Thursday 18 June 2009

Trái tim của Hòa thượng Thích Quảng Đức

http://www.thanhnien.com.vn, 16/06/2009

... Đó là Bồ tát Thích Quảng Đức, tự thiêu tại Sài Gòn (ở vị trí ngã tư đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM hiện nay) ngày 11.6.1963, để phản đối và cảnh tỉnh chế độ Ngô Đình Diệm đang đàn áp, bắt bớ, đánh đập, thủ tiêu và bắn giết tăng ni Phật tử miền Nam. Rất nhiều phóng viên trong và ngoài nước như ký giả David Halberstam của tờ New York Times tường thuật: “...lửa phủ khắp người, thân ngài Thích Quảng Đức từ từ thâu nhỏ lại, đầu cháy nám, cả người chìm trong lửa đỏ. Sau lưng tôi vọng lên tiếng khóc, tôi cũng quá xúc động không khóc nên lời được khi nhìn thấy thân hình của ngài chìm trong biển lửa nhưng ngài không một tiếng rên la, trầm tĩnh bất động, khác hẳn với những phật tử đang òa khóc ngày càng lớn tiếng chung quanh”. Một tường thuật khác của mục sư Donald Harrington (Mỹ): “…khi chiếc áo cà sa của ngài đã tẩm đầy xăng, tất cả tăng ni sợ hãi lùi lại kính cẩn và chăm chú nhìn ngài. Ngài vẫn yên lặng và bình thản niệm Phật, rồi bật một que diêm để ngọn lửa phừng phực bốc lên phủ kín thân ngài. Ngài vẫn ngồi thẳng nhiều phút trong lửa đỏ cho đến khi lửa tàn và nằm xuống bất động”.

Bấy giờ nhiều linh mục như Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Quang Oánh, lên tiếng đồng tình với ngọn lửa đấu tranh Thích Quảng Đức. Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình đã từ chối không để ông Ngô Đình Thục dùng nhà thờ Đức Bà ở trung tâm Sài Gòn để “cải chính” về sự việc. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tổ chức lễ cầu siêu Bồ tát Thích Quảng Đức trong hai ngày 12 và 13.6.1963. Tại miền Bắc, hơn 80.000 người tập trung ở thủ đô Hà Nội mít tinh và diễu hành ủng hộ phật tử Sài Gòn, kéo đến chùa Quán Sứ cầu siêu cho ngài. Ở nước ngoài, làn sóng phản đối chế độ Sài Gòn dâng cao ở nhiều quốc gia, ảnh chụp Bồ tát Thích Quảng Đức ngồi trong lửa đỏ đặt suốt cả tháng trên bàn làm việc của tổng thống Mỹ. Khi nhục thân của ngài đưa đi làm lễ trà tỳ tại lò thiêu An dưỡng địa Phú Lâm để lấy tro thờ, tất cả mọi người đều kinh ngạc thấy trái tim của ngài không bị cháy. Sự kiện này không những gây chấn động trong phật tử Việt Nam mà còn đặc biệt thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu khoa học trên thế giới suốt gần nửa thế kỷ qua. Người ta tự hỏi tại sao dưới sức nóng của hàng nghìn độ mà trái tim của ngài không cháy?

Hòa thượng Thích Thông Bửu, trụ trì chùa Quán Thế Âm - TP.HCM, trong hội thảo chuyên đề về Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức năm 2005 đã kể lại:

- “Sau một ngày lửa nung cả ngàn độ, mà trái tim vẫn không cháy, nên phải quyết định đưa vào nung thêm lần nữa. Lúc bấy giờ ngoài trời đã gần tối mà lực lượng cảnh sát của Ngô triều càng đông thêm. Có tiếng xầm xì rằng nhà cầm quyền muốn dùng bạo lực để cướp trái tim, vì thế bộ phận phụ trách trả tỳ liền ngưng đốt và đem trái tim ra. Trái tim vẫn còn nguyên trong khi xương thịt đã cháy thành tro trắng. Tin lan truyền từ lò thiêu: “Trái tim bất diệt” khiến Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu hoảng sợ. Khi trái tim được tôn trí tại chùa Xá Lợi thì toàn bộ gia quyến họ Ngô họp khẩn và lệnh cho Bác sĩ Trần Kim Tuyến, trùm mật vụ của chế độ, đến chùa Xá Lợi để khám nghiệm quả tim và xem thực hư thế nào. Bằng những chất hóa học và phương tiện khoa học hiện đại thời ấy, bác sĩ giám đốc kiêm tình báo của Ngô triều đã sử dụng hết khả năng để đốt cháy quả tim, nhưng cuối cùng ông thở dài và đành chắp tay vái lạy rồi rút lui. Về đến dinh ông trình bày: “Chúng ta nên hòa với Phật giáo là hơn, vì họ có quả tim bất diệt”. Bà Ngô Đình Nhu phản đối và họp với chồng tổ chức chiến dịch “Nước lũ”, bố ráp hết các chùa chiền vùng Sài Gòn - Gia Định để bắt thêm tăng ni đem về nhốt tại vùng Rạch Cát, quận 8. Khi biết được tin này, Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo âm thầm đưa quả tim vào tủ sắt và gửi trong trụ sở của chi nhánh Ngân hàng Thụy Điển tại Việt Nam. Do vậy mật vụ và lực lượng cảnh sát đặc biệt trong chiến dịch “Nước lũ” do nhà Ngô tung ra suốt mấy ngày đêm cũng chỉ thu về một quả tim giả làm bằng… thạch cao hong khói!”.

Đến nay, quả tim bất tử của Bồ tát Thích Quảng Đức, một báu vật quốc gia, một trân châu xá lợi của phật tử Việt Nam, vẫn còn đó và đang được lưu giữ nơi nào? Bạn có thể tìm đọc câu trả lời chính xác trong mục này trên số báo ra ngày mai. (còn tiếp).

http://www.thanhnien.com.vn, 17/06/2009

... Cố Hòa thượng Thích Thông Bửu (tịch năm 2007 - là một trong những đệ tử thân cận của ngài) đã kể cách đây bốn năm (2005):

- Bồ tát ngã xuống mà tay vẫn còn bắt ấn tam muội và khi ngọn lửa trà tỳ với sức nóng 4.000 độ đã tắt, trái tim của ngài vẫn không cháy, kết lại thành một khối rắn chắc như ngọc, được đưa vào giữ trong tủ sắt của chi nhánh Ngân hàng Thụy Điển tại Sài Gòn. Đến sau ngày 30.4.1975, vào một dịp thích hợp, tủ sắt đã được mở ra và thấy quả tim bất diệt của ngài vẫn nằm trong một cái hộp được niêm phong cẩn thận bởi những sợi dây dẹp bằng đồng và được khằn theo đường hình chữ thập. Bên trên hộp ghi rõ lệnh niêm phong của đức Tăng thống Giáo hội Phật giáo nước ta, với dòng chữ: “Nghiêm cấm không ai được mở khi chưa có lệnh”.

Cũng theo hòa thượng Thích Thông Bửu, sau này khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, đã bàn bạc hết sức nghiêm túc về biện pháp bảo vệ quả tim sao cho tốt nhất và đã đi đến quyết định gửi vào Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bảo quản. Thủ tục ký kết việc gửi và nhận tiến hành lúc 11 giờ trưa ngày 26.4.1991, với văn bản số 03/BB-TG.

Theo tài liệu phổ biến trước đông đảo đại biểu dự hội thảo về Bồ tát Thích Quảng Đức do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam mở tại TP.HCM năm 2005, thì những vị có trọng trách trong việc gửi và nhận quả tim bất diệt ấy gồm:

Về bên gửi, có 3 vị đại diện cao nhất là: 1. Hòa thượng Thích Thiện Hào, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 2. Hòa thượng Thích Từ Nhơn, Phó trưởng ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 3. Hòa thượng Thích Giác Toàn, Ủy viên kiểm soát Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Về bên nhận, có 6 vị đại diện: 1. Ông Trịnh Thanh Tùng, Vụ phó Vụ Phát hành kho quỹ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 2. Ông Bùi Văn Hàn, đại diện Bộ Nội vụ. 3. Bà Trần Thị Kim Liên, kế toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 4. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Vụ phó Vụ Tôn giáo trung ương. 5. Ông Đỗ Quốc Dân, Phó ban Tôn giáo TP.HCM. 6. Ông Phạm Văn Hùng, đại diện Bảo tàng Cách mạng TP.HCM.

Như vậy, từ năm 1991 đến nay, quả tim Bồ tát Thích Quảng Đức vẫn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lưu giữ. Đó là bảo vật quốc gia, là một dạng xá lợi độc đáo của Việt Nam.

* * *

No comments: