Friday, 21 August 2015

Muỗng và Lưỡi

MUỖNG và LƯỠI

Người ngu, dầu trọn đời,
Thân cận người có trí,
Không biết được Chánh pháp,
Như muỗng với vị canh. (PC 64)

Người trí, dù một khắc,
Thân cận người có trí,
Biết ngay chân diệu pháp,
Như lưỡi với vị canh. (PC 65)


Đây là hai câu Pháp Cú tôi rất tâm đắc, để tự nhắc nhở mình phải biết khiêm tốn, sẵn sàng học tập từ các bậc tôn túc, hiền trí. Phải nỗ lực tìm đến gần gũi các vị đó để học tập, không phải để sùng bái, tôn thờ. Đến với tinh thần cầu học, nghe, hiểu, hành, không phải vì tò mò, vì nghe những lời ca tụng, đồn thổi.

Người ngu dù có thân cận với bậc hiền trí cũng không học được gì, như cái muỗng múc canh nhưng không biết vị canh. Còn người trí khi thân cận với bậc hiền trí sẽ hấp thu được nhiều điều lợi lạc, như cái lưỡi tiếp xúc với canh và nếm được vị canh. Đức Phật dùng ảnh dụ về cái muỗng và cái lưỡi rất ấn tượng, một hình ảnh đơn sơ nhưng chuyển tải ý nghĩa sâu sắc.

Trên một phương diện khác, tôi dùng ảnh dụ muỗng và lưỡi để áp dụng cho riêng tôi về công việc đọc kinh sách, sưu tầm và phổ biến kinh sách trên trang web Phật giáo BuddhaSasana của tôi. Sau 15 năm làm trang web, tôi đã ngưng lại, không tiếp tục nữa.

Bây giờ việc truy cập Internet đã quá dễ dàng. Đã có rất nhiều trang web Phật giáo để lưu trữ, quảng bá kinh điển, sách báo, các bài giảng luận. Trong nhiều năm qua, tôi có phước duyên được gần gũi với Giáo Pháp, miệt mài sưu tầm, ghi chép, trình bày, phổ biến kinh sách, nhưng nhìn lại, thật sự tôi chẳng hấp thu được bao nhiêu cho hành trình tu tiến của mình. Đã đến lúc tôi ngưng làm cái muỗng chuyển tải kinh sách. Quỹ thời gian không còn nhiều nữa. Bây giờ là lúc tập làm cái lưỡi để thưởng thức vị canh của Giáo Pháp. Đây chỉ là “tập” thôi, chưa hẵn thật sự hoàn toàn biết rõ được hương vị của Giáo Pháp. Nhưng ít ra, đây là những bước đi đầu tiên của một chặng đường dài.

Và cũng xin đừng hỏi tôi hương vị đó là như thế nào. Tôi là người không có tài biện thuyết nên không có khả năng diễn tả chính xác được những gì tôi đã và đang nếm. Mà cũng không có hứng thú, không có ý định làm thuyết giả để chỉ dẫn cho người khác.

*

No comments: