Wednesday, 24 June 2009

Cần xác định một thái độ đối với thực trạng dịch thuật

Nguồn: http://vietnamnet.vn, 06/01/2006

Cần xác định một thái độ đối với thực trạng dịch thuật
Dịch giả Đoàn Tử Huyến

(VietNamNet) - Cần phải làm sao để dư luận xã hội - mà trước hết là báo chí, rồi các cơ quan ngôn luận chuyên ngành văn nghệ, các cá nhân và tổ chức học thuật có thẩm quyền và uy tín - đủ sức bắt những kẻ muốn hoặc có thể làm ra những sản phẩm khuyết tật phải xấu hổ (chắc là họ vẫn còn có năng lực xấu hổ?) và phải trả giá - cả tinh thần lẫn vật chất.

Cái ao dịch thuật văn học Việt Nam lâu lâu nghe tõm một hòn đá ai đó ném vào, vài đợt sóng dội lên chao đảo, người đi qua ngó lại thấy thấp thoáng ở đó cũng có cây đẹp vật lạ, nhưng nhiều rác rến... Rồi im chìm. Việc như vậy hình như một năm một hai lần hay vài ba năm một lần, chẳng thấy ai ghi nhớ.

Năm ngoái, nhân Hội nghị những người làm công việc dịch thuật toàn quốc lần thứ nhất tại Phú Yên cũng xôm rộn lên được dăm bữa nửa tháng, rồi phong cảnh lại về "số mo"! Không tạo nổi một vệt dài dư luận chứ chưa nói đến những thay đổi, chuyển biến gì. Vừa rồi, đến hơn một năm sau, có anh chàng bức xúc trẻ tuổi Trần Tiễn Cao Đăng vần tảng đá "Thảm họa dịch thuật" choang ủm một cái... Hình như cũng có vài kẻ bị té ướt áo, và cũng có cái gì đó hoặc con gì đó thu cổ rụt đầu. Nhưng rồi lại im chìm, đến nay...

Tại sao lại như vậy?

Theo tôi, một phần không nhỏ là tại vì thái độ của chúng ta đối với vấn đề. Thái độ của từng người chúng ta, từ người trong cuộc làm nghề, người quản lí, đến người đọc, người tiêu dùng; thái độ của cả xã hội, của các cơ quan hữu trách, đối với công việc dịch thuật, đối với nghề dịch, đối với cả nền dịch thuật Việt Nam.
Vậy thì, thực trạng nền dịch thuật Việt Nam hiện nay như thế nào?

Tôi biết rằng mấy nhiệm kì vừa rồi, hễ Hội đồng văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức được cái hội nghị chuyên môn nào đó là "người ta" chỉ đua nhau than thở, kể khổ kể tội "cả ngày không hết", đến mức phải kêu lên với nhau rằng "biết rồi, khổ lắm!.." Những chuyện đó không cần tốn giấy mực nữa, ai cần tìm hiểu xin lật chồng báo cũ, mọi điều đã nói bây giờ vẫn nguyên, thậm chí còn tồi tệ hơn.
Nguyên nhân của thực trạng đó, tôi tạm “khái quát” gồm có bốn: 1) Trình độ kém cỏi, thậm chí là dốt nát (của người dịch, người biên tập); 2) lòng tham (của các nhà kinh doanh); 3) thói ẩu tả (của tất cả những người trên); và 4) thái độ vô trách nhiệm, bàng quan của tất cả mọi người, mà trước hết của những người chịu trách nhiệm xuất bản, các cá nhân và tổ chức hữu quan, kể cả các cơ quan học thuật và ngôn luận truyền thông.

Ở đây tôi muốn nói về nguyên nhân và trách nhiệm từ phía những người làm nghề đối với thực trạng đó.

Chắc không ai phản đối nếu nói sách dịch kém là do người dịch kém. Tuy nhiên theo tôi phải nói rõ rằng, người dịch kém mới là nguyên nhân đầu tiên trong một dãy những nguyên nhân. Người dịch kém chỉ có thể làm ra một bản dịch kém nhưng chưa được “xã hội hóa” (tôi học đòi chữ đang thấy dùng nhan nhản trên báo chí, không hiểu có đúng không?) chứ chưa đủ làm ra một cuốn sách kém với tư cách là một sản phẩm hàng hóa có giá trị sử dụng để phán xét. Muốn một cuốn sách ra đời, kể cả tốt kể cả kém, theo luật pháp hiện hành ở Việt Nam, nhất thiết phải qua một nhà xuất bản. Vậy trách nhiệm chính trong việc “đỡ đẻ”, “khai sinh” cho những cuốn sách dịch kém thuộc về các cơ quan xã hội, nhà nước, mà trực tiếp và quyết định nhất là nhà xuất bản. Nhưng về việc này xin để dịp khác, bây giờ tôi đang nói về người dịch.

Hiện nay phải nói là rất phổ biến loại người dịch kém và dịch giả ẩu. Người dịch kém là người không biết mình dịch kém, hoặc tệ hơn nữa, biết mình kém mà vẫn dịch. Trong số họ, với những ai phải dịch vì sinh kế thì có lẽ còn ít nhiều thông cảm được(?) (nhưng tôi cho rằng hiện nay hiếm có loại người dịch như vậy, vì ít ai đi kiếm tiền bằng cái nghề rẻ mạt mà vất vả này!), còn chủ yếu thì là những kẻ kiếm danh, trực tiếp hoặc gián tiếp.

Có thể đó là mấy cán bộ nghiên cứu, giảng dạy ở các trường, viện nóng lòng có thêm đầu sách, công trình (để thêm trọng lượng cho việc bảo vệ, phong chức danh); có thể đó là những người đã về hưu, hoặc rỗi rãi, biết chút ít ngoại ngữ những năm xưa xửa được học, chính qui hoặc không chính qui, nay dùng kiếm thêm cái danh, cái thẻ Hội viên nhà văn - dịch giả. Cũng oai đấy chứ! Tất nhiên đó là khát vọng vô cùng chính đáng, nhưng ở đây cái tội, và cũng là cái khổ, là: họ dịch kém quá! (Xin nói rõ là tôi không phản đối những người kể trên dịch sách, họ đang là - tình trạng kiêm nhiệm không chuyên nghiệp này không hiểu nên vui hay nên buồn? - lực lượng dịch chính hiện nay, nhiều người trong số họ là bạn bè, cộng tác viên chí cốt của Trung Tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây chúng tôi. Ai cũng có thể dịch, nhưng cái quan trọng là phải dịch tốt, có trách nhiệm trước hết với sản phẩm và tên tuổi của mình).

Lại những vị có học hàm học vị cao, chức quyền hẳn hoi (cỡ trưởng phó vụ viện, tiến sĩ, giáo sư...), họ vẫn dịch (mà có khi kiếm được tiền dự án, tài trợ nữa), nhưng họ (“họ” là tôi nói khái quát, thật ra cái - vụ - cụ - thể sau đây chỉ có một người thôi, xin đừng bắt bẻ!), “họ” dịch tên tác phẩm khắp cả thế giới đọc Доктор Живаго (Doctor Zhivago) của nhà văn, nhà thơ Nga đoạt giải Nobel Boris Pasternak thành "Tiến sĩ Zhivago"! (Phải chăng do “họ” nghĩ vì người trước đây dịch tác phẩm này thành "Vĩnh biệt tình em" là quá sai, hay Bác sĩ Zhivago cũng chưa đúng, nên dịch lại như thế cho đúng?) Đây mới là "tuyệt tác", chứ cái vụ “Tống Giang gặp mưa" mà ông Lê Bầu hay kể đã ăn thua gì (*)!

Nhưng thật ra mà xét, tôi nghĩ loại dịch giả này không phải là vấn đề lớn lắm, vì “nhận diện” họ không khó và cũng dễ loại trừ họ. Chỉ cần người biên tập hoặc đọc duyệt, hoặc ai đó có liên quan đến việc ra sách, như đầu nậu chẳng hạn, cẩn thận một chút, có trách nhiệm một chút, và bớt nể sợ một chút (ở đây nhiều lúc cũng có cả yếu tố nể sợ đấy, thế mới lạ!)...

Loại dịch giả ẩu mới là vấn nạn! Như tôi quan sát trên thực tế, họ lại thường là những người được tiếng giỏi giang, cả giọng. Họ làm việc nhanh, năng nổ, tính lại xuề xòa dễ dãi, được lòng người. Trong đời biên tập mấy chục năm tôi cũng đã được tiếp xúc và chứng kiến cách làm việc của họ không ít. Giao việc gì họ cũng nhận, nhận là làm xong ngay. Bản dịch đọc trôi chảy, thậm chí có cá tính nữa là khác. Nhưng nếu đem đối chiếu thì... ôi thôi! Họ bất chấp chi tiết, bất chấp cấu trúc, văn phong nguyên tác, cứ làm sao bản tiếng việt có vẻ suôn sẻ là được. Họ sẵn sàng lược từ, bỏ đoạn (khó hiểu, không tra cứu được), bớt ý, bịa nghĩa. Thậm chí có người hứng chí còn thêm thắt, viết lại cả đoạn văn! Nếu phát hiện ra, cự họ, thì họ dễ dãi cười xòa, sẵn sàng nhờ mình chữa hộ. Sao cũng được, miễn là nhanh, miễn có sách ra! Với những người giỏi giang này, giá làm sao để họ không ẩu thì chắc là...sẽ tuyệt vời!

Hiện nay không ít những người dịch ẩu như vậy khá nổi danh, thành đạt, được báo chí ca ngợi, nào là…nào là…(thôi không nói cụ thể quá, kẻo đụng chạm!), được vào Hội Nhà văn, thậm chí được, hoặc thiếu chút nữa thì được giải/tặng thưởng này nọ. Sở dĩ khó “nhận biết”, đối phó với họ là vì, ngoài sự năng nổ, chạy chọt của họ và sự bao che của những người cùng phe đảng, nếu người đọc không tinh tường, không đọc kĩ bản dịch, đối chiếu “bắt quả tang” thì cũng không dễ phát hiện ra cái ẩu, cái sai của loại “siêu dịch giả” này. Đã từng có cuốn sách được những người am hiểu và có thẩm quyền khen, được báo chí ca ngợi, nhưng khi đem so với nguyên bản thì mới thấy sai nhiều, mặc dù...đọc tiếng Việt thấy hay!

Tình trạng như vậy cứ kéo dài, tại đâu?

‎Điều trước tiên tôi rất muốn nhấn mạnh, là chúng ta cần xác định ngay thái độ cần thiết đối với thực trạng nền dịch thuật Việt Nam hiện nay.

Qua dư luận xung quanh bản dịch cuốn Mật mã Da Vinci, và cụ thể được thể hiện trong cuộc tọa đàm do Hội đồng Văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ngày 18 tháng 11 vừa rồi, có thể thấy nổi lên hai thái độ. Một là của anh chàng "ngựa non háu đá", như có người gọi Trần Tiễn Cao Đăng, tỏ ra búc xúc, phẫn nộ trước lối làm ăn cẩu thả, kém cỏi, tắc trách của một số cá nhân và Nhà xuất bản liên quan, kêu gọi "phải chấm dứt ngay, bằng bất cứ giá nào", tình trạng nguy hại đó. Lên tiếng ủng hộ có Đoàn Tử Huyến, Phạm Xuân Nguyên...

