Sunday 7 April 2013

Viện Bảo Tàng Phật Giáo

VIỆN BẢO TÀNG PG

Các thảo luận về nguồn gốc kinh điển sẽ ôn hòa, xây dựng, thân ái hơn nếu chúng ta thử đóng vai nhà khảo cổ, hay khách tham quan, xem xét, tìm hiểu các cổ vật lưu trữ tại các Viện Bảo Tàng (VBT, tiếng Anh là Museum).

Nhìn chung, hiện nay có 3 viện bảo tàng PG: VBT Nam phương (cổ vật Sri Lanka, Thái Lan, Miến Điện), VBT Đông phương (cổ vật Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản), VBT Bắc phương (cổ vật Tây Tạng). Tạm đặt tên như thế để dễ phân biệt. Tạm xem các cổ vật này tương tự như kinh điển chúng ta thừa hưởng ngày nay, từ 3 nguồn gốc đó. Tất cả đều là di sản chung cho nhân loại, không dành riêng cho cộng đồng Phật tử hay một tông môn, tông phái PG nào.

Cổ vật Nam phương được các nhà khảo cổ Âu Mỹ biết đầu tiên, đã được khảo sát nhiều, và sắp xếp tương đối thứ tự rõ ràng (nhưng thật ra còn nhiều cổ vật vẫn chưa được khảo cứu).

VBT Đông phương phong phú và đa dạng hơn, thu thập nhiều cổ vật qua nhiều thời kỳ (nhất là trong khoảng 1000 năm, từ thế kỷ I đến X, Tây lịch), một số đã được khai thác, và hiện nay vẫn tiếp tục có những công trình nghiên cứu.

VBT Bắc phương cũng có nhiều cổ vật quý, nhưng tiếc thay, vì hoàn cảnh chính trị trong hơn 50 năm qua, không được phổ biến và nghiên cứu rộng rãi. Cũng có một số công trình nghiên cứu, nhưng chưa hoàn tất.

Xem xét các cổ vật này giúp chúng ta tìm hiểu lịch sử phát triển PG, qua nhiều thời kỳ, qua nhiều thay đổi do nhiều yếu tố khác nhau. Ôn cố tri tân. Tìm hiểu để nhớ ơn tiền nhân, để trân quý các di sản, và quan trọng nhất, biết lọc lựa, rút tỉa kinh nghiệm, để áp dụng cho cuộc sống hôm nay cho riêng mình.

Thêm vào đó, chúng ta cũng nên cố gắng gìn giữ và bảo vệ tất cả các cổ vật đó, để dành cho con cháu chúng ta trong thế hệ mai sau. Không nên bác bỏ, phá hủy bất cứ cổ vật nào hiện đang lưu trử tại các viện bảo tàng PG.


* * *

No comments: