Wednesday, 1 February 2017

Nắm lá trong tay

Nắm lá trong tay
Paul Chee-Kuan 
(Bình Anson lược dịch)

*

Kinh Lá rừng Simsapā (Tương ưng 56.31):

… Một thời, Đức Thế Tôn trú ở Kosambi, tại rừng Simsapā. Ngài lấy tay nhặt lên một ít lá Simsapā, rồi bảo các Tỳ khưu:

- "Này các Tỳ khưu, quý vị nghĩ thế nào, cái gì là nhiều hơn, số lá Simsapā mà Ta nắm lấy trong tay, hay số lá trong rừng Simsapā?"

- "Bạch Thế Tôn, số lá Simsapā mà Ngài nắm lấy trong tay thật là quá ít, còn số lá trong rừng Simsapā thật là quá nhiều."

- "Này các Tỳ khưu, cũng giống như những gì Ta đã biết rõ mà không giảng dạy cho quý vị thật là quá nhiều; còn những gì mà Ta đã giảng dạy thật là quá ít. Tại sao Ta không giảng dạy tất cả những điều ấy? Bởi vì có những điều không liên hệ đến mục đích, không phải là căn bản cho đời sống thanh cao, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy, Ta không giảng dạy những điều ấy.

"Này các Tỳ khưu, Ta giảng dạy những điều gì? 'Ðây là Khổ', là điều Ta giảng dạy. 'Ðây là Khổ tập', là điều Ta giảng dạy. 'Ðây là Khổ diệt', là điều Ta giảng dạy. 'Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt', là điều Ta giảng dạy.

"Nhưng tại sao Ta giảng dạy những điều ấy? Bởi vì những điều ấy liên hệ đến mục đích, là căn bản cho đời sống thanh cao, đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy, Ta giảng dạy những điều ấy.

"Vì thế, này các Tỳ khưu, quý vị cần phải nỗ lực để biết rõ: 'Ðây là Khổ', cần phải nỗ lực để biết rõ: 'Ðây là Khổ tập', cần phải nỗ lực để biết rõ: 'Ðây là Khổ diệt', cần phải nỗ lực để biết rõ: 'Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt'”.

*
Vài suy tư:

Trong bài kinh, Đức Phật nói rằng Ngài biết rất nhiều, về đời sống, về thế giới vũ trụ, về mọi sự việc trong thế gian, nhưng Ngài không truyền giảng tất cả những điều đó. Ngài không dạy chúng ta phải biết rõ tất cả mọi sự việc trên đời, bởi vì có những sự hiểu biết thật ra không liên hệ, không giúp ích chi cho con đường đưa đến giải thoát. Đây là điểm quan trọng mà hành giả trên con đường tu học cần phải ghi nhớ.

Những gì Ngài đã truyền giảng, như đã ghi lại trong Kinh tạng giáo điển – tạng Nikāya và tạng A-hàm – bao gồm các chủ đề quan trọng, cần thiết, quý giá để chúng ta tìm hiểu, suy tư, và áp dụng. Đây là một phước duyên to lớn cho chúng ta, khi hầu như toàn bộ giáo điển đó đã được các vị Tăng sĩ gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ, và ngày nay chuyển dịch sang ngôn ngữ hiện đại để chúng ta học tập và ghi nhớ. Mặc dù một số bài kinh có nội dung giống nhau, có vẻ trùng lặp, nhưng điều đó chứng tỏ rằng các chủ đề đó quả thật là số lá rừng trong nắm tay để chúng ta chuyên chú, tập trung học tập.

Còn vô số lá cây trong rừng kia là những gì Đức Phật không truyền dạy cho các đệ tử của Ngài – mà ngày nay, chúng ta thường thấy chúng được thu gom vào trong kho tàng thư văn Phật giáo. Trong kho tàng bao hàm này, chúng ta thấy có rất nhiều luận giải, bình giải, giáo thuyết hậu kỳ của mọi trường phái, tông phái đã khai triển từ khi Đức Phật nhập diệt, kể cả các luận thuyết siêu hình, các lý thuyết về nhân tính, các phân giải tỉ mỉ về tâm thức và sự vận hành tâm, các cõi trời và nhiều phân hạng bồ-tát, các dạng thức trung chuyển khi tái sinh, các câu chú niệm huyền bí, các hình thức nghi lễ phức tạp, những luận giải vượt ngoài nội dung của các bài kinh giảng, v.v.

Không có nghĩa là các tài liệu đó hoàn toàn sai lạc hay hoàn toàn không có cơ sở. Tuy nhiên, dù chúng có đúng hay sai, cũng không có ích lợi chi cho con đường giải thoát. Nếu chúng quả thật có ích lợi cho sự tu tập, ắt hẳn Đức Phật đã giảng dạy cho hàng đệ tử của Ngài – vì Đức Phật tuyên bố Ngài đã giảng Chánh pháp rõ ràng, như một vị đạo sư với bàn tay mở rộng, không bí mật, không che giấu (Đại kinh Bát-niết-bàn, Trường bộ), và từ đó được ghi nhớ và truyền tụng trong các bài kinh, và được kết tập trong Kinh tạng.

Suy ngẫm về các lời dạy của Đức Phật trong bài kinh Lá rừng Simsapā giúp ta tiết kiệm được thì giờ. Chúng ta không phí thì giờ để theo đuổi những câu hỏi vô ích. Chúng ta tránh được việc dính mắc vào các kiến giải hoang vu, không tưởng. Bài kinh nhắc nhở ta tập trung vào những lời dạy chính yếu của Đức Phật, và áp dụng chúng trong công phu tu tập. Chúng ta không cần phải tranh luận nhiều lý thuyết khác nhau, không cần phí thì giờ tìm hiểu chúng. Thì giờ là quý báu, đời sống rất ngắn ngủi, sinh được làm người là điều hiếm có, và ta phải biết sử dụng thì giờ và công sức cho có lợi lạc trên con đường tâm linh.

Khi ta hiểu rằng những gì không được Đức Phật truyền giảng khi Ngài còn tại thế là những gì không liên hệ đến mục đích giải thoát tối hậu, ta nhận ra ngay rằng không có những giáo thuyết bí mật, không có những giáo thuyết đã được giấu đi ở một thế giới nào đó để tái xuất hiện sau này, hoặc là giáo thuyết được Ngài truyền giảng ở một cõi trời nào đó, v.v. Đức Phật đã giảng như thật, như chân. Ngài đã giảng rõ ràng và đầy đủ cho chúng ta trên địa cầu này, cho những ai đến để nghe.

Có nhiều vị đệ tử của Ngài đã ghi nhớ, thông hiểu, tu tập, và nhập dòng thánh giải thoát – và ngay cả những vị này cũng chưa hẵn đã học hết toàn bộ Kinh tạng. Quên lãng các bài kinh giảng và tầm cầu các luận thuyết khai triển vượt qua những gì Đức Phật đã truyền dạy là không nhận thức được ý nghĩa sâu sắc của những điều Ngài đã thật sự chỉ dạy cho các vị thánh đệ tử đó.

Vì vậy, ta không cần phải vướng mắc vào các điều gì khác. Nhiệm vụ của chúng ta là thực hiện những gì đã được Đức Phật giảng rõ ràng trong bài kinh: "… Cần phải nỗ lực để biết rõ: Đây là khổ. Cần phải nỗ lực để biết rõ: Đây là nguồn gốc của khổ. Cần phải nỗ lực để biết rõ: Đây là sự diệt khổ. Cần phải nỗ lực để biết rõ: Đây là con đường tu tập để diệt khổ.” Những gì Đức Phật đã giảng dạy trong suốt 45 năm hoằng truyền Chánh pháp – từ bài kinh đầu tiên đến bài kinh cuối cùng – là liên hệ đến nhiệm vụ này, đó là thẩm thấu, thông hiểu, và thực chứng Tứ Thánh Đế. Những gì Ngài không truyền giảng, ta nên bỏ chúng lại trong rừng sâu.

-- Paul Chee-Kuan
(Bình Anson lược dịch, tháng 4-2008)

* Ghi chú:
Simsapā: Indian Rosewood (Dalbergia sissoo). Ngày nay loại cây nầy được trồng rất nhiều ở Lumbini (Lâm-tỳ-ni), Nepal, nơi ngài Bồ-tát đản sinh.

*
*
Rừng cây Simsapa ở Lumbini, Nepal (hình chụp năm 2010)

No comments: