Thursday 19 May 2016

Thiền sư Ajahn Gunhah

Thiền sư AJAHN GUNHAH (1950 - )

Tôi gặp Sư lần đầu tiên khi Sư đến viếng Perth cùng với một thị giả. Không hiểu sao, khi gặp Sư, tôi có một cảm tình rất đặc biệt. Sư nói năng nhỏ nhẹ, rất ít lời, lúc nào cũng có nụ cười trên môi. Lần đó, Sư được Ajahn Brahm thỉnh mời ở lại tu viện Bodhinyana trong một năm, và nhờ thế gia đình tôi có nhiều dịp gần gũi, trò chuyện với Sư. Lúc đó, ba má tôi vẫn còn sống và Sư rất mến ông bà dù rằng không đồng ngôn ngữ.

Gia đình bên bà xã tôi cũng rất kính mến Sư. Em trai và cháu trai trong nhà đã từng xuất gia gieo duyên tại chùa của Sư ở Thái Lan.

Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, Sư chỉ học hết bậc tiểu học, rồi ở nhà giúp gia đình, và được cho đi học nghề làm nài ngựa đua. Tuy nhiên, đến năm 20 tuổi, Sư xin phép gia đình xuất gia vào năm 1970 ở tỉnh Ubon, miền Đông Bắc Thái Lan, với pháp sanh là “Sukhakamo”. Sư là cháu họ của ngài thiền sư Ajahn Chah, và về sau, đến tu học với ngài Ajahn Chah tại chùa Wat Nongpahpong.

Khi còn trẻ, Sư rất thích đi du hành đây đó, xuyên qua các khu rừng núi vùng Đông Bắc và Bắc Thái Lan theo hạnh đầu đà sơn lâm và lập hạnh ăn trái cây, rau củ, không ăn thịt cá. Sư vẫn giữ hạnh ấy cho đến ngày nay. Chư Tăng Ni và cư sĩ tu tập tại các chùa do Sư thành lập đều ăn rau đậu, không ăn thịt cá.

Tôi học với Sư về pháp hành thiền theo dõi hơi thở và thường đến gặp riêng để nhờ Sư hướng dẫn, cố vấn, giải đáp các thắc mắc. Theo dõi hơi thở nhẹ nhàng, đều đặn, không dồn ép, bình thản, không mong cầu, không suy luận lung tung. Cứ để nó tự nhiên, sao cũng được, mà có được cũng chẳng sao. Miệng mĩm cười, thong thả, thảnh thơi. Rồi hướng sự nhẹ nhàng đó vào toàn thân mình, rồi hướng đến mọi người, mọi chúng sinh chung quanh từ gần đến xa, từ dưới lên lên, bao trùm tất cả vũ trụ thế giới. Mở rộng lòng ra, không phân biệt, không đánh giá, không thành kiến.

Khi gặp các thiền sinh, thỉnh thoảng Sư chỉ hỏi vài câu ngắn, rồi mỉm cười. Nếu có ai thắc mắc điều gì, Sư chỉ giải thích vài lời ngắn gọn, rồi lại mỉm cười. Chỉ đơn giản có thế. Mọi người đều công nhận Sư có tâm Từ ba-la-mật rất mạnh, ngồi gần Sư ai cũng cảm thấy mát mẻ, an vui. Một niềm vui lâng lâng, rất khó diễn tả.

Sau nầy tôi ít gặp Sư. Tháng 3 năm 2014, vợ chồng tôi về thăm Thái Lan, thuê xe đưa cả nhà đi tham quan, rồi ghé vào thiền viện ở khu đồi núi Khao Yai thăm Sư, dâng cúng một ít tịnh tài vào quỹ xây dựng thiền viện. Sư mời ở lại ăn cơm chùa, nhưng Sư không nhận tịnh tài. Sư bảo Sư chỉ nhận vào sáng hôm sau. Ý Sư là mời chúng tôi ở lại qua đêm tại thiền viện. Tối hôm đó, Sư cho người lái xe đưa chúng tôi đi xem thú rừng ban đêm. Sáng hôm sau, chúng tôi được dịp đặt bát đến chư Tăng, và sau đó đến chào Sư, dâng tịnh tài, rồi từ giả trở về Bangkok.

Một điều lạ lùng nữa là khi chúng tôi quyết định ở lại qua đêm, anh cư sĩ trong ban hộ tự đưa chúng tôi đến khu nhà dành cho cư sĩ. Nơi đó, mỗi ngôi nhà có đánh số thứ tự, và khi tôi bước xuống xe, nhìn số nhà. Đó là số 22, cùng một số nhà của chúng tôi tại Perth! Tôi nói đùa với bà xã là có lẽ Sư muốn mình ở đây thoải mái như nhà mình tại Tây Úc.

Địa chỉ chùa:

WAT SAPTHAWEE DHAMMARAM
Amphoe Wang Nam Khiao (วังน้ำเขียว), Changwat Nakhon Ratchasima (นครราชสีมา)
Thailand

* * *

MỘT VỊ SƠN TĂNG BÌNH DỊ
Binh Anson
Bảo Hương & Hằng Phạm dịch

Dưới đây là một bài viết ngắn về một vị sư Thái Lan – Ajahn Gunhah – thuộc truyền thống thiền lâm.

Tôi có duyên may được gặp ngài Ajahn Gunhah khi Sư đến viếng Perth, Tây Úc, trong hai lần tại Tu viện Bodhinyana, cách Perth 60km về phía nam. Trong lần viếng thăm đầu tiên, Sư lưu lại tu viện khoảng một năm, và tôi đã được học rất nhiều điều từ kinh nghiệm hành thiền của Sư.

Một ngày nọ, trong chuyến thăm thứ hai của Sư, do nhiệm vụ công việc, tôi một mình đi đến một đập nước lớn nằm trong khu rừng rậm gần tu viện để khảo sát thực địa. Khi tôi đang lái xe trên con đường đất trong rừng, bất thình lình tôi bị tai nạn nhưng tôi đã thoát nạn một cách kỳ diệu mà không hề hấn gì.

Vì vậy, trên đường trở về, tôi dừng lại tại tu viện rồi đi vào thiền đường chính, lễ Phật, ngồi thiền một lúc, và suy quán về kinh nghiệm suýt chết vừa qua.

Khi bước ra khỏi sảnh, tôi gặp Ajahn Gunhah đang đi bộ trở về cốc của Sư. Tu viện tọa lạc trong một khu đất rừng tự nhiên, mỗi vị sư có một cái cốc nhỏ riêng để ngủ và hành thiền.

Ajahn Gunhah rủ tôi cùng về cốc. Về đến nơi, Sư pha cho mình một tách ca-cao đen nóng, và pha thêm một tách cho tôi. Theo giới luật, chư Tăng không được uống sữa qua giờ ngọ, nhưng các vị đó có thể uống trà đen, cà phê đen hoặc các loại tương tự. Trong khi tôi đang nhấp nháp tách ca-cao nóng, Sư nhìn tôi, mỉm cười và nhẹ nhàng nói: “Cuộc sống thật là ngắn ngủi, phải vậy không?” Điều này làm tôi kinh ngạc!

Làm cách nào mà Sư có thể biết được những gì trong tâm trí tôi vào lúc đó? Tôi không hề nói với Sư bất cứ điều gì về chuyến đi trong ngày và chắc chắn không nói gì về tai nạn đó!

Cho đến hôm nay, tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời. Có lẽ đó chỉ là một câu nói ngẫu nhiên của Sư, chỉ đơn giản là một sự trùng hợp, hoặc có lẽ không phải vậy!

*

A SIMPLE FOREST MONK
Binh Anson

Below is a short article about a Thai monk - Ajahn Gunhah - of the forest meditation tradition.

I had the opportunities to meet Ajahn Gunhah when he came to Perth, Western Australia, twice to stay at the Bodhinyana monastery, 60 km south of Perth. During the first visit, he stayed at the monastery for about a year, and I learnt a lot from him, from his experience in meditation.

One day, during his second visit, as part of my job I went to a large water supply dam located in a thick forest, near the monastery, for field inspection all alone by myself. When driving on a dirt track in the forest, I had a freak accident but somehow miraculously I escaped unscathed.

So, on the way back, I stopped by at the monastery, went into its main meditation hall, paid respect to the Buddha, sat in meditation for a while, and contemplated on that near-death experience.

When I came out from the hall, I met Ajahn Gunhah walking back to his hut. The monastery was located in a native bushland, and each monk had his own small hut for sleeping and meditating.

Ajahn Gunhah asked me to come with him to his hut. Once inside, he made himself a cup of hot and dark cocoa, and made me one also. According to the Vinaya, the monks are not allowed to drink milk after mid-day, but they can drink dark tea, dark coffee and the like. While I was sipping my hot cocoa, he looked at me, smiled, and gently said: "Life is short, isn't it ?" This caught me by surprise! How did he know what was in my mind at that time ? I had not told him anything about my day trip and certainly not about that accident!

To this day, I still don't know the answer. Perhaps it's just a casual remark from him and simply a coincident, or perhaps not so !

-- Binh Anson 
Perth, October 1996

*

No comments: