Monday 22 May 2017

Trăm nghe không bằng một thấy - Thân hành niệm

TRĂM NGHE KHÔNG BẰNG MỘT THẤY - THÂN HÀNH NIỆM

Sáng nay trong Paltalk, tôi chia sẻ vài hiểu biết, kinh nghiệm cá nhân về pháp “quán thân bất tịnh” (asubha bhavana), mà theo tôi, có lẽ nên hiểu là “quán thân bất mỹ” (không đẹp đẻ, không hấp dẫn - unattractive). Trong đó, tôi đề nghị một phương pháp đơn giản nhưng rất hiệu nghiệm – đã từng được tôi và một số bạn đạo áp dụng: Dành ra một ngày nào đó đi chợ, đến gian hàng bán thịt heo (lợn), mua một miếng thịt sườn, một miếng thịt ba-rọi (da, mỡ, thịt), một trái tim, một trái cật, một miếng gan, một miếng phổi, bao tử (dạ dày), ruột.

Đem về nhà, rửa tay cho sạch, cầm từng miếng lên, ngắm nghía hình dạng, sờ mó để biết độ cứng mềm, có thể đưa lên lên mũi để ngửi … Đừng vội vàng nghĩ đến việc chế biến, nấu nướng. Hãy tập trung vào việc nhìn, sờ, ngửi, quan sát từng miếng. Làm chậm rãi thong thả, ghi nhận, suy ngẫm về bản chất của chúng. Cơ thể của mình hay của người khác cũng chỉ có thế thôi. Không dơ mà cũng chẳng sạch. Không có gì thơ mộng, thơm tho, hấp dẫn. Thực tế nó là như thế.

Chỉ nghe kể lại, đọc mô tả, bàn luận, xem hình ảnh và video, suy tư, … thì cũng tốt, nhưng theo tôi vẫn chưa đủ. Nhìn tận mắt, sờ tận tay, ngửi tận mũi thì sẽ hiểu rõ hơn, có ấn tượng sâu đậm hơn trong tâm thức mình. Trăm nghe không bằng một thấy.

Sau đó đem đi luộc chấm mắm tôm, mắm nêm, hay nấu cháo lòng, hoặc đem khìa làm phá lấu để ăn. Cảm tưởng lúc ăn sẽ khác đi, không còn nhiều dính mắc vào đó như lúc trước. Quan trọng hơn nữa, cái nhìn về cơ thể của mình và của người khác cũng sẽ có phần thay đổi, thực tế và khách quan hơn.

-----------------
GHI THÊM:

Sau khi đăng bài nầy, tôi nhận được vài phản hồi. Tôi cảm thấy một số bạn có lẽ đã hiểu lầm về mục đích của việc thực tập nầy. Ở đây, mục đích không phải để chúng ta gờm nhớm, ghê tởm thức ăn hay thân thể – đó là pháp quán tử thi – mà là để chúng ta có một cái nhìn khách quan, trung thực về cấu tạo của thân thể của mình và của người khác, giúp chúng ta vượt qua nỗi ám ảnh, bận tâm về ái dục.

Theo đoạn kinh sau đây, trong bài kinh Thân Hành Niệm (Kāyagatāsati, MN 119), Đức Phật dạy chúng ta phải quán sát cơ thể như là một bao vải chứa các loại ngũ cốc khác nhau – gồm các loại đậu và các loại gạo. Đổ các loại ngũ cốc đó ra khỏi bao vải, rồi khách quan quán sát từng loại hạt. Từ đó, không còn bị ám ảnh bởi các lôi cuốn của ái dục nữa. Nhờ thế, tâm được định tĩnh, dễ an định, tập trung.

Trích Kinh Thân Hành Niệm – Mindfulness of the Body 
(Kāyagatāsati Sutta, MN 119)

– Lại nữa, này các tỳ-khưu, vị tỳ-khưu quán sát thân này, dưới từ bàn chân trở lên trên cho đến đỉnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt: “Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu”. Cũng như một bao đồ, hai đầu trống đựng đầy các loại hột như gạo, lúa, đậu xanh, đậu lớn, mè, gạo đã xay rồi. Một người có mắt, đổ các hột ấy ra và quán sát: “Ðây là hột gạo, đây là hột lúa, đây là đậu xanh, đây là đậu lớn, đây là mè, đây là hột lúa đã xay rồi”. Cũng vậy, vị tỳ-khưu quán sát thân này dưới từ bàn chân trở lên trên cho đến đỉnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt: “Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu”.

Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm và tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, là cách vị tỳ-khưu tu tập thân hành niệm.

*


No comments: