Trích: Yết-ma Yếu Chỉ, Hòa thượng Thích Tri Thủ giảng thuật, Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh và Thích Nguyên Chứng biên tập, www.phatviet.com/dichthuat/luattang/yetmayc/ymyc.htm
*
HẠN KỲ AN CƯ
Tính theo lịch Ấn Độ thời xưa, ngày an cư bắt đầu từ mồng một trăng tròn tháng A-sa-đà, [1] tức vào khoảng nửa tháng 6 dương lịch kéo dài suốt ba tháng, cho đến hết ngày trăng tròn tháng Át-thấp-phược-dữu-xà. [2] Theo sự ghi nhận của ngài Huyền Trang trong Tây vực ký [3] và Pháp Hiển trong Nam hải ký qui nội pháp truyện [4] thì ngày mồng một trăng tròn tháng A-sa-đà tương đương ngày 16 tháng 5 theo lịch Trung Quốc. Các xứ Phật giáo phương nam bắt đầu vào ngày 16 tháng 6 tính theo lịch Trung quốc. Nhưng ở Trung quốc, các Luật sư qui định an cư vào ngày 16 tháng 4 theo lịch Trung quốc. Sự qui định này lấy cơ sở từ bản dịch chữ Hán kinh Vu lan theo đó, ngày tự tứ được nói là ngày 15 tháng 7 lịch Trung quốc, do vậy, ngày kiết hạ an cư phải bắt đầu từ 16 tháng 4. Các xứ ảnh hưởng Phật giáo Trung quốc như nước ta và nước Nhật đều theo thông lệ kiết an cư vào ngày 16 tháng 4.
Đây là do sự ước tính sai khác về thời tiết mà các địa phương không đồng nhau. Như ở nước ta, mùa mưa giữa miền Bắc và miền Nam cũng có sự sai khác nhau hơn một tháng. Tuy vậy, theo phong tục mỗi nước mà ấn định để phù hợp với thời tiết an cư. Ngày rằm tháng 7, ở nước ta cũng như ở Trung quốc xa xưa đã trở thành ngày lễ quan trọng, cho nên ngày kiết hạ an cư vẫn phải bắt đầu từ ngày 16 tháng 4, mặc dù vào thời kỳ này nhiều địa phương ở nước ta chưa bước vào mùa mưa. Do sự sai biệt theo truyền thống này mà nước ta hai hệ Tăng-già Nam và Bắc truyền không kiết hạ an cư cùng một ngày thống nhất như nhau.
Thông lệ nước ta từ xưa ngoài hạn kỳ ba tháng kiết hạ, còn có hạn kỳ ba tháng kiết đông, tức an cư vào mùa đông, khoảng từ 16 tháng 9 đến hết ngày 15 tháng 12. Đây là thực hành theo điều được qui định bởi Bồ tát giới Phạm võng. Theo đó, người thọ giới bố-tát, nếu mỗi năm vào hai thời mùa hạ và mùa đông mà không an cư để tọa thiền, hành đầu đà thì phạm tội khinh cấu. [5] Ý nghĩa của sự qui định này là do bởi mùa hạ quá nóng bức và mùa đông quá lạnh lẽo nên sự hành đạo và hóa đạo của người thọ giới Bồ tát thường gặp phải nhiều khó khăn, do đó, không thể du phương giáo hóa mà cần phải an cư tọa thiền để bồi dưỡng đạo đức bản thân.
Dù có sự qui định như vậy, nhưng theo tinh thần Phật chế trong các Luật tạng Thanh văn, thì mỗi năm chỉ có một mùa an cư duy nhất cho các tỳ-kheo, do vậy, chỉ có một mùa an cư chính thức mà thôi, và như vậy mỗi năm cũng chỉ có một ngày tự tứ, lấy đó làm cơ sở tính tuổi hạ lạp của tỳ-kheo. An cư mùa đông, nếu có thực hành, thì cũng không có ngày tự tứ và không căn cứ theo đó mà tính hạ lạp.
Vả lại, đời sống Tăng-già nguyên thuỷ, y trên bốn thánh chủng, và đức Thế Tôn cũng thường nhắc nhở các tỳ-kheo rằng không nên dừng chân tại một chỗ quá lâu, cho nên luật cho mỗi năm chỉ có ba tháng an cư là thời gian mà tỳ-kheo tạm thời không du phương hành đạo và giáo hóa.
Có hai hạn kỳ của sự an cư mùa mưa, gọi là tiền an cư và hậu an cư. [6] Tiền an cư là an cư phần đầu của mùa hạ. Cụ thể là kết an cư vào ngày mồng 1 trăng tròn tháng 4 A-sa-đà, tức tương đương ngày 16 tháng 4 hay tháng 5 tùy theo cách tính tháng giữa lịch Ấn Độ và lịch Trung quốc. Trong khoảng từ ngày 17 tháng 4 hay tháng 5 cho đến hết ngày 16 tháng 5 hay tháng 6 được gọi là thời kỳ của hậu an cư. Nói theo thông lệ ở nước ta, ngày kiết tiền an cư là vào ngày 16 tháng 4 âm lịch, và từ ngày 17 đến hết ngày 16 tháng 5 là thời kỳ của hậu an cư. Trong thời kỳ hậu an cư, Luật cũng chia làm hai phần là trung an cư và hậu an cư. [7] Trung an cư bắt đầu ngày 17 tháng 4 đến hết ngày 15 tháng 5. Hậu an cư là ngày 16 tháng 5. [8] Dù có hai cách chia các thời kỳ an cư như vậy, nhưng trong tác pháp thường chỉ đề cập đến hai trường hợp là tiền và hậu an cư mà thôi.
Nếu kiết tiền an cư thì đến hết ngày 15 tháng 7 là hết kỳ hạn. Nếu hậu an cư bắt đầu từ ngày 17 tháng 4 thì hết ngày 16 tháng 7 là hết hạn. Cứ theo đó mà tính, cho đến nếu kiết hậu an cư vào ngày 16 tháng 5 thì hết ngày 15 tháng 8 là hết hạn. Nói cách khác, hạn kỳ an cư nhất định phải đủ ba tháng, gồm 9 tuần mỗi tuần 10 ngày. Nhưng do tháng thiếu của âm lịch, nên ít khi đủ cả 90 ngày.
Điều cũng cần nhớ ở đây là thời gian ngày và đêm trong Luật tạng luôn luôn được tính theo sự sáng và tối của mặt trời. Do đó, nói rằng hạn kỳ an cư bắt đầu từ ngày 16 tháng 4 (hay tháng 5 ta). Có nghĩa là phải kể từ khi ánh sáng mai vừa xuất hiện của ngày đó. và nói rằng đến hết ngày 15 tháng 7 tức là hết đêm 15 này lúc ánh sáng mai của ngày 16 hôm sau bắt đầu xuất hiện. Ánh sáng xuất hiện được phân biệt theo hai cách: hoặc sáng đủ để nhìn thấy các đường chỉ trong lòng tay, hoặc đủ sáng để phân biệt được lá vàng với lá xanh. Như vậy, một tỳ-kheo từ chỗ khác muốn đến an cư tại một trú xứ nào đó thì phải đến trước khi ánh sáng mai của ngày 15 tháng 4 vừa xuất hiện. [9] Để chấp hành đúng thời điểm, các luật sư Trung hoa còn phân tích chi tiết thêm rằng, nếu tỳ-kheo trên đường đi đến trú xứ an cư, nhưng chưa kịp bước chân vào cương giới của trú xứ mà ánh sáng ban mai xuất hiện thì phải liệng một cục đất cho lọt trước vào trong trú xứ. Nguyên tắc cơ bản phải giữ là phải đặt chân lên đất của trú xứ trước khi ánh sáng mai hiện. Tuy nhiên, trong trường hợp do duyên sự không thể đến đúng thời điểm, vẫn không vi phạm nếu tâm niệm luôn luôn hướng vào trú xứ an cư.
* * *
Ghi chú:
[1] A-sa-đà, Pali: āsālhā /āsālhī (Skt. āsādha), trong khoảng tháng 6-7 Dương lịch. Cf. Mahāvagga ii. Vin. iv. tr. 137: Có hai hạn kỳ bắt đầu mùa mưa. Hạn kỳ đầu bắt đầu từ ngày rằm tháng āsālhī. Hạn kỳ sau bắt đầu sau đó một tháng.
[2] A-thấp-phược-dữu-xà 阿濕縛庾闍. Pali: assayuja (Skt. āsvayuja), khoảng tháng 9-10 Dương lịch.
[3] Đại đường Tây vực ký 2 (Đại 51, tr. 876a): «Theo Thánh giáo của Như Lai, mỗi năm có ba mùa. Từ 16 tháng giêng đến 15 tháng 5 là mùa nóng. Từ 16 tháng 5 đến 15 tháng 9 là mùa mưa. Từ 16 tháng 9 đến 15 tháng giêng là mùa lạnh… Tăng đồ Ấn độ y theo Thánh giáo của Phật tọa an cư mùa mưa, hoặc phần trước của ba tháng, hoặc phần sau của ba tháng. Ba tháng đầu của mùa hạ là từ 16 tháng 5 đến 15 tháng 8, theo lịch Trung quốc.» Ba tháng đầu của mùa hạ, Hán: tiền tam nguyệt hạ 前三月夏, vì mùa mưa gồm 4 tháng trong đó chia làm 3 tháng đầu và 3 tháng cuối.
[4] Chương 14, ‹Ngũ chúng an cư›, Đại 54, tr. 217a 25.
[5] Cf. Phạm võng kinh, Đại 24, tr. 1008a11.
[6] Tứ phần 37, Đại 22, tr. 832a26.
[7] Tứ phần 58, tr. 998b11: có ba an cư: tiền an cư, trung an cư, hậu an cư. Tăng kỳ 27, tr. 451b10: tiền an cư từ ngày 16 tháng Tư đến rằm tháng Bảy. Hậu an cư, từ 16 tháng Năm đến rằm tháng Tám.
[8] Hành sự sao, thượng 4, tr. 38b21.
[9] Tứ phần 37, tr. 830c18tt. Cf. Hành sự sao, thượng 4, tr. 39c10.
* * *
No comments:
Post a Comment