Tuesday 2 October 2018

Quán thân bất tịnh

QUÁN THÂN BẤT TỊNH
Mindfully Facing Disease and Death: Compassionate Advice from Early Buddhist Texts, Bhikkhu Anālayo (2017), pp 217-220

Và này, Ānanda thế nào là tưởng bất tịnh? Ở đây, này Ānanda, tỳ-khưu quán sát thân này từ bàn chân trở lên, từ đỉnh tóc trở xuống, được da bao bọc, đầy những vật bất tịnh sai biệt như: “Trong thân này có tóc, lông, móng, răng, da, thịt, dây gân, xương, tủy, thận, quả tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm (niêm dịch), mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mũi, nước ở khớp xương, nước tiểu.” Như vậy, vị ấy trú quán bất tịnh trong thân này. Này Ānanda, đây gọi là tưởng bất tịnh.
– Kinh Girimānanda (AN 10.60)

Thiền quán về bất tịnh tương ứng với các hướng dẫn về quán niệm các bộ phận của cơ thể như ghi trong bài kinh Lập Niệm (Satipaṭṭhāna-sutta, kinh Niệm Xứ, MN 10 và DN 22). Thông tin bổ sung được cung cấp bởi bài kinh này và bài kinh tương đương trong Trung A-hàm (MĀ 98) xuất phát từ minh họa thái độ thích hợp khi thực hiện bài tập này với ví dụ nhìn vào một thùng chứa các hạt ngũ cốc. Ngụ ý dường như là khi nhìn thấy những hạt ngũ cốc khác nhau, hành giả sẽ không cảm thấy bị thu hút về mặt tình dục, cũng giống như vậy, người ấy cần tu dưỡng một thái độ đối với cơ thể không có dính mắc tình dục. Để thoát khỏi nỗi ám ảnh với sự hấp dẫn tình dục của cơ thể, và tương quan của nó trong sự hấp dẫn tình dục của cơ thể của người khác, đôi khi nó có thể là một phương tiện khéo léo để nhấn mạnh những khía cạnh ít hấp dẫn và thậm chí ghê tởm của cơ thể. Tuy nhiên, điều này nên được thực hiện cẩn thận và với một mục đích tổng thể rõ ràng để đạt tới sự cân bằng của tự do không dính mắc, thay vì dẫn đến mất cân bằng vì ghê tởm quá mức.

Hướng dẫn cơ bản trong bản kinh Tây Tạng giới thiệu các bộ phận khác nhau của cơ thể rằng hành giả cần phải “suy nghiệm rõ ràng trên cơ thể này từ trên đầu đến lòng bàn chân, bao phủ bởi da, đầy các chất bất tịnh”. Bản kinh Pāli tương tự như vậy, khuyên rằng ta nên “kiểm tra cơ thể này từ lòng bàn chân đi lên và từ đầu tóc đi xuống, bao bọc bởi da và đầy các chất bất tịnh”.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trau dồi nhận thức hiện tại, tôi đề nghị một phương pháp đơn giản. Đây là này dựa trên một đoạn trong kinh Tự Hoan Hỷ (Sampasādanīya-sutta, DN 28) và các bài kinh tương đương, mô tả một tiến trình thực hành, từ quán chiếu các bộ phận khác nhau của cơ thể đến quán chiếu xương, da và thịt (DN 28 và DĀ 18). Điều này ngụ ý rằng các bộ phận cơ thể được liệt kê trong kinh Sampasādanīya-sutta, tương ứng với danh sách liệt kê trong kinh Satipaṭṭhāna-sutta, có thể được gộp dưới ba tiêu đề:

- da,
- thịt,
- xương.

Sau khi đã quen thuộc với ba phần này, nếu muốn, hành giả có thể mở rộng phương thức quán chiếu đến từng bộ phận trong cơ thể như liệt kê trong bài kinh.

Để thực hành phương pháp đơn giản và tạo thành một kinh nghiệm trực tiếp, tôi đề nghị ta sử dụng phương cách quét và ghi nhận thân thể. Nhận thức thân thể trong tư thế ngồi như là điểm khởi đầu, tiếp theo là quét toàn thân, đặc biệt đối với da. Bắt đầu bằng da trên đầu, rồi chú tâm cảm nhận da ở vùng cổ, hai vai, v.v., dần dần xuống đến chân. Lúc đầu, có thể quét từng cánh tay và từng cánh chân riêng lẻ, nhưng cuối cùng có thể được thực hiện đồng thời cả hai tay rồi hai chân.

Sau khi hoàn tất quét phần da bọc cơ thể từ đầu đến chân, để duy trì tính liên tục, tiếp theo là chú tâm đến các phần thịt của cơ thể, kể cả các bộ phận bên trong, bắt đầu từ bàn chân và dần dần di chuyển lên đầu. Tiếp theo là quét lần thứ ba, chú tâm đến các phần xương từ đầu đến chân.

Trên thực tế, hành giả chỉ cần lưu ý đến vị trí của da, thịt, hoặc xương. Đôi khi hành giả tự nhiên một cảm giác trực tiếp hoặc cảm nhận về những bộ phận trong cơ thể. Tuy nhiên, cảm giác rõ ràng này không thật sự cần thiết, vì mục đích của bài tập không phải là để nuôi dưỡng sự nhạy cảm của cơ thể cho tới mức hành giả có thể cảm nhận là da hoặc xương, thịt của mình rõ ràng trên toàn bộ cơ thể. Nhận thức chung về các bộ phận tương ứng của cơ thể là đủ để thực hiện mục đích của nó. Mục đích này là để kết hợp một nền tảng của chánh niệm về thân với một nhận thức rõ ràng rằng cơ thể được tạo thành từ da, thịt, và xương. Nhận thức như vậy phải được kèm theo với sự hiểu biết rằng, tuy da, thịt, và xương là để duy trì sự sống cho cơ thể, tự bản thể của chúng không có gì là hấp dẫn trên phương diện tình dục.

Sau khi thực hiện ba lần quét thân thể như thế, tiếp tục hành thiền bằng cách nhận thức toàn thân nầy trong tư thế ngồi chỉ là do da, thịt và xương cấu tạo thành, là những gì tự nó không có tính hấp dẫn tình dục. Một dấu hiệu cho thấy việc hành thiền được thực hành đúng là hành giả có cảm giác ngày càng gia tăng của tự do khỏi sự dính mắc vào dục tính, cùng với việc nhận ra rằng toàn bộ mối quan tâm về hấp dẫn tình dục là sản phẩm của các suy tưởng trong tâm về những gì thật ra trên cơ bản có cùng tính chất như các loại ngũ cốc trong thùng chứa.

*
Trích Kinh Thân Hành Niệm (Kāyagatāsati Sutta, MN 119)

Lại nữa, này các tỳ-khưu, vị tỳ-khưu quán sát thân này, dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến đỉnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt: “Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu”. Này các tỳ-khưu, cũng như một bao đồ, hai đầu trống đựng đầy các loại hột như gạo, lúa, đậu xanh, đậu lớn, mè, gạo đã xay rồi. Một người có mắt, đổ các hột ấy ra và quán sát: “Ðây là hột gạo, đây là hột lúa, đây là đậu xanh, đây là đậu lớn, đây là mè, đây là hột lúa đã xay rồi”. Cũng vậy, vị tỳ-khưu quán sát thân này dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt: “Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu”.

Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm và tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, là cách vị tỳ-khưu tu tập thân hành niệm.

*



No comments: