Nguồn: Báo Người Lao Động, http://www.nld.com.vn, tháng 11-2005
Hãi hùng sách dịch
Phương Quyên
Phương Quyên
Bài 1: Tôi đi dịch sách
Thời gian gần đây, người đọc Việt Nam đang phải chịu đựng cái gọi là “thảm họa dịch thuật” khi tiếp xúc các tác phẩm nước ngoài chuyển ngữ kém chất lượng. Dư luận đã mạnh dạn vạch trần những lỗi dịch thuật sơ đẳng trong một số tác phẩm được người đọc chờ đợi.
Người dịch tiếng Anh chưa rành tiếng Anh
Một bộ phận tôn giáo được dịch thành Tổng giáo mục; Tình dục trước hôn nhân lại dịch thành Giới tính nguyên thủy; Biểu hiện trên nét mặt có thể thay cho Việc lộ diện hay Thời đó giống với Ngày nay... là một trong những lỗi dịch sai điển hình nhất của Mật Mã Da Vinci - một tác phẩm văn học thuộc hàng bán chạy nhất thế giới hiện nay. Một người bạn tôi cho biết, bản dịch đó do một giảng viên chuyên ngành ngoại ngữ mà còn như thế, huống gì những cuốn sách do “tập thể sinh viên” dịch. Và anh bảo tôi cứ đi chung với em anh ta vài ngày tôi sẽ có câu trả lời.
Cậu em bạn tôi là sinh viên năm thứ ba khoa ngữ văn Anh một trường ĐH. Tôi theo anh ta tham dự giờ học ngoại ngữ chuyên ngành. Cuối giờ học, giáo viên hỏi lớp có ai muốn dịch sách để test (kiểm tra) trình độ của mình và kiếm tiền không? Cả lớp nhanh nhảu đồng ý. Giáo viên giao cho chúng tôi một tập tài liệu Anh ngữ dày 300 trang sách. Tranh thủ lúc anh bạn lớp trưởng ghi danh người đăng ký dịch, tôi liếc sơ nội dung tập tài liệu. Thì ra, bộ tài liệu không đồng nhất với nhau về nội dung và có số trang cách quãng. Từ trang 153 đến 160 đề cập đến các ứng dụng công nghệ viễn thông, trang 229 đến 246 trình bày các mạng thương mại của các quốc gia, từ trang 263 đến 289 lại có nội dung lịch sử chính trị, tuyển cử các nước châu Mỹ... Tôi thắc mắc và hỏi 2 cô sinh viên cùng bàn. Hai cô bé cười, khuyên tôi đừng bận tâm vì những lần nhận dịch tài liệu trước nay vẫn vậy. Tôi hỏi, thế làm sao biết được đây là cuốn sách nào và toàn bộ cuốn sách tập trung vào vấn đề gì? Hai cô bé trả lời: “Biết để làm gì? Biết phần nào mình nhận thôi chứ! Mà chưa chắc mình hiểu hết phần mình nhận dịch” .
“Berlin là nước nào” (?!)
Khuôn viên sảnh trường ĐH lúc này trở thành nơi họp nhóm lý tưởng cho những đôi dịch sách như chúng tôi. Chọn được một bàn trống, chúng tôi bắt đầu chú tâm vào trang sách photocopy đặc chữ. Nội dung chính phần dịch của chúng tôi là các ứng dụng Internet từ năm 2000 của các nước phát triển. Để dịch sát nghĩa, ngoài từ vựng, người dịch còn cần đến các kiến thức chuyên ngành. Đa số các từ mới đều là những thuật ngữ “bí hiểm” thuộc chuyên ngành công nghệ thông tin. Việc đầu tiên của chúng tôi là tra từ điển, có bao nhiêu từ dịch ra bấy nhiêu. Quyển từ điển Anh Việt “siêu dày” của Viện Ngôn ngữ học biên soạn không làm chúng tôi thỏa mãn. Gặp những từ ghép, không có trong từ điển, chúng tôi phải đoán theo cảm tính như Telemedicine (từ ghép giữa Tele -hệ thống thông tin, tư vấn trực tuyến và medicine- y học); Touch-screen (màn hình và tiếp xúc trực tiếp bằng tay). Gặp phải những câu đề mục kiểu chơi chữ như Let Them Eat Cybercake (nguyên văn: Hãy để họ ăn bánh thông tin); Virtual city hall (nguyên văn: Thành phố tòa thị chính ảo); Infrastructure, environment, and attitude (nguyên văn: Cơ sở hạ tầng, môi trường và thái độ)... thật không làm sao đoán được nghĩa chính xác của chúng. Còn những từ hoàn toàn mới như Portal, hay các cụm từ Smart community, Value-added services... không có trong từ điển, chúng tôi đành phải ghi từ nguyên mẫu, đặt trong ngoặc kép. Bên cạnh tôi, nhóm 3 sinh viên chung lớp cũng đang tranh cãi khá gay gắt về một câu nào đó. Chẳng ai nhường ai, cuối cùng, họ chọn giải pháp tổng hợp cả 3 ý kiến đó lại thành câu dịch hoàn chỉnh. Một anh bạn khác chạy đến chỗ chúng tôi, hỏi bằng một giọng khá nghiêm trọng: “Berlin là nước nào; Hague là tỉnh hay thành phố?!”. Vừa trả lời xong thì một cô bé, cũng học cùng lớp, phàn nàn: “Anh xem thằng Y.A có dốt không, con bọ máy tính và virus máy tính nó dám bảo là khác nhau. Đó chẳng qua chỉ là cách chơi chữ thôi phải không anh (Bug con bọ- nghĩa lóng: lỗi kỹ thuật trong phần mềm)? Ghét quá, em cho nó muốn dịch ra sao thì dịch”. Anh bạn nhận phần dịch nhiều nhất vò đầu, than khó, dịch không xuể nên đã chia bớt cho một cậu năm 2 dịch phụ. Không biết, cậu ta sẽ làm ăn ra sao nữa.
Vất vả 3 ngày tra từ, dịch nghĩa và... cãi nhau, chúng tôi cũng hoàn thành 14 trang sách và đem nộp dù biết chắc rằng nội dung trang dịch chưa hoàn chỉnh.
-ooOoo-
Bài 2: Phải giáo sư, tiến sĩ đâu mà đòi chính xác!
Anh bạn lớp trưởng của tôi tập hợp tất cả bản dịch lại và kiêm nhiệm luôn công việc liên kết những tài liệu rời đó lại thành một bản hoàn chỉnh và “tút” lại cho bản dịch rõ nghĩa, liền mạch. Xem các bản dịch khác mới biết bài dịch của chúng tôi so với mặt bằng chung là tươm tất nhất. Điểm sơ qua 2 trang đầu, chúng tôi đã thấy nhiều lỗi rất phổ thông.
Không dịch được là cho qua
Điển hình là cách dùng từ không chính xác. “The Torah” (kinh thánh Do Thái) được dịch thành Kinh thánh Hồi giáo. “Social security” được dịch là “Bộ an ninh xã hội” dù đây là “bảo hiểm xã hội”… Những lỗi như thế này rất phổ biến trong các trang bản dịch mà chúng tôi nhận từ những sinh viên. Có những từ khó, không dịch được, các bạn bỏ hẳn dù đó là từ chính trong câu. Câu văn dịch trở nên cụt và tối nghĩa. Thấy tôi thở dài, anh bạn tôi cười: “Sinh viên mà, đâu phải giáo sư, tiến sĩ mà đòi bản dịch phải chính xác! ”.
Nộp lại bản dịch cho giáo viên, chúng tôi được khen là bản dịch “sạch” và nộp bài đúng tiến độ. Cũng chẳng cần xem xét thêm, thầy nhờ chúng tôi mang đến giao cho một người khác (?!).
Rời trường ĐH, tôi cùng bạn cũ đến nhà sách Xuân Thu, kiếm ít sách ngoại ngữ. Một phụ nữ trung niên xuất hiện. Cô ta giới thiệu tên Th.H, đang làm cho một công ty dịch thuật và liên kết với các nhà xuất bản. Chẳng cần biết khả năng của bạn tôi thế nào, cô ta đề nghị bạn tôi dịch giúp những tác phẩm bày trên kệ sách vì đang cần gấp bản dịch để kịp xuất bản những đầu sách đó.
Chỉ cần suôn sẻ là được
Đang chưa có việc làm, cô bạn tôi cũng nhận dịch, kiếm thêm thu nhập. Người phụ nữ quay sang hỏi tôi có dịch không? Thấy tôi bảo mình học ngữ văn, không biết tiếng Hoa, cô lại đề nghị tôi chỉnh lý giúp những bản dịch. Theo lời cô ta là chỉ cần “cho suôn sẻ và văn vẻ một tí”. Muốn biết những bản dịch của cô ta ra sao nên tôi nhận lời. Hôm sau, tôi nhận được một tập dày những bài dịch. Nhiệm vụ của tôi là chỉnh lại những lỗi về câu từ, ngữ pháp và liên kết các phần lại để thành một cuốn sách hoàn chỉnh. Ấn tượng đầu tiên của tôi là một bản dịch hổ lốn từ Việt- Hán. Dù đã một lần dịch sách thuê nhưng tôi vẫn không khỏi bất ngờ trước những lỗi dịch nghiêm trọng đến thế. Tên các yếu nhân, địa danh lẫn lộn đến buồn cười. Khổng Tử tên thật là Trọng Ni, tự là Khâu. Không biết người dịch thế nào lại thành Khổng Tử tên thật là Trọng Khâu. Trương Lương thành Trương Thực, Vương Mãn ra Vương Bôn. Buồn cười nhất là “đem râu ông nọ cắm cằm bà kia” trong tên những nhân vật nổi tiếng của phương Tây. Montesquieu (nhà tư tưởng) trong bản gốc được phiên âm tiếng Hán thành Mạnh Đức Tư Cưu, người dịch phán luôn là Đôn-ki-hô-tê (nhân vật trong tiểu thuyết Tây Ban Nha). Chắc là do không biết những nhân vật này nên người dịch đoán âm bừa và cho ra kết quả ngộ nghĩnh như thế. Dịch sách Trung Quốc nhưng dường như người dịch hoàn toàn mù tịt về văn hóa, văn học Trung Quốc. “Lưu Bị tiến cử Gia Cát Lượng cho Tư Mã Đức Thao và Từ Thứ”; (đúng là Lưu Bị mời Từ Thứ làm quân sư, ông ta từ chối và tiến cử Gia Cát Lượng cho Lưu Bị), “Khổng Tử đã từng chỉnh lý những sách cổ gồm Thi, Thư, Lễ, Dị. Ngoài ra còn có sách sử Xuân Thu” (chính xác ngũ kinh phải là Thi, Thư, Lễ, Nhạc và Xuân Thu. Xuân Thu là một kinh trong ngũ kinh. Nếu thêm kinh Dịch là lục kinh. Kinh Dịch không phải do Khổng Tử chỉnh lý mà những nhà nho đời sau thêm vào), là kiểu câu sai phổ biến trong hơn 500 trang bản dịch. Mắc những lỗi như vậy, chắc chắn người dịch phải là người thiếu kiến thức trầm trọng.
Làm sách phải “thoáng”
Đến gặp người phụ nữ tự xưng là nhân viên liên kết xuất bản, tôi trả lại bản thảo và thú thật bản dịch rất tệ, không thể nào chỉnh lý được và khuyên nên cho dịch lại. Cô ta sầm mặt, bảo tôi khờ, câu nệ quá mức. Và khuyên ngược lại tôi làm sách phải “thoáng” một chút vì hai ngôn ngữ phải có sự khác biệt (?!). Tôi biết, mình không thể “thoáng” để nhận 200.000 đồng tiền công cho việc chỉnh lý bản dịch khủng khiếp này. Quay sang cô bạn tôi, cô ta bảo xấp bản thảo của bạn tôi dịch bỏ nhiều câu - đoạn quá, phải đánh máy lại và trừ bớt tiền công. Một trang A4 dịch hoàn chỉnh, đánh máy bằng co chữ 11, bạn tôi được trả 10.000 đồng. Tôi hiểu, với cách tính công đếm chữ trả tiền như thế, sự ra đời của những bản dịch kém đến vậy là điều tất nhiên.
Ai cũng có thể dịch sách. Làm sách dịch theo kiểu gia công, “thoáng” và đếm chữ trả tiền. Đó là tất cả những gì tôi nhận được sau một thời gian tiếp xúc với nghề dịch sách thuê. Những đầu sách kém chất lượng mà báo chí lên án chỉ là một trong những điển hình bị mổ xẻ. Nếu tiến hành một cuộc “đại phẫu thuật” cho các đầu sách dịch hiện nay, chắc chắn còn rất nhiều đầu sách kém chất lượng bị lột trần. Chỉ xót xa cho người đọc, phải bỏ tiền để mua lấy những bán thành phẩm của kiểu làm sách tay ngang, vô trách nhiệm.
-ooOoo-
Bài 3: “Thảm họa dịch thuật” có mặt khắp nơi
Dịch giả Ngân Xuyên (Phạm Xuân Nguyên) cho rằng: Thị trường sách dịch hiện nay rơi vào khủng hoảng và đã báo động từ rất lâu. Số lượng sách dịch trên thị trường có thể phong phú về số lượng, cập nhật thời sự rất nhanh, nhưng số lượng thì chưa đi đôi với chất lượng, nhất là đối với những tác phẩm văn học lớn, tác phẩm best seller.
Đội ngũ dịch thuật không chuyên nghiệp
Rất nhiều cuốn sách dịch sai be bét, không hiểu thuật ngữ chuyên ngành, thậm chí còn bị coi là “thảm họa dịch thuật” như Mật mã Da Vinci. Nhưng Mật mã Da Vinci ít ra còn suôn sẻ về mặt tiếng Việt, cuốn Chiến tranh và hòa bình (tái bản) dịch ẩu hơn nhiều và chi chít lỗi đánh máy. Cuốn Mỹ học của Hegel (dịch giả Phan Ngọc) bị dịch giả Hoàng Hưng “tố” là “sai gần hết”. Còn Bonjour Tristesse (Buồn ơi chào nhé) rất nổi tiếng của Francois Sagan thì lại được dịch thành Nỗi buồn muôn năm... Nhưng bản dịch sai sót còn là bản dịch dễ chữa, theo dịch giả Vũ Thế Khôi, bản dịch thật sự thảm họa là những bản dịch mờ mờ nhạt nhạt, chẳng tìm thấy bóng dáng nhà văn đang có mặt nhan nhản khắp nơi. Và đó là hậu quả của một nền dịch thuật thiếu chuyên nghiệp kéo dài hàng chục năm nay với một đội ngũ dịch giả mày mò tự học, thay vì được đào tạo bài bản trường lớp.
Dịch giả thứ thiệt chưa được coi trọng
Đi tìm nguyên nhân cho thực trạng đáng buồn này, dịch giả Đoàn Tử Huyến cho rằng có tới 4 nguyên nhân dẫn đến tình trạng loạn sách dịch. Đầu tiên, đó là sự kém cỏi của người dịch. Thứ hai, là sự tham lam của cả dịch giả, NXB lẫn đầu nậu, tìm mọi cách để có lợi nhuận cao. Thứ ba, là sự cẩu thả và cuối cùng là thái độ thờ ơ của những người có trách nhiệm. Dịch giả Ngân Xuyên lại cho rằng chúng ta đang đứng trước mâu thuẫn, người biết ngoại ngữ thì nhiều nhưng dịch giả thì ít. Không phải cứ biết ngoại ngữ là có thể dịch được, mà chúng ta thì lại chưa có một trường dạy dịch, chưa có lý thuyết dịch. Dịch văn học rất khó, không ít người giỏi ngoại ngữ, ham mê dịch, nhưng vì không xác định được đối tượng dịch của mình là ai nên bản dịch rất nhạt nhẽo. Đó là chưa kể đến người dịch sách không được coi trọng, nói theo cách của dịch giả Phạm Tú Châu, họ không được hưởng thù lao xứng đáng cho công sức bỏ ra cho một cuốn sách. Dịch giả Ngân Xuyên tính toán, một trang sách dịch thông thường được trả 40.000 đồng, nhưng dịch một trang dự án thì được tới 5 USD, lại chẳng mất thời gian suy nghĩ về phong cách, giọng điệu của nhà văn, quá nhàn.
Biên tập sách dịch: Hầu hết không biết ngoại ngữ
Một lý do nữa cũng được nhiều dịch giả nêu lên, đó là sự lúng túng của các nhà xuất bản (NXB) khi tham gia Công ước Berne. Muốn dịch nhanh, có sách ra thị trường sớm, thu lợi nhuận cao nhưng các NXB lại không biết cách tổ chức thế nào để vừa bảo đảm chất lượng, vừa bảo đảm tốc độ bản dịch mà Mật mã Da Vinci là một ví dụ. Dịch giả Ngân Xuyên cũng dẫn ra một nguyên nhân nữa, đó là sự buông lơi 2 khâu chính là biên tập và phê bình. Cùng với sự xuống cấp của phê bình và biên tập nói chung, việc biên tập, phê bình sách dịch còn “thảm” hơn nữa. Biên tập viên Cao Giang của NXB Thanh Niên, cho biết hầu hết các biên tập viên mảng văn học của các NXB hiện nay đều không biết ngoại ngữ, trình độ không theo kịp thời cuộc. Và vì thế, tệ làm sách cẩu thả càng có đất để hoành hành, bất chấp dư luận lên tiếng.
Cải thiện tình hình, bằng cách nào?
Dịch giả Thúy Toàn, Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng cũng như sáng tác văn học, việc dịch sách là công việc của các cá nhân, của trình độ và lòng tự trọng nghề nghiệp của dịch giả. Cũng đồng tình với quan điểm này, dịch giả Ngân Xuyên cho rằng chẳng ai muốn “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, các dịch giả luôn luôn muốn giữ uy tín cho mình, nhưng để có được những cuốn sách hay, các NXB phải tập hợp đội ngũ các dịch giả tin cậy. Mỗi NXB cần nắm vững đội ngũ người dịch chí cốt của mình, tùy theo từng ngôn ngữ và thể loại sách khác nhau, đặt hàng để họ dịch những cuốn sách có giá trị và trả thù lao xứng đáng.
Một giải pháp nữa cũng rất quan trọng, đó là nâng cao trình độ của người biên tập.
-ooOoo-
No comments:
Post a Comment