người học Phật Pháp nhiều, mình là người có kiến thức nhiều thường hay dễ nổi giận.

- Khi chúng ta cầu toàn thì dễ nổi giận. Cầu toàn tức là cái gì cũng phải hoàn hảo, trưng dọn cũng phải hoàn hảo, tổ chức lễ lộc cũng phải hoàn hảo. Chúng ta càng cầu toàn thì chúng ta càng dễ nổi giận.

- Và chúng tôi cũng để ý một điều, đó là đầu óc phê phán cũng làm cho chúng ta dễ nổi giận. Phê phán là con người của chúng ta thường hay có ý kiến. Chuyện không phải của mình, mà mình cũng có ý kiến, ý kiến người này đúng người kia sai phải quấy; và chúng ta càng có ý kiến nhiều thì chúng ta càng dễ giận.

Thành ra, đối với chúng tôi thì chúng tôi nghĩ rằng điều thứ nhất là chúng ta nên hiểu nhược điểm của mình. Nếu mình là người thường sống với lý lẽ, mình là người sống với sách vở, thì mình hay rất dễ nổi giận. Quí vị để ý thấy rằng quí vị pháp sư, những vị giảng sư thường thường là tâm sân đôi khi nặng lắm là bởi vì cái gì cũng đòi hỏi lý lẽ.

Thứ hai nữa đối với chúng tôi, thì chúng tôi thường học theo lời Đức Phật dạy là mình quan sát những lúc mình giận hay lúc người khác giận. Khi mình giận thì thường thường mình hay nói lỡ lời, mình giận là mình hay nói những chuyện mà hối hận về sau này. Ví dụ mình giận một chuyện rồi mình kết án luôn cả người đó. Thí dụ người đó làm một lỗi gì đó thì chỉ nên giận một lỗi đó nhưng mình kết án luôn cả người đó.

Do vậy, lúc có chuyện gì đang giận, trừ trường hợp lỗi gì ghê gớm lắm thì thôi, còn nếu mà được thì có cách này áp dụng kinh nghiệm chúng tôi thấy có kết quả. Ví dụ như anh em huynh đệ sống chung nhau mà làm chuyện gì chúng tôi nổi giận lên thì chúng tôi nói thẳng với vị đó rằng "tôi đang rất giận". Ví dụ có vị sư A ở chung với tôi thì tôi nói "tôi đang rất giận, sư để tôi yên một chút, tôi sẽ nói chuyện với sư vào ngày mai." Tại vì khi mình nói với người khác là mình đang rất giận mà mình không nói gì hết thì ít nhất là nó cũng như một lời tự thú là mình đang rất giận. Có thể đối với nhiều người xem chuyện đó là chuyện mất mặt, mình nói người khác mình mất bình tỉnh là mình mất mặt. Nhưng khi mình nói người khác là mình đang mất bình tỉnh mình đang giận thì cách đó cũng là cách để giải toả sự giận của mình. Do vậy với những người thân của chúng tôi khi họ làm gì mình giận, thì chúng tôi cho người đó biết ngay là tôi đang giận người đó; và tôi không muốn nói về chuyện đó nữa, tôi chỉ muốn giữ im lặng cho đến khi tôi bình tỉnh trở lại. Thì mình cứ nói thật chuyện đó. Vì theo kinh nghiệm trong cuộc đời mình trải qua nhất là mình càng đi càng sống nhiều, đó là những lúc mình giận mình hay nói quá lời, nói những lời quá đáng, mà nói như vậy sau đó thật sự mình chỉ hối hận thôi.

Chuyện của mình đã kinh nghiệm như vậy, mình muốn người khác cũng kinh nghiệm như vậy. Do vậy ở trong những lúc mình giận dữ thì chúng tôi thường áp dụng hai cách là: một là mình nói mình đang rất giận và mình không muốn nói chuyện này nữa, và cách thứ hai chúng tôi học được của ngài Hòa thượng Hộ Giác. Ngài Hộ Giác được xem như là một người điềm đạm ở trong lối cư xử, chúng tôi thấy ngài hay im lặng. Khi nào ngài im lặng không nói gì là biết ngài giận. Sau này chúng tôi thấy cách đó cũng hay, thay vì mình cho nó nổ tung ra thì giữ im lặng, nhưng thật sự im lặng cũng khó lắm.

Có trường hợp khác, mình biết được chỗ nào mình nên làm sợi dây để níu lấy, ở trong những lúc mình gặp khó khăn. Trong đời của chúng tôi không hiểu tại sao khi chúng tôi bắt đầu lớn lên rồi thì có một chuyện chúng tôi rất sợ. Đó là chúng tôi sợ có những lời nói xúc xiểm phạm thượng đến cha mẹ. Thân phụ của chúng tôi là một người rất hiền rất thương con. Khi chúng tôi lớn lên thì thật sự phải nói rằng nếu một ngày nào đó chúng tôi nghĩ là mình có lời nói phạm thượng đến mẹ đến cha thì có lẽ chúng tôi buồn lắm; và chúng tôi vẫn thường tâm niệm trong kiếp sống luân hồi chúng tôi có làm gì thì làm nhưng đừng bao giờ phạm đến cha phạm đến mẹ, chúng tôi sợ chuyện đó lắm. Chúng tôi lấy ví dụ, thân mẫu chúng tôi đã mất rồi sanh lại làm một chúng sanh nào đó, một người nào đó, khi chúng ta nổi cơn giận lên mà chúng ta đâu biết ai là thân mẫu của mình. Thành ra khi chúng ta nổi cơn giận lên thì có thể chúng ta có những lời nói quá.

Cái kinh nghiệm của đời sống hàng ngày là mình để ý, đó là thật ra, đa số chúng ta đối xử với nhau rất tốt. Chúng ta đối xử với nhau tốt nhiều hơn xấu. Chúng tôi là một vị trụ trì chùa, chẳng hạn có những Phật tử họ làm chuyện gì đó chúng tôi giận, nhưng chúng tôi vẫn còn nhớ một điều rằng chỉ có hôm nay trong giờ phút này, họ nói câu làm mình giận; nhưng 5 năm, 3 năm, 10 năm qua thì không biết bao nhiêu tâm thành cũng như công quả họ đã đem để vào trong chùa. Chúng ta không thể vì chuyện mình giận mà mình lại xóa đi tất cả những công đức, xóa đi tất cả tấm lòng của họ trước kia được. Do vậy, mỗi lần những người Phật tử đi chùa mà họ làm chuyện gì, thì chúng tôi nhớ một điều rằng ngày hôm nay họ có thể làm cho mình rất vui, và mai kia mốt nọ có thể họ làm gì đó mình rất là giận thì mình nên tha thứ cho chuyện đó. Tại vì lý do là họ đã làm rất nhiều chuyện tốt đối với mình. Thật ra, ở trong cuộc đời này có những chuyện rất kỳ lạ, cuộc đời giống như một cuộn phim, chuyện tụ rồi tán, rồi thương rồi ghét, đủ thứ hết. Bạn và thù là một chuyện giống như trời nắng trời mưa, trời sáng và tối. Người đó họ thương mình rồi họ cũng ghét mình được, người đó họ ghét mình rồi họ cũng thương mình được, giai đoạn này tới giai đoạn kia. Quí vị xem cuốn phim, nó thay đổi từ nơi này sang nơi khác, thành ra chúng tôi không nghĩ rằng chúng ta muốn nuôi một tâm sân hận hiềm hận về bất cứ ai. Tại vì sao vậy? Tại vì lúc người ta tốt với mình mà mình không cảm kích, mà lúc họ làm mình phiền thì mình lại xoá hết tất cả những điều tốt, và mình lại nổi giận với họ. Nên chi riêng đối với chúng tôi thì chúng tôi rất sợ là một người nào đó họ có ân sâu tình trọng với mình, rồi mình lại vì một cơn nóng giận mà đốt hết những chuyện đó, chúng tôi rất sợ.

Chúng tôi cũng có khi nghiệm thấy cuộc sống là mình sống thì mình phải có chuẩn bị, và mình đặt đời sống của mình vào chỗ lạc quan. Lấy ví dụ là mình sống mà mình cứ phiền hà trách móc người khác đối với mình hoài, thì đời sống của mình giống như sống trong địa ngục. Cứ tưởng tượng buổi sáng thức dậy và tối đi ngủ, lúc nào cũng nghĩ đến chuyện người này sống phá mình và người kia thù hận mình thì phiền não lắm. Thà chúng tôi dành thì giờ cho những người tử tế với chúng tôi hơn là dành thì giờ cho những người kia. Đời sống chúng ta không có công bằng, người tốt với mình thì mình không nghĩ tới họ, mà người họ xấu với mình thì cứ nghĩ tới họ hoài. Người ta nói chiếc giày mà nó vừa chân mình rồi thì mình không nghĩ tới nó nữa nhưng chiếc giày mà nó chật hay lỏng quá thì mình cứ nghĩ tới nó hoài. Thật ra, trong ngày của chúng ta có bao nhiêu thì giờ mình làm cho những người thật sự tốt với mình. Chúng tôi nói thật sự đời sống bản thân của chúng tôi là một vị tu sĩ, tất cả cái ăn cái ở, tất cả cái gì chúng tôi có, đều là do tấm lòng của đàn-na tín thí. Nếu chúng tôi sống mà chúng tôi tin tưởng vào tấm lòng của con người, thì đời sống tu sĩ chúng tôi tin tưởng như vậy. Và chúng tôi nghĩ là mình nên cảm kích những điều đó, hơn là bận tâm đến những chuyện buồn phiền, mà chuyện buồn phiền thì chỉ một ngày một buổi, một thoáng nào đó. Cái nào mình sống được an lành thì mình sống, chứ mình giận người quá thì phiền hà chính mình. Nhưng phải nhìn nhận một điều rằng như Sư Trưởng Giác Chánh nói, cái gì mình có chuẩn bị thì nó dễ lắm, nhưng cái gì bất ngờ thì thật sự khó dằn lắm.

Đôi khi chúng tôi có chuyện gì giận, thì những lúc đó, cách mà chúng tôi làm là chúng tôi im lặng hay bỏ đi. Ở bên Mỹ thì thật sự dễ hơn ở điểm là có xe, thí dụ mình giận chuyện gì thì mình lái xe ra bờ biển, hay lái xe lên rừng hay lái xe đến nơi nào đó. Thế giới của chúng ta sống ngày hôm nay có điều rất may mắn là có nhiều cảnh giới, chúng ta có điện thoại, có Internet, có sinh hoạt, và những lúc đó làm tâm tư của chúng ta rất là an bình tại vì chúng ta có nhiều cảnh giới khác nhau. Chúng tôi rất hiểu là tại sao ở trong thế giới chật hẹp con người chúng ta dễ giận dữ, tại vì chúng ta không có được nhiều cảnh giới.

Do vậy đối với bản thân của chúng tôi thấy là đời sống mình nên đa dạng một chút, đừng dồn hết sức vào trong cái rổ. Chúng ta làm việc tay chân cũng như làm việc đầu óc, làm việc ở đây nhưng cũng làm việc ở xa, làm việc này cũng có làm việc khác, việc này bế tắt không ổn thì chúng ta tạm ngưng để qua một bên. Đầu óc của chúng ta thường là không phải vấn đề bế tắt nằm ở ngoại giới, mà bế tắt nằm ở trong đầu mình. Mình để trong đầu mình bế tắt, tự nhiên mình làm khổ lấy mình. Do đó, nên có cách chuẩn bị. Đức Phật Ngài dạy chúng ta nên tu tập Từ tâm. Từ tâm là lòng tử tế hay là thiện chí mong mỏi cho mọi người được an lạc thì điều đó có lợi ích. Chúng tôi thì luôn luôn suy nghĩ một điều là hễ nếu đời sống bình thường mà mình có tâm Từ, thì những lúc mình giận, cho dù mình có lỡ lời, có nổi giận thì trong vòng 5 phút, 3 phút, một ngày, mình không giữ lâu. Tại vì cái chuyện mà nuôi cơn giận trong người là một chuyện rất độc hại; và nếu mình có tu tập tâm Từ thì tâm Sân không có đất đứng. Tâm Sân nó chỉ có thể tồn tại lâu dài trong tâm của người nào có nhiều phiền não mà yếu kém về tâm Từ. Nếu đời sống hàng ngày mình có tâm Từ thì mình không nghĩ đến chuyện phiền não.

Chúng tôi vẫn thường nghĩ một điều rằng, ví dụ như là mình lên máy bay có một vài giây phút đầu tiên trong lúc chờ đợi máy bay cất cánh, thì mình nhắm mắt lại, mong tất cả những người chung quanh được an lạc, mong cho mọi người cùng đi trong chuyến bay này được an lạc, thì điều mình hiểu được an lạc của người là an lạc của mình. Buổi sáng mình mở room (Paltalk) ra, thấy vài ba chục người vào trong room nghe pháp thì mình nhắm mắt lại một chút, và mong cho tất cả mọi người hôm nay được an lạc. Tại vì những cái đó bình thường đời sống hàng ngày nên mình không để ý, nhưng lâu ngày có lợi cho mình rất nhiều. Có lợi cho mình là đầu tiên, mà mình nghĩ đến phản ứng của mình cho mọi người là mong cho người ta được an lạc thì mình sẽ giảm thiểu sân hận. Sân hận cũng là một thói quen, cũng là một thường cận y duyên, không phải là lúc nào nó cũng giống nhau hết. Do đó, nếu chúng ta có thói quen ít sân ít giận thì đỡ khổ hơn.

Vì vậy, chúng tôi xin thưa với quí vị như vầy là mình nên hiểu nhược điểm của mình: người càng nặng về lý luận, càng nặng về phê bình người khác, càng nặng về sách vở thì càng dễ giận. Mình phải tự hiểu mình. Người càng cầu toàn, cái gì cũng đòi hỏi phải hoàn hảo hết, thì dễ giận. Phải hiểu là cuộc sống mình phải có cảm kích đối với cuộc đời thì mình cũng sẽ bớt giận đi, và đồng thời nếu mình có tu tập tâm Từ nhiều cũng sẽ bớt giận. Đó là kinh nghiệm rất là khó. Cuộc tu nó là cái gì rất cá nhân.

Đức Phật Ngài đã nói một câu kệ rất hay:

Ai chặn được phẫn nộ,
Như dừng xe đang lăn,
Ta gọi người đánh xe,
Kẻ khác, cầm cương hờ.


Thiện Pháp Nguyễn Văn Hòa và Minh Hạnh ghi
http://phatphapdhamma.brinkster.net/PhapThoai/DoiTriConGian_TTGiacDang.html
  
*