*
Viết về Phạm Duy, bao người đã viết, lời đẹp
vô cùng, tình đầy bất tận... Nói về Phạm Duy, giờ sẽ nói gì? Nói gì đây cho
mình không đi quẩn quanh trong các lối đường xưa cũ tràn ngập hỷ, nộ, ái, ố...
mà Duy từng thấy, từng nghe?
Hai thế kỷ cho một kiếp người, quá đủ thăng trầm, quá nhiều rộn ràng,
biết bao nghi ngại... Vậy mà kẻ lữ hành trên nhạc lộ Phạm Duy vẫn cứ thong dong
đi hết miền trần thăm thẳm của riêng mình, yêu đời này, sống trọn vẹn đời này.
Nhìn Duy mãi là Duy, dẫu cho Duy là Duy của ngày cũ, Duy của ngày nay hay Duy
của ngày sau xa xôi đi nữa, tình thương đối với Duy ngày càng sâu đậm trong
tôi, tình bạn của hai anh em vĩnh viễn bền chặt trong nhau.
Đã quá 90 năm rồi, Phạm Duy và Trần Văn Khê vẫn cứ thân thiết đi cùng
nhau trên chuyến xe đời, vẫn ôm nhau khóc cười bao trận giữa nhân sinh. Để rồi
với những hạnh phúc, khổ đau từng nếm đó, tôi tìm ra trong cuộc đời hai anh em
những tương đồng kỳ lạ mà ít tình bạn thâm giao nào có thể có được. Hy hữu
chăng? Hay do ông Trời sắp xếp? Thôi thì để các bạn tự mình ngẫm nghĩ vậy...
1. Thời thơ ấu hồn nhiên
Chúng tôi chào đời trên dải đất
Việt Nam cùng trong năm Tân Dậu (1921) và cách nhau 3 tháng. Tôi sanh tại Tiền
Giang (miền Nam nước Việt) trong một gia đình bốn đời nhạc sĩ truyền thống, còn
Phạm Duy thì sanh tại Hà Nội (miền Bắc nước Việt) trong một gia đình văn nhân,
nghệ sĩ (có cha là cụ Phạm Duy Tốn - một nhà văn). Tôi tự hỏi không rõ số phận
đã sắp đặt như thế nào để hai anh em chúng tôi, tuy cách xa nhau về địa lý mà
lại có nhiều sự gần gũi trong cuộc sống đến như thế?
Thuở nhỏ, tôi đã được cậu Năm tôi
là ông Nguyễn Tri Khương đặc biệt thai giáo từ lúc còn trong bào thai. Đều đặn
mỗi ngày, cậu Năm đến thổi sáo cho thai nhi nghe. Lúc chào đời, tôi vừa được
nghe tiếng sáo của cậu Năm vừa được nghe thêm tiếng tỳ bà của ông nội. Cả một
thời thơ ấu của tôi được tắm nhuần trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, giữa
một vùng đất đậm chất đờn ca tài tử. Chẳng biết Duy đã được thai giáo như thế
nào, nhưng nhìn thấy tánh cách của Duy, từ phong thái, tính tình đến lối sống,
tôi cảm thấy Duy đã được sống trong một không gian thật tự do, chan chứa niềm
mê say với thế giới tuổi thơ đầy thơ mộng của mình.
Môi trường sống nơi “thôn ổ”
(theo cách Duy nói) đã tạo cho bạn có được những trải nghiệm tuyệt vời khi còn
là một đứa trẻ. Duy là đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên, mà cũng có những lúc tinh
nghịch, hiếu kỳ đối với muôn chuyện lý thú xung quanh. Nhãn quan trẻ con của
Duy lúc bấy giờ có nhận thức khá rõ rệt về những gì xảy ra trong đời sống của
mình. Duy lại có trí nhớ rất tốt để ghi lại bao nhiêu câu chuyện ngày xưa, mà
khi tôi đọc lại hồi ký của bạn, có thể tưởng tượng thấy những hình ảnh ấy hiện
rõ mồn một trước mắt, như mình đang đi vào trong ký ức của Duy để viếng thăm
một thời đã qua của bạn, với những dòng chữ do tự tay Duy phác thảo và đánh
máy. Trí nhớ về tất cả quãng đời mà bạn đi qua đã ghi lại rất nhiều điều độc
đáo về chân dung của những con người bạn đã gặp, những thăng trầm của một xã
hội, những biến thiên của một giai đoạn lịch sử... Tuy không được thai giáo như
tôi, nhưng Duy đã được sống giữa phong khí văn chương, âm nhạc. Cha mẹ không
phải là nhạc sĩ, nhưng Duy có người dì chuyên hát ca trù và bản thân Duy đã sớm
tiếp cận với môn nghệ thuật tế nhị, sâu sắc của âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Duy cũng có dịp nghe và thích ca nhạc Huế ngang qua tiếng đàn tranh của bà thầy
dạy hai người chị. Nhờ sống nơi làng quê, gặp gỡ với người nông dân nên Duy
cũng quen thuộc với dân ca từ nhỏ... Có gì thích thú cho bằng đứa trẻ được sống
thật vui tươi, nồng nàn tuổi xanh giữa thiên nhiên tự tại, ngấm vào máu xương
nét đẹp văn hóa dân tộc tự lúc nào mà không hay!
Tôi mồ côi cả cha và mẹ, nhưng có
người cô đã thay mặt cha mẹ dạy dỗ tôi từ bé, và tập cho tôi biết sống tự lực
cánh sinh. Tôi được nên người như hôm nay cũng do phần lớn ở công lao săn sóc,
dưỡng dục của cô Ba tôi – một người phụ nữ tài đức vẹn toàn. Sống trong cảnh
nghèo, người cô vẫn sớm hôm tảo tần nuôi dạy cho anh em tôi ăn học.
Phạm Duy tuy mồ côi cha nhưng còn
có mẹ. Mẹ của Duy cũng giống như hầu hết các bà mẹ Việt Nam trong xã hội Hà Nội
trí thức tiểu tư sản, đã khéo xoay xở để nuôi anh em Phạm Duy khôn lớn.
Trong gia đình tôi không có ai
theo đạo Phật, nhưng cạnh nhà tôi có ông thầy cúng. Mỗi lần ông dạy học trò là
tôi đứng ngoài học lóm. Chính vì vậy mà tôi thích tụng niệm kinh Phật. 5 tuổi
mà tôi đã đọc Chú Vãng Sanh rất làu. Đến nỗi cả xóm mỗi khi ai có phận sự cắt
cổ gà để đãi khách thì đều phải nhờ cậu bé Khê đến đọc Chú Vãng Sanh để cho con
gà được đầu thai. Tôi cũng thuộc kinh A Di Đà và sau thì thuộc tới Bát Nhã Ba
La Mật Đa tâm kinh. Ngoài ra, tôi còn bắt chước thầy cúng tán “ly bà ly bà đế...” mà không hiểu lời
chi cả.
Thật là một sự trùng hợp hy hữu!
Duy lại được mẹ dạy tụng những câu kinh Phật như: ”…Lư hương xạ nhiệt, pháp giới mông vân, chư Phật hải hội...”.
Duy cũng thuộc kinh rất nhiều. Duy thuộc cả kinh Dược Sư, đọc vanh vách cũng
như tôi đọc “ly bà ly bà đế...”, mà
không hiểu chữ nào! Duy chỉ đọc thuộc theo bản tánh tự nhiên của con trẻ do có
được sự ảnh hưởng Phật giáo ngay lúc nhỏ từ người mẹ của mình. Trong hồi ký,
Duy đã kể lại, tuy không giàu có để có thể luôn luôn mua đồ chơi hay may quần
áo mới cho các con, nhưng mẹ Duy đã biểu lộ tình yêu thương bằng cách luôn cho
Duy đi theo mẹ trong bất cứ một cuộc lễ xa gần nào. Nhờ đi lễ ở nhiều đền chùa
nổi danh miền Bắc, nhìn thấy cảnh đẹp của những ngôi chùa cổ làm cho Duy muốn
trở thành một con người hiếu đạo.
Tôi và Duy đều là những đứa trẻ
có sự ham thích âm nhạc, văn chương một cách đặc biệt. Vốn sanh ra trong một
gia đình âm nhạc tài tử truyền thống, tôi đã có được một năng khiếu về nhạc
ngay từ nhỏ. Nghe người lớn đờn mà tôi có thể tự mò trên cây đờn kìm nhiều bản
dễ như Lưu Thủy, Bình Bán, Kim Tiền... Tôi không được học chánh thức với một
người thầy nào hết, nhưng may mắn được nhiều người chỉ giáo. Chỉ riêng cậu Năm
Khương đã dạy tôi đờn bài Ngũ Đối Hạ trên cây đờn cò lúc 8 tuổi và cô Ba tôi
dạy tôi bản đờn tranh Nam Xuân nhịp tư lúc tôi lên 12. Anh Ba Thuận - con cậu
Năm là người gần gũi tôi nhứt và hay hòa đờn với tôi. Chính anh là người đầu
tiên dạy tôi đờn bản Vọng cổ nhịp 8 trên cây đờn kìm.
Riêng Duy, do được sanh ra trong
một gia đình có bố là văn sĩ, các anh em ruột cũng như anh em họ đều có máu văn
chương, đến khi bố mất lại được các bạn văn chương của bố chăm sóc việc học
tập, cho nên ngay từ nhỏ, Duy đã có một sự nhạy bén với văn chương và thi ca.
Tôi không ngờ rằng Duy lại có một người anh họ rất nổi tiếng là Ôn Như Nguyễn
Văn Ngọc, tác giả 2 cuốn “Tục ngữ phong dao” và “Cổ học tinh hoa” là cuốn sách gối đầu giường của tôi hồi học
tiểu học.
Ngay khi còn nhỏ, Duy đã bộc lộ
tánh cách rất “bạt mạng” và ưa phiêu lưu đây đó, như đám mây “Mộng Vân” thuở
nhỏ mẹ Duy nằm mơ thấy. Phạm Duy đã từng bỏ nhà theo một anh làm trò “quỷ
thuật” sau khi bị mê hoặc bởi cuốn tiểu thuyết Vô gia đình (Sans Famille) của nhà văn Pháp Hector Malot. Cũng thật
trùng hợp với tuổi thơ “bỏ nhà đi giang hồ” của Duy, tôi cũng có lần
“quên về nhà” vì đi coi những trò ảo thuật của gánh hát Mai Thành Cát, đặc biệt
rất say mê tiếng ngâm sa mạc của một người nghệ sĩ trẻ tuổi tên Sáu. Tôi vốn
sanh trong gia đình âm nhạc, lại ưa nghệ thuật, nên khi nghe anh Sáu ngâm thì
cảm thấy rất xúc động. Vãn hát đêm đó, tôi không về nhà mà ở lại ghe hát gặp
anh Sáu. Hai anh em trò chuyện với nhau tới sáng, không muốn rời nhau. Ông Mai
Thành Cát nhân thấy sự thân thiết của chúng tôi nên muốn xin cô tôi cho tôi đi
theo gánh hát của ông để ông truyền nghề. Cô tôi không đồng ý, lại còn rầy tôi
về tội đi coi hát mà không nhớ giờ về nhà.
Cuộc sống tuổi thơ của Duy gắn
liền mật thiết với Hồ Gươm đầy thi vị. Trong tâm tưởng của Phạm Duy, Hồ Gươm là
một nơi thơ mộng, như “con mắt buồn bã của người tình”, như một “hồn ma người
đẹp” trong truyện Liêu Trai với mỗi buổi chiều mùa lạnh sương mù tỏa xuống mặt
hồ. Duy thấy được những hoàn cảnh thực tế của nước hồ xanh đục lặng lẽ, những
xác người treo cổ trên cây đa bên bờ hay trầm mình xuống nước hồ... qua đôi mắt
trẻ con lúc nào cũng hừng hực nỗi... hiếu kỳ! Và Duy cũng đã chứng kiến những
môi hôn ngọt từ các cặp tình nhân trên cầu Thê Húc dẫn lối vào đền Ngọc Sơn.
Ngay cả con sông Hồng, nơi mà Duy hay chạy chơi trên bãi cát rộng vào mùa nước
cạn, hoặc đứng coi mọi người trong khu phố phấp phỏng ngồi canh mực nước đề
phòng lũ lụt vào mùa nước lũ, đã gắn bó không biết bao nhiêu cái tình thơ dại
của Duy với cảnh vật nơi đây.
Tôi không có được Hồ Gươm đầy thi
vị và sông Hồng rộn ràng khi nước cạn, lúc nước lũ như Duy, nhưng tôi được sống
trong nông trại của cậu Năm tôi, mắt luôn nhìn những thửa ruộng xanh cò bay
thẳng cánh, vào mùa cấy thì được nghe những câu hò điệu lý của những đoàn công
cấy. Tôi cũng rất thương con sông Sầm Giang chảy qua trước nhà tôi tại Chợ
Giữa, thích chèo đò ngang và tắm lội trong dòng sông Sầm Giang “rì rào dừa nước hai bên” (trong một câu
thơ mà Xuân Diệu viết tặng tôi nhân dịp nghe đờn ca tài tử trên sông). Đêm đêm,
vang tiếng hò đối đáp trên sông! Nơi này đã gắn liền với tôi rất nhiều kỷ niệm
thân yêu, mộc mạc. Sầm Giang là con sông nối liền hai làng Vĩnh Kim Đông và
Vĩnh Kim Tây, mà Chợ Giữa thuộc Vĩnh Kim Đông, cho nên những người ở Vĩnh Kim
Tây mỗi sáng đều đi đò ngang sang Vĩnh Kim Đông để họp chợ. Vì thế mà tôi rất
thích thay anh lái đò để chèo những chuyến đò ngang chở người lại qua. Trên
những chuyến đò đó, tôi từng nhiều lần được thấy hình ảnh người mẹ đi chợ về,
trên bờ đứa con ngồi chờ mẹ, rồi khi người mẹ đưa chiếc bánh phồng cho đứa con
thì đứa nhỏ chạy lại ôm mẹ thật chặt, trong ánh mắt hiện lên niềm quấn quýt
thương yêu rất xúc động và đậm đà tình mẫu tử. Qua những chuyến đò ngang ngày
ấy, tôi đã làm một sợi dây nối kết đưa người mẹ về với con, và có lần tôi có
dịp cứu 2 đứa trẻ sắp chết đuối.
Tôi cũng đã có dịp ghi lại những
cảm xúc đó trong bài thơ “Vịnh cây chèo”, một bài tập trong lớp dạy văn và chữ
Hán cho cấp tiểu học ở Trường Tam Bình (Vĩnh Long) của thầy Thượng Tân Thị -
một thi nhân đã sáng tác 10 bài “Khuê phụ thán”, lúc tôi 13 tuổi:
“Một mình làm chúa giữa dòng sông
Bát cạy ngược xuôi tiếng đập đùng
Quyết chí đưa người qua bể khổ
Hết lòng cứu kẻ thoát trầm luân”
Bát cạy ngược xuôi tiếng đập đùng
Quyết chí đưa người qua bể khổ
Hết lòng cứu kẻ thoát trầm luân”
Duy cũng biết làm thơ từ lúc nhỏ,
lại được những nhà văn lớn như Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh chăm lo từ bé,
nên chất văn chương bén rễ dần trong Duy là lẽ tự nhiên. Bài thơ đầu tiên của
Duy phóng khoáng, nghịch ngợm mang đầy dấu ấn của tuổi thơ:
“Nhà tôi ở phố hàng Dầu
Số nhà 54, đứng đầu du côn”
Số nhà 54, đứng đầu du côn”
Từ nhỏ đã có phong cách phóng
túng, không chịu gò bó, thơ văn tự do nghịch ngợm, nhưng chất thơ trong người
Duy rất dồi dào, về sau trong những bài hát do Duy sáng tác luôn luôn đầy thi
vị.
Trong gia đình bên ngoại Phạm Duy
có người họ Lưu, dòng dõi Lưu Vĩnh Phúc, bị Pháp gọi là “giặc”. Trong hồi ký,
Duy viết: “Thế ra trong tôi có dòng máu
nổi loạn à? Người Pháp gọi Lưu Vĩnh
Phúc là giặc - Giặc Cờ Đen - nhưng đối với tôi, ông là người làm Cách Mạng”... Duy đã sớm nhận ra được những nỗi thống khổ
của dân mình do thực dân Pháp gây nên, và tự nhận thức được những gì mà
ông Duy làm không phải là việc làm của một kẻ “nổi loạn” chống lại luật pháp
của kẻ mang quân đi đánh chiếm quê hương mình. Cái “nổi loạn” của người ông bên
ngoại Duy là nổi loạn để làm cách mạng, để thoát khỏi cái ách gông xiềng, thuộc
địa. Và cũng thật ngẫu nhiên, Duy cũng tình cờ được tiếp xúc với những nhà cách
mạng yêu nước qua những bài hát tuyên truyền thời đó. Duy cảm thấy thích những
bài hát này và những hành động cách mạng của các vị tiền bối đã khiến Duy xúc
động, vì Duy tận mắt mục kích được hành động của những người anh hùng bằng
xương bằng thịt ngay chính trên đất nước này chớ không phải nơi nào xa vời.
Và thật lạ, tôi cũng có cơ hội
sớm tiếp xúc với những nhà cách mạng bằng xương bằng thịt ngay trên quê hương
như Duy, nhưng không phải do tình cờ mà do họ là những người cùng tổ chức với
mẹ tôi. Mẹ tôi là một người sớm gia nhập “Thanh Niên Cách mạng đồng chí hội”,
tiền thân của Đảng Cộng sản và trong lúc tôi còn nhỏ đã giới thiệu với tôi
những người bạn đồng hành, toàn là những người xả thân vì nước.
Tôi được những người cách mạng cùng
tổ chức với mẹ cho nghe những bài hát như “Ơi hỡi đồng bào”, mà lạ thay Phạm Duy cũng tình cờ biết được
bản đó. Tôi cũng được tiếp cận với một số bài do những nhà cách mạng
phỏng theo làn điệu dân ca Pháp mà đặt lời Việt để nhắc nhở dân tộc Việt Nam là
một dân tộc bị mất nước, bị trị. Thuở đó, tôi thường hát đi hát lại:
“Ơi hỡi đồng bào, ơi hỡi đồng bào!
Mau tỉnh dậy! Mau tỉnh dậy!
Nước mất! Nước đã mất rồi!
Dân lầm than! Dân lầm than!”
Mau tỉnh dậy! Mau tỉnh dậy!
Nước mất! Nước đã mất rồi!
Dân lầm than! Dân lầm than!”
Bài ca lời Việt phỏng theo bài
dân ca Pháp “Frère Jacques” (Thầy dòng
tên Jacques) thì tại Hà Nội, Phạm Duy cũng đã nghe bài ấy:
“Hỡi hỡi đồng bào! Hỡi hỡi đồng bào!
Tỉnh dậy mau! Tỉnh dậy mau!
Nước ta đã mất rồi
Mau tỉnh mau, mau tỉnh mau!”
Tỉnh dậy mau! Tỉnh dậy mau!
Nước ta đã mất rồi
Mau tỉnh mau, mau tỉnh mau!”
Ngày còn thơ ấu, tôi học trường
tiểu học tại Tam Bình - Vĩnh Long. Tôi rất thích môn Récitation (trả bài học
thuộc lòng bằng tiếng Pháp) và được thầy dạy cho cách đọc ngụ ngôn của La
Fontaine (Le Loup et L’agneau), vừa đọc vừa ra bộ, diễn xuất làm con chó sói và
con trừu (cừu). Cách học đó thật thích hợp với tánh ưa biểu diễn của tôi.
Còn Duy học trường tiểu học tại
Hàng Vôi - Hà Nội. Duy cũng rất thích Récitation, được thầy dạy đọc, dạy diễn
xuất người sĩ quan và người lính bị thương trong bài “Après la bataille” (Sau
trận đánh) của Victor Hugo.
Trong thời kỳ tiểu học, tôi rất
thích những bài học về sử ký hay luân lý mà hát lên theo điệu đờn ca tài tử, có
khi bằng cả tiếng Pháp: “Mes chers enfants” theo điệu Hành Vân. Phạm Duy cũng
thích y một bài đó bằng tiếng Pháp.
Cùng một bài Bình Bán Vắn mà tôi
học 2 bài tiếng Việt:
“Liu tồn liu xáng u
Xáng trên đầu ba bốn cục u…”
Xáng trên đầu ba bốn cục u…”
Và tiếng Pháp:
“Il était une fois…
Une jeune fille appelée Jeanne d’Arc
Son père était Jacques d’Arc
Sa mère Isabelle Rosner”
Une jeune fille appelée Jeanne d’Arc
Son père était Jacques d’Arc
Sa mère Isabelle Rosner”
(Ngày xửa, ngày xưa,
Có người thiếu nữ tên là Jeanne d’Arc
Cha tên là Jacques d’Arc
Mẹ là Isabelle Rosner)
Có người thiếu nữ tên là Jeanne d’Arc
Cha tên là Jacques d’Arc
Mẹ là Isabelle Rosner)
Cũng giai điệu bài Bình Bán, Phạm
Duy học lời ca khác:
“Tôi chờ cô tối qua
Đến bây giờ chẳng thấy cô qua…”
Đến bây giờ chẳng thấy cô qua…”
Mặc dầu không được học hết trung
học vì bị người anh bắt chuyển sang học nghề, nhưng Duy vẫn rất ham học hỏi,
rất thích tiếng Pháp và đặc biệt rất thích đọc sách. Nhờ trong nhà có người anh
là Phạm Duy Khiêm rất giỏi về Pháp văn (ông là Thạc sĩ văn chương Pháp), lại có
một tủ sách nên Duy thường hay lén đọc và đã làm quen với những nhân vật trong
nhiều bộ tiểu thuyết bằng tiếng Pháp của các tác gia nổi tiếng.
Ở trong Nam, tại làng tôi có một
người tự học tiếng Pháp và có một tủ sách riêng, tên là Trần Năng Thận, tôi hay
gọi là bác Sáu Thận. Bác không cho ai mượn sách cả vì sợ bị người khác làm hư.
Nhưng khi thấy tôi cẩn thận lúc đọc sách nên bác cho tôi thong thả muốn đọc bao
nhiêu cũng được. Do đó, tôi cũng đã biết đến nhiều nhân vật trong các cuốn tiểu
thuyết của những tác gia lớn giống như Phạm Duy. Đọc sách rồi, tôi thuật lại
cho cô và mấy em tôi nghe nội dung sách bằng tiếng Việt. Cô tôi không đọc được
tiếng Pháp mà vẫn biết rõ cốt truyện của tiểu thuyết Notre Dame de Paris của
Victor Hugo, trong đó, anh chàng gù lưng Quasimodo yêu nàng vũ nữ Esmeralda...
Ngoài ra, anh em chúng tôi còn ưa
thích cái việc đóng tuồng theo những nhân vật anh hùng hiệp sĩ, kiếm khách. Duy
thì ưa đóng tuồng theo phong cách kiếm hiệp, còn tôi thì thích đóng tuồng cải
lương. Tôi đã có thời kỳ mê đóng vai Tarzan - người hùng của rừng xanh, từng
cởi trần đánh đu trên cây da, hú lên những tiếng hú vang dội như Tarzan ở rừng
sâu. Còn Duy thì lại trở thành hiệp sĩ Zorro đeo mặt nạ, mang gươm đòi công lý.
Tôi thích xem bóng đá và cũng
từng tổ chức nhiều cuộc đấu bóng đá cho Hội Thể thao Trường Pétrus Ký, ra Hà
Nội luôn ủng hộ đội bóng đá của trường đại học bằng những hành khúc của Lưu Hữu
Phước. Chúng tôi hát bản “Marche des Étudiants” (Sinh viên hành khúc) mỗi khi quả bóng lọt vào lưới đối phương.
Duy cũng mê đá bóng kinh khủng,
luôn luôn theo dõi thành tích của Hội ÉCLAIR (Tia Sáng) vốn là hội bóng nhà,
trụ sở ở ngay phố Hàng Tre. Mê đến độ nhớ tên các cầu thủ theo thứ tự ra quân,
như nhớ một bài thơ không có vận:
Ty, (thủ môn) Tâm, Biềng (hậu vệ)
Mao, Tâm, Thịnh (trung phong)
Phao, Mai, Hựu, Trọng, Tín (tiền đạo)
Mao, Tâm, Thịnh (trung phong)
Phao, Mai, Hựu, Trọng, Tín (tiền đạo)
Hồi còn nhỏ, tôi rất ưa xem
xi-nê, thích nhất là cô đào Danielle Darieux. Duy cũng ưa xem xi-nê, mà thích
nhất là cô đào Anabella. Té ra hai em chúng tôi cũng có sở thích giống nhau: cả
hai nàng diễn viên mà hai anh em thích đều có đôi mắt xanh và mái tóc vàng.
Thật là mơ mộng!
Trong những trò giải trí của con
nít thời bấy giờ, tôi thích xem hát xiệc nhưng đồng thời cũng thích luôn trò ảo
thuật, thôi miên và rất mê gánh hát của Mai Thành Cát. Duy cũng ưa hát xiệc,
nhưng thích nhất những trò điều khiển thú dữ và mê gánh hát của Tạ Duy Hiển.
Và thêm nữa, hai tâm hồn lãng mạn
cũng từng thả hồn vào những con sóng xanh ngoài đại dương. Chúng tôi rất yêu
biển!
Hai anh em Duy và Khê đều mang
thân phận trẻ mồ côi. Người thì mồ côi cha, kẻ thì mồ côi mẹ, và sau này là mồ
côi luôn cả cha lẫn mẹ. Tuy nhiên, có cái may là hai đứa nhỏ vẫn được người
thân chăm sóc, dạy dỗ đàng hoàng, cho nên không có mặc cảm của một đứa trẻ mồ
côi, không bị hoàn cảnh hẩm hiu làm cho cảm thấy nhiều đau khổ, mà cả hai đều
tự tạo cho mình một cuộc đời của riêng mình, không chờ đợi sự che chở, dạy dỗ
của cha mẹ một cách tuyệt đối giống như bao bạn bè cùng trang lứa.
2. Bước chân thanh niên vào đời
Thuở đó, ca sĩ Tino Rossi được
người Việt tôn sùng. Những người nào thích ca sĩ này thì vào nhóm mang tên là
“Ái Tino”, nếu ai không thích thì vào nhóm “Ố Tino”. Trong Nam, tôi đứng về
những người “Ái Tino”, chẳng những thích nghe Tino Rossi biểu diễn mà chính tôi
cũng học thuộc và biểu diễn những bài do Tino giới thiệu qua dĩa hát, còn bắt
chước sắm luôn những trang phục y hệt như thần tượng. Tại Hà Nội, cũng có sự
kiện 2 phe như thế, Phạm Duy cũng ở trong nhóm Ái Tino nhưng Phạm Duy không chỉ
ưa Tino Rossi mà còn thích Albert Préjean và ca sĩ trào phúng Georges Milton.
Khi tôi chỉ huy dàn nhạc Schola
Club, bài đầu tiên dàn nhạc giới thiệu là bài “C’est à Capri” (Tại thành phố
Capri, nơi tôi đã gặp nàng). Trong
những bài Phạm Duy thích, Duy vẫn còn nhắc lại bài đó.
Lúc ở Pháp, tôi rất thích nữ ca
sĩ Juliette Greco, chuyên hát những bài theo chủ nghĩa hiện sinh với chất giọng
khàn khàn rất đẹp. Đồng thời, cũng có một nữ ca sĩ rất trẻ tên Nicole Louvier
mới xuất hiện, phong cách của Nicole là tự hát và tự đệm guitar. Cô lại biết
sáng tác những bài hát có giai điệu ngọt ngào, mang hơi hướng âm nhạc phương
Đông. Tôi hết sức thích phong cách của cô này, nên đã từng đề nghị sử dụng đờn
tranh để đệm đờn cho cô hát. Louvier rất thích nên đã có mời đài phát thanh
(Radio France) tới ghi âm lại những bài cô hát mà tôi đàn tranh để làm kỷ niệm,
nhưng cô nổi tiếng không bao lâu rồi giây phút huy hoàng ấy cũng thoáng qua.
Tôi không ngờ rằng Phạm Duy cũng
đã gặp ca sĩ đó và sáng tác lời Việt Nam cho những bài ca của cô. Lúc Phạm Duy
sang Pháp, Duy cũng thích 2 người ca sĩ đó nhứt: Juliette và Nicole. Nhưng Phạm
Duy có lẽ tiếp xúc với họ gần gũi hơn tôi, nên nhớ đến một điều rất thực là “cô
bé Nicole dễ thương mà hôi nách”! Phạm Duy lại còn đặt lời Việt cho bản “Qui me délivra” (Duy để tựa là “Ai sẽ giải thoát tôi?”) mà Nicole
tự sáng tác và hát.
Trong lãnh vực điện ảnh cũng vậy,
chúng tôi đều làm những việc giống nhau: viết phụ đề phim, lồng tiếng phim (từ
tiếng Pháp, Anh sang tiếng Việt) và cả việc đóng phim. Nhưng rồi sau khi có
được tiền thù lao rất hậu, tôi lại trở về soạn Luận án Tiến sĩ tại Đại học
Sorbonne. Mỗi ngày, tôi vẫn xếp hàng để ăn cơm tại quán ăn sinh viên cho đỡ
tốn. Đối với tôi, tham gia vào điện ảnh là để có một số tiền sanh sống mà làm
luận án Tiến sĩ, mặc dầu được nhiều hãng phim bên Anh mời sang đóng nhiều phim
khác, nhưng tôi từ chối. Phong cách đó cũng rất tài tử.
Ngược lại, Phạm Duy khi bước chân
vào điện ảnh cũng làm tất cả những công việc như tôi đã làm, nhưng với tư cách
là một nhân viên chuyên nghiệp của Trung tâm Điện ảnh Việt Nam. Phạm Duy đã có
lần làm cả đạo diễn cho nhiều phim. Trong thời gian 10 năm làm việc ở Trung tâm
Điện ảnh, với khởi đầu là việc viết truyện phim cho tới khi trở thành phó giám
đốc trung tâm, Phạm Duy đã thực hiện nhiều bộ phim giá trị về âm nhạc, kịch
nghệ Việt Nam, như phim về hát bội, các điệu hò và một thiên nghiên cứu về nhạc
Chăm.
Duy đã trải qua cuộc sống tại
nông thôn rất lâu, sống chan hòa với những người nông dân và cảnh vật miền quê,
lại hưởng được những mối tình thôn dã. Chính cuộc sống như thế đã giúp cho Duy
có thêm kinh nghiệm ở đời, vừa làm giàu thêm chất liệu cho sự sáng tác của Phạm
Duy sau này.
Tôi từ Sài Gòn ra Hà Nội từ năm
1941, sống cuộc đời sinh viên trường thuốc, không có cơ hội vui sống cảnh thiên
nhiên thôn dã, gặp gỡ những người nông dân như Phạm Duy. Những người tôi gặp gỡ
hầu hết là sinh viên trường đại học, nữ sinh Trường Đồng Khánh thuộc giới tiểu
tư sản, lại bắt đầu sống giữa những người thanh niên lúc đó đang theo một phong
trào mang tên là “vui vẻ, trẻ trung”, chỉ biết ăn mặc đẹp, tán gái thị thành,
khiêu vũ những đêm cuối tuần trong các vũ trường. Tôi cũng đã gặp nhiều thiếu
nữ Hà thành, nhiều cô rất đẹp và giỏi. Các cô đó quyết định rằng “phi đại học
bất thành phu phụ”, phải là người lên tới đại học thì các cô mới ưng. Nhưng tôi
không bao giờ bị các cô cám dỗ mà quên đi nhiệm vụ chính là học hành.
Cuối
năm 1944 - đầu 1945, sinh viên Hà Nội đã chứng kiến được những nạn nhân chết
đói bên lề đường nên khi trở về Nam sau phong trào xếp bút nghiên, tôi lập ra
một nhóm diễn hài kịch của Huỳnh Văn Tiểng và hát những bài tân nhạc của Lưu
Hữu Phước, đi khắp Hậu Giang tổ chức những đêm văn nghệ bán vé lấy tiền mua gạo
cứu đói. Chúng tôi rất được trí thức ở các tỉnh ủng hộ bằng cách bán vé, có
người lại mua vé cho các trường để học sinh đi xe miễn phí, cùng đi khắp nơi và
khi trở về Sài Gòn, chúng tôi có dịp diễn tại rạp hát Aristo, lúc đó nổi tiếng
là một rạp hát giới thiệu tân nhạc nhiều nhứt.
Cùng trong lúc đó, Phạm Duy không
còn tham gia gánh Đức Huy đang hát cho đài Pháp Á những bản tân nhạc 3 lần
trong một tuần. Nhưng khi biết được có nạn đói do người Pháp và người Nhựt
tranh chấp nhau, không cho chở gạo thừa thãi miền Nam ra miền Bắc đang thiếu
thốn nên gây ra một nạn đói rất khủng khiếp, Phạm Duy cũng lấy tiếng hát của
mình tham gia một nhóm thanh niên giới thiệu tân nhạc, có lần biểu diễn tại rạp
Aristo để lấy tiền mua gạo cứu đói. Chúng tôi không gặp nhau mà cùng có những
cách làm giống nhau ở chỗ đem tài nghệ của mình để phục vụ đồng bào trong lúc
khó khăn.
Năm 1947, tôi bị bắt nhốt vào
khám Catinat vì bị nghi là Việt Minh tại thành. Nhưng sau 3 tuần lễ, nhờ sự can
thiệp của một vài người quen, đồng thời Ban kháng chiến tại thành đã lo lót cho
một số mật thám, nên tôi được thả ra.
Trong khám, tôi được 3 phe ủng
hộ: phe kháng chiến cùng tôi chia sẻ những viên đường từ bên ngoài tiếp tế vào;
phe nhóm những người Quảng Đông (bị nhốt vì làm giấy thông hành giả cho Việt
Minh) thích tôi vì đã thuật lại những chuyện vui cho nhóm này nghe, và phía du
côn chiếm cả khu cầu tiêu là khu rộng rãi nhất do mùi hôi thúi cho nên không ai
chịu nằm gần đó. Trong số những người tù nhân du côn đó, có một anh trước kia
giúp việc cho người bà con của tôi, mà là “sếp sòng” đám này, gọi tôi bằng “cậu
Hai” nên không ai dám làm gì tôi hết. Tại đó, các anh em tù nhân lại đục một
ống nước để cho nước nhỏ giọt, lấy nước đó rửa mặt hoặc hứng vào lon để dành
xối vào người khi nóng bức.
Năm 1951, Phạm Duy cũng bị bắt và
nhốt vào khám Catinat cùng một lúc với Lê Thương và Trần Văn Trạch, nhưng bốn
tháng sau mới được thả ra. Trong khám, Duy gặp một người từng có tiền sự vào tù
ra khám, hiện đang bị nhốt vào Catinat để chờ ngày bị đưa ra Côn Đảo nên được
tù nhân gọi là “ngục vương”. Ông này có cảm tình với Duy nên cho Duy dựa lưng
vào một bức tường gần cầu tiêu để ngủ. Ở tù mà hai anh em chúng tôi cũng được
người ta thương mến, thật là khó có trường hợp nào giống nhau đến vậy!
Tôi thích làm văn nghệ hơn làm
chánh trị. Với tánh cách của tôi, tôi thấy trong chánh trị phần nhiều phải nói
tiếng nói của lý trí. Một khi tiếng nói của lý trí đã lấn át rồi thì tiêu diệt
cả tình cảm. Còn lý trí của tôi thì phải có đường cho tình cảm thoát ra, lý trí
chỉ được sử dụng như một phương tiện để kiểm tra tình cảm đừng đi quá đà mà
thôi.
Đời tôi không muốn cầm súng bắn
ai, mà cũng không muốn ai cầm súng bắn mình, cho nên khi trình bày với cấp lãnh
đạo kháng chiến, tôi đã xin phép để được làm những công việc hậu phương như làm
công việc cứu thương trong bệnh viện, hay làm trong dàn nhạc... Khi nghe những
lời trình bày của tôi, những người có trách nhiệm trong Ủy ban kháng chiến với
một tinh thần cởi mở đã chấp nhận quan điểm của tôi, bổ nhiệm tôi làm Nhạc
trưởng quân đội Nam bộ, với cấp Đại đội trưởng, được quyền lưu thông khắp Nam
bộ và sung công những nhạc cụ, nhạc khí, kể cả nhạc sĩ nào cần thiết. Tôi đi
kháng chiến với lý tưởng của một người thanh niên yêu nước và làm việc theo khả
năng có thể của mình để giúp cho đất nước.
Phạm Duy cũng vậy, càng đi sâu,
càng biết nhiều chuyện trong chánh trường, Duy càng thấy những mâu thuẫn giữa
các đảng phái, đến nỗi Duy cho rằng đó không là những gì lạ lẫm nữa. Bản thân
Duy cũng cảm thấy rằng mình không phù hợp với việc làm chánh trị. Nói như vậy,
nhưng không phải lúc đất nước lâm cảnh khốn cùng mà Duy bỏ mặc làm ngơ. Duy
cũng đi kháng chiến cứu nước, dấn thân không kém những người chiến sĩ khác.
Trên con đường dấn thân kháng chiến đó, Duy đã nhiều lần nhìn thấy những cảnh
thực xảy ra trước mắt mình chứ không phải chỉ là những điều do chính Duy tưởng
tượng. Duy đã trải nghiệm, đã kinh qua những xúc cảm theo thời cuộc trên con
đường chiến đấu vì lòng yêu nước của mình. Trong những bài hát của mình, Duy đã
đem những hình ảnh thực tế đó vào mà bày tỏ tinh thần yêu nước, yêu dân tộc và
đặc biệt là tinh thần hòa giải. Duy chẳng những thông cảm với người chiến sĩ vì
nước xả thân trên mặt trận mà còn ca ngợi những chiến công của họ trên chiến
trường, chẳng những hát về những người lính ngoài tiền tuyến, ca ngợi tính
chiến đấu mà vẫn không quên những người nơi hậu phương đã âm thầm giúp đỡ tinh
thần, vật chất cho người chiến sĩ yên tâm cầm súng ra trận, không quên những
nỗi đau khổ, nhớ thương của người vợ ngày ngày ngóng tin chồng, người con đợi
cha về, người mẹ lo lắng cho đứa con đang đi đánh giặc ngoài xa...
Cũng như tôi, Duy là người yêu
văn nghệ. Duy sống cho con đường nghệ thuật của mình hoàn toàn, đặt cả tâm
huyết ở đó. Cả đời này, vì nghệ thuật mà Duy đã cống hiến trọn vẹn cả tình cảm
lẫn tài hoa.
3) Phạm Duy trong mắt tôi
Đối với tôi, Phạm Duy là một
người nhạc sĩ toàn diện về mọi mặt (toàn diện theo nghĩa đầy đủ nhất của hai từ
“nhạc sĩ”). Duy có những khả năng rất đặc biệt trong âm nhạc mà không phải bất
kỳ người nhạc sĩ nào cũng có thể hội tụ đầy đủ, và sự cảm thụ âm nhạc nghệ
thuật của Duy cũng mang tánh cách rất riêng, rất “Phạm Duy”, nhưng cái riêng đó
không hề lạc ra khỏi cái gốc rễ tình cảm chung của người Việt Nam.
Duy đã làm những cuộc phiêu lưu
“chiêu hồn nhạc” hết sức đậm đà, huyền diệu, đầy thơ mộng mà cũng đa dạng và
phong phú vô cùng! Duy “chiêu” được “hồn” ông thần Nhạc và thành công trong
nhiều thể loại, có lẽ bản thân ông thần Âm nhạc cũng “mê” lối “chiêu hồn” của
Duy rồi chăng? Thành công - đối với Duy mà nói - không phải chỉ sớm nở tối tàn,
mà phải nói rằng những nhạc phẩm đó đã và vẫn mang nhiều giá trị về ngôn ngữ âm
nhạc lẫn ca từ, không lẫn với bất cứ ai, đặc biệt là những nhạc phẩm ấy sống
mãi trong lòng người Việt say mê âm nhạc, nghệ thuật. Có những thể loại nhạc
đối với người nhạc sĩ này là sở trường, nhưng với người khác nó lại không phải
là thế mạnh. Còn Duy có thể làm cho những thể loại âm nhạc khác nhau “chịu” đi
theo mình, nghe lời mình uốn nắn và đưa vào tâm hồn tình cảm của Duy. Duy viết
tình ca đi vào lòng người bao thế hệ, viết hành khúc sôi nổi một thời cũng làm
cho thính giả khó quên, hay viết trường ca, tổ khúc... cũng làm lay động con
tim âm nhạc của bao người. Những thể loại Duy làm ra đều được sự tán thưởng của
giới mộ điệu âm nhạc, lấy được nhiều tình cảm từ công chúng. Điều đó không hề
dễ có đối với một tác giả. Nó tồn tại cho tới bây giờ cũng đủ để thấy giá trị
âm nhạc Phạm Duy mang một dấu ấn khó phai trong dòng chảy âm nhạc Việt, và hạnh
phúc hiếm có nhất: vẫn vững chãi trước ba đào thời gian.
Duy không chỉ sáng tác được nét
nhạc hay bằng khả năng cảm nhạc thiên bẩm, mà còn có thể tự mình đặt lời nhạc
rất đẹp, rất thi vị, mang đậm tâm hồn, tư tưởng của người Việt Nam. Đó không
phải là khả năng tự có một sớm một chiều, mà do sự quan sát, học hỏi, rèn luyện
của Duy, cộng thêm cái khiếu cảm nhận tinh tế trong đời sống hằng ngày, trong
những cuộc “phiêu lưu” đó đây, rong ruổi khắp bốn phương trời từ Đông sang Tây,
để góp nhặt từng câu chuyện từ chính mình, góp nhặt những câu chuyện của quê
hương, dân tộc, phận người... mà dệt nên những lời tình tự xứng đáng được lưu
vào trang nhạc sử Việt.
Bên cạnh một con người Phạm Duy -
nhạc sĩ sáng tác, bản thân Duy còn là sự hóa thân của rất nhiều những con người
khác mang những khía cạnh khác mà không phải ai cũng có thể nhìn nhận thấy rõ
ràng, đầy đủ. Thuở còn trai trẻ, cậu thanh niên Phạm Duy (hay ta phải gọi bằng
cái tên Mộng Vân - áng mây mộng ước - do chính cậu tự đặt ra cho mình?) đã từng
là một kẻ du ca rong chơi năm tháng trên nhạc lộ thênh thang cùng với sức trẻ
yêu đời, lao vào đời bằng quả tim rực cháy tuổi thanh xuân. Và dẫu cho có bao
nhiêu năm qua đi nữa, Duy vẫn là một người ca sĩ tài hoa thực thụ, một ca sĩ chuyên
nghiệp rất danh tiếng thuở trước tại Đài Pháp Á, một ca sĩ tiên phong trong
phong trào đưa nhạc mới lên hát giữa các màn chuyển cảnh trên sân khấu gánh hát
cải lương Đức Huy - Charlot Miều... Trong những chương trình âm nhạc, những
buổi biểu diễn văn nghệ trong nước hay tại nước ngoài, “ca sĩ” Phạm Duy luôn
làm cho người khác thấy được cái tài biểu diễn ca hát thiên bẩm, khi tự mình
hát lên những sáng tác của mình một cách sống động nhứt. Một người nhạc sĩ có
đầy nội lực hút hồn người khi ôm đàn say sưa hát những bài ca với chất giọng
truyền cảm của một ca sĩ. Chính Duy đã làm được điều lạ thường đó và cho tới
ngày nay, Duy vẫn là kẻ du ca hát lên những lời ca đẹp và thơ, được nhiều thế
hệ thuộc lòng mỗi khi Duy đem tác phẩm âm nhạc của mình giới thiệu trên sân
khấu cả nước.
Ngoài tài sáng tác không thể phủ
nhận, tài ca hát thu hút, Duy khiến cho người khác không khỏi say mê lạc bước
vào giọng nói trầm ấm, duyên dáng, thi vị của chất giọng Hà Nội thanh lịch khi
Duy dẫn dắt câu chuyện âm nhạc của chính mình. Trời phú cho Duy sự đa năng
trong nghề nghiệp, trong dòng máu nghệ sĩ vốn đã tài tình. Nếu nép sau tấm màn
sân khấu là người nhạc sĩ, đứng trên sân khấu biểu diễn với phong cách một ca
sĩ, thì Duy cũng đầy phong thái duyên dáng khi thực hiện vai trò người dẫn
chương trình. Thật là một kỳ tài! Duyên ăn nói của Duy không thua kém những nhà
văn thuyết trình trước công chúng, đôi khi lại có phần hấp dẫn hơn vì trong
chất văn chương còn thấm nhuần hơi nhạc. Nghe Duy kể từng kỷ niệm, trải từng
cung bậc cảm xúc trong lúc giới thiệu âm nhạc có khi còn thích thú hơn là đọc
một tập khảo cứu về những nhạc phẩm này.
Trước khi sang Pháp để tiếp cận
với Âm nhạc học (học tại lớp dạy Âm nhạc học của thầy Jacques Chailley năm
1954) thì Phạm Duy đã là một nhà “Dân tộc Âm nhạc học” hẳn hòi rồi! Ở Việt Nam,
Duy đã tự mình ghi âm, ghi hình, sắp loại các bài Dân ca và các bài Lý, những
câu Hò ở nông thôn Việt Nam... và tự ký âm các bài nhạc đó. Duy đã có cách nhìn
rất khoa học trong việc phân loại, sắp xếp và ghi chép những vấn đề liên quan
trong khi tìm hiểu về Dân ca, Dân nhạc Việt Nam. Việc làm của Phạm Duy lúc đó
cho ta thấy rằng Phạm Duy có phong cách của một người nghiên cứu Dân tộc Nhạc
học, có đầu óc tìm tòi và làm việc chuyên nghiệp không thua kém gì những nhà
nghiên cứu thực thụ.
Ngoài việc sưu tầm và nghiên cứu
Dân ca lúc đầu, sau này trong những chuyến đi xuyên Việt, Phạm Duy lại có dịp
tiếp cận với nhiều bộ môn âm nhạc khác như: Ca Huế, Đờn Ca Tài Tử, các điệu Hát
Lý, điệu Hò của Trung, Nam bộ, và đặc biệt hơn nữa là thể loại Âm nhạc Dân tộc
thiểu số ít ai chú ý tới... Mỗi lần tiếp cận là mỗi lần Duy ghi chép rất kỹ
lưỡng, sâu sắc để sau này có dịp cho ra đời cuốn “Đặc khảo về Dân ca Việt
Nam” mà khi được đọc, tôi đã rất
ngạc nhiên; đồng thời, cũng thán phục tinh thần nghiên cứu của bạn mình.
Duy theo dõi nhiều và đi sát phong trào nhạc mới từ lúc khởi thủy cho đến những
giai đoạn phát triển ra nhiều trào lưu. Duy cũng có được những điều kiện thuận
lợi khi quen biết với những bạn bè, các bậc tiền bối văn nghệ sĩ, nhất là giới
nhạc sĩ và từng nhiều lần trao đổi, trò chuyện với họ, biết được từng thời điểm
ai làm gì, sáng tác như thế nào... Đó là một lợi thế của người nhạc sĩ có óc
nghiên cứu và phân tách tài tình từ trong máu như Duy. Từ những lợi thế như
vậy, mỗi nhạc phẩm của Duy đưa ra đều mang tánh cách thời sự, gắn liền với từng
sự kiện xảy ra trong đất nước: thời bình, thời chiến, thắng trận, thất bại, thế
thời đổi thay... và không thiếu những hình ảnh rất chân thật, sống động ở những
nơi mà dấu chân Duy đã đi qua, in lại trong ký ức một cách sâu sắc rồi trở
thành những hình tượng nghệ thuật đặc biệt trong âm nhạc. Tôi cho rằng trong
con người Duy, không những có sức khám phá của một nhà khoa học mà còn hội đủ
các yếu tố cần có nơi một nhà nghiên cứu, một sử gia, một nhà xã hội học, một
văn nhân biết ghi lại quá trình làm việc và suy tư của mình.
Bên cạnh những Phạm Duy nghệ sĩ
và Phạm Duy tài tình trong nghiên cứu, cũng ít ai để ý tới một Phạm Duy - nhà
kinh doanh, nhà sản xuất âm nhạc cực kỳ nhạy bén, mát tay. Duy tự mở studio
riêng cho mình, đi tiên phong trong việc dùng kỹ thuật hiện đại để phục vụ cho
công việc sáng tạo nghệ thuật. Xem có vẻ như Duy luôn muốn thử thách mình ở mọi
lãnh vực, hệt như cái bản tánh hiếu kỳ ưa thích tìm hiểu mà ông Trời ban cho.
Mà thật lạ, lãnh vực nào Duy cũng làm rất tốt và thành công. Óc khám phá không
bao giờ để Duy ngồi yên. Duy tự tay thâu âm băng dĩa nhạc, sử dụng tài tình máy
vi tính, tự thiết kế và phát hành sản phẩm âm nhạc của mình, theo rất sát công
nghệ hiện đại không thua kém chi việc theo sát phong trào âm nhạc khắp nơi.
Đồng thời, có thể coi Duy giống như người làm quảng cáo tài năng khi chính bản
thân Duy tự đi giới thiệu sản phẩm của mình đến với công chúng... Với bấy nhiêu
công việc làm đó cũng đủ thấy Duy là một người đa tài, bản lãnh.
Duy mặc dầu Trời sanh có tánh
ngang tàng, nhưng cũng là người hiểu tôn ti trật tự khi vẫn biết nghe lời người
anh của mình là Phạm Duy Khiêm. Trong lúc đang ưa thích học về văn hóa và học
rất giỏi mà phải bỏ để vào một trường học nghề (bá nghệ) theo sự quyết định của
người anh, dầu có đắn đo hay không thỏa mãn, nhưng Duy vẫn nghe theo lời anh
của mình. Suốt cuộc đời, đứa con Phạm Duy lúc nào cũng nghe theo lời của mẹ,
vâng theo sự chỉ dạy, săn sóc, đảm nhiệm trông coi việc học tập từ những người
bạn của cha mình (các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh). Duy cũng là người
con thương cha thương mẹ, thương anh em trong gia đình (nhắc về người anh Phạm
Duy Nhượng); nói rộng ra, trong xã hội thì Phạm Duy có cả tinh thần yêu thương
đất nước một cách sâu sắc đậm đà và không lay chuyển. Cho nên, trong mỗi trường
hợp, nhiều khi có những hành động mà người thường khó hiểu, cho rằng Phạm Duy
là người ham danh ham lợi, nhưng riêng tôi thì lại thấy rằng không có lúc nào
mà Phạm Duy không yêu nước Việt Nam. Phải thực sự yêu quê, yêu nước mới có thể
sáng tác ra những bài ca tuyệt đẹp cả nhạc lẫn lời và những bài hát đi sâu vào
tim của mỗi người Việt Nam ở các tầng lớp và mọi thế hệ trong xã hội.
Về cuộc sống của Duy, trong mắt
tôi, Duy là một người trọng gia đình, luôn nhớ đến vợ con của mình, luôn muốn
vợ chồng, con cái đều cùng chung sống dưới một mái nhà, dẫu cho trong đời Duy
đã từng là một kẻ “giang hồ phiêu bạt”. Khi tôi đến thăm vợ chồng Phạm Duy, thì
luôn thấy cảnh sum họp gia đình rất đầm ấm. Điều đó khiến cho tôi thêm phần quý
trọng người bạn thân của mình, và cho rằng nhờ cách ứng xử khéo léo trong,
ngoài của Duy mà có thể giữ được nếp nhà một cách thuần tuý Việt Nam như vậy.
Với các con, mặc dầu mỗi người đều có cá tánh riêng, đều ưa thích tự do phóng
túng như Duy, nhưng người cha chưa hề bó buộc con cái. Đối với bố, các cháu đều
có sự kính phục yêu thương.
Tại Mỹ, Duy còn lập phòng thu
riêng tại nhà và tự mình sản xuất băng đĩa, mọi việc đều do các con của Duy
đứng ra giúp bố thực hiện. Kể cả việc mua nhà cũng vậy. Khi tính đến việc mua
nhà thì cũng ít khi nghĩ phải ở xa nhau. Ít có gia đình nào tại Mỹ lại có cha
mẹ, con cái sống chung như gia đình Duy. Các con thì mỗi tháng mời cha mẹ và
anh em cùng ăn cơm chung với nhau tại những nhà hàng có thức ăn ngon, do mỗi
người đãi một lần. Dẫu Duy là người phóng túng nhưng vẫn giữ những nề nếp
truyền thống của người Việt Nam, giữ lại được những nét sinh hoạt của người
miền Bắc trên xứ sở tự do này. Duy khéo léo sắp xếp, ứng xử để gia đình có cuộc
sống như cuộc sống của những gia đình truyền thống Việt Nam. Ở nước Mỹ - nơi mà
người ta coi trọng quyền lợi và cuộc sống cá nhân, gia đình Phạm Duy là một gia
đình khó kiếm.
Có những lúc thăng trầm, Duy nhận
tiếng khen cũng nhiều mà lời lẽ chê bai cũng không phải ít. Nhưng Duy là người
biết phục thiện, biết nghe lời khen lẫn những tiếng chê, không bao giờ để trong
bụng sự hận thù. Tinh thần ấy thể hiện trong nhạc phẩm Mẹ Việt Nam:
“Mẹ Việt Nam không đòi xương máu
Mẹ Việt Nam kêu gọi thương nhau”
Mẹ Việt Nam kêu gọi thương nhau”
Vì những lẽ kể trên mà tôi đã gọi
Duy là một người nhạc sĩ toàn diện với tất cả ý nghĩa của danh từ đó. Suốt
chiều dài thời gian của dân tộc, Duy đã “khóc
cười theo mệnh nước nổi trôi”. Từng sự kiện xảy ra với quê hương, Duy đều
đi sát bên, đều cảm nhận bằng thứ tình cảm của một người con của dân
tộc, người cháu, người anh, người em của thế hệ mình.
Phạm Duy là con người muốn sống
tự do, không muốn sống theo quy luật, lề lối một cách áp đặt, bó buộc. Trên
đường chánh trị thì không có đảng phái. Về mặt tín ngưỡng thì không nghiêng về
phía tôn giáo nào. Duy sống theo con người của Duy, một con người tự do tự tại,
phóng túng và ngang tàng, nhưng cũng “thẳng” và “thật” đối với chính cuộc sống
của mình.
Một số người cho rằng Duy không
có lập trường chánh trị, nhưng họ chưa, hoặc không chịu nhìn vào cái tình yêu
nước thương nòi luôn sôi sục trong con người Duy. Duy là một người con có hiếu
với cha mẹ và có một lòng yêu nước theo quan điểm của mình. Từ trong những tác
phẩm âm nhạc, người ta đã thấy rõ tình yêu Việt Nam mà Duy hằng gieo vào lòng
bao người yêu nhạc qua những “tiếng nước
tôi”, qua những hình ảnh gần gũi quen thuộc gợi lên bao nhiêu kỷ niệm về
dân tộc và con người Việt Nam. Không chỉ hiện diện trên từng bản nhạc, lời ca,
phải có tình yêu thực sự bắt nguồn từ chính con tim nồng nàn yêu thương thực sự
mới khiến cho tình yêu đó vĩnh hằng cùng năm tháng. Duy luôn luôn yêu quê hương
mình, đó là sự thực, bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu. Đối với Duy, lúc nào và ở
đâu cũng một lòng quý trọng tự do của đất nước, không bao giờ chấp nhận sự đô
hộ của ngoại bang. Nhưng Duy luôn tôn trọng lập trường của những người khác như
có lần Duy đã nói với tôi. Và mục đích cuộc đời của Duy chỉ là làm cách nào để
cho đất nước giàu mạnh hơn trong mọi mặt. Chính Duy đã hết lòng tham gia vào
văn hóa văn nghệ để làm giàu thêm cho lãnh vực này của dân tộc.
Trong cách ứng xử ở đời, Duy luôn
có một thái độ hòa giải và luôn mong rằng dân tộc Việt, dầu ở miền nào, đều coi
nhau như anh em ruột thịt “nhìn Trung Nam
Bắc xếp hàng mến nhau” (Tình ca) với tấm lòng rộng rãi bao la, yêu
thương và tha thứ (Mẹ Việt Nam - trong chương “Biển Mẹ”), chẳng bao giờ
muốn “đòi xương máu” mà chỉ “kêu gọi thương nhau” (Mẹ Việt Nam -
đoạn chót).
Thỉnh thoảng, trong những trường
hợp bất khả kháng về chánh trị, hoặc là những sự hấp dẫn nhứt thời về đời sống
vật chất, Duy có những sáng tác không phù hợp với bản chất của chính mình,
nhưng đó chỉ là vài trường hợp rất ít trong những giai đoạn rất ngắn so với
cuộc đời và gia tài sáng tác đồ sộ của Duy. Theo tôi, tuy Duy không phải là một
con người toàn thiện toàn mỹ, nhưng là một người đối với mình trước sau như
một, và phải nhìn nhận rằng, bạn của tôi là một người yêu quê hương đất nước!
Ước mong rằng Duy luôn có được
cuộc sống an nhiên tự tại, an bình với đời, với người và với mình, làm được
những việc Duy yêu thích mà thấy rằng cuộc đời vẫn đẹp, để “... khi đêm chết chưa về” thì “nắng
chiều hồng tươi hơn nắng trưa”.
Duy thương mến!
Khê vẫn còn nhớ lần đầu tiên nghe
Duy trình bày CD-ROM “Con đường cái quan”
do chính tay Duy tự làm trên đất Mỹ, không những với lời và nhạc đầy cảm xúc mà
còn nhìn thấy được những phong cảnh đẹp của quê hương Việt Nam, Khê đã ôm Duy
và khóc. Chúng ta có chung những tình cảm, những đồng điệu mà không phải ai
cũng có thể hiểu được tất cả. Duy ơi, chúng ta đã đến, đã đi và đã về, đã làm
và đã sống, đã yêu và đã mơ, đã thăng và đã trầm, đã cười và đã khóc... suốt
hai thế kỷ này. Mong rằng tình thân của chúng ta mãi vĩnh hằng, mãi đẹp như
những lời Khê từng chúc Duy, cũng như chúc cho anh em mình khi tròn cửu thập:
“Biết nhau quá tuổi đôi mươi
Hôm nay mừng bạn chín mươi tuổi rồi
Mặc cho vật đổi sao dời
Đến khi trăm tuổi còn ngồi bên nhau
Đến khi trăm tuổi đẹp lời chúc nhau”
Hôm nay mừng bạn chín mươi tuổi rồi
Mặc cho vật đổi sao dời
Đến khi trăm tuổi còn ngồi bên nhau
Đến khi trăm tuổi đẹp lời chúc nhau”
Sẽ “còn ngồi bên nhau”, phải
không Duy?
Bình
Thạnh, Sài Gòn,
mùa Đông Nhâm Thìn 2012
Trần Văn Khê
(Theo Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số báo 808 & 809 -
http://kienthucngaynay.info , 31-01-2013)
mùa Đông Nhâm Thìn 2012
Trần Văn Khê
(Theo Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số báo 808 & 809 -
http://kienthucngaynay.info , 31-01-2013)
No comments:
Post a Comment