Wednesday, 17 May 2017

Cao lương mỹ vị

Vài ý tưởng cho những ai có tâm hồn ăn uống (như tôi)

Đang hiệu đính lại đoạn viết về "THÂN HÀNH NIỆM" trong cuốn Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi-magga, Path of Purification), bản dịch Việt của Ni sư Trí Hải. Đọc đến đoạn nầy thì giật mình, rồi bâng khuâng, suy tư. Một ngàn năm trăm năm trước, ngài Luận sư Buddhaghosa đã thấy rõ và mô tả tỉ mỉ những gì chúng ta thường cho là các món cao lương mỹ vị sau khi nuốt vào bụng rồi thì cũng như nhau.

--------------------

Trích đoạn:

(...)
120. (Những thứ nuốt nào bụng) Ðây là những gì đã được ăn, uống, nhai, nếm và đang có mặt ở trong dạ dày. Về màu sắc, nó có màu của thức ăn đã được nuốt vào. Về hình dáng, nó có dáng một túi vải buộc lơi lỏng chứa cơm bên trong. Về phương hướng nó nằm hướng trên. Về trú xứ, nó ở trong dạ dày.

121. Cái được gọi dạ dày là một phần của màng ruột, nó giống như một tấm vải ướt dài được vặn hết nước ở hai đầu, ở giữa căng phồng lên với không khí bên trong. Bên ngoài dạ dày láng lẩy, nhưng bên trong, nó giống cái bong bóng vải bị dơ vì gói cặn bả thịt, hoặc là giống bên trong của một cái vỏ trái mít thối. Ðó là nơi những dòi trùng sống lúc nhúc như rừng: ba mươi hai gia đình những sán lãi như lãi kim, lãi đũa v.v. Khi nào không có ăn uống gì vào, chúng nhảy lên kêu gào và vồ lấy thịt ở quả tim, còn khi có thức ăn uống được nuốt vào, thì chúng chờ đợi với những cái mồm ngóc lên, tranh nhau giật lấy hai ba miếng nuốt xuống đầu tiên.

Dạ dày vừa là nhà bảo sinh, vừa là nhà xí; vừa là bệnh viện, vừa là nghĩa trang của những con trùng này. Hệt như vào thời hạn hán, bỗng có một trận mưa, thì những gì được nước cuốn vào cống rãnh ở cổng của một khu làng hạ tiện, nghĩa là đủ thứ dơ dáy như nước tiểu, phân, những mảnh da, xương gân, cũng như đờm, dãi máu v.v. Những thứ ấy trộn lẫn với nhau cùng với bùn và nước đã được tụ ở đây, rồi hai ba ngày sau những quyến thuộc sâu bọ xuất hiện, những thứ ấy lên men, được hâm nóng bởi sức nóng mặt trời, nên sủi bọt lên trên, đen ngòm hôi hám và ghê tởm đến nổi người ta không thể nào tới gần, hay nhìn vào đó, huống chi là ngửi và nếm.

Cũng vậy, dạ dày là nơi mà đủ thứ thức ăn uống lọt vào sau khi được nghiền bởi cái chày răng, được đảo qua đảo lại bằng cái bàn tay của lưỡi, được làm dính vào nhau bằng đờm và nước miếng, lúc đó nó đã mất hết màu sắc hương vị, để khoát lấy bộ mặt của đống hồ thợ dệt, và của đồ chó mữa, để rồi được nhúng trong mật, đàm, phong đã tụ ở đấy, và nó lên men do năng lực của sức nóng trong dạ dày, sôi sục theo bầy sán dòi, sủi bọt ở trên mặt cho đến khi nó biến thành một thứ phân uế, hoàn toàn thối tha nôn mửa, chỉ cần nghe nói tới cũng đủ làm người ta hết muốn ăn uống, chứ đừng nói gì đến nhìn nó bằng con mắt tuệ.

Và khi đồ ăn uống rơi vào dạ dày, chúng được chia thành năm phần: sán lãi, vi trùng một phần, lửa bao tử đốt cháy hết một phần, một phần biến thành nước tiểu, một phần nữa thành phân, phần cuối cùng mới biến thành dưỡng chất, bồi bổ máu thịt, v.v.

122. Về ranh giới, nó (những thứ nuốt nào bụng) được giới hạn bằng cái bọc chứa và bởi những gì thuộc dạ dày.
(...)

No comments: