Wednesday 6 February 2013

Nguyễn Đức Quang nói về Phạm Duy (2005)

Nói Chuyện Với Nguyễn Đức Quang

(Viet Weekly, 2005 -
http://ducavn.nl/duca_files/VanNghe_files/PhongVanDuCa/NDQuang3.htm
)


LTS: Nhạc sĩ Phạm Duy đang thu xếp hành trang (sức khỏe, đời sống) để về Việt Nam ở luôn. Việc quyết định sống những ngày tháng còn lại tại quê hương của cây đại thụ âm nhạc Việt Nam đang là một đề tài gây sôi nổi ở trong lẫn ngoài nước. Báo chí trong nước, tờ Công An có tổng hợp nhiều thông tin của báo chí hải ngoại, cho rằng Phạm Duy bị xúc phạm v.v. Ở ngoài nước, khoảng trên 10 tờ báo, nhiều làn sóng phát thanh cả ngày lẫn đêm mạt sát nhạc sĩ Phạm Duy. Trong tình hình đó, một tiếng nói khác, nhận định khác về chuyện đi, ở của Phạm Duy được cất lên. Đó là tiếng nói của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, mời quí độc giả theo dõi bài nói chuyện của Việt Weekly với người nhạc sĩ du ca này.
*

(ETCETERA ghi)

Etcetera: Thưa nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, ông là người có may cơ hội gặp được nhạc sĩ những năm đầu khi sáng tác (thập niên 60-70), xin ông cho biết một vài nhận xét về NS Phạm Duy?

Nguyễn Đức Quang: Tôi là người may mắn có được một thời gian sinh hoạt với anh Phạm Duy trong lãnh vực âm nhạc. Phải công nhận rằng, lúc đó, những ý tưởng của anh rất là đáng kể. Trong khi những người nhạc sĩ khác làm nghệ thuật, đôi khi anh Phạm Duy mang được nghệ thuật âm nhạc của anh vào đời sống. Trong thời điểm những năm 60, tôi gặp anh, hai ý tưởng gặp nhau, đã giúp cho tôi, kích thích cho tôi đẩy mạnh sáng tác của mình, làm cho những ca khúc có tính cách dấn thân trong lúc bấy giờ. Thành ra, liên hệ giữa tôi và anh rất chặt chẽ vào thời gian 65, 66, 67, chúng tôi rất gần gũi với nhau.

ETC: Đối với người thưởng ngoạn, theo ông, âm nhạc của NS Phạm Duy có ảnh hưởng như thế nào?

NĐQ: Tôi cho rằng anh Phạm Duy đã đi những bước rất lớn, kể cả hai khía cạnh nghệ thuật và phục vụ. Đó là điều mà không ai có thể chối cãi được. Chúng ta không đối chiếu anh với những người cùng thời. Phạm Duy ở trong tình trạng rất là đặc biệt vì khi anh dấn thân vào nghệ thuật, anh đã đi từ A tới Z, anh đã bỏ tất cả, anh dùng tất cả đời sống của anh để cho ra tác phẩm. Chúng ta cám ơn anh ở chỗ, gia tài tác phẩm của anh quá đồ sộ, không dễ gì có một người nào có thể xây dựng một kho tàng lớn lao như vậy. Anh đã vạch ra hẳn một trường phái nhạc, nếu so về nhạc không, tính cách lớn lao đó, rất ít một nhạc sĩ nào có thể tạo dựng riêng cho mình riêng một trường phái như vậy. Khi nhắc đến Phạm Duy, ta thấy anh viết bao nhiêu khía cạnh, bao nhiêu thể loại, tất cả đều ở vào một mức đồ sộ. Chúng ta chỉ có thể biết được rằng, điều mà anh đã mang đến cho chúng ta, tất cả những người đã sống qua ở thập niên 40, 50 và cho đến nay, gần 60 năm trời, Phạm Duy là một điều gì đó, rất là lớn lao.

ETC: Khi nói tới Phạm Duy, và ngay vào thời điểm này, mặc dù ở tuổi 86, ông lại rơi vào một cuộc tranh luận khá gay gắt cho việt đi về Việt Nam và ở lại luôn. Theo ông, có phải chăng Phạm Duy là người luôn luôn của thời cuộc, gắn liền với thời cuộc?

NĐQ: Anh Duy có hai ba khía cạnh chúng ta có thể vạch ra được. Thứ nhất, giữa âm nhạc và cuộc đời của anh, con người của anh, chúng ta thấy, nó có những nét giữa đẹp và xấu, rất là rõ ràng. Thành ra, ai mà nói đến con người của anh, đều cảm thấy khó chịu, đó là một cái nhìn hết sức bình thường, vì anh ấy sống nhiều quá. Anh ấy sống nhiều cái nếp bất thường quá, người ta nói anh ấy thích tiền, thích phụ nữ, thích nhiều thứ, anh rất phong phú trong những thứ đó. Anh đã từng gây ra rất nhiều chuyện để cho những người khác phiền. Chính vì những điều đó, nên mỗi khi người ta nhắc đến Phạm Duy, người ta trộn lẫn hai thứ, con người và nghệ thuật với nhau, và người ta dễ có điều chê trách anh, phiền bực anh, nặng nề hơn là người ta phủ nhận Phạm Duy. Nhưng tôi cho rằng là, mình đồng ý với nhau về phê phán con người riêng và phê phán sáng tác của anh, để anh có hai chỗ riêng biệt. Tôi nghĩ như vậy sẽ đàng hoàng hơn, để cho chúng ta không đi đến một kết luận quá đáng về anh ấy.

ETC: Bùi Bích Hà nói rằng Phạm Duy là một người ngoại khổ, ông có nhận xét gì về nhận định này?

NĐQ: Thế nào thì thế tôi có cách riêng của tôi khi nhận xét về anh Phạm Duy. Tôi có cách nhận xét gần gũi hơn chị Bích Hà. Cá nhân riêng của anh Phạm Duy có khía cạnh đời sống mà chúng ta nói nó quá khổ hoặc này nọ kia, thật sự cũng nên cho anh một góc như vậy. Nhưng theo cái nhìn chung của một người bên ngoài, tất cả những phong phú về đời sống đó, đã đem lại cho anh khá nhiều chất liệu đặc biệt, để anh hình thành cho chúng ta những tác phẩm. Như nhạc tình của anh chẳng hạn, rất là phong phú. Đó là những tác phẩm mà chúng ta không thể phủ nhận được. Thành ra, phần đó tôi thấy nhận xét của chị Bích Hà, có thể chấp nhận được.

ETC: Trong lời nhạc của Phạm Duy, ông nói là: "Khóc cười theo vận nước nổi trôi."Theo ông, thì điều này hàm ý về chính trị hay văn nghệ?

NĐQ: Trong khía cạnh về chính trị, chúng ta thấy có hai điều. Về tính thể hiện chính trị của Phạm Duy rất là đặc biệt. Cảm tính theo cá nhân của anh, anh rất bay bổng. Như chúng ta đều biết anh theo kháng chiến, rồi anh bỏ kháng chiến, do cái nhìn riêng của anh. Khi anh không chấp nhận được, anh rời bỏ. Trong thời kỳ ở miền nam, anh cũng rất là tự do, nhiều lúc rất là sát với bên quốc gia, nhiều lúc cũng rất là nực nội. Do đó, chúng ta mới nghe, giai đoạn phẫn nộ như Bi phẫn ca và Phẫn nộ ca có những giá trị vào thời đó. Cho đến bây giờ chúng ta thấy, đôi khi anh trở về nước, anh có những phát biểu rất là mạnh, khó nghe. Chúng ta cũng hiểu rằng là, có những lúc anh phản ứng lại với cộng đồng về phong thái ở bên ngoài này đối với anh cũng rất là gay gắt. Nhưng chúng ta cần hiểu rằng, trước hay sau Phạm Duy vẫn là Phạm Duy. Anh có những biến thái chính trị và anh thay đổi theo. Anh có ảnh hưởng thời tiết chính trị, tôi thông cảm được với anh ở phần đó. Giai đoạn sau này, khi anh muốn trở về Việt Nam, tôi cũng được biết rất nhiều vì anh thường nói chuyện với tôi. Chính tôi, tôi cũng khuyên anh, nếu như tuổi già anh cảm thấy có một cuộc sống dễ chịu ở đất nước, anh nên về sống. Vấn đề là, chế độ đó có sự tương nhượng nào đó để anh sống được. Vì con người nghệ sĩ họ có hai điều, một là tâm cảm, họ cảm thấy ở đâu đem lại cho họ sự thoải mái, dễ chịu, hoặc đem lại cho họ sự thích thú, đấy là một chọn lựa. Điều thứ hai nữa, ở nơi nào còn có những người quí mình, hoặc mình có khán thính chúng của mình, như 82 triệu người trong kia, vẫn có một phần nào đó, một phần lớn hoặc một phần nhỏ, nhưng đó là con số quan trọng, người ta vẫn còn yêu quí anh, anh muốn giữ lại giá trị sáng tác của anh đối với một đại khối người lớn. Do vậy, những chọn lựa của anh là một chọn lựa không có gì để chúng ta phải ngạc nhiên cả. Vì ai cũng muốn như vậy, người ca sĩ cần có khán thính giả, người nghệ sĩ cũng cần có những người thưởng thức, giá trị đó. Tôi cho rằng anh ấy có quyền để chọn lựa một nơi mà anh thấy đời sống xứng đáng.

ETC: Anh nghĩ sao về chọn lựa có tính chất cá nhân Phạm Duy, là biểu tượng của âm nhạc Việt Nam, sự di động, đi qua đi lại, cho tới bây giờ, dù chúng ta có lên án, có bày tỏ thái độ với ông, thì quyết định về Việt Nam của Phạm Duy có ảnh hưởng gì đến gia tài âm nhạc của ông, đối với tập thể người Việt lưu vong ở hải ngoại?

NĐQ: Theo tôi nghĩ, những điều mà chúng ta nhận định là theo cảm quan, cảm tính, những nhận định theo tính cách chính trị của mình, của mỗi người. Mỗi người tự mình cho mình đứng ở một chỗ nào đó, rồi cho rằng, anh nghệ sĩ đó không nên thế này, không nên thế kia, không được thế nọ. Tôi cho rằng, những điều đó, nó không ảnh hưởng gì đến tất cả những tác phẩm của người nghệ sĩ đã làm ra. Chúng ta đã nói đến trường hợp của Trịnh Công Sơn, chúng ta cũng biết đến nỗi khổ của Văn Cao. Chúng ta không thể nào nói rằng, những người đó ở trong một thời đại nhiều tính di động như thế này, kể cả những quan niệm và ý niệm về chính trị. Chúng ta thấy đó cũng là những biến thiên rất là dễ hiểu, bình thường. Thế thì, tại sao mình lại bảo rằng ông đó phải đứng chỗ này hay đứng chỗ kia, hay ông ấy rời khỏi khu vực hải ngoại, đâu có nghĩa là tất cả những giá trị tinh thần nó đi ra khỏi người của mình đâu. Chúng ta nên chấp nhận một điều như vậy và chúng ta giữ lấy Phạm Duy vì Phạm Duy vẫn còn ở trong chúng ta, và chúng ta nhớ lấy như vậy. Không có gì khổ sở hơn khi chúng ta lấy một cái mũ chính trị ra để gạt một cái điều mà chúng ta bảo là hỏng và tác phẩm, giá trị của họ cũng vất luôn. Tôi cho rằng, cái nhìn như vậy nó không còn thích hợp ở trong thời đại này nữa.

ETC: Nói về vấn đề thời đại, vấn đề xu thế, hiện nay, dù không hẹn mà đến, có tới ba nhân vật lớn, một là một ông tướng quân sự, một ông tướng tôn giáo và một ông tướng văn nghệ…cùng về Việt Nam, theo ông, đây là một dấu chỉ tốt hay xấu?

NĐQ: Tất cả những điều đó, dù là tình cờ ngẫu nhiên hay là có tổ chức, đó là một dấu hiệu tích cực đối với chúng ta. Theo cái nhìn riêng của tôi, sự chia cắt của dân tộc chúng ta đã kéo dài trên 70 năm, kể từ khi có đảng cộng sản. Những điều đó đã làm cho chúng ta đau khổ thế nào. Tôi nói đây, không phải là sự đau khổ của riêng 3 triệu người ở hải ngoại, mà là sự đau khổ của mấy chục triệu người trong nước nữa. Họ đã trải qua quá nhiều mất mát, đau đớn, vậy mà chúng ta không nhìn thấy một hy vọng đến một ngày nào có một điều gì có thể gần gũi lại với nhau. Thành ra, kỷ niệm của 30 năm ra đi của người tị nạn chúng ta, tôi nghĩ rằng chúng ta lấy dấu mốc thời gian này để mà nhìn lại, hy vọng có một cái gì đó để làm lại cuộc kết hợp dân tộc. Điều đó rất quan trọng và lớn lao, chúng ta tránh đi xa chia rẽ phái, thế hệ này rồi thế hệ tiếp, thời gian nó không nằm ở phía ngoài nước như chúng ta, thời gian nó nằm ở phía người trong nước. Tất cả những việc đó, nếu chúng ta không nối kết được với người trong nước, với quê hương, với người dân, tôi sợ rằng chúng ta sẽ đi tới chỗ tàn lụi hoặc là không đóng góp được gì đáng kể cho lịch sử của đất nước trong nay mai. Thành ra, chuyện của ba vị kia, dù là một cách rất tình cờ, có người đã nối kết được với chính quyền để làm một cuộc trở về như tướng Kỳ, như ông Nhất Hạnh. Nhưng với ông Phạm Duy, có thể là một trường hợp ngoại lệ. Nhưng nhìn chung, đó là một dấu hiệu cho thấy rằng, vẫn có thể gần gũi, tiếp xúc được với đất nước và xứ sở của mình.

ETC: Ông là một nhạc sĩ lý tưởng, đối kháng với xã hội, trong thập niên 60-70, ông nhận xét gì về thời cuộc, về sự biến thiên của xã hội Việt Nam, kể từ 30 năm qua, dưới con mắt một nhạc sĩ lưu vong?

NĐQ: Tôi nghĩ người nghệ sĩ bị ảnh hưởng bởi tình trạng của thực tế, xã hội bên trong bên ngoài. Từ đó, họ có những suy nghĩ riêng, cảm xúc riêng. Khi họ phát biểu, đó là những phát biểu độc lập. Tôi cũng vậy, sau 30 năm, ở trong tình trạng, mình cùng với các bạn, chống lại những gì xấu xa, với tôi, những giá trị đó là vĩnh cửu. Tôi nghĩ rằng, những điều đó sẽ tồn tại hoài. Cho đến bây giờ, tôi vẫn thiết tha với những chuyện đó. Cả mấy năm nay, khi sinh hoạt trở lại, tôi vẫn nghĩ mình cần phải nói lên một điều gì đó để cho mọi người biết mình. Cần có những suy nghĩ đi gần với xã hội bây giờ và thể hiện được ước muốn của mình đến với mọi người. Rất may, tất cả những cuộc đi trình diễn của tôi ở khắp nơi, ý tưởng của mình được mọi người hiểu và chia sẻ. Tôi cho đó là điều thích thú vô cùng.

ETC: Nhân thời điểm 30 năm, 3 triệu người ra đi tìm tự do, ý nghĩa tự do với ông như thế nào?

NĐQ: Đối với chúng ta ở hải ngoại, chúng ta học hỏi một cách rất khổ nhọc. Vì tự do không phải là một bài học đơn giản. Đầu tiên, chúng ta đã phải trả giá qua những đớn đau, nhọc nhằn, từ những ngày vượt biên, vượt biển, vượt thoát một chế độ mà tính cách hà khắc của nó không thể nào tưởng tượng được. Nếu không có sự bạo tàn đó, chắc người Việt mình sẽ không bỏ nước ra đi khỏi biên giới. Cho nên dấu ấn của thời đó, vẫn còn sâu đậm trong mỗi chúng ta. Nếu tôi nhớ lại tháng ngày đó, từng giai đoạn, tôi nghĩ rằng là, mình khó lòng mà có sự rộng lượng để nhìn về tương lai. Thế nhưng, chúng ta cũng ta phải xét lại tình hình để thấy rằng, từ những năm sau này, tại đất nước, sau 15 năm ngu muội, tự họ cũng phải hiểu được những sai lầm, họ học được điều mới mẻ khả dĩ giúp cho đất nước được tồn tại. Việc đổi mới của họ, những công trình của họ làm sau này, từ từ cho thấy, kẻ thù của mình họ cũng có những bước mở ra. Bước mở đó, mình cảm thấy nó đã đủ chưa, nó có đáp ứng được cho mình hay chưa, để mình có thể rộng lòng cho họ phần nào sự tha thứ và mình tìm được cho mình nghĩa sống. Mình có kẻ thù đó, nhưng kẻ thù không phải là quê hương, không phải là 82 triệu người đang sống ở đó. Đó là cái nhìn mà tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải có ở năm thứ 30 này. Mọi người ở đây còn khác biệt nhau lắm, nhưng sự khác biệt đó rất quí, rất cần thiết. Chúng ta học ở ngoài này nền dân chủ, để có một cái nhìn rằng, càng có sự khác nhau, càng quí, khác biệt để bổ sung cho nhau. Khác nhau nhưng không phải đi đến chỗ tiêu diệt nhau, hủy bỏ lẫn nhau, loại trừ nhau. Đó là bài học lớn nhất, quí báu nhất của chúng ta, nhất là ở thế hệ chúng ta đã phải khổ sở, đớn đau đã phải gánh vác, chịu đựng trong thời gian qua.

ETC: Câu hỏi cuối, nếu có được một lời nói, một lời chúc dành cho NS Phạm Duy trước khi ông lên đường, ông sẽ nói gì?

NĐQ: Tôi chỉ mong anh Phạm Duy có được sức khỏe, sống vui giống như những ngày anh đã sống vui ở tại hải ngoại.

(Viet Weekly, 2005)
* * *

No comments: