Trưởng lão Anuruddha
và pháp Lập niệm (Satipaṭṭhāna)
Trích: Đại đệ tử Phật, Hellmut Hecker, Ban biên tập Thích Ca Thiền Viện
soạn dịch (2016)
Một khía cạnh quan trọng trên đường tu tập tâm linh của Trưởng
lão Anuruddha (A-na-luật) là quá trình thực hành miên mật pháp thiền Lập niệm (Satipaṭṭhāna), tức quán niệm trên bốn lĩnh
vực thân, thọ, tâm, và pháp, với lời hướng dẫn của Đức Bổn Sư: “Nơi đây, vị tỳ-khưu sống quán thân trên
thân… quán thọ trên thọ… quán tâm trên tâm… quán các pháp trên các pháp, tinh cần, tỉnh
giác, niệm, chế ngự tham ưu ở đời.”
Thực hành thiền quán Satipaṭṭhāna đôi khi được xem là một
con đường tiến đến giác ngộ ngắn, nhanh, nhưng lại “khô khan” vì không qua các
tầng thiền-na (jhāna) và các năng lực
thần thông. Nhưng rõ ràng đối với Trưởng lão Anuruddha, và các đệ tử của ngài,
pháp thiền Satipaṭṭhāna là một phương tiện hữu hiệu để đạt các thần lực và
thánh trí cùng với quả vị giải thoát tối thượng. Mỗi khi được hỏi do đâu Trưởng
lão tinh thông về năng lực trí tuệ vĩ đại (mahābhiññatā),
gồm ngũ thông (phàm) cùng với trí tuệ giải thoát a-la-hán (thánh) là sáu, ngài
luôn luôn khẳng định do nhờ công phu phát triển và vun bồi pháp Lập niệm. Nhờ
pháp thiền này mà ngài mới có thể nhớ lại được hàng ngàn kiếp quá khứ, sử dụng
các thần lực, và trực tiếp thấy biết hàng ngàn hệ thống thế giới (SN 47:28,
52:11).
Trưởng lão Anuruddha cũng nhấn mạnh rằng Satipaṭṭhāna giúp
cho hành giả thành tựu khả năng kiểm soát các phản ứng tâm thuộc cảm xúc được gọi
là “thần lực của bậc thánh” (ariya-iddhi),
nhờ đó hành giả có thể xem một đối tượng đáng nhàm chán như không đáng nhàm
chán, hoặc ngược lại, và có thể từ bỏ cả hai – nhàm chán và không nhàm chán – với
tâm quân bình, buông xả (SN 52:1).
Trưởng lão nhấn mạnh thêm rằng những ai chểnh mảng, thối thất
bốn pháp Lập niệm sẽ sớm rời xa thánh đạo dẫn đến chấm dứt khổ đau. Trong khi
đó, những ai tinh cần tu tập bốn pháp Lập niệm chắc chắn đang bước trên thánh đạo
tiến tới giác ngộ giải thoát (SN 52:2). Ngài còn nói rằng pháp hành cao thượng
này đưa đến đoạn tận tham ái (SN 52:7). Giống như dòng nước sông Hằng xuôi chảy
về đại dương sẽ không bị người làm chệch khỏi thiên hướng, một tỳ khưu chuyên
tâm hành trì bốn pháp Lập niệm sẽ không bị lung lạc chệch khỏi cuộc sống xuất
ly và trở lui hoàn tục (SN 52:8).
Lần nọ, khi Anuruddha lâm trọng bịnh, chư tăng rất ngạc
nhiên thấy ngài vẫn điềm nhiên tự tại lúc bị cơn đau hành hạ. Họ hỏi ngài trú
tâm như thế nào khiến thân đau mà tâm không khổ. Ngài trả lời đó là do ngài
hành trì Satipaṭṭhāna (SN 52:10). Lần khác, vào một buổi chiều ngài Sāriputta đến
viếng ngài Anuruddha và hỏi bạn đang thường xuyên tu tập pháp hành nào mà vẻ mặt
lúc nào cũng trong sáng, an lành, và thanh tịnh. Trưởng lão Anuruddha nói rằng
ngài hành trì Satipaṭṭhāna đều đặn, và đó cũng là cách các vị a-la-hán sống và
hành trì thường nhật. Ngài Sāriputta vô cùng hoan hỷ với câu trả lời của ngài
Anuruddha (SN 52:9).
Một lần nữa, khi hai vị Trưởng lão Sāriputta và Moggallāna hỏi
ngài về sự khác biệt giữa một vị hữu học (sekha,
còn đang tu tập trên thánh đạo) và vị a-la-hán (asekha, bậc vô học đã thành tựu thánh quả cao nhất), ngài Anuruddha
trả lời rằng hai vị ấy khác biệt về sự thực hành Satipaṭṭhāna: vị hữu học hoàn
thành chỉ một phần, còn vị a-la-hán đã viên mãn pháp hành này (SN 52:4-5).
Trường lão Anuruddha cũng khẳng định rằng, qua quá trình thực
hành chánh niệm, ngài sở hữu được mười phẩm chất cao quý được gọi là “mười lực
của Đức Như Lai” (dasatathāgatabala).
Đó là:
1. Trí biết được việc gì có thể xảy đến và không thể xảy đến,
do thấy rõ tương quan nhân quả.
2. Trí biết nghiệp báo trong cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị
lai.
3. Trí biết con đường đưa đến các cõi tái sinh khác nhau.
4. Trí biết các yếu tố tạo thành thế gian.
5. Trí biết thiên hướng khác nhau của các chúng sinh hữu
tình.
6. Trí biết mức độ căn cơ của chúng sinh.
7. Trí biết về các tầng thiền và các thiền chứng.
8. Túc mạng trí: biết tất cả kiếp quá khứ của bản thân và
chúng sinh.
9. Thiên nhãn trí hay sinh tử trí: biết sự lưu chuyển sinh tử
của chúng sinh tùy theo duyên nghiệp.
10. Lậu tận trí: biết thật tướng của phiền não, đoạn trừ mọi
nhiễm ô. (SN 52:15-24)
Chú giải ghi rằng ngài Anuruddha sở hữu một phần các phẩm
tính này; chỉ có bậc Toàn Giác mới sở hữu trọn vẹn mười sự hiểu biết cao tột
này mà thôi.
*
No comments:
Post a Comment