Hơn 15 năm trước, trong một diễn đàn Phật giáo quốc tế trên Internet có người giới thiệu một cuốn sách về Satipaṭṭhāna (lập niệm, niệm xứ) của một vị sư người Đức. Nhiều thành viên của diễn đàn, trong số đó có vài vị sư Âu Mỹ, khen ngợi về nội dung cuốn sách, phân tích chi tiết bài kinh Niệm xứ (kinh số 10, Trung bộ ) và áp dụng vào pháp hành thiền. Tò mò, tôi đặt mua cuốn sách qua mạng và đọc thử. Từ đó, cuốn sách nầy là một trong những cuốn sách tôi tham khảo thường xuyên. Cho đến bây giờ, thành thật mà nói, tôi cũng chưa dám chắc là tôi hoàn toàn thẩm thấu những gì trình bày trong cuốn sách đó.
Cuốn sách là một phiên bản luận án tiến sĩ của Bhikkhu Anālayo tại Đại học Peradeniya, Sri Lanka, với tựa đề “Satipaṭṭhāna, the Direct Path to Realization” (Niệm xứ, con đường trực tiếp đưa đến thực chứng), đầu tiên xuất bản năm 2003 và được tái bản nhiều lần tại Anh quốc, Đài Loan và Thái Lan. Cuốn sách cũng đã được dịch sang 10 thứ tiếng, và đã được cư sĩ Nguyễn Văn Ngân dịch sang tiếng Việt, tựa đề “Satipaṭṭhāna -Con Đường Thẳng Tới Chứng Ngộ” , xuất bản ấn tống tại Sài Gòn vào cuối năm 2018.
Tôi học được rất nhiều sau khi đọc cuốn sách đó và theo dõi các bài tham luận của Sư đăng trên các tập san Phật giáo cùng các mục từ chuyên môn mà Sư đã đóng góp cho các bộ từ điển bách khoa Phật giáo. Tôi cũng theo dõi các bài pháp thoại của sư và loạt bài giảng về kinh Trung bộ phổ biến trên Youtube và trong trang web khoa Phật học của Đại học Hamburg, Đức quốc. Mặc dù chưa từng tiếp xúc trực tiếp, tôi rất tri ân Sư về những bài giảng đó, phân tích tỉ mỉ có logic, với phần ghi chú và tài liệu tham khảo rõ ràng trong tinh thần học thuật nghiêm túc.
Sau khi học xong chương trình tiến sĩ ở Sri Lanka, Sư trở về Đức dạy học và tiếp tục công trình nghiên cứu. Sư tự học tiếng Hán và bắt đầu nghiên cứu, dịch và giới thiệu bộ kinh A-hàm của Hán tạng. Từ đó, ngoài các bản dịch Trung A-hàm và Tạp A-hàm, Sư viết nhiều bài tham luận, so sánh đối chiếu một số bài kinh trong A-hàm và Nikāya. Tôi rất ấn tượng khi đọc một bài tham luận của Sư với tựa đề “Trung A-hàm trong Hán tạng và Trung bộ trong Nikāya – Đi theo vết chân của Thích Minh Châu” (The Chinese Madhyama-āgama and the Pāli Majjhima-nikāya - In the Footsteps of Thich Minh Chau). Điều nầy nói lên tính khiêm nhượng của Sư là chỉ tiếp tục và khai triển dựa theo công trình tiên phong của ngài Hòa thượng Thích Minh Châu.
Ngoài việc dạy học và nghiên cứu – Sư đã cho xuất bản 18 cuốn sách và hằng trăm bài tham luận, Sư còn là một thiền sư. Sư bắt đầu tu thiền từ khi còn là một cư sĩ trẻ, theo trường phái Vipassana của ngài thiền sư U Ba Khin, Miến Điện. Hiện nay, mỗi năm Sư được thỉnh mời đến nhiều nơi ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á để hướng dẫn các khóa tu thiền.
Tôi cảm thấy gần gũi với những gì Sư viết và giảng. Có tính học thuật nghiêm túc nhưng đồng thời cũng có các hướng dẫn thực tế áp dụng vào công phu hành thiền. Các ý tưởng trình bày đều có tính khoa học và khách quan, không thiên vị một tông môn, tông phái nào – Nam tông, Bắc tông hay Mật tông, mặc dù Sư là một tu sĩ Theravāda. Thêm vào đó, Sư là một trong những vị tỳ-khưu nhiệt tình ủng hộ việc tái lập dòng Tỳ-khưu-ni Theravāda với những bài tham luận phân tích sâu sắc, có tính thuyết phục.
Tôi thường tâm sự với các bạn đạo rằng Sư là một trong những vị tu sĩ Phật giáo đặc biệt, hiếm có trong thế kỷ 21 của chúng ta. Một vị tu sĩ giỏi pháp học lẫn pháp hành – một nhà học giả mà cũng là một vị thiền sư, một vị tu sĩ giỏi ngôn ngữ hiện đại (Anh, Đức) lẫn ngôn ngữ cổ xưa (Pāli, Sanskrit, Hán cổ), một vị tu sĩ có tầm nhìn rộng và khách quan về giá trị của các nguồn kinh điển và các truyền thống Phật giáo.
Có thể xem thêm danh sách các tác phẩm và các bài tham luận của Sư, đồng thời, có thể tải về một số tài liệu nầy, tại trang web:
https://www.buddhismuskunde.uni-hamburg.de/en/personen/analayo.html
* Ghi thêm đôi dòng tiểu sử:
Tỳ-khưu Anālayo sinh năm 1962 tại Đức quốc và xuất gia tại Sri Lanka năm 1995. Sư hoàn tất chương trình Tiến sĩ tại Đại học Peradeniya, Sri Lanka, năm 2000. Luận án được xuất bản tại Anh quốc năm 2003. Trở về Đức, Sư tiếp tục chương trình nghiên cứu hậu tiến sĩ tại Đại học Marburg, trong đó, Sư nghiên cứu so sánh đôi chiếu các bài kinh Pāli trong Trung bộ với các kinh tương đương trong A-hàm Hán tạng, Sanskrit và tiếng Tây Tạng. Sư là giáo sư Phật học tại Đại học Hamburg và là thành viên của Trung tâm Phật học Numata. Sư cũng là nhà nghiên cứu tại trường Cao đẵng Phật học Dharma Drum (Phật Cổ), Đài Loan. Hiện nay, Sư là giảng sư tại Trung tâm Phật học Barre, Massachusetts, Hoa Kỳ. Ngoài các hoạt động nghiên cứu Phật học, Sư thường xuyên hướng dẫn các khóa thiền.
Pháp danh ANĀLAYO dịch sang tiếng Hán là 無著 (Vô Trước - không vướng mắc, không chấp trước), tiếng Sanskrit là ASAṄGA, cũng là tên của một vị Luận sư Đại thừa nổi tiếng của Ấn Độ trong khoảng thế kỷ IV.
* * *
No comments:
Post a Comment