Sunday, 7 January 2018

Nên dè dặt với các từ điển Phật học

Bát chi Thánh đạo – Nên dè dặt với các từ điển Phật học

Thử tra từ “BÁT CHÁNH/CHÍNH ĐẠO” trong các cuốn từ điển Phật học tiếng Việt mà tôi đang có ở nhà:

1) Phật học Từ điển, Đoàn Trung Còn
2) Từ điển Phật học Việt Nam, Thích Minh Châu và Minh Chi
3) Từ điển Phật học Huệ Quang, Thích Minh Cảnh
4) Phật Quang Đại từ điển, Thích Quảng Độ

Cả 4 cuốn nầy đều ghi rằng “Bát chánh/chính đạo” là tám con đường đạo chân chánh, tám con đường thánh đạo, kể cả cuốn từ điển của Hòa thượng Thích Minh Châu. Cuốn từ điển của học giả Đoàn Trung Còn còn chua thêm tên tiếng Pháp là “Noble Voie Octuple”, trong đó, “Voie” (con đường) được viết là số ít (singulier), không có “s”, nghĩa là một con đường. Nhưng trong phần định nghĩa tiếng Việt, tác giả lại ghi “Bát chánh đạo: Đạo bát chánh tức tám con đường chánh … Ai noi theo tám con đường đó mà đi thì thoát khổ, được an lạc”.

“BÁT CHÁNH/CHÍNH ĐẠO” hay “BÁT CHI THÁNH ĐẠO” là con đường gồm có tám yếu tố, hay tám chi, để đưa đến giải thoát giác ngộ như Đức Phật đã dạy về Đạo đế trong bài kinh Chuyển Pháp Luân, bài giảng đầu tiên sau khi Ngài đắc quả vị Chánh Đẳng Giác. Nhầm lẫn cho rằng Bát chánh đạo là Tám con đường chánh là một sự nhầm lẫn rất phổ thông trong hàng Phật tử chúng ta.

Vì vậy, chúng ta nên dè dặt khi sử dụng các cuốn từ điển. Cần phải đối chiếu, tra khảo thêm với các nguồn kinh điển khả tín khác.

Không phải chỉ riêng tiếng Việt mà trong các cuốn từ điển Phật học tiếng Anh cũng thế. Thỉnh thoảng tôi cũng gặp vài mục từ mà tôi phân vân, nghi ngờ về định nghĩa và nguồn gốc, xuất xứ. Tôi sẽ trình bày thêm trong một dịp khác.

*

Rảnh rỗi sinh nông nỗi, tiếp tục tra từ “Bát chánh/chính đạo” trong các cuốn từ điển Phật học tiếng Việt còn lại mà tôi đang có:

5) Từ điển Phật ngữ Anh-Việt, Huỳnh Văn Thanh.
Tại mục từ “NOBLE EIGHTFOLD PATH”, với PATH là số ít (singular) nghĩa là một con đường, tác giả dịch là “Bát thánh đạo” chua thêm tiếng Hán. Nhưng trong phần giải thích, tác giả lại ghi “tám con đường thánh dẫn tới sự giải thoát”.

6) Danh từ Phật học Thông dụng, Tâm Tuệ Hỷ.
Tại mục từ BÁT CHÁNH ĐẠO, tác giả định nghĩa là “con đường của tám sự hành trì chân chánh”, nhưng trong những đoạn tiếp theo, lại ghi là “… nếu tu tập theo tám con đường nầy thì sẽ giác ngộ” và “tám con đường hành trì của một người quyết tâm đi tìm sự thật”.

7) Từ điển Phật học Hán Việt, Kim Cương Tử và Thích Thanh Ninh.
Trong mục từ BÁT CHÍNH ĐẠO, không thấy ghi rõ đây là một hay tám con đường, nhưng liệt kê và giải thích tóm tắt tám yếu tố, gọi là tám pháp, của chính đạo hay thánh đạo.

8) Tiểu từ điển Phật học Thông dụng, Thiện Nhựt Huỳnh Hữu Hồng.
Trong mục từ BÁT CHÁNH ĐẠO, BÁT THÁNH ĐẠO, tác giả ghi rõ ràng là “con đường Thánh đạo tám ngành” và liệt kê tám ngành đó.

9) Từ điển Phật học, Chân Nguyên và Nguyễn Tường Bách.
Trong mục từ BÁT CHÍNH ĐẠO, tác giả định nghĩa là “con đường tám nhánh giải thoát khỏi Khổ, là chân lí cuối cùng của Tứ diệu đế”. Trong đoạn sau, có ghi “Bát chính đạo không nên hiểu là những ‘con đường’ riêng biệt”.

Tóm lại, trong 9 cuốn từ điển Phật học tiếng Việt mà tôi có sẵn trong nhà, chỉ có hai cuốn ghi rõ ràng “Bát chánh/chính đạo” là một con đường có tám yếu tố hay tám chi. Sáu cuốn kia cho rằng đó là tám con đường, và một cuốn không ghi rõ là một hay tám con đường.

*


No comments: