Sunday, 29 October 2017

Khánh Ly: Cuối cùng, chỉ còn lại tiếng hát

Khánh Ly: Cuối cùng, chỉ còn lại tiếng hát
Đậu Dung phỏng vấn, 21-10-2017

Ngồi nói chuyện cùng danh ca Khánh Ly sau chuỗi đêm nhạc “Khánh Ly–55 năm hát tình ca” diễn ra ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Lạt, Huế… vừa qua, bà nói, nghĩ về con số 55 năm thấy giật mình lắm. 55 năm, đủ chôn vùi tất cả. Cuối cùng, chỉ còn lại tiếng hát. Thôi, cũng đủ, cho một đời.

*

- Có thể thấy, mấy năm trở lại đây, Khánh Ly về nước hát liên tục. Có một vài người nói rằng, bà đang tận dụng thời gian còn lại của mình để kiếm tiền...

Khánh Ly: Người nào hát thì cũng lấy tiền cả thôi. Hình như chưa có ai hát mà không lấy tiền. Vấn đề là lấy nhiều hay lấy ít. Nhưng tôi nghĩ, cả điều đó cũng không quan trọng bằng việc Khánh Ly từng này tuổi rồi, vẫn còn được hát và hát được cho khán giả của mình nghe. Nếu mà nói mọi người đi hát chỉ để kiếm tiền thì lời nói này, hơi ác. Đừng nghĩ ác về người ta như thế. Không nên. Hãy cố nghĩ tử tế về người khác, không chỉ riêng Khánh Ly mà với bất kỳ ai. Có một câu trong một bộ phim nói rằng, hãy sống tốt khi còn bên nhau. Tôi biết, để được như thế rất khó nhưng mình cứ hy vọng vậy, mong là như thế đi. Đừng nhìn ai ở khía cạnh xấu, sẽ có lúc phải ân hận đó. Tôi không nhắc đến hai chữ “nhân-quả” ở đây vì mình cũng không mong ai gặp những chuyện không hay đó. Nhưng các cụ mình nói rồi, trồng cây nào thì hái quả đó.

- Còn lá rụng về cội thì sao, thưa bà?

Khánh Ly: Không hẳn. Ở đâu cũng là hát thôi. Nhưng khi mình có một chút thời gian, không còn nợ chồng, nợ con thì lúc đó, mình có thể đi hát ở những nơi mà mình muốn. Ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào. Bây giờ, mình chẳng phải trả nợ ai cả. Mình chỉ trả nợ mình thôi. Mà, Khánh Ly có nợ ai đâu nhỉ? À, không nếu nói một cách khác, mình nợ rất nhiều người.

- Ca sỹ Khánh Ly năm nay 73 tuổi rồi. Bà đối diện với hai chữ “sống – chết” ra sao?

Khánh Ly: Nó cũng bình thường thôi. Có sinh thì phải có tử chứ. Ai mà sống mãi được? Sống mãi chật đất à? Mọi người ai cũng phải ra đi cả. Từ từ rồi cũng đi hết. Không một ai sống mãi được đâu. Ông Bành Tổ còn chết, nói gì mình? Cho nên tôi nghĩ, còn sống được ngày nào thì hãy cứ làm điều gì đó có ích, dù chỉ mang lại cho người ta một nụ cười, chỉ để lau giùm đứa nhỏ một giọt nước mắt. Nếu bạn còn đỡ được một người ngã đứng lên, thì mình vẫn còn nên sống, vẫn còn lý do để sống.

- Cách đây một năm, bà có nói với tôi rằng, cuộc đời này đã làm cho Khánh Ly bầm dập nhiều. Vậy mà giờ đây, vẫn phải trả ơn đời ư?

Khánh Ly: Ôi cái chuyện bầm dập ai cũng gặp phải, có phải riêng mình đâu. Không cách này thì cách khác. Chẳng nên trách ai cả. Chỉ có điều, đời mình thì mình sống thôi. Và vẫn phải trả ơn đời, vẫn phải biết ơn đời…

- Và chương trình “Vòng tay nhân ái” mà bà tham gia, cũng là một cách trả ơn đời…?

Khánh Ly: Từ trước đến giờ, Khánh Ly chỉ có tiếng hát thôi. Ai muốn làm gì thì làm. Tiền tôi chẳng biết đến. Từng này tuổi rồi, tôi vẫn chẳng biết gì về tiền. Tôi chỉ biết, ai có tiền muốn đi theo để giúp những người khốn khó thì đi cùng. Tôi nghĩ, mình nên tới những chỗ đó, rồi kêu gọi mọi người tới, còn hơn ngồi ở nhà chẳng làm gì cả rồi tưởng tượng những điều không có thật. Nó không tốt, cũng không ích lợi gì cho ai cả. Phải đến nhìn những cảnh đời đó thì mới thấy rằng, mình là người may mắn. Còn nói được vì không câm. Còn nhìn được vì không khiếm thị. Còn nghe được vì không bị điếc. Còn đi được vì không tàn tật. Còn cầm bát cơm mà ăn, nghĩa là đôi tay còn sử dụng được. Vì vậy, ráng làm điều gì đó cho tốt đẹp đi. Còn hơn ngồi đó rồi nghĩ xấu cho người khác.

- Nếu tôi lấy 100% làm số đo thì Khánh Ly sống được bao nhiêu phần cho mình trong 100% ấy?

Khánh Ly: Đời tôi, tôi chỉ sống cho chồng con và khán giả là nhiều. Còn bản thân mình thì… chưa đâu.

- Bà định bao giờ mới sống cho mình đây?

Khánh Ly: Ngày cuối cùng. Một ngày cuối cùng thôi.

- Nếu có một ngày gọi là ngày cuối cùng như thế, bà sẽ làm gì cho bản thân mình?

Khánh Ly: Ngồi yên và không nghĩ gì cả, đó là sống cho mình.

- Nghe có vẻ bình thản. Nhưng ai mà chẳng sợ cái chết chứ?

Khánh Ly: Bây giờ, tôi có thể ngồi đây và mạnh miệng nói tôi không sợ gì cả. Nhưng ai mà biết được? Tôi mong mình không có thời gian để chờ đợi. Tôi muốn mình đang đi trên đường thì lăn đùng ra chết. Hoặc ngủ không dậy nữa. Đó là một hạnh phúc lớn lắm. Tôi vẫn luôn ráng sống làm người tử tế để tôi được chết như vậy.

Còn hiện tại, tôi chẳng nghĩ gì đâu. Tôi chỉ biết ngày hôm nay tạ ơn Chúa, Mẹ rằng mình còn sống, mình còn làm được một cái gì đó, mình còn hát được một bài nào đó, thế là hạnh phúc. Còn ai muốn nói gì cũng được. Ai muốn “đạp” mình cũng được. Ai muốn chửi mình cũng được. Đó là quyền của người ta. Tôi chưa thấy ai mang tâm hại người này người kia mà bị đóng thuế. Nếu tất cả mọi điều đều bị đóng thuế thì tôi nghĩ, chẳng ai nói xấu ai đâu. Của đau con xót mà.

- Khánh Ly hay nói câu ‘tôi chẳng biết cái gì cả’. Vậy Khánh Ly biết cái gì?

Khánh Ly: Tôi chỉ biết hát thôi.

- Nhưng biết hát liệu đã đủ chưa?

Khánh Ly: Tôi nghĩ là đủ. Vì Chúa, Mẹ chỉ cho tôi thế thôi. Tôi nghĩ, nếu mình còn sống, còn hát được và nếu tiếng hát của mình có thể giúp thêm một hạt cơm, hạt gạo cho nhà chùa, cho các trẻ em mồ côi thì đó cũng là hạnh phúc lớn rồi. Vậy thì, cũng đủ hãnh diện để tôi sống những ngày còn lại của mình.

- Đúng kiểu “Đời cho ta thế với những sớm tối không đổi thay…” thì phải, thưa bà?

Khánh Ly: Đúng rồi. Đời cho ta thế thì ta nhận thế thôi. Không đòi hỏi. Không phàn nàn. Không trách móc. Không hờn giận. Không gì cả.

- Ở tuổi này, ca sỹ Khánh Ly mới có suy nghĩ đó hay trước đó mấy chục năm, bà đã như vậy rồi?

Khánh Ly: Từ cách đây mấy chục năm rồi. Những lời này tiếng nọ ở đâu đổ lên đầu mình. Mình nghe hết chứ. Nhưng có sao đâu? Bởi đó là cuộc đời. Nếu không như thế thì không phải là cuộc đời rồi. Cuộc đời phải thế. Hỉ nộ ái ố, đủ cả. Mọi người có đá thì cứ ném, chẳng may trúng mình thì mình ráng chịu thôi. Biết làm sao giờ?

- Nghe Khánh Ly nói chuyện thì tôi thấy, hình như Khánh Ly đã “già từ ngày còn xanh”?

Khánh Ly: Ở ta, người ta gọi như thế là chín ép đấy. Chưa chín nhưng bắt nó phải chín.

- Nhưng như thế thì có tội nghiệp cho tuổi trẻ của mình không, thưa bà?

Khánh Ly: Rất tội nghiệp. Rất đáng thương. Nhưng tự mình thấy thế thôi chứ mình không có nhu cầu cần ai thương hại. Mình tự thương mình thôi. Mình tự thương mình là thật nhất.

- Tôi tò mò một điều rằng, Khánh Ly ở tuổi này còn tin vào tình yêu không?

Khánh Ly: Tình yêu có nhiều loại tình yêu. Không chỉ có tình yêu đôi lứa đâu. Tôi chỉ có một niềm tin thôi, tin vào tôn giáo, tin vào Chúa, Mẹ, tin vào Thượng Đế. Chúa, Đức Phật đâu có dạy mình giết người, làm điều gì ác; thành ra, tôi tin. Còn lại, tôi không tin vào bất cứ thứ gì cả.

- Kể cả chồng ư?

Khánh Ly: Kể cả chồng. Tôi rất yêu nhưng không tin.

-Nghe hơi cực đoan và tàn nhẫn với tình yêu của mình…

Khánh Ly: Chồng tôi chẳng làm cái gì có lỗi với tôi cả. Nhưng cuộc đời dạy tôi một điều rằng, không nên tin vào bất cứ điều gì, kể cả chồng, kể cả con.

- Khánh Ly hát cho triệu người nghe nhưng đã bao giờ, ngay khi đứng trên sân khấu, bà thấy tiếng hát của mình không diễn tả được tiếng lòng của mình chưa? Đã bao giờ bà bất lực chưa?

Khánh Ly: Khi đứng trên sân khấu hát, nghĩa là tôi đang hát cho nỗi lòng của mình đó. Nhưng mà, không chỉ hát về nỗi lòng của mình; qua tiếng hát, tôi tìm tri âm, tri kỷ. Vì tôi biết, nhiều người cũng ở trong tâm trạng như tôi. Họ không hát được, không nói được, họ cũng không biết chia sẻ với ai và cũng không ai chia sẻ với họ. Người ta chỉ thích chia sẻ những cái vui, những điều hào nhoáng, những thú xôn xao thôi. Ai thích chia sẻ cái buồn?

Còn bạn hỏi tôi đã bao giờ cảm thấy bất lực chưa? Thì tôi trả lời rằng chưa, ít ra là với mình. Nhờ tiếng hát, nhờ âm nhạc, Khánh Ly cởi bỏ được tấm áo nặng nề, cởi bỏ được (một phần) quá khứ, dĩ vãng, cởi bỏ được những ồn ào, xôn xao xung quanh. Đến với tiếng hát, tôi trút được tất cả nỗi muộn phiền của đời sống này.

- Lần đầu tiên tôi nghe bà hát là ca khúc “Một cõi đi về.” Khánh Ly bây giờ 73 tuổi rồi, “Một cõi đi về” của bà bây giờ là gì?

Khánh Ly: Thì cứ nghe lời ông Sơn đi: “Rọi suốt trăm năm một cõi đi về. Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng.Ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì.”

Tuổi xuân nó ở trong trái tim, không phải ở trên khuôn mặt. Mình phải nghĩ, cuộc đời này màu hồng (dù mình biết nó không phải màu hồng đâu). Trong suy nghĩ của mình, mình phải bắt nó là màu hồng, muốn nó là màu hồng. Đó là một cách sống để mình có thể đi qua những ngày vui ít ỏi và cũng để quên những “ngày tháng tiêu điều” của cuộc đời.

*


No comments: