HỌC, HỎI, HIỂU, HÀNH
Gs Trần Văn Khê
(viết cho Đại học Bình Dương, 2011)
Trích một bài viết của Gs Khê, về cách học tập trong âm nhạc, nhưng đồng thời chứa đựng các lời khuyên quý giá cho việc học và hành trong mọi lĩnh vực (-- Bình Anson).
Nguồn: FB “GS Trần Văn Khê”
(...)
I. Về cách HỌC
Có dịp tiếp xúc với các em sinh viên, tôi thấy các em chỉ biết nhiều đến cách “cộng học”. Nhưng khi hỏi đến cách "tự học" thì các em bảo rằng cứ tìm những quyển sách cùng một đề tài để đọc hoặc tìm trên mạng internet các tài liệu liên quan rồi ghi chép, in ra những gì cần thiết phục vụ cho chuyện học của mình… Khi đi vào chi tiết, tôi hỏi các em ghi chép những điều quan trọng trong quyển sách đã đọc bằng cách nào, có biết cách làm phiếu để cho mình nhớ lại đại cương về quyển sách đã đọc hay không, những thư viện nào có lưu trữ hay những tiệm sách nào có thể mua được… thì các em có phần bối rối. Vì những lẽ trên, để giúp cho các em sinh viên trong việc học như thế nào cho khoa học, hợp lý, tốn ít thời gian mà thu được nhiều hiệu quả, chúng tôi đặt ra hai câu hỏi cho phương pháp HỌC này: Học với ai? Và học cách nào?
1. Học với ai?
Lẽ tất nhiên theo cách “cộng học” là sẽ học với thầy, với bạn và những người xung quanh. Đó là những người có mặt và gần gũi với mình.
Khi phải tầm sư học đạo, tức là những người ở xa mình, mình chỉ gặp trên tài liệu, sách vở mà chưa từng gặp mặt hoặc khi phải vào thư viện, lên internet tìm sách cùng một đề tài với bộ môn mình muốn học thì ngoài vấn đề biết cách hỏi còn phải biết cách ghi lại những điều đã đọc được. Nhưng ghi lại bằng cách nào cho thật hiệu quả mà không tốn thời gian? Do đó phải biết cách đọc sách và cách làm phiếu.
2. Học cách nào?
2.1. Khi học một vấn đề phải biết tận dụng những kỹ năng ghi nhớ bằng các giác quan cho thật hiệu quả:
- Phải tự tay mình ghi tên đề tài và những chi tiết cần phải nhớ về đề tài đó. Như vậy là bàn tay ta đã bắt đầu nhớ giúp ta (memoire tactile).
- Khi ghi bằng tay, mắt ta nhìn thấy những chữ hiện lên trên giấy thì thị giác đã bắt đầu giúp ta nhớ (memoire visuelle).
- Miệng ta đọc lớn lên các chi tiết để lỗ tai ta ghi nhận những điều đã nghe, thị giác lại góp phần vào việc nhớ (memoire auditive). Đồng thời miệng nói cũng góp thêm một phần nữa.
2.2. Khi học về một niên đại nên cố gắng tìm 3 sự kiện xảy ra cùng niên đại đó để nhớ một lượt, đó là cách chúng tôi “học một nhớ ba”.
Thí dụ: Đa số học sinh khi học lịch sử nước ngoài đều biết năm 1789 là năm cách mạng tư sản Pháp thành công. Nhưng nếu chúng ta nhớ thêm rằng năm đó Nguyễn Huệ đánh thắng quân Thanh tại Đống Đa và ngay sau khi thắng trận đã gởi một phái đoàn hữu nghị đến vua Càn Long thì số 1789 giúp ta nhớ được cùng lúc 3 sự kiện.
Hoặc có thể nhớ thêm những sự kiện xảy ra ở các năm gần với niên đại đó nếu ta có một trí nhớ tốt: Thí dụ (theo kinh nghiệm bản thân từng trải qua): Những sinh viên học nhạc nước ngoài nếu chỉ nhớ rằng 1770 là năm sanh của nhạc sĩ Beethoven thì không bằng đồng thời nhớ luôn tại miền Nam Ấn Độ 3 năm trước, 1767, có một nhạc sĩ lớn đã đặt ra 1000 bài hát Kritis mà dân Ấn Độ miền Nam còn hát đến giờ. Đó là nhạc sĩ Tiagaradja. Và cũng 13 năm trước, 1757, có một nhạc sĩ Nhựt Bổn đã lập ra 1 trường phái mới trong truyền thống đàn Koto, gọi là Yamada Ryu (phái móng tròn – Sơn Điền lưu phái 山田流).
2.3. Phải biết giản dị hóa những điều phức tạp
Thí dụ: Muốn nhớ các triều đại trong lịch sử Trung Quốc từ đời Đường đến nay, nếu phải nhớ kỹ thì chúng ta phải để ý rằng từ đời Đường về sau có 5 triều đại lớn: Đường – Tống – Nguyên – Minh – Thanh, trung bình mỗi triều đại sống được 3 thế kỷ. Chỉ có triều Nguyên trị vì trong hơn 80 năm (tức là 1 thế kỷ). Chúng ta chỉ có thể nhớ một cách dễ dàng như sau đây:
- Đường (trải qua 3 thế kỷ: thứ 7, thứ 8 và thứ 9)
- Tống (thế kỷ 10 – 11 – 12)
- Nguyên (thế kỷ 13)
- Minh (thế kỷ 14 – 15 – 16)
- Thanh (thế kỷ 17 – 18 – 19)
- Cộng hòa Trung Hoa (từ thế kỷ 20)
Mặc dầu chưa thật chính xác nhưng trong 90% trường hợp thì chúng ta không sai khi đặt một nhân vật nào trong một triều đại nào để tìm hiểu, nghiên cứu.
2.4. Áp dụng hai phương pháp của sử học và dân tộc nhạc học cho mỗi đề tài học.
2.4.1. Sau khi miêu tả đề tài một cách toàn diện, tức là từ cụ thể tới trừu tượng thì phải bắt đầu đi dài trong thời gian theo “phương pháp của sử học”.
Thí dụ cụ thể: Muốn học về cây đờn Tranh Việt Nam thì phải biết miêu tả một cách rành mạch về hình dáng, kích thước và các bộ phận của cây đờn. Phải biết ghi ảnh bề mặt, bề trái, bề dày của đờn, đồng thời biết luôn về chất liệu dùng để làm ra cây đờn đó. Tiếp theo mới bắt đầu đi dài trong lịch sử, cố gắng tìm coi cây đờn đó xuất hiện tại đất nước Việt Nam từ lúc nào, do người Việt sáng tạo hay du nhập từ nước nào đi tới? Và cố đi tận cùng để tìm ra được nguồn gốc chánh của cây đờn Tranh Việt Nam là từ cây Guzheng (Cổ tranh) Trung Quốc truyền sang, xem xét sự biến chuyển của cây đờn Tranh từ lúc được du nhập đến giờ, có sự biến chuyển về chất liệu sử dụng làm dây đàn: dây tơ đã được đổi thành dây cước, rồi sau là dây thép; về những giai đoạn đờn Tranh từ 16 dây biến thành ra 17, 19, 21, 22… dây; về kích thước của cây đàn, trục, nhạn đi theo như thế
Chúng ta được biết rằng, cây đờn Tranh của chúng ta gốc từ cây Guzheng (Cổ Tranh) của Trung Quốc truyền sang nước Việt Nam sớm nhứt là từ thế kỷ thứ 13 dưới thời nhà Trần, vì trong sách “An Nam chí lược” của Lê Tắc có ghi tên cây đờn Tranh lần đầu tiên dùng trong dàn tiểu nhạc và trong dân gian.
Sau đó chúng ta lại xem xét sự biến chuyển của đờn Tranh trong nước Việt Nam từ lúc nhạc sư Vĩnh Bảo bắt đầu cải tiến đờn Tranh, cho đến các nhạc sĩ thế hệ sau lần lượt nối tiếp theo công việc này như nghệ sĩ Phương Bảo sáng chế cây đờn Tranh hình thức cũng khác mà cách lên dây cũng khác, theo thang âm thất cung để mở rộng khả năng biểu diễn phong phú hơn. Tuy có nhiều biến chuyển như vậy nhưng đến nay cây đờn Tranh vẫn còn được thông dụng theo hình thức xưa, có cải biên chút ít.
2.4.2. Đi rộng trong không gian theo “phương pháp đối chiếu" trong dân tộc nhạc.
Tiếp theo với thí dụ về cây đờn Tranh, trong khi tìm hiểu thì chúng ta lại biết được rằng tại Triều Tiên, dưới đời vua Kasil, khi nhìn thấy đờn Guzheng của Trung Quốc với những âm thanh trầm bổng, đức vua đã sai người đóng một cây đàn tương tợ như thế nhưng hình dáng con nhạn làm cho cao hơn, đặt tên là Gayageum và ra lệnh cho nhạc sĩ Ujuk sáng tác ra 10 bài được coi như là những bài tổ của đờn Tranh Triều Tiên. Việc đó xảy ra vào khoảng năm 551 (tức là thế kỷ thứ 6).
Tại Nhựt Bổn, dưới đời Hoàng Đế Temmu (khoảng năm 672 – tức là thế kỷ tứ 7), có một truyền thuyết kể về nguồn gốc của cây đờn Koto: một người mạng phụ khi đi nghỉ mát ở miền Nam Nhựt Bổn, trong lúc đang dạo chơi thì bỗng nghe một tiếng đờn vang ra từ trong núi. Hiếu kỳ, bà bèn đi lần đến tìm thì thấy có một đạo sĩ Trung Quốc ngồi đờn bên một cây đờn lạ mà người Nhựt ghi chép lại dưới cái tên Sono Koto. Khi thấy người mạng phụ, đạo sĩ nói: “Ta biết hôm nay sẽ có người đến đây để ta trao lại tất cả những truyền thống của cây đờn này. Nhà ngươi có sẵn sàng học đờn này chăng?”. Người mạng phụ cúi đầu lạy tạ đồng ý và mỗi ngày đều đến học đàn với vị đạo sĩ kỳ dị. Sau một thời gian, đạo sĩ nói: “Hôm nay thầy đã truyền hết nghề cho con rồi. Con nên về lập một trường phái để truyền nghề. Con chỉ nhớ một điều rằng không nên truyền nghề cho một người nhạc sĩ mù từ phía Bắc đi xuống vì người đó sẽ làm phương hại đến truyền thống"...
Nhờ tìm hiểu rộng trong không gian như vậy mà chúng ta không chỉ biết đờn Tranh là một nhạc cụ truyền thống của Việt Nam mà còn thấy cả những nhạc khí cùng chung một họ với nó, biết cách lên dây, cách diễn tấu khác nhau, hình thức khác nhau đồng thời còn có thể tìm ra điểm chung nhứt của những loại đờn cùng họ này là có cùng một cách đờn khảy dây bằng ba ngón tay mặt và nhấn dây bằng bàn tay trái.
2.5. Cách đọc sách và cách làm phiếu
Như đã nói ở trên, tôi muốn điểm sơ qua vài nét trong 2 cách làm này khi chúng ta tìm hiểu về một vấn đề gì và cần có phương tiện để thực hiện việc học đó một cách hiệu quả hơn, thông qua việc ghi chép trong lúc đọc sách và làm phiếu.
2.5.1. Đọc sách như thế nào?
Có 2 cách đọc sách:
- Cách thứ nhứt: nếu đọc để tìm vấn đề muốn biết thì chỉ đọc sơ và chú ý vào vấn đề mình muốn tìm hiểu và những đoạn, những câu nào muốn ghi chép lại. Trước hết mỗi người nên có một quyển sổ tay để thuận tiện cho việc ghi chép, trong đó sẽ ghi lại những câu mình đã đọc sách mà muốn giữ lại và tốt nhứt là phải biết cách làm phiếu.
- Cách thứ hai: nếu muốn tìm hiểu tác giả và một học thuyết của tác giả đó thì phải đọc quyển sách thật kỹ lưỡng từ đầu chí cuối.
2.5.2. Làm phiếu như thế nào?
Ở đây chúng ta không cần đi vào chi tiết quá nhiều vì mỗi vấn đề lại có những cách làm phiếu khác nhau, cách thức sắp xếp, tìm kiếm, ghi chép khác nhau… Chúng tôi chỉ ghi lại đây những điều cần phải nhớ:
a. Cách làm phiếu về một quyển sách: trước hết phải đề họ của tác giả bằng chữ hoa, tên tác giả để chữ thường (theo quy luật quốc tế), trong đó tên quyển sách viết nghiêng. Tiếp theo ghi nơi xuất bản, địa chỉ xuất bản, cơ quan xuất bản, năm xuất bản, số trang của quyển sách bằng chữ đứng.
b. Nếu làm phiếu cho một bài viết trong một tạp chí thì tên bài phải viết chữ đứng, tên tạp chí phải viết chữ nghiêng. Phải ghi rõ số trang của bài viết từ trang mấy đến trang mấy để lúc muốn tìm lại hoặc người khác muốn kiểm tra khỏi phải mất thời gian đọc cả tạp chí. Đó là những quy luật mà trên cả thế giới đều áp dụng. Chúng ta nên tuân thủ để khi viết bài gởi ra quốc tế, độc giả sẽ không bỡ ngỡ.
II. Về cách HỎI
Khi tầm sư học đạo, tức là phải tìm thầy để hỏi mà học thì chúng ta có nhiều phương pháp hỏi, nhưng chúng tôi khuyên các bạn nên lưu ý những điều sau đây:
1/ Khi mở cửa nhà người thầy, được thầy tiếp mới chỉ là giai đoạn đầu, không nên hỏi liền việc của mình muốn hỏi.
2/ Sau khi mở cửa nhà, việc quan trọng nhứt là phải mở “cửa lòng” của người mình muốn hỏi tức là trong câu chuyện phải làm thế nào cho người đó thấy vui vẻ, hứng thú, mình nên khéo léo gợi ra những câu chuyện, những điều mà người đó ưa thích. Khi đã có hứng thú và tỉnh cảm rồi, thì việc trao đổi về vấn đề mình muốn tìm hiểu sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Muốn như thế thì chúng ta cần nên nhớ một cách làm mà tôi cho rằng rất hiệu nghiệm: “cho trước khi nhận”.
Một thí dụ cụ thể trong kinh nghiệm bản thân của riêng tôi:
Khi tôi muốn tìm hiểu nhạc truyền thống của Ba Tư, tôi được giới thiệu đến gặp nhạc sư Hormozi. Sau khi chào hỏi, nhạc sư hỏi tôi: “Tôi nghe nói giáo sư muốn tìm tôi để hỏi về nhạc truyền thống của Ba Tư phải không?”. Tôi trả lời: “Dạ thưa phải. Nhưng trước khi làm rộn thầy, xin thầy cho phép tôi giới thiệu đôi nét về âm nhạc Việt Nam truyền thống để thầy nghe chơi”. Ông rất vui và tò mò nhìn cây đờn Tranh rồi ngồi nghe tôi giới thiệu một đoạn hơi Bắc chuyển qua hơi Nam. Khi tôi chuyển qua tới hơi Sa Mạc thì ông chăm chú nghe rất kỹ rồi bỗng dưng chận tay tôi lại mà nói rằng: “Hơi này nghe rất thú vị và gợi tình thương nhớ, giống như là điệu Segâh của Ba Tư”. Tôi nhân dịp đó mà bắt đầu hỏi câu đầu tiên: “Thưa thầy, điệu Segâh là thế nào?”. Thầy Hormozi lấy cây đờn Setar 4 dây đờn cho tôi một khúc và nói rằng đặc điểm của Segâh là quãng này, thì ra đó là một quãng ba trung bình giữa thứ và trưởng, và đó cũng là quãng thường dùng để diễn tả tình thương nhớ mà chỉ trong hơi Sa Mạc của Việt Nam mới có.
Sau đó ông say sưa nói thêm về điệu thức Mahour: “Giáo sư thấy không, trong này đâu có cái quãng 3 đó vì mahour diễn tả sự vui tươi”. Nói xong ông quay lại tôi đề nghị: “Tôi muốn giáo sư ghi âm lại cho tôi một đoạn Sa Mạc để tôi tiếp tục về nghe thêm”. Tôi sẵn sàng làm công việc đó. Vì thế nên đến khi tôi xin ghi âm lại điệu Segâh, tức thì ông sẵn sàng đờn rất lâu, rất nhiều để cho tôi ghi âm và có thời gian thấm được điệu thức một cách sâu sắc nhứt.
Tiếp theo ông lại cao hứng giới thiệu cho tôi hết điệu này qua điệu kia một cách say sưa mà không biết mệt. Đến 12 giờ khuya là hết giờ hẹn thì tôi cảm ơn thầy đã cho tôi một buổi tìm hiểu thú vị và xin thầy cho một cái hẹn lần sau để tôi tiếp tục đến trò chuyện về âm nhạc Ba Tư. Ông níu tôi lại và nói: “Giáo sư đâu có về được. Giờ này là giờ mà âm nhạc mới tuôn ra. Chúng ta uống thêm một bình trà nữa để tôi đờn thêm cho giáo sư nghe”. Mãi đến 2 giờ sáng tôi mới “được phép” ra về, nhưng đã đem theo trên hành trình về nhà một kết quả khả quan hơn cả những gì tôi mong đợi, với những cuộn băng ghi âm nhạc sư đờn, giảng giải về nhạc Ba Tư rất hào hứng, lý thú mà không phải lúc nào cũng có được.
3/ Không nên đặt những câu hỏi trực tiếp như những câu trực tiếp muốn biết về ngày sanh, hỏi trực tiếp tuổi tác… như một người cảnh sát lấy khẩu cung, như vậy sẽ thể hiện mình không tế nhị và thiếu phép lịch sự. Như vậy “cửa lòng’ của người thầy sẽ khép kín và chúng ta khó có cơ hội tìm được những gì mình muốn.
III. Về cách HIỂU
Khi học không phải chỉ học được câu trả lời của một người thầy mà vội cho đó là chân lý. Phải nên tìm thêm trong sách vở, tài liệu hoặc internet nhiều câu trả lời, nhiều nghiên cứu và phản ứng khác nhau về vấn đề đó để so sánh. Tốt hơn nữa nên gặp một người thầy hay người bạn mình tin cậy nhứt để bàn về các câu trả lời. Nhờ sự soi sáng của thầy, bạn mà chúng ta đôi khi có thể thấy rõ hơn vấn đề. Khi có người để thảo luận thì từ việc thảo luận sẽ nảy ra ánh sáng cho những gì mình cần tìm hiểu.
IV. Về cách HÀNH
Học thì lẽ đương nhiên là phải đem cái mình học được ra thực hành một cách có hiệu quả, nếu không những thứ mình thu thập được sẽ dần mai một đi và không giúp ích gì cho bản thân hay nhân quần xã hội. Và hơn hết, như tôn chỉ mà trường Bình Dương đã nói đến: thực hành có hiệu quả mới tạo ra được sản phẩm vật chất hay tinh thần có chất lượng, đảm bảo nhu cầu bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội, mới có điều kiện bảo vệ thiên nhiên và nhứt là phụng sự xã hội, quê hương một cách đắc lực nhứt.
Hành như thế nào cho đúng? Có phải cứ hành một cách bài bản như những gì mình đã học, đã biết thôi là đúng hay không? Hành, trước tiên phải thực hiện được những gì mình đã học, đã nghiên cứu đúng với chuyên môn của mình, sau đó mỗi ngày mỗi tìm tòi, học hỏi, nâng cao thêm những hiểu biết của bản thân, rèn luyện tay nghề của mình theo sự tiến bộ của thời đại. Hơn nữa khi hành phải chú ý không sa đà vào những chuyện “hành” không ích lợi, bền vững, không đem lại cái lợi thực tế, niềm vui, tình thương trong cuộc sống đến cho con người cũng như thiên nhiên. Việc “hành” nên được sóng đôi cùng lý trí, đạo đức để chẳng những đem lại cuộc sống tiện nghi, ấm no mà còn đem lại yên lành, hạnh phúc thực sự cho tất cả. Đó mới là mục đích cao cả cuối cùng của việc đi từ “Học”.
*
Đây cũng chỉ là một vài quan điểm của riêng tôi về mô hình “Học – Hỏi – Hiểu – Hành” mà nhà trường đã đưa ra rất thú vị và bổ ích. Tôi xin đóng góp những suy tư của mình để có thể cùng quý thầy cô thảo luận, triển khai thêm về tôn chỉ này, hầu mong giúp cho các em sinh viên trong trường Bình Dương nói riêng và sinh viên đại học nói chung có được những phương pháp thực sự hiệu quả trong học tập để có được một tương lai tươi sáng sau này.
Trân trọng kính chào và chúc quý thầy cô Đại học Bình Dương dồi dào sức khỏe để dẫn dắt các học trò của mình, chúc các em sinh viên học tập ngày càng tiến bộ.
Bình Thạnh, tháng 11 năm 2011
Gs TRẦN VĂN KHÊ
-ooOoo-