Friday 6 February 2015

Con Đường Giác Ngộ: Vài Suy Nghĩ Tản Mạn

Siêu xa lộ giác ngộ

Trong sách báo Phật giáo, chúng ta thường thấy cụm từ "84 ngàn pháp môn" để chỉ tính đa dạng, đa phái của đạo Phật. Thật ra, trong kinh điển nguyên thủy không có cụm từ nầy, mà chỉ có câu kệ do Ngài Ānanda nói ra trong kỳ kết tập kinh điển lần đầu tiên: "Trong 84 ngàn đoạn pháp, tôi được nghe đức Phật giảng 82 ngàn đoạn, còn 2 ngàn đoạn kia là do các vị tỳ kheo khác thuật lại cho tôi nghe" (Trưởng Lão Tăng Kệ, 1025).

Bây giờ, người ta thường dùng cụm từ "84 ngàn pháp môn" để chỉ các pháp môn, các truyền thống khác nhau trong đạo Phật, và cho rằng bất kỳ pháp môn nào, bất kỳ truyền thống nào rồi cũng đưa đến mục đích cuối cùng của quả giác ngộ. Một vị tu sĩ tên tuổi ở Việt Nam có viết rằng giác ngộ là đỉnh núi, và có nhiều đường để lên núi, và cuối cùng rồi thì đường nào cũng lên đến đỉnh – mặc dù trên thực tế, vị ấy thường đề cao pháp môn tu của mình là tối thượng.

Riêng cá nhân tôi, qua hiểu biết và kinh nghiệm thực tế với cách hành trì của vài pháp môn đương thời, thì lại không nghĩ như thế. Theo tôi, chỉ có một siêu xa lộ duy nhất đưa ta đến giác ngộ, và siêu xa lộ đó đi xuyên qua 3 trạm: Dự lưu, Nhất lai, Bất lai và trạm cuối là A-la-hán. Siêu xa lộ đó là “Con Đường Tám Chánh” (Bát chi thánh đạo, Bát chánh đạo), được phân tích tỉ mỉ, rõ ràng trong giáo lý nguyên thủy của Đức Phật.

Con đường đó là con đường mà tất cả các vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác đều đã đi qua, và Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã tìm lại, vạch ra cho tất cả chúng ta:

"...Ta đã tìm lại con đường cũ xa xưa, một con đường mà các Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác đều đi qua trong các thời kỳ trước. Con đường cũ xa xưa đó là gì? Đó là Con Đường Tám Chánh: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Ta đã đi theo con đường ấy.

Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về già và chết, tri kiến về nguyên nhân của già và chết, tri kiến về đoạn diệt già và chết, tri kiến về con đường đoạn diệt già và chết, ... sinh ... hữu ... chấp thủ ... tham ái ... thọ ... xúc ... sáu xứ ... danh sắc ... thức ... nghiệp hành, tri kiến về nguyên nhân của nghiệp hành, tri kiến về đoạn diệt nghiệp hành, tri kiến về con đường đoạn diệt nghiệp hành.

Tri kiến được như thế, ta đã truyền dạy lại cho các nam và nữ tu sĩ, nam và nữ cư sĩ, để đời sống thánh thiện nầy được trở nên hùng mạnh, huy hoàng, quảng bá sâu rộng cho chư thiên và loài người." – (Tương Ưng, XII.65).

Có người nhờ phước duyên nhiều đời nên có nhà ở ngay cạnh siêu xa lộ. Từ đó họ đi vào xa lộ và đi một mạch đến đích, có thể nhanh, có thể chậm, tùy theo sự tinh tấn và nghiệp duyên của họ.

Có người – do duyên nghiệp từ các kiếp trước, có nhà ở làng mạc xa xôi, nên phải đi xuyên qua nhiều con đường làng, và đó là 84 ngàn con đường làng – nếu chúng ta vẫn còn thích dùng cụm từ "84 ngàn ...", rồi cuối cùng nếu đầy đủ tinh tấn và phước duyên, sẽ tìm thấy siêu xa lộ để mà đi. Có khi họ lại tưởng những con đường làng đó là con đường chính, và cứ lẩn quẩn, loanh quanh trong đó.

Có người tuy có nhà ở cạnh xa lộ, lại thích đi vào những con đường làng để nhìn ngắm phong cảnh, nên cũng mãi mê đi loanh quanh, mà quên đi con đường chính ở ngay cạnh nhà mình. Có người đã thấy được xa lộ nhưng vẫn còn nghi ngờ, cho rằng đó là con đường quá xưa cũ, có thể còn có một con đường khác, mới hơn, ngắn hơn, nhanh hơn, dễ hơn. Có người đi trên xa lộ chưa thấy tới đâu nên nhàm chán, mất lòng tin, rẻ vào các đường làng hai bên để vui hưởng những cảnh sắc muôn màu muôn vẻ. Có người đi trên xa lộ, vừa gặp một túp lều nào đó lại cho là đã đến đích, tự hào tự mãn, và không chịu tinh tấn thêm nữa, v.v. Mỗi người có một cảnh ngộ riêng, dường như không ai giống ai.

Thôi thì đây là chỉ là những suy nghĩ tản mạn của một phàm nhân cư sĩ trong ngày cuối tuần. Tất nhiên sẽ có người không đồng ý và có những lý giải khác để biện minh cho con đường của mình. Dù sao, Phật Pháp là mời người trí đến xem và chứng nghiệm, và mỗi người phải tự thắp đuốc mà đi.
 
– Bình Anson, Perth, 2002
(update: 24-07-2015)

* * *

No comments: