Tuesday 14 June 2016

Ba lý do để dùng kinh điển Pāli làm nền tảng

BA LÝ DO ĐỂ DÙNG KINH ĐIỂN PĀLI LÀM NỀN TẢNG
Tỳ-khưu Bodhi 
(trích “Những lời Phật dạy”, Bình Anson dịch)

(…)
Một điều buồn là những bộ sưu tập kinh điển của hầu hết các bộ phái chính của Phật giáo Ấn Độ đã mất đi khi Phật giáo Ấn Độ bị tàn phá bởi những người Hồi giáo xâm chiếm miền Bắc Ấn trong thế kỷ thứ mười một và mười hai. Những cuộc xâm lược này là hồi chuông báo tử cho Phật giáo tại xứ sở phát sinh đạo Phật. Chỉ có một bộ sưu tập kinh điển đầy đủ thuộc một trong các bộ phái sơ kỳ của Phật giáo Ấn Độ là còn tồn tại nguyên vẹn. Đây là bộ sưu tập được bảo tồn trong một ngữ văn mà chúng ta biết ngày hôm nay là Pāli. Bộ sưu tập này thuộc về bộ phái Theravāda (Thượng tọa bộ) cổ xưa, trước đó đã được đem vào Sri Lanka trong thế kỷ thứ ba trước Công nguyên và nhờ đó, đã tránh thoát khỏi sự tàn phá Phật giáo ở quê hương. Đồng thời, Theravāda cũng được truyền bá đến vùng Đông Nam Á và trong nhiều thế kỷ sau này, đã bao trùm cả khu vực.

Kinh điển Pāli là tập hợp các kinh văn mà bộ phái Theravāda xem như là Phật ngôn (Buddhavacana). Sự kiện mà các kinh văn của bộ sưu tập này được bảo tồn như một bộ kinh điển duy nhất không có nghĩa là các bài kinh được sưu tập trong cùng một thời kỳ. Cũng không nhất thiết có nghĩa là các kinh văn tạo lập những cốt lõi cổ xưa nhất là xem như cổ xưa hơn các kinh văn tương ứng của các bộ phái Phật giáo khác, mà phần lớn được bảo tồn trong bản dịch tiếng Hán và tiếng Tây Tạng như là một phần của toàn bộ các kinh điển, hay trong một số ít trường hợp, trong các bài kinh riêng rẽ bằng một thứ tiếng Ấn Độ khác. Tuy nhiên, kinh điển Pāli có tầm quan trọng đặc biệt cho chúng ta, đó là vì có ít nhất là ba lý do.

LÝ DO ĐẦU TIÊN, đây là một bộ sưu tập đầy đủ của riêng một bộ phái. Mặc dù chúng ta có thể tìm ra các dấu vết rõ ràng trong các phát triển theo lịch sử giữa các phần khác nhau của kinh điển, sự liên kết với riêng một bộ phái làm cho các kinh văn có được một cấp độ nhất quán. Trong các kinh văn bắt nguồn trong cùng một thời kỳ, chúng ta có thể nói về tính đồng nhất của nội dung, một hương vị duy nhất nằm bên dưới các biểu hiện đa dạng của nội dung. Tính đồng nhất này được nhận thấy rõ rệt trong bốn bộ Nikāya đầu tiên và phần cổ xưa của bộ Nikāya thứ năm. Từ đó, cho chúng ta lý do để tin rằng với các kinh văn này, chúng ta đã tiến đến tầng lớp cổ xưa nhất của văn học Phật giáo có thể tìm được – nhưng với sự dè dặt nêu trên, rằng cũng có các kinh văn tương đương trong các bộ phái Phật giáo khác nhưng không còn hiện diện.

LÝ DO THỨ HAI, toàn bộ sưu tập kinh điển đã được bảo tồn bằng một loại ngôn ngữ Trung Ấn Arya, một loại ngôn ngữ có liên hệ chặt chẽ với ngôn ngữ (hay có thể những phương ngữ khác nhau) do chính Đức Phật đã sử dụng. Chúng ta gọi loại ngôn ngữ này là Pāli, nhưng tên gọi cho ngôn ngữ này thật ra bắt nguồn một sự nhầm lẫn. Từ “pāli” đúng ra có nghĩa là “văn bản”, nghĩa là văn bản của kinh điển, để phân biệt với các chú giải. Các nhà chú giải gọi loại ngôn ngữ dùng để bảo tồn kinh điển là “pālibhāsā” – ngôn ngữ của văn bản. Tại một thời điểm nào đó, từ ngữ này bị ngộ nhận và mang ý nghĩa “ngôn ngữ Pāli”. Khi ngộ nhận này phát sinh, nó bắt đầu đâm rễ và ở lại với chúng ta cho đến bây giờ. Các nhà học giả xem ngôn ngữ này như là một dạng kết hợp nhiều phương ngữ Prakit dùng trong thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, qua một tiến trình Sanskrit-hóa bán phần.

Mặc dù ngôn ngữ này không giống với bất cứ loại ngôn ngữ nào mà Đức Phật sử dụng, nó nằm trong một gia đình trong đó có các ngôn ngữ của Đức Phật và bắt nguồn từ cùng một khuôn nền các khái niệm. Như thế, ngôn ngữ này phản ánh thế giới các ý tưởng của nền văn hóa Ấn Độ mà Đức Phật đã thừa hưởng. Do đó, các từ ngữ sử dụng đã diễn tả được sắc thái tinh tế của thế giới ý tưởng đó, mà không có những xâm nhập của các ảnh hưởng xa lạ không thể tránh được ngay trong các bản dịch tốt và thận trọng nhất. Điều này trái ngược với các bản dịch kinh văn sang tiếng Hán, tiếng Tây Tạng, tiếng Anh, thường bị tác động bởi cách chọn lựa từ ngữ để chuyển tải ý nghĩa.

LÝ DO THỨ BA làm cho kinh điển Pāli có tầm quan trọng đặc biệt là bộ sưu tập này là thẩm quyền của một bộ phái Phật giáo đương đại. Không giống như các bộ sưu tập kinh điển của các bộ phái khác của Phật giáo Sơ kỳ nay đã biến mất – mà ngày nay chỉ còn ở trong phạm vi học thuật, bộ sưu tập kinh điển Pāli vẫn còn đầy sức sống. Bộ kinh điển là nguồn tâm linh tín thành của hàng triệu Phật tử, từ các làng mạc và tu viện ở Sri Lanka, Myanmar và Đông Nam Á, cho đến các thành phố và thiền viện ở châu Âu và châu Mỹ. Bộ sưu tập này đã uốn nắn sự hiểu biết, hướng dẫn họ đối diện với các chọn lựa khó khăn về đạo đức, cung cấp thông tin về công phu hành thiền và cung cấp cho họ những chìa khóa đưa đến tuệ quán giải thoát.
(…)

* Thông tin về cuốn sách: http://budsas.net/antong/@nlpd.htm 

---------------  
  
GHI THÊM: Về tiếng Pali và tiếng nói của Đức Phật vào 26 thế kỷ trước.
    
Tôi hiểu tóm tắt là cho đến nay, vẫn chưa có một ý kiến thống nhất về nguồn gốc của Pali. Đa số các nhà ngôn ngữ học, các học giả về Pali và văn hóa, lịch sử Ấn Độ có nhận định chung như sau:
  
- Pali không phải là một thứ tiếng nói sử dụng hằng ngày, mà là một loại văn ngữ tổng hợp dùng để kết tập, truyền khẩu, trì tụng, ghi nhớ kinh điển của bộ phái Theravada. Vì là văn ngữ tổng hợp, có lẽ Pali có nhiều điểm tương đồng với các ngôn ngữ Ấn Độ thời đó.
   
- Không biết chắc chắn Đức Phật nói tiếng gì tại Ấn Độ vào 26 thế kỷ trước. Lúc ấy, dọc theo sông Hằng có 16 tiểu quốc, trực thuộc hai vương quốc lớn là Kosala và Magadha. Cho nên, có thể ở Ấn Độ thời đó có các phương ngữ khác nhau (tương tự như ở Trung Hoa, có tiếng Quảng Đông, Triều Châu, Phước Kiến, Hẹ, Bắc Kinh, v.v.). Đức Phật du hành và truyền giảng giáo pháp xuyên qua các quốc độ, đến mọi tầng lớp dân chúng trong xã hội – từ giới lao động, nô lệ cho đến giới thương gia, quý tộc, đạo sĩ. Là một người thông minh, có lẽ Ngài sử dụng thông thạo nhiều phương ngữ khác nhau để truyền đạt đến mọi người tại mỗi địa phương.
  
– Bình Anson (16/06/2023)


* * *


No comments: