Sunday 13 October 2019

Tôi học A-tỳ-đàm

TÔI HỌC A-TỲ-ĐÀM.

Khi tôi bắt đầu đến với truyền thống Theravada vào đầu thập niên 1980, tôi chỉ biết đọc vài cuốn sách căn bản về Đạo Phật và bản Anh dịch của Trung Bộ Kinh. Đến giữa thập niên 1990, qua sự giới thiệu của Ni sư Dipankara – đệ tử của ngài Thiền sư Pa-Auk (Myanmar), tôi bắt đầu đọc cuốn “Path of Purification“ (Visudhimagga) của Luận sư Buddhaghosa, do ngài Nanamoli dịch sang tiếng Anh. Sau đó, qua liên lạc với chư Tăng, tôi nhận được bộ sách “Thanh Tịnh Đạo” do Ni sư Trí Hải dịch sang tiếng Việt và được chùa Pháp Vân, California, ấn tống.

Khi đọc đến phần Tuệ của bộ sách ấy, tôi mới bắt đầu tìm hiểu thêm về các loại tâm như phân loại trong A-tỳ-đàm. Qua giới thiệu của các bạn đạo trên một diễn đàn Phật giáo quốc tế, tôi thỉnh mua quyển “A Comprehensive Manual of Abhidhamma” do ngài Bhikkhu Bodhi hiệu đính và bổ sung từ bản Anh dịch của ngài Hòa thượng Narada (“A Manual of Abhidhamma”), dịch từ bản gốc Pali “Abhidhamattha-sangaha” của Luận sư Anuruddha. Về sau, tôi thỉnh được cuốn “Thắng Pháp Tập Yếu Luận” của ngài Hòa thượng Thích Minh Châu dịch từ bản tiếng Anh của Hòa thượng Narada, do chùa Kỳ Viên, Washington D.C., USA, in lại. Sau khi hiệu đính lại bản dịch Việt, bác Phạm Kinh Khánh gửi cho tôi cuốn “Vi Diệu Pháp Toát Yếu” do bác dịch từ bản tiếng Anh của ngài Hòa thượng Narada. Đó là những tài liệu căn bản mà tôi đã đọc, tham khảo, tự mình tìm hiểu về Abhidhamma.

Về sau này, khi tiếp xúc và liên lạc được với các chùa Nam tông ở Sài Gòn, tôi thỉnh được toàn bộ tạng Vi Diệu Pháp do ngài Hòa thượng Tịnh Sự dịch từ bản Pali-Thái, xuất bản trong thập niên 1990.

Sau vài năm tự tìm tòi học hỏi, tôi cảm thấy mình không hợp duyên với bộ môn này. Tìm hiểu thêm về nguồn gốc và lịch sử Phật giáo tại Ấn Độ trong 5 thế kỷ sau khi Đức Phật bát-niết-bàn, tôi có cùng quan điểm với một số các vị học giả và các vị cao tăng (trong đó có Hòa thượng Minh Châu, Hòa thượng Thiện Siêu, Bhikkhu Bodhi, Bhikkhu Analayo, Bhikkhu Sujato, Gs. R. Gethin, Gs. P. Harvey, Gs. C. Cox,…) rằng Abhidhamma là hệ thống những tư tưởng phát triển về sau, trong thời kỳ phân chia bộ phái, không phải là những gì Đức Phật đã giảng dạy khi Ngài còn tại thế.

Vi thế, đối với riêng cá nhân tôi, những gì Đức Phật giảng dạy như được ghi trong tạng Kinh, và một số bài giảng ghi trong tạng Luật, là cần thiết, quan trọng, và đầy đủ để tôi học tập và áp dụng thực hành trong những năm tháng còn lại của cuộc đời. Còn những thứ khác chỉ là để biết sơ qua vì tò mò, rồi để đó, không quan tâm, không nhớ nghĩ đến nữa.

– Bình Anson, 11/10/2019.

------------------------
* Ghi thêm: Abhidhamma có nhiều tên dịch khác nhau – Thắng Pháp, Vô Tỷ Pháp, Vi Diệu Pháp, A-tỳ-đàm. Ngày xưa, tôi thích dùng từ “Thắng Pháp”, nhưng gần đây, có lẽ chịu ảnh hưởng của các sách tiếng Anh – họ để nguyên, không dịch từ Abhidhamma – tôi chọn dùng từ phiên âm Hán Việt là “A-tỳ-đàm”. Từ này đã được dùng rất nhiều trong kinh điển cổ xưa của Hán tạng. Người Thái cũng không dịch, họ phiên âm ra là “A-bí-tham”.

*

No comments: