MÀI DAO
Thỉnh thoảng tôi lại thấy các thảo luận về thiền chỉ (samatha bhavana), thiền quán (vipassana bhavana). Đây là một trong những đề tài thảo luận muôn thuở, rất phổ biến trong các diễn đàn PG, cộng đồng PG trong nhiều năm qua, tại nhiều nơi trên thế giới.
Gần đây, khoảng 10 năm qua, ở VN có thêm thuật ngữ mới: thiền Định và thiền Tuệ để chỉ hai pháp thiền trên. Bình mới, rượu cũ. Nhưng riêng tôi, tôi vẫn thích dùng từ "thiền An chỉ" và "thiền Minh quán".
Có ý kiến cho rằng Thiền Chỉ là của ngoại đạo, như “lấy đá đè cỏ”. Chỉ có Thiền Quán mới là của Đức Phật và đưa đến tuệ giải thoát. Nhưng có vài vấn đề tôi đang suy tư, đang tìm tòi những lời giải đáp thỏa đáng:
– Trong đêm rằm tháng 4 AL (tháng Vesak), Ngài Bồ-tát Sĩ-đạt-đa hành thiền như thế nào trước khi phát Tam Minh và đắc đạo?
– Mặc dù Đức Phật có khuyên các vị tỳ-khưu không nên dính mắc vào trạng thái an lạc của thiền định, tại sao Ngài vẫn đưa Chánh Định (liên hệ đến các tầng thiền-na – jhāna, trong Thiền Chỉ) vào Bát Chi Thánh Đạo? Tại sao trong nhiều bài kinh, Đức Phật vẫn khuyên các vị tỳ-khưu thực hành và an trú vào thiền-na (jhāna) trong tiến trình tu tập (thí dụ: một số bài kinh trong Trung bộ và Tương ưng bộ)?
– Trong một bài kinh ngắn - kinh "Gắn liền cột chặt" (Yuganaddha Sutta: In Tandem, AN 4.170), ngài Ananda đề cập đến 4 phương cách tu tập đưa đến giải thoát: 1) Chỉ trước, quán sau; 2) Quán trước, chỉ sau; 3) Chỉ quán liên kết; 4) Thanh tịnh sau dao động bởi Pháp. Không biết các hành giả cổ súy pháp thiền quán (còn gọi là thiền minh sát, thiền tứ niệm xứ, thiền tuệ, v.v.) có đọc bài kinh đó không? Hay là biết mà làm ngơ, vì chỉ muốn biện minh, quảng bá pháp thiền của mình là con đường "duy nhất" đưa đến giác ngộ?
(Xem thêm: http://budsas.blogspot.com.au/2013/09/chi-va-quan.html và: http://budsas.blogspot.com.au/2016/06/tu-tap-tam-chi-va-quan_23.html )
– Ngoài câu chuyện Ngài Bồ-tát học thiền với hai vị đạo sư Alara Kalama và Uddaka Ramaputta trước khi giác ngộ, còn có câu chuyện hay bài kinh nào khác trong Kinh tạng Nikaya cho biết Thiền Chỉ là của ngoại đạo không?
– Khoảng thế kỷ V sau Tây lịch, trong cuốn Thanh Tịnh Đạo, ngài Buddhaghosa viết những chương mô tả tỉ mỉ về pháp hành Thiền Chỉ. Phải chăng điều nầy chứng tỏ trong suốt mười thế kỷ sau khi Đức Phật nhập diệt, vẫn có nhiều vị tỳ-khưu PG tiếp tục hành pháp thiền nầy? Tại sao?
– Gần đây, tôi thấy có nhiều bài giảng về Thiền Quán đề cập đến các loại định như sơ định (parikamma-samādhi), sát-na định (khanika-samādhi), cận định (upacāra-samādhi), toàn định (appanā-samādhi). Không biết các định nghĩa và phân loại nầy có ghi trong bài kinh nào của Kinh tạng Nikāya hay không? Hay đó chỉ là phần phát triển trong các Chú giải, Luận giải soạn ra sau nầy?
– Nếu cho rằng Thiền Chỉ là của ngoại đạo, thử hỏi trong kinh điển nào của các tôn giáo khác (ngoại đạo), có đoạn nào, bài giảng nào mô tả tỉ mỉ về phương cách hành Thiền Chỉ (5 triền cái, 5 thiền chi, 8 tầng thiền-na, các đề mục hành thiền, v.v.) giống như trong kinh điển PG không?
*
Để đơn giản, tôi nhớ lại ví dụ mà một vị thiền sư đã nói với chúng tôi nhiều năm trước:
– Để cắt thịt cá, rau củ làm thức ăn, ta cần con dao sắc bén. Mài dao cho sắc bén tương tự như hành Thiền Chỉ, khi dao sắc bén thì làm thức ăn mới dễ dàng, nhanh chóng. Khi tâm thật sự an định vững mạnh, ta mới có thể quán soi rõ ràng bản chất của vạn pháp. Tuy nhiên, lúc nào cũng phải lưu ý và lúc nào cũng phải ghi nhớ mục đích chính của mài dao sắc bén là để làm thức ăn, không phải chỉ để ngắm nghía, mà cũng không phải dùng dao sắc bén để làm các chuyện khác.
Nhưng rồi tôi lại nghĩ thêm. Trong thời đại tân tiến nầy, có bán thức ăn làm sẵn, đóng gói hay đông lạnh. Mua về nhà, chỉ cần bỏ vào lò vi sóng (microwave) trong 5-10 phút là có ăn, có lẽ không cần đến con dao nữa. Một vị thiền sư khác cũng từng nói: – Bây giờ người ta quen uống instant coffee (cafê tan liền), quen ăn instant noodles (mì ăn liền), nên muốn có instant enlightenment (giác ngộ tức khắc) mà không cần phí thì giờ kiên nhẫn mài dao.
-------------------------
Ghi thêm: Đề nghị tìm đọc 2 chương sau đây trong cuốn Những lời Phật dạy, Tỳ-khưu Bodhi, Bình Anson biên dịch: https://budsas.net/sach/vn24nlpd_2017-10b.pdf
- Chương VIII - Tu tập Tâm
- Chương IX - Chiếu sáng Tuệ quang
No comments:
Post a Comment