Thái độ thứ hai (đại diện có Thái Bá Tân, người được Hội đồng Văn học dịch uỷ quyền giám định bản dịch Mật mã Da Vinci, và tiếp đó là Vũ Thế Khôi, Lê Bầu... toàn những "chiến tướng" của nghề dịch) là tương đối bình thản; họ cũng thừa nhận rằng có nhiều sai sót, rằng không phải là không đáng phê phán, nhưng theo họ, "có gì đâu mà phải đao to búa lớn", "còn khối cái thảm họa hơn ấy chứ!" Họ cũng dẫn ra vô số những lỗi ngớ ngẩn ở trong các bản dịch đã in thành sách khiến mọi người cười thoải mái.

Và họ lấy đó làm trò vui! Thậm chí có người còn tỏ ra thương cả người dịch lẫn nhà xuất bản làm ra cuốn sách đó, họ bảo phê bình kiểu như vậy là hủy diệt, là “khai tử” người ta rồi còn gì! Người trong nghề phải thông cảm, thương nhau chứ! Ông Bùi Việt Bắc, nhà kinh doanh kiêm Giám đốc Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin, thì phân bua và thở than rằng "đau quá, bị đánh "hội đồng đau quá". Một năm nhà xuất bản phải làm những 700 đầu sách, nên không thể nào kiểm tra hết được, sai sót là không tránh khỏi. Chao ôi, thương thế!.. Chắc những người yêu sách, yêu văn chương chữ nghĩa nghe vậy đành thông cảm thôi, dù có mua và ăn phải trái đắng kiểu Mật mã Da Vinci hay 100 năm giải Nobel (**) (cũng do nhà Văn hoá - Thông tin sản xuất ra năm ngoái rồi bị thu hồi vì chất lượng quá...!) cũng ngậm - bồ - hòn mà - thông - cảm!

Tôi thấy, những người trung thực, có lương tâm nghề nghiệp, quý trọng nền văn học nước nhà, và nói không sợ "đao to búa lớn", những người quan tâm đến tương lai văn học, văn hóa dân tộc, phải xác định và tỏ rõ thái độ của mình trước những việc làm sai trái, tệ hại trong lĩnh vực dịch và xuất bản sách dịch, tìm ra nguyên do, quy kết trách nhiệm một cách cụ thể, tạo áp lực đối với xã hội và nhà nước, đối với các cá nhân và cơ quan hữu trách, để ngăn chặn, tiến tới chấm dứt, những việc làm đáng xấu hổ trong một xã hội kỷ cương.

Chính vì thái độ "Dĩ hoà vi quí" vốn đặc trưng cho lối nghĩ, lối ứng xử của chúng ta (trong đó có tôi) từ trước đến nay mà các cuốn sách dịch tồi tệ vẫn tồn tại và xuất hiện dày đặc như một sự tất yếu. Tôi cho là cần thiết vào lúc này (và tôi hoàn toàn ủng hộ) một thái độ như của anh Trần Tiễn Cao Đăng. "Ngựa non háu đá", nhưng mà đá hay, đá đích đáng thì rất rất tốt chứ sao!

Lớp dịch giả trên và ngang tuổi chúng tôi nay nhiều người đã đến tuổi lười, tuổi yếu, may ra còn mấy anh chị đáng tin cậy xông pha như Trần Đình Hiến, Lê Bầu, Phạm Tú Châu, Trịnh Lữ.., phần lớn thì đã “rửa tay gác kiếm” hoặc “lực bất tòng tâm”. Còn riêng ở thế hệ trẻ hơn thì chưa nhìn thấy một đội ngũ đủ cơ số để yên tâm và phấn khởi. Tuyệt đại đa số những người học và giỏi ngoại ngữ bây giờ quan tâm đến các công việc thương mại mang lại lợi nhuận kinh tế cao, không thích dịch sách văn học; mà có thích thì cũng nằm ngoài sự lựa chọn của họ, trừ trường hợp có tài trợ đủ để trả nhuận bút thỏa mãn họ.

Cho nên có được những người dịch mới (tôi không dám nói "trẻ" vì có người kể tên sau đây hình như cũng đã gần tuổi "tri thiên mệnh"), say mê và có trình độ như Ngô Tự Lập, Lí Lan, Cao Việt Dũng, Trần Tiễn Cao Đăng... (tôi rất muốn kể thêm, chưa đủ số trên đầu ngón một bàn tay, nhưng khó quá!) là rất nên mừng và ủng hộ. Và thật đáng trân trọng thái độ bất bình, thậm chí là phẫn nộ của các bạn trẻ trước cách làm việc rõ ràng là không thể chấp nhận và bào chữa được của những người làm ra những cuốn sách như Mật mã Da Vinci, Cha thánh (***) hay 100 năm giải Nobel và nhiều nhiều những phế phẩm cùng loại. Và tôi cho đây còn là một thái độ dũng cảm. Vì trong một chừng mực nào đấy thì đó là một hành động “hứng đạn”, là tiếng kêu báo động cho mọi người nhưng đồng thời cũng là lời ràng buộc chính mình – không được làm sai, làm ẩu! - và biến mìng thành mục tiêu. Hiện nay thật khó tìm ra những người trẻ, có lòng say mê và có tâm với nghề dịch thuật nước nhà như vậy, nên ủng hộ họ, ủng hộ những suy nghĩ, việc làm mạnh mẽ đó của họ là một trách nhiệm của những người đi trước.
Thế mà đáng buồn là một tiếng nói nhiệt tình như thế lại bị nhiều bậc đàn anh đáng kính tại Hội Nhà văn Việt Nam dội nước lạnh trong cuộc Hội thảo kể trên (Cao Đăng chưa phải là hội viên Hội Nhà văn!), bị coi là quá khích, là “không hiểu nổi”, vv…Thái độ nói thẳng ra là bảo thủ như vậy khiến nhiều người dịch trẻ nghiêm túc nhụt chí nản lòng. Mặt khác, chính sự dễ dãi, thậm chí là thờ ơ như vậy đã bao dung cho những cuốn sách dịch kém, những người dịch kém có đất tồn tại, thậm chí lên ngôi, dẫn chất lượng nền dịch thuật nước nhà rơi vào mặt bằng lổn nhổn tồi tệ.

Cũng có thể cho rằng gọi bản dịch Mật mã Da Vinci là "thảm hoạ" thì hơi quá. Nhưng theo tôi, đấy chỉ là cách nói, còn thực chất sự việc không hề thay đổi. Và có quá như vậy mới gây ra sự chú ý của dư luận, nếu không, biết đâu đến nay dịch phẩm "quái vật" ấy vẫn ngang nhiên tung hoành? - theo dự kiến ban đầu, nhà xuất bản sẽ phát hành cuốn sách này 20.000 bản! Mặt khác, cũng không phải lo những lời phê phán đó "khai tử", "huỷ diệt" ai.

Nếu quả chị Đỗ Thu Hà, người dịch cuốn sách này là giỏi, có bản lĩnh, và có trách nhiệm cá nhân (theo tôi, là thứ trách nhiệm tối cao trong sáng tạo nghệ thuật), nhưng phải chịu "đòn oan", thì chị Hà có thể tự mình sữa chữa sai lầm, làm lại cuốn sách, chứng minh với bạn đọc thực chất sự việc và trình độ của mình. Còn nếu người dịch không thể, hoặc không muốn làm chuyện đó, thì theo tôi, dù không có bài phê phán phũ phàng này, sớm muộn gì rồi cũng được "khai tử" trong lòng đọc giả. Tôi muốn nói thêm, nếu dịch giả Đỗ Thu Hà vì một lí do nào đó chưa làm ngay được việc như tôi vừa nói, với cuốn Mật mã Da Vinci, thì chị vẫn có thể chứng tỏ mình qua những cuốn sách khác, miễn là vẫn có lòng với dịch thuật. Tôi, với tư cách Trung Tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, sẵn sàng hỗ trợ việc xuất bản những bản dịch tốt của chị, nếu chị thấy cần thiết.

* * *

Việc đánh giá thực trạng dịch thuật văn học nước ta không khó và có lẽ không phải là không thống nhất. Tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng, cái thực trạng không lấy gì làm mát mặt đó không hề phủ nhận hoặc làm giảm nhỏ giá trị to lớn và đích thực mà nền văn học dịch Việt Nam đã, đang và sẽ đóng góp cho sự phát triển văn học, và văn hoá, văn minh dân tộc. Chỉ có điều, nếu cái thực trạng đó sáng sủa hơn, chất lượng và kỉ cương được quan tâm và nâng cao hơn, một cách thích đáng, đúng mức, thì những đóng góp của văn học dịch sẽ càng vĩ đại hơn nhiều.

Tôi nghĩ, việc xác định thái độ như tôi nói ở trên cũng không phải là khó. Cái khó hơn nhiều là làm sao "thực thi" được cái thái độ đó. Làm sao để mỗi người dịch thực sự tự mình "mang nặng đẻ đau", có thái độ trân trọng và trách nhiệm đối với đứa con tinh thần của mình và đối với xã hội. Làm sao để những người trong cùng nghề dịch thuật hiện nay không dễ dàng này có thái độ quan tâm, nghiêm khắc và trân trọng đối với nhau, với sản phẩm của nhau.

Làm sao để dư luận xã hội - mà trước hết là báo chí, rồi các cơ quan ngôn luận chuyên ngành văn nghệ, các cá nhân và tổ chức học thuật có thẩm quyền và uy tín - đủ sức bắt những kẻ muốn hoặc có thể làm ra những sản phẩm khuyết tật phải xấu hổ (chắc là họ vẫn còn có năng lực xấu hổ?) và phải trả giá - cả tinh thần lẫn vật chất. Đấy là tôi chỉ nói những điều mà các cá nhân nhỏ bé của chúng ta, mỗi người VỚI TƯ CÁCH CÔNG DÂN, đều có thể làm. Tôi chưa dám mơ đến những điều mà chỉ ông to NHÀ NƯỚC mới làm được, nếu muốn, là đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ những người dịch chuyên nghiệp tài giỏi; là tài trợ việc mua bản quyền, trả thù lao xứng đáng cho việc dịch và xuất bản những tác phẩm văn học sáng giá của nhân loại và cần thiết cho việc đọc, việc học của người dân Việt Nam thế kỉ XXI; là qui hoạch đội ngũ lãnh đạo và biên tập viên các nhà xuất bản đủ điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ đích thực của mình; là trừng phạt những cá nhân và tổ chức làm điều xằng bậy, bất kể đó là ai.


Đoàn Tử Huyến (dịch giả)

Chú thích:
(*) Một ví dụ về dịch ẩu mà dịch giả Lê Bầu thường đưa ra là tên một nhân vật trong tác phẩm Thủy Hử, “Tống Giang Cập Thời Vũ”, lẽ ra phải dịch là “Ông Tống Giang Mưa Thuận” hay “Tống Giang Mưa Kịp ThờI” mới đúng, thì lại được dịch là “Ông Tống Giang gặp mưa”. – VNN.
(**) Xin xem bài “Trăm lỗi sai trong 100 năm giải Nobel”,Tuổi trẻ,15/2/2004. – ĐTH.
(***) Năm 2003, nxb Văn hoá - Thông tin phát hành cuốn "Cha Thánh" do Giang Hà "biên dịch", thực chất đây là sự ăn cắp bản dịch tiểu thuyết "Bố già" của Mario Puzo. Chưa nói đây có thể còn có vấn đề bản quyền nữa. – ĐTH.


-ooOoo-

No comments